Hôm nay,  

Trách Nhiệm Xã Hội Của Quản Trị

30/11/200500:00:00(Xem: 9943)
-Sau vụ xưởng hóa chất nổ, gây ô nhiễm sông Tùng Hoa và đe dọa tới sông Hắc Long Giang, thì 1 tai nạn hầm mỏ lại vừa xảy ra tại Trung Quốc khiến 30 thợ chết.

Tai nạn dồn dập ấy khiến dư luận thế giới quan tâm đến sự rủi ro quá lớn đang đe dọa đời sống người dân tại các quốc gia mà nhà nước và doanh nghiệp coi thường trách nhiệm xã hội của việc quản trị. Đề tài ấy sẽ được tìm hiểu qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong mục Diễn đàn Kinh tế, đài RFA, do Việt Long thực hiện.

Hỏi: Tại Trung Quốc, khi nguy cơ dại dịch cúm gà đang gia tăng thì tỉnh Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc bị tai nạn dồn dập. Cả trăm triệu tấn độc benzene từ sông Tùng Hoa sẽ chảy lên sông Hắc Long Giang, qua Liên bang Nga là sông Amur, và hầm mỏ Đông Phong lại vừua bị nổ tại tỉnh. Vì vậy, dư luận thế giới quan tâm đến sự an nguy của người dân và nạn ô nhiễm cho môi sinh của nhiều địa phương rộng lớn. Do những biến cố trên, kỳ này chúng tôi xin đề nghị với ông là chúng ta cùng tìm hiểu về những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

- Thưa vâng, cả trách nhiệm xã hội lẫn tổn thất kinh tế bên dưới hiện tượng vô trách nhiệm ấy. Tân Hoa Xã của Bắc Kinh có trích dẫn một thống kê đáng giật mình từ bộ Công an là hàng năm loại tai nạn ấy làm hơn một triệu dân Trung Quốc thiệt mạng và làm kinh tế bị mất hơn 80 tỷ Mỹ kim, tương đương với 6% của tổng sản lượng nội địa GDP, gần gấp đôi GDP hàng năm của Việt Nam. Đầu đuôi của vấn đề, tôi thiển ý là một vấn đề nhận thức, hay văn hóa, của giới hữu trách, rồi lại được lãnh đạo ở trên bao che hay ém nhẹm tin tức vì lý do chính trị.

Khi lãnh đạo ở trên không nhìn ra vấn đề thì cấp thừa hành ở dưới không thấy cần sửa sai nên tiếp tục dung dưỡng sự sai lầm ấy. Trường hợp của Việt Nam cũng không khác và chính người dân phải ý thức được sự kiện này. Ý thức đầu tiên là giới quản trị, hay quản lý nói theo kiểu Việt Nam, cũng phải có trách nhiệm về xã hội, chứ không thể nói rằng mục tiêu nhiệm vụ của họ chỉ là sản xuất hay tạo ra việc làm mà thôi.

Hỏi: Chúng ta bắt đầu đi vào đề tài với việc phân định loại vấn đề xã hội đặt ra cho giới quản trị, dù là quản lý một doanh nghiệp hay là một cơ quan. Vì sao những vấn đề lại là văn hóa và vì sao ông cho là Trung Quốc và Việt Nam có loại vấn đề ấy"

- Vì Marx. Khi Karl Marx viết Tuyên ngôn Cộng sản vào năm 1848, ông ta thực ra chưa biết gì nhiều về chủ nghĩa tư bản, duy nhất chỉ thấy hình thái doanh nghiệp là nhà máy kéo bông có vài trăm nhân viên làm việc dưới sự chỉ huy của một tốp thợ cả. Thời ấy, loại doanh nghiệp như ta thấy ngày nay chưa hiện hữu. Marx chỉ thấy một xưởng kéo bông tại Manchester của người bạn là Engels và suy đoán và thêu dệt ra một chuỗi lý luận mà một số người ngày nay tại Trung Quốc hay Việt Nam chưa thấy là sai nên chưa nhìn ra vấn đề về nhận thức hay văn hóa tiềm ẩn bên dưới.

