Hôm nay,  

Ảo Thuật Hối Đoái Của Trung Quốc

29/07/200500:00:00(Xem: 11884)
Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gây xôn xao trong dư luận khi quyết định điều chỉnh trị giá đồng Nhân dân tệ. Ảnh hưởng thực ra sao"
Đài RFA đã trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài sau đây.
Hỏi: Trung Quốc đã giữ nguyên chế độ ngoại hối cố định là 8,28 đồng Nhân dân tệ đổi lấy một Mỹ kim trong 11 năm. Nhưng hôm Thứ Năm 21 vừa qua, quyết định điều chỉnh tỷ giá đồng bạc của Trung Quốc đã gây chấn động trên thế giới.
Một số dư luận lập tức thông báo rằng Trung Quốc thả nổi đồng bạc; nội dung thực tế của việc đó là gì, và nên đánh giá quyết định ấy như thế nào"
Thả nổi đồng bạc"
Đáp: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức là Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh, công bố một lúc bốn điểm mà ban đầu một vài nguồn tin tại Việt Nam gọi sai là “thả nổi đồng bạc” hay thậm chí “phá giá đồng bạc”. Chúng ta phải đi lại từ đầu để tìm hiểu về nội dung của sự việc.
Bốn điểm ấy là: Thứ nhất, bãi bỏ chế độ giàng giá đồng Nhân dân tệ, hay đồng “nguyên”, vào đồng Mỹ kim và chuyển qua chế độ hối đoái thả nổi có quản lý theo quy luật cung cầu, dựa trên một nhóm hay một rổ gồm nhiều ngoại tệ thay vì chỉ định giá theo đồng đô la.
Thứ hai, vào cuối mỗi ngày giao dịch, họ ấn định tỷ giá mới của đồng bạc sẽ áp dụng cho hôm sau. Thứ ba, tỷ giá mới của đồng Nhân dân tệ vào bảy giờ chiều Thứ Năm 21 tháng Bảy, giờ Bắc Kinh, được ấn định lại là 8,11 đồng ăn một Mỹ kim. Thứ tư, duy trì biên độ giao dịch đồng bạc trong khoảng trên dưới 0,3%, tức là cao hơn hay thấp hơn giá chính thức 8 đồng 11 xu có 2 xu 4 trinh, và cho các ngoại tệ khác cũng được trao đổi trong các biên độ sẽ được thông báo sau.
Nhân đây, tôi nghĩ rằng mình nên thống nhất gọi đồng đô la của Hoa Kỳ là Mỹ kim, vì Đài Loan hay Hong Kong cũng gọi đồng bạc của họ là đô la, tất nhiên với trị giá khác.
“Thả nổi có hạn chế”
Hỏi: Như vậy, thì nên gọi thế nào cho chính xác quyết định mới về ngoại hối của Trung Quốc"
Đáp: Quyết định ấy được họ gọi là “thả nổi” đồng bạc, thực tế thì vẫn là neo đồng bạc vào Mỹ kim, nhưng với một sợi dây phao được nới ra cho dài hơn được một mẩu. Thứ nữa, chiều dài của sợi dây sẽ được điều chỉnh theo yêu cầu giao dịch, nhưng vẫn trong một khoảng cách rất hẹp. Thứ ba, Bắc Kinh nói là sẽ định giá đồng bạc căn cứ trên một giỏ ngoại tệ mà nội dung chưa được thông báo là gồm những gì, và tôi cho rằng còn lâu mới được thông báo cho rõ ràng.
Kết luận là “thả nổi có hạn chế”, thực tế thì có nâng giá đồng bạc chừng 2,1%, từ 8,28 ăn một Mỹ kim thì từ nay chỉ cần 8,11 là đổi được một Mỹ kim. Thế giới bị mê hoặc bởi chữ “thả nổi” mà ít chú ý đến chữ “có hạn chế”, “có quản lý”. Vì vậy, tôi mới gọi đó là trò ảo thuật hối đoái.
Nguyên nhân của việc điều chỉnh
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông có nhiều lần trình bày vấn đề này và kết luận rằng Bắc Kinh chưa thể thả nổi cho đồng Nhân dân tệ được giao dịch tự do mà sẽ điều chỉnh chính sách ngoại hối của họ theo hai hướng.
