Hôm nay,  

Đầu Tư Vào Việt Nam

13/05/200500:00:00(Xem: 11170)
Sau buổi tiếp xúc với doanh giới Sàigòn hôm Thứ Sáu 6-5, ông Robert Zoellick Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cho báo chí biết là Hoa Kỳ đang hợp tác với VN để giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư. Nhưng...
Nhân dịp này, đài RFA trao đổi với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về việc đầu tư vào Việt Nam, do Việt Long thực hiện, sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong cuộc họp báo hôm mùng sáu vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoellick tuyên bố là Mỹ đang làm việc với Việt Nam để tạo ra một môi trường hấp dẫn hơn cho đầu tư và có nói đến ba lãnh vực là luật lệ, pháp quyền và tham nhũng. Ông nghĩ sao về lời tuyên bố này, và nói chung, về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam"
-- Tôi thiển nghĩ rằng như thông lệ, Hoa Kỳ vẫn có tập quán rộng lượng do thiện chí đầy lý tưởng khi muốn giúp đỡ Việt Nam, có thể là vì Thứ trưởng Robert Zoellick đang nói với các chủ doanh nghiệp ở trong Nam. Vấn đề phức tạp hơn thế vì, thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam có thực tâm cải cách hay không, và thứ hai, có tin vào thiện chí của Mỹ hay không. Dù sao, Thứ trưởng Zoellick có thực tiễn nói đến việc xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn - tức là tạo ra một cái gì đó chưa có - chứ không lạc quan nói đến việc giúp Việt Nam cải tiến một cái gì đã có mà chưa đủ tốt đẹp, là điều các định chế quốc tế đã cố gắng làm từ hơn 10 năm nay mà chưa có kết quả khả quan. Xin nói ngay là từ năm năm trước, sau khi Hiệp định Thương mại Song phương Mỹ-Việt được ký kết thì vị tiền nhiệm của ông Zoellick trong chức vụ Đại sứ Thương mại là bà Charlene Barshefsky đã có cảnh giác là việc đầu tư vào Việt Nam vẫn còn quá nhiều rủi ro.
Hỏi: Nhận xét đầy dè dặt của ông khiến chúng ta phải đi từ tổng thể vào cụ thể. Từ khi đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ưu đãi đầu tư qua hai văn kiện quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông đánh giá kết quả ấy ra sao"
-- Kết quả là một sự thất vọng lớn mà các định chế cấp viện và doanh giới ngoại quốc đều đã nói tới hàng năm. Tôi xin trình bày các lý do. Thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam lầm ngay từ quan niệm khi nghĩ rằng phải ưu đãi đầu tư vì họ mặc nhiên tạo ra hai chế độ, một là có ưu đãi đối với nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước, hai là bình thường cho tư doanh Việt Nam. Vì vậy mới có hai bộ luật chi phối hai loại doanh nghiệp, là Luật Đầu tư Nước Ngoài và Luật Doanh nghiệp mà Hà Nội đang cố thống nhất thành Luật doanh nghiệp chung. Luật chơi vì vậy không bình đẳng và phải nói là rối mù.
Hỏi: Đó là lý do đầu tiên, thuộc về nhận thức. Còn những lý do gì khác nữa"
-- Thứ hai, sở dĩ Việt Nam muốn ưu đãi là vì muốn dùng sự ưu đãi này như một công cụ kinh tế nhằm đạt một số mục tiêu có khi là chính trị. Nguyên nhân thứ ba, là từ lề lối can thiệp duy ý chí ấy, lại do trình độ nhận thức và tổ chức quá thấp, Việt Nam đã lập ra một hệ thống ưu đãi phức tạp nhất Á châu, với rất nhiều mâu thuẫn và xung khắc về mục tiêu cho các cơ quan hay bộ phận thi hành, và rất nhiều cơ hội tham nhũng cửa quyền đã nổi tiếng thế giới. Một thí dụ mà quốc tế đang nói tới là việc một doanh gia người Hà Lan gốc Việt Nam đem tiền về đầu tư theo lời khuyến khích của chính phủ và căn cứ trên Hiệp định thương mại song phương mà Hà Lan đã ký kết với Việt Nam. Khi cơ sở này vừa thành công thì ông ta bị tịch thu tài sản và tống giam vì lời vu cáo vô bằng và ngụy tạo. Nay ông Trịnh Vĩnh Bình này đang kiện Việt Nam trước toà án quốc tế và đòi bồi thường tài sản cùng thiệt hại đến 100 triệu Mỹ kim. Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu dàn xếp nội vụ mà bên Công an vẩn chẳng chấp hành. Loại tin tức này dĩ nhiên là báo chí trong nước không được nói tới, nhưng gây phản ứng dữ dội trong cả hai giới mà lãnh đạo Hà Nội đang muốn chiêu dụ là người Việt ở nước ngoài và giới đầu tư quốc tế nói chung. Cũng vì vậy mà cho đến nay, chỉ có giới đầu tư Á châu còn dám bỏ tiền vào Việt Nam, chứ giới đầu tư Âu-Mỹ vốn coi trọng pháp luật và không quen với quy cách làm ăn kiểu Á châu thì vẫn còn ngần ngại.
