Hôm nay,  

Cuối Năm, Nói Về ‘Nhân Vật Của Năm’

20/12/202400:00:00(Xem: 1598)

Capture
 
Sáng thứ Năm 12/12, người thắng cuộc tranh cử tổng thống 2024 Donald Trump cười rạng rỡ, sánh vai với Cựu Đệ Nhất Phu Nhân “lúc ẩn lúc hiện” Melania Trump, rung chiếc chuông ở NY Stock Exchange – một hành động truyền thống của người được TIME vinh danh là Person Of The Year – Nhân Vật Của Năm. Năm nay, là lần thứ hai Donald Trump là “nam vương” của danh hiệu này. Phần lớn các tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Tổng thống Franklin D Roosevelt đều ít nhất một lần được vinh danh, khiến cho nhà bình luận chính trị Joseph Gedeon nhận định “sự lựa chọn hàng năm của TIME trở thành một loại nghi lễ chuyển giao của tổng thống.”
 
Danh hiệu “Nhân Vật Của Năm” do TIME bắt đầu từ năm 1927 – theo truyền thống được trao cho những người có ảnh hưởng đáng kể trong các sự kiện toàn cầu, từ chính trị đến văn hóa, môi trường, nghệ thuật. Những người được chọn đóng vai trò như một “thước đo phong vũ” về sức lan tỏa trong xã hội đương đại. Ảnh hưởng đó, theo tiêu chuẩn do chính TIME đề ra, có thể là “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.” 
 
Theo tiêu chuẩn này, lịch sử đã có không ít những nhân vật, vốn là những người gây ra hậu quả tiêu cực cho thế giới, nhận giải “Man Of The Year” (tên ban đầu của Person Of The Year) của TIME.
 
Năm 1938, TIME đã chọn Adolf Hitler, một cách xác nhận sức tàn phá lên toàn cầu do chế độ độc tài của ông ta gây ra. Hitler đóng một vai trò to lớn trong việc định hình lại nước Đức và châu Âu trong quá trình lên nắm quyền, cùng các chính sách đã dẫn đến Đệ Nhị Thế Chiến và cuộc diệt chủng Holocaust, khiến hàng chục triệu người tử vong.
 
Joseph Stalin (1939 and 1942), “đối thủ” của Hitler trong nhóm những kẻ chuyên chế của thế kỷ 20. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của Stalin đối với chính trị toàn cầu, đặc biệt là trong Đệ nhị Thế chiến.
 
Năm 2007, TIME đã chọn Vladimir Putin là “Person Of The Year” để nhấn mạnh việc Putin củng cố quyền lực của ông ta ở Nga và quốc tế. Putin đã bị chỉ trích vì đường lối lãnh đạo theo chủ nghĩa độc đoán, đàn áp bất đồng chính kiến ​​và gây hấn với các nước láng giềng như Ukraine.
 
Cái tên Osama bin Laden cũng từng nằm trong danh sách đề cử của TIME năm 2001.
 
Vì đó là Trump!
 
Tuy nhiên, chưa bao giờ chính chủ biên của TIME lại phải viết một bài xã luận để giải trình “Tại sao chọn Trump?” trên tạp chí nhà. Một điều không xảy ra trong lần Trump được vinh danh năm 2016. Mặc dù trước đó, TIME đã đăng tải một bài viết thông báo về Donald Trump, Nhân Vật Của Năm do phóng viên của tạp chí thực hiện.
 
 
Eric Cortellessa của TIME miêu tả sự trở lại của Trump là “vô song trong lịch sử nước Mỹ.” Bài viết dài hơn 5,000 từ của Cortellessa mô tả Donald Trump lúc thì như một á thần Hercules được sinh ra với sứ mệnh vô cùng gian nan, nguy hiểm; lúc thì như một Gia Cát Lượng nho nhã bí ẩn, tinh thông nhân, đạo, địa, tinh thần thời đại văn hóa, “dụng nhân như dụng mộc,” (ý muốn nói cách Trump chọn nội các), là “người phức tạp với những ý tưởng đơn giản mà quá nhiều chính trị gia khác hoàn toàn ngược lại.”
 
