Hôm nay,  

Phát Triển Và Giảm Nghèo Ở Vn

08/10/200400:00:00(Xem: 12382)
Nhân khóa họp thường niên với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới công bố tài liệu tổng hợp quá trình suy tư và hành động về phát triển kinh tế các nước nghèo. Việt Nam được nhìn ra sao"
Bài phỏng vấn ngày 05 tháng 10, 2004 của đài RFA với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, ghi nhận như sau.
Hỏi: Thưa ông, trước khi tìm hiểu về tài liệu do Ngân hàng Thế giới vừa công bố nhân khóa họp năm nay của các nhân vật lãnh đạo tài chính và ngân hàng, xin ông lược thuật sơ qua kết quả của khoá họp này cho thính giả cùng rõ.
-- Khởi sự từ Thứ Ba tuần trước, khoá họp thường niên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế là cơ hội quy tụ giới lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương của đâu đó 180 quốc gia hội viên. Khoá họp năm nay có lẽ quan trọng nhất ở hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, lồng trong hội nghị của giới lãnh đạo tài chính của nhóm G-7, là bảy nước công nghiệp hàng đầu và cũng là chủ nợ của nhiều nước nghèo. Đáng chú ý trong khóa họp là lời kêu gọi nỗ lực xoá đói giảm nghèo và lời cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về nguy cơ bất ổn toàn cầu khiến các nước nghèo sẽ bị thiệt nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, lần này có vị Tổng giám đốc mới, thì đưa ra dự đoán kém lạc quan về tình hình kinh tế năm 2005, do ba yếu tố đáng ngại là thứ nhất nạn bội chi tại Mỹ, thứ hai là tốc độ cải cách quá chậm tại Âu châu và Nhật Bản và thứ ba, tính chất thiếu linh động của chế độ hối đoái, tức là ngoại hối, của Trung Quốc. Việc giá dầu thô gia tăng đã đánh sụt triển vọng tăng trưởng khá tốt đẹp trong năm nay và sẽ đe dọa tình hình năm tới.
Hỏi: Còn kết quả hội nghị nhóm G-7 trong khóa họp năm nay, ông thấy có gì đáng chú ý"
-- Từ nhận định của IMF về chế độ hối đoái Trung Quốc, ta chú ý đến sự tham dự lần đầu của Bộ trưởng Tài chính Bắc Kinh trong hội nghị của nhóm G-7. Ngược với dự đoán của dư luận, rằng Trung Quốc nay đã là một nước lớn - nếu chưa mạnh - về kinh tế thì cũng phải có quyền tham gia nhóm G-7 để thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, vị đại diện của Trung Quốc lại không thiết tha gì đến vị trí ấy, có khi vì muốn tránh những ràng buộc của một nước giàu mạnh. Về chế độ hối đoái cứng ngắc của Trung Quốc, là giàng giá đồng nhân dân tệ của họ vào đồng Mỹ kim, để tiền Mỹ sụt giá thì tiền Hoa Lục sụt theo và vẫn giữ ưu thế xuất khẩu, Bộ trưởng Tài chính Bắc Kinh trả lời áp lực của nhóm G-7 rằng Trung Quốc sẽ tiến ra một chế độ linh động hơn, nhưng vào thời điểm họ thấy thuận lợi, tức là họ không thay đổi lập trường gì nhiều so với năm ngoái. Ngoài ra, hội nghị này đáng chú ý nhất ở cuộc tranh luận về việc xoá nợ giảm lãi cho các nước nghèo.
Hỏi: Vâng, đây là một đề tài đã được nhắc tới nhiều lần, Việt Nam có thuộc danh sách các nước được xoá nợ không"
-- Thưa không, đa số các nước ở trong hoàn cảnh này là các quốc gia châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara và vài nước Mỹ châu La tinh; tại Á châu chỉ có Lào là thuộc diện đang được cứu xét. Về đại lược thì các nước nghèo vay mượn hoặc các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, IMF, Ngân hàng Phát triển Phi châu, hoặc các nước giàu theo thỏa ước tài trợ song phương. Năm nay, Hoa Kỳ và Anh Quốc đồng ý là sẽ xoá hết mọi khoản nợ của các nước cực nghèo mà mắc nợ quá nhiều nên khó trả nổi. Tuy nhiên, quyết định ấy gặp trở ngại về kỹ thuật lẫn chính trị. Về kỹ thuật, nếu các định chế tài chính không thu đuợc nợ thì lấy tiền đâu tài trợ cho các nước khác. Vì nguồn vốn của các định chế nói trên chủ yếu cũng do các nước giàu cung cấp nên người ta cần tìm giải pháp, kể cả đề nghị của Bộ trưởng Tài chính Anh là nâng giá khối dự trữ vàng của IMF cho sát với thực tại hơn để IMF vẫn dư thanh khoản cho việc tài trợ. Nhóm G-7 và các định chế này còn khai thông bế tắc kỹ thuật, và Hoa Kỳ dự đoán là nội năm tới việc xoá nợ sẽ xong.