Hỏi: Các lý do ấy dẫn tới kết quả ngày nay mà ông cho là chưa khả quan"
-- Thưa đây là một kết luận đầy nghịch lý: hệ thống ưu đãi này nhiều khi không cần thiết, vì gây thiệt hại cho Việt Nam mà lại chẳng được giới đầu tư quan tâm. Đã ít hiệu quả, chế độ ưu đãi lại còn bất công vì chỉ có doanh nghiệp lớn là hưởng lợi thuế khoá, các doanh nghiệp nhỏ thì không. Trong một quốc gia tự mệnh danh xã hội chủ nghĩa, đây là một sự mỉa mai. Vấn đề chính là tổ chức ra môi trường đầu tư minh bạch và áp dụng bình đẳng thuần nhất tại mọi nơi mọi cấp mà chả cần đặc lợi hay kỳ thị cho rắc rối. Khi thấy có lợi là giới đầu tư sẽ tự nhiên gia nhập và biết rõ luật chơi để tính ra lời lỗ. Nếu không, ta sẽ có trò mánh mung để được ưu đãi, một lý do của tham nhũng. Mươi năm trước, doanh gia Mỹ từng hồ hởi nói đến triển vọng rồng cọp của Việt Nam với các quỹ đầu tư được lập ra; rồi sau khi tưng bừng khai trương thì đã âm thầm đóng cửa. Nay, người ta đang lại đánh trống thổi kèn nói tới một vận hội mới, cuối cùng thì sẽ lại là một sự thất vọng vì nhiều nguyên nhân nằm trong thuộc tính của hệ thống cai trị.

Hỏi: Ông nói đến thuộc tính của hệ thống cai trị là như thế nào"
-- Trước hết, thứ Hai mùng chín vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát hệ thống cai trị của 209 quốc gia trên thế giới với sáu chuẩn mực đánh giá. Lý do khảo sát là vì hệ thống cai trị ấy trực tiếp chi phối sinh hoạt kinh tế và trình độ phát triển của các nước. Và Việt Nam thuộc loại chậm tiến lại còn tụt hậu trong danh mục ấy.
Hỏi: Xin ông trình bày rõ hơn về sáu chuẩn mực này và vì sao Việt Nam lại như vậy"
-- Sáu tiêu chuẩn ấy gồm có: Thứ nhất, "phát biểu và trách nhiệm", tức là dân phải có quyền phát biểu và chính quyền phải có trách nhiệm trả lời. Đây là tiêu chuẩn đo lường quyền hạn chính trị dân sự và cả nhân quyền của người dân, một vấn đề nhạy cảm cho chính quyền Hà Nội. Theo tiêu chuẩn này, Việt Nam thua xa các nước cùng trình độ phát triển và lại còn tụt hậu. Thứ hai, "bất ổn chính trị và bạo động", là loại rủi ro kể cả bạo lực hay khủng bố có thể xảy ra cho chính quyền. Việt Nam được đánh giá là có ổn định và ít bị nguy cơ bạo động, nhưng điều đó hàm ý là hiện trạng - là dân ít quyền phát biểu mà chính quyền lại ít chịu trách nhiệm trước nhân dân - sẽ kéo dài. Tiêu chuẩn thứ ba là "hiệu năng phục vụ của bộ máy công quyền" và Việt Nam đứng hạng trung bình trong các nước lạc hậu. Tiêu chuẩn thứ tư là "gánh nặng luật lệ" đối với thị trường, thì Việt Nam đứng ở mức thấp, tương đối không có cải tiến nhiều kể từ 1996 đến nay. Thứ năm là "nền tảng pháp quyền", là giá trị của hệ thống luật pháp liên hệ đến công an, toà án, bảo vệ trật tự và thi hành hợp đồng. Về tiêu chuẩn này, Việt Nam cũng đứng ngang hàng rất nhiều quốc gia độc tài hay chuyên quyền. Sau cùng là tiêu chuẩn "kiểm soát tham nhũng" thì mình khỏi cần giải thích, chỉ cần biết là Việt Nam đứng hạng thấp, còn tệ hơn tình hình mấy năm trước sau kế hoạch phê bình và tự phê bình để diệt trừ tham nhũng được đảng rầm rộ phát động năm năm trước.