Thứ nhất là cho trao đổi tương đối rộng rãi hơn, trong một biên độ giao dịch lớn hơn, như Việt Nam đã từng áp dụng; và thứ hai, nên định giá đồng bạc theo một trị giá phức hợp gồm nhiều ngoại tệ thay vì chỉ dùng đồng Mỹ kim làm cơ sở. Bây giờ, nói đến thời điểm: Vì sao Trung Quốc ra quyết định điều chỉnh vào lúc này"
Đáp: Đường lối này thực ra đã có tên gọi tắt là BBC - basket, band, crawl - là một giỏ ngoại tệ, trong một biên độ và bò lên xuống trong biên độ ấy, như Singapore đã áp dụng từ nhiều thập niên. Quyết định này thực ra được dự đoán từ trước, nhất là tại Mỹ.
Cùng nhiều nước khác, Hoa Kỳ là quốc gia nêu vấn đề rõ rệt nhất với Trung Quốc, chính thức là từ tháng Chín năm 2003 và ngày càng gay gắt hơn cho đến gần đây. Lý do là trong luồng giao dịch mua bán giữa hai nước, Trung Quốc đạt xuất siêu, tức là bán nhiều hơn mua, kể từ năm 1986 trở đi và ngày càng cao hơn, năm ngoái thì lên đến khoảng 160 tỷ Mỹ kim.
Từ đầu năm 2002, Mỹ kim bị sụt giá vì hai khiếm hụt song hành của kinh tế Mỹ là bội chi ngân sách và thiếu hụt cán cân vãng lai, việc sụt giá ấy là tác dụng điều chỉnh về cung cầu để chấn chỉnh chi thu tại Mỹ.
Nhưng, kể từ 1994, Trung Quốc áp dụng chế độ ngoại hối cố định, theo hối suất nhất định, nên Mỹ kim chìm tới đâu thì đồng Nhân dân tệ sụt đến đấy, một cách giả tạo vì không theo quy luật cung cầu.
Nhờ vậy mà hàng Trung Quốc vẫn rẻ hơn thực tế và trung hòa, hay hóa giải, tác dụng điều chỉnh cần thiết của thị trường. Hoa Kỳ vì vậy mới phê phán Trung Quốc là gián tiếp trợ cấp xuất khẩu bằng hối suất rẻ và yêu cầu Bắc Kinh phải thả nổi hoặc chấm dứt chế độ hối đoái cố định cho đồng bạc tăng giá. Nếu không, Quốc hội Mỹ sẽ trả đũa, cụ thể là Thượng viện Hoa Kỳ trù tính biểu quyết một dự luật do hai Nghị sĩ đệ nạp là đánh thuế phụ trội 27,5% trên hàng nhập khẩu từ Hoa lục.
Từ đầu năm nay, Mỹ kim đã giảm đà tuột giá và còn lên giá, Bắc Kinh chọn thời điểm này để nâng giá đồng bạc vì tương đối ít bị ảnh hưởng nhất khi mà khoảng cách giữa hai đồng bạc được thu hẹp hơn trước. Ngoài ra, còn nhiều lý do chính trị khác để giải thích thời điểm này.
Nội dung và hậu quả

Hỏi: Bây giờ, nói về nội dung và hậu quả của việc điều chỉnh. Quyết định nâng giá 2,1% này có đủ điều chỉnh hay chưa"
Đáp: Khi nói đồng bạc trị giá bao nhiêu tiền là ta so sánh với một đồng bạc khác, đó là tỷ giá hối đoái hay hối suất, nó tùy thuộc vào khối lượng hàng hóa mua bán giữa hai bên. Khi neo giá đồng Nhân dân tệ vào Mỹ kim với tỷ giá 8,28 mà tiền Mỹ sụt giá thì đồng nguyên của Trung Quốc trở thành rẻ hơn.
