Hôm nay,  

Chân Trời Kinh Tế Châu Á 2005

15/12/200400:00:00(Xem: 13412)
Tổng kết tình hình kinh tế thế giới trong năm và dự báo về kinh tế cho năm 2005 ra sao" Kinh tế Việt Nam gặp cơ nguy nào"
Phóng viên Việt Long của đài RFA phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về tình hình này như sau.
Hỏi: Sau khi đề cập tới một vấn đề đáng chú ý nhất trong năm tới là sự chuyển động của đồng Mỹ kim, kỳ này, chúng ta sẽ nói về chân trời kinh tế cho năm 2005. Nhưng trước hết, xin ông cho biết vài nét đại cương về tình hình kinh tế năm nay.
-- Chỉ còn vài tuần là chúng ta sẽ qua hết năm 2004, một năm có thể là hưng phấn nhất cho kinh tế toàn cầu kể từ cả chục năm trở lại, nhất là cho Đông Á, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997. Trong năm nay, kinh tế toàn cầu có thể đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 5%, trong đó có đà tăng trưởng rất cao của Đông Á, khoảng 7% và nổi bật nhất là của Trung Quốc và Việt Nam, trên dưới 8%. Ngoài ra, và ngược với nhiều dự đoán bi quan, năm 2004 sắp kết thúc cũng chứng kiến một số thành tựu về chính trị, trong khung cảnh đầy bất ổn vì nạn khủng bố toàn cầu, với bầu cử được tiến hành êm ả - nhất là tại Đông Á. Trong bối cảnh chiến tranh vì khủng bố và dầu thô tăng giá vì an ninh bất trắc, tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị là thành quả đáng kể và có giúp cho người dân nhiều nơi thoát khỏi cảnh nghèo túng. Tuy nhiên, tôi e rằng thành quả tốt đẹp ấy có cái giá sẽ phải trả vào năm tới.
Hỏi: Ông thường có nhận định bi quan, ngay cả trong trường hợp khá tốt đẹp ngày nay...
-- Thưa vâng, ta thường chỉ để ý đến kinh tế khi tình hình u ám, vì vậy mới gọi kinh tế học là “khoa học u ám”. Các cụ mình ngày xưa, mới chỉ sáu chục năm trước thôi, khi nói về thời tổng khủng hoảng cũng chỉ nói tắt là “thời buổi kinh tế”, bỏ lửng chữ khủng hoảng! Trở lại vụ trả nợ vào năm tới, ta không quên là sau vụ khủng hoảng 97-98, khi Đông Á vừa chớm phục hồi thì ba khối kinh tế mạnh nhất địa cầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu cùng bị suy trầm sau vụ bể bóng đầu tư tại Mỹ từ đầu năm 2000. Kế tiếp là vụ khủng bố 9-11 năm 2001 tại Mỹ rồi chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Vì các yếu tố ấy, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách kích cầu đồng loạt, là tăng chi, giảm thuế và hạ lãi suất tới mức thấp nhất, thậm chí là bằng số không nếu so với lạm phát. Kết quả là kinh tế thế giới vượt qua sóng gió, Đông Á tăng trưởng mạnh, và mọi người đều có vẻ hài lòng với thành quả phát đạt cao nhất kể từ cả chục năm nay. Nhưng, mặt trái của sự thể là những bấp bênh toàn cầu mà vụ sụt giá đô la ta nói đến tuần trước mới chỉ là một biểu hiện thôi.
Hỏi: Xin ông kể ra những bấp bênh đó, trước khi giải thích về lý do cho thính giả.