Hỏi: Còn khó khăn chính trị của việc xoá nợ này là gì"
-- Đề nghị của Anh thực ra hàm chứa việc các nước giàu phải châm thêm tiền cho các định chế tài chính quốc tế, là điều mà nhiều nước Âu châu tất nhiên không ưa lắm. Các xứ này cũng nghi ngờ thiện chí xoá nợ của Hoa Kỳ, họ cho rằng đấy là một đòn ngoại giao nhằm tranh thủ các nước nghèo, huống hồ trong số đó có cả Iraq. Mỹ không là một chủ nợ lớn của Iraq, như Pháp, Đức, Nhật hay Liên bang Nga nên có thể hào phóng xoá nợ được. Nói chung thì hội nghị G-7 này cũng chưa đạt kết quả gì cụ thể, nhưng hy vọng được xoá nợ cũng là một tin mừng cho các nước nghèo, sau gần tám năm nghe nói về việc ấy.
Hỏi: Bây giờ ta trở lại đề tài đáng chú ý nhất cho dư luận Việt Nam, tài liệu về phát triển kinh tế của các nước nghèo.
-- Thưa vâng, trong dịp tổ chức hội nghị, các định chế quốc tế đều cho ra mắt một số tài liệu chuyên đề, thí dụ như Phúc trình về Kinh doanh năm 2005, hoặc Báo cáo về Phát triển Kinh tế Thế giới năm 2005, là hai tài liệu ta đã có dịp đề cập những lần trước. Lần này, Chủ tịch và Phó Chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ra mắt một tài liệu để tham khảo nhân khoá họp. Tài liệu này tổng kết nỗ lực tư duy và thực hiện của thế giới trong lãnh vực phát triển từ hơn nửa thế kỷ để kiểm điểm thành quả và vạch hướng tiến cho tương lai. Tài liệu cô đọng có 40 trang này rất nên đuợc phổ biến tại Việt Nam.
Hỏi: Dù đã là một tài liệu cô đọng xúc tích, ông có thể tóm lược nội dung cho thính giả được rõ chăng"

-- Thưa tài liệu này gồm ba phần: Phần 1 là những đổi thay về lối suy nghĩ và thực hành trong lãnh vực phát triển, xin nói ngay là phát triển, chứ không chỉ là phát triển kinh tế. Phần 2 là xác định hiện trạng và thành quả của thập niên, hay thập kỷ, vừa qua. Phần 3 là dự phóng cho chân trời 2015 và 2030, gồm cả những việc phải làm trong mươi năm tới để xoá đói giảm nghèo cho một dân số vẫn còn quá đông của nhân loại. Phần một, là kiểm điểm những đổi thay, là điều rất đáng theo dõi, nếu ta nhìn từ hoàn cảnh Việt Nam.
Hỏi: Ông nhận xét thế nào về phần này và vì sao lại đáng cho Việt Nam chú ý nhất"
-- Bộ môn kinh tế học mới chỉ xuất hiện từ hơn 200 năm, từ các nước đang công nghiệp hoá Tây phương; khoa kinh tế học về phát triển, nôm na là kinh tế học của các nước nghèo, chủ yếu còn trong thời nông nghiệp và đa số lại là thuộc địa của Âu châu, khoa đó mới chỉ phôi thai từ sau Thế chiến II. Nó tìm cách giải quyết vấn đề của các nước nghèo với những phạm trù, ý niệm hay lối suy nghĩ của Tây phương. Nó khởi đi từ một cái nhìn máy móc và có tính chất định lượng về kinh tế, vì tin rằng tăng trưởng tức là phát triển kinh tế. Mãi cho đến khoảng 1965 về sau, lúc đó Việt Nam đang gặp chiến tranh, người ta mới ý thức được rằng phát triển bao hàm cả tính chất định phẩm - tức là có phẩm chất hay chất lượng - chứ không thu gọn vào bài toán là tăng trưởng sản xuất về lượng. Cũng vì vậy mà tôi có vẻ bi quan khi thấy giờ này, 40 năm sau, người ta vẫn cho rằng với tốc độ tăng trưởng 6-7%, Việt Nam đang phát triển. Một bài học thứ hai cần rút tỉa từ những biến chuyển, tức là tiến hoá, trong khoa kinh tế học về phát triển là vai trò của nhà nước.
