
Nghệ sĩ rapper Kendrick Lamar đã giữ đúng lời hứa trong đêm anh “càn quét” ôm trọn năm giải Grammy 2025 cho ca khúc Not Like Us (Không Giống Chúng Ta): “Tôi sẽ kể một câu chuyện trong chương trình halftime show của Super Bowl 2025.”
Đêm 9/2/2025, sân vận động Caesars Superdome ở New Orleans, Louisiana bùng nổ bởi phù thủy ca từ và nghệ thuật rap của Kendrick Lamar, người đã làm nên lịch sử khi đoạt giải thưởng Pulitzer âm nhạc năm 2018 cho đĩa nhạc Dawn. Lần đầu tiên trong lịch sử Pulitzer, một nghệ sĩ không thuộc thể loại nhạc cổ điển giành được giải thưởng danh giá này.
Trong đĩa nhạc Dawn phát hành năm 2017, tức một năm sau khi Donald Trump trở thành tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, Lamar đã gọi tên của Trump trong ca khúc XXX do anh sáng tác.
Donald Trump’s in office, we lost Barack (Obama)
And promised to never doubt him again
But is America honest or do we bask in sin?
(Donald Trump nhậm chức, chúng ta không còn Barrack
Đã hứa không nghi ngờ ông ta lần nào nữa
Nhưng nước Mỹ trung thực hay chúng ta chìm đắm trong tội lỗi?)
XXX không phải là ca khúc duy nhất. Ca khúc The Heart Part 4, Lamar đã chơi chữ khi gọi Trump là “Chump” – ‘tên ngớ ngẩn’
Donald Trump is a chump, know how we feel, punk
Tell ‘em that God comin’
And Russia need a replay button, y’all up to somethin’
(Donald Trump tên ngớ ngẩn, có biết cảm giác chúng tôi thế nào không, đồ ngốc
Nói với họ ‘Chúa đang đến’
Và nước Nga cần nhấn nút quay lại, các ngươi đang mưu tính gì đây)
Chính vì điều này, trước đêm diễn ra Super Bowl 2025, nhiều người đặt câu hỏi liệu Lamar sẽ ca diễn thế nào khi có Tổng thống Trump ngồi trong hàng ghế khán giả?
Cuối cùng, Kendrick Lamar đã chứng minh anh thật sự xứng đáng giành giải Pulitzer và hàng loạt giải Grammy. Anh đã “mã hóa” chương trình halftime show của Super Bowl 2025 bằng chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ, màu sắc, hình thể, để khẳng định rằng những tổn thương cá nhân, thù hận riêng tư, không có chỗ đứng trong bối cảnh chính trường hiện tại.
Những người đã từng nghe bản nhạc nổi tiếng Not Like Us của Lamar, từng theo dõi cuộc chiến giữa hai nghệ sĩ rapper thượng thặng Lamar và Drake, người Canada, đã nghĩ rằng Lamar sẽ dùng sân khấu lớn trong sự nghiệp của anh để hạ gục “knock-out” Drake. Khi biết Kendrick Lamar là nghệ sĩ biểu diễn trong halftime show, rất nhiều người trên các diễn đàn NFL cho rằng đây sẽ là bữa tiệc kết thúc sự nghiệp của Drake. Nhưng Lamar đã chứng minh mình là Kendrick Lamar – một nghệ sĩ đích thực. Nhẹ nhàng, thông minh, Lamar nói về Not Like Us: “Tôi muốn trình diễn bài hát yêu thích nhất của họ, nhưng bạn biết đó, họ lại thích kiện.”
Rapper Kendrick Lamar đã quyết định làm một điều có ý nghĩa hơn vào thời điểm này. Anh sử dụng sân vận động Super Bowl để truyền tải thông điệp chính trị vào thời điểm nước Mỹ cần nhất trong Tháng Vinh Danh Người Da Đen. Giữa sự có mặt của Donald Trump, tổng thống đầu tiên trong lịch sử đến sân vận động xem Super Bowl khi đang tại nhiệm, Lamar đã chỉ trích làn sóng bài trừ người da đen và nỗ lực của chính quyền Trump để phá bỏ DEI trên toàn nước Mỹ.
Nam diễn viên Samuel L. Jackson vào vai “Chú Sam” – người dẫn chương trình. Toàn bộ vũ công phụ họa là người da đen đã biểu diễn trên sân khấu có hình dạng của bộ điều khiển trò chơi điện tử. Họ mặc y phục ba màu trắng, đỏ, xanh, tái hiện hình ảnh lá quốc kỳ Mỹ một cách ấn tượng trên sân vận động Caesars Superdome.
