Hôm nay,  

Thời Hoàng Kim: Khi Quyền Lực Đồng Tiền Thách Thức Nền Dân Chủ

24/01/202500:00:00(Xem: 1442)
Photo Unplash
Sự hiện diện nổi bật của những người giàu nhất thế giới trong lễ nhậm chức tổng thống cho thấy vai trò và quyền lực mà họ có thể có trong chính quyền của Donald Trump. Ảnh: Unplash.
 
Thời Hoàng Kim (Golden Age) – khẩu hiệu mới của chính quyền Trump – hiện ra rõ nhất trong buổi lễ nhậm chức không như mong đợi của Trump và những cử tri ủng hộ.
 
Ngồi ở hàng ghế đầu, vị trí xưa nay vốn thuộc về gia đình tổng thống, các cựu tổng thống, và những vị khách danh dự khác, là những tỷ phú giàu nhất thế giới. CEO Meta Mark Zuckerberg và vợ; CEO Amazon Jeff Bezos và hôn thê Lauren Sánchez, CEO Google Sundar Pichai và Elon Musk, người giàu nhất thế giới đã dựng “bệ phóng Space X” đưa Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, đã soán chỗ của các tổng thống tiền nhiệm.
 
Điều này đối lập hẳn với những phát ngôn tranh cử khi Trump luôn xem mình là một tổng thống đứng cùng tầng lớp trung lưu và lao động.
 
Tiền có thể mua được tất cả?
 
Không ai vượt qua khả năng đóng góp tài chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump bằng Elon Musk. Theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang, Musk đã tài trợ khoảng 277 triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử của Trump và các ứng cử viên Cộng hòa khác, khiến ông trở thành cá nhân tài trợ lớn nhất trong chu kỳ bầu cử năm 2024. Hơn nữa, Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg đã cùng nhau đóng góp 250 triệu Mỹ kim vào quỹ nhậm chức của Donald Trump.
 
Sự hiện diện nổi bật của những người giàu nhất thế giới trong lễ nhậm chức tổng thống cho thấy vai trò và quyền lực mà họ có thể có trong chính quyền của Donald Trump. Trong bài phát biểu trước khi mãn nhiệm, cựu tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang dần được kiểm soát và thao túng bởi các tỷ phú tạo ra mối nguy hại đối với quốc gia.
 
Các tỷ phú có ảnh hưởng rất lớn trong nền dân chủ Hoa Kỳ, phản ánh rõ qua các khoản đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử. Khả năng tài trợ mạnh cho các ủy ban hành động chính trị (PAC), hỗ trợ các ứng cử viên, và trực tiếp vận động các nhà hoạch định chính sách cho phép các tỷ phú định hình chương trình nghị sự về các vấn đề quan trọng.
 
Ảnh hưởng to lớn này có thể thấy rõ trong các chính sách về luật thuế và môi trường, trong đó lợi ích của những người giàu thường được ưu tiên hơn lợi ích của công chúng. Ví dụ, Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (Tax Cuts and Jobs Act) năm 2017, được Trump ký thành luật vào ngày 22 tháng 12 năm 2017, đã hạ vĩnh viễn mức thuế doanh nghiệp từ 35% xuống mức cố định 21%. Đây là lần giảm thuế doanh nghiệp đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ. Theo nghiên cứu của Viện Brookings, chính sách giảm thuế 2017 này của Trump mang lại lợi ích to lớn cho các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao, và có khả năng làm tăng thâm hụt liên bang.
 
Các tỷ phú có tác động sâu sắc đến các vấn đề xã hội thông qua hoạt động từ thiện, sở hữu phương tiện truyền thông, và các chính sách của công ty. Nhiều người sử dụng sự giàu có của mình để ủng hộ các mục đích như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và biến đổi khí hậu. Ví dụ, Warren Buffett đã quyên góp hơn 40 tỷ Mỹ kim, phần lớn là thông qua các khoản tài trợ hàng năm cho Quỹ Bill & Melinda Gates để thực hiện các sáng kiến ​​xóa đói giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ và các nước đang phát triển. Hoặc Michael Bloomberg đã đóng góp hơn 11 tỷ Mỹ kim vào các hoạt động từ thiện, tập trung vào biến đổi khí hậu, kiểm soát súng, và sức khỏe cộng đồng.
 
