Hôm nay,  

Hiệu Ứng Katrina, Châu Á Cũng Nguy

07/09/200500:00:00(Xem: 10220)

Trận bão Katrina sẽ để lại những hậu quả kinh tế gì cho Hoa Kỳ, thế giới và đặc biệt là Á Châu" Câu hỏi trên đang được dư luận châu Á nêu ra.
Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu vấn đề ấy qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Nguyễn An thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, tuần qua, khi trận bão Katrina còn chưa nguôi, ông đãù trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, rằng điều kinh hoàng và bất ngờ nhất về thiên tai này là tình trạng thiếu thông tin liên lạc. Một tuần sau, ông nhận định ra sao về điều trên"
- Ngoài những tổn thất chưa thể kiểm kê, dù sơ lược, về nhân mạng và thiệt hại cho cư dân của ba tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ tiếp cận với vịnh Mexico, trận bão Katrina còn đáng ghi nhớ vì đã phơi bày những lúng túng đáng trách của chính quyền các cấp của tiểu bang Louisiana. Kích thước rộng lớn của thiên tai trên diện tích khoảng 23 vạn cây số vuông - bằng 70% diện tích Việt Nam - đi cùng sự lúng túng ấy của nhà chức trách khiến bên ngoài bị gián đoạn liên lạc và thiếu xót thông tin cho nên chưa thể ước lượng hết mức độ thiệt hại, trong đó tất nhiên có cả sự thiệt hại về kinh tế là điều chúng ta đề cập tới ở đây.
Hỏi: Một tuần sau đó, ông thấy là tình hình đã khả quan hơn chưa và chúng ta có những dữ kiện gì để có thể ước tính một cách đại lược về những hậu quả kinh tế của trận bão"
Một cách đại lược, và căn cứ trên những tin tức phải cập nhật gần như hàng giờ, tôi thiển nghĩ rằng trận bão đã gây tổn thất nhân mạng cao hơn mọi dự đoán ban đầu, trong khi thiệt hại về kinh tế - nhất là trong lãnh vực dầu khí - lại tương đối thấp hơn sự e ngại của tuần trước. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là những thông tin sơ khởi và nếu muốn ước tính cho chính xác hơn, người ta cần nhiều số liệu hơn, và trước hết phải kết hợp vào địa dư kinh tế của toàn khu vực.
Hỏi: Ông nói đến "địa dư kinh tế" của khu vực, ông có thể giải thích ý niệm này được chăng"
- Vùng bị thiên tai, nhất là tiểu bang Louisiana trong đó có thành phố New Orleans, là cửa ngõ giao thương với bên ngoài của một phần ba nền kinh tế Hoa Kỳ. Trục giao thông chính yếu của khu vực là sông Mississipppi, chảy qua 10 tiểu bang và đổ ra vịnh Mexico qua ngả New Orleans. Thành phố này là giang hải cảng lớn nhất Hoa Kỳ và đứng hàng thứ năm thế giới về trọng lượng hàng hóa bốc rỡ, hàng năm xuất ra chừng 52 triệu tấn lương thực cho thế giới hoặc nhập vào 57 triệu tấn nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế Mỹ.
Vịnh Mexico còn là một trung tâm hóa chất và dầu khí quan trọng của Hoa Kỳ, sản xuất đến 25% lượng dầu thô, chế biến phân nửa lượng xăng dầu và cung cấp phân nửa số khí đốt cho thị trường Mỹ. Những đặc tính về địa dư kinh tế ấy khiến khu vực này có giá trị chiến lược cho Hoa Kỳ từ thời lập quốc, và ngày nay đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nhất là Âu, Phi châu và Trung Nam Mỹ. Bây giờ, khu vực ấy lại bị bão lụt tàn phá và mức độ hư hại vẫn chưa thể kiểm điểm nổi nên cả thế giới mới quan tâm, chú ý.
Hỏi: Đặt bài toán kinh tế vào khung cảnh ấy, ông lượng định ra sao về hậu quả sơ khởi, căn cứ trên những thông tin mà chúng ta có được, tính đến đầu tuần này"
- Kinh tế Hoa Kỳ đang đạt một tốc độ tăng trưởng khả quan nhất trong các nước công nghiệp, khi giá dầu thô mấp mé 70 Mỹ kim một thùng vì nhiều yếu tố khác nhau và đe dọa đà tăng trưởng của các xứ khác, nhất là tại Đông Á. Bây giờ, một trung tâm kinh tế và dầu khí lớn của Mỹ lại như vừa lãnh một quả bom nguyên tử thì tất nhiên chúng ta phải lo ngại.
