Hôm nay,  

Việt Nam 30 Năm Sau -- Nguyễn Xuân Nghĩa Phỏng Vấn Hoàng Đức Nhã: Vn Phải Chuyển Hóa

30/04/200500:00:00(Xem: 15280)
Kết thúc một cuộc chiến ba mươi năm - 1945-1975 - Việt Nam mất ba mươi năm nữa để nghiền ngẫm về lẽ thắng bại và lợi hại của chiến tranh.
Nhưng, địa cầu không ngừng quay vào năm 1975 và thế giới ngày nay đã có nhiều đổi thay lớn lao trong quan hệ quốc tế. Những đổi thay ấy tất nhiên sẽ dội vào Việt Nam như đã từng dội vào Việt Nam khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc năm 1945. Trong hoàn cảnh ấy và rút tỉa kinh nghiệm xót xa từ bài học 1975, Việt Nam ngày nay nên làm gì"
Kết thúc loạt bài đặc biệt về biến cố 1975, chúng tôi xin mở ra một trang mới về tương lai trước mắt, qua một số tham khảo ý kiến sau đây:

Hoàng Đức Nhã, người từng sát cánh TT Thiệu chống sức ép của Hoa Kỳ: VIỆT NAM BẮT BUỘC PHẢI CHUYỂN HOÁ

Nguyên Bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hòa, ông Nhã là người đã cùng chính quyền của Tổng thống Thiệu cưỡng chống sức ép của Hoa Kỳ trong những năm cuối của cuộc chiến. Sau 1975, ông là chuyên gia cấp điều hành của một tập đoàn doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, chuyên trách về các hoạt động kinh doanh quốc tế, và hiện đang sống tại Chicago. Trong dịp ôn lại kinh nghiệm 1975 và nói về tương lai trước mắt, ông Nhã đã đặc biệt trả lời cuộc phỏng vấn sau đây của Nguyễn Xuân Nghĩa về "Việt Nam, Ba mươi năm sau", thực hiện ngày 28 tháng Tư, 2005…
Hỏi: Thưa ông Hoàng Đức Nhã, với kinh nghiệm của ông trong kinh doanh quốc tế, ông nghĩ sao về các vấn đề căn bản của Việt Nam trên bàn cờ quốc tế; như mối quan hệ về kinh tế, ngoại giao và chiến lược với Hoa Kỳ và các đại cường Đông Á, như Trung Quốc chẳng hạn"
-- Tôi nghĩ là Việt Nam đã lãng phí nhiều cơ hội để trở thành một cái lực kinh tế đích thực khả dĩ giúp Việt Nam có một cái thế trên chính trường châu Á. Lực chưa có thì khoan nói tới trò thế lực. Việt Nam chưa thể - nếu không nói thẳng là không thể - vận dụng nguồn yểm trợ dồi dào của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thiện chí hào phóng của Hoa Kỳ, để thi hành những chuyển hóa thực tế vì tới nay vẫn lòng vòng trong loại đổi mới nửa chừng, ở ngoài da.
Về mặt kinh tế, Việt Nam cần ý thức được rằng, dù muốn hay không, mình đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, và rằng mình phải hiểu rõ luật chơi khả dĩ ứng phó được với các đại cường. Trong địa hạt ấy, tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là thúc đẩy cải cách mạnh hơn hầu sớm gia nhập tổ chức WTO. Nhờ đấy mới thu hoạch được những lợi ích kinh tế, làm nền móng cho những chuyển hóa có thể nâng cao mức sống và phẩm chất cuộc sống cho cả xã hội và một sân chơi bình đẳng tương đối, tức là một môi trường kinh doanh không kỳ thị hay phân biệt đối xử, để thu hút loại đầu tư nước ngoài thực sự có giá trị đóng góp cao. Chế độ tại Việt Nam đừng sợ hãi là khi mở cửa tiếp nhận đầu tư thì sẽ gặp nguy cơ đe dọa nền móng của mình - cứ tiếp tục sợ hãi như vậy mới là nguy đấy!
Về mặt chánh trị, Việt Nam đã bị các nước như Thái Lan hay Nam Dương (Indonesia) đẩy ra vùng biên tế, cụ thể là qua mặt. Hai xứ ấy khéo xử để trở thành những đồng minh thiết yếu của Hoa Kỳ trong trận chiến chống khủng bố. Chế độ Việt Nam đừng nên nghĩ là mình sẽ láu cá dùng đòn bẩy chiến lược với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều đó sẽ không xảy ra đâu! Tôi nghĩ là Việt Nam chẳng có cái thế gì để Hoa Kỳ vận dụng nhằm chặn đà Trung Quốc. Nói cho cùng, với một chế độ thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, thời chánh quyền hiện nay không thể thuyết phục được vì sao Hoa Kỳ phải cất công giúp đỡ và bảo vệ nếu như Trung Quốc ra tay chơi bạo. Đồng thời và nhìn từ mặt kia thì Việt Nam không là một rào cản Trung Quốc trong nỗ lực kiên trì nhằm chinh phục vai trò bá quyền kinh tế và chính trị của họ tại Á châu. Việc Trung Quốc tiến sâu tới Phi Luật Tân (Philippines) với gói quà quân viện là một nước cờ táo bạo trong một khu vực cho tới nay thường vẫn được coi là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Về mặt chiến lược, chế độ hiện hành tại Việt Nam phải tìm ra một giải pháp ứng xử - một modus vivendi - với Trung Quốc vì dầu sao Trung Quốc là mối đe dọa thực sự đấy. Níu áo Mỹ để được bảo vệ chống Tàu là một trò rượt bắt vô vọng, may lắm thì chỉ trì hoãn được cái họa tất yếu mà thôi. Nghiêm trọng hơn thế, chánh quyền Việt Nam hiện nay đừng cho Bắc Kinh một lý cớ đặng đòi ăn thua đủ với Việt Nam khi Hà Nội cứ rêu rao là "Việt Nam đã cho Trung Quốc một bài học năm 1979." Trung Quốc năm 2005 đã vượt xa Trung Quốc thời 1979 một khoảng cách bằng nhiều năm ánh sáng, kể cả về ý chí lẫn khả năng.


