Hôm nay,  

Kinh Tế Hoa Kỳ Bất Trắc

14/10/200500:00:00(Xem: 9956)
- Kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm trong năm tới. Vì sao như vậy và hậu quả sẽ ra sao cho nền kinh tế Đông Á"
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tách vấn đề này trong phần trao đổi của tiết mục chuyên đề hàng tuần Diễn đàn Kinh tế, do Việt Long, phóng viên đài RFA, thực hiện sau đây.
Hỏi: Trên diễn đàn này, ông thường nói là thế giới quá lệ thuộc vào đầu máy kinh tế Hoa Kỳ, vì nước Mỹ sản xuất dưới 25% của tổng sản lượng toàn cầu nhưng lại đóng góp đến hơn 60% vào đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Với những biến cố vừa và đang xảy ra tại Hoa Kỳ, liệu có khi nào đầu máy kinh tế ấy bị chững lại không" Và nếu có thì hậu quả sẽ ra sao"
-Tôi thiển nghĩ rằng việc dự đoán kinh tế là điều cần thiết mà lại rất khó vì tùy thuộc vào nhiều yếu tố không ai nắm vững được. Thiên tai là trường hợp điển hình khi ta nhớ đến những gì đã xảy ra cho Hoa Kỳ và vừa xảy ra cho khu vực Nam Á. Đây là mình chưa nói đến một mối nguy khác mà ai cũng nói đến dù chưa biết sẽ ra sao là nạn khủng bố, sau khi đã thấy đảo Bali của Indonesia lại bị tấn công và thành phố New York của Mỹ đang phập phồng e sợ.
Tuy nhiên, nhìn trên toàn cảnh thì sau khi có một số chỉ dấu lạc quan hơn từ nền kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới về sức sản xuất là Nhật Bản, người ta cũng thấy quầng mây đen đang đe dọa kinh tế Hoa Kỳ, có thể dẫn tới nạn suy trầm vào năm tới.
Hỏi: Hiện tượng dễ thấy nhất là Hoa Kỳ chi nhiều hơn thu, mua nhiều hơn bán. Liệu đấy có thể là lý do chăng" Hay là hậu quả của thiên tai dồn dập" Ông có thể trình bày khung cảnh chung và những yếu tố cần phải theo dõi để dự đoán hay chăng"
- Kinh tế Mỹ hàm chứa nhiều nghịch lý khiến người ta có thể nói tốt hay xấu cũng đều đúng, và chính vì vậy mà dư luận càng hoài nghi không rõ sự thể ra sao. Tôi xin nói về những yếu tố tích cực trước, sau đó mới trình bày vài dữ kiện làm cơ sở cho những dự đoán sau này.
Nhật Bản bị nạn bể bóng đầu tư cách đây 15 năm, từ đó bị suy thoái hoặc suy trầm liên tục cho đến nay mới phục hồi. Hoa Kỳ cũng bị nạn đó vào năm 2001, rồi còn bị khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 - mà tôi cứ xin gọi tắt là vụ 9/11- và chiến tranh quân sự ở hai mặt trận. Vậy mà kinh tế Mỹ chỉ bị suy trầm nhẹ trong có tháng rưỡi thôi, rồi hơn ba năm qua lại đạt tốc độ tăng trưởng quá 3%, cao nhất trong các xứ công nghiệp hóa. Lý do ở đây có thể thuộc ba lãnh vực.
Thứ nhất, là tính năng động và khả năng thích ứng của xã hội Mỹ, loại lý do thuộc diện văn hóa mà có ảnh hưởng kinh tế rất mạnh. Thí dụ như khi thấy vài hãng hàng không Mỹ phá sản mình có thể nghĩ là “tư bản giãy chết” mà không thấy là nhiều hãng khác đã lập tức cải tiến để chiếm ngay khoảng trống ấy. Quy luật ứng biến hay đào thải là lý do thứ nhất, mà nhiều xã hội khác không hiểu được vì quen thói sống lâu lên lão làng và e sợ thay đổi.
Hỏi: Tức là yếu tố tích cực thứ nhất thuộc về lãnh vực tạm gọi là văn hóa kinh tế của người Mỹ, vậy thưa ông, yếu tố tích cực thứ hai gì"
- Yếu tố thứ hai là việc sung đương hay sử dụng tư bản là tiến trình quyết định chủ yếu của tư nhân dựa trên tính toán về lời lỗ, hơn là quyết định của chính quyền mà Việt Nam gọi là “thuộc diện chính sách”. Vì quy luật “của đau con xót” giới sản xuất tính toán đầu tư một cách thực tế và quản lý tài chính một cách chặt chẽ.