Tuy nhiên, cũng có các tỷ phú dùng đóng góp vào các dự án cá nhân thay vì các giải pháp mang tính hệ thống. Hơn nữa, những nỗ lực này thường thiếu trách nhiệm giải trình, khiến các quyết định quan trọng về phúc lợi công cộng nằm trong tay một vài cá nhân, thay vì quốc hội.
 
Sự xuất hiện nổi bật của các tỷ phú tại lễ nhậm chức của Trump là biểu tượng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa sự giàu có và quyền lực chính trị. Donald J. Trump, xuất thân từ một gia đình giàu có, dường như đã định hình nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khác biệt so với chính trị truyền thống, khi chủ trương tập hợp một nội các và nhóm cố vấn của những kẻ giàu có. Điều này tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa lời lẽ dân túy của Trump và tầng lớp trung lưu ủng hộ ông.
 
Rõ ràng, Trump và tầng lớp thượng lưu đang bình thường hóa sự giàu có như một điều kiện tiên quyết để nắm được ảnh hưởng chính trị và quyền lực.
 
Khi một nhóm nhỏ, rất giàu có, nắm giữ quyền lực không cân xứng đối với các chính sách công sẽ làm suy yếu vai trò then chốt của quốc dân. Phát biểu lịch sử của cố tổng thống Abraham Lincoln vinh danh những người lính đã hy sinh mạng sống cho một “chính quyền của dân, do dân, vì dân” sẽ trở nên xa lạ trong một chính quyền được kiểm soát bởi một số ít những người giàu có. Khi trọng tâm chuyển từ nhu cầu tập thể sang lợi ích của một số ít được hưởng đặc quyền, thì sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
 
 
Về bản chất, một chế độ “của người giàu, vì người giàu” mặc kệ các lý tưởng của nền dân chủ. Thay vào đó, chế độ này sẽ tìm cách duy trì quyền lực và chương trình nghị sự của riêng nó. Khi sự giàu có quyết định chính sách và quản trị quốc gia, các nguyên tắc dân chủ bị suy yếu, khiến phần lớn người dân mất niềm tin vào dân chủ.
 
Sắc lệnh của quyền lực
 
Chỉ trong nửa ngày nhậm chức, Donald Trump, với sắc mặt thỏa mãn, ngạo mạn của “bên thắng cuộc,” cặp môi mím lại, đặt bút ký hàng loạt sắc lệnh, lật tung những chính sách, sắc lệnh của người tiền nhiệm vốn mang lợi ích cho người dân Mỹ thuộc tầng lớp lao động. Khi kết thúc, Trump ném tung những cây bút ấy vào nhóm người ủng hộ, như một sự ban phát ân huệ. 
 
-          Tạm dừng cấp phép cho người tị nạn
 
Một trong những sắc lệnh hãi hùng đầu tiên của Trump là đình chỉ vô thời hạn việc cho người tị nạn định cư tại Hoa Kỳ. Trong nhiều thập kỷ, chương trình này đã cho phép hàng trăm nghìn người thoát khỏi chiến tranh và đàn áp chính trị trên toàn thế giới đến Hoa Kỳ. Việc tạm dừng sắc lệnh này có nghĩa là gần 1.660 người Afghanistan đã được phép tái định cư, bao gồm cả trẻ vị thành niên, sẽ không thể đoàn tụ với gia đình ở Hoa Kỳ.
 
Trump cũng đã đình chỉ chương trình tị nạn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và sau khi khôi phục lại, đã cắt giảm số lượng người tị nạn được tiếp nhận. Dưới thời chính quyền Biden, chương trình đã được khôi phục lại ở mức cao nhất trong ba thập kỷ.
 
-          Khôi phục lại chính sách “Ở Lại Mexico”
 
Trump đã ký sắc lệnh khôi phục lại chính sách “Ở Lại Mexico”, quy định những người xin tị nạn phải đợi ở Mexico để được xét xử tại các tòa án di trú Hoa Kỳ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã thông báo rằng ứng dụng CBP One sẽ ngừng hoạt động không tiếp nhận người di cư nữa. Phía ngoài các cửa khẩu biên giới phía bắc Mexico và Hoa Kỳ, hy vọng của vô số người xin tị nạn đã tan thành khói.
 
CBP One là hệ thống trực tuyến sắp xếp lịch hẹn cho 1.450 người mỗi ngày tại tám cửa khẩu biên giới để nhập cảnh vào Hoa Kỳ diện “tạm tha” mà chính quyền ông Biden đã sử dụng nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào, kể từ khi nó được thiết lập vào năm 1992. Những người ủng hộ cho rằng nó đã mang lại trật tự cho một biên giới hỗn loạn. Ngược lại, những người phản đối cho rằng hệ thống là nam châm thu hút nhiều người nhập cư đến Mỹ.
 