Nhưng rẻ hơn bao nhiêu thì ta khó tính cho ra, có nơi ước lượng là từ 10 đến 25%, có nơi còn nói đến 40%, so với Mỹ kim. Việc Quốc hội Mỹ đòi nâng quan thuế biểu lên 27,5% hàm ý rằng tiền Trung Quốc rẻ hơn thực giá đến 27,5%. Từ bộ Ngân khố, người ta bắn tiếng rằng Bắc Kinh phải nâng giá đâu đó 10% mới gọi là tạm được. Như vậy, sau lời ca ngợi ban đầu là Trung Quốc đã chấp nhận điều chỉnh, người ta sẽ thấy quyết định ấy chưa đủ và áp lực bảo hộ mậu dịch sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Hỏi: Nhìn từ phía Trung Quốc thì việc nâng giá đồng bạc 2,1% trong một biên độ hẹp, chỉ bằng một phần ba của một phần trăm, sẽ có ảnh hưởng ra sao"
Đáp: Ảnh hưởng lớn nhất là ngoại giao và chính trị thì sẽ không bền như vừa nói vì sau khi xét vào thực tế, các nước sẽ thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách kiểm soát hối đoái, đồng bạc chưa được mua bán tự do. Về kinh tế, ảnh hưởng này cũng rất hạn chế về xuất nhập khẩu, vì nâng giá quá thấp trong biên độ quá hẹp và chỉ làm giảm một chút mức lời của khu vực xuất khẩu.
Vì sức năng động kinh tế Hoa lục tùy thuộc vào khối lượng đầu tư nên quyết định hối đoái quá nhỏ này không làm thay đổi tình hình và cụ thể là chưa góp phần hạ nhiệt nền kinh tế. Nói chung, ảnh hưởng của quyết định này đến việc xuất nhập khẩu của các xứ khác, kể cả Việt Nam, thực ra không đáng kể. Nhưng ảnh hưởng tài chính của việc này mới đáng chú ý.
Nạn đầu cơ
Hỏi: Ông nhìn thấy những vấn đề gì trong lãnh vực tài chính mà cho là đáng quan tâm"
Đáp: Từ đầu năm nay, thị trường các nơi, kể cả và nhất là tại Trung Quốc, đều dự đoán là cuối cùng Bắc Kinh phải nâng giá đồng bạc và vì dự đoán như vậy nên mới có nạn đầu cơ. Như đầu tháng Năm vừa qua, một bài báo trên tờ Nhân dân Điện tử đã loan tin sẽ nâng giá tuần sau và lập tức làm dư luận xôn xao, sau đó mới có lời cải chính từ Ngân hàng Trung ương.
Hỏi: Ông nói đến nạn đầu cơ là điều mà dư luận bên ngoài ít chú ý. Ông có thể giải thích cho rõ hơn được không"
Đáp: Tại Đông Á, giới đầu tư tài chính nói đến một khối lượng gọi là “tiền nóng”, được ước lượng khoảng 700 tỷ Mỹ kim, kết quả của vụ Mỹ kim sụt giá từ đầu năm 2002. Khối lượng này như một con nước, tràn vào nơi nào người ta thấy có hy vọng sinh lời cao nhất.
Khoảng phân nửa số tiền này, cỡ 350 tỷ, đang nằm tại Trung Quốc và thổi lên trái bóng đầu cơ về địa ốc ở đấy; chừng một phần tư nằm tại Nhật Bản và phần còn lại ở các nước Á châu khác. Từ đầu năm nay, khối tiền nóng ấy trôi dần khỏi Á châu, một phần vì Mỹ đã nâng lãi suất và một phần vì giới đầu tư thất vọng với triển vọng sinh lời tại Hoa lục. Sau quyết định nâng giá Nhân dân tệ, người ta chưa rõ là con nước đầu cơ này sẽ lên xuống ra sao.
Lối đầu cơ
Hỏi: Người ta có thể đầu cơ như thế nào"
Đáp: Tôi xin nói ngay là trong lãnh vực kinh tế, đầu cơ không có ý xấu về đạo đức mà chỉ là đầu tư để kiếm lời nhanh nhưng có rủi ro lớn. Về lối đầu cơ, khi dự đoán là hối suất 8,28 sẽ đổi thì ta bỏ tiền ra mua đồng Nguyên, khi tiền lên giá thì bán lại để mua Mỹ kim và lập tức hưởng phần sai biệt ấy. Nạn đầu cơ xảy ra khi người ta mua Nhân dân tệ chờ thời và trong khi chờ đợi tiền ấy thổi lên trái bóng đầu cơ địa ốc.