Hỏi: Cho dù bất cứ ai lãnh đạo Việt Nam hiện nay hoặc sau này, theo ông nghĩ, đâu là những mục tiêu đích thực của Việt Nam" Và làm sao thực hiện mục tiêu ấy"
-- Đầu tiên và quan trọng nhất, Việt Nam phải thực hiện việc chuyển hóa - dầu có khó khăn lúc đầu - để xây dựng một xã hội dân sự có thể sinh hoạt trên một nền tảng pháp quyền, trên cơ sở của luật pháp công khai minh bạch. Nền móng pháp định ấy phải tôn trọng những quyền căn bản của con người - như tự do ngôn luận, hội họp, tự do tôn giáo - vốn được ghi trong / và bảo đảm bởi / bản Hiến pháp Cộng sản hiện hành, ít ra về lý thuyết.
Xã hội dân sự ấy phải gồm những người đang sinh sống tại Việt Nam và cả những người muốn trở về xây dựng xã hội này. Quyền tự do sinh hoạt của xã hội dân sự phải có chuẩn mức cao hơn, không chỉ từ chánh quyền mà từ toàn thể xã hội, về sự minh bạch, về trách nhiệm với quốc dân và xã hội và vể quy tắc cai trị công quyền. Muốn đạt mục tiêu ấy, tôi cho rằng chánh quyền phải cổ võ và nuôi dưỡng đa nguyên chánh trị, phải giao tiếp với các nguồn hướng dẫn dư luận trong và ngoài nước - dầu là đại diện cho tôn giáo, sắc tộc hay kinh doanh - thời mới nên chuyện.
Đồng thời với mục tiêu xây dựng xã hội dân sự kể trên, chế độ tại Việt Nam cũng cần đạt hai mục tiêu khác. Thứ nhất về khai thác tài nguyên, thứ hai về huy động kinh tế. Về tài nguyên, Việt Nam phải biết cách tận dụng những tài sản phong phú - cụ thể là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào lẫn nguồn nhân lực đầy năng động biến báo và có khả năng học hỏi rất cao - trong các dự án phát triển được thiết kế trên những nguyên tắc kinh tế đúng đắn lành mạnh và có khả năng thu hoạch vững bền thay vì dựa trên những tính toán chánh trị hay những đặt để chủ quan độc đoán. Về huy động kinh tế, Việt Nam cần tạo một sân chơi bình đẳng cho tư doanh nội địa lẫn giới đầu tư ngoại quốc. Phải giải phóng tiềm năng dồi dào về sáng tạo và quản trị của dân mình ở trong nước và phải xây dựng được môi trường thuận tiện cho việc du nhập toàn bộ kỹ thuật và kiến năng ngoại quốc. Có như vậy, Việt Nam mới phát triển "quy trình tốt đẹp" trong sinh hoạt kinh tế, có khả năng tiếp nhận kiến thức và lề lối kinh doanh ưu tú nhất. Tôi gọi đó là quy trình tốt đẹp vì đổi lại nó cũng nâng cao trình độ và phạm vi của sân chơi bình đẳng. Chỉ bằng cách ấy, chế độ mới tránh được vòng xoáy luẩn quẩn đầy tai hại là đánh sụt mức sống người dân, từ đó dẫn tới động loạn xã hội và khủng hoảng chính trị.
Về câu hỏi làm sao thực hiện các mục tiêu trên, ta lại trở về mục tiêu đầu tiên là chánh quyền phải có quyết tâm và cam kết thực thi đa nguyên chánh trị và tự do xã hội. Kế tiếp, phải có can đảm xét lại từ căn bản mô thức phát triển hiện hành, vì nó bất công khi đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội mà cũng chẳng đem lại kết quả lâu dài. Nói theo thuật ngữ của giới kinh tế và doanh thương, mô thức ấy bất công và không bền. Nói cho đơn giản và dễ hiểu thời một mô thức quá lệ thuộc vào doanh nghiệp nhà nước là các tổng công ty quốc doanh khi chúng lại không làm ăn theo đúng chuẩn mực quốc tế, và lại quá chú trọng vào xuất cảng thì không thể nâng cao được mức sống một cách đồng đều và tất nhiên là không giảm được mức nghèo đói của cả xã hội. Ta đừng nên chỉ ngó vô bề mặt và vài kết quả phiến diện ở thành thị mà phải thấy toàn cảnh vẫn còn lầm than của cả nước.