Việt Nam và nói chung nhiều nước Đông Á thì để chính trị hay chính quyền quyết định việc ấy, qua đầu tư của khu vực công hoặc qua chế độ ưu đãi đầu tư trong khu vực tư, với kết quả là đạt mức tăng trưởng rất cao nhưng mà bị rủi ro rất lớn, và sau cùng vẫn cứ trông cậy vào nguồn tài trợ rất rẻ của nhà nước, là điều đã xảy ra cho Nhật.
Yếu tố thứ ba, cũng vì loại tính toán chặt chẽ về cách dùng vốn hay tư bản mà kinh tế Mỹ tận dụng một yếu tố khác là công nghệ, hay kỹ thuật. Nhờ vậy, đầu tư có hiệu năng cao hơn nhưng cũng vì vậy mà gây nhiều thay đổi thường xuyên cho loại tư bản nhân sự, là lao động, là công nhân viên. Về mặt kinh tế thì đấy là điều hay, về xã hội, đó là điều chóng mặt.
Hỏi: Nếu vậy, vì sao ông lại có ý cảnh báo là nền kinh tế ấy có thể bị suy trầm, phải chăng vì chi nhiều hơn thu, hay vì Hoa Kỳ có tỷ lệ tiết kiệm quá thấp như ông thường trình bày"
- Thưa đúng là vì chi nhiều hơn thu, nhưng vấn đề là ai chi" Kinh tế Mỹ có bị nhập siêu - nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - nhờ vậy mà là đầu máy tăng trưởng cho các xứ khác. Nhưng các xứ ấy thu tiền về rồi làm gì" Thì cũng lại tìm nơi đầu tư có lời nhất và an toàn nhất, chủ yếu là lại gửi tiền vào thị trường Mỹ vì ba yếu tố năng động như tôi vừa trình bày ở trên.
Hỏi: Như vậy theo ông thì thói quen tiêu thụ của dân Mỹ có giúp cho kinh tế thế giới. Nhưng liệu có thực là người Mỹ chi tiêu quá khả năng như vậy không" Là vì dưới cái nhìn bình thuờng của một người sống trong xã hội Mỹ thì người Mỹ tuy luôn luôn chạy theo nhu cầu và tiêu xài mạnh so với các nước khác, nhưng đó là nhờ họ rất chăm lo cho công việc làm ăn, và nhờ thế phần đông có mức thu nhập tương đối ổn định, đủ thoả mãn được những nhu cầu đó.
Thêm nữa, tuy rằng họ chịu chi trong những khoản mà nước khác có thể cho là không cần thiết, như du lịch, giải trí, đi chơi xa thăm thân nhân vân vân... nhưng trên thực tế người Mỹ cũng tính toán ngân sách gia đình rất chặt chẽ và khá cần kiệm theo túi tiền của mình. Có thể tôi đã đi hơi xa khỏi đề tài, nên trở lại chuyên người Mỹ mang tiếng là phí phạm thì có thể là do yếu tố nào khó thấy đối với những sự quan sát mà không phải là của các chuyên viên kinh tế chăng"
- Thưa vâng, và ta đi vào vấn đề ấy là “ai chi nhiều hơn thu"” Người ta hay nói đến sức tiết kiệm thấp của kinh tế Mỹ, hoặc mức nợ nần quá cao của dân Mỹ, nhất là khoản nợ về tín dụng địa ốc, nôm na là tiền vay ngân hàng để mua nhà. Thực ra, người ta không tính trong khoản tiết kiệm của tư nhân phần tiền vốn phải bỏ ra khi mua nhà. Không có tiền ấy, ngân hàng nào chịu cho mình vay" Vấn đề là dân chúng thực sự có để dành, nhưng nhà nước lại phóng tay tiêu xài, gây bội chi ngân sách. Đây là nhược điểm của chính quyền Bush khi để số thặng dư ngân sách quốc gia cuối thời Tổng thống Clinton biến thành khiếm hụt nặng.
Hỏi: Và có phải vì thế mà ông nói rằng kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm trong năm tới"

- Thưa không, kinh tế Mỹ có thể suy trầm vì lý do khác nhưng mức bội chi quá cao này khiến cho nếu kinh tế bị suy trầm công quỹ khó thể tăng chi để kích thích số cầu, như trường hợp đã xảy ra cho Nhật Bản với số quốc trái lên đến 6.000 tỷ Mỹ kim. Điều may là từ 17 tháng nay, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ đã được tăng đều và hiện ở mức 3,75%, cao hơn mức 2% của Âu châu và 0% của Nhật Bản. Cho nên, Mỹ vẫn vay tiền được, và trả nợ tương đối rẻ.
