Dù nhiệt độ của buổi sáng Thứ Tư, 22/1/2025 được xem là lạnh nhất trong mùa Đông những năm qua ở Virginia, nhưng khu vực đậu xe trước Trung Tâm Thương Mại Eden, Falls Church, vẫn đầy kín. Cộng đồng người Việt vùng DMV đã chờ đợi ngày này từ mấy tháng qua, ngày khánh thành bảng tên đường song ngữ SAIGON BLVD – Đại Lộ Sài Gòn. Nói một cách khác, đúng 50 năm tỵ nạn của người Việt Nam, con đường mang tên Đại Lộ Sài Gòn được ra đời ngay cửa ngõ trung tâm sầm uất nhất của cộng đồng người Việt Đông Bắc.
Khi Sài Gòn thất thủ, cha của Bình Lý hòa cùng dòng người đi vào “đêm chôn dầu vượt biển.” để lại quê nhà người vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Sau gần 10 năm, cha và mẹ của anh đoàn tụ ở nước Mỹ. Bình chào đời trên xứ sở tự do, mang trên mình căn cứ người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai.
Đúng 50 năm của biến cố 30 Tháng Tư (1975 – 2025), chính anh và những người bạn trẻ khác trong nhóm Viet Place Collective, đã tranh đấu suốt hai năm để thuyết phục giới chức vùng DMV chuẩn thuận cho tên đường Saigon Blvd – Đại Lộ Sài Gòn hiện diện trên một đoạn đường Wilson Blvd thuộc Falls Church.
“Đây là một món quà dành cho ba mẹ và bạn bè của tôi, cho những hy sinh của cha mẹ và ông bà để chúng tôi có ngày hôm nay. Bảng tên đường này là kết quả mình có thể thấy được ngay. Còn rất nhiều những đấu tranh cho chính sách khác còn rất lâu và dài. Đây chỉ là bước khởi đầu,” Bình Lý, trong trang phục áo dài truyền thống, hạnh phúc nói.
Để có được bảng tên Đại Lộ Sài Gòn, Bình và nhóm Viet Place Collective của anh phải mất hai năm vận động. Thời gian khá dài vì địa điểm đặt bảng tên đường nằm ở khu Seven Corner, tiếp giáp với ba thành phố Fairfax, Falls Church và Arlington. Do đó, quá trình vận động phải được sự chuẩn thuận của giới chức chính quyền địa phương thuộc ba thành phố.
Viet Place Collective là một nhóm các bạn trẻ thuộc thế hệ gốc Việt thứ hai. Theo lời Bình Lý, các bạn may mắn được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, được học hỏi, hiểu cách chính phủ Mỹ, địa phương điều hành như thế này. Từ đó, họ vận dụng kiến thức ấy để tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng người Việt.
Nguyễn Hoài Nam, một thành viên khác trong nhóm Viet Place Collective, cũng là thế hệ gốc Việt thứ hai, nói rằng “đây là một ngày rất quan trọng”:
“Nơi này thật đặc biệt đối với tôi. Nó rất đặc biệt đối với cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm ở đây.”
Người Việt tỵ nạn xuống tàu vượt biển, hành trang lớn nhất của họ chính là ký ức. Khi đã định cư ở một đất nước thứ hai, họ sẽ mở dần từng ngăn ký ức ấy, làm nguyên vật liệu để xây dựng một Sài Gòn thứ hai ở mảnh đất họ đã chọn làm quê hương. Nếu ai đã từng đến khu Trung Tâm Thương Mại Eden Center ở Falls Church sẽ dễ dàng nhận ra, nơi này được mô phỏng theo hình ảnh của Chợ Bến Thành, Sài Gòn.
Tuy không sầm uất như Little Saigon ở Orange County, nơi được gọi là “cái nôi của người Việt tỵ nạn”, nhưng Falls Church, Virginia dễ làm cho người xa xứ, và cả khách thập phương có cảm giác lẫn vào biểu tượng lâu đời của Miền Nam – Chợ Bến Thành.
Đây cũng chính là cảm giác của Quỳnh Nguyễn, một thành viên của Viet Place Collective. Cô cho biết Eden Center gợi cho cô về một khu chợ xa xôi đó, ở nơi mà cha mẹ cô đã phải bỏ ra đi để tìm tự do. Năm 2024, Quỳnh đưa cha mẹ về thăm quê hương. Cô gái sinh ra ở Mỹ có cảm giác xa lạ đã đành, chính cha mẹ cô cũng choáng ngộp với sự thay đổi của Sài Gòn ngày nay. Đó là cái cảm giác vừa là người xa lạ, vừa là người quen.