Hỏi: Là doanh gia người Mỹ gốc Việt Nam, lại từng có nhiều kinh nghiệm với Hoa Kỳ trong quá khứ, ông nghĩ rằng đâu là những lỗi lầm nên tránh khi giao kết hay tính toán với Hoa Kỳ"
-- Lịch sử không hề nhân nhượng với kẻ thua, nhưng cũng là bài học không thể quên. Việt Nam Cộng Hòa thời ấy có hai đối thủ là Cộng sản Việt Nam và Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ đương thời. Bài học chúng ta tiếp nhận được khi ứng xử với Hoa Kỳ ngày xưa càng làm sáng tỏ một yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam ngày nay. Là mình có cái thế gì trong chánh sách Á châu của Hoa Kỳ"
Chánh quyền Việt Nam đừng nuôi mộng là vì mình có thể ngăn được Trung Quốc mà Hoa Kỳ sẽ bồng mình lên. Việt Nam không có chi đổi chác với Hoa Kỳ trong những chiến lược công khai hay thầm kín của họ tại châu Á. Chính quyền Mỹ lấy quyết định trước nhất và căn bản nhất trên cơ sở của quyền lợi tối hảo. Quốc hội Mỹ - nhiều khi rất khật khùng - có thổi lên làn khói mù đẹp tựa mây ngũ sắc về nào là xây dựng quốc gia, phát huy dân chủ hay tôn trọng chủ quyền, chớ tới khi đối đế, họ sẽ nêu câu hỏi là ta được gì khi cứu giúp nước khác. Điều bất hạnh là trong cuộc đấu sinh tử trên bàn cờ Mỹ-Hoa hiện nay, Việt Nam chẳng có chi để đánh ké, nói gì tới góp phần ngã giá.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lệ phí giao dịch $8 sẽ được bớt cho các khách hàng nào dùng Wells Fargo ExpressSendSM lần đầu cho tới ngày 29 tháng Hai, 2008
 Lê Công Phụng, Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn vửa mở cửa hàng  chào khách đã nói những điều không thật và nói sai thực tế 
Cộng đồng người Việt ở Canada có khoảng hai trăm ngàn người nhưng  Liên Hội Người Việt Canada
Ông bà nào cũng tuyên bố chung chung ủng hộ tự do, dân chủ, tranh đấu nhân quyền… Toàn rượu nhạt trong bình cũ...
Sau hơn một tuần lễ kể từ ngày chính phủ Hoa Kỳ đạt thỏa hiệp trục xuất với Cộng Sản Việt Nam 22 tháng Giêng, 2008, chúng tôi vẫn tiếp tục
Đinh Từ Bích Thúy sinh năm 1962 tại Sàigòn, rời Việt Nam tháng Tư 1975, tốt nghiệp cử nhân danh dự song khoa văn
Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước
Tổng cục Thống kê tại Việt Nam vừa cho biết là chỉ số giá tiêu dùng đã tăng gần 2,4% so với tháng 12. Và nếu so với tháng Giêng năm ngoái
Thụy Khuê là môt nhà nghiên cứu và phê bình văn học nổi tiếng. Bà sinh năm Giáp Thân, 1944, tại Hải Hậu, Nam Định
Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân trong Giai phẩm Việt Báo Xuân Mậu Tý vừa xuất bản bỗng soi ra nhiều chuyện bất ngờ từ một cuốn phim đã bị lãng quên
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.