Với việc khai tử CBP One, hàng chục nghìn cuộc hẹn lên lịch vào Tháng Hai đã bị hủy. Maria Mercado đã từ bỏ quê hương Colombia cách đây nhiều thập kỷ để đến Ecuador. Khi các băng đảng ma túy bao vây quê hương thứ hai Ecuador của cô, gia đình Maria lại chạy một lần nữa, để đến Mexico, với hy vọng đến được Hoa Kỳ. Nước mắt chảy dài trên má Maria, sau khi cuộc hẹn của gia đình cô vào lúc 1 giờ chiều, Thứ Hai ngày 20 Tháng Một, bị hủy bỏ.
 
-          Hủy bỏ sắc Lệnh giảm giá thuốc Medicare của Biden
 
Trump đã hủy bỏ sắc lệnh 14087 của Tổng Thống tiền nhiệm Joe Biden đã ký giảm chi phí thuốc theo toa cho người Mỹ, bao gồm cả những người tham gia Medicare Part D. Sắc lệnh 14087 chỉ thị Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh phát triển và thử nghiệm các mô hình mới nhằm mục đích giảm chi phí thuốc. Việc Trump hủy bỏ sắc lệnh 14087 có thể làm chậm, hoặc dừng tiến độ của các sáng kiến ​​nhằm giúp thuốc theo toa có giá cả phải chăng hơn. Thậm chí, những người nhận Medicare và Medicaid có thể tiếp tục phải trả chi phí cao cho thuốc theo toa.
 
Hàng loạt những sắc lệnh khác vi phạm quyền công dân, vi phạm hiến pháp như ngang nhiên ký lệnh tước quyền công dân đối với trẻ em sinh ra tại Mỹ; ban hành sắc lệnh chỉ công nhận hai giới tính, nam và nữ; rút Hoa Kỳ khỏi WHO; rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris; ân xá cho 1,500 tội phạm đã tham gia bạo loạn tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021…
 
Nước Mỹ của Trump vì Trump
 
Dante Alighieri đã nói: “Kẻ nào tin rằng tiền bạc làm được mọi sự thì kẻ ấy dám làm mọi sự để có tiền bạc.”

Thời Hoàng Kim của Trump khởi đầu bằng sự kết hợp giữa quyền lực và sự giàu có, nhưng thiếu hẳn một tầm nhìn thực sự cho một xã hội công bằng và tiến bộ. Những sắc lệnh đình chỉ chương trình tị nạn, hủy bỏ các chính sách giảm giá thuốc Medicare, từ chối công nhận người đồng tính, hay khôi phục các chính sách gây tranh cãi như “Ở Lại Mexico” nói trên không chỉ làm tổn thương tầng lớp yếu thế mà còn đẩy xa các nguyên tắc dân chủ mà nước Mỹ đã mất nhiều thời kỳ đấu tranh và tự hào gìn giữ.
Những hình ảnh tại lễ nhậm chức, nơi các tỷ phú như Elon Musk, Mark Zuckerberg, và Jeff Bezos chiếm vị trí trung tâm, là biểu tượng rõ ràng cho cách mà quyền lực đồng tiền đang định hình chính trị nước Mỹ, bỏ rơi những giá trị cốt lõi của một nền dân chủ lâu đời của một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” để thay vào đó là hứa hẹn của một chế độ “của người giàu, cho người giàu, vì người giàu”- một nước Mỹ “của Trump, vì Trump”.
 
Thời Hoàng Kim của Trump là như thế. Và cái thời ấy từ buổi đầu tiên đã sớm khai tử sự góp mặt của tầng lớp trí thức, tầng lớp lao động, tầng lớp nhập cư... xá gì đến những người máu đỏ da vàng đang cuồng điên say chiến thắng.
 
Kalynh Ngô

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tổng thống Donald Trump vẫn luôn có sở thích tự đặt biệt danh cho chính mình: từ “thiên tài vững chãi,” “Don Trung Thực,” và giờ thì lên hẳn ngôi “vua.” Nhưng lần này, danh xưng vua chúa mà ông tự phong đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ. Hôm thứ Tư tuần qua, Trump tuyên bố “đánh bại” kế hoạch thu phí giao thông của New York dành cho Manhattan để giảm kẹt xe. Ông hớn hở đăng trên Truth Social: “KẾ HOẠCH THU PHÍ GIAO THÔNG ĐI TOONG RỒI. Manhattan và toàn bộ New York đã ĐƯỢC CỨU. HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!”
Chúng ta thử nhắm mắt hình dung một ngày nọ, tất cả những cơ quan đầu não chiếm vị trí hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của các nhân vật có số năm kinh nghiệm là số 0. Chưa hết, Hoa Kỳ nay đứng về phía Nga và các quốc gia phi dân chủ, bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine.
Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng (và hoàn toàn) không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.
Gần ba năm sau khi Nga tấn công xâm lược Ukraine, Mỹ và Nga đang bắt đầu xúc tiến công cuộc đàm phán, nhưng Mỹ tuyên bố là châu Âu không được tham gia diễn biến này. Do đó, nhiều tranh chấp cố hữu giữa châu Âu và Mỹ về Ukraine mang lại một sắc thái nghiêm trọng hơn, trong khi chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, châu Âu có những phản ứng quyết liệt vì muốn trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán.
Thông qua những sắc lệnh hành pháp vượt quyền hạn, tổng thống Trump cùng tỉ phú Elon Musk đã không ngừng tấn công vào những nền tảng cơ bản nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ: nguyên tắc tam quyền phân lập, quyền bình đẳng về giới tính, xóa bỏ Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp (người sinh ra ở Mỹ sẽ đương nhiên trở thành công dân Mỹ). Để đối phó, nhiều chính quyền tiểu bang, các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận… đã đệ nhiều đơn kiện liên bang để phản đối các chính sách độc đoán của chính quyền mới. Một số chính sách của Trump đã bị tòa án liên bang tạm dừng, ít nhất là tạm thời.
Nhiều người Việt các tiểu bang khác, khi tới thăm Quận Cam, bước vào Phước Lộc Thọ, sẽ kinh ngạc khi thấy hàng loạt áo dài sản xuất từ Việt Nam được may khéo, kiểu dáng tân kỳ, bán chỉ có 10 USD một áo. Rẻ kinh khủng, nhưng đồng bào mình ở quê nhà sống nhờ như thế. Rồi tới những món hàng nghệ thuật như đồ gốm sứ, vòng tay, tràng hạt, nón lá, đồ chơi trẻ em... đều bán rất rẻ. Chúng ta thắc mắc tại sao lại rẻ như thế. Hẳn nhiên, khi vào Phố Tàu Los Angeles, bạn cũng sẽ có những kinh ngạc tương tự với áo sường sám và các món tương tự từ nhiều thị trấn Hoa Lục. Nếu có chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả những hàng hóa trong Phố Tàu Los Angeles sẽ tăng giá, và tại Phước Lộc Thọ, hy vọng, sẽ giữ giá y nguyên, nếu các nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất không phải mua từ Hoa Lục. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, khi đọc các bản báo cáo về bất quân bình thương mại, Tổng Thống Donald Trump trong cơn phẫn nộ thường trực bỗng nhiên thấy rằng cần áp thuế quan trên hàng Việt Nam.
Giữa lúc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump ngày càng mạnh tay thực hiện chính sách trục xuất di dân không giấy tờ, thì trong làn sóng ủng hộ, tỏ rõ sự vui mừng ấy, có rất nhiều người Việt máu đỏ da vàng. Bất kể họ là ai, đến Mỹ thời điểm nào, hình như họ quên mất câu chuyện bắt đầu từ 50 năm trước, về những người Việt tị nạn đầu tiên đã đặt chân lên nước Mỹ, cũng mang trên mình căn cước “di dân bất hợp pháp.”
Từ ngày chính thức nhậm chức, 20 tháng Giêng, 2025, chính quyền của Trump hoạt động rất năng nổ, chai sâm banh bật nút, rượu trào ra, sắc lệnh hành chánh trào ra, kế hoạch mới trào ra, thay đổi trào ra, tin đồn trào ra, vân vân, và những ly sâm banh cụng nhau leng keng rồi nốc cạn. Tuy nhiên, còn quá sớm, quá mới để có thể cảm nhận kết quả tốt hay xấu. Một số đông đang chờ đợi chính quyền Trump làm những điều để Mỹ nhảy vọt về kinh tế. Tiền ra nhín rịn, tiền vào ào ào, Cậu Sam trở nên giàu có. Cậu giàu, cháu có nhờ được không?
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.