Hôm nay,  

Hiệu Năng Đầu Tư Tại Vn

15/06/200500:00:00(Xem: 10322)
Trích dẫn một báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, báo chí Việt Nam nhận định rằng Việt Nam là nơi thu hút đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Nhật nhờ nhân công rẻ hơn cả. Có thật không"
Diễn đàn Kinh tế đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về ưu thế ấy trong mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Trong số ra Thứ Hai 13, báo "Đầu tư" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam có trình bày một báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật về cơ hội đầu tư ra nước ngoài cho các doanh nghiệp Nhật Bản, theo đó, Việt Nam được đánh giá cao về khả năng thu hút đầu tư nhờ giá nhân công lao động rẻ nhất. Xin ông cho biết chi tiết về báo cáo này.
-- Thưa đây là một báo cáo được trình bày trong một hội nghị của Ủy ban Phối hợp đầu tư giữa tổ chức ASEAN và Nhật Bản, mới được tổ chức tháng trước tại Vientiane. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật có làm một cuộc khảo sát về xu hướng đầu tư quốc tế và Nhật Bản trong đó có cả những lượng định về ưu thế đầu tư vào khu vực ASEAN, gồm 10 nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn nhờ lương bổng nhân công rẻ nhất.
Tiêu chuẩn để đánh giá lợi thế về đầu tư
Hỏi: Thưa ông, Nhật Bản dựa trên những tiêu chuẩn nào để đánh giá lợi thế về đầu tư"
-- Trước khi trả lời, tôi xin được nói ngay là bản báo cáo nhắm vào mục tiêu gì" Đó là phân tách những lợi hại của họ khi chọn nơi đầu tư ra nước ngoài, căn cứ trên quyền lợi của doanh nghiệp hay kinh tế quốc gia, trường hợp ở đây là Nhật Bản. Như vậy, ta cũng cần lật ra mặt trái của vấn đề để suy nghĩ về quyền lợi của mình khi tiếp nhận đầu tư ố tức là đánh giá hiệu quả của đầu tư. Các nước sở dĩ đầu tư ra ngoài để kiếm lời và cân nhắc lợi ích trên ba hướng, thứ nhất là nhân công rẻ, thứ hai là nơi đầu tư ấy có thể là cơ sở sản xuất để tái xuất khẩu ra ngoài hay không, và thứ ba là thị trường nội địa của xứ ấy có tiềm năng cao hay thấp.
Những ưu thế đáng kể
Hỏi: Như vậy thì Việt Nam cũng có những ưu thế đáng kể phải không"
-- Việt Nam cứ ưa suy nghĩ trên một khía cạnh mình cho là có ưu thế, đó là nhân công rẻ, nhưng tâm lý ấy thực ra có thể gây phản ứng bất lợi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Như ta đã đề cập đến kỳ trước khi nói về công nghệ tin học, thiên hạ có đánh giá Việt Nam là nơi có lợi vì lương bổng thấp nhưng khi cần đặt làm gia công thì họ vẫn chọn xứ khác, như Ấn Độ hay Trung Quốc, vì nhân công chuyên môn nơi ấy có tay nghề cao hơn và số lượng lớn hơn. Nói chung, các nước công nghiệp sở dĩ đầu tư ra ngoài không chỉ vì tìm nguồn sản xuất rẻ nhờ lương bổng thấp mà chủ yếu là tìm thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao. Tuyệt đại đa số đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài chẳng hạn, lại nhắm vào các nước công nghiệp khác có khả năng tiêu thụ cao. Vì vậy, yếu tố thị trường nội địa của mình cũng quan trọng, khi dân số Việt Nam đã vượt quá 80 triệu, và vì nằm trong khu vực có hoạt động mậu dịch mạnh nhất nên Việt Nam có thể là bàn đạp giúp cho nhà đầu tư tái xuất khẩu ra ngoài. Về hai tiêu chuẩn sau này, là thị trường nội địa và tiềm năng xuất khẩu, thì Việt Nam vẫn còn thua kém. Và khi nhìn ngược về quyền lợi của mình, ta cần đánh giá lại hiệu năng đầu tư của xứ khác.
Kết quả đầu tư
Hỏi: Thưa vâng, đề cập tới hiệu năng đầu tư ấy, ông đánh giá ra sao về kết quả đầu tư này"
-- Là một nước nghèo, phát triển chậm hơn các xứ khác, Việt Nam cần thu hút đầu tư của nước ngoài, như một đòn bẩy cần thiết cho việc phát triển kinh tế và xã hội. Nói đến đầu tư, ta không chỉ nhìn vào tư bản hay tiền bạc đo đếm được - tức là nhìn vào lượng - mà còn phải kể đến loại yếu tố vô hình là công nghệ hay kỹ thuật, là kiến năng về tổ chức và quản trị, là năng suất lao động - xin tạm gọi là phẩm. Nói về lượng thì 10 năm trước, Việt Nam đã hy vọng là tư bản nước ngoài có thể góp tới 40% yêu cầu về đầu tư của mình, thời đó được ước lượng là 40 tỷ Mỹ kim trong năm năm, từ 1996 đến năm 2000, trung bình là phải bảy, tám tỷ một năm. Kết cuộc không được vậy, tổng cộng chỉ có 14 tỷ, bình quân chỉ có dăm ba tỷ, mà số thực hiện - tức là được giải ngân, được bơm vào nền kinh tế - lại còn thấp hơn nữa.