-- Trước hết, ta không quên trọng tâm của mình là Đông Á và Việt Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á thời 97-98 đòi hỏi nhiều kế hoạch cải tổ về cơ cấu và sách lược. Các nước Đông Á chưa hoàn tất đã thấy là đủ và tạm ngưng. Hậu quả là toàn khu vực vẫn coi xuất khẩu là chính, và bằng mọi giá xuất khẩu vào thị trường Mỹ vì thấy là có lợi nhất. Khi Mỹ áp dụng chính sách tiền rẻ để kích cầu, sách lược xuất khẩu ấy càng có vẻ chính đáng, còn việc nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ nội địa để bổ xung cho xuất khẩu là hết cần thiết. Đấy là một bấp bênh về dài. Thứ hai, tiền Mỹ rẻ đã thổi lên nhiều trái bóng đầu tư thậm chí đầu cơ tại Đông Á trong khi Hoa Kỳ lại mắc nợ lớn vì tiết kiệm ít, tiêu xài nhiều. Sách lược kích cầu bằng tiền rẻ đi cùng thói quen phóng túng của Hoa Kỳ dẫn tới hai khiếm hụt song hành là bội chi ngân sách và nhập siêu kinh niên, khiến tiền Mỹ sẽ phải sụt giá. Trong khi đó, số cầu nội địa của Đông Á không tăng vì kinh tế chưa cải tổ và vì sách lược thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu. Hoa Kỳ cần sức tiết kiệm rất cao của Đông Á để tiếp tục phóng tay tiêu xài và Đông Á cần sức mua của thị trường Mỹ để tiếp tục sản xuất. Tình trạng ấy không thể kéo dài và qua năm tới kinh tế toàn cầu sẽ hết sáng sủa và qua năm 2006 lại còn có thể nguy kịch hơn. Đó là những bấp bênh và lý do. Khi phải trả nợ cho đường lối kinh tế ấy, các nước sẽ đổ lỗi cho nhau, là điều ta đã thấy.
Hỏi: Trước khi nói đến việc trả nợ như thế nào, ông có thể trình bày cho thính giả biết là các nước có thể ứng phó ra sao với loại vấn đề này để tránh nguy cơ suy sụp hay không"
-- Chúng ta có hai loại giải pháp. Giải pháp tích cực là cùng phối hợp để điều chỉnh, tức là không kết án nhau nữa mà điều hợp chính sách để Mỹ kim giảm giá tiệm tiến, Hoa Kỳ giảm dần số cầu, gia tăng khả năng tiết kiệm, Á châu và cả Âu châu nữa, cùng tiến hành cải tổ cơ cấu để nâng cao số cầu nội địa, và nhất là Á châu, để giảm dần số tiết kiệm. Nói thì nghịch nhĩ, nhưng thực ra, nếu số tiết kiệm ấy không được sử dụng để nâng cao sức tiêu thụ nội địa và thúc đẩy bộ máy sản xuất cho đời sống người dân trong nước mà lại dồn vào các dự án đầu cơ của thiểu số có quyền có tiền thì đấy không là điều tích cực.
Hỏi: Đó là giải pháp tích cực. Khi nói vậy thì ông cũng nghĩ đến giải pháp tiêu cực"

-- Thưa vâng, đó không là giải pháp mà là hậu quả nếu không có được sự phối hợp giữa các nước. Hậu quả là tranh chấp mậu dịch sẽ bùng nổ và ngần ấy quốc gia có thể thoái lui về chính sách bảo hộ mậu dịch, được các chính khách ngụy trang dưới mỹ từ là “mậu dịch công bằng”. Giới chính trị, ngoài các ngân hàng trung ương, không nói với thị trường mà nói với cử tri hay quần chúng của họ, thường là bằng cách đổ lỗi cho xứ khác và kêu gọi lòng yêu nước để trả đũa và bảo vệ quyền lợi cục bộ. Nhưng, nếu họ tránh né trách nhiệm và thoái thác cải tổ thì thị trường sẽ trả lời theo kiểu tàn khốc của nó, là điều ta có thể thấy trong năm tới. Khi Mỹ kim sụt giá so với đồng Euro Âu châu mà lại không sụt so với tiền Á châu thì tranh chấp có thể bùng nổ trước hết giữa hai khối Âu và Á, vì Âu châu bị thiệt nhất. Nạn đổ lỗi và trả đũa có thể sẽ xảy ra trong năm tới.
