Hôm nay,  

Thương Mại Toàn Cầu Bị Đe Dọa

15/12/200500:00:00(Xem: 9691)
- Tại Hội nghị Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đang họp ở Hong Kong, Việt Nam sẽ thất vọng vì không kịp gia nhập, nhưng nhiều nước khác còn thất vọng hơn vì vòng đàm phán Doha có thể lại lâm bế tắc.

Tiếp tục loạt bài tổng kết về kinh tế trong năm 2005, Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này xin trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những đe dọa đang xảy ra cho luồng thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

Hỏi: Tiếp tục phần tổng kết cuối năm, kỳ này ta nói về mậu dịch tự do và trào lưu giao dịch toàn cầu hóa. Vì sao dư luận thế giới tỏ vẻ hoài nghi trào lưu ấy và còn dự đoán là hội nghị kỳ này của tổ chức WTO tại Hong Kong có thể tan vỡ, hoặc ít ra vòng Doha sẽ gặp bế tắc"

- Kỳ này, WTO chỉ nhận thêm một hội viên thứ 149 là Saudi Arabia và Việt Nam vẫn đứng ngoài. Còn về câu hỏi, như mọi khi, tôi xin được nói về bối cảnh trước, về những khó khăn thực tế sau. Từ năm 1993, các nước trên thế giới đã cố giải tỏa hạn chế trong luồng trao đổi toàn cầu, như hạn ngạch nhập khẩu hay quan thuế biểu cản hàng ngoại quốc vào thị trường của mình. Nỗ lực ấy thực tế có đem lại lợi ích cho tất cả các nước giàu và nghèo, như Việt Nam có thể đã thấy từ một chục năm nay sau khi đẩy mạnh việc đổi mới, giảm thiểu dần chế độ bao cấp và bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ một số khu vực hay cơ sở quốc doanh của mình.

Tuy nhiên, tự do giao dịch cũng có nghĩa là tự do cạnh tranh và dẫn tới hai hiện tượng. Thứ nhất là sự thắng thế thực tế của chủ nghĩa tự do kinh tế, có người gọi là chủ nghĩa tư bản, với những lạm dụng khó tránh. Thứ hai là trong cạnh tranh, có người được người thua và những người thua đã chống đối hoặc cản trở bằng cách này hay cách khác. Hậu quả là trào lưu toàn cầu hóa đã bị hai lần khủng hoảng trong các hội nghị của WTO. Một lần tại Seattle của Mỹ năm 1999 vì phong trào chống đối dẫn đến biểu tình bạo động, lần thứ hai tại Cancun của Mexico năm 2003 vì mâu thuẫn mậu dịch khó dung hòa giữa các nước nghèo và nước giàu.

Hỏi: Thế vòng đàm phán Doha này là gì và có nghĩa là gì trong khung cảnh ấy"

- Rút kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng năm 1999 tại Seattle và hơn một tháng sau vụ khủng bố tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ, tại hội nghị tháng 11 năm 2001 của WTO ở Doha của xứ Qatar, các hội viên WTO mới tung ra một vòng đàm phán mới. Trọng tâm là giải tỏa mậu dịch cho tự do hơn để các nước nghèo buôn bán dễ dàng vào thị trường của các nước giàu, nhất là nông phẩm hay hàng chế biến. Sau vụ bế tắc tại Cancun năm 2003, trong mấy ngày tới tại Hong Kong, tồ chức WTO mong là sẽ hoàn thành vòng đám phán khởi xướng từ Doha. Mục tiêu ấy e chừng khó đạt như ông nói và nhiều người đã dự đoán và đây là thiệt hại lớn cho các xứ đang phát triển và nhất là cho các nước nghèo có một chút ưu thế về nông nghiệp.

Hỏi: Vì sao người ta cho là vòng đàm phán này sẽ tan vỡ, phải chăng vì sự chống đối như đã xảy ra tại Seatle năm 1999 hay còn vì lý do gì khác" Câu hỏi này sở dĩ đặt ra vì đã có nhiều tổ chức chuẩn bị biểu tình chống đối hội nghị này, từ Philippines hay Indonesia chẳng hạn…

- Từ cả Nam Hàn nữa! Nhưng tôi không tin là biểu tình chống phá như thế sẽ làm tan vỡ hội nghị. Tôi xin giải thích vì sao. Từ 1999, do sai lầm của quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị Seattle, mọi hội nghị quốc tế, dù có liên hệ đến kinh tế hay không, đều là cơ hội cho nhiều người biểu tình phản đối vì có sự hiện diện của truyền thông và lãnh đạo các nước. Vì vậy mà nhiều hội nghị quốc tế phải họp ở những nơi biệt lập, hẻo lánh và dễ bảo vệ an ninh trật tự.

