Hôm nay,  

Công Nghệ Thông Tin Việt Nam Về Đâu?

08/06/200500:00:00(Xem: 10823)
Tuần báo tin học InformationWeek tại Hoa Kỳ vừa có bài về sức cạnh tranh của Việt Nam khi nhận làm gia công về thông tin điện toán. Thực tế, công nghệ này của VN có đi xa nổi không"
Diễn đàn Kinh tế Đài RFA tìm hiểu về khả năng ấy lẫn hoàn cảnh chung của công nghệ thông tin tại Việt Nam, qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trong chương trình chuyên đề, phát thanh hôm 7-6, do Việt Long thực hiện sau đây.
Quy luật tất yếu
Hỏi: Kỳ trước, nhân nói về chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông có đề cập tới một thí dụ là Ấn Độ và một ngành trọng điểm là công nghệ thông tin. Tuần này, tờ InformationWeek cho biết kết quả khảo sát của công ty tư vấn về công nghệ thông tin neoIT rằng Việt Nam là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ muốn thuê chuyên viên viết nhu liệu về thông tin và điện toán vì lãnh lương rẻ nhất thế giới, nhưng vẫn có thể thua Ấn Độ trong lãnh vực này vì thiếu người có đủ khả năng. Xin ông trình bày sơ qua về bản tin trước khi ta nói về thông tin điện toán tại Việt Nam.
-- Dù một số dư luận bảo hộ mậu dịch tại Hoa Kỳ ưa đả kích việc các doanh nghiệp đặt làm gia công ở bên ngoài để trả lương rẻ hơn, các công ty Mỹ vẫn theo dõi tình hình nhân dụng và kỹ thuật trên toàn cầu để tìm nguồn cung cấp có giá trị nhất. Tôi thiển nghĩ rằng đây là một quy luật tất yếu và không đáng trách trong nền kinh tế thị trường đang được toàn cầu hóa. Ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, nhiều cơ sở đã tìm nguồn cung cấp ấy tại Việt Nam và đây là điều có lợi cho người Việt ở trong nước lẫn bên ngoài.
Nhằm phục vụ yêu cầu này, công ty tư vấn neoIT với hội sở tại thị trấn Ramon của California và chi nhánh tại Ấn Độ và Philippines, vừa công bố Thứ Tư mùng một kết quả khảo cứu về lương bổng trong ngành thuật lý tín học, gọi tắt là IT Information Technology - ở nhà gọi là công nghệ tin học hay công nghệ thông tin. Tôi có đọc bản phúc trình và chỉ xin nói gọn rằng Việt Nam đáng chú ý vì có mức lương thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, và đây là vấn đề đáng lưu ý, Việt Nam thiếu nhân sự đủ tay nghề để giải quyết loại nghiệp vụ phức tạp cho nên việc đặt làm gia công tại đây mới chỉ có lợi cho loại công tác hạ đẳng, có trình độ chuyên môn thấp và chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ sở cần khai thác loại hoạt động có trình độ cao và khối lượng lớn.
Ấn Độ vẫn có lợi thế lớn
Hỏi: Và ngược lại, thưa ông, Ấn Độ vẫn có lợi thế lớn dù lương bổng cao hơn và yêu cầu về gia công đã tăng vọt từ nhiều năm qua"
-- Thưa vâng, việc công ty Mỹ thuê nhân viên Ấn làm việc tại Ấn cho thị trường Hoa Kỳ đã gây sóng gió trong dư luận - như "dân Ấn cướp mất việc làm của dân Mỹ" - chỉ vì từ vài năm nay, thị trường Ấn cung cấp nhiều nhân lực cho doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù như vậy, và dù mức lương tại Ấn đã lên khá cao, Ấn vẫn là nơi hấp dẫn hơn cả - tính ra thì rẻ hơn cả - vì họ có một kho nhân lực dồi dào và có trình độ chuyên môn rất cao.
Vài thí dụ sau đây cho thấy điều ấy: tại Việt Nam, lương trung bình cả năm cho một người mới tốt nghiệp vào nghề là 3.276 đô la; tại Ấn, mức lương khởi đầu ấy là 5.443 đồng, cao hơn 66%. Mức lương cho hạng ba, loại nhân viên điều hành có từ năm đến tám năm kinh nghiệm ở Việt Nam là 8.571 đô la một năm; tại Ấn mức lương đó là 13.124 đô la Mỹ.
Nhân đây, xin nói luôn rằng trong vùng Á châu Thái bình dương, Singapore dẫn đầu, với mức lương cho hạng ba kể trên là hơn sáu vạn đô la một năm. Nếu tình bình quân cho cả ba trình độ kinh nghiệm ấy làm tiêu chuẩn tiết kiệm về lương bổng thì một nhân viên Mỹ lãnh thí dụ 100, còn nhân viên Việt Nam lãnh 7, nhân viên Ấn Độ hay Trung Quốc lãnh 12, Nga lãnh 26 và Canada lãnh 55. Dĩ nhiên, lương bổng không là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc dân Việt lãnh lương rẻ mà vẫn chưa giật được việc làm của thiên hạ là một vấn đề ta đáng lưu ý.
Công nghệ tin học tại Việt Nam
Hỏi: Vì vậy, chúng ta trở lại khung cảnh chung của công nghệ tin học tại Việt Nam. Ông nhận định ra sao về khu vực này"
-- Ta thường nghe nói rằng một số dân tộc lại có khả năng chuyên biệt về khoa điện toán, như người Ấn Độ, Ba Tư, chẳng hạn. Tôi cho là trong số này phải kể đến người Việt nữa, dù đây là một khoa tương đối mới cho xã hội. Ở hải ngoại, ta có thể thấy ra ưu thế ấy của người Việt tại Âu châu hay Hoa Kỳ, trong đại học và ngoài doanh trường. Tuy nhiên, ưu thế này chưa thể phát triển hết ở trong nước vì nhiều nguyên nhân.
Việt Nam nói đến giấc mơ kiếm ra bạc tỷ nhờ công nghiệp phần mềm, tức là viết nhu liệu điện toán cho thế giới, đến việc điện tử hóa bộ máy hành chính, đến một chính quyền điện tử - E-Government - đến việc hội nhập vào nền kinh tế "digital" của thế giới, v.v… mà thực ra vẫn tụt hậu. Nhiều tổ chức quốc tế đã từng nghiên cứu tình hình này và cũng đã khuyến cáo chính quyền từ mấy năm nay mà kết quả vẫn còn quá chậm. Lý do chính vẫn là tư duy và cơ chế.
Tư duy và Cơ chế
Hỏi: Ông có thể giải thích rõ nhận định trên với một số minh chứng cụ thể được không"

-- Điện tử hóa các sinh hoạt của xã hội đòi hỏi cái gì" Thứ nhất là khả năng viễn thông với giá biểu thấp để phổ cập cho đa số người dân. Thứ hai là khả năng thông tin trên mạng điện toán, là Internet. Tại Việt Nam, vì lý do gọi là an ninh, lãnh vực viễn thông vẫn thuộc độc quyền nhà nước, cạnh tranh nếu có thì chỉ giữa cơ quan của chính phủ hay quân đội, tất cả đều vẫn là quốc doanh, nên giá biểu vẫn cao và phẩm chất vẫn kém, làm sao phổ cập"
Thứ hai, nói đến Internet, lãnh đạo nghĩ ngay đến quyền tự do dân sự của người dân là mối họa cho chính quyền, nên vẫn tìm cách kiểm soát. Hai thí dụ nói trên xuất phát từ cơ chế bao biện của nhà nước và tư duy hãi sợ của lãnh đạo. Ngoài ra, ta còn gặp nhiều vấn đề phức tạp khác nữa.
Hỏi: Vâng, bây giờ, ông có thể liệt kê ra các loại vấn đề đó được chăng"
-- Thứ nhất, về tư duy, là cách suy nghĩ, thì nhiều người, từ trong chính quyền ra tới doanh giới lẫn xã hội nói chung, vẫn chưa ý thức được tiềm năng của công nghệ tin học và sức đóng góp rất lớn của nó cho công cuộc phát triển kinh tế và xã hội. Đã vậy, một số viên chức nhà nước còn sợ rằng loại thông tin minh bạch và tức thời ấy sẽ thu hẹp quyền lực hay khả năng tham ô của họ.
Một thí dụ là nếu điện toán hóa hệ thống tồn kho hay chi thu cho cơ sở thì họ mất cơ hội kiếm lời bất chính, vì vậy mà dù có được viện trợ một khung kế toạn tự động chạy bằng máy vi tính, họ cũng cố phá máy để tiếp tục sổ sách bằng bút chì cho tiện việc chấm mút.
Cần nỗ lực hơn về thông tin và giáo dục
Hỏi: Như vậy, phải chăng, nỗ lực thông tin và giáo dục là điều cần thiết hay không"
-- Từ mấy năm qua, Đảng Cộng sản và Chính phủ tại Việt Nam đã có nào Chỉ thị số 58, Quyết định số 81 hay nhiều văn kiện khác để lập ra Kế hoạch Tổng thể về Công nghệ Tin học cho các năm từ 2001 đến 2010, từ 2002 đến 2005. Rồi cứ theo đó, mỗi bộ hay ban ngành cũng lại có một kế hoạch tổng thể riêng của mình để báo cáo cho đẹp lòng thượng cấp và các nước cấp viện.