Hỏi: Và ta chuyển qua phần dự báo về năm tới sau khi kiểm lại các lý do của tình hình khả quan năm nay. Thưa ông vì sao qua năm 2005, kinh tế toàn cầu sẽ bớt sáng sủa"
-- Thứ nhất, kinh tế Mỹ đã phục hồi và chính sách tiền rẻ đã đi hết hiệu lực của nó, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng để ứng phó với rủi ro lạm phát. Đó là yếu tố thứ nhất và đáng kể nhất vì kinh tế Mỹ chi phối đến 40% đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu do sức mua rất mạnh của thị trường Mỹ. Bên kia đại dương, kinh tế Trung Quốc, nơi ảnh hưởng đến 20% của số xuất khẩu Á châu, cũng phải hãm đà tăng trưởng như ta đã nói từ đầu năm nay. Hãm đà tiệm tiến thì ta có kịch bản hạ cánh an toàn, nếu không, ta có kịch bản hạ cánh nặng nề, là điều tôi cho là có xác suất cao hơn. Trong khi đó, hai khối kinh tế mạnh là Nhật Bản và Âu châu cũng chưa có khả năng tăng trưởng đủ mạnh. Đây là ta chưa kể đến một ẩn số thứ ba là giá dầu thô trên thế giới có thể vẫn mấp mé trên mức 40 đô la một thùng. Chung cuộc thì qua năm 2005, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm mạnh so với năm nay. Nhiều trung tâm nghiên cứu dự báo là từ 4,7% năm nay tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ còn là 3,6% vào năm tới, riêng tại Đông Á thì chưa lên tới 6% so với hơn 7% năm nay. Nếu Mỹ kim trồi sụt bất thường và kinh tế Trung Quốc hạ cánh tan tành, tình hình còn tệ hơn và hậu quả dội ngược về Hoa Kỳ có thể khiến kinh tế Mỹ bị suy trầm vào năm 2006.
Hỏi: Nói riêng về Đông Á, thì thưa ông, tình hình có thể biến chuyển như thế nào"
-- Trong khu vực rộng lớn này ta không có tình hình đồng dạng mà mỗi nơi lại mỗi khác. Nói chung, các nền kinh tế Đông Á đã đi hết chu kỳ phục hồi sau vụ khủng hoảng 97-98 nên tốc độ tăng trưởng bình thường cũng sẽ giảm. Đáng chú ý nhất là sự giảm sút trong các ngành liên hệ đến công nghệ tin học và siêu kỹ thuật, bên cạnh sự suy trầm nhẹ của kinh tế Nhật chưa nói đến nhiều rủi ro xuất phát từ Trung Quốc. Cách đây hơn một tháng, Ngân hàng Thế giới cũng dự báo là kinh tế Đông Á sẽ giảm đà tăng trưởng vào năm tới, nhưng trong khu vực đó, bị giảm sút mạnh nhất chính là Đông Bắc Á, các nước tân hưng như Nam Hàn hay Đài Loan. Tại Đông Nam Á, tình hình có thể ít tệ hơn, với đà tăng trưởng bình quân 5,8% năm nay sẽ chỉ còn là 5,5% vào năm tới. Trong vùng này, có hai trường hợp lạc quan đáng chú ý là Indonesia, chẳng những không sụt mà còn tăng vì hồi phục chậm hơn mấy xứ khác. Trường hợp kia là Việt Nam, với đà tăng trưởng được Ngân hàng Thế giới dự đoán là 7,5% so với 7,2% của năm nay. Cần nói ngay là những dự báo này dựa trên giả thuyết là kinh tế Hoa Lục hạ cánh an toàn, là điều nhiều người không tin lắm nếu theo dõi tin tức đầy bất ổn về kinh tế, xã hội và chính trị Trung Quốc.
