Hôm nay,  

Xung Đột Vì Dầu Hỏa

15/03/200500:00:00(Xem: 13043)
Tuần qua, khi giá dầu thô mấp mé đỉnh 55 đô/thùng và nạn hải tặc dồn dập xảy ra tại eo biển Malacca, thì mâu thuẫn bất ngờ lại bùng nổ giữa Indonesia và Malaysia về quyền khai thác dầu khí ngoài khơi. VN sẽ ra sao"
Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ đề cập tới mâu thuẫn, thậm chí nguy cơ xung đột, liên hệ đến chủ quyền và dầu khí tại vùng Đông Á, qua cuộc phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện như sau.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hôm Thứ Sáu 11, quan hệ giữa Indonesia và Malaysia bỗng căng thẳng khi Ngoại trưởng Malaysia tuyên bố là hai nước có thể lâm chiến vì mâu thuẫn liên hệ đến một giếng dầu ngoài biển. Câu hỏi đáng chú ý cho toàn vùng và cho cả Việt Nam là dầu khí có thể là đầu mối tranh chấp hay xung đột tại Đông Nam Á không"… Xin ông trước hết cho thiùnh giả biết về bối cảnh của vấn đề ấy.
-- Vụ tranh chấp manh nha từ lâu và hôm 16 Tháng Hai đã thành vấn đề nóng khi quốc doanh dầu khí Malaysia là Petronas cùng tổ hợp Royal/Dutch Shell ký hợp đồng liên doanh sản xuất giếng dầu Ambalat ngoài biển Sulawesi, gần tỉnh East Kalimantan của Indonesia và gần bang Sabat của Malaysia. Phía Indonesia xác nhận đấy là giếng dầu của họ mà từ tháng 12 năm ngoái đã ký hợp đồng cho phép tập đoàn Unocal khai thác.
Quan hệ đôi bên thêm căng thẳng hôm mùng hai, khi Indonesia cho chiến hạm và chiến đấu cơ F-16 tới vùng ấy, nơi hải đội Malaysia đang tuần duyên. Lãnh đạo hải quân Jakarta còn tuyên bố là Indonesia "không để mất một tấc đất hay một giọt nước biển vào tay ngoại bang" và khi biểu tình chống Malaysia đã diễn ra tại Indonesia. Thực ra, từ vài năm nay, quan hệ giữa Jakarta và Kuala Lumpur suy đồi vì Malaysia truy lùng di dân lậu để kiếm việc tại Malaysia - đa số là dân Indonesia - và vì Jakarta đòi chủ quyền trên hai đảo nhỏ là Sipadan và Ligitan mà Malaysia nói là của mình.
Vì vậy, sau ba ngày thăm viếng Jakarta và gặp cả Tổng thống Indonesia, hôm 11 vừa qua, Ngoại trưởng Syed Hamid Albar nói đến nguy cơ chiến tranh vì giếng dầu ngoài biển. Dù ta khó tin là hai bên sẽ lâm chiến và bề nào sẽ còn gặp nhau thảo luận vào hai ngày 22-23 tới đây, mâu thuẫn này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của dầu khí trong quan hệ giữa các nước, và khiến ta liên tưởng đến trường hợp của Việt Nam.
Hỏi: Đào sâu về vụ tranh chấp, xin ông cho biết thêm về hồ sơ này, chứ chẳng lẽ hai sáng lập viên của Hiệp hội ASEAN lại có thể xung đột vì một giếng dầu"
-- Đây là hồ sơ sâu xa từ gần hai chục năm trước. Malaysia phân định chủ quyền ngoài khơi bằng cách vạch ra từ thềm lục địa, còn Indonesia thì đòi chủ quyền theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển; hai lối tính lãnh hải ấy đã trùng nhau trên một khu vực xác định là có dầu khí, trong đó có bloc dầu Ambalat. Đó là chuyện xa. Chuyện gần là năm 1999 tập đoàn Royal/Dutch Shell ký hợp đồng với Indonesia để khai thác giếng ấy; khi thấy không có lợi thì năm 2001 họ bán lại quyền đó cho một tổ hợp Ý Đại Lợi. Bây giờ, sau khi cho Unocal khai thác thì Indonesia có cảm tưởng là Royal/Dutch Shell lấy lại hồ sơ kỹ thuật của dự án cũ đã làm với mình còn Malaysia thì đổi tên giếng dầu này để xoá vết tích cũ. Sự nghi ngờ là yếu tố tâm lý trong hoàn cảnh hai chính quyềøn đang có nhu cầu củng cố thế lực chính trị ở bên trong.