Hỏi: Ông nói đến quả bom nguyên tử" Vì sao ông lại có một ẩn dụ như vậy"
- Vì sự tàn phá khủng khiếp ở tại chỗ và khoảng trống sẽ kéo dài rất lâu về sau này. Những tin mới nhất cho thấy là hạ tầng cơ sở dầu khí, từ các nhà máy lọc dầu trong đất liền đến các dàn khoan ngoài vịnh, có bị hư hại nhưng không bị hoàn toàn hủy hoại như ta đã lo tuần trước. Đấy là một tin mừng. Kế tiếp, một tin mừng khác là dòng sông Mississippi cũng không bị nghẽn nặng hoặc đổi lưu vực qua ngả khác, nên việc vận chuyển hàng hóa không hoàn toàn bị bế tắc trên thượng nguồn. Tuy nhiên - và đây là một khía cạnh đáng chú ý để theo dõi - giang hải cảng New Orleans nay là thành phố hoang, chưa biết đến khi nào mới được phục hoạt để trở lại vị trí trọng yếu của nó cho kinh tế trong toàn khu vực và rộng lớn hơn, hơn một triệu rưởi dân mất sản nghiệp trong khu vực đang tìm đất tạm cư ở nơi khác.
Cho nên, các cơ sở vật chất dù vẫn còn đấy, điện nước hay giao thông liên lạc có thể được tu bổ tạm, khu vực này vẫn thiếu người điều khiển. Hậu quả vì vậy không chỉ giới hạn vào số nhà cửa hay cơ sở sản xuất đã bị tàn phá mà còn bị một tai họa khác là thiếu nhân sự quản lý. Với việc cấp cứu rồi tái thiết New Orleans có thể kéo dài khá lâu, những người đã di tản có khi phải làm lại cuộc đời và tìm việc ở nơi khác. Sau khi ngơi tay với việc cứu trợ, lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ gặp vấn đề mang kích thước quốc gia và vấn đề này sẽ chi phối kinh tế thế giới.


Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, trước khi ta nói đến hậu quả cho thế giới. Liệu Hoa Kỳ có giữ hay sẽ bỏ New Orleans để tránh những tai họa như chúng ta vừa thấy tuần qua"
- Tổng thống Bush đã khẳng định rằng New Orleans sẽ vươn lên. Tôi tin rằng đấy không là một lập trường chính trị nhằm mục tiêu động viên tâm lý mà là một yêu cầu của thực tế. Lý do là dù có nhiều nhược điểm trong cơ cấu và hệ thống phòng chống bão lụt, New Orleans là cửa thông thương có lợi nhất cho toàn vùng Trung-Tây Hoa Kỳ, chạy dọc từ Canada xuống vịnh Mexico. Hoa Kỳ sẽ mất nhiều năm giải quyết bài toán kỹ thuật và tổ chức này để xây dựng lại New Orleans. Trong khi chờ đợi, thế giới sẽ gặp nhiều xáo trộn và phải bố trí lại nền tảng sản xuất và kinh tế của mình.
Hỏi: Bây giờ ta mới chuyển qua phần hai, để nói về hiệu ứng của Katrina. Lượng định sơ khởi của ông về hậu quả ấy là gì"
- Kinh tế Mỹ có thể bị trì trệ từ nay đến cuối năm vì hậu quả trận bão; qua năm tới, tình hình sẽ khả quan hơn nhờ nỗ lực đầu tư để tái thiết. Đi vào chi tiết, ta còn thấy nhiều hậu quả khác.
Tuần này là cao điểm của mùa gặt hái nông sản Mỹ, hậu quả thế nào về sản lượng và nhất là về khả năng xuất khẩu ra ngoài là câu hỏi chưa có giải đáp cho các thị trường bên ngài. Nếu việc cung cấp bị trở ngại quá nhiều thì giá nông phẩm, như ngô bắp, đậu nành hay thịt, sẽ tăng vọt. Nếu lại kéo dài quá lâu thì kỹ nghệ chế biến thực phẩm ở các xứ khác phải bố trí lại nguồn cung cấp, điều ấy sẽ đưa tới nhiều đổi thay về sản xuất và kinh doanh.
Ngược lại, nếu việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu vào Mỹ bị trở ngại quá nhiều và quá lâu, khan hiếm hay giá cả các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, và thậm chí cả dầu khí tại Mỹ sẽ khiến doanh nghiệp Mỹ bố trí lại nguồn cung cấp và phương thức sản xuất. Thí dụ như kỹ nghệ xe hơi hay sản xuất đồ gia dụng cần nhiều sắt thép sẽ bị ảnh hưởng và điều ấy cũng chi phối chiến lược kinh doanh của các xứ khác.
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng sẽ nhân dịp này quan niệm lại chính sách năng lượng của mình trong dài hạn để giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu khí nhập khẩu và thứ hai giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu khí nhờ các nguồn năng lượng thay thế. Tổng kết lại, hậu quả ngắn hạn trong một hai năm tới là những thay đổi trong công nghiệp chế biến. Trong trung hạn, bài toán năng lượng tại Mỹ sẽ thay đổi tình hình cung cầu về dầu khí. Điều này, có lẽ năm ba năm nữa mới thấy.