Đưa tay chỉ về tấm bảng tên đường Đại Lộ Sài Gòn, Quỳnh nói: “Nó gợi nhớ về cả hai quê hương.”
Giữa cái lạnh 6 độ của mùa Đông tháng Giêng, nhiều thế hệ tập trung về trước Eden Center. Trong số đó là những người thuộc thế hệ thứ nhất. Sài Gòn đối với họ là tình yêu bất tử, là quá khứ không phai nhòa.
Bà Dậu Lưu, cư dân của Fairfax County, thường được bạn bè gọi cái tên “Bắc Kỳ 54” – là bảng số xe của bà, vui mừng nói: “Tôi vui lắm chứ. Tôi đã cùng nhóm trẻ này đi họp vài lần trong hai năm qua. Tôi rất sợ vì thời tiết khắc nghiệt mà sẽ ít người đến, nhưng không ngờ đồng hương đến đông như thế.”
Mặc cho cái lạnh có thể cắt cả da thịt, mặc cho những làn khói tuôn phả mỗi khi họ cười nói, nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt của những người đến dự. Vui nhất, ngoài nhóm Viet Place Collective, cộng đồng người Việt, thì có lẽ đó chính là bà Lý Kim Hà, mẹ của Bình Lý.
Đã từ khoảng một tháng trước, bà đã gửi thư điện tử, in thiệp mời, gọi điện thoại để nhắc nhở đồng hương đừng quên ngày khánh thành đường Đại Lộ Sài Gòn. Sáng hôm ấy, vẫn trong bộ áo dài – hình ảnh quen thuộc mỗi khi bà xuất hiện trước cộng đồng – bà nói trong ánh mắt rạng rỡ: “Năm mươi năm, và chúng tôi đã làm được điều này.”
Trong nhiều thập kỷ kể từ khi cùng gia đình định cư vùng D.C., bà Kim Hà đã hy vọng có một hình ảnh nào đó, ghi dấu ấn của Sài Gòn bằng tên, điều mà bà đã thấy ở các thành phố, tiểu bang khác như Orange County, California và Houston, Texas.
“Cả hai tiểu bang đều có các khu phố được gọi là Little Saigon,” bà Kim Hà nói.
“Khi chúng ta đang tiến gần đến cột mốc 50 năm ngày Sài Gòn thất thủ, sự kiện này là món quà tuyệt vời từ những người trẻ của Việt Place Collective dành tặng ông bà và cha mẹ của họ. Sự kiện này chứng minh cách thế hệ trẻ thực sự nắm bắt được bản chất của lịch sử và mối quan hệ gia đình của chúng ta. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở sâu sắc để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về quá khứ và kỷ niệm cuộc hành trình nửa thế kỷ của dân tộc mình.”
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Quận Fairfax, ông Jeff McKay, phát biểu tại sự kiện: “Bảng tên đường Saigon Blvd không chỉ riêng của Falls Church, mà là cho toàn bộ khu vực DMV (DC, Maryland, Virginia)”
Chỉ còn một tuần nữa là Tết Nguyên Đán, cái Tết thứ 50 của người Việt tỵ nạn. Có thể có những người đã không kịp chờ để đón mùa Xuân thứ 50, không kịp nhìn thấy bảng tên Đại Lộ Sài Gòn hiện diện ngay trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tỵ nạn vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, thế hệ tiếp nối như các bạn trẻ của Viet Place Collective, đã thay họ thực hiện sứ mệnh bảo tồn Tiếng Việt, bảo tồn di sản văn hóa nước Việt. Đặc biệt, bảo tồn hình ảnh đẹp của Miền Nam sau nửa thế kỷ mất nước. Sứ mệnh này chính là nhìn về quá khứ để đi đến tương lai.
Tấm bảng đỏ được kéo xuống. Bốn chữ Đại Lộ Sài Gòn hiện ra trong tiếng reo vui, vỗ tay vang dội. Có những người từ khu chợ Eden Center bước ra, trên tay là những túi thức ăn đậm đà hương vị sản sắc Việt. Giữa cái lạnh cắt da của buổi sáng mùa Đông vùng Đông Bắc, Sài Gòn hiện hữu ở khắp nơi.
Kalynh Ngô
Ý kiến bạn đọc
31/01/202514:26:57
JOHN N TRAN
Khách
I love Sai Gon forever