Hỏi: Trong khi đó, dầu khí đang trở thành nhu cầu sinh tử cho khu vực"
-- Vâng, bao trùm lên tất cả, là Á châu đang có yêu cầu lớn về dầu khí. Khu vực này có bốn nước sản xuất dầu khí đáng kể là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Brunei. Còn Việt Nam, với trữ lượng khoảng 600 triệu thùng và nhật lượng dưới 350.000 thùng mỗi ngày thì chưa đáng kể. Cả khu vực chỉ có Brunei và Malaysia là dư dầu xuất khẩu, chừng gần triệu thùng một ngày; còn lại, tất cả - kể cả Indonesia từ 2004 - đều phải nhập. Nhiều nhất, lên tới 14 triệu thùng một ngày là của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn và Đài Loan. Khi giá dầu tăng vì số cầu rất lớn thì một số giếng dầu tưởng là có năng suất kém cũng thành hấp dẫn, chưa kể là tiến bộ kỹ thuật ngày nay cho phép cải tiến việc đào dầu ngoài khơi. Trong bối cảnh ấy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Đông Nam Á được xác định là có tiềm năng về dầu khí, cả dầu thô lẫn khí đốt. Ngoài ra, đây lại là trục vận chuyển hàng hóa từ Âu châu, Ấn Độ dương và Úc châu lên Đông Bắc Á, nên trở thành mối quan tâm cho ngần ấy quốc gia trong khu vực, từ Nhật, Úc, đến Trung Quốc, Hoa Kỳ lẫn Ấn Độ, như hai vụ hải tặc vừa xảy ra hôm cuối tuần và hôm Thứ Hai đã cho thấy.
Hỏi: Và ta trở lại một mâu thuẫn khác trong vùng liên hệ đến dầu khí và Việt Nam. Đó là tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
-- Tháng 11 năm ngoái, ta đã đề cập tới hồ sơ này khi Bắc Kinh đưa dàn khoan từ Thượng Hải xuống khai thác dầu ngay trên vùng quần đảo Hoàng Sa, tại một vị trí cách bờ biển Việt Nam chưa đến 120 cây số, cách đảo Hải Nam 123 cây số. Sau đó là vụ hải quân Trung Quốc sát hại chín ngư phủ Việt Nam ngoài khơi Thanh Hóa. Trước đó, đầu tháng Chín có vụ Bắc Kinh thỏa thuận cùng khai thác với Philippines dầu khí trên quần đảo Trường Sa, một thỏa thuận mà Hà Nội phản đối, cũng một cách yếu ớt và sau cũng đành theo. Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa, quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, hai lần xung đột với Việt Nam tại Trường Sa, năm 1988 và 1992, lần nào Việt Nam cũng bại, chưa nói đến chiến tranh năm 1979. Việt Nam nay đã khác, chính quyền chỉ có cái thế với dân đen, chứ với bên ngoài thì không đáng kể. Trong khi yêu cầu về năng lượng lẫn tham vọng trở thành cường quốc đại dương khiến Bắc Kinh gây sức ép cho Việt Nam mà giới lãnh đạo Hà Nội tránh nói đến, chỉ ca tụng quan hệ dù sao vẫn hữu nghị giữa hai nước.

