Hôm nay,  

Nhân Viên Liên Bang, ‘Giữ Vững Hàng Ngũ! Đừng Từ Bỏ Việc!’

07/02/202500:00:00(Xem: 1571)

Capture

Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Mỹ khởi xướng Kế Hoạch Marshall vào năm 1948 để giúp tái thiết kinh tế Châu Âu và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Khi nhận thấy cần có một cơ quan phát triển phối hợp, Tổng thống John F. Kennedy đã ký lệnh hành pháp 10973 Foreign Assistance Act vào ngày 4/9/1961, và ký thành luật thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 3/11/1961. Cơ quan này được tạo ra để hợp nhất các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển toàn cầu như một phần của chính sách đối ngoại quốc gia. Vào ngày 3/2/2025, tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo DOGE đã tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump đồng ý đóng cửa USAID, gọi cơ quan này là "tổ chức tội phạm" và cho rằng cần phải "xóa sổ". Sau tuyên bố này, USAID đã yêu cầu nhân viên không đến trụ sở chính ở Washington và làm việc từ xa. Nhiều nhân viên cũng báo cáo rằng họ không thể truy cập vào hệ thống máy tính của cơ quan. 

 
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành một di dân tốt của đất nước Hoa Kỳ. Tôi phục vụ trong quân đội. Tôi học cao học. Tôi làm việc cho chính phủ liên bang. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình trong 15 năm qua. Nay, tôi, chúng tôi, đang hoang mang về những chính sách không rõ ràng, không biết từ ai. Thậm chí, sếp lớn nhất của cơ quan chúng tôi phải tổ chức cuộc họp để trấn an nhân viên về những email của OPM gửi ra gần đây kêu gọi chúng tôi nên tự động nghỉ việc để nhận tám tháng lương. Họ không khuyến khích chúng tôi trả lời những email như thế. Trên một diễn đàn của Fed, mọi người từ lo lắng, sợ hãi, cho đến bây giờ thì tất cả đều đồng ý sẽ chiến đấu đến cùng.” 
 
Đó là nội dung lá thư của một người đang làm việc cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Vì lý do an toàn, người này xin được ẩn danh.  
 
Dường như trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa một chính quyền tổng thống nào lại có cả hành động và lời nói bày tỏ sự thù ghét với chính nhân viên của mình, như thời Donald J. Trump. Hai tuần đầu tiên bắt đầu nhiệm kỳ “Thời Hoàng Kim” của Trump là những phát súng trường, bắn xối xả vào lực lượng lao động này.
 
Những ngày đầu của nhiệm kỳ 2.0, Trump ban hành các chính sách và sắc lệnh nhắm tới hàng triệu viên chức liên bang thông qua tỷ phú Elon Musk. Musk đã nhanh chóng kiểm soát Văn phòng Quản lý Nhân sự (Office of Personnel Management,) là một cơ quan độc lập về nhân sự, ban hành các hướng dẫn, và chính sách của chính phủ liên bang.
 
Nhóm của Elon Musk đã tạo ra một hệ thống email để gửi email trực tiếp đến hầu hết các viên chức liên bang. Thứ Ba vừa qua, 28/1/2025, hệ thống này đã gửi một email đề xuất trực tiếp đến hơn 2 triệu viên chức. Email được gửi có tiêu đề “Folk in the Road” – là cụm từ đã được chính Elon Musk gửi cho toàn bộ nhân viên Twitter cuối năm 2022, khuyến khích từ chức và nhấn mạnh tầm quan trọng của “trung thành” đối với chính quyền Trump. 
 
Email còn cho biết những ai chấp nhận “từ chức” sẽ được trả lương đến hết ngày 30/9. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý cho biết OPM không có thẩm quyền này, vì việc trả lương của viên chức thuộc thẩm quyền của cơ quan mà mỗi viên chức làm việc.
 
Giáo sư luật hành chính tại Đại học Georgetown, David Super, cho biết việc hứa hẹn trả tiền lương cho viên chức đến cuối Tháng Chín là “vi phạm trắng trợn” một đạo luật ngăn ngừa hứa hẹn chi tiêu ngân sách mà chính quyền chưa có. Vài giờ sau khi email này tràn ngập Internet, các công đoàn liên bang và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ lên tiếng cảnh báo các viên chức không nên chấp nhận lời đề nghị.
 
Các nhân viên liên bang đã bị đẩy vào trạng thái hoang mang, mơ hồ, sợ hãi về tình trạng công việc của họ. Cho đến nay, lướt qua tất cả những diễn đàn, kể cả trang tin tức của dòng chính, thấy rõ chính các nhà lập pháp cũng bối rối không biết ai thật sự là kiến trúc sư của những sắc lệnh hành pháp? Thậm chí, ai thật sự là người đang lãnh đạo các cơ quan chính phủ? Ngay cả các nhà lập pháp khi trả lời báo giới cũng nói rằng họ không thể liên lạc với người có thẩm quyền trả lời tại các cơ quan liên bang để có được thông tin quan trọng về những bộ phận nào của chính phủ đang hoạt động và những bộ phận nào bị dừng lại.
 
Lực lượng lao động liên bang Hoa Kỳ là một thành phần quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và phát triển của quốc gia. Công việc của họ trải dài từ quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo trì cơ sở hạ tầng và nhiều lĩnh vực thiết yếu khác.
 
Bất chấp những đóng góp thiết yếu của họ, Trump vẫn tiếp tục lan truyền những quan niệm sai lầm về viên chức liên bang, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ luôn được xếp hạng là một trong những chính phủ hiệu quả và minh bạch nhất trên thế giới. Những tuyên bố tiêu cực này không thừa nhận đóng góp, sự chuyên nghiệp, và chuyên môn cao, của hàng triệu người đang là viên chức chính phủ.
 
Donald Trump cũng thường chỉ trích chính phủ Mỹ quá cồng kềng, nhiều công việc liên bang thừa thãi. Tuy nhiên, trong thực tế, khi xem xét các trách nhiệm to lớn của chính phủ Hoa Kỳ, từ quốc phòng và thực thi pháp luật, đến dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, và nghiên cứu khoa học, thì một lực lượng lao động có quy mô để duy trì các chức năng này là hoàn toàn cần thiết. Theo nghiên cứu mới nhất của viện Brookings, lực lượng lao động của chính phủ liên bang hầu như không thay đổi về quy mô trong hơn 50 năm, ngay cả khi dân số Hoa Kỳ tăng 68% và chi tiêu của liên bang tăng gấp năm lần.
 
‘Hold the line! Don’t resign!’ (Hãy bám chặt! Đừng bỏ việc!”
 
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, “vì sao mình có thể vào trang web di trú, ghi danh cho sổ thông hành mới thật dễ dàng?” hoặc “vì sao mình có thể kiểm tra hồ sơ an sinh xã hội của mình trên trang web thuận lợi?” hoặc “vì sao chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, đôi khi phải chờ đến nửa tiếng, nhưng những câu hỏi về tiền trợ cấp, tiền hưu trí đều được trả lời ổn thỏa?”
 
Nhiều người Mỹ không nhận ra vai trò thiết yếu của các cơ quan liên bang mặc dù họ tương tác gần như mỗi ngày. Các nhân viên tại Cơ quan An sinh Xã hội, USPS và Bộ Cựu Chiến Binh bảo đảm cung cấp hiệu quả các phúc lợi, dịch vụ thư tín, và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người dân.
 
Vai trò dễ thấy nhất là an ninh quốc gia, nơi các cơ quan như Bộ Quốc phòng (Department of Defense), Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) làm việc không ngừng nghỉ để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa bên ngoài và bên trong. Quân nhân, sĩ quan tình báo, chuyên gia an ninh mạng, và quan chức thực thi pháp luật hàng ngày đều sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ quốc gia. Công việc của họ phần lớn diễn ra thầm lặng và không được chú ý cho đến khi xảy ra khủng hoảng.
 
Nhân viên liên bang tại CDC, FDA và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh cho đến đảm bảo an toàn thực phẩm và dược phẩm, những chuyên gia này đóng góp vào phúc lợi của hàng triệu người Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy vai trò không thể thiếu của các nhân viên liên bang trong việc phối hợp ứng phó, phát triển vắc-xin và cung cấp hướng dẫn quan trọng về sức khỏe cộng đồng.
 
Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, các nhân viên liên bang quản lý các nỗ lực cứu trợ, chẳng hạn như Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP), để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và bảo vệ việc làm.
 
Lực lượng lao động liên bang cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hiến pháp và bảo đảm công lý. Các nhân viên tại Bộ Tư pháp (DOJ), Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC) làm việc để bảo vệ quyền công dân, truy tố tham nhũng, duy trì các giá trị dân chủ mà Hoa Kỳ có được.
 
Các cơ quan liên bang như NASA, Viện Y tế Quốc gia và Quỹ Khoa học Quốc gia thúc đẩy những tiến bộ công nghệ và khám phá khoa học có lợi cho xã hội. Từ thám hiểm không gian đến nghiên cứu y khoa, những đóng góp của họ mở rộng ranh giới kiến thức của con người và dẫn đến những đổi mới mang tính đột phá, chẳng hạn như các phương pháp điều trị cứu sống và các giải pháp năng lượng tái tạo.
 
Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA), trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, liên tục giúp người dân Mỹ chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thảm họa. Trong cuộc đại dịch COVID-19, FEMA đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vật tư y tế, và thiết lập các địa điểm tiêm chủng. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản và sự ổn định kinh tế của người Mỹ bằng cách cung cấp dữ liệu quan trọng và cảnh báo sớm về thiên tai.
  
Robert Reich, giáo sư chính sách công Đại học Berkeley và cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ, nhấn mạnh chiến lược của Trump và đội ngũ chính là “thay thế viên chức chính phủ với những thân tín trung thành và loại bỏ các cơ quan giám sát độc lập, và bất kỳ viên chức nào bày tỏ sự phản đối nhằm mục tiêu thâu tóm quyền lực.”
 
Trên diễn đàn lớn nhất dành cho viên chức chính phủ Reddit, đông đảo đã bình luận sôi nổi, thu hút hàng chục ngàn triệu lượt theo dõi. Một người bình luận: “Tôi không dành những năm tháng cuộc của cuộc đời phục vụ quốc gia vĩ đại này để bị bắt nạt phải từ chức bởi một nhóm độc tài phát xít. Chúng ta đang được lãnh đạo bởi cùng một loại người mà ông cha chúng ta đã chiến đấu chống lại trong Đệ Nhị Thế Chiến. Họ không quan tâm đến chúng ta, mặc dù một phần ba trong chúng ta là cựu chiến binh và có nhiều thân nhân là quân nhân.”
 
Một lời bình luận nổi tiếng khác là hình ảnh của Nữ thần Tự do với dòng chữ: “Hold the Line! Don't resign!”
 
Tất cả nhân viên liên bang khi nhận việc đều tuyên thệ trung thành với Hiến pháp Hoa Kỳ, không phải với tổng thống. Lời tuyên thệ này nhấn mạnh cam kết của họ trong việc phục vụ lợi ích quốc gia, đặt trọng trách bảo vệ dân chủ, an ninh quốc gia, và pháp quyền trên hết. 
 
Chính những lực lượng viên chức này, là những mảnh ghép làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ. 
 
