
Học đường ở Mỹ, trừ các trường tư của các tôn giáo làm chủ, lâu nay được điều hành độc lập mà không chịu bị chi phối bởi các tôn giáo. Nhưng hiện nay chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đang xem xét việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục là cơ quan liên bang có nhiệm vụ thiết lập các chính sách về tài trợ liên bang cho giáo dục và phân phối cũng như giám sát các khoản tài trợ đó. Ảnh: istockphoto.com
Khoa học gia người Mỹ da đen nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 George Washington Carver (1864-1943) đã từng nói rằng, “Giáo dục là chìa khóa mở cánh cửa vàng của tự do.”
Đúng vậy! Chính vì vai trò quan trọng của giáo dục đối với tự do mà các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) đã tận lực vận động cho việc nâng cao dân trí để canh tân đất nước hầu có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Đất nước Hoa Kỳ nhờ có tự do, dân chủ và dân trí cao mà trở thành đại cường quốc trên thế giới. Nền giáo dục của Mỹ đã trở thành kiểu mẫu được nhiều nước ngưỡng mộ, cho nên số lượng sinh viên ngoại quốc du học tại Mỹ là cao nhất trên toàn cầu, với 1,126,690 người vào năm 2024, theo https://opendoorsdata.org.
Đối với người Mỹ, nhờ các chính sách hỗ trợ về nhiều mặt mà trong đó có tài chánh từ liên bang cho đến các tiểu bang và địa phương đã giúp cho thành phần con em trong các gia đình nghèo khó có cơ hội để học tập từ cấp tiểu học, trung học lên đến cấp đại học, cao học và tiến sĩ.
Học đường ở Mỹ, trừ các trường tư của các tôn giáo làm chủ, lâu nay được điều hành độc lập mà không chịu bị chi phối bởi các tôn giáo.
Nhưng hiện nay chính quyền của Tổng Thống Donald Trump đang xem xét việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục là cơ quan liên bang có nhiệm vụ thiết lập các chính sách về tài trợ liên bang cho giáo dục và phân phối cũng như giám sát các khoản tài trợ đó. Nếu việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng đến hàng triệu sinh viên Mỹ là những người nghèo cần đến trợ cấp tài chánh hoặc vay tiền học.
Ngoài ra, vào ngày 6 tháng 2 năm 2025, Tổng Thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm xóa bỏ “thành kiến chống Thiên Chúa Giáo” trong chính quyền liên bang bằng cách ra lệnh cho các cơ quan xem xét các chính sách và sự thực hiện mà ông cho là dập tắt các hoạt động tôn giáo, theo bản tin Reuters cho biết. Ông cũng thành lập một lực lượng đặc nhiệm do Bộ Trưởng Tư Pháp Pam Bondi lãnh đạo để điều tra những người chống Thiên Chúa Giáo. TT Trump cũng cho biết rằng ông đã thành lập Văn Phòng Đức Tin tại Bạch Ốc do nữ Mục Sư Pastor Paula White lãnh đạo.
Nhìn bề ngoài việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục và xóa bỏ thành kiến chống Thiên Chúa Giáo có vẻ không liên quan nhau, nhưng bên trong sâu thẳm hai vấn đề này có liên hệ chặt chẽ nhau nhắm đến cùng một mục đích là khôi phục vị thế của Thiên Chúa Giáo để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Trước hết, chúng ta tìm hiểu về Bộ Giáo Dục Mỹ.
Vai trò của Liên Bang đối với nền giáo dục Mỹ
Theo tài liệu của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ được phổ biến trên trang mạng www.ed.gov, thì Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ được thành lập đầu tiên vào năm 1867 để thu thập thông tin về các trường học và việc dạy học để giúp các tiểu bang thiết lập các hệ thống học đường hiệu quả. Mục đích này cho đến nay vẫn còn được thực hiện dù Hành Pháp đã nhiều lần thay đổi danh xưng của cơ quan này trải qua gần 160 năm nay.