Hỏi: Nhưng điều gì cũng thay đổi và ngày nay thế giới đã đổi khác thì liệu nhận thức ấy có thay đổi không"

- Có mà ít và lại sai nữa. Thế giới đã thay đổi rất nhiều và chủ nghĩa tư bản hay lối tổ chức các cơ sở kinh doanh đã qua nhiều thời kỳ ứng phó dung hợp mà giới lãnh đạo nơi ấy không hiểu. Vì là kẻ tân tòng chập choạng học theo kinh tế thị trường nên họ có phản ứng thái quá, hay nói theo Lenin, rơi vào "chủ nghĩa ấu trĩ" của những người vừa nắm được cái búa, thấy vấn đề gì cũng chỉ là cái đinh nên đòi nện cho mạnh là hoàn tất mục tiêu. Họ cứ nhìn vào chỉ tiêu của kế hoạch mà lãng quên trách nhiệm với xã hội, thường thì khó kê khai trên bảng kế toán.

Hỏi: Chúng ta đi vào vấn đề: thưa ông, thế nào là trách nhiệm về xã hội của việc quản trị"

- Tôi xin khởi đầu với khái niệm trước, thực tế sau. Một tổ chức hay cơ quan nào đó không thể sinh hoạt trong hư vô mà có một mục tiêu nhất định cho xã hội hay môi trường kinh doanh mà ta gọi là thị trường, và bị chi phối bởi vấn đề của xã hội. Ta có hai loại vấn đề là, thứ nhất vấn đề do xã hội đặt ra cho tổ chức; thứ hai là loại vấn đề mà tổ chức gây ra cho xã hội.

Tại thủ phủ Cáp Nhĩ Tân của tỉnh Hắc Long Giang, tổ chức kinh doanh của nhà nước gây ra ô nhiễm với cả trăm tấn nitrobenzene đang chảy từ Tùng Hoa vào sông Hắc Long Giang. Sở dĩ như vậy là vì giới quản trị, là đảng viên cán bộ quản lý doanh nghiệp, không phải quan tâm đối phó với loại sức ép mà xã hội đặt ra cho họ. Xã hội sở dĩ không có quyền đặt vấn đề vì tính chất phi lý của tổ chức chính trị hiện hành. Ở xứ khác, điều này khó xảy ra.

Hỏi: Xin ông đơn cử cho vài thí dụ về những trường hợp ấy ở xứ khác…

- Tại Hoa Kỳ, tháng Ba 1989, tầu dầu Exxon Valdez của Exxon ngộ nạn ở Alaska khiến 42 triệu lít dầu thô chảy ra ngoài và gây ô nhiễm cho một vùng cực lớn. Dù tập đoàn này bị kiện và bồi thường bạc tỷ, đến nay là mười mấy năm sau nhiều giới tiêu thụ vẫn tẩy chay Exxon. Nhiều người khác cũng tẩy chay tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới sau khi Exxon sát nhập với hãng Mobil thành ExxonMobil vì doanh nghiệp này mang tiếng là hợp tác với nhiều chính quyền độc tài trên thế giới.

Một trường hợp khác đang xảy ra là hai tổ hợp bán lẻ lớn nhất của Mỹ là Wal-Mart và Target bị kêu gọi tẩy chay vì đưa khẩu hiệu chiêu mại tiếp thị là "Vui mùa Lễ lạc" ("Happy Holidays") thay vì "Chúc mừng Giáng sinh" ("Merry Christmas"). Hai doanh nghiệp này muốn nhấn mạnh đến việc mua xắm mùa lễ cuối năm nhưng bị đả kích là cố tình hạ thấp tầm quan trọng của Thiên chúa giáo khi tránh nói đến chữ Giáng sinh. Loại áp lực ấy của thị trường là điều quá mới và cho đến nay chưa được chấp nhận tại Trung Quốc hay Việt Nam. Vì vậy mà giới quản trị có thể coi thường trách nhiệm xã hội. Mạng sống hay sức khỏe của dân chưa hề là một bài toán về quản trị, nên dân mới chết oan.

