Hôm nay,  

“Sai số của lịch sử” và “sai số của tình bạn”

14/02/202500:00:00(Xem: 1875)

friendship-1
 
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
 
Cách “ăn ở” đã vươn tầm quốc sự - quốc tế thì “bạn” đã là một thực thể khác và tôi đã nghĩ đến điều này trong một cuộc tụ họp anh em bạn vè vào cuối năm ngoái. Giữa lúc đang sôi nổi bàn tán về cuộc bầu cử sắp sửa diễn ra ở Mỹ thì một người trong nhóm, đã ngà hơi men, khều vai tôi thắc mắc, hỏi trong số bạn bè cũ mới xa gần đã có bao nhiêu bị Trump cướp đoạt mất rồi.
 
Nghĩa là phải kiểm toán lại những quan hệ xã hội mà dấu mốc là cái “Thời lai đồ điếu thành công dị’ của gã dân túy mà cũng là một tên hề chính trị kia. Nhưng cũng phải tính phần của Mark Zuckerberg, cha đẻ của “công nghiệp bạn”, là nền tảng đã đưa gã lên ngôi với những ma trận tin.. ma. Ông chủ của Facebook này có phì đại hóa quan hệ xã hội của chúng ta tới tầm mức công nghiệp thì, từ đây, gã ta mới có thể dùng cái ma trận ấy mà thao túng công chúng để gây ra những đổ vỡ của quan hệ xã hội trên quy mô công nghiệp.
 
Đó là một công nghiệp cộng sinh nhưng cũng là một quan hệ… phong kiến. Tính cộng sinh thể hiện khi ông chủ thì mỏi tay đếm tiền còn chúng ta lại mỏi mắt... đếm “bạn”. Và tính cộng sinh còn thể hiện ở việc ông chủ vươn vai thành tài phiệt hạng trùm còn chúng ta thì, ai ai, cũng có thể làm lãnh tụ của ít nhất một tiểu vương quốc với dân số tối đa năm ngàn mà đây cũng là sự… phân phong. Nếu những hoàng đế xưa cấp đất cho những chư hầu thì tài phiệt này chẳng đã phong cho chúng ta tước vị chủ nhân, mỗi người ít nhất một lãnh địa là gì? Chúng ta hay, nó sẽ là một tiểu cộng hòa, dân chủ, đa nguyên. Chúng ta xấu, chúng ta phản động, nó sẽ là một nền độc tài, toàn trị. Còn chúng ta dở, không ra gì, nó sẽ là một công quốc lỗi thời, tồn tại như một sai số của lịch sử.
 
Tôi không hề phóng đại, thậm xưng. Khi nhẹ nhàng unfriend hay block ai đó, chúng ta chẳng đã thực thi chủ quyền bằng cách trục xuất hay hủy bỏ visa của đương sự là gì? Nếu công khai và chính đáng thì chẳng có đáng gì để phàn nàn bởi đó là hành xử như một chủ nhà tử tế, chính trực. Nhưng khi ngang trái nhét giẻ vào mồm hay bịt mắt người khác, bất kể những điều họ bày tỏ hay tìm hiểu hợp lý và xác đáng đến đâu, chúng ta có khác nào những nhà độc tài run sợ sự thật? Và khi làng nhàng, nửa muốn dập tắt ý kiến trái chiều, nửa cố diễn kịch ra như một người biết cầu thị và tôn trọng dân chủ, trò du kích đánh trộm này chỉ khiến chúng ta thấp hèn như một lãnh chúa hẹp hòi, thiển cận, vừa muốn bám víu vào đặc quyền từ cái thiết chế đã lỗi thời đến hai thế kỷ, vừa cố sức đóng vai thức thời, tiến bộ.
 