Hỏi: Và thưa quý thính giả, câu hỏi kế tiếp của chúng tôi là mọi việc như ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày nãy giờ thì đều có vẻ tốt đẹp, vậy vì sao ông lại cho rằng kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm"
- Thưa là vì mọi việc không nhất thiết tốt đẹp mãi như vậy. Thứ nhất, trận bão Katrina có thể nhất thời đánh sụt khả năng sản xuất dầu khí và chế biến xăng dầu tại vùng Vịnh Mexico và nâng cao phí tổn về năng lượng cho cả người dân lẫn các cơ sở sản xuất. Dù nhất thời, đấy cũng là yếu tố bất ổn vì từ nay đến cuối năm, giá dầu thô sẽ khó sụt dưới 60 đồng mà có khi còn chờn vờn đỉnh cao là 70 đồng.
Thứ hai, cũng vì thiên tai bão lụt mà ngân sách quốc gia Mỹ có thể phải tăng chi, từ 200 đến 300 tỷ. Thứ ba, kết hợp điều ấy với thói quen chi tiêu quá đà của khu vực chính phủ - và đây là một trách nhiệm của chính quyền Bush - mức bội chi đã quá cao sẽ còn có thể tăng. Khi chính phủ phải vay tiền để tăng chi, lãi suất trên thị trường có thể tăng, phí tổn cho sản xuất và tiêu thụ vì vậy cũng tăng.
Hỏi: Tức là dân Mỹ sẽ giảm đà tiêu thụ và thị trường Mỹ sẽ giảm đà nhập khẩu phải không"
- Thưa vâng, nhưng chỉ một phần thôi. Phần chính là vì dân Mỹ thấy bớt lạc quan về tương lai - mà họ đang có nhiều lý do để bớt lạc quan. Chúng ta bắt đầu thấy điều ấy khi chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ sụt mạnh trong tháng Chín và còn có thể sụt nữa. Lý do chủ yếu là người ta mất niềm tin vào khả năng ứng phó hay lèo lái hay lãnh đạo của chính quyền.
Tổng thống Bush gặp quá nhiều vấn đề, trong đó có cả những vấn đề do chính quyền ông tự gây ra, từ cách ứng phó quá chậm rồi rộng chi quá đáng vì trận bão Katrina, đến cách đề cử người vào Tối cao Pháp viện, toàn là loại vấn đề gây thất vọng cho thành phần quần chúng xưa nay vẫn ủng hộ ông ta. Bên cạnh đó là hàng loạt những tai tiếng chính trị trong đảng Cộng hòa, đúng hay sai thì cũng đánh sụt uy tín của đảng và của chính quyền Bush.
Tôi cũng còn xin nói đến một yếu tố khác là Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Alan Greenspan sẽ mãn nhiệm vào tháng Giêng tới và ta chưa biết ai sẽ được Tổng thống Bush đề cử thay thế. Nỗi ưu tư về người sẽ lên thay là một bất trắc khác, rất đáng kể cho các thị trường tài chính.
Trong khi ấy, và đây cũng là vấn đề, đảng Dân chủ chưa hay không có đường lối nào khả quan hay khả tín hơn, mà tình hình chiến cuộc lại không cho phép người ta lạc quan. Nói vắn tắt, khi thất vọng quá nhiều về chính trị, người ta khó lạc quan về kinh tế, và đấy là một điều bất trắc.
Hỏi: Nhưng người ta có cách gì đo lường được mức độ bất trắc đó không"
- Tôi trộm nghĩ là có. Thứ nhất, tình hình mấy tuần qua có cho thấy một điều rất lạ là dù đã bị hai đợt thiên tai Katrina và Rita, lượng tồn kho về xăng dầu của Mỹ không giảm mà còn tăng. Khi sản xuất không tăng vì đang tạm bị gián đoạn mà tồn kho lại tăng, ta biết là dân chúng đã giảm tiêu thụ. Dân Mỹ mà xài bớt xăng dầu thì ta biết là có vấn đề. Lần trước mà mình thấy như vậy là sau vụ khủng hoảng tại Iran năm 1979, sau đó kinh tế Mỹ bị suy thoái.
Thứ hai, mình có thể để ý nhiều hơn đến chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ, được công bố hàng tháng…
Hỏi: Nhưng, những yếu tố ấy đều chỉ được thấy khi đã xảy ra, ông có nghĩ như vậy là quá trễ cho việc dự báo không"
- Chẳng ai có tham vọng hay khả năng thấy trước được mọi chuyện, nhưng giới nghiên cứu kinh tế có chú ý đến một loại chỉ dấu tiên báo tương đối chính xác. Đó là sự chuyển dịch của đường tuyến phân lời - hay yield curve - là một yếu tố khá chuyên môn, nhưng mình có thể hiểu được.