Hỏi: Nhìn vào khía cạnh kinh tế, thì năng lượng là vấn đề như thế nào với Trung Quốc mà có thể thành đầu mối tranh chấp thậm chí xung đột với các lân bang"
-- Trung Quốc là xứ "tân tòng" theo kinh tế thị trường, có hiệu năng tiêu thụ năng lượng kém nên cần nhiều năng lượng, như dầu hỏa, khí đốt và than đá, thủy điện, để nuôi bộ máy sản xuất. Như trong hai năm 2002 và 2003, khi yêu cầu năng lượng của cả Á châu tăng gấp đôi thì Trung Quốc tăng gấp bảy, mỗi ngày cần năm triệu rưởi thùng dầu thô, nên năm 2003 phải nhập khẩu hơn 730 triệu thùng. Yêu cầu này sẽ còn tăng, bộ Năng lượng Mỹ dự phóng là 20 năm nữa, đến năm 2025 Trung Quốc cần 11 triệu thùng mỗi ngày, sẽ cần nhập bảy triệu rưởi thùng mỗi ngày mới đủ. Từ hai năm nay, Trung Quốc bung ra khắp nơi, mở chiến dịch vận động ngoại giao và ký mấy chục hợp đồng để bảo đảm nguồn cung cấp cho tương lai…
Khi nhìn vào sản lượng thấp của Việt Nam hiện nay, họ thấy trữ lượng dầu thô ngoài Đông hải, mà họ gọi là Nam Hải, thực ra hấp dẫn hơn. Vì trực tiếp khai thác được, mà lại còn có thể khống chế luồng giao lưu hàng hóa tại Đông Nam Á để giữ ưu thế trong toàn khu vực Đông Á. Và họ lại có quan hệ khá đặc biệt với giới lãnh đạo Hà Nội.
Hỏi: Nhưng, lập trường của Đông Nam Á và khối ASEAN ra sao đối với vấn đề ấy"
-- Hiệp hội ASEAN quy tụ 10 xứ Đông Nam Á thực ra chỉ là câu lạc bộ làm ăn, chứ bất lực về an ninh hay chiến lược mà cũng chẳng có được sự nhất trí tối thiểu. Mâu thuẫn giữa các nước sáng lập với nhau là một thí dụ. Malaysia có mâu thuẫn với Thái Lan vì chính sách đối xử với người Hồi giáo tại các tỉnh miền Nam của Thái; Indonesia mâu thuẫn với Malaysia vì di dân lao động và vì giếng dầu ngoài biển như ta vừa nói. Các hội viên lại có quy tắc không xen lấn vào chuyện nội bộ của nhau, như không đồng ý với nhau về nạn độc tài tại Miến Điện và gặp mâu thuẫn với Âu châu. Nhờ vậy, Bắc Kinh dễ "bẻ đũa từng chiếc" để chia rẽ các nước qua thỏa ước song phương, như đã có với Philippines hay với Thái, Miến Điện và ba nước Việt, Miên, Lào về sông Mekong.
Hỏi: Đó là nhược điểm của ASEAN, còn sách lược của Trung Quốc thì ra sao"
-- Tôi xin tự giới hạn vào phạm vi dầu khí. Nói về tranh chấp Trường Sa mà quốc tế gọi là Spratly, ta có sáu nước đòi chủ quyền từng phần hay toàn phần, là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Malaysia tránh đụng độ từ đầu; còn Philippines thì sau khi xung đột với Bắc Kinh và cầu cứu Hoa Kỳ, cuối cùng lại thoái bộ. Mùng hai tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh và hai nước ký kết một số thỏa ước liên hợp tìm kiếm và khai thác dầu khí tại đây. Sau khi phản đối Bắc Kinh và Manila, cuối cùng Việt Nam cũng bọc xuôi theo vì hôm 13 vừa qua, ba công ty quốc doanh về dầu khí của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam lại thỏa thuận cùng hợp tác kỹ thuật để thăm dò địa chất trên vùng quần đảo Trường Sa. Ta cần thấy rằng 5-10 năm tới, quốc doanh dầu khí Trung Quốc đã có trình độ công nghệ cao hơn, Hải quân Trung Quốc cũng đã có sức mạnh khác. Lúc ấy, Bắc Kinh có thể dẹp luôn các thỏa thuận song phương hay đa phương để khai thác lấy một mình, mà các nước liên hệ chẳng làm gì nổi.