Hỏi: Trong một kỳ tới, chúng ta có thể làm một cuộc tổng kết và dự báo dành riêng cho đề tài Việt Nam, kỳ này, xin ông kết luận về tình hình chung và những điểm đáng lưu ý.
-- Tôi thiển nghĩ rằng dù là cần thiết thì mọi dự báo cũng đều chỉ có giá trị tương đối, nhưng, ta có thể thấy trước được mức chuẩn xác khi theo dõi một số chỉ dấu tiên báo, một số yếu tố báo trước. Chỉ dấu đầu tiên là giá trị đồng Mỹ kim so với các ngoại tệ khác, và sự thăng trầm lãi suất tại Mỹ có thể ảnh hưởng mạnh đến giá trị ấy. Như tôi có giải thích kỳ trước, trong đà suy thoái trường kỳ và tất yếu của đô la Mỹ, năm tới, có lúc Mỹ kim lại tăng giá và điều đó có thể gây biến động bất ngờ. Chỉ dấu thứ hai là khả năng xử lý và ứng phó của Trung Quốc khi phải hãm đà tăng trưởng cho trái bóng đầu tư xì ra thật nhẹ, thay vì bị vỡ tan tranh trong một cuộc khủng hoảng. Các cuộc biểu tình lan rộng và vụ đổ bể của tập đoàn Dầu khí Hàng không Trung Quốc, có hội sở tại Singapore, có thể cho ta thấy mặt đen tối về xã hội và cơ chế kinh tế Hoa Lục. Chỉ dấu thứ ba là phương thức đối phó của các nước với vụ Mỹ kim sụt giá: họ sẽ để đồng bạc nội tệ tăng giá theo hay vẫn can thiệp vào chế độ ngoại hối để tiền Mỹ sụt đến đâu thì tiền mình sụt tới đó" Họ có tăng lãi suất theo lãi suất Hoa Kỳ hay không. Nếu không thì điều tôi gọi là trả nợ cho thàn quả vừa qua có khi sẽ biến ra khủng hoảng trong các năm tới. Sau cùng, chúng ta cũng cần theo dõi mối quan hệ về ngoại thương vì năm tới sẽ là năm giải tỏa mậu dịch trong khuôn khổ của tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, khiến Việt Nam kém sức cạnh tranh và mâu thuẫn về hối đoái có thể dẫn tới tranh chấp gay gắt. Ngần ấy yếu tố đều sẽ chi phối tình hình tăng trưởng và mức sống của người dân trong khu vực vào năm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
Tổng Thống William Jefferson "Bill" Clinton, sinh ngày 19/8/1946, là Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ, phục vụ 2 nhiệm kỳ từ 1993 đến 2001.
Non sông Việt Nam từ ải Chi Lăng cho đến mũi Cà Mâu, bao gồm đất đai, vùng trời, vùng biển và hải đảo, là di sản của tiến nhân để lại sau hàng ngàn năm
Có những mối nhục dùng gươm mà rửa Có những thương đau rồi sẽ mờ phai Có những cắt chia, mai mốt nối dài Có những phẫn nộ, tương lai sẽ tỏa
Tối nay tôi cùng Minh Bình, bác Diệu Phụng, Diệu Phượng, Diệu Thuận và Đức Trang Nghiêm đến tụng kinh Dược Sư cho Viên Bảo Mỹ.
Mấy ngày qua trên Internet đã có nhiều hình ảnh và tin tức về các cuộc biểu tình của thanh niên Hà Nội, thanh niên Sài Gòn, xuống đường phản đối Trung Cộng
Thư này được viết cho những người trẻ, những trí thức văn nghệ sĩ và tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước thuộc bất cứ giai tầng xã hội nào.
Trong những ngày tháng qua, có những con người quên ăn quên ngủ nóng lòng hướng về miền Trung, nơi mà thiên tai hàng năm vẫn không tha
New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington
Vũ khí tang vật xuất hiện trong hành lý ký gởi qua đường hàng không quốc tế là một trong những yếu tố tội phạm quan trọng liên quan đến nhiều lãnh vực
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.