“Nếu tôi muốn nói chuyện với Âu Châu, tôi phải gọi cho ai?”
Câu hỏi nổi tiếng này, được cho là của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, ám chỉ sự thiếu thống nhất của Âu Châu trong việc thể hiện một lập trường chung trên trường quốc tế. Dù đã trải qua nhiều thập niên hội nhập dưới mái nhà Liên Âu (EU), câu hỏi ai là đại diện cho Âu Châu – hoặc Âu Châu muốn trở thành gì trong tương lai – hiện nay có lẽ còn khó trả lời hơn bao giờ hết.
Những rạn nứt nội bộ ngày càng sâu sắc đang đặt ra thách thức lớn cho sự đoàn kết của lục địa này. Từ tranh cãi về chính sách nhập cư, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực hữu (right-wing nationalism), cuộc chiến tại Ukraine cho đến việc Donald Trump có thể trở lại Bạch Ốc – tất cả đều đang đặt Âu Châu vào tình thế phải xác định lại bản sắc và vai trò của mình trên thế giới.
Ngay sau chiến thắng của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử quốc gia, Friedrich Merz – người được kỳ vọng sẽ trở thành tân Thủ tướng Đức – đã đưa ra tầm nhìn về tương lai của Âu Châu. Ông tuyên bố: “Ưu tiên tuyệt đối của tôi là củng cố Âu Châu nhanh nhất có thể, để chúng ta không còn phải dựa dẫm vào Hoa Kỳ.”
Khát vọng của Merz về một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Đức có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực nội bộ EU, khi Berlin quay trở lại vai trò lãnh đạo trung tâm của Liên Âu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Âu Châu có thể vượt qua những mâu thuẫn chính trị đầy căng thẳng để đạt được sự thống nhất? Và nếu có, Âu Châu sẽ mang hình hài như thế nào?
Kế thừa di sản của Merkel
Trong ký ức của nhiều người, đã từng có một nhà lãnh đạo Đức thành công trong việc định hình một tiếng nói thống nhất cho Âu Châu, ít nhất là trong con mắt của Washington. Người đó chính là Angela Merkel, nữ Thủ tướng đầu tiên và cũng là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Đức.
Trong suốt nhiều năm, khi nhắc đến Âu Châu, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên Angela Merkel. Bà được mọi người trìu mến gọi là “Mutti Merkel” (Mommy Merkel, Mẹ Merkel), và thậm chí còn được coi là “lãnh đạo thế giới tự do” trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Di sản của Merkel (2005–2021) được định hình bởi những cam kết mạnh mẽ về năng lượng sạch, quyết định mở cửa đón hàng trăm ngàn người tị nạn trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, và vai trò tiên phong của Đức trong EU. Với những đóng góp to lớn của mình, Merkel được ví như “động cơ của Âu Châu.”
Merkel có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một người nhiệt thành theo chủ nghĩa Âu Châu. Cả hai cùng nhau truyền tải tầm nhìn về một Âu Châu thống nhất và các giá trị cốt lõi của khối tới thế giới. Bộ đôi quyền lực của EU thậm chí còn được giới quan sát đặt biệt danh là “Merkron.”
Ở bên kia Đại Tây Dương, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng gọi Merkel là đồng minh thân cận nhất, ca ngợi chính sách nhân đạo của bà về vấn đề người tị nạn và trao tặng bà Huân chương Tự do (Medal of Freedom), danh hiệu cao quý nhất mà Hoa Kỳ có thể trao cho một công dân nước ngoài.
Không chỉ là một chính trị gia bản lĩnh, Merkel còn là người có tầm nhìn xa, đặc biệt là cách nhìn sắc sảo về các cựu siêu cường quốc và những nhà lãnh đạo thời Chiến Tranh Lạnh (Cold War). Sinh ra và lớn lên ở Đông Đức, bà chưa bao giờ tin tưởng Vladimir Putin. Bà cũng gặp nhiều khó khăn khi hợp tác với Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Năm 2017, Merkel cảnh báo rằng Đức và EU không thể tiếp tục dựa dẫm vào Hoa Kỳ như trước đây, và rằng Âu Châu cần phải tự nắm lấy vận mệnh của mình – một quan điểm mà ngày nay Merz đang nhắc lại.
Câu hỏi muôn thuở của Đức: Ai sẽ dẫn dắt Âu Châu?
Dù được ca ngợi trên trường quốc tế, Merkel lại không được lòng toàn bộ người dân ở quê nhà.
“Câu hỏi nước Đức”, thuật ngữ chỉ sự lúng túng trong việc xác định vai trò lãnh đạo và bản sắc văn hóa chung, đã là một bài toán nan giải từ thế kỷ 19. Câu hỏi này càng trở nên cấp bách hơn sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất vào năm 1989.
Hơn ba thập niện sau “Phép màu Merkel,” Đức vẫn bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị, đặc biệt là giữa miền Đông và miền Tây. Những rạn nứt nội bộ này phản ánh chính những chia rẽ lớn hơn mà toàn EU đang phải đối mặt. Từ những tranh cãi xoay quanh vấn đề ai sẽ lãnh đạo khối, cho đến việc nên đuổi tầm nhìn nào cho Âu Châu trong tương lai.
Để lấy lại vị thế lãnh đạo Âu Châu mà nước này từng có dưới thời Merkel, Đức cần một chương trình hành động mạnh mẽ và có tầm nhìn xa, có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trên toàn lục địa. Nhưng đến nay, cả Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz lẫn người kế nhiệm dự kiến Friedrich Merz đều chưa cho thấy được phẩm chất này.