Những điều như thế đã manh nha khi “công nghiệp bạn” hình thành nhưng chúng chỉ thực sự nghiêm trọng theo quy mô lớn với tình trạng chia rẽ và cực đoan hóa những khác biệt thường tình theo sự sách động của nhà dân túy. Những quan hệ xã hội, thậm chí, cả quan hệ gia đình, tiếp nối nhau rạn nứt, đổ vỡ. Những người thân từng gắn bó nhìn nhau như kẻ thù một sống, một chết. Gần một phần tư thế kỷ trước, khi tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, nguyên Tổng thống Mỹ George William Bush rạnh ròi với cả thế giới là “Theo ta, hay theo khủng bố” thì, từ mấy năm nay, chúng ta luôn nghe tiếng gió rít lạnh lẽo qua kẽ răng “Chống lại Trump là chống lại ta.” [1] 
 
Tình bạn, như thế, đã bị nhấn chìm bởi sự sùng bái với một tên hề chính trị. Nhưng “tình” đó là một giá trị cao quý, thiêng liêng, đã giúp thế giới này tốt đẹp hơn. Kinh Thánh nhắc tới nhắc lui về tình bạn. [2] Phật cũng tận tình hướng dẫn cách nuôi nấng tình bạn. [2] Mà thế giới dẫu có tràn đầy khiếm khuyết thì, hãy tưởng tượng, nếu không có tình bạn, sự bất toàn đó còn đa bội và nghiêm trọng tới mức độ nào? Văn chương -- tinh hoa hay bình dân -- sẽ nghèo nàn biết mấy. Nhất Linh hay Khái Hưng sẽ xây dựng những tác phẩm “kinh điển” của mình như thế nào? Kim Dung sẽ vẽ vời những câu chuyện kiếm hiệp ra sao? Rồi biết bao những nhà văn, nghệ sĩ hay nhà hoạt động xã hội khác, họ sẽ sống, viết và hoạt động như thế nào nếu một khi lâm cảnh khủng hoảng, vật chất hay tinh thần, mà không có bầu bạn nào để nương tựa và chia sẻ? Và thiếu nó, những quốc gia sẽ tự vệ như thế nào bởi sức mạnh của quân đội đâu chỉ đến từ vũ khí mà còn từ tình đồng đội, một hình thức đặc biệt của tình bạn, chưa nói xa xôi đến “tình bạn” giữa những quốc gia?
 
Có thế thì Âu Dương Tu, trong “Xuân Nhật Tây Hồ Ký Tạ Pháp”, mới viết những câu rất đẹp về tình bạn:
 
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa
(Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng còn ít
Nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng đã nhiều) 
 
Đó cũng chính là “Tình bạn” mà Nhạc sĩ Hoàng Đình Bình đã diễn tả. Nếu chúng ta có quá nhiều thi sĩ làm thơ để tán gái, để giải tỏa ẩn ức hay để vận động chính trị v.v. mà khó lòng tìm ra người làm thơ chỉ để… làm thơ thì, ở đây, dẫu chưa hẳn là vậy, nhạc sĩ này đã hát về bạn chỉ để hát về… bạn: bạn và bạn, chỉ có bạn mà thôi, không mượn danh bạn bè để rao bán cái gì khác:
 
Bạn, là vi vút, mênh mông cánh diều cao
Bạn, là những bước chân hoang trên đường xa
[...]
Bạn, là manh chiếu, đắp cho ta, đêm nằm Ga
Bạn, là lời kinh, rót cho ta những bình an
Bạn, là buổi sáng – Bạn là ban trưa
Bạn, là chiều tối, gót lang thang, khắp trần gian.
 
Bạn, là khai phá suốt thiên thu cánh rừng hoang
Bạn, là tia nắng, chiếu xuyên qua tâm hồn ta
Bạn, là sức sống – Bạn, là mầm mống
Bạn, là tiếng trống, dấy trong ta, bao hy vọng…
(“Tình bạn”, Hoàng Đình Bình) [4] 
 
Nói theo ngôn ngữ toán học thì đó là phần “giao” (intersection) giữa người và người. Là những giá trị cùng san sẻ hay, cao hơn, là sự cộng hưởng trong tư tưởng và lẽ sống, trong cảm xúc và khát vọng, trong tài năng và kinh nghiệm cho đến sự thấu cảm giữa những hoàn cảnh nghiệt; như chính tác giả trong những tháng ngày vô vọng với “bước chân hoang”, những “đêm nằm ga” khi lâm cảnh sống lưu đày ngay trên quê hương của mình. [5]
 
Sự cộng hưởng đó, tất nhiên, khác với quan hệ cộng sinh mang tính đổi chác của “công nghiệp bạn”. Không phải là “công nghiệp” đó không có những đóng góp tích cực khi vẫn giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và quan hệ, giúp chúng ta tìm ra những “tri kỷ” cho dù chưa từng gặp mặt nhưng lẽ đời phải dựa vào số đông theo luật thống kê, theo thời thượng. Mà, như là hệ quả từ nhà chính trị dân túy, khía cạnh tích cực của “công nghiệp bạn” đã bị lấn lướt so với liên minh đổi chác mà, diễu nhại theo René Descartes, là “You like, therefore I am” và, đổi lại, “I like, therefore you are”.
 
Nhưng sao lại dễ dãi buông mình như thế? Tôi nghĩ đến tự sự của Paul Simon trong “Boxer”, ca khúc diễn tả nỗi niềm của một chàng trai trẻ nghèo chật vật mưu sinh, ví như một võ sĩ liên tục ăn đòn trên võ đài:
 
I am just a poor boy
Though my story's seldom told
I have squandered my resistance
For a pocketful of mumbles
Such are promises
All lies and jest
Still, a man hears what he wants to hear
And disregards the rest
Hm Hm Hm Hm Hm Hm… [6]
 
[Tôi chỉ là một cậu bé nghèo
Dẫu rằng câu chuyện của tôi hiếm khi được kể ra
Tôi dại khờ không cưỡng lại
Những lời đường mật thủ thỉ bên tai
Rặt sự dối gian, đùa cợt
Dẫu sao thì người ta chỉ nghe những gì mình muốn nghe
Và chẳng bận tâm gì đến điều gì khác]
 
Nghĩa là sự biếng nhác của cái lỗ tai và cái đầu, như là lý do chính dẫn đến sự hình thành của những “công quốc bạn”, như là thành trì làm nên sức mạnh mềm cho gã dân túy.
 
Những “công quốc bạn” như thế làm tôi suy nghĩ xa hơn, đến những “công quốc” như Andorra, Liechtenstein, Monaco, San Marino v.v. mà, theo xu thế của lịch sử, phải hòa nhập vào cộng đồng quanh mình để, trước, hình thành nên một nền quân chủ tập quyền rồi, sau đó, chuyển hóa thành một quốc gia dân chủ như đã thấy ở Âu châu. Nhưng những tàn tích phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại như thể thời gian không hề trôi đi và đây, phải chăng, là một sự lười biếng hay một sai số của lịch sử?
 
