Hôm nay,  

Mỹ Kim Thăng Giáng, Châu Á Kinh Hoàng

09/12/200400:00:00(Xem: 12304)
Thăng trầm của đồng Mỹ kim và hiệu ứng đối với kinh tế Việt Nam ra sao" Có bao nhiêu xác suất xảy ra khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc để sẽ gây sóng gió cho Đông Á.
Dưới đây là mục chuyên đề Diễn đàn Kinh tế của đài RFA, do Việt Long thực hiện, sẽ phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về sự thăng trầm của đồng Mỹ kim và hiệu ứng đối với kinh tế Việt Nam.
Hỏi: Để tổng kết và dự đoán về kinh tế, xin ông cho biết là biến cố nào đáng chú ý nhất vì sẽ có ảnh hưởng mạnh nhất đến kinh tế thế giới, nhất là Đông Á trong đó có Việt Nam.
-- Tôi nghĩ biến cố đó là sự điều chỉnh của đồng đô la Mỹ. Lý do là, thứ nhất sức mạnh của kinh tế Mỹ, thứ hai vai trò của Mỹ kim và thứ ba là tiền Mỹ đang trong thời điều chỉnh, nôm na là sụt giá. Ta càng thấy biến cố này quan trọng vì trong giai đoạn điều chỉnh, tiền Mỹ lại có thể bất ngờ tăng giá vào năm tới và yếu tố bất ngờ ấy có thể gây sóng gió cho Việt Nam khi dân chúng quen tích trữ vàng vì thấy Mỹ kim sụt giá.
Hỏi: Ông cho là Kỹ kim sẽ sụt giá mà lại lên giá vào năm tới, vì sao lại có nghịch lý ấy"
-- Tôi xin trình bày trước về các quy luật vận hành, trước khi giải thích sự thăng giáng bất ngờ này. Trước hết, giá trị một sản vật - như đồng bạc, cổ phiếu hay vật liệu - có thể lên xuống do động lực cơ bản về cung cầu hay sức mạnh nội tại. Ta có thể nghĩ đến cái “nhân”, cái yếu tố làm sản vật sẽ tăng hay mất giá trong tương lai. Nhưng, nó sẽ tăng hay giảm bao nhiêu và vào lúc nào" Nói rằng tiền Mỹ sẽ sụt là chưa đủ chính xác nếu chỉ xét tới cái nhân. Động lực thứ hai, có đặc tính ngắn hạn hơn, xin gọi là cái “duyên” là yếu tố thời cơ giải thích thời điểm của sự thăng giáng, của việc giá tăng hay giảm vào từng lúc.
Hỏi: Thưa vâng, nếu vậy ta bắt đầu bằng cái nhân. Theo ông thì tiền Mỹ sẽ mất giá vì dân Mỹ vung tay quá trán như ông thường nói, và kinh tế Mỹ mắc nợ thế giới phải không"
-- Thưa đúng vậy mà vẫn chưa đầy đủ và ta đụng vào nguyên do tranh luận giữa các nước, kể cả lời đả kích mươi hôm trước của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc là Hoa Kỳ phải nhận trách nhiệm của mình thay vì phê phán nước khác. Ta biết là thế giới đang bị thất quân bình nặng giữa nền kinh tế số một là Hoa Kỳ vốn tiêu thụ nhiều, tiết kiệm ít nên bị hai khiếm hụt song hành, của ngân sách quốc gia và cán cân vãng lai; bên kia là các nước khác, chủ yếu là Đông Á, lại tiết kiệm nhiều và tiêu thụ ít nên có dư Mỹ kim rồi tài trợ ngược vào Mỹ. Nhìn trên bề mặt thì Mỹ có vẻ vô trách nhiệm nên mới phải chấn chỉnh chi thu để tái lập cân bằng. Việc Mỹ kim sụt giá là một phần của tiến trình chấn chỉnh. Tuy nhiên, các quốc gia khác không phải là vô can đối với sự thể trên.