Chỉ vài giờ sau khi Donald Trump trở thành Person Of The Year, ngay lập tức các trang mạng xã hội như Twitter, Bluesky, Reddit nổi lên lời kêu gọi “boycott TIME.” Bỏ ghi danh, không mua tạp chí TIME, không đọc TIME… là những phản ứng nhìn thấy nhiều trên mạng xã hội. Có người viết rằng: “Hãy nhớ, nhân vật của năm không phải nói về một người tốt nhất, mà về người có sức ảnh hưởng nhất. Đáng tiếc, ông ta đang ảnh hưởng đến sự thất bại của một quốc gia.”
 
Một người khác ghi rằng: “85 năm sau khi gọi tên Adolf Hitler là Nhân Vật Của Năm, họ đã chọn Donald Trump.”
 
Nổi bật nhất, rất nhiều người đưa hình ảnh của bà Gisele Pelicot, người Pháp, 72 tuổi, nạn nhân của tội xâm phạm tình dục, để cười nhạo sự bình chọn của TIME. Bà Gisele Pelicot đã dũng cảm bước ra khỏi nỗi ám ảnh của quá khứ để đứng trước tòa án nói ra sự thật ngày 2/9/2024. Trong suốt 10 năm, chồng của bà, ông Dominique Pelicot, ép bà dùng ma tuý, sau đó cho phép những người đàn ông xa lạ vào nhà để cưỡng hiếp bà. Khoảng 50 người đàn ông đã nhận tội. Bà Gisele Pelicot hy vọng câu chuyện đau thương của đời mình sẽ là động lực giúp cho những nạn nhân khác không còn bị bủa vây bởi sự sợ hãi.
 
“Bà Gisele Pelicot nên được vinh danh là Nhân Vật Của Năm của TIME. Bà dũng cảm từ bỏ sự ẩn danh trong một vụ án hiếp dâm khủng khiếp nhất mà thế giới từng chứng kiến, để đứng lên vì những người sống sót.” Tan Smith, một tác giả, viết trên Bluesky.
 
Có lẽ phải đối diện với làn sóng phản đối quá lớn, chủ biên của TIME, Sam Jacobs phân trần: “Trong 97 năm qua, các biên tập viên của TIME đã chọn ra Nhân Vật Của Năm: những cá nhân, dù tốt hay xấu, đã làm nhiều việc nhất để định hình thế giới và các đề tài bàn tán trong 12 tháng qua. Trong nhiều năm, sự lựa chọn đó là một điều khó khăn. Năm 2024, thì không phải vậy.”
 
Từ khi Donald Trump bắt đầu tranh cử tổng thống vào năm 2015, thì nước Mỹ đã chứng kiến một cá nhân có ảnh hưởng lớn trong việc thay đổi tiến trình chính trị và lịch sử. Một nhiệm kỳ bốn năm hỗn loạn, bắt đầu bởi một cuộc biểu tình phản đối lớn nhất lịch sử nước Mỹ – cuộc biểu tình của Women’s March. Cuối nhiệm kỳ là một đại dịch càn quét thế giới mà Hoa Kỳ có 1,219,487 người chết do chiến lược chống dịch yếu kém của người đứng đầu. Trump kết thúc bốn năm bằng cuộc bạo loạn tấn công Capitol Hill ngày 6/1/2021, không khác gì cuộc nổi dậy lật đổ một chế độ.
 
Sau tám năm, trong nhiều tuần lễ, Trump dùng chính phòng xử án mà ông ta là bị cáo để vận động tranh cử. Trump đã vượt qua 34 trọng tội; gần như thoát bảy bản án hình sự còn trong quá trình xét xử; thoát chết trong vụ ám sát hụt; thu nhận thêm nhiều “tín đồ” vào “giáo phái Trump.” Trump có thể làm cho những tờ báo danh tiếng lâu đời của nước Mỹ phải quay lưng với đạo đức nghề nghiệp, làm cho một nửa nước Mỹ không tin vào chính sách nguy hiểm đến quốc gia và các đồng minh. Mặc cho những bài phát biểu vô nghĩa, tấn công đối thủ bằng lời phỉ báng, phân biệt giới tính, chủng tộc và bài trừ di dân, Trump vẫn giành được tỷ lệ lớn nhất của người Mỹ da đen bầu cho một đảng viên Cộng hòa kể từ thời Gerald Ford và có nhiều lá phiếu của người Mỹ La tinh nhất trong số bất kỳ ứng cử viên GOP nào kể từ George W. Bush. Dù là người nguy hiểm nhất cho nền Dân chủ, nhưng Trump là đảng viên Cộng hòa đầu tiên trong vòng 20 năm giành được nhiều phiếu bầu hơn đảng viên Dân chủ.
 
Đó là những gì Sam Jacobs cho rằng “nước Mỹ đang chứng kiến giai đoạn thần quyền của Trump” và “là sự khởi đầu của một chương mới. Trump một lần nữa ở trung tâm của thế giới, ở một vị trí mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”
 
Trong những tháng tranh cử và sau khi giành chiến thắng, sức ảnh hưởng của Donald Trump lên nước Mỹ và thế giới không dừng lại. Thủ tướng Canada phải bay đến Mar-a-lago để hy vọng xoa dịu Trump về lời đe dọa áp thuế. Tổng thống Ukraine phải gửi ngay một lá thư tha thiết chúc mừng Trump với hy vọng không bị bán nước. Ông chủ Amazon Jeff Bezos sau khi phong tỏa thư ủng hộ của ban biên tập Washington Post dành cho Phó Tổng Thống Kamala Harris thì nhắn tin chúc mừng tổng thống đắc cử, một điều được cho là chưa từng có.
 
Nếu không phải là người “ở vị trí trung tâm của thế giới” và có sức tàn phá như vũ khí hạt nhân thì liệu có thể làm được không?
 
Xuyên suốt gần một thập kỷ, Donald Trump đã lật tung được một bản thể phân biệt chủng tộc, kỳ thị, ích kỷ, vốn ẩn sâu trong hình hài của một nước Mỹ vĩ đại. Trăm vạn điều không hiểu cứ thế tuôn trào trong xã hội dân tuý này. Sự ngờ vực ngày càng tăng đối với các thể chế đã định hình từ thế kỷ trước và niềm tin vào giá trị tự do sẽ dẫn đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người đang bị xói mòn. Sự phân cực và chia rẽ bản sắc chính trị Mỹ ngày càng khoét sâu. Donald Trump vừa là tác nhân vừa là người hưởng lợi từ tất cả những điều đó.
 
Những ông lớn trong ngành công nghệ, từ Jeff Bezos đến Mark Zuckerberg đến Sam Altman đều tự nguyện tài trợ $1 triệu cho buổi nhậm chức của Trump và sẽ gặp Trump tại Mar-a-Lago vào tuần tới.
 
Do đó không có gì ngạc nhiên khi chủ sở hữu của TIME, Marc Benioff, phải chọn Donald Trump là Person Of The Year.
 
Chủ biên của TIME đã dành cho Trump những lời không thể hoàn hảo hơn: “Vì đã dẫn đến một cuộc trở lại quy mô lịch sử, vì đã thúc đẩy sự sắp xếp lại chính trị trong một thời đại, vì đã tái định hình nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ và thay đổi vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, Donald Trump là Nhân Vật Của Năm 2024 của TIME.”
 
Donald Trump phải là “PERSON OF THE YEAR” – không chỉ do TIME bình chọn, mà cả nước Mỹ, toàn thế giới. Ngoài Donald Trump, không thể là ai khác, trong năm 2024.
 
Nhưng, đúng với tiêu chuẩn nào của TIME đã đề ra, “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn” – câu trả lời cũng nên dành cho mỗi người và thế giới tự quyết định.
 
Kalynh Ngô
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.