Trong khoa học, giới nghiên cứu vẫn thường bỏ qua những sai số lắt nhắt để tiếp tục công việc, không phí phạm tài nguyên vào những giá trị nhỏ nhặt và vớ vẩn thì, ở những lĩnh vực khác -- từ chính trị đến ngoại giao, nói chung là việc trị nước -- cũng vậy. Nước Mỹ không muốn di dân lậu cướp công việc của dân mình nhưng, như một “sai số có thể chấp nhận”, những chính phủ trước vẫn duy trì một “biên độ an toàn” để họ đáp ứng những công việc mà người Mỹ không muốn… hạ mình nhằm giá cả, chủ yếu là nông sản, được duy trì ở mức thấp nhất. Chính phủ của những tiểu bang tại Úc chủ trương kiểm soát nghề mãi dâm tuy nhiên, họ vẫn làm ngơ ở một “sai số” nào đó với những lầu xanh bất hợp pháp, đa số nấp bóng dưới hình thức Chinese Massage mà, điều có thể suy diễn, là nếu gắt gao quá thì giá cả sẽ tăng vọt và sự “bức xúc” của không ít thành phần có thể khiến tình trạng tội phạm tình dục tăng vọt. Những công quốc kia cũng tồn tại trong một “biên độ an toàn” như vậy. Chúng được “lịch sử” bỏ qua vì tính không quan trọng ở sự hẻo lánh về địa lý hay, cao hơn, là vùng đệm an toàn cho sự cân bằng địa chính trị giữa những cường quốc bao quanh, tránh những va chạm với thiệt hại lớn hơn.
 
Như thế, nếu muốn phát triển, muốn đi tới thì phải biết bỏ qua những giá trị nhỏ nhặt mà hướng về cứu cánh, cho những dự phóng lớn lao hơn. Nhưng nhà chính trị dân túy kia thì ngược lại. Gã trọng đại h óa những sai số lặt vặt. Gã xem việc chỉnh đốn những sai biệt vớ vẩn và, nhiếu khi vô nghĩa, là lý tưởng cao nhất của đời mình. Và gã trở nên phản động. Gã trở thành một “sai số không thể chấp nhận”, của lịch sử.
 
“Sai số” này, hẳn nhiên, hình thành từ sự ủng hộ như một “sai số” của dân chủ, quyết định từ sự lười biếng của cái đầu và cái lỗ tai trước ma trận của những tin giả nuôi dưỡng bởi “công nghiệp bạn”. Sống ở thế kỷ 21 mà như là những con dân thời phong kiến, “ngu trung” và sùng bái cá nhân. Trưởng thành rồi mà vẫn như đứa trẻ mới lớn ngày mới bước vào đời, khờ khạo trước những lời dối trá, những hứa hẹn hão huyền, nhắm mắt làm ngơ trước những điều có thể tác động tới mình, tới cả con cháu mình.
 
Thì, mới nhất, hãy chịu khó để ý đến những gì đang diễn ra tại West Point, như là màn giáo đầu để trường võ bị danh giá nhất thế giới này trôi ngược về đầu thế kỷ 19, lúc chỉ có những sinh viên sĩ quan với nước da màu trắng bên ngoài và đầu óc thực dân bên trong, đào luyện để đi chiếm đất đai của những bộ lạc da đỏ. [7] Thì, hãy chịu khó để ý đến những tuyên bố hay toan tính vô nguyên tắc về chủ quyền Gaza, như thể đang sống vào thế kỷ 18, khi những nhà thực dân thẳng tay san bằng làng mạc của người bản địa để thiết lập đồn điền. [8] Vân vân, bao nhiêu là “quyết định hành pháp” rồ dại và bốc đồng cùng những dự án hoang tưởng mà tác dụng duy nhất là khiến thế giới này tệ hại hơn? Bởi vậy, chẳng chóng thì chầy, tự sự của chú bé dại khờ ngày mới bước vào đời sẽ trở thành nỗi niềm của bao thế hệ, đau đớn và ân hận, vì trót dại biếng nhác ở cái lỗ tai và cái đầu mà tạo nên một sai số khổng lồ của lịch sử.
 
Và tôi, quay về với thắc mắc của người bạn. Vì khờ khạo tin vào những hứa hẹn hão huyền của một tên hề chính trị, vì làm ngơ, không đếm xỉa gì đến những gì đang diễn ra mà, từ vị trí “bạn”, xoay chuyển thành những “nền độc tài” hay “công quốc bạn”, cam tâm làm sức mạnh mềm cho kẻ mỵ dân không hề đếm xỉa gì đến cuộc sống và ước mơ của mình, chúng ta biết gọi đó là gì? Là “sai số của tình bạn”, với sai lầm chỉ có thể xảy ra một lần trong đời?
 