Hỏi: Sao lại lạ vậy" Ông cho rằng tiết kiệm nhiều và tiêu thụ ít cũng là một việc xấu sao"
-- Chúng ta đang nói về quy luật vận hành của kinh tế các nước, trong đó yếu tố đạo đức xấu đẹp lại không thể và không nên so với hành động của một cá nhân hay một gia đình. Trong nạn mất cân bằng của kinh tế thế giới, xứ nào cũng có lỗi, do đó mới có tranh luận và đổ lỗi, là việc của các chính trị gia mà truyền thông ta cố trình bày cho dư luận thấy rõ. Kinh tế Mỹ có tính năng động cao và khả năng sinh lời lớn nên xứ nào cũng muốn kiếm lời nhờ các đặc tính ấy. Họ kiếm lời bằng lối thắt lưng buộc bụng, và nhà nước thắt lưng buộc bụng người dân, để xuất khẩu tối đa vào Mỹ. Sau đó lấy tiền Mỹ đã thu được mua tài sản của Mỹ, như cổ phiếu, trái phiếu hay các cơ sở sản xuất trên đất Mỹ để kiếm lời thêm lần nữa. Định nghĩa của kinh doanh vốn là làm giàu bằng tiền của người khác mà! Khi mọi việc tốt đẹp thì hai bên đều hỉ hả. Khi Mỹ kim sụt giá, từ đầu năm 2002, giới đầu tư do dự thì các ngân hàng nhà nước đã chám vào chỗ trống và bỏ tiền mua công khố phiếu Mỹ. Từ 1998 đến 2003, dự trữ ngoại tệ bằng Mỹ kim của thế giới đã tăng gấp đôi, lên tới hơn hai ngàn tỷ đô la. Thiên hạ nói là Mỹ mắc nợ thế giới. Điều ấy đúng, mà chưa đủ, vì không trả lời câu hỏi là vì sao đã vậy thế giới còn tiếp tục cho Hoa Kỳ vay tiền"
Hỏi: Vâng, vì sao họ không đầu tư vào trong nước mà đem tiền vào Mỹ để bị mất giá"
-- Ta đụng vào cốt lõi của vấn đề. Lý do nằm sâu bên dưới, là các xứ đó, từ Âu sang Á, ít có cơ hội đầu tư nào lời hơn. Nhất là Đông Á lại không phát triển thị trường tiêu thụ nội địa mà hướng mạnh vào xuất khẩu. Để tạo lợi thế xuất khẩu, nhiều xứ còn cố giảm giá đồng tiền của họ theo đà mất giá của Mỹ kim. Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia đứng đầu với chế độ ngoại hối cố định là giàng giá nội tệ vào Mỹ kim để tiền Mỹ sụt tới đâu thì tiền của họ sụt tới đó, đâm ra tác dụng điều chỉnh của việc đô la mất giá bị triệt tiêu. Khi Mỹ yêu cầu họ có chế độ hối đoái linh động hơn, tức là để nội tệ lên xuống theo quy luật thị trường, thì họ đả kích Hoa Kỳ là tiêu xài vô trách nhiệm. Tôi xin nói ngay rằng không phải ngẫu nhiên khi các nước giữ chế độ hối đoái cố định lại chống Mỹ rất nặng trong vụ Iraq; các nước có chế độ hối đoái tự do hơn lại thân thiện với Hoa Kỳ, như Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Indonesia. Các quốc gia đều là quái vật lạnh lùng, chỉ vận hành theo quyền lợi, kể cả lợi dụng xứ khác, cho nên ta cần thận trọng khi thấy họ đổ lỗi cho nhau. Khi vui thì vỗ tay vào, hết vui thì đổ tại xứ khác làm cho dân mình bị thiệt. Các chính trị gia khéo dùng đòn ấy để khỏa lấp lỗi lầm kinh tế của họ. Bây giờ ta mới trở lại cái nhân của vấn đề là khiếm hụt của Hoa Kỳ.

Hỏi: Thưa vâng, ta hãy nói về cái nhân, nhân tiện, ông cũng trình bày luôn đối sách của chính quyền Bush sau khi ông đắc cử vì điều đó có thể chi phối giá Mỹ kim vào năm tới.
-- Nói cho dễ nhớ thì Hoa Kỳ bị nhập siêu, là nhập nhiều hơn xuất cảng, bị thiếu hụt mậu dịch cỡ 6% Tổng sản lượng GDP. Khi bị nhập siêu, điều đó có nghĩa là Mỹ đi vay và được các nước vui vẻ cho vay vì mối lợi của việc bán chịu cho Mỹ. Mà càng vay nhiều thì tiền của mình càng mất giá, đó là lý do đầu tiên của việc Mỹ kim sụt giá. Đã vậy, Mỹ lại có chiến tranh và tăng chi mạnh nên bị bội chi ngân sách, bình quân khoảng 5% GDP. Khi chi nhiều hơn thu như vậy thì chính quyền phải đi vay, bằng cách phát hành giấy nợ, ta gọi là công khố phiếu, trên thị trường tài chính quốc tế. Ai muốn có lời do chính phủ Mỹ đảm bảo thì cứ đưa tiền ra mua về một tờ giấy nợ. Họ cũng có thể mua cổ phiếu hay trái phiếu của doanh nghiệp tư nhân và quy luật cạnh tranh khiến tiền lời tăng khi phát hành quá nhiều công khố phiếu. Hậu quả chung cuộc là bình quân mỗi ngày Hoa Kỳ phải vay bên ngoài chừng hai tỷ Mỹ kim, hoặc tính theo ngày kinh doanh là hai tỷ sáu. Nếu thiên hạ không muốn hoặc không chịu cho vay nữa, Mỹ kim sẽ rớt giá như cục gạch, và kinh tế Mỹ bị khủng hoảng, kéo theo sự khủng hoảng cho cả thế giới. Đấy là kịch bản bi quan mà quốc gia nào cũng biết, xứ nào cũng sợ, kể cả Hoa Kỳ.
Hỏi: Nếu vậy, chính quyền Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông Bush đã tính sao"
-- Trên đại thể, chính quyền Bush tin vào quy luật thị trường và ngầm chủ trương là hãy để quy luật cung cầu vận hành, tức là để đồng Mỹ kim rơi vào đúng trị giá của nó. Không ai công khai nói ra điều ấy vì tâm lý hốt hoảng sẽ đánh sụt tiền Mỹ còn mạnh hơn; vì vậy họ chính thức chủ trương giữ đồng đô la mạnh, tương xứng với quy luật tự do. Quy luật đó khiến đô la sụt giá thì hàng Mỹ rẻ hơn, dễ bán hơn và hàng ngoại đắt hơn, điều ấy sẽ chấn chỉnh lại thất quân bình về ngoại thương và giảm bớt thói tiêu xài phóng túng nên có thể giảm bớt thiếu hụt chi thu. Hậu quả chính trị tiềm ẩn bên dưới chủ trương này cũng hàm ý trả đũa các nước không chịu cải cách kinh tế để có mức tăng trưởng cao hơn và khả năng nhập khẩu nhiều hơn, đồng thời chủ trương ấy cũng khuyến khích các nước nên ủng hộ Hoa Kỳ vì sự phồn thịnh của họ tùy thuộc vào sức năng động kinh tế lẫn nền an ninh của Mỹ. Đây là một phần của lý do Mỹ kim sẽ giảm giá. Nhưng, giảm giá, sụt giá hay tuột giá là chuyện cường độ, nhẹ hay nặng, trong một khoảng thời gian dài hay ngắn.
Hỏi: Nghĩa là ông đang nói tới cái duyên, tới yếu tố thời cơ đó phải không"
-- Thưa vâng, ta có hai vấn đề có thể chi phối cường độ mạnh yếu và nhịp độ nhanh chậm. Thứ nhất là nhiệm kỳ hai của ông Bush có khả năng điều chỉnh chi thu hụt hay chăng. Tôi e rằng không. Vì dân Mỹ còn ham tiêu xài và sẵn sàng mua đồ nhập khẩu; thứ nữa, cả Hành pháp lẫn Quốc hội Mỹ cũng chưa thể tiết giảm phân nửa khiếm hụt ngân sách trong bốn năm tới như đã hứa; và sau cùng vì chính quyền vẫn cần tăng chi để tạo thêm việc làm cho dân chúng. Hậu quả là tiền Mỹ vẫn sẽ sụt và việc sụt giá sẽ kéo dài trong nhiều năm. Vấn đề thứ hai là vì tiền Mỹ cũng là tài sản dự trữ của nhiều nước và hiện chiếm tới hai phần ba khối dự trữ ngoại tệ toàn cầu, nên việc giảm giá cần xảy ra tiệm tiến, có phối hợp để khỏi phương hại cho thế giới. Vấn đề này gây tranh luận vì nhiều xứ vẫn không muốn điều chỉnh hoặc cố giảm giá nội tệ của họ theo đà giảm giá Mỹ kim và không mở rộng thị trường nội địa để thay thế phần nào vai trò của xuất khẩu. Kết quả là trong đà giảm giá của tiền Mỹ, ta sẽ thấy nhiều đột biến, nặng hay nhẹ thì tùy thiện chí hợp tác của các xứ khác, nhất là của các nước Đông Á.
Hỏi: Nếu vậy, vì sao ông dự đoán là Mỹ kim có thể tăng giá năm tới"
-- Dù việc dự đoán chả bao giờ chính xác ta vẫn phải cố nhìn ra truyện bất ngờ. Trong chu kỳ giảm giá, Mỹ kim vẫn có thể lên giá năm tới vì ba lý do. Thứ nhất là lãi suất Mỹ dù đã tăng bốn lần trong sáu tháng qua vẫn là quá thấp so với lãi suất Nhật Bản và Âu châu. Thứ hai là tiềm lực tăng trưởng sản xuất rất kém của hai khối Âu châu và Nhật, khiến thị trường Mỹ vẫn hấp dẫn hơn cả. Mỹ vẫn sợ lạm phát nên còn tăng lãi suất mà hai khối kia thì không vì họ cần kích cầu kinh tế. Năm tới, sai biệt lãi suất khiến tiền Mỹ bớt giảm mà còn tăng so với đồng Yen và Euro. Khi ta thấy Mỹ tăng lãi suất thì nên cẩn thận. Lý do thứ ba là điều tôi đã trình bày từ đầu năm và đến nay vẫn thấy là có xác suất xảy ra, đó là khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc sẽ gây sóng gió cho Đông Á. Kỳ tới, ta sẽ tổng kết về nguy cơ ấy, ở đây chỉ xin nói là điều đó khiến Mỹ kim lên giá và tiền Á chạy ngược về Mỹ khiến giá nhà đất miền Tây sẽ còn tăng vọt khi đã giảm ở nhiều tiểu bang khác. Trong một kỳ sau, tôi sẽ xin kết luận về hậu quả đối với Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.