Việc thông qua Đạo Luật Second Morrill Act vào năm 1890 đã trao cho Văn Phòng Giáo Dục (tên gọi Bộ Giáo Dục lúc đó) trách nhiệm điều hành sự hỗ trợ cho hệ thống các trường cao đẳng và đại học được cấp đất ban đầu. Giáo dục nghề nghiệp là lãnh vực lớn kế tiếp của tiền tài trợ Liên Bang cho các trường học, với Đạo Luật Smith-Hughes Act được thông qua năm 1917 và Đạo Luật George-Barden Act được thông qua năm 1946 tập trung vào việc huấn luyện về nông nghiệp, kỹ nghệ và kinh tế gia đình cho các học sinh trung học.
Thế Chiến Thứ Hai đưa tới việc mở rộng đáng kể sự hỗ trợ của Liên Bang cho giáo dục. Đạo Luật The Lanham Act vào năm 1941 và luật Impact Aid vào năm 1950 đã làm giảm gánh nặng cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của quân đội và các cơ quan Liên Bang khác bằng cách chi trả cho các học khu. Vào năm 1944, Đạo Luật GI cho phép hỗ trợ giáo dục sau trung học mà đã giúp gần 8 triệu cựu chiến binh Thế Chiến Thứ Hai vào học đại học.
Chiến Tranh Lạnh đã thúc đẩy điển hình đầu tiên về luật giáo dục Liên Bang toàn diện, khi Quốc Hội vào năm 1958 đã thông qua Đạo Luật National Defense Education Act (NDEA) nhằm ứng phó với việc Liên Bang Xô Viết phóng vệ tinh Sputnik. Để bảo đảm rằng các cá nhân được đào tạo cao cấp sẽ có thể giúp nước Mỹ cạnh tranh với Liên Bang Xô Viết trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật, NDEA bao gồm việc hỗ trợ các khoản tiền cho vay cho các sinh viên đại học, cải thiện việc dạy khoa học, toán, ngoại ngữ tại các trường tiểu học và trung học, học bổng sau đại học, ngoại ngữ và các nghiên cứu, và huấn luyện nghề nghiệp kỹ thuật.
Luật chống nghèo đói và dân quyền của thập niên 1960s và 1970s tạo sự trỗi dậy mạnh mẽ của sứ mệnh tiếp cận bình đẳng của Bộ. Việc thông qua luật như Mục VI của Đạo Luật Dân Quyền vào năm 1964, Mục IX của Tu Chính Án Giáo Dục vào năm 1972, và Điều Khoản 504 của Đạo Luật Rehabilitation Act vào năm 1973 cấm kỳ thị dựa trên màu da, giới tính, và khuyết tật làm cho việc thực thi dân quyền trở thành nền tảng và tồn tại lâu dài của Bộ Giáo Dục. Vào năm 1965, Đạo Luật Elementary and Secondary Education Act ban hành các chương trình toàn diện, gồm Mục I chương trình tài trợ Liên Bang cho trẻ em bị thiệt thòi để giải quyết các vấn đề của thành thị nghèo và các vùng nông thôn. Cùng năm này, Đạo Luật Higher Education Act cho phép trợ giúp giáo dục hậu trung học, gồm các chương trình trợ cấp tài chánh cho các sinh viên đại học cần đến.
Vào năm 1980, Quốc Hội đã thành lập Bộ Giáo Dục ngang cấp bộ trưởng. Ngày nay, Bộ Giáo Dục điều hành các chương trình liên quan đến mọi lãnh vực và cấp bậc của giáo dục. Các chương trình tiểu học và trung học của Bộ Giáo Dục hàng năm phục vụ gấn 18,200 học khu và trên 50 triệu học sinh học tập tại khoảng 98,000 trường công và 32,000 trường tư. Các chương trình của Bộ Giáo Dục cũng cung cấp trợ cấp, cho vay, và hỗ trợ vừa làm vừa học cho hơn 12 triệu sinh viên sau trung học.
Tại sao Trump muốn bãi bỏ Bộ Giáo Dục?
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Bộ Giáo Dục đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và điều hành các chương trình hỗ trợ tài chánh cho hàng triệu học sinh và sinh viên Mỹ để họ có thể tiếp tục học hành và góp phần tạo ra tương lai tươi sáng cho cá nhân và đất nước lại bị Chính Phủ Trump muốn dẹp bỏ?
Nếu nói đây là kế hoạch của Bộ Hiệu Quả Chính Phủ do Elon Musk lãnh đạo muốn tinh giản bộ máy chính phủ thì nên nhớ rằng Bộ Giáo Dục là một trong những Bộ có ít nhân viên nhất của chính phủ Hoa Kỳ, với khoảng 4,400 nhân viên và với ngân sách được cấp 238 tỉ đô la vào năm 2024, ít hơn 2% tổng ngân sách liên bang.
Theo Giáo Sư Nhân Chủng Học Alex Hinton, cũng là Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Diệt Chủng và Nhân Quyền tại Đại Học Rutgers, Newark, New Jersey, trong bài đăng trên trang mạng www.theconversation.com hôm 7 tháng 2 năm 2025 thì có 4 lý do khiến Trump muốn bãi bỏ Bộ Giáo Dục:
1/ Trump và những người ủng hộ ông tin rằng những kẻ cấp tiến đang phá hoại nền giáo dục công bằng cách thiết lập thứ mà họ (Trump và những người ủng hộ ông) gọi là “chương trình nghị sự thức tỉnh cấp tiến” mà họ cho là đã hy sinh tự do ngôn luận của những người bảo thủ có quan điểm khác. Còn nữa, Trump và nhóm MAGA thù ghét sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, hay DEI, các sáng kiến cổ võ công lý xã hội, và lý thuyết chủng tộc quan trọng, hay ý tưởng về sự kỳ thị chủng tộc đã ăn sâu vào các cơ chế xã hội và luật pháp. Những người ủng hộ Trump cho rằng những chính sách như thế vốn được Bộ Giáo Dục gián tiếp hậu thuẫn qua việc mở rộng Title IX bảo vệ giới tính vào năm 2024 là trái ngược với Thánh Kinh. Các chính sách về chủng tộc và giới tính được nêu bật trong Dự Án 2025 và trong cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa năm 2024 “Make America Great Again!”
2/ Đối với những người ủng hộ MAGA, sự thức tỉnh (woke) của “cánh tả cấp tiến” là một phần của nỗ lực lâu dài của những người cấp tiến nhằm “tẩy não” người khác bằng quan điểm Mác-xít. Một phiên bản của thuyết âm mưu “Chủ Nghĩa Mác-xít Mỹ” này cho rằng sự nhồi sọ có nguồn gốc của nền giáo dục công lập Hoa Kỳ. Những người trung thành với MAGA nói rằng chương trình nghị sự cách tả này là phản dân chủ và chống lại Thiên Chúa Giáo.
3/ Những người ủng hộ Trump cũng cho rằng chính sách giáo dục công lập liên bang “thức tỉnh” xâm phạm tự do và các quyền căn bản của mọi người. Ý tưởng này mở rộng tới điều mà những người ủng hộ Trump gọi là “sự phục hồi các quyền cha mẹ,” gồm quyền quyết định xem con cái có phải đang trải qua sự chuyển đổi giới tính hay học hiểu về đặc tính giới tính không thuộc nam hoặc nữ theo truyền thống tại các trường công.
4/ Đối với người trung thành với MAGA, Bộ Giáo Dục là thí dụ điển hình của sự kém hiệu quả và tình trạng quan liêu của chính quyền. Thí dụ, Dự Án 2025 cho rằng từ lúc được Chính Phủ Carter thành lập vào năm 1979, Bộ Giáo Dục đã phình to, chịu sự chi phối của các nhóm lợi ích đặc biệt và hiện phục vụ như là “điểm dừng chân duy nhất đối với nhóm giáo dục thức tỉnh” không hiệu quả.
