Hôm nay,  

Trung Quốc Nguội Máy?

29/10/200400:00:00(Xem: 12037)
Hôm 23 vừa qua, Tân hoa xã loan báo rằng những nỗ lực của chính phủ nhằm hạ nhiệt nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có tác dụng. Tình hình này sẽ ảnh hưởng tới kinh tế VN ra sao"

Từ đầu năm nay, mục Diễn đàn Kinh tế đài RFA đã nhận định là giới lãnh đạo kinh tế Bắc Kinh phải giảm đà tăng trưởng nhưng khó đạt nổi mục tiêu ấy. Hôm nay, RFA sẽ trở lại câu chuyện này qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, chương trình ngày 26-10.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trên diễn đàn này, ông đã nhiều lần nhận định rằng Trung Quốc có nhu cầu kềm hãm tốc độ tăng trưởng để kinh tế khỏi nóng máy, nhưng khó đạt được mục tiêu ấy cho nên một rủi ro hạ cánh nặng nề, thay vì hạ cánh an toàn, vẫn sẽ xảy ra trong năm tới. Tuần qua, giới chức kinh tế Hoa Lục đã thông báo thống kê của quý III, với nhận định là nền kinh tế đã hạ nhiệt và tiếp tục tăng trưởng với ổn định. Ông nghĩ sao về những dữ kiện đó" Liệu Trung Quốc có hạ cánh an toàn hay chăng"

-- Trước khi đi vào đề mục này, tôi xin có một nhận xét về cách loan báo thông tin kinh tế tại Việt Nam. Ngày 22, Nhân Dân nhật báo tại Hà Nội loan tin với tựa đề là “Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định.” Hôm sau, tờ Nhân Dân đã loan tiếp là “Kinh tế Trung Quốc ‘nguội’ bớt, phát triển ổn định”. Nội dung hai bản tin đều trích dẫn hoặc Tân hoa xã, hoặc lời phát biểu của cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và viên chức cao cấp trong Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, thuộc Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, Trung Quốc. Những tin tức ấy đều nói lên sự lạc quan của nhà cầm quyền Bắc Kinh, báo chí Việt Nam cứ theo đó loan tin, và dư luận trong nước có thể cứ theo đó mà tin. Trong khi sự thể lại không tốt đẹp như vậy và dư luận sẽ bị bẽ bàng và thua thiệt.

Hỏi: Xin hỏi ngay rằng ông cho là kết quả “hạ nhiệt” kinh tế chưa lạc quan như vậy sao"

-- Thưa vâng. Đầu đuôi là sáng Thứ Sáu 22, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Bắc Kinh, ông Trịnh Kinh Bình, đã họp báo để công bố kết quả khảo sát tình hình kinh tế trong chín tháng đầu năm, tức là trong ba quý, ba tam cá nguyệt đầu của năm 2004. Về đại thể, tổng sản phẩm hay tổng sản lượng quốc nội GDP đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là con số quy ra toàn năm. Nhìn vậy tốc độ này có thấp dần: quý I là 9,8%, quý II là 9,6% và quý III vừa kết thúc là 9,1%. Trên cơ sở ấy, lãnh đạo Bắc Kinh lạc quan loan báo là họ đã thành công trong việc hạ nhiệt nền kinh tế. Ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá nên mọi thông tin đều được khắp nơi phân tách ngay sau khi được phổ biến, và các thị trường quốc tế đều đọc kỹ các dữ kiện do Bắc Kinh công bố ra. Kết luận chung là lãnh đạo kinh tế Trung Quốc có đạp thắng, hãm đà, nhưng chưa đủ, và tình hình chưa có dấu hiệu gì khả dĩ nói là “tăng trưởng cao với ổn định”. Cụ thể là tốc độ 9,5% còn là quá cao so với bình quân hay trung bình là 8% một năm suốt năm năm qua. Chưa kể đến một hiện tượng đều được giới nghiên cứu chú ý và, nói theo lối nôm na của ta, là “trừ hao”. Hiện tượng đó là sự thiếu trung thực của thống kê kinh tế Hoa Lục.

Hỏi: Xin ông đơn cử cho một thí dụ về tình trạng thiếu trung thực ấy vì thính giả cũng có thể liên hệ đến những gì đang xảy ra tại Việt Nam.

-- Xin phải nói ngay là Trung Quốc ngày nay đã khác, Việt Nam cũng vậy, vì giới đầu tư trực tiếp hay đầu tư tài chính đều tiếp cận khá sâu vào thị trường nên nắm vững tình hình tương đối chính xác hơn xưa. Đại để thì Trung Quốc có năm cấp hành chính từ dưới lên là xã-ấp, quận-huyện, thành phố, tỉnh và trên cùng là trung ương, trải rộng trên 23 tỉnh, năm khu tự trị hành chính, và bốn thành phố lớn có quy mô của một tỉnh. Cục Thống kê đã khảo sát tình hình căn cứ trên báo cáo của đảng viên cán bộ nhà nước từ cấp dưới lên rồi cộng chung lại, sau đó mới “trừ hao” hoặc điều chỉnh những phóng đại được tích lũy từ mọi cấp.

Một thí dụ là cách đây ba tháng, Cục Thống kê đã tổng kết đà tăng trưởng quy ra toàn năm của hai quý đầu năm là 9,7%, nhưng, nếu cộng lại báo cáo của mọi cấp thì ta có tốc độ rất kỳ lạ là 13,4% trong cùng thời kỳ. Lý do sai biệt này là khi nhà nước đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là 8%, cấp tỉnh báo cáo là đạt tốc độ 9%, cấp quận-huyện đạt 10-12% và trung ương bèn cắt bớt 2% khi làm số tổng kết. Đây là lời phát biểu của một giới chức nghiên cứu trong Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước và được giới nghiên cứu kinh tế bên ngoài chú ý.

Thí dụ khác là năm 1995, thị trấn Phụ Dương của tỉnh An Huy đã xây một phi trường trị giá hơn 300 triệu nhân dân tệ mà không có lợi ích kinh tế gì: suốt năm 2002 chỉ có 920 hành khách, mỗi ngày chưa tới ba người! Kết quả là tỉnh này mắc nợ hơn hai tỷ bạc, gấp năm lần kinh phí đầu tư cho dự án phi trường ấy, vậy mà An Huy vẫn báo cáo tốc độ tăng trưởng là 22% trong năm đó. Vụ việc chỉ vỡ lở khi giới chức đề xuất dự án được đề bạt lên vị trí lãnh đạo tỉnh rồi gần đây bị truy tố về tội tham nhũng và vừa bị xử tử hình tháng này. Đọc báo chí trong nước, ta hiếm thấy loại tin ấy, nhưng các nơi khác đều biết và đều có những kết luận dè dặt hơn về khả năng hãm đà tăng trưởng, nhất là loại tăng trưởng qua các dự án đầu cơ, loại dự án mà Thủ tướng Chu Dung Cơ ngày xưa gọi là “dự án đậu phụ”, rất dễ nát. Bây giờ ta mới trở lại đề tài...

Hỏi: Nhưng vì sao các nước lại đặc biệt chú ý đến tình hình kinh tế Trung Quốc như vậy"

-- Câu trả lời là nhân và duyên. Kinh tế Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng tại Đông Á và chi phối tình hình tăng trưởng hay ổn định của toàn vùng, lại có một hệ thống chính trị độc tài cứng ngắc nên khó ứng phó với các biến chuyển của thị trường, cụ thể là khó điều tiết kinh tế một cách linh động, và có một chế độ ngoại hối hay hối đoái cũng cứng ngắc là giàng giá đồng nhân dân tệ vào tiền Mỹ, trong khi đang bị hiện tượng bong bóng đầu tư. Đó là về cái nhân. Trái bóng ấy có thể sẽ bể vỡ chứ không bị xì chầm chậm nếu chính quyền không hạ nhiệt được bộ máy kinh tế.

Sở dĩ như vậy – và đây là cái duyên – vì ba yếu tố bất ổn là: thứ nhất, lãi suất tại Mỹ đã tăng, tiền hết rẻ để thổi nạn đầu cơ như xưa; thứ hai, nếu Mỹ kim sụt giá nữa, chế độ hối đoái Trung Quốc sẽ bị sức ép rất nặng, gây hậu quả tai hại cho toàn vùng Đông Á; và thứ ba, dầu thô tăng giá quá mạnh so với năm ngoái và còn có thể tăng trong mấy tháng tới. Ngần ấy yếu tố có thể gây chấn động cho kinh tế Trung Quốc và vì chế độ chính trị xơ cứng hiện nay, khủng hoảng kinh tế năm tới có thể dội lên thành khủng hoảng chính trị trong những năm kế tiếp. Người ta không quên là vụ Thiên an môn năm 1989 xảy ra sau những dằn xóc kinh tế năm 1987-1988.

Hỏi: Cho đến nay, việc giảm đà tăng trưởng ấy vẫn chưa có kết quả khả quan hay sao"

-- Từ cuối năm ngoái, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã thấy nguy cơ lạm phát xuất hiện sau mấy năm tưởng là phải đối phó với nạn giảm phát. Đến tháng Tư vừa qua, chính quyền xứ này ra lệnh tạm ngưng cấp phát tín dụng và dẹp bớt nhiều dự án vô giá trị, nhưng kết quả vẫn còn thấp và trong quý III vừa rồi khối đầu tư cố định lại tiếp tục gia tăng, thêm gần 26% so với hơn 14% vào quý II. Quy ra toàn năm thì có thể lên tới gần 28% cho năm nay. So với 26,7% cho năm 2003 và 14,5% cho năm năm qua thì con số đầu tư này còn quá lớn, việc giảm đà tăng trưởng rõ là chưa đạt kết quả. Nhưng dường như người ta vẫn chưa nhìn ra mối nguy ấy nên nạn bể bóng đầu tư là rủi ro khó tránh được cho năm tới.

Hỏi: Vì sao ông bi quan như vậy, khi dư luận Á châu và cả các định chế quốc tế đều có dự báo lạc quan cho kinh tế Đông Á năm tới, ít ra thì chỉ có rủi ro giảm đà tăng trưởng chưa tới 1% mà thôi"

-- Thưa vâng, khi Ngân hàng Phát triển Á châu ADB dự báo tăng trưởng 7% cho Á châu, rồi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo mới nhất là 4,5% cho kinh tế toàn cầu, dư luận tất nhiên không thấy gì đáng lo. Đầu năm 1997, các định chế quốc tế cũng có những dự báo như thế, dăm tháng sau là vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Thái Lan rồi lan khắp Đông Á khi thế giới còn đang ca ngợi phép lạ kinh tế Đông Á. Lý do ở đây có thể là người ta chưa kết hợp hiệu ứng xăng dầu và lãi suất Mỹ trong các tính toán, lý do khác có thể là họ e sợ tâm lý hốt hoảng. Nhưng, ngoài các định chế quốc tế, giới đầu tư tài chính nhiều nơi thì đã có dấu hiệu lo ngại hơn và đã điều chỉnh dự báo của họ. Đặc biệt là họ chú ý đến vụ Trung Quốc vừa phát hành trái phiếu hôm Thứ Năm 21 tuần trước...

Hỏi: Vụ này có gì là đáng chú ý, vì là một chỉ dấu tiên báo hay sao"

-- Tôi e là còn tệ hơn thế nữa vì tâm lý lạc quan của Á châu. Khi phát hành công khố phiếu, nhà nước muốn vay tiền trên thị trường, thí dụ nôm na như là khi ta mở bát họ, hay chơi hụi, và giới đầu tư có thể trả giá hay mặc cả, xem ai trả tiền lãi cao nhất thì được. Quy luật cung cầu vì vậy quyết định lãi suất. Tuần qua, khi Trung Quốc phát hành hai loại trái phiếu, hơn một tỷ đô la trái phiếu thanh toán bằng đồng Euro và 500 triệu đô la thanh toán bằng Mỹ kim. Kết quả đáng chú ý là trong việc đấu giá hay trả giá để mua các trái phiếu này, tức là để cho nhà nước Trung Quốc vay tiền, người cho vay, là giới đầu tư, lại tấp nập xếp hàng, và đòi cho vay bằng được, với lãi suất rất hạ. Lãi suất trái phiếu Euro là 4,25% và lãi suất trái phiếu Mỹ kim là 3,75%. Chúng ta kết luận ra sao" Rằng giới đầu tư tin là khách nợ Trung Quốc này khả tín, đáng tin, nhất là khi Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh có một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn, đến mấy trăm tỷ.

Hỏi: Nhưng, như thế rủi ro của việc cho vay này là gì và những ai đã cho vay như vậy"

-- Tôi xin nhắc lại là giới đầu tư, là các chủ nợ, đã cho Trung Quốc vay bằng Mỹ kim với lãi suất có 3,75%, chỉ cao hơn lãi suất trên thị trường Mỹ có 0,6%. Nếu so sánh thì độ an toàn của hai thị trường này khác nhau một trời một vực. Đấy là nghịch lý từng thấy năm 1997, trước khi khủng hoảng Đông Á bùng nổ. Giới đầu tư Mỹ không dại gì châm tiền vào đấy với lãi suất thấp như vậy, 80% các chủ nợ đó là giới đầu tư Á châu, kế tiếp là Âu châu, nhất là các ngân hàng Đức. Vụ khủng hoảng 1997 khiến giới đầu tư Á châu mất nợ đến sạt nghiệp; vụ khủng hoảng tại Liên bang Nga năm 1998 hay tại Argentina cách đây hai năm cũng khiến các chủ nợ Đức bị thiệt nhiều nhất. Có khi ta đang thấy tái diễn nạn hồ hởi sảng cũng vì các loại tin tức lạc quan như báo chí Việt Nam vừa loan về kinh tế Trung Quốc. Khi tai họa xảy ra, có khi người ta lại tự an ủi là lỗi tại Mỹ nâng lãi suất, hoặc như Malaysia đã đổ lỗi năm 1997 cho giới đầu tư tài chính Tây phương, chủ yếu là Mỹ. Thực tế chính là giới đầu tư Á châu đã không thấy trước những dấu hiệu cảnh báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.