Tổng thống Donald Trump vẫn luôn có sở thích tự đặt biệt danh cho chính mình: từ “thiên tài vững chãi,” “Don Trung Thực,” và giờ thì lên hẳn ngôi “vua.”
Nhưng lần này, danh xưng vua chúa mà ông tự phong đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ.
Hôm thứ Tư tuần qua, Trump tuyên bố “đánh bại” kế hoạch thu phí giao thông của New York dành cho Manhattan để giảm kẹt xe. Ông hớn hở đăng trên Truth Social: “KẾ HOẠCH THU PHÍ GIAO THÔNG ĐI TOONG RỒI. Manhattan và toàn bộ New York đã ĐƯỢC CỨU. HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!”
Ngay sau đó, phó Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, Taylor Budowich, đăng trên nền tảng X ảnh chụp lại bài đăng của Trump, ghép cùng hình ảnh do AI tạo ra, trong đó Trump đội vương miện, đứng sừng sững giữa đường chân trời New York phía sau. Các tài khoản mạng xã hội chính thức của Tòa Bạch Ốc cũng nhiệt tình hưởng ứng, chia sẻ hình ảnh kiểu như trang bìa tạp chí TIME (giả), trong đó tiêu đề “TIME” được thay thế bằng chữ “TRUMP”, kèm theo hình minh họa Trump đội vương miện và dòng tiêu đề không thể hoành tráng hơn: “Hoàng Đế Vạn Tuế.”
Hình ảnh này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Nó không chỉ gợi nhớ đến một trang bìa hàng thật của TIME từ năm 2018. Trong trang bìa đó, Trump được minh họa đang nhìn vào gương và thấy hình ảnh phản chiếu của mình đội vương miện, với tiêu đề đầy ẩn ý “King Me” (xin tạm dịch: “Vương Vị Tự Phong”) và phụ đề “Visions of absolute power” (Ảo vọng về quyền lực vô biên).
Lời tự xưng của Trump ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Thống đốc New York Kathy Hochul lên tiếng đầy gay gắt: “Đất nước này là quốc gia pháp trị, vua chúa gì ở đây.” Và còn nhấn mạnh thêm: “New York đã vắng bóng vua chúa được hơn 250 năm rồi. Và chắc chắn sẽ không quay lại cái thuở đó đâu.”
DB Don Beyer (Dân Chủ, Virginia) cũng lặp lại lời nhắc nhở này: “Ở Mỹ hổng có chứa mấy vị hoàng đế bệ hạ nha.”
Thống đốc Illinois J.B. Pritzker, cũng là một thành viên Đảng Dân chủ, đã nhấn mạnh quan điểm này trong bài phát biểu State of the State của mình:
“Tôi đã tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp của tiểu bang và quốc gia chúng ta. Hoa Kỳ không có vua chúa, và tôi sẽ không quỳ gối trước một ai.”
“Tôi đã tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp của tiểu bang và quốc gia chúng ta. Hoa Kỳ không có vua chúa, và tôi sẽ không quỳ gối trước một ai.”
Trump dường như không còn muốn giấu giếm tham vọng của mình nữa. Trong những tuần gần đây, ông liên tục có những hành động cho thấy mình không phải là một Tổng thống “bình thường” theo bất kỳ nghĩa nào. Cuối tuần qua, ông đăng một tuyên bố lấy cảm hứng từ Napoleon, ám chỉ rằng mình đứng trên luật pháp. Trump cũng nhiều lần bóng gió về ý đồ “trụ lại” thêm một nhiệm kỳ thứ ba. (Tu Chính Án Số 22 của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rõ ràng rằng một Tổng thống chỉ được phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ).
Đáng chú ý, trong buổi phỏng vấn trên Fox News vào ngày 18 tháng 2, Elon Musk, cố vấn của Trump, lặp lại ý tưởng rằng Trump nên có quyền lực tối thượng, không bị ràng buộc bởi hệ thống tư pháp. Musk lập luận rằng: “Nếu mong muốn của Tổng thống không được đáp ứng, mà Tổng thống lại là đại diện của nhân dân, thì có nghĩa là mong muốn của nhân dân không được thực hiện. Và nếu vậy, chúng ta không thực sự sống trong một nền dân chủ, mà chỉ là một bộ máy quan liêu mà thôi.”
Tuy nhiên, các nhà lập quốc chưa bao giờ hình dung Hoa Kỳ như một chế độ chuyên quyền hay một nền dân chủ thuần túy. Họ định hình đất nước này như một nền cộng hòa – mà James Madison mô tả là “một chính phủ mà mọi quyền lực đều xuất phát từ nhân dân, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp, và được điều hành bởi những cá nhân nắm giữ chức vụ trong một khoảng thời gian giới hạn, hoặc chừng nào họ còn giữ vững phẩm hạnh.”
Một trong những nguyên tắc nền tảng của Hoa Kỳ là quốc gia này sẽ không bị cai trị bởi một vị vua nắm trong tay quyền lực tối thượng – được thể hiện rõ ràng trong Tuyên Dương Độc Lập (Declaration of Independence) và được đảm bảo trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Hiến pháp được soạn thảo sau nhiều tranh luận gay gắt vào năm 1787 nhằm tạo ra một hệ thống chính phủ có thể bảo vệ tự do của nhân dân mà không rơi vào chế độ chuyên quyền.
Dù vậy, không phải nhà lập quốc nào cũng phản đối một Tổng thống có quyền lực mạnh mẽ. Thí dụ như Alexander Hamilton, ông cho rằng chính phủ nên có một nhà lãnh đạo hành pháp duy nhất thay vì một hội đồng nhiều người, bởi lẽ một nhóm quá đông có nguy cơ phát sinh “bất đồng quan điểm.” Ngược lại, những người khác, như Edmund Randolph, cảnh báo rằng một nhánh hành pháp tập trung quyền lực vào một người duy nhất có thể trở thành “mầm mống của chế độ quân chủ”.
Thời điểm đó, dư luận lo ngại rằng Hiến pháp mới sẽ tạo ra một chế độ quân chủ trá hình. Một tờ báo Philadelphia đã trích dẫn lời một dân biểu tiểu bang (delegate) tham gia Hội nghị Lập hiến rằng: “Dù không thể nói chính xác những gì chúng tôi đang làm, nhưng có thể khẳng định một điều là: chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc lập một vị vua.”
Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên nguyên tắc phân quyền, chia chính phủ thành ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi nhánh có vai trò và quyền hạn riêng, tạo nên một hệ thống chính trị dựa trên nguyên tắc đối trọng (checks and balances), nhằm ngăn chặn bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào nắm quyền lực tuyệt đối. Đây là một biện pháp thiết yếu để bảo vệ nền cộng hòa non trẻ khỏi kiểu cai trị độc tài mà các thuộc địa Mỹ từng đấu tranh để giành tự do.
Nguyên tắc này được Thomas Paine thể hiện rõ trong cuốn Common Sense (Lẽ Thường) xuất bản năm 1776, ông viết: “Trong các chính phủ chuyên chế, nhà vua là luật pháp; còn ở các quốc gia tự do, luật pháp phải là vua, và không ai khác có thể thay thế.”
Theo sử gia Holly Brewer, có rất nhiều vấn đề mà các nhà lập quốc tranh cãi gay gắt với nhau; nhưng riêng vấn đề này, họ lại đồng thuận tuyệt đối: Tổng thống Hoa Kỳ không phải là “một vị vua lên ngôi thông qua bầu cử.”
Trong một bài viết trên tạp chí TIME vào năm 2018, Richard Hurowitz đã viết
“Giải pháp của Hoa Kỳ là một nhánh hành pháp có đủ quyền lực để điều hành hiệu quả, nhưng cũng được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự bạo quyền.” Thế nhưng, ngay cả các nhà lập quốc cũng hiểu được rằng hệ thống này “vẫn phụ thuộc ít nhiều vào phẩm hạnh của Tổng thống và cử tri ủng hộ ông ta.”
“Giải pháp của Hoa Kỳ là một nhánh hành pháp có đủ quyền lực để điều hành hiệu quả, nhưng cũng được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn sự bạo quyền.” Thế nhưng, ngay cả các nhà lập quốc cũng hiểu được rằng hệ thống này “vẫn phụ thuộc ít nhiều vào phẩm hạnh của Tổng thống và cử tri ủng hộ ông ta.”
Vào ngày cuối cùng của Hội nghị Lập hiến năm 1787, khi được hỏi liệu các dân biểu đã lập ra một chế độ quân chủ hay một nền cộng hòa, Benjamin Franklin trả lời một câu nổi tiếng: “Một nền cộng hòa, nếu các người có thể giữ gìn.”
Hơn hai thập niên sau, vào năm 1814, cựu Tổng thống John Adams đã cảnh báo rằng nền dân chủ không được kiểm soát có thể nguy hiểm không kém gì chế độ quân chủ và không bao giờ tồn tại lâu dài. Ông nhấn mạnh rằng: “Nền dân chủ khi không có kiểm soát sẽ nhanh chóng suy tàn, kiệt quệ và tự hủy hoại chính mình. Trong lịch sử, chưa từng có nền dân chủ nào không tự diệt vong. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng dân chủ đó sẽ đỡ phù phiếm, đỡ kiêu ngạo, không ích kỷ và tham lam như chế độ quý tộc hay quân chủ.”
Adams cũng nhận xét “quyền lực tuyệt đối là liều thuốc mê hoặc tất cả, từ bạo chúa, quân vương, quý tộc cho đến cả những người tin vào nền dân chủ,” và cảnh báo rằng khi người dân mất lòng tin vào chính phủ, họ sẽ dễ dàng bị cuốn theo cơn khát quyền lực của một kẻ độc tài. “Họ sẽ hoảng sợ kêu lên: ‘Chúng ta không thể tiếp tục thế này! Mọi thứ đã đi quá xa! Sai hết rồi! Không ai còn an toàn cả!’ Chúng ta cần đồng lòng hướng về một nhân vật nào đó, một kẻ tài giỏi có thể bảo vệ tất cả—dù đó là Caesar, [Napoleon] Bonaparte hay bất kỳ ai khác! Chúng ta có thể đã từng ngờ vực, căm ghét, thậm chí khinh miệt con người này; nhưng đến cuối cùng, chúng ta vẫn phải đứng về phía hắn, thần phục, tung hô hắn đến tận trời xanh, và ca tụng rằng đây là người vĩ đại nhất, tài ba nhất, phi thường nhất mà thế giới từng có!”
Những lời của Adams sẽ khiến nhiều người chỉ trích Trump cảm thấy bất an vì có vẻ như điều này đang ứng nghiệm một cách đáng sợ.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “What the Founding Fathers Said About Kings” được đăng trên trang Time.com.
Gửi ý kiến của bạn