 
Tham khảo và chú thích:
1. Phát biểu trước Quốc Hội ngày 20/9/2001: “Every nation, in every region, now has a decision to make. Either you are with us, or you are with the terrorists."
https://www.icip.cat/perlapau/en/article/dialogue-in-polarised-societies/

2."A friend loves at all times, and a brother is born for a time of adversity". (Proverbs 17:17)
"Two are better than one, because they have a good return for their labor: If either of them falls down, one can help the other up". (Ecclesiastes 4:9-10)
"My command is this: Love each other as I have loved you. Greater love has no one than this: to lay down one's life for one's friends". (John 15:12-15)

3. Trong kinh Hiền Nhân, Phật dạy có bốn kiểu kết bạn: Kết bạn như hoa, kết bạn như cân, kết bạn như núi và kết bạn như đất.

4. Ca khúc này sáng tác năm 2010, có thể nghe chính tác giả trình bày trên:

5. Giải thích của nhạc sĩ Hoàng Đình Bình: “Bạn là vi vút , mênh mông cánh diều cao" với " ca khúc : Cánh Diều thuở nhỏ " của Hoàng Ngọc-Tuấn. Và câu : "Bạn là manh chiếu, đắp cho ta, đêm nằm ga " với bài thơ : "Đêm về ga thuê chiếu " của Võ Quốc Linh của những đêm 2 thằng bị công an rượt nên phải chạy về ga Nha Trang thuê chiếu ngủ qua đêm.”
 
7. “West Point disbands student-led clubs after Trump’s DEI order”
 
8. “Trump doubles down on Gaza takeover proposal despite bipartisan opposition”
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài phát biểu dài 1giờ 40 phút của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội đã nêu cao nhiều sáng kiến ​​của ông, từ việc trấn áp nhập cư đến thuế quan và chính sách năng lượng trong sáu tuần bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nhưng nhiều bình luận của ông bao gồm thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Khoa học gia người Mỹ da đen nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 George Washington Carver (1864-1943) đã từng nói rằng, “Giáo dục là chìa khóa mở cánh cửa vàng của tự do.” Đúng vậy! Chính vì vai trò quan trọng của giáo dục đối với tự do mà các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) đã tận lực vận động cho việc nâng cao dân trí để canh tân đất nước hầu có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Đất nước Hoa Kỳ nhờ có tự do, dân chủ và dân trí cao mà trở thành đại cường quốc trên thế giới. Nền giáo dục của Mỹ đã trở thành kiểu mẫu được nhiều nước ngưỡng mộ, cho nên số lượng sinh viên ngoại quốc du học tại Mỹ là cao nhất trên toàn cầu, với 1,126,690 người vào năm 2024, theo https://opendoorsdata.org.
Tổng thống Donald Trump vẫn luôn có sở thích tự đặt biệt danh cho chính mình: từ “thiên tài vững chãi,” “Don Trung Thực,” và giờ thì lên hẳn ngôi “vua.” Nhưng lần này, danh xưng vua chúa mà ông tự phong đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ. Hôm thứ Tư tuần qua, Trump tuyên bố “đánh bại” kế hoạch thu phí giao thông của New York dành cho Manhattan để giảm kẹt xe. Ông hớn hở đăng trên Truth Social: “KẾ HOẠCH THU PHÍ GIAO THÔNG ĐI TOONG RỒI. Manhattan và toàn bộ New York đã ĐƯỢC CỨU. HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!”
Chúng ta thử nhắm mắt hình dung một ngày nọ, tất cả những cơ quan đầu não chiếm vị trí hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của các nhân vật có số năm kinh nghiệm là số 0. Chưa hết, Hoa Kỳ nay đứng về phía Nga và các quốc gia phi dân chủ, bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine.
Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng (và hoàn toàn) không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.
Gần ba năm sau khi Nga tấn công xâm lược Ukraine, Mỹ và Nga đang bắt đầu xúc tiến công cuộc đàm phán, nhưng Mỹ tuyên bố là châu Âu không được tham gia diễn biến này. Do đó, nhiều tranh chấp cố hữu giữa châu Âu và Mỹ về Ukraine mang lại một sắc thái nghiêm trọng hơn, trong khi chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, châu Âu có những phản ứng quyết liệt vì muốn trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán.
Thông qua những sắc lệnh hành pháp vượt quyền hạn, tổng thống Trump cùng tỉ phú Elon Musk đã không ngừng tấn công vào những nền tảng cơ bản nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ: nguyên tắc tam quyền phân lập, quyền bình đẳng về giới tính, xóa bỏ Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp (người sinh ra ở Mỹ sẽ đương nhiên trở thành công dân Mỹ). Để đối phó, nhiều chính quyền tiểu bang, các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận… đã đệ nhiều đơn kiện liên bang để phản đối các chính sách độc đoán của chính quyền mới. Một số chính sách của Trump đã bị tòa án liên bang tạm dừng, ít nhất là tạm thời.
Nhiều người Việt các tiểu bang khác, khi tới thăm Quận Cam, bước vào Phước Lộc Thọ, sẽ kinh ngạc khi thấy hàng loạt áo dài sản xuất từ Việt Nam được may khéo, kiểu dáng tân kỳ, bán chỉ có 10 USD một áo. Rẻ kinh khủng, nhưng đồng bào mình ở quê nhà sống nhờ như thế. Rồi tới những món hàng nghệ thuật như đồ gốm sứ, vòng tay, tràng hạt, nón lá, đồ chơi trẻ em... đều bán rất rẻ. Chúng ta thắc mắc tại sao lại rẻ như thế. Hẳn nhiên, khi vào Phố Tàu Los Angeles, bạn cũng sẽ có những kinh ngạc tương tự với áo sường sám và các món tương tự từ nhiều thị trấn Hoa Lục. Nếu có chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả những hàng hóa trong Phố Tàu Los Angeles sẽ tăng giá, và tại Phước Lộc Thọ, hy vọng, sẽ giữ giá y nguyên, nếu các nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất không phải mua từ Hoa Lục. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, khi đọc các bản báo cáo về bất quân bình thương mại, Tổng Thống Donald Trump trong cơn phẫn nộ thường trực bỗng nhiên thấy rằng cần áp thuế quan trên hàng Việt Nam.
Giữa lúc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump ngày càng mạnh tay thực hiện chính sách trục xuất di dân không giấy tờ, thì trong làn sóng ủng hộ, tỏ rõ sự vui mừng ấy, có rất nhiều người Việt máu đỏ da vàng. Bất kể họ là ai, đến Mỹ thời điểm nào, hình như họ quên mất câu chuyện bắt đầu từ 50 năm trước, về những người Việt tị nạn đầu tiên đã đặt chân lên nước Mỹ, cũng mang trên mình căn cước “di dân bất hợp pháp.”
Từ ngày chính thức nhậm chức, 20 tháng Giêng, 2025, chính quyền của Trump hoạt động rất năng nổ, chai sâm banh bật nút, rượu trào ra, sắc lệnh hành chánh trào ra, kế hoạch mới trào ra, thay đổi trào ra, tin đồn trào ra, vân vân, và những ly sâm banh cụng nhau leng keng rồi nốc cạn. Tuy nhiên, còn quá sớm, quá mới để có thể cảm nhận kết quả tốt hay xấu. Một số đông đang chờ đợi chính quyền Trump làm những điều để Mỹ nhảy vọt về kinh tế. Tiền ra nhín rịn, tiền vào ào ào, Cậu Sam trở nên giàu có. Cậu giàu, cháu có nhờ được không?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.