Hỏi: Vốn là một điều đã từng và đang còn gây tranh luận tại Việt Nam, phải không"
-- Giới kinh tế gia thiếu hiểu biết của Âu châu, và họ là bậc thầy của nhiều kinh tế gia Việt Nam, phạm hai sai lầm trong thời hậu chiến. Một là nhìn vào bài toán tái thiết Âu châu sau chiến tranh để tìm giải pháp phát triển các nước nghèo nên có khi quên hẳn các yếu tố xã hội hay văn hoá của các nước này, đa số vốn là những nước tiền công nghiệp. Hai là bị mê hoặc bởi thành quả kỹ nghệ hoá của Liên xô - một thành quả thực ra rất tệ về sau họ mới biết - mà cho rằng chính quyền nên định hướng phát triển để giảm thiểu tác dụng xấu của thị trường. Từ sai lầm ấy, Âu châu nói tới phát triển kinh tế với sự điều tiết hay hoạch định của nhà nước, và khuyên chính quyền các nước nghèo chủ động đề ra đường lối hay kế hoạch phát triển. Hậu quả đáng tiếc của đường lối đó là rập khuôn phát triển theo mô thức của Tây phương đã kỹ nghệ hóa và còn sản sinh ra một nhà nước không độc tài thì cũng tham nhũng. Trong khi đó, vấn đề chính của phát triển là xã hội còn quá nghèo, với quá nhiều người nghèo, đa số lại không tin là họ sẽ thoát khỏi cái nghiệp nghèo đói ấy nếu không có bàn tay trợ giúp của nhà nước. Việt Nam hiện có đủ ngần ấy vấn đề thì cần biết tại sao như vậy, ngoài lý do chính là tàn dư của chế độ tập trung kế hoạch cộng sản.
Hỏi: Thế đến khi nào thì lối suy nghĩ đó của thế giới mới thay đổi"
-- Từ đầu thập niên 70, 30 năm về trước, người ta mới nhìn xuống dưới, tới các thành phần bần cùng và cho rằng mục tiêu của phát triển phải là làm giảm bớt sự nghèo đói, hoặc đảm bảo cho mọi người dân những điều kiện sinh hoạt căn bản. Quan niệm đã tiến bộ ấy lại dẫn tới những lý luận có khi nhuốm mùi ý thức hệ, chẳng hạn như nhà nước phải dồn ưu tiên vào sản xuất nhu yếu phẩm, gia tăng công chi hay tái phân lợi tức để cứu giúp người nghèo. Ta có hiện tượng nhà nước bao cấp rồi bị khủng hoảng kinh tế cũng vì đó. Qua thập niên 80, các nước nghèo lại một phen được học hỏi từ những xoay chuyển tư duy tại Tây phương, với sự thắng thế của xu hướng tự do kinh tế tại Anh rồi Hoa Kỳ. Người ta nghĩ rằng kinh tế thị trường chứ không phải nhà nước sẽ đẩy mạnh phát triển và nhờ đó giải quyết luôn được bài toán nghèo đói. Việt Nam đang ở vào cảnh loay hoay giữa hai hướng này, và có thể nhận viện trợ hay khuyến cáo đôi khi mâu thuẫn với nhau.
Hỏi: Nếu nói gọn thì ta có thể học được gì từ những tổng kết của Ngân hàng Thế giới"
-- Ngày xưa, kinh tế thị trường tại Việt Nam thu hẹp vào mảnh bạt không to hơn cái chiếu và chỉ xuất hiện trên vỉa hè khi không có công an. Ngày nay, kinh tế thị trường đã vào sâu tới trong nhà, xuyên qua bếp đến sân sau, hầu như tại của mọi nhà. Đó là lý do đầu tiên của sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng, nền kinh tế thị trường đó xuất hiện tự phát vì nhà nước buông tay chịu thua, nên ta chưa thể nói đến phát triển được. Muốn phát triển và đưa đa số bần cùng ra khỏi sự nghèo túng thì phải minh định lại vai trò cần thiết của cả nhà nước lẫn thị trường. Nhà nước không làm kinh tế mà giúp dân làm kinh tế với luật pháp công minh. Muốn vậy, nhà nước và cả xã hội phải cùng xây dựng những định chế phải nói là độc lập về chính trị, không là công cụ của đảng cai trị, và cùng xác định rõ trách nhiệm của chính nhà nước, tức là phải nâng cao khả năng cai trị của nhà nước để có một chính quyền mạnh mà không độc tài. Thứ ba, trong các quyết định kinh tế, phải hội nhập yếu tố xã hội, tức là bao gồm cả khía cạnh xã hội trong tính toán về lời lỗ, lợi hại, và phải chú trọng tới công bằng xã hội. Và sau cùng, phải chấp nhận trào lưu liên lập, hay hội nhập toàn cầu, nghĩa là phát huy được lợi ích của tự do mậu dịch đồng thời ngăn được những rủi ro hay tiêu cực từ ngoài. Ngân hàng Thế giới không chủ trương chặt tay nhà nước cho thị trường tung hoành tự do, nên những nhận xét đó rất đáng được chú ý.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thật không có năm nào nhộn nhịp như cuối năm 2007, khi mà báo chí, đài phát thanh, các chương trình TV phát hình, các báo trên liên mạng
Điện thoại reo liên hồi, những người ở rất xa, vừa biết tin giờ chót có Đêm Thắp nến Tưởng niệm 40 năm
Trong niềm hân hoan chào đón một mùa Xuân mới, các Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông HK
Khi nhìn sâu vào một trái cam, không cần ánh sáng của khoa học, ta cũng có thể thấy rõ trái cam được làm bởi rất nhiều điều kiện như là: đất, nước, gió, mây
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo  thông báo: Phòng mạch Bác Sĩ tại 3610 W. First ST, # G Santa Ana, CA 92703 khám bịnh cho toa miễn phí giúp đồng đạo
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.