Nói chung, về tư duy thì vẫn chỉ nghĩ đến việc xây dựng nền công nghiệp tin học hơn là phát huy hiệu năng của ngành ấy cho mọi khu vực sinh hoạt của quốc gia. Và các doanh nghiệp thì luôn luôn có phản ứng là phải cần tới sự yểm trợ hay bảo lãnh của chính phủ thì mới cạnh tranh nổi với bên ngoài. Chúng ta có thấy tâm lý ấy trong buổi thảo luận tuần qua về kế hoạch phát triển phần mềm Việt Nam cho năm năm 2006-2010, mới được báo chí loan tải hôm Thứ Hai mùng sáu vừa qua.
Hỏi: Đó là về mặt chính sách thông tin, còn vềø giáo dục thì sao"
-- Về mặt giáo dục thì chỉ tiêu đào tạo ra 50.000 ngàn kỹ sư và cử nhân công nghệ thông tin cho năm 2005 này vẫn không đạt được và chỉ tiêu 200.000 cho năm 2010 lại càng khó đạt. Với chừng 20.000 chuyên viên đã tốt nghiệp, mỗi năm hai chục đại học và hơn 100 trường kỹ thuật hay huấn nghệ có giảng dạy đôi chút về điện toán thì cũng chỉ đào tạo được từ 2.500 đến 3.000 người trên một sĩ số toàn quốc là hơn 20 triệu học sinh và sinh viên. Con số ít ỏi này giải thích vì sao thế giới nói là Việt Nam thiếu tay nghề biết việc về công nghệ tin học.
Cần nói thêm là trong số hai vạn chuyên viên ấy, chỉ phân nửa là làm việc trong kỹ nghệ tin học, phân nửa còn lại đi tìm việc khác. Chưa kể là thầy lại không giỏi, trò không được dạy đúng mức, thiếu thiết bị và cơ hội thực tập cụ thể, và nói chung lại còn kém Anh văn nên khó cạnh tranh được với các nước khác khi phải làm gia công.
Luật lệ còn thô thiển và lạc hậu
Hỏi: Ngoài sự thiếu thốn ấy, công nghệ tin học Việt Nam còn gặp loại vấn đề gì nữa"
-- Về cơ chế, tôi thiển nghĩ rằng nền tảng luật lệ của Việt Nam còn quá thô thiển và lệch lạc. Chưa có quy định về buôn bán trên không gian điện toán thì làm sao thanh toán" Việc bảo vệ tác quyền không được chấp hành thì ai bảo vệ giới soạn thảo nhu liệu"
Tháng trước, báo chí trong nước còn than là giấy phép kinh doanh Internet được bán với giá quá cao, và thành phố Sàigon lại tạm dừng đăng ký kinh doanh dịch vụ Internet tại quận Ba cho đến hết năm nay, nếu tự ý mở không giấy phép thì bị phạt hàng triệu! Chính phủ thì chỉ biết ra nghị định ưu đãi công nghiệp tín học bằng giảm thuế và trợ cấp mà không quan tâm gì đến yêu cầu về tin học của mọi doanh nghiệp. Ngay trong lĩnh vực đầu tư, cho đến nay, đầu tư nước ngoài và tư doanh Việt Nam vẫn còn bị hạn chế và kỳ thị trong khu vực viễn thông và cung cấp dịch vụ về thông tin điện toán.
Nói vắn tắt, người ta cần giải phóng những cấm đoán, hạn chế hay ưu đãi ngược thì mới phát triển được công nghệ điện toán tại Việt Nam cho cả xã hội. Mà muốn như vậy, giới hữu trách phải tự giải phóng cái đầu trước. Tức là thay đổi tư duy.
Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu không giải phóng thì sao"
-- Thì dù người dân và nói chung giới trẻ rất có năng khiếu, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác. Và đáng sợ hơn cả là bên trong sẽ có sự dị biệt khó san bằng giữa một bên là một thiểu số ở thành thị đã cố chạy theo kịp thế giới với bên kia là đa số còn lại ở thôn quê. Chúng ta sẽ có một thiểu số đã mấp mé đi vào thế kỷ 21 và một phần đông đảo còn lại vẫn ở trong thế kỷ 19. Bất công chính là ở đấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.