Hỏi: Có phải vì vậy mà ông nói đến một thuộc tính của hệ thống cai trị hay không"
-- Đây là vấn đề khó trình bày ngắn gọn, nhưng tôi thiển nghĩ rằng từ khi được thành lập cho yêu cầu cách mạng, trong hoàn cảnh chiến tranh kéo dài qua nửa thế kỷ, đảng Cộng sản có thói tự tiện lấy quyết định mà khỏi cần tham khảo ý dân. Ba mươi năm sau, thói quen đó vẫn còn và trở thành phản ứng duy ý chí bất kể tới thực tế của đời sống hay quy luật của khoa học xã hội. Đấy là điều bất lợi cho công cuộc phát triển và giải thích hiện tượng xin-cho hoặc ưu đãi thành phần này hay ngành nọ trong kinh tế.
Hỏi: Nhưng một số người trong nước thì lý luận rằng nhờ thế mà chính sách quốc gia sẽ được chấp hành nghiêm minh. Ông nghĩ sao"
-- Thưa không và đây mới là điều đáng chú ý và cho thấy sự khác biệt của Việt Nam với Nam Hàn, Đài Loan hay Chilê, là ba nước chuyển hóa từ chế độ độc tài và thành công mạnh về phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, hệ thống cai trị độc đoán này thực ra không thuần nhất và thống nhất vì phải tản quyền cho các cơ sở đảng từ thời chiến tranh du kích. Các địa phương phải tự lo lấy về tiếp liệu và có nhiều quyền hạn vượt khỏi sự tính toán của trung ương. Qua thời bình, quyền hạn ấy là đặc quyền và đặc lợi, khiến chính sách trung ương được mỗi nơi tiện thiện suy diễn hay áp dụng một cách và gây rối loạn cho giới đầu tư và dân chúng. Biết bao tệ nạn tham nhũng và cửa quyền ngang ngược đã xảy ra chính là vì hiện tượng sứ quân và phe phái chia chác quyền lợi như vậy nên chẳng ai bảo ai được nữa. Vì vậy mà Việt Nam có một hệ thống cai trị rất rộng - vì chính quyền đòi chi phối mọi chuyện - mà lại rất nông - vì thực tế chẳng điều động được gì cho hiệu quả. Một đòi hỏi ưu tiên là cải cách hành chính để xây dựng một guồng máy hành chính hữu hiệu và tân tiến, nhưng đảng nói từ năm 1992 mà làm không xong vì sợ là mình sẽ mất quyền nếu pháp quyền nhà nước vượt đảng quyền và guồng máy hành chính trở thành một thực thể độc lập với hệ thống lãnh đạo. Ngần ấy nguyên do phải nói là văn hoá và lịch sử của chế độ cai trị lạc hậu này mới giải thích vì sao đầu tư vào Việt Nam vẫn còn quá nhiều rủi ro.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những diễn biến trong thời gian gần đây tại Việt Nam, kể từ vụ việc Trung Quốc công bố quyết định sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Tổ quốc ta trải qua Quốc nạn. Hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ thiêng liêng nước ta từ lâu đời đang bị ngang nhiên chiếm đoạt.
Tuyết Mai  được đến thăm Paris trước Giáng Sinh, sau khi đi xem nhiều danh lam thắng cảnh và Paris về đêm, một người bạn VN đưa Tuyết Mai 
Cuối thập niên 1970 dân Mỹ đã phải xếp hàng để mua xăng khi khủng hoảng năng lượng xảy ra
Hệ lụy của chính sách trả thù thâm độc qua những kỳ tích “Học tập cải tạo” và “Cải Tạo Công Thương” - mà đảng Cộng sản Việt Nam
Trong 15 năm giảng dạy Ngọc Học, tôi được cơ hội chứng kiến nhiều vụ nhầm lẫn về Đá Quý, nhứt là Kim Cương, gây tổn thất lớn
Nền văn học hải ngoại đang chứng kiến một nhà thơ Du Tử Lê "khác hẳn. Trái ngược hẳn…..."
Phong trào sinh viên, thanh niên và trí thức Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo về một nguy cơ bị xâm lăng
Khoảng đầu thập niên 1970s, phong trào phản chiến khá mạnh ở miền Nam. Vì là chế độ tương đối tự do nên những bài nhạc phản chiến được sáng tác
Chỉ tiêu lao động mỗi người trong ngày là một khúc củi dài 1.5 mét, đường kính ít nhất là 3 tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.