Sự xuất hiện của “Chú Sam” vốn tự thân đã là một thông điệp đánh thẳng vào một trong những vấn đề gây tranh cãi và nặng nề nhất: thuế. “Chú Sam” tuyên bố ngay khi bước ra sân khấu: “Đây là trò chơi vĩ đại của người Mỹ.” Những thuật ngữ đóng khung về sự tự ý thức của bản thân cứ thế tuôn trào trong suốt 12 phút của halftime show.
Lamar xuất hiện trên mui xe Buick GNX màu đen với sợi dây xích đeo lủng lẳng quanh cổ, hình ảnh quen thuộc của các rapper. “Cuộc cách mạng sắp được truyền hình trực tiếp,” Lamar nói trước khi bắt đầu GNX, “Bạn đã chọn đúng thời điểm, nhưng, đã chọn sai người.”
Khi “Chú Sam” không hài lòng, quát to: “ồn quá, mạo hiểm quá, ‘ghetto’ quá. Anh có thật sự biết cách làm chủ cuộc chơi không đấy? Hãy kiềm chế lại!” thì Lamar chuyển sang bài Humble, một ca khúc trong đĩa nhạc Dawn của anh. Cùng lúc đó, các vũ công nền tạo thành quốc kỳ Mỹ khi anh trình diễn “Humble” và “DNA.” Chi tiết này theo bình luận của Khal Davenport trên The Ringer thì nó phản ánh sự thù địch mà Kendrick và rất nhiều nghệ sĩ da đen khác đã trải qua trong ngành công nghệ âm nhạc và ở đất nước này nói chung.
Sân khấu của Lamar biến hóa thành hình ảnh của trò chơi tic-tac-toe, người Việt Nam hay gọi “chơi ô ăn quan” – ai chiếm nhiều quan lính, người đó thắng. Lamar trình diễn với sự tập trung cao độ, nhưng thong thả, chính xác từng động tác vũ đạo, bước đi mạnh mẽ, uyển chuyển nhưng toát ra phong cách đầy tao nhã. Biểu cảm nét mặt của Lamar khi thì nhẹ nhàng, lúc thì lo lắng, thậm chí có cảm giác của sự sợ hãi. Những lúc nghiêng đầu qua phải rồi qua trái, hành động của một người lo sợ mình đang bị theo dõi.
Tựu trung, hiểu theo một cách nào đó, halftime show của Super Bowl 2025 là buổi tiệc âm nhạc được đóng khung trong những thuật ngữ và thông điệp tiềm ẩn của tiếng gọi tự ý thức. “Trò chơi vĩ đại của người Mỹ” mà “Chú Sam” Samuel L. Jackson giới thiệu có thể được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. “Bạn đã chọn đúng thời điểm, nhưng, đã chọn sai người” mà Lamar đã nói như một lời trần tình vốn dĩ anh đã rất nhiều lần nói: “Tôi không phải đấng cứu thế.” Cuộc cách mạng sắp được truyền hình trực tiếp trên khắp nước, nhưng anh không phải hiệp sĩ hòa bình, càng không phải đấng cứu thế.
“Sorry I didn’t save the world, my friend
I choose me, I’m sorry…” (Ca khúc Mirror)
hoặc, cũng có thể hiểu, đó là một thông điệp ẩn ý khác Lamar muốn gửi đến một chính quyền đang tìm mọi cách để quét sạch lịch sử và di sản của dân tộc da đen trên nước Mỹ. Chính quyền ấy, “Not Like Us.”
Nếu NFL đã tháo bỏ thông điệp có từ năm 2021 “Chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc” ở cuối sân, thay bằng “Chọn tình yêu” chỉ vì chính sách bài trừ DEI của Trump, thì Kendrick Lamar đã khẳng định: “Not Like Us.” (Không Như Chúng Ta.)
Đội hình vũ công tạo thành quốc kỳ Mỹ và giơ nắm đấm lên trông giống như lời chào của Black Power. Đứng giữa là Kendrick Lamar, người nghệ sĩ rapper da đen, một sắc tộc vốn là nguồn gốc của nước Mỹ. Đó là điều Lamar muốn nói: niềm tự hào của một sắc tộc trăm năm nay luôn bị loại khỏi giấc mơ Mỹ.
Những người đón chờ halftime show thuần nghệ thuật giải trí, cũng khó có thể bỏ qua sức nặng chính nghĩa, hướng về một xã hội đạo đức, nhân bản, trong câu chuyện kể của nghệ sĩ rapper Kendrick Lamar.
Kalynh Ngô