Dù cùng thuộc đảng CDU, Merz và Merkel có những quan điểm rất khác nhau. Giàu có, và là một cựu luật sư về kinh doanh, Merz theo đuổi tư tưởng kinh tế bảo thủ. Cuốn sách nổi tiếng của ông, “Dare More Capitalism,” phác thảo một chương trình chính sách ưu tiên giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, cắt giảm bộ máy hành chánh quan liêu, giảm thuế và đẩy mạnh các cải cách thị trường tự do. Ngoài ra, Merz còn có quan điểm cứng rắn về nhập cư. Ông ủng hộ việc siết chặt biên giới Đức và thực thi các chính sách nhập cư khắt khe hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy nước Đức đang dịch chuyển mạnh về phía cánh hữu.
Tuy nhiên, giống như Merkel, ông vẫn ủng hộ EU và NATO vững mạnh. Merz mong muốn tái thiết Đức thành một cường quốc, lấy lại vị thế mà nước này từng có dưới thời Merkel, và một lần nữa đưa Đức trở thành hình mẫu đáng ngưỡng mộ của Âu Châu.
Một Âu Châu đang thay da đổi thịt?
Với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump và sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy cực hữu (far-right populism) trên khắp EU và thế giới, việc Trump công khai ca ngợi chiến thắng của phe cực hữu trong một cuộc bầu cử ở Đức (gọi đó là một “ngày tuyệt vời cho nước Đức”) đã khiến nhiều người lo ngại.
Việc thắng lợi của phe cực hữu có phải là điều “tuyệt vời cho Âu Châu” hay không còn tùy vào cách mỗi người nhìn nhận về tương lai của lục địa này. Dù bảo thủ hơn Merkel, Merz vẫn muốn một Âu Châu mạnh mẽ và độc lập hơn, thoát khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, giống như quan điểm mà cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng theo đuổi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với sự chuyển hướng này. Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich gần đây, Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance cảnh báo về một “mối đe dọa từ bên trong Âu Châu,” chỉ trích các chính phủ EU đã xa rời “các giá trị cốt lõi chung với Hoa Kỳ.”
Ngay sau đó, Elon Musk đã đăng trên nền tảng X với thông điệp: “Làm cho Âu Châu vĩ đại trở lại! MEGA, MEGA, MEGA!”
Dù có vẻ như các nhà lãnh đạo EU phản đối những tư tưởng cực hữu, nhưng không thể phủ nhận là Âu Châu hiện tại đang rất bất ổn, và chính nội bộ của họ cũng có nhiều người theo đuổi những chính sách mang hơi hướng dân túy và chủ nghĩa dân tộc.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và phong trào cực hữu đang đặt ra thách thức lớn đối với trật tự chính trị truyền thống của khu vực, cái mà nhiều người gọi là “Âu Châu cũ.” Đặc biệt, khi EU ngày càng xa rời Hoa Kỳ, mối quan hệ liên minh lâu đời với Washington cũng dần trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, sự mở rộng ảnh hưởng của Nga và khuynh hướng lãnh đạo độc tài tại khu vực Trung Âu – chẳng hạn như ở Hungary và Slovakia – cùng với sự gia tăng của tư tưởng dân tộc cực đoan tại các nước như Áo, Đức, Pháp, đã khiến Âu Châu không còn là một khối thống nhất cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa.
Ở Ý, Thủ tướng Giorgia Meloni tiếp tục gây tranh cãi khi thể hiện phong cách chính trị “tắc kè hoa” – tức là vừa có những quan điểm nghiêng về cánh hữu, vừa công khai ủng hộ Elon Musk và Donald Trump. Quan điểm thiếu nhất quán này tạo ra trở ngại lớn cho những ai đang cố gắng xây dựng một Âu Châu theo đường lối chính trị trung dung và ổn định hơn.
Bao giờ thì mọi chuyện mới rõ ràng?
Chưa đầy một năm trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời cảnh báo đầy u ám: “Chúng ta phải hiểu rõ một thực tế: Âu Châu ngày nay không phải là bất tử. Chúng ta có thể sụp đổ và điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những lựa chọn của chúng ta.”
Lời cảnh báo này chạm đến một vấn đề còn bỏ ngỏ: rốt cuộc, Âu Châu muốn một tương lai như thế nào? Khi câu hỏi này vẫn chưa có lời giải, có lẽ đã đến lúc phải đặt lại câu hỏi nổi tiếng của Henry Kissinger năm xưa, không còn là “gọi cho ai” nữa, mà là “có còn Âu Châu để mà gọi hay không?”
Nhưng ngay cả khi EU có thể giữ vững sự đoàn kết, một thách thức lớn khác vẫn đang chờ phía trước: Chính quyền Trump có thể sẽ “trở mặt” đối đầu trực diện với EU trên nhiều mặt, từ cuộc chiến Ukraine, viện trợ quốc tế, đến chính sách mậu dịch và quy định pháp lý.
Và nếu giả sử “vẫn còn một Âu Châu để gọi,” thì một câu hỏi đáng lo hơn nữa là: “Liệu Washington có thèm nhấc máy để gọi hay không?”
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Is a united European voice possible in the age of Trump, Putin and far-right politics? Germany’s new leader intends to find out” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn