Từ ngày chính thức nhậm chức, 20 tháng Giêng, 2025, chính quyền của Trump hoạt động rất năng nổ, chai sâm banh bật nút, rượu trào ra, sắc lệnh hành chánh trào ra, kế hoạch mới trào ra, thay đổi trào ra, tin đồn trào ra, vân vân, và những ly sâm banh cụng nhau leng keng rồi nốc cạn.
Tuy nhiên, còn quá sớm, quá mới để có thể cảm nhận kết quả tốt hay xấu. Một số đông đang chờ đợi chính quyền Trump làm những điều để Mỹ nhảy vọt về kinh tế. Tiền ra nhín rịn, tiền vào ào ào, Cậu Sam trở nên giàu có.
Cậu giàu, cháu có nhờ được không?
Hay chỉ các cậu chia nhau, còn đàn cháu lượm mảnh vụn rơi, vẫn nghèo với kỳ vọng sẽ giàu?
Không ai có thể tiên đoán chuyện ngày mai, nhưng cổ nhân điềm chỉ rằng: “Xem rễ thì biết cây, xem gốc thì biết cành.”
Nói một cách khác, trong vòng một tháng qua, dù quá mới, vẫn có thể chiêm nghiệm ra đôi điều bàn thảo trong khi chờ những hành động chủ lực.
1.
Chính quyền Trump là chính quyền đầu tiên với lực lượng nắm chức cao quyền trọng với nhãn hiệu “tỷ phú.” Ngày 13 tháng 01, Memorandum đã chạy một tựa đề chữ lớn: “Donald Trump’s Stacking His Cabinet With Billionaires Who Will Put Wall Street Over Main Street.” Chúc mừng. Chúc mừng. “Trump đang bổ nhiệm những người trung thành là tỷ phú vào các vị trí quan trọng trong chính quyền của mình — từ Bộ Tài chính và cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ cho đến Văn phòng Quản lý và Ngân sách.” việc này có nghĩa, tái tổng thống Trump nhắm đến việc phát triển kinh tế Mỹ dưới triều đại của ông qua tài năng có chứng minh của các tỷ phú. Phố Wall trở thành quan trọng hơn phố Main. Tất cả những chiến lược, chiến thuật và thủ thuật chính trị đối nội hoặc đối ngoại đều nhắm vào túi tiền.
Cứ xét thử mấy ông tỷ phú đó, ngoại trừ kinh nghiệm và hiểu biết kinh doanh, bao nhiêu người thực sự là chính trị gia, kinh tế gia, xã hội gia, khoa học gia, chuyên gia? Nếu bạn đọc nghĩ rằng, người có khả năng làm giàu là tự động am tường các lãnh vực khác, thì bạn chỉ cần suy nghĩ lại tầm hiểu biết của tỷ phú Trump, tất nhiên bạn sẽ thấy rõ ràng. Nếu phải phân tích sâu đậm hơn, họ có thể là chuyên nghiệp kinh doanh, không chắc gì là chuyên viên kinh tế.
Lấy một ví dụ nhỏ, một bá hộ làm bộ trưởng giáo dục. Ông có thể rất giỏi về điều khiển ngân sách bộ giáo dục, nhưng làm sao có khả năng quản lý chữ nghĩa? Tất nhiên, ông phải nhờ kẻ dưới chỉ dẫn, xum xoe kế hoạch. Liệu ông có sử dụng đúng người phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giáo dục? Hoặc cứ theo sách xưa nói rằng: “Nhìn chủ biết thợ, nhìn con biết cha.” Không có gì đáng sợ cho bằng, người thiếu đầu óc mà làm chủ những người có đầu óc. Giữa đám có đầu, người không đầu làm vua. Chúng ta đang kỳ vọng điều gì?
Nếu bạn đọc quen thuộc hoặc thường xem phim lịch sử, từ Âu châu, Phi châu qua đến Á châu, những triều đại xưa, thành phần quí tộc, nhà giàu, luôn là thành phần cai trị và họ sống phú quí, hưởng thụ trên công sức phục vụ của dân nghèo. Giờ đây, đầu thế kỷ 21, tại Mỹ, một quốc gia nổi bật hàng đầu chủ nghĩa tự do dân chủ đang được điều khiển bởi các quí tộc, thành phần cao nhất của quí tộc: tỷ phú.
Đa số những người này sinh ra trong nhung lụa, lớn lên với giàu sang và quyền lực, dù họ có thể biết nhưng không thể thực sự cảm nhận chia sẻ với những người nghèo không đủ cơm ăn áo mặc; những người bệnh tật sống nhờ sự tài trợ; những gia đình trung lưu không đủ tiền cho con đi học xa, lên đại học nổi tiếng; những người không thể trả tiền bệnh viện, những người sống bấp bênh không có bảo hiểm, vân vân. Hiểu biết không phải là kinh nghiệm. Và chỉ có cùng kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm tương tựa, mới có sự cảm thông hoặc đồng cảm.
Liệu những quí tộc này sẽ quyết định ra sao khi có sự xung đột giữa lợi ích kinh doanh và lợi ích nhân bản? Liệu những tiềm thức và vô thức ám ảnh đầy lợi nhuận có thể chọn việc làm ngược lại để ủng hộ giới công nhân, giới lao động và giới trung lưu thấp?
Liệu có bao nhiêu quí tộc có tâm tư và ý muốn làm đẹp cuộc đời, nơi họ đang sống? Hoặc chỉ lo làm đầy túi tiền dù đã quá đầy?
Khi Trump và đảng Cộng Hòa đang nắm quyền đa số ở hai viện thì việc đề cử người cùng phe phái vào nội các, sẽ khá dễ dàng. Hiện nay và ít nhất trong hai năm tới, Cộng Hòa làm chủ từ hành pháp, qua lập pháp và cả hiến pháp. Bài học này, đảng Dân Chủ cần ghi nhớ và tìm những phương cách hữu hiệu để chiếm lại thế thăng bằng. Và bài học này cũng để cho một số người đã đồng cảm sai “da màu như da trắng” và “trung lưu như quí tộc,” có cơ hội nhìn và nghĩ sâu xa hơn về hành vi, thái độ của bản thân và bề lưng của giới quí tộc.
2.
“Donald Trump đã trở lại Washington, thề sẽ cải tổ nền kinh tế và mang đến một ‘thời kỳ hoàng kim’ mà Hoa Kỳ sẽ ‘thịnh vượng hơn bao giờ hết’.
Trong khi Trump bác bỏ quan niệm này, nền kinh tế mà ông thừa hưởng từ đảng viên Dân chủ Joe Biden rất mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát chậm lại và tăng trưởng, đầu tư và tiêu dùng vượt xu hướng.
Đảng viên Cộng hòa nhiệm kỳ thứ hai đã vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng để làm đầy bảng cân đối kế toán của hộ gia đình và doanh nghiệp bằng cách cắt giảm thuế, đảo ngược thương mại toàn cầu bằng một loạt thuế quan và định hình lại lực lượng lao động Hoa Kỳ bằng các hạn chế mạnh mẽ đối với nhập cư. “(Ben Welsh, Tracking Trump’s economy.” Tin Reuters.)
Dưới đây là một số họa đồ đại biểu cho kinh tế trong nhiệm kỳ trước của Trump so với nhiệm kỳ tiếp theo của Biden. Người thì dễ nói dối, nói láo, nói sai sự thật. Ai vậy? Biết rồi còn hỏi làm gì. Nhưng con số không nói dối. Thông tấn Reuters, nơi tìn tức không phe phái, trung thực với tin tức, đã sử dụng những con số, bảng thống kê từ những nguồn đang tin cậy, cho người đọc một tầm nhìn trần trụi, không bình luận, không tuyên truyền, thuần túy là đường nét, con số để mỗi người đọc tìm hiểu.
Nếu bạn đọc tin rằng chính phủ Trump sẽ làm cho nền kinh tế ‘vàng son’ như lời hứa, xin chờ xem hồi tiếp theo: “Chiến tranh kinh tế.”
Gửi ý kiến của bạn