Hỏi: Ông có thể giải thích ngắn gọn khái niệm chuyên môn đó được chăng"
- Trên thị trường tín dụng, là thị trường tài chính của trái phiếu, phân lời cho vay trong dài hạn được thả nổi theo quy luật cung cầu. Khi cho vay trong 10 năm, ta đòi có phân lời cao hơn là khi cho vay ngắn hạn, vì trong 10 năm tới có bao rủi ro bất trắc sẽ xảy ra. Từ nguyên tắc dễ hiểu ấy, ta biết là phân lời dài hạn phải cao hơn ngắn hạn khiến đường tuyến phân lời phải dốc lên theo thời gian đi vay. Nhưng, khi thấy kinh tế có thể bị suy trầm, các cơ sở kinh doanh đều tìm cách vay tối đa ngay lập tức để có sẵn khả năng ứng phó. Phản ứng này dẫn đến hiện tượng hy hữu mà có giá trị tiên báo khá cao, là phân lời trong ngắn hạn tăng vọt, khiến đường tuyến phân lời không dốc lên theo thời gian đi vay.
Khi nào phân lời ngắn hạn lại cao bằng hoặc cao hơn phân lời dài hạn thì đường tuyến phân lời không dốc lên mà xoay ngang, từ ba cho đến sáu tháng sau kinh tế có thể bị suy trầm, là điều đã xảy ra năm 2001 và bắt đầu có xu hướng xảy ra. Đương nhiên là mọi chuyện không tất yếu như vậy vì giới hữu trách biết rõ và có thể phải ứng phó trước.
Nhưng, với ngân sách bị bội chi nặng, thống đốc ngân hàng trung ương chuẩn bị về hưu và rất nhiều bất ổn khác như về quỹ An sinh Xã hội, về giá nhà gia tăng quá cao, khủng bố vẫn đe dọa nhiều nơi, chính quyền Bush lại bị suy yếu, người ta phải lo ngại kinh tế không chịu nổi ngần ấy sức ép, nên sẽ bị suy trầm đi cùng lạm phát vào năm tới.
Hỏi: Câu hỏi cuối, nếu điều ấy xảy ra thì Đông Á sẽ ra sao"
- Đông Á đang gặp khó khăn vì dầu thô tăng giá và sẽ còn gặp khó khăn nữa vì lãi suất tại Hoa Kỳ còn tăng, đồng Mỹ kim hết rẻ như trước đây, nên các ngân hàng Đông Á cũng phải nâng lãi suất. Khi kinh tế Mỹ lại bị suy trầm thì khả năng xuất khẩu của Đông Á sẽ sụt và vì kinh tế của khu vực ấy lại lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào Mỹ, cho nên sản xuất kinh tế cũng bị suy trầm, trong khi lạm phát lại tăng. Nếu kể thêm nguy cơ chưa ai lường được là dịch cúm gia cầm có thể từ người lây sang người thì vầng mây đen trên kinh tế Mỹ sẽ là bão tố cho Đông Á. Nhẹ nhất vẫn là nguy cơ suy trầm cùng lạm phát cao - là bị “stagflation.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1787, trong đó không hề có một chữ "Thượng Đế" (God). Thời kỳ đó cách nay đã hơn hai thế kỷ
Ông Đoàn Hữu Định đã được đa số đại diện các quân binh chủng trong Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Hoa Thịnh Đốn
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đã lên tiếng trên một số làn sóng phát thanh Quận Cam sáng Thứ Hai 7-1-2008, báo nguy về tình hình Thầy và chùa Phổ Đà,
Nhân dịp Lễ Giỗ Hoà Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực vào ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại Từ Ân Thiền Đường thành phố Santa Ana Hoa Kỳ
Sáng Thứ Bẩy đầu tiên của năm mới 2008, Nam California bỗng khoác một bộ mặt ảm đạm
Trong năm 2007, những người Mỹ gốc Việt đã tạo thời cuộc phải kể đến hai nhân vật nữ
Năm 2007 vẫn là năm tiếp nối tình hình nhân quyền đen tối và tồi tệ tại Việt Nam dưới thể chế độc tài toàn trị cộng sản ngự trị tại Việt Nam hơn 60 năm qua
Để phản đối hành động này,  tù nhân chính trị như luật sư Trần Quốc Hiền, luật sư Nguyễn Bắc Truyễn, bác sĩ Lê Nguyên Sang và nhiều tù nhân khác
Không quản ngại thời tiết băng giá, tối ngày 3 tháng Giêng vừa qua cử tri bang Iowa đã rủ nhau đến những địa điểm hội họp để bắt đầu tiến trình
Tôi đang ở vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, sắp đến Tết  Mậu Tý 2008, ở đây  Mùa Đông thật lạnh lẽo, nước mưa đông lạnh thành nước đá đóng mặt đường
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.