Bây giờ, khi được biết đồng tiền sẽ được điều chỉnh liên tục, ta có hai trường hợp. Theo kịch bản thứ nhất, tiền sẽ trôi vào Trung Quốc đợi kỳ lên giá và gây hậu quả khó lường, nên Thống đốc Chu Tiểu Xuyên của Ngân hàng Trung ương đã vừa lên tiếng cảnh báo nạn đầu cơ này, vì càng muốn thuyết phục thiên hạ là mình đã giải tỏa hối đoái, Trung Quốc càng dễ bị nạn đầu cơ.
Theo kịch bản hai, nếu thất vọng vì mức nâng giá quá thấp, tiền ấy sẽ tháo chạy qua xứ khác, kể cả Hoa Kỳ, và đấy cũng là một mối lo cho Bắc Kinh. Cho nên trò ảo thuật hối đoái của họ không giải quyết được vấn đề mà còn gieo họa.
Nhóm ngoại tệ định giá đồng Yen
Hỏi: Thế còn cái rổ ngoại tệ để định giá đồng Nhân dân tệ, ý nghĩa của việc ấy là gì"
Đáp: Đấy là một màn ảo thuật khác. Trung Quốc không thông báo là nhóm ngoại tệ dùng làm cơ sở định giá ấy là gì, nhưng, nếu xét vào cấu trúc ngoại thương, tức là lượng hàng mua bán với các xứ khác, ta thấy có năm loại ngoại tệ chính, theo tỷ trọng sau đây: Mỹ kim chiếm 27%, đồng Yen Nhật 31%, đô la Hong Kong 24%, đồng Euro 15% và đồng Bảng Anh 4%. Vì đô la Hong Kong lại neo giá vào Mỹ kim nên thực tế thì Mỹ kim vẫn chiếm hơn 50% tỷ trọng.
Nếu nhớ là đồng Yen cũng ít nhiều giàng giá vào Mỹ kim, tỷ trọng của đô la Mỹ trong cái rổ ngoại tệ này vẫn là 80%. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn chủ yếu giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ mà lại ra vẻ chê tiền Mỹ. Tức chẳng thả nổi đồng bạc mà cũng chẳng đoạn tuyệt với tiền Mỹ. Sau những xôn xao hồ hởi ban đầu, thị trường sẽ thấy ra điều ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năng lượng chúng ta đang tiêu dùng xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Từ thiên nhiên, cần phải kể đến than đá, than bùn, dầu hỏa, và khí thiên nhiên.
Hai thập niên của cuối thế kỷ 20 đã bắt đầu đánh dấu sự cáo chung của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Nhân loại đã thắm thía và đau khổ vì chủ nghĩa cộng sản
Giờ đây đã đến cái lúc toàn bộ vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như lãnh hải của tổ quốc Việt Nam bị Trung Cộng xâm chiếm đập thẳng
Hàng trăm Tăng ni Phật Tử đã về tham dự đông đảo buổi cơm gây quỹ cho Ngày Về Nguồn 2008
Trong khi chờ đợi các cuộc điều tra - và đổ lỗi - về vụ nguyên Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị ám sát chiều 27, người ta có thể nhìn ra một
Tiếp tục chính sách "Dâng Đất Cầu Hoà là Hành Động Tự Hủy Diệt" tương lai và sự sống của hàng trăm triệu con dân Việt khi Trung Quốc áp dụng chủ thuyết
Trước tiên phải xác định mục đích đi DU HỌC là gì. Có mục tiêu đúng đắn thì mới có phương hướng đúng đắn, có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng.
Sự kiện Trung Quốc thành lập Huyện Tam Sa đã bùng lên một sự phản đối mạnh mẽ của người Việt Nam trên khắp thế giới. Những câu hỏi được đặt ra
Chúng tôi thực không muốn cứ lặp đi lặp lại những điều đã viết rất nhiều lần trong mấy năm qua, và cũng đã được nhiều nhà bình luận nói đến trên nhiều báo chí
Đất nước đang chuyển mình đến một khúc quanh quan trọng của lịch sử. Những biến động vừa qua là những tín hiệu của những cơn sóng ngầm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.