Tình hình có khả quan
Hỏi: Nhưng sau đó, chắc hẳn là tình hình có khả quan hơn chứ"
-- Thực ra, qua thế kỷ 21, sau khi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết, giới đầu tư lại có một thời hồ hởi với triển vọng kiếm lời ở Việt Nam và sau đó lại thất vọng vì kết quả cũng không hơn năm năm trước. Giờ đây với chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, dư luận lại mơ ước là đầu tư nước ngoài, nhất là của Hoa Kỳ, sẽ ào ạt trút vào Việt Nam. Nói riêng về đầu tư của Mỹ thì năm ngoái chưa đạt được 70 triệu, phần lớn trong ba trăm công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ, dự án ít tiền. Nhiều người cố nặn trong thống kê về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vài yếu tố tích cực, như chi nhánh của các tập đoàn lớn của Mỹ tại Singapore hay Hàn Quốc cũng đầu tư vào Việt Nam nhưng lại được ghi là của Á châu. Thực ra, nhìn trên đại thể thì đó vẫn là mối lợi cho mấy xứ châu Á đó chứ chưa phải là mối lợi cho Việt Nam, vì Mỹ dùng đầu cầu Á châu đầu tư vào Việt Nam chứ không phải dùng Việt Nam làm cơ sở đầu tư ra các xứ châu Á khác. Đấy là ta nói về lượng, về phẩm thì kết quả còn nghèo nàn hơn.
Tác dụng của đầu tư
Hỏi: Ông đánh giá thế nào về tác dụng của đầu tư trên các mặt ông gọi là vô hình đó"
-- Một tác dụng mình thấy ngay là nhờ khoản đầu tư bổ sung cho nguồn tư bản còn khan hiếm của xứ mình, doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc đã tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao khả năng sản xuất của Việt Nam.
Cụ thể là gần một triệu người đã có công ăn việc làm liên hệ đến khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực ấy đóng góp vào khoảng 30% của sản lượng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ta không nên hài lòng với kết quả ấy vì những tác dụng khác của đầu tư nước ngoài vẫn còn rất thấp.
Thiết thực nhất cho trình độ kỹ thuật và công nghệ còn thấp của Việt Nam là kiến năng về sản xuất, tổ chức hay tiếp thị, thì ta chưa học được gì nhiều. Nôm na là sức chuyển giao công nghệ còn quá thấp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà thấp nhất chính là doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, vốn lại là một đầu cầu ưu tiên - vì lý do chính sách và chính trị - để tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Lợi thế về gia tăng năng suất lao động
Hỏi: Thưa ông, thế còn lợi thế về gia tăng năng suất lao động nhờ đầu tư nước ngoài"
-- Thưa vâng, ở một trình độ thấp hơn, tức là năng suất lao động, thì kết quả cũng không cao và điều ấy khiến sự chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài qua doanh nghiệp nội địa cũng không đáng kể.
Điều tai hại vô hình khác là vì chính sách kinh tế của Việt Nam vẫn là tìm cách thay thế hàng nhập khẩu cho nên đa số đầu tư nước ngoài lại trút vào các ngành được bảo vệ, hay bảo hộ, và vì vậy mà không có khả năng cạnh tranh để tái xuất khẩu ra ngoài, vốn dĩ là một trong ba tiêu chuẩn chọn lựa mà báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã nói tới. Tôi tin rằng giới chức về kinh tế của Việt Nam có thấy ra các nhược điểm ấy chứ chẳng phải là không thấy, nhưng việc cải sửa thường rất khó và rất lâu, trong khi ấy, dư luận chỉ có ấn tượng cảm quan đầy lạc quan về đầu tư nước ngoài.
Hiệu năng đầu tư nước ngoài
Hỏi: Và ông kết luận như thế nào về hiệu năng đầu tư nước ngoài cho tăng trưởng kinh tế"
-- Với tất cả những hạn chế như vừa nói, đầu tư nước ngoài vẫn có những đóng góp đáng kể vào đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng chưa đóng góp đúng mức cho yêu cầu phát triển về kinh tế và xã hội. Muốn khai thác được đòn bẩy ấy thì cũng phải có trình độ và khả năng tối thiểu về phần nhân công và trình độ giáo dục đào tạo và đừng nên tự ru ngủ rằng mình có lợi thế nhất thiên hạ vì có lương bổng thấp. Điều ấy chả có lợi gì cho lợi tức của nhân công Việt Nam mà chỉ vây hãm kinh tế nước nhà trong phần vụ làm gia công cho thiên hạ, ở loại ngành nghề có trình độ chuyên môn thấp, tức là mình chưa làm chủ được những quyết định kinh tế của mình. Đấy là một khía cạnh rất quan trọng về chủ quyền kinh tế mà mình không để ý tới. Và nếu so với các nước châu Á khác thì dù đã đổi mới, Việt Nam vẫn đang tụt hậu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
Mới đây trên tờ tuần báo The Economist số ngày 10 -16/11/2007 có một câu chuyện (China: Beware of demob) về những người lính giải ngũ của Trung quốc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.