Kalynh Ngô
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài phát biểu dài 1giờ 40 phút của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội đã nêu cao nhiều sáng kiến ​​của ông, từ việc trấn áp nhập cư đến thuế quan và chính sách năng lượng trong sáu tuần bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nhưng nhiều bình luận của ông bao gồm thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Khoa học gia người Mỹ da đen nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 George Washington Carver (1864-1943) đã từng nói rằng, “Giáo dục là chìa khóa mở cánh cửa vàng của tự do.” Đúng vậy! Chính vì vai trò quan trọng của giáo dục đối với tự do mà các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) đã tận lực vận động cho việc nâng cao dân trí để canh tân đất nước hầu có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Đất nước Hoa Kỳ nhờ có tự do, dân chủ và dân trí cao mà trở thành đại cường quốc trên thế giới. Nền giáo dục của Mỹ đã trở thành kiểu mẫu được nhiều nước ngưỡng mộ, cho nên số lượng sinh viên ngoại quốc du học tại Mỹ là cao nhất trên toàn cầu, với 1,126,690 người vào năm 2024, theo https://opendoorsdata.org.
Tổng thống Donald Trump vẫn luôn có sở thích tự đặt biệt danh cho chính mình: từ “thiên tài vững chãi,” “Don Trung Thực,” và giờ thì lên hẳn ngôi “vua.” Nhưng lần này, danh xưng vua chúa mà ông tự phong đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ. Hôm thứ Tư tuần qua, Trump tuyên bố “đánh bại” kế hoạch thu phí giao thông của New York dành cho Manhattan để giảm kẹt xe. Ông hớn hở đăng trên Truth Social: “KẾ HOẠCH THU PHÍ GIAO THÔNG ĐI TOONG RỒI. Manhattan và toàn bộ New York đã ĐƯỢC CỨU. HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!”
Chúng ta thử nhắm mắt hình dung một ngày nọ, tất cả những cơ quan đầu não chiếm vị trí hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của các nhân vật có số năm kinh nghiệm là số 0. Chưa hết, Hoa Kỳ nay đứng về phía Nga và các quốc gia phi dân chủ, bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine.
Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng (và hoàn toàn) không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.
Gần ba năm sau khi Nga tấn công xâm lược Ukraine, Mỹ và Nga đang bắt đầu xúc tiến công cuộc đàm phán, nhưng Mỹ tuyên bố là châu Âu không được tham gia diễn biến này. Do đó, nhiều tranh chấp cố hữu giữa châu Âu và Mỹ về Ukraine mang lại một sắc thái nghiêm trọng hơn, trong khi chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, châu Âu có những phản ứng quyết liệt vì muốn trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán.
Thông qua những sắc lệnh hành pháp vượt quyền hạn, tổng thống Trump cùng tỉ phú Elon Musk đã không ngừng tấn công vào những nền tảng cơ bản nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ: nguyên tắc tam quyền phân lập, quyền bình đẳng về giới tính, xóa bỏ Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp (người sinh ra ở Mỹ sẽ đương nhiên trở thành công dân Mỹ). Để đối phó, nhiều chính quyền tiểu bang, các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận… đã đệ nhiều đơn kiện liên bang để phản đối các chính sách độc đoán của chính quyền mới. Một số chính sách của Trump đã bị tòa án liên bang tạm dừng, ít nhất là tạm thời.
Nhiều người Việt các tiểu bang khác, khi tới thăm Quận Cam, bước vào Phước Lộc Thọ, sẽ kinh ngạc khi thấy hàng loạt áo dài sản xuất từ Việt Nam được may khéo, kiểu dáng tân kỳ, bán chỉ có 10 USD một áo. Rẻ kinh khủng, nhưng đồng bào mình ở quê nhà sống nhờ như thế. Rồi tới những món hàng nghệ thuật như đồ gốm sứ, vòng tay, tràng hạt, nón lá, đồ chơi trẻ em... đều bán rất rẻ. Chúng ta thắc mắc tại sao lại rẻ như thế. Hẳn nhiên, khi vào Phố Tàu Los Angeles, bạn cũng sẽ có những kinh ngạc tương tự với áo sường sám và các món tương tự từ nhiều thị trấn Hoa Lục. Nếu có chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả những hàng hóa trong Phố Tàu Los Angeles sẽ tăng giá, và tại Phước Lộc Thọ, hy vọng, sẽ giữ giá y nguyên, nếu các nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất không phải mua từ Hoa Lục. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, khi đọc các bản báo cáo về bất quân bình thương mại, Tổng Thống Donald Trump trong cơn phẫn nộ thường trực bỗng nhiên thấy rằng cần áp thuế quan trên hàng Việt Nam.
Giữa lúc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump ngày càng mạnh tay thực hiện chính sách trục xuất di dân không giấy tờ, thì trong làn sóng ủng hộ, tỏ rõ sự vui mừng ấy, có rất nhiều người Việt máu đỏ da vàng. Bất kể họ là ai, đến Mỹ thời điểm nào, hình như họ quên mất câu chuyện bắt đầu từ 50 năm trước, về những người Việt tị nạn đầu tiên đã đặt chân lên nước Mỹ, cũng mang trên mình căn cước “di dân bất hợp pháp.”
Từ ngày chính thức nhậm chức, 20 tháng Giêng, 2025, chính quyền của Trump hoạt động rất năng nổ, chai sâm banh bật nút, rượu trào ra, sắc lệnh hành chánh trào ra, kế hoạch mới trào ra, thay đổi trào ra, tin đồn trào ra, vân vân, và những ly sâm banh cụng nhau leng keng rồi nốc cạn. Tuy nhiên, còn quá sớm, quá mới để có thể cảm nhận kết quả tốt hay xấu. Một số đông đang chờ đợi chính quyền Trump làm những điều để Mỹ nhảy vọt về kinh tế. Tiền ra nhín rịn, tiền vào ào ào, Cậu Sam trở nên giàu có. Cậu giàu, cháu có nhờ được không?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.