Hỏi: Chúng ta trở về với Đông Á. Theo dõi tin tức khu vực này, ta thấy một số khó khăn của các nước trong khu vực, với nạn dầu thô tăng giá bên ngoài, bên trong chính quyền cố trợ giá để giảm bớt khó khăn cho dân chúng và lâm vào thế kẹt, như tình hình Indonesia đã cho thấy từ mấy tuần qua. Trong khung cảnh bất ổn đó ta lại có trận bão này, ông phân tách ra sao"…
- Trên đại thể, Á châu tiêu thụ chừng một phần ba dầu thô của thế giới, với hiệu năng kém, tức là dùng nhiều xăng dầu hơn để sản xuất ra cùng một đơn vị sản phẩm. Khi dầu thô tăng giá từ năm ngoái thì lượng tiêu thụ và nhập khẩu dầu khí của Á châu đã bắt đầu giảm. Với giá dầu nay đang mấp mé đỉnh cao là 70 Mỹ kim một thùng, trận bão tại Mỹ gây phản ứng tâm lý bất lợi vì càng đẩy giá lên cao, nhất là trong một khoảng thời gian có thể lâu hơn. Vì vậy, về đại thể, Á châu có thể bị suy trầm kinh tế vào năm tới và sẽ còn giảm bớt số cầu về dầu khí, nếu chưa bị khủng hoảng nặng nề hơn vì không khéo giải quyết bài toán giá cả của xăng dầu.
Hỏi: Còn riêng về trường hợp Indonesia, thưa ông"
- Riêng về trường hợp Indonesia, tôi xin đề nghị là ta sẽ phân tách kỹ trong một kỳ tới vì có thể rút tỉa ra nhiều bài học cho Việt Nam, với những ưu lo của dân chúng về giá xăng dầu. Ở đây, tôi chỉ xin nói là việc trợ giá xăng dầu nội địa là vấn đề nghiêm trọng nhưng không là duy nhất. Xứ này là hội viên của tổ chức xuất khẩu dầu thô OPEC, nên khi giá tăng thì số tăng thu cho công quỹ cũng phần nào trang trải phí tổn nhập khẩu xăng dầu. Vấn đề của họ là thiếu viễn kiến để đối phó và nhất là nâng cao sản lượng dầu khí. Đã vậy, chính sách tiền tệ và ngoại hối lại thiếu linh động và chính quyền không khéo giải thích cho giới tiêu thụ xăng dầu trong nước lẫn giới đầu tư tài chính ở bên ngoài, nên không thuyết phục được hai thành phần có ảnh hưởng nhất đến sự ổn định xã hội là dân tiêu thụ ở trong và phát triển kinh tế là giới đầu tư ở ngoài. Do đó, ta có thể thấy tái diễn một phản ứng dây chuyền như đã từng gặp năm 1997, là một vụ khủng hoảng lan rộng.
Hỏi: Câu hỏi cuối, xin ông làm một tổng kết ngắn gọn về hiệu ứng Katrina.
- Trận bão Katrina đã đánh vào một địa điểm chiến lược của Hoa Kỳ và một thời điểm sinh tử của Đông Á, với những tai họa nặng nề gấp bội. Người ta dự đoán thiệt hại vật chất của trận bão có thể lên tới 100 tỷ cho Hoa Kỳ. So với kết giá tài sản niêm yết trên thị trường chứng khoán New York là 18.000 tỷ Mỹ kim, số thiệt hại này chưa bằng 0,6%, tức là không đáng kể nếu ta so với những thăng trầm giá cả cổ phiếu trong một ngày. Nhưng, thiệt hại cho Đông Á có thể cao hơn gấp bội, vì sẽ thổi lên giông bão kinh tế và chính trị cho nhiều quốc gia trong khu vực, là điều ta sẽ tìm hiểu vào một kỳ tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tết Nguyên Đán sắp đến,  năm cũ sắp qua đi, đây cũng là dịp để chúng ta kiểm điểm lại một năm qua mình sống như thế nào
Nghị quyết ngày 26 tháng 3 năm 2004  viết rằng: “DDảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời
Sau hơn ba mươi năm sống Hoa Kỳ, người Việt ta đã hội nhập ngày một nhiều hơn vào đời sống chính trị Mỹ, để tham gia nhiều cuộc bầu cử chính trị
Dù đã có sự thu xếp trước từ ban tổ chức trung ương Đảng, dù đã có đàn anh Trung Quốc chấp thuận, tình hình nhân sự nội bô Đảng trước ĐH X
Vấn đề mà cả hai bạn thường thắc mắc với tôi đã có câu trả lời rồi đấy. Hai chủ nhật vừa qua, những gì đã xảy ra trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội
Một bản tin của Việt Báo đã nhầm lẫn tên của một nhà hoạt động trong khi tường thuật về một sinh hoạt ở San Jose. Việt Baó trân trọng cáo lỗi
Đây là một chương trình phát hình tiếng Việt ở địa phương vùng Hoa Thịnh Đốn, được thực hiện
Mỗi năm, bắt đầu về lúc giao thừa đón năm mới, hàng loạt các luật lệ mới của liên bang
Những dịp dể cho cả một dân tộc cùng nhau hướng về một tình cảm, một tư tưởngđể cùng rung động …thật là hiếm có
Tại nhà hàng Seafood Place #2 vào lúc 7 giờ tối thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm 2007, hơn 500 Chư Tôn Đức Tăng Ni
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.