Hỏi: Như vậy trong các bài học về quản trị hay kinh doanh, ta phải chú ý đến trách nhiệm xã hội. Nhưng liệu đó có là gánh nặng cho doanh nghiệp hay trách nhiệm của nhà nước chăng"

- Chính quyền và nhà nước tất nhiên có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm đầu tiên đặt ra là cho tổ chức - xin nhắc lại là tổ chức kinh doanh hay phi kinh doanh, như nhà thương trường học - vì phải ý thức được bài toán của xã hội cho mình và bài toán của mình cho xã hội ngay trong từng quyết định quản trị.

Những doanh nghiệp có ý thức và sáng tạo cao thì nhìn thấy vấn đề ấy từ trước khi xảy ra và có khi còn kiếm lời nhờ việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ ngăn ngừa tai nạn ấy cho xã hội. Và khi có thông tin rõ ràng không che giấu, giới tiêu thụ biết rõ thiện chí hay thành tích của các tổ chức này mà chiếu cố hay tẩy chay. Tức là thị trường có biết đánh giá trách nhiệm ấy.

Hỏi: Trở lại trường hợp Trung Quốc hay Việt Nam, người ta có thể làm gì để tránh những tai họa oan uổng này cho cư dân và môi trường"

- Chính quyền nào, ở bất kỳ nơi đâu, cũng chỉ có phản ứng khi người dân có phản ứng. Ở các nước có tự do và dân chủ, phản ứng ấy có quyền biểu hiện và dễ biểu hiện, nên trở thành luật của nhà nước hay lệ của người dân. Tại những xứ chưa có dân chủ như hai trường hợp đang nói, người dân phải vất vả nêu lên quan điểm của mình, nhưng có thể tìm được sự hỗ trợ của quốc tế. Thí dụ như nạn đưa thiếu nhi vào kỹ nghệ bán dâm hay nạn bóc lột sách nhiễu nữ công nhân đã được quốc tế lên tiếng và đáng được nhiều người Việt tiếp tay để ngăn ngừa.

Hỏi: Nhưng, tại Việt Nam chẳng hạn, nhiều khi chính doanh nghiệp nước ngoài có góp phần vào những việc tệ hại ấy, làm sao có thể nói đến chuyện vận động nước ngoài giúp mình"

- Hiện tượng xấu thì nơi nào cũng có, ngược lại, mình cũng có nhiều tổ chức ngoài chính phủ tiếp tay tố giác những hiện tượng này. Quan trọng nhất là chính quyền có quan tâm và làm tròn nhiệm vụ bài trừ hay không. Quy luật thông thường là "nhà dột từ nóc", khi thấy lãnh đạo ở trên coi dân như rác thì giới quản trị xứ khác càng ít quan tâm đến trách nhiệm xã hội của họ.

Ngược lại, và đây là một trào lưu mà người mình nên chú ý theo dõi vì tạo ra cơ hội giải trừ tệ nạn này: đó là ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế ý thức được trách nhiệm ấy và đang làm các quốc gia độc tài và khinh dân phải thay đổi chính sách của họ. Hai thí dụ mới đây của hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới là Wal-Mart cho thấy điều ấy.

Hỏi: Wal-Mart là doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ và thế giới, với rất nhiều khách hàng và hãng xưởng tại Trung Quốc. Thưa ông, họ đã làm những gì mà mình nên chú ý"

- Nếu là một quốc gia biệt lập, Wal-Mart có nền kinh tế đứng hàng thứ 20 trên thế giới, với doanh vụ là 285 tỷ, lợi nhuận hơn 10 tỷ và tuyển dụng một triệu 600 ngàn công nhân viên, mà 15% là 400 ngàn, ở nước ngoài.

Gần đây, là vào tháng Bảy vừa qua, Wal-Mart đã ký thỏa ước với một tổ chức bảo vệ môi sinh và thiên nhiên hoang dã là mỗi khi họ khai thác một mẫu đất cho việc kinh doanh, như để mở cửa hàng và bãi đậu xe, thì họ góp tiền tham gia xây dựng một diện tích tương đương làm khu lâm viên bảo tồn thiên nhiên và thú hiếm. Quan niệm của họ là khi kinh doanh thì phải phục vụ xã hội đang nuôi sống cơ sở của mình. Thí dụ thứ hai gần với ta hơn, là quyết định mới đây của Wal-Mart tại Hoa lục.

Hỏi: Wal-Mart có cái thế rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vì là đầu cầu xuất khẩu hàng hóa chế biến rất rẻ tại Hoa lục vào Hoa Kỳ. Họ dùng cái thế ấy vào việc gì"

- Wal-Mart đặt làm gia công rất nhiều tại Trung Quốc, và một mình đã giúp Hoa lục đạt xuất siêu tới 15 tỷ Mỹ kim với thị trường Hoa Kỳ. Ngày 16 tháng 10, Wal-Mart thông báo là mọi hãng xưởng của họ tại Trung Quốc cũng phải đạt cùng tiêu chuẩn về bảo vệ môi sinh như tại Hoa Kỳ. Ông Tổng quản trị CEO của công ty còn phát biểu là không chấp nhận được việc trẻ em ngụp lặn và nhiễm bệnh trong các dòng sông đầy chất độc do hãng xưởng thải ra để người ta mua rẻ được ba xu mỗi khúc ống nước sản xuất ra từ nơi ô uế ấy.

Khi Wal-Mart nâng tiêu chuẩn sản xuất lên cao hơn vì ý thức trách nhiệm xã hội, các hãng xưởng quốc tế hay Trung Quốc muốn cung cấp hàng cho họ để được phân phối trên hệ thống Wal-Mart cũng phải tuân thủ. Tác động dây chuyền của quyết định này vì vậy rất đáng kể trong thời gian tới.

Câu kết luận ở đây là quần chúng, là giới tiêu thụ và các tổ chức xã hội đã biết gây sức ép thành phong trào chiến dịch để thay đổi cung cách quản trị hay kinh doanh của nhiều cơ sở trên thế giới và tác động vào cả chính sách quốc gia ở xứ khác. Sức mạnh của thị trường, qua các chiến dịch đấu tranh có phối hợp, là điều mà người dân ở các nước nghèo cần thấy, để lên tiếng, tham gia và sớm chấm dứt tình trạng quản trị vô trách nhiệm. Nếu mình không lên tiếng thì chẳng ai giúp gì được hết…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lên tiếng về việc Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Đầu năm 1976, tôi tham gia cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp thuộc Bộ Tư Pháp trong Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam
Quốc nạn Hoàng sa - Trường Sa đang diễn ra.  Trong nước, ngoài nước cùng thức tỉnh.  Vì sao ra nông nỗi này "  Làm thế nào để thoát nạn, giành lại đất, biển
Điều được phô trương sau 5 ngày họp  Đòan đã phản ảnh “ là ''hơi thở" của đoàn viên thanh thiếu niên cả nước”, thật ra rất hời hợt và vô trách nhiệm.
Suốt 75 năm qua, CSVN lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để trương ngọn cờ máu trên lãnh thổ Hồng Lạc. Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt VN thành hai miền riêng
Chúng ta đang ở vào mấy ngày cuối của năm 2007. Qua năm 2008, kinh tế thế giới sẽ ra sao và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào"
Chỉ còn một vài ngày nữa hết năm cũ bước sang năm mới 2008, chúng ta thử kiểm điểm lại thành quả CDD/Washington
Trong sự kiện Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa đã dấy lên một cơn thịnh nộ của người dân Việt Nam. Riêng Việt Cộng thì muốn che đậy hành vi
Hằng năm, cứ vào tháng mười hai dương lịch, mọi nhà trên nước Mỹ đều náo nức, bận rộn trưng bầy đèn đuốc
Đầu tháng 12 năm 2007, khi nhà nước Việt Nam tiết lộ và lên tiếng phản đối quốc hội Trung quốc thông qua quyết nghị thành lập thành phố Tam Sa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.