Hỏi: Nếu vậy, Việt Nam có thể làm được những gì, và vận động quốc tế ra sao"
-- Câu trả lời thực ra không giản dị vì có khác biệt về nhận thức của lãnh đạo Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Hà Nội không dám hoặc không muốn gây vấn đề với Bắc Kinh vì chỉ tập trung chú ý vào quyền lãnh đạo của họ, dù Việt Nam có nhiều cách xử thế khác nếu đánh giá đúng tương quan quốc tế về quyền lợi. Tôi xin đơn cử một thí dụ. Tại Đông Á, Nhật Bản mới là cường quốc kinh tế thực sự có tiềm lực lớn về cả ngoại giao lẫn quân sự. Nhật cũng cần năng lượng và 80% dầu khí nhập khẩu phải đi qua vùng biển mà Việt Nam đang tranh chấp với Bắc Kinh. Nhật là xứ dân chủ nên khó có phản ứng phát xít quân phiệt như trong quá khứ và nay ưu tư về sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng sinh tử kinh tế của mình. Vì vậy mới là trở lực cho việc Bắc Kinh đòi thống hợp Đài Loan, như đạo luật "phản phân liệt" mà Quốc hội Trung Quốc vừa biểu quyết ngày hôm qua đã cho thấy.
Riêng với Việt Nam, Nhật là nước đầu tiên vận động viện trợ khi Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận và hiện vẫn là nước cấp viện lớn nhất. Việc tăng cường hợp tác với Nhật là cần thiết về cả an ninh lẫn kinh tế và dầu khí, nếu lãnh đạo Hà Nội vượt qua được nỗi sợ hãi Bắc Kinh và phản ứng tàn dư của ý thức hệ. Thí dụ như giữa Nhật và Ấn Độ thì cứ thiên về Ấn vì mối cảm tình của Ấn với xã hội chủ nghĩa. Nói chung, khi hữu sự, người ta chỉ bênh vực mình khi có quyền lợi gắn bó với mình. Khi họ vào làm ăn để gây dựng quyền lợi ấy mà mình chỉ nghĩ đến việc móc túi vặt, hoặc cứ sợ quan điểm của họ về dân chủ hay nhân quyền thì tự mình leo nằm lên thớt, một mình. Điều ấy cũng đúng trong quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi, hay với Pháp. Hà Nội rất chuộng Pháp vì lập trường chống Mỹ, mà không thấy rằng Pháp ưu tiên buôn bán với Trung Quốc vì có lợi hơn là với Việt Nam, và Pháp còn đang muốn bán võ khí cho Bắc Kinh: võ khí ấy có khi sẽ được sử dụng ngoài biển Đông của Việt Nam….

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 30/7/2007, Hội nghị V của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã viết về công tác kiểm tra, giám sát
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã được Tổng Thống Bush và quý vị Dân Biểu
Vâng, thật vậy, bạn hãy cùng tôi tham dự lễ An Vị Quán Thế Âm Bồ Tát nơi Lễ đài lộ thiên vào ngày 14 tháng 10 năm 2007
Ngày 10 tháng 10 năm 2007, chính quyền Bắc Kinh công bố cho biết vào cuối năm nay sẽ cho mở các tour du lịch ở quần đảo Tây Sa.
Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường (MLTTVNLĐ) sẽ tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ 5 tại Kuala Lumpur
Chỉ hai tiếng đồng hồ trước khi đứng cùng lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma trong sảnh đường Rotunda của tòa nhà Quốc hội
Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện
Những cuộc biểu tình kéo hàng vạn, hàng triệu người xuống đường, gây nghẽn tắc giao thông, ngừng trệ các sinh hoạt xã hội, những chính phủ sụp đổ
Tôi đọc những dòng thơ tù của Hòa thượng Thích Quảng Độ thấy xót xa cho quê hương ngày hôm nay, vào thế kỷ 21 này trong khi nhiều quốc gia trên thế giới
Ngày xưa, có một cậu bé nóng tính. Bố cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng: Cứ mỗi lần mất bình tỉnh, mất kiên nhẫn, hoặc cãi nhau với ai
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.