Hỏi: Thưa ông, nhưng họ là những ai, mà họ phản đối những gì ở các hội nghị ấy"

- Họ gồm có nhiều thành phần và nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau, đa số lại xuất phát từ các nước công nghiệp hóa mới là điều đáng chú ý. Có những người luyến tiếc chủ nghĩa Mác, chưng cờ đỏ để biểu tình chống tư bản chủ nghĩa, hoặc chống Mỹ vì mọi lý do linh tinh, kể cả vì chiến cuộc tại Iraq. Có thành phần ta gọi là "vô chính phủ" chưng cờ đen và chống mọi hình thái chính quyền, trật tự hay tổ chức quốc tế. Hai thành phần này là thiểu số nhưng ồn ào và có khi bạo động nhất.

Hỏi: Ngoài ra, còn có những thành phần chống đối nào khác có thể là đông đảo hơn chăng"

- Thưa đông đảo và có tổ chức hơn cả là những người chống toàn cầu hóa vì nhiều lý do, chính đáng hay không, thí dụ như vì tinh thần thủ cựu văn hóa, vì muốn bảo vệ môi sinh, bảo vệ quyền lợi lao động các nước nghèo và có khi chỉ là bảo vệ quyền lợi cục bộ của họ, bị xâm phạm trong cạnh tranh tự do… Các thành phần phức tạp và có mục tiêu mâu thuẫn ấy thường chú ý đến WTO vì cho rằng tổ chức này là hiện thân của những gì đáng ghét nhất, như thế lực mù quáng của thị trường, của các tập đoàn kinh doanh đa quốc, như trào lưu thực dân văn hóa hoặc âm mưu của giới công chức quốc tế vô danh đang chi phối đời sống của họ, v.v….

Hỏi: Thế vì sao mà ông lại cho rằng phong trào chống đối ấy sẽ khó phá vỡ hội nghị"

- Người văn minh và ôn hòa thì tranh đấu tại bàn hội nghị, qua luật lệ hay vận động chính trị. Người không có khả năng ấy hoặc chỉ muốn phá cho bõ ghét thì mới vận động bằng bạo động bên lề các hội nghị. Việc bạo động lại không có sức thuyết phục cao và các nước nghèo còn thấy là mình bị thiệt nhất khi hội nghị tan vỡ vì bị phá rối ngoài đường như vậy. Thành phần bạo động vì vậy mất dần quần chúng.

Đồng thời, thành phần chống toàn cầu hóa vì những lý do ý thức hệ, chính trị, văn hóa hay kinh tế, môi sinh, v.v… cũng thấy ra nhiều cách vận động khác, có hiệu quả hơn, như trong hành lang của các hội nghị, với giới hữu trách về chính sách. Tinh vi và mới lạ nhất là vận động chính giới tiêu thụ hay khách hàng các doanh nghiệp để đạt mục tiêu là làm các doanh nghiệp này phải cải sửa chính sách kinh doanh và quản trị.

Hỏi: Ông có thể nêu một thí dụ về hình thái đấu tranh ông cho là tinh vi hơn hay không"

- Thí dụ cụ thể là dù bị kết án là định chế của toàn cầu hóa, WTO khó làm được gì nếu các doanh nghiệp Trung Quốc đe dọa môi sinh hay bóc lột lao động. Nhưng các tổ hợp, kể cả của Mỹ, mà đặt làm gia công tại Hoa lục hay nhập khẩu hàng từ Trung Quốc có thể bị áp lực của quần chúng tại nước ngoài nên cũng đòi Bắc Kinh hay các nhà cung cấp Hoa lục phải tôn trọng những tiêu chuẩn cụ thể trong các lãnh vực ấy.

Trở lại tình hình chung, tôi nghĩ là các phong trào chống toàn cầu hóa sẽ khó phá vỡ hội nghị WTO, một phần vì mất sức bật, một phần vì họ chọn phương thức đấu tranh tinh tế thiết thực hơn.

Hỏi: Như vậy, ông cho rằng hội nghị của WTO có thể thất bại vì những lý do khác phải không"

- Thưa đúng vậy. Cùng mấy ngày này, ta có Thượng đỉnh tại Kuala Lumpur của 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN, công thêm ba nước đối tác là Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn. Ta cũng có Thượng đỉnh tại Bruxelles của Liên hiệp Âu châu để bàn về ngân sách. Tại các hội nghị cấp cao này, thì toàn cầu hóa, mậu dịch tự do và cả vòng đàm phán Doha bị đẩy xuống vị trí thứ yếu. Mà nói về tự do mậu dịch thì họ diễn dịch thành "mậu dịch công bằng", tức là có lợi cho quyền lợi riêng, nghĩa là vẫn có phản ứng bảo hộ mậu dịch.

Trong mâu thuẫn quyền lợi như vậy, các nước công nghiệp có trách nhiệm nặng nhất, đầu tiên là các nước Liên hiệp Âu châu, nhất là Pháp, kế đó là Nhật Bản và sau đó là Hoa Kỳ, hồ sơ gai góc nhất là việc các nước giàu trợ giá nông phẩm. Tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC tháng trước, lãnh đạo các nước đã kêu gọi Âu châu, nhất là Pháp phải giảm mức trợ cấp nông sản ấy mà không kết quả. Ủy viên Thương mại Liên Âu là ông Peter Mandelson cũng vừa đề nghị như vậy thì bị Pháp phản bác. Dưới khẩu hiệu tự do mậu dịch, nhiều nước tiếp tục chính sách bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi của một số thành phần dân chúng, mà tôi e rằng chiều hướng này sẽ còn tiếp tục một cách đáng ngại trong thời gian tới.

Hỏi: Như vậy, vòng đàm phán Doha coi như không thành trong năm nay, liệu hội nghị WTO lần này có giải pháp nào khác chăng"

- Một số người cho là hội nghị sẽ bế tắc và lại đẩy nghị trình vào tương lai sáu bảy tháng tới để tìm cách khai thông. Một số người cực đoan thì mong giải pháp gọi là "dội nước lạnh," là làm hội nghị tan vỡ để đặt các nước, nhất là các nước giàu, trước trách nhiệm của mình. Sự thật thì chẳng có gì đáng lạc quan. Một cuộc khảo sát dân ý tuần qua cho thấy 52% dân Pháp bây giờ lại chống toàn cầu hóa do nỗi hoang mang của họ với viễn ảnh hội nhập vào Âu châu và có thể mất dần bản sắc văn hóa vì những vấn đề di dân, sắc tộc…. Đã bị khủng hoảng liên tục từ tháng Năm vừa rồi, và lại còn có bầu cử tổng thống vào năm 2007, lãnh đạo Pháp khó nhượng bộ, trong khi Liên Âu lại bị tê liệt trong nội bộ nên chẳng thể đưa ra giải pháp vừa thỏa đáng cho mình vừa thỏa mãn được các nước khác.

Hỏi: Còn trường hợp của Hoa Kỳ thì sao"

- Xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng còn mạnh trong chính trường Mỹ, nhất là từ một số lãnh đạo Dân chủ. Nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh và thất nghiệp giảm, xu hướng này tương đối bị chặn nhưng vẫn thường có đòn du kích chính trị trong các tu chính án hay đề luật đưa ra Quốc hội. Năm tới, Mỹ lại có bầu cử giữa nhiệm kỳ và khẩu hiệu bảo hộ mậu dịch sẽ lại được tung ra. Mà qua năm 2007, Tổng thống Mỹ hết được rộng quyền đàm phán về tự do mậu dịch nên sẽ bị trở ngại nhiều hơn nữa nếu cần nhượng bộ các nước khác. Và đấy sẽ lại là lý cớ cho nhiều xứ khác không chịu nhượng bộ như chúng ta đã vừa thấy trong thời gian qua.

Hỏi: Câu hỏi cuối, nếu mậu dịch toàn cầu hóa bị trở ngại như vậy, các nước có thể tìm những thỏa thuận song phương hay đa phương, hay tự do mậu dịch giữa từng khu vực hay không"

- Đây là giả thuyết thực ra bi quan nhất cho các nước nghèo, kể cả Việt Nam. Trào lưu này nổi lên ngày một mạnh nhưng lợi ích kinh tế cho các nước nghèo thì kém hẳn mậu dịch tự do toàn cầu như một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới mới phổ biến tuần qua cho thấy. Chưa kể là khi xé lẻ, các nước nghèo mất hẳn tư thế đàm phán với các đối tác giàu mạnh hơn thay vì tưởng rằng chạy trước và đạt thỏa thuận song phương thì sớm có lợi hơn các nước khác. Bây giờ thì trễ rồi vì hầu như nước nào cũng có những hiệp định song phương như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm qua, 4-4-2008, CA Phú Nhuận lại đến nhà buộc Ks Đỗ Nam Hải đến trụ sở CA Phú Nhuận lúc 8g00 sáng sau khi gửi giấy triệu tập anh 3 lần
Công An CSVN Trả Tự Do cho 3 Đảng Viên Việt Tân Bị Giam Giữ Chỉ Vì Chuyến Thăm Nhân Đạo... Đó là nội dung một Thông Cáo của Đảng Việt Tân hôm 5-4-2008.
Ngày 14 & 15/3/2008, lợi dụng một vài hành động quá khích của một số thanh niên Tây Tạng, Trung Quốc đã huy động cảnh sát dã chiến và xe tăng thẳng tay đàn áp
Đại tướng David Petraeus sẽ đi vào một chiến trường khác, tại Hoa Kỳ... Thứ Ba này, tư lệnh chiến trường Iraq là Đại tướng David H. Petraeus
Hầu như đối với tất cả dân tộc Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, mật gấu được xem như là một linh dược
Trong những ngày gần đây, giữa không khí sôi nổi khởi đầu mùa bầu cử Hoa Kỳ nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng
Lễ Hội Quan Âm đã trở thành truyền thống thiêng liêng, được tổ chức hàng năm tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam, thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.
...Khi kinh tế hồi phục với giá cả ổn định thì họ đã sạt nghiệp hay chết đói từ năm ngoái...
Tại sao môn Lịch sử lại bị coi thường đến độ Nhà nước cũng không thèm quan tâm đến, nhưng nếu phải học thì học sinh chỉ được dậy những gì có lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam "
Buổi thuyết trình đã diễn ra vào hồi 11 giờ sáng tại trụ sở của Hội đồng An ninh Quốc gia trực thuộc Phủ Tổng thống
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.