Trump có thể bãi bỏ Bộ Giáo Dục không?
Câu hỏi được nêu ra ở đây là liệu TT Trump có thể bãi bỏ Bộ Giáo Dục không?
Theo ký giả Ana Faguy viết trên trang mạng của Đài BBC hôm 4 tháng 2 năm 2025 thì bản thân Trump, dù với tư cách là tổng thống cũng không có quyền làm điều đó, vì Bộ Giáo Dục đã được Quốc Hội biểu quyết thông qua dự luật và được TT Carter ký thành luật ban hành vào năm 1979. Ký giả này giải thích tiếp rằng không chỉ Trump cần sự chấp thuận của Quốc Hội để giải thể Bộ Giáo Dục mà theo luật ông cũng cần một đại đa số - 60 trong 100 thượng nghị sĩ – chấp thuận. Hiện nay, Cộng Hòa chiếm đa số tại Thượng Viện với 53 thượng nghị sĩ và Dân Chủ có 47, như thế Cộng Hòa cần ít nhất 7 thượng nghị sĩ Dân Chủ để bỏ phiếu chấp thuận bãi bỏ Bộ Giáo Dục. Điều đó xem ra không thể thực hiện được.
Ngay cả tại Hạ Viện, Trump cũng khó kiếm được sự ủng hộ cần thiết. Cuộc bỏ phiếu trước đây vào năm ngoái để bãi bỏ Bộ Giáo Dục – đã được gắn vào một dự luật khác như một tu chính – đã thất bại để thông qua khi 60 Dân Biểu Cộng Hòa tham gia cùng với tất cả Dân Biểu Dân Chủ tại Hạ Viện bỏ phiếu bác bỏ.
Một bản thảo của lệnh bãi bỏ Bộ Giáo Dục của Trump, mà báo Washington Post có được, thừa nhận rằng chỉ có Quốc Hội mới có thể xóa bỏ Bộ Giáo Dục. Nhưng TT Trump thông qua pháp lệnh hành chánh có thể chỉ thị Bộ bắt đầu tự giải thể.
Tạm dừng đề tài giáo dục ở đây để chúng ta nói về chính sách tôn giáo mới nhất của Chính Phủ Trump và qua đó sẽ thấy được hai vấn đề này có liên hệ rất mật thiết với nhau.
Trump lập lực lượng đặc nhiệm và Văn Phòng Đức Tin Bạch Ốc để làm gì?
Theo bản tin của hãng thông tấn Mỹ AP hôm 7 tháng 2 năm 2025, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp vào Thứ Sáu để thành lập Văn Phòng Đức Tin Bạch Ốc như thành phần của Hội Đồng Chính Sách Nội Địa.
Lệnh này đặt lại tên Văn Phòng Sáng Kiến Cộng Đồng Dựa Vào Đức Tin của Bạch Ốc hiện có. Sắc lệnh này nói rằng văn phòng mới sẽ tham vấn với các lãnh đạo tôn giáo về các chủ đề gồm “việc bảo vệ tự do tôn giáo.”
Trump chỉ trích Chính Quyền Biden vì "bức hại" những người có đức tin vì đã truy tố những người ủng hộ chống phá thai. Trump nói đã tự hào về những nỗ lực trong nhiệm kỳ đầu của mình nhằm bãi bỏ các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập cũng như hạn chế sự tham gia của người chuyển giới vào các môn thể thao dành cho phụ nữ.
Hôm Thứ Năm Trump nói rằng ông muốn xóa bỏ “thành kiến chống Thiên Chúa Giáo” tại Hoa Kỳ, tuyên bố rằng ông đang thành lập lực lượng đặc nhiệm do Bộ Trưởng Tư Pháp Pam Bondi lãnh đạo để điều tra “việc tấn công” người Thiên Chúa Giáo. Tại Buổi Ăn Sáng Cầu Nguyện Toàn Quốc ở Thủ Đô Washington, Trump nói rằng lực lượng đặc nhiệm sẽ được chỉ thị để “lập tức ngưng tất cả mọi hình thức chống Thiên Chúa Giáo và kỳ thị trong chính phủ liên bang, gồm Bộ Tư Pháp, là tuyệt đối khủng khiếp, Sở Thuế, FBI – kinh hoàng – và các cơ quan khác.”
Trump cho biết Bondi cũng sẽ làm việc để “truy tố toàn bộ bạo lực và phá hoại chống Thiên Chúa Giáo trong xã hội của chúng ta và dùng mọi cách để bảo vệ quyền của tín đồ Thiên Chúa Giáo và những người có niềm tin tôn giáo trên toàn quốc.” Nhiều giờ sau hai sự kiện trên, Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ thị lực lượng đặc nhiệm mới để xác định các chính sách, hoạt động hay hành vi phạm pháp của tất cả các bộ và cơ quan hành pháp, và đề nghị bất cứ hành động bổ sung nào thuộc tổng thống và lập pháp.
Cũng tại Buổi Ăn Sáng Cầu Nguyện Toàn Quốc, Trump nói rằng, “Trong khi tôi ở Bạch Ốc, chúng ta sẽ bảo vệ Thiên Chúa Giáo trong trường học của chúng ta, trong quân đội của chúng ta, trong chính quyền của chúng ta, trong sở làm, bệnh viện và các quãng trường công cộng của chúng ta.” “Và chúng ta sẽ mang đất nước của chúng ta trở lại như một quốc gia dưới sự bảo vệ của Chúa.”
Nhưng, Mục Sư Paul Brandeis Raushenbush, lãnh đạo Liên Minh Liên Tôn Tiến Bộ cáo buộc Trump đạo đức giả trong tuyên bố bảo hộ tôn giáo qua việc thành lập lực lượng đặc nhiệm. Raushenbush cho biết trong một tuyên bố rằng, “Từ việc cho phép bố ráp di dân trong các nhà thờ, tới việc nhắm đích các tổ chức từ thiện tôn giáo, tới việc bãi bỏ sự đa dạng tôn giáo, việc can thiệp quá mức của Chính Phủ Trump đang xâm phạm tự do tôn giáo trong cách mà chúng ta đã không thấy qua nhiều thế hệ.”
Trump đẩy nước Mỹ tiến tới hay đi lùi?
Từ việc đòi bãi bỏ Bộ Giáo Dục đến việc lập lực lượng đặc nhiệm để “bảo vệ tự do tôn giáo,” TT Trump có phải đang đẩy nước Mỹ tiến tới để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” hay đang đẩy nước Mỹ đi tụt hậu trước đà văn minh tiến bộ của nhân loại?
Về mặt giáo dục, việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục sẽ làm cho các chương trình trợ giúp tài chánh và cho vay tiền học đối với hàng triệu học sinh, sinh viên nghèo ở Mỹ lâm vào tình trạng mất cơ hội để tiếp cận nền giáo dục đầy đủ cho tương lai của họ và qua đó là tương lai của đất nước. Còn nữa, việc Chính Phủ Trump bãi bỏ Sắc Lệnh Hành Pháp 11246 do TT Lyndon Johnson ban hành vào năm 1965 qua sắc lệnh hành pháp do TT Trump ký ban hành ngày 21 tháng 1 năm 2025 nhằm xóa bỏ việc các cơ quan chính phủ “thuê nhân viên không dựa vào nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo và quốc gia,” đã đẩy không những hàng triệu người Mỹ vào tình huống có thể bị kỳ thị khi xin việc làm mà còn khiến hàng triệu học sinh và sinh viên bị khó khăn hơn khi ghi danh vào các trường đại học. Chưa kể, nhiều sắc lệnh hành pháp mà TT Trump ban hành từ ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025 đến nay cắt giảm nhiều tài trợ cho các chương trình nghiên cứu tại các đại học và cơ chế chuyên môn khác trên toàn nước Mỹ sẽ làm nước Mỹ bị tụt hậu so với các nước khác trên phương diện nghiên cứu và phát minh trong nhiều lãnh vực từ khoa học, y học đến giáo dục.
Chính Phủ Trump viện dẫn lý do thực sự cho việc bãi bỏ Bộ Giáo Dục là vì cho rằng “những kẻ cấp tiến đang phá hoại nền giáo dục công bằng cách thiết lập thứ mà họ gọi là ‘chương trình nghị sự thức tỉnh cấp tiến’ mà họ cho là đã hy sinh tự do ngôn luận của những người bảo thủ có quan điểm khác họ,” như Giáo Sư Nhân Chủng Học Alex Hinton đã trình bày ở trên. Chính Phủ Trump đã quên rằng nền văn minh tiến bộ mà nhân loại đã và đang có được ngày nay bắt nguồn từ tinh thần cấp tiến của giới trí thức tinh hoa mà ra. Những người bảo thủ (conservative) hay cánh hữu gọi những người cấp tiến (radical) là cánh tả với việc gán ghép họ theo chủ nghĩa xã hội, mà những người cực hữu cho là theo cộng sản. Nhưng chữ cấp tiến trong tiếng Anh radical có ý nghĩa tương đương với chữ progressive (tiến bộ), cách mạng (revolutionary), cải tổ (reforming). Đây chính là những đặc tính của giới trí thức tinh hoa của nhân loại. Chính những phẩm tính này là động lực thúc đẩy nền văn minh và tiến bộ của loài người. Bãi bỏ Bộ Giáo Dục trong mục đích loại bỏ thành phần trí thức tiến bộ mà những người cực hữu gọi là cấp tiến, tả phái ra khỏi cơ chế đào tạo tuổi trẻ cho tương lai đất nước đồng nghĩa với việc rào chắn con đường văn minh tiến bộ của nước Mỹ trong hiện tại và mai sau.
Về mặt tôn giáo, khi viện dẫn lý do thành lập lực lượng đặc nhiệm và Văn Phòng Tôn Giáo Bạch Ốc để bảo vệ tự do tôn giáo mà cụ thể là để bảo vệ những người theo Thiên Chúa Giáo khỏi bị “thành kiến chống Thiên Chúa Giáo” bức hại, TT Trump có nghĩ rằng ông đang hành xử một cách phân biệt đối xử với các tôn giáo khác có mặt tại Mỹ như Hồi Giáo, Phật Giáo, Đạo Sikhism, v.v… hay không? Thiên Chúa Giáo chiếm 67%, tức 224 triệu người trong tổng dân số Mỹ 332 triệu, theo thăm dò của Gallup vào năm 2023 cho biết. Trong khi các tôn giáo khác đều là thành phần thiểu số mới thật sự cần được bảo vệ, nếu nước Mỹ không còn là đất nước tự do, dân chủ và pháp quyền mà hành xử theo kiểu độc tài đảng trị.
Nhưng đâu là nguyên nhân sâu xa của việc TT Trump ra sắc lệnh hành pháp để bảo vệ Thiên Chúa Giáo? Điều này không khó để nhìn ra. Hãy liên kết những chủ trương của TT Trump từ nhiều năm qua về các vấn đề như cấm phá thai, chống đồng tính, cấm sách về lịch sử phân biệt chủng tộc ở Mỹ được dạy và để trong các thư viện của trường học, tấn công thành phần trí thức tiến bộ mà ông gọi là thành phần cực tả, v.v… để thấy rằng TT Trump đã và đang quyết tâm dựng lại Chủ Nghĩa Dân Tộc Thiên Chúa Giáo (Christian Nationalism) trên đất nước Hoa Kỳ. Chủ Nghĩa Dân Tộc Thiên Chúa Giáo cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia được tạo ra do và cho tín đồ Thiên Chúa Giáo. Họ cho rằng nước Mỹ của người Thiên Chúa Giáo là thượng đẳng so với các nước khác. Họ cũng có thành kiến đối với các nhóm thiểu số khác.
Nhưng TT Trump và những người ủng hộ ông thuộc các giáo phái Tin Lành đã quên rằng Mục Sư và nhà Thần Học người Đức Martin Luther (1483-1546) là vị cha đẻ của Đạo Tin Lành (Protestantism) mà đa phần dân Mỹ là tín đồ cũng là nhà tiến bộ tôn giáo có công cải cách Thiên Chúa Giáo để đưa “tin lành” của tôn giáo mới này phổ biến khắp mọi nơi, mọi người và mọi xã hội, mà trong đó có Hoa Kỳ. Nếu không nhờ tinh thần tiến bộ và cải cách thì làm sao Mục Sư Martin Luther có thể can đảm chống lại chế độ giáo quyền của Thiên Chúa Giáo La Mã để thành lập một giáo phái mới?
TT Trump cũng đã quên rằng chính vì quyết tâm bảo vệ thành trì quyền lực tôn giáo của Thiên Chúa Giáo La Mã đã tạo ra cuộc chiến tranh tôn giáo lớn nhất trong lịch sử nhân loại được gọi là Thập Tự Chinh (Crusades) kéo dài từ năm 1095 đến 1291 Tây lịch tại Châu Âu. TT Trump chắc đã quên bẵng đi rằng nhờ giới trí thức tiến bộ mà Châu Âu đã có thể bỏ lại sau lưng một ngàn năm đen tối của thời kỳ Trung Cổ (Medieval period từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15) để mạnh dạn bước vào thời Phục Hưng (Renaissance) và từ đó đi thẳng trên con đường văn minh tiến bộ toàn diện như hôm nay.
Lịch sử loài người dù không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng nhưng luôn luôn hướng về phía trước để đi tới, để tiến lên. Nếu có ai đó cố tình chận bánh xe lịch sử bằng cách bám chặt vào những điều lỗi thời thì ắt sẽ bị nó nghiền nát. Đừng nói chi xa cứ nhìn lại mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của Thiên Chúa Giáo trên thế giới này thì cũng đủ thấy rõ. Theo thời đại, Thiên Chúa Giáo đã thích nghi và cải tiến nhiều giáo điều và tín điều để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Xin đơn cử một sự kiện dễ biết và dễ thấy nhất là chủ trương của Thiên Chúa Giáo lúc đầu mới du nhập vào Việt Nam và các nước Châu Á khác cấm tín đồ không được thờ cúng ông bà. Nhưng khi gặp sự phản kháng mạnh mẽ từ người dân bằng cách xa lánh Đạo Thiên Chúa ở các nước này vì điều cấm này thì Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã đã phải thay đổi việc cấm kỵ đó trong Công Đồng Vatican II được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập và chủ trì tại Tòa Thánh La Mã từ năm 1962 đến 1965.
Tôn giáo mang đến cho con người cuộc sống tâm linh hướng thượng và hướng tới chứ không buộc chặt con người vào những tín điều và giáo điều đã lỗi thời. Vì vậy, TT Trump nếu muốn bảo vệ Thiên Chúa Giáo ở Mỹ thì tốt nhất là ông nên sống cởi mở, bao dung, bác ái và hướng thượng để biết thương yêu và giúp đỡ mọi người như lời Chúa đã dạy. Hãy noi gương Mục Sư Martin Luther King Jr., người có trái tim và khối óc vĩ đại. Chính đời sống cao thượng của những công dân Mỹ như Mục Sư Martin Luther King Jr. mới thật sự “làm cho nước Mỹ vĩ đại.”
Huỳnh Kim Quang
Gửi ý kiến của bạn