Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…
(Vì sao – Xuân Diệu)
Những gì thuộc về tình cảm thì thường phức tạp và khó hiểu, mà phức tạp nhất thì chắc hẳn là tình yêu! Ở Hoa Kỳ, từ “love” được tìm kiếm trên Google khoảng 1.2 triệu lần mỗi tháng. 1/4 số lượt tìm kiếm này là câu hỏi “yêu là gì” hoặc “định nghĩa về yêu.”
Yêu là gì và sao lại khó hiểu?
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Những cảm xúc khi ở gần người mà chúng ta thích hay bạn bè thân thiết, chẳng hạn như thấy phấn khích, bị thu hút và vui vẻ là kết quả của những phản ứng này. Dần dà, những cảm xúc này có thể phát triển thành sự thoải mái và tin tưởng. Tình yêu giữa cha mẹ và con cái thì có chút khác biệt, thường là sự kết hợp giữa yêu thương và quan tâm, chăm sóc.
Nhưng, phải chăng tình yêu chỉ đơn giản là những cảm xúc được kích thích bởi các phản ứng hóa học trong não bộ? Nếu chỉ nhìn nhận tình yêu theo cách này, thì tình yêu sẽ giống như một điều gì đó xảy ra một cách tự nhiên mà chúng ta không thể kiểm soát, tương tự như những lúc bất ngờ bị vấp té.
Các triết gia xưa nay vẫn tin rằng tình yêu không chỉ đơn giản là cảm giác yêu hay không yêu.
Không chỉ là cảm xúc
Theo triết gia Hy Lạp cổ đại Plato, tình yêu có thể mang đến những cảm xúc như bị cuốn hút và hân hoan, và chúng ta không thể kiểm soát được những cảm xúc này. Nhưng ông nhấn mạnh rằng điều này không quan trọng bằng các mối quan hệ thâm tình mà người ta quyết định dùng cả đời vun đắp, giúp nhau cùng phát triển và tiến bộ, để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.
Tương tự, học trò của Plato, triết gia Aristotle cho rằng các mối quan hệ dựa trên thiện chí và đức hạnh, những giá trị chung mà cả hai bên cùng chia sẻ và tôn trọng, sẽ bền vững hơn so với những mối quan hệ chỉ dựa trên cảm xúc thoáng qua. Bởi vì đối với các mối quan hệ chỉ dựa trên cảm xúc, một khi cảm xúc biến mất thì mối quan hệ cũng sẽ phai nhạt.
Thử tưởng tượng khi mình chơi với ai đó và mối quan hệ này bắt nguồn từ một điểm chung duy nhất là thích chơi game. Vậy nếu một ngày nào đó, một trong hai người không còn thích chơi game nữa, thì sẽ chẳng còn gì để giữ mối quan hệ này lại.
Ngược lại, nếu bạn và ai đó muốn ở bên nhau vì ngưỡng mộ con người của nhau, và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho nhau, thì mối quan hệ này sẽ bền vững và dài lâu hơn nhiều. Đây chính là kiểu tình cảm được vun đắp dựa trên đức hạnh và thiện chí, và những bằng hữu như vậy sẽ sẵn sàng giúp đỡ nhau để cả hai bên cùng phát triển tốt hơn.
Cả Plato và Aristotle đều tin rằng tình yêu không chỉ là những rung động nhất thời; đó là sự kết nối giữa hai tâm hồn đồng điệu, người này bị thu hút bởi phẩm chất và đức hạnh của người kia, và họ chọn ở bên nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Vì vậy, có thể nói, tình yêu không đơn thuần chỉ là những cảm xúc mà chúng ta không thể cưỡng lại; mà trong tình yêu cũng có những hành động và lựa chọn có ý thức. Chúng ta có thể chọn cách yêu thương và sát cánh cùng người kia, tức là chúng ta đã có kiểm soát ở một mức độ nào đó.
Thấu hiểu, tôn trọng và tập cách yêu thương
Triết gia đương đại J. David Velleman cũng nghĩ rằng sau khi “những thích thú và đam mê” mãnh liệt ban đầu qua đi, tình yêu vẫn sẽ còn ở lại. Bởi vì yêu ai đó không chỉ là thấy vui rạo rực trong lòng khi gặp họ, mà còn là chú ý đặc biệt đến họ, trân trọng tính cách và con người của họ.
Velleman lấy thí dụ từ tác phẩm của Dr. Seuss để minh họa cho điều này. Dr. Seuss viết: “Nào! Hãy ngửa mặt lên trời và hét to! Gồng mình mà hét to thật to rằng ‘TA LÀ TA! TA LÀ CHÍNH TA!’” Khi chúng ta yêu ai đó, chúng ta trân trọng con người thật của họ và tán dương sự độc đáo của họ.
Erich Fromm, một nhà tâm lý học xã hội, cho rằng yêu thương cũng là một kỹ năng mà chúng ta có thể học tập và rèn luyện, giống như học chơi nhạc cụ vậy. Để rèn luyện kỹ năng đặc biệt này, chúng ta cần kiên nhẫn, tập trung và có kỷ luật. Những việc khác như “chú ý lắng nghe” và “có mặt khi cần thiết” cũng là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta biết yêu thương người khác hơn.
Quả thật, tình yêu và tình bạn không chỉ là cảm xúc mà còn là những mối quan hệ được hình thành và duy trì bằng những hành động cụ thể mà chúng ta chọn để thực hiện, như lắng nghe, quan tâm, và thể hiện sự tôn trọng.
Vậy điều này có nghĩa là ta có thể yêu thương ai đó mà ta ghét, hoặc ép bản thân yêu thương ai đó mà mình không có cảm xúc gì không? Có lẽ là không. Triết gia Virginia Held giải thích sự khác biệt giữa “thật dạ yêu thương” và “buộc lòng phải yêu thương” nằm ở chỗ: “ép bản thân yêu thương ai đó” là chúng ta đang thực hiện hành động một cách cơ học, so với “yêu thương xuất phát từ con tim” là chúng ta thực sự tham gia vào quá trình cùng với những giá trị và chuẩn mực mà chúng ta tin tưởng.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể so sánh hai giáo viên môn toán, một người dạy một cách máy móc, quăng đề ra cho học sinh ngồi làm, rồi viết bài giải lên bảng là xong không cần biết học sinh có hiểu hay không; và một người thì dạy tận tâm, cố gắng tìm cách giải thích cho học sinh hiểu bài. Như vậy, giáo viên máy móc chỉ đang thực hiện hoạt động là trình bày bài giải, đáp số của bài toán. Còn giáo viên tận tâm không chỉ thực hiện hoạt động dạy học mà trong quá trình giảng dạy, họ còn thể hiện được các giá trị và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Tương tự, khi chúng ta “thật dạ yêu thương,” những việc chúng ta làm không chỉ là những hành động bề ngoài mà là chúng ta đối đãi với họ bằng cái tâm và sự chân thành. Chúng ta thấu hiểu họ, tôn trọng họ, mở lòng với họ, không lừa dối họ và yêu thương họ vì chính con người thật của họ chứ không vì bất kỳ điều gì khác.
Có thể chủ động yêu thương đến mức nào?
Liệu nên xem tình yêu như cảm xúc hay sự lựa chọn? Nếu xem tình yêu chỉ là những cảm xúc, thì tình cảm sẽ kết thúc khi những cảm xúc này biến mất hoặc thay đổi. Lấy thí dụ khi chúng ta thất tình hoặc mất một người bạn, nếu nghĩ rằng tình yêu chỉ dựa vào cảm xúc, thì tình cảm với người đó sẽ biến mất khi những cảm xúc không còn hoặc thay đổi, hoặc bị gián đoạn vì lý do nào đó như chuyển trường hoặc chuyển nhà.
Ngược lại, nếu coi tình yêu là một mối quan hệ mà chúng ta lựa chọn để vun vén giữ gìn, thì tình cảm đó sẽ bền vững bất chấp những thay đổi trong cảm xúc hoặc trong hoàn cảnh sống. Thí dụ, bạn có thể bất bình, cãi nhau với người yêu dấu, không gặp trong vài ngày, hoặc có thể phải chuyển chỗ ở, nhưng tình yêu và các mối quan hệ bằng hữu vẫn sẽ còn mãi.
Nếu nghĩ rằng muốn yêu thương cũng cần phải “tập luyện,” thay vì chỉ phụ thuộc vào cảm xúc, thì bạn sẽ có nhiều chủ động hơn đối với tình yêu. Yêu thương là những hành động cụ thể mà chúng ta có thể chọn “làm” hay không “làm”, chẳng hạn như dành thời gian bên nhau, lắng nghe nhau và có nhau trong những khoảnh khắc quan trọng. Và cũng đừng quên làm những điều đó với sự tôn trọng và sẻ chia.
Xin hãy nhớ rằng cảm xúc có thể đến rồi đi, ta không quản chế được; nhưng cách yêu thương ai đó thì hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Cung Mi biên dịch
Nguồn: “What is love? A philosopher explains it’s not a choice or a feeling − it’s a practice” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn