Hôm nay,  

Tương lai nào cho Syria?

20/12/202400:00:00(Xem: 978)
 Capture
 
Hiện tình
 
Syria đang sống trong một bước ngoặt lịch sử sau khi chế độ độc tài sụp đổ nhanh chóng và Bashar al-Assad trốn sang Nga để tị nạn. Các nhóm nổi dậy chiến thắng đang cố gắng duy trì trật tự công cộng và thảo luận về các kịch bản cho tương lai. Lòng dân hân hoan về một khởi đầu mới đầy hứa hẹn pha trộn với những lo âu vì tương lai đất nước còn đầy bất trắc.
 
Trong 54 năm qua, chế độ Assad đã cai trị đất nước như một tài sản riêng của gia đình và bảo vệ cho chế độ trường tồn là khẩu hiệu chung của giới thân cận.
 
Với sự trợ lực của Nga, Iran và Hezbollah, Assad đã sử dụng vũ lực tàn bạo, kể cả hoá học, để đàn áp nhiều cuộc nổi dậy khiến cho hàng trăm nghìn người dân thiệt mạng. Không ai dám phản đối bạo quyền, vì sẽ bị đàn áp dã man và chịu cảnh tù tội cho đến chết. Cảnh nhà tù Sednajy với hơn 13.000 phạm nhân bị hành hình được phát hiện sau ngày chiến thắng là một hình ảnh cực kỳ thương tâm.
 
Theo một ước tính, có ít nhất là nửa triệu người dân chết, 130.000 mất tích và khoảng 14 triệu phải di tản. Con số thực tế phải cao hơn, vì không ai có thể cập nhật hay kiểm chứng, kể cả Liên Hiệp Quốc. Cuối cùng, chế độ này đã bị đánh bại chỉ trong vài ngày và để lại một di sản tang thương, đất nước hoang tàn, xã hội phân hoá và cạn kiệt tài nguyên.
 
Liệu Syria có đủ điều kiện cần thiết để  tái lập hòa bình và tái thiết hay sẽ tổ chức nhà nước theo chế độ dân chủ hay theo Taliban không?
 
Một nhà nước theo kiểu Taliban?
 
Trong điều kiện giao thời và vì bối cảnh của Afghanistan không có điểm tương đồng, nên tương lai này khó xảy ra. Có nhiều lý do khác nhau để giải thích. Một mặt, Quân đội Syria được đào tạo kém, trả lương thấp và suy sụp tinh thần, không chống trả nhiều và sự phản kháng mang tính tượng trưng. Mặt khác, Syria có quá nhiều phe nhóm và tông phái khác chung sống cần phải được tôn trọng.
 
Tuy nhiên, việc đồng thuận để phân  quyền nội bộ trong tinh thần đoàn kết, ôn hòa và bao dung là những thách thức quan trọng.
 
Một dấu hiệu khích lệ là cho đến nay, không có một hành động trả thù đẫm máu nào trong các phe nhóm bộc phát và không có sự can thiệp thô bạo của ngoại bang, trừ việc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho việc khởi động gần sáu tháng trước đó.  
 
Một nhà nước dân chủ
 
Hiện nay, Syria không thể tìm ra giới lãnh đạo với ý thức về giá trị và kinh nghiệm cho việc điều hành một đất nước dân chủ. Vấn đề không chỉ là đứng ra kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do, vì để thực hiện, Syria cần có các đảng phái chính trị và phong trào xã hội dân sự, nhưng đó lại là một tiến trình thành lập trong lâu dài, và trong tình thế mới, cộng đồng hải ngoại sẽ đóng vai trò quan trọng.
 
Trong thời kỳ Assad cai trị, phân nửa dân số Syria có may mắn trốn ra nước ngoài. Hơn một triệu người tị nạn ở Đức vào năm 2015 là một bằng chứng. Họ được sống và làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn, nhưng quan trọng nhất là học được sinh hoạt dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng họ có thỏa thuận được với các lực lượng trong nước và tự nguyện hồi hương để xây dựng đất nước không, đó là một vấn đề mới.
 
Mặt khác, không có gì đảm bảo cho  một tiến trình tái lập hòa bình trong lâu dài, vì các biện pháp trả thù của phe nhóm còn trung thành theo chế độ Assad có thể xảy ra.
 
Thực thi công lý 
 
Syria bị chia cắt thành các khu vực thù địch. Khái niệm về nhà nước dân tộc đòi hỏi một tiến trình  nhận thức của người dân trong khi nhu cầu trước mắt là phải xử lý các tội phạm. Nhu cầu hòa giải và bình định Syria là tất cả các thành phần liên quan phải có ý thức về thực thi công lý. Các tài liệu thông tin về tội ác của chế độ Assad giờ đây phải được bảo mật.
Tin vui đầu tiên là trong cuộc họp tại thủ đô Damascus, Thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo al-Jaulani và Thủ tướng đương nhiệm Mohammed al-Jalali đồng thuận là Mohammed al-Bashir được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới. Hai bên đã thống nhất được các vấn đề chuyển giao quyền lực và công việc hành chính trong an hoà.
 
HTS và Abu Muhammad al-Jaulani
 
Muhammad al-Jaulani, một cựu thủ lĩnh của al-Qaeda, hiện nay đang trở thành lãnh đạo nhóm “Hayat Tahrir Al-Sham” (HTS), được ca ngợi là một anh hùng trong việc thực hiện cuộc lật đổ Assad, và mang lại tinh thần đoàn kết dân tộc.
 
HTS là hậu  thân của Mặt trận Al-Nusra trước đây, một chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. HTS có mối liên hệ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
 
Tuy nhiên, HTS luôn phản đối Nhà nước Hồi giáo (IS) vì chọn giải pháp ưu tiên cho Syria là theo tinh thần Hồi giáo, nhưng không theo khuôn khổ cai trị Kalifat. HTS góp phần đáng kể vào việc đánh bật IS ra khỏi miền Bắc Syria. Trong thời kỳ đầu,  HTS không thể làm hài lòng tất cả mọi người và mọi tông phái.
 
Kể từ năm 2017, al-Jaulani đã gây chú ý cho chính trường đầy hỗn loạn là liên tục gửi tín hiệu ôn hòa và cố gắng hợp tác với các nhóm không chủ trương thánh chiến.
 
Trong những năm gần đây, al-Jaulani  tỏ ra rất nghiêm túc trong nỗ lực này qua việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều phe nhóm khác nhau. Al- Jaulani chủ trương một Syria đa dạng mà các tông phái khác nhau có thể cảm thấy yên tâm hợp tác.
 
Bằng chứng điển hình là sau chiến thắng tại Aleppo của HTS, tất cả các Kitô hữu có thể tiếp tục đến nhà thờ và không có phụ nữ nào bị buộc phải đội khăn trùm đầu. Nhưng cũng có phe nhóm khác cho rằng nỗ lực này không đáng tin cậy.
 
Liệu các phe nhóm có thể tiếp tục hợp tác trong khi họ có quá nhiều dị biệt sâu xa về tín điều và ý thức hệ không? Điều gì xảy ra tiếp theo? Tất nhiên, về cơ bản, còn phải chờ xem nội dung thoả thuận trong việc phân quyền.
 
Các tác nhân chủ động 
 
Bị chia cắt lãnh thổ trong nhiều năm nội chiến, Syria còn bị phân hoá xã hội thành nhiều nhóm dân quân khác nhau và nay đã liên kết thành một liên minh dưới sự lãnh đạo của HTS.
Thực ra, tham gia vào việc lật đổ Assad còn có Quân đội Quốc gia Syria (Syrian National Army, SNA) và Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Force, SDF). SDF do lực lượng dân quân người Kurd YPG lãnh đạo và cũng kiểm soát các khu vực rộng lớn ở phía Đông Bắc Syria.
 
Mỹ vẫn đang bảo vệ YPG vì lực lượng dân quân này là đối tác quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
 
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân này là một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm và do đó đang chiến đấu chống lại lực lượng này. Mối quan hệ giữa YPG và HTS cũng được coi là nhiều vấn đề còn tiềm tàng. 
 
Ngoài ra, Syria là đất nước đa sắc tộc và tôn giáo: người Alawite, người Druze và người theo đạo Thiên chúa vẫn sống Nhóm thiểu số Alawite là nhóm ủng hộ chính cho chính phủ Assad.
 
Ảnh hưởng của ngoại bang
 
Syria có tầm quan trọng địa chiến lược  trong khu vực và được các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như một tuyến đường trung chuyển theo lợi ích riêng và Israel cũng có liên quan.
Chế độ Assad sụp đổ làm cho cán cân quyền lực thay đổi. Hiện nay, có nhiều suy đoán về các diễn biến, vì các nước phải thay đổi chính sách ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới. 
Nhìn chung, ba quốc gia này có cùng một quan điểm là không muốn cứu vãn tình thế đã rồi và thay đổi số phận cho Tổng thống Assad.
 
Đối với Iran, Syria là một tuyến cung cấp quan trọng cho Hezbollah tới Lebanon. Sức mạnh quân sự của Iran và tổ chức “Trục kháng chiến” do nước này lãnh đạo ở Syria cũng đã suy yếu. Các nhóm dân quân ở Trung Đông có quan hệ chặt chẽ với Iran, bao gồm cả Hezbollah của Lebanon và Hamas của Palestine, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Sau khi Israel phát động tấn công vào Hezbollah ở Lebanon vào tháng 10/2024, Hezbollah đã liên tiếp huy động lực lượng quanh Deir ez-Zor ở Syria để quay trở lại trận chiến ở Lebanon. Iran cũng ưu tiên tăng viện trợ cho Hezbollah và Hamas, khiến giảm đáng kể cho Syria.
 
Có những giả định cho rằng chính phủ mới của Syria sẽ chống Iran, nghĩa là, một trụ cột rất quan trọng của trục phản kháng do Iran lãnh đạo chống Israel sẽ biến mất.
 
Mối bận tâm lớn trước đây của Iran là nếu để mất Syria, thì Lebanon và Iraq lâm nguy. Tuy nhiên, nay Iran không còn chủ trương can thiệp Syria, thừa nhận việc chiến đấu cho Assad sẽ vô ích, nên quyết định rút các lực lượng. Tình hình thay đổi nên Iran phải lo đối đầu với Israel sẽ tấn công vào cơ sở có trang bị vũ khí hạt nhân của mình.
 
Nga có vấn đề phức tạp khác vì có một căn cứ hải quân nằm tại Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria và một căn cứ không quân Hmeimim gần Latakia, ở phía Tây Syria. 
 
Sau năm 2015, Nga đã sử dụng hai căn cứ này để tiến hành các cuộc áp đảo  phe đối lập của Syria. Ngoài ra, Nga đã sử dụng các căn cứ này để phô trương thanh thế và cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây ở các nước châu Phi.
 
Do cạn kiệt nhân lực và vũ khí cho chiến trường Ukraine, vào tháng 6/2024, Nga quyết định giảm số lượng từ hơn 65.000 binh sĩ đồn trú tại Syria xuống 4.000. Một số lượng lớn hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển về Nga.
 
Vì quân đội Nga đang sa lầy ở Ukraine, nên thanh thế của Nga tại Syria suy giảm. Vào ngày 6 tháng 12, Nga đã triệu hồi các nhà ngoại giao và rút quân ra khỏi các căn cứ. Liệu Nga có thể thỏa thuận với chính phủ mới của Syria để giữ lại hai căn cứ này không là vấn đề sẽ thương thảo.
 
Ả Rập Saudi, Jordan hay Lebanon tỏ ra không quan tâm đến một nhà nước sụp đổ hoàn toàn như Syria. Mọi người đều muốn có một đất nước ổn định cho người dân hồi hương. Đây cũng là mối lo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tyyip Erdogan. Erdoğan đã nhiều lần muốn đàm phán với Assad để hồi hương ba triệu người Syria đang tị nạn mà Thổ xem là gánh nặng lớn về an ninh và ngân sách. Assad luôn từ chối đàm phán và yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Bắc Syria.
 
Sau khi chế độ Assad sụp đổ, Erdogan hy vọng người tị nạn Syria có thể tự nguyện hồi hương hoặc tìm cách trục xuất. Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn chiếm đóng các khu vực ở phía Đông Bắc Syria và chủ yếu hành động chống lại người Kurd ở đó để ngăn chặn họ trở nên mạnh mẽ hơn.
 
Trong những năm gần đây, quyền tự trị của người Kurd là mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc hồi hương những người tị nạn Syria, sau khi tình hình thay đổi, sẽ quan trọng hơn các mục tiêu khác. Có khoảng 900 lính Mỹ đồn trú ở Syria. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden tuyên bố binh sĩ Mỹ cũng sẽ ở lại cho đến khi có thông báo mới.
 
Trong khi đó, Israel đã đưa quân vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và các khu vực khác của Syria. Theo các tin tức mới nhất, không quân Israel đã không kích ở khu vực thủ đô Damascus nhằm phá hủy các cơ sở quân sự.
 
Kết luận
 
Nhìn chung trong toàn cảnh, tình hình chưa hoàn toàn ổn định và các phe nhóm càng ngày càng tỏ ra quan tâm hợp tác, nhưng còn có tinh thần cảnh giác trong tình trạng đối đầu tiềm tàng.
 
Nhìn về tương lai, động lực xung đột  trong nội tình đang suy giảm. Giai đoạn đàm phán để hoà giải chính trị được tiến hành và sẽ định hình cho tương lai. Tình hình chung sẽ bớt đi hỗn loạn, nếu việc phân quyền đạt được kết quả.
 
Ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga vẫn tìm cách tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong vai trò trung gian hòa giải và còn chiếm ưu thế, nên Mỹ khó có khả năng phát huy ảnh hưởng và Trung Quốc càng ít hơn.
 
Thời kỳ chuyển tiếp đang khởi đầu, nên còn quá sớm để suy đoán là Syria sẽ hồi sinh với triển vọng dân chủ, hoà bình và thịnh vượng.
 
-- Đỗ Kim Thêm
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
Doanh nhân Donald Trump đã khởi xướng trào lưu dân tuý và hai lần thắng cử tổng thống. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên chính trường để vận động tranh cử năm 2016, Trump không có tham vọng thu tóm quyền lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong ý tưởng thù địch, mặc dù thể hiện nhiều quan điểm chống đối gay gắt. Ngược lại, ngày nay, "chủ thuyết Trump" chế ngự toàn diện mọi sinh hoạt của đất nước. Thực ra, khi nhìn lại hoạt động của Đảng trong thời hiện đại, đây là kết quả của một tiến trình dài nhằm tái định hình chiến lược bảo thủ mà Đảng đã đề ra vào những năm 1960.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành một di dân tốt của đất nước Hoa Kỳ. Tôi phục vụ trong quân đội. Tôi học cao học. Tôi làm việc cho chính phủ liên bang. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình trong 15 năm qua. Nay, tôi, chúng tôi, đang hoang mang về những chính sách không rõ ràng, không biết từ ai. Thậm chí, sếp lớn nhất của cơ quan chúng tôi phải tổ chức cuộc họp để trấn an nhân viên về những email của OPM gửi ra gần đây kêu gọi chúng tôi nên tự động nghỉ việc để nhận tám tháng lương. Họ không khuyến khích chúng tôi trả lời những email như thế. Trên một diễn đàn của Fed, mọi người từ lo lắng, sợ hãi, cho đến bây giờ thì tất cả đều đồng ý sẽ chiến đấu đến cùng.”
Không ra tranh cử. Không được xác nhận chính thức. Cũng chẳng cầm một xu tiền lương từ chính phủ. Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tuyên chiến với chính phủ liên bang Hoa Kỳ và, chỉ trong vài ngày, đã bắt đầu ra tay cắt giảm quy mô và ảnh hưởng của bộ máy chính quyền, đồng thời còn nắm được một số bí mật nhạy cảm nhất. Musk sử dụng mạng xã hội quyền lực của mình để định hướng dư luận, và không ngần ngại dọa dẫm rằng sẽ dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hậu thuẫn cho đối thủ chính trị của bất kỳ ai dám chống đối.
Tổng Bí thư Tô Lâm hứa “Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".
...Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, Mỹ khởi xướng Kế Hoạch Marshall vào năm 1948 để giúp tái thiết kinh tế Châu Âu và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Khi nhận thấy cần có một cơ quan phát triển phối hợp, Tổng thống John F. Kennedy đã ký lệnh hành pháp 10973 Foreign Assistance Act vào ngày 4/9/1961, và ký thành luật thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 3/11, tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong thời gian dài, thay vì chỉ viện trợ quân sự hoặc khẩn cấp. Cơ quan này được tạo ra để hợp nhất các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ và thúc đẩy phát triển toàn cầu như một phần của chính sách đối ngoại quốc gia. Thời Chiến Tranh Lạnh, USAID đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bằng cách cung cấp viện trợ cho các nước ở Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á. USAID là nguồn là viện trợ chính cho các chương trình phát triển tập trung vào nông nghiệp, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Cuộc Cách Mạng Xanh (Green Revolutio
Với mức áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc, liệu đây là những "đòn ngoại giao" như giới ủng hộ Donald Trump luôn bào chữa hay là sự thăm dò? Còn hiện nay, với các phát biểu cầu cạnh, một mức thuế "nhẹ nhàng" như vậy so với hai láng giềng đồng minh lâu đời Mexico và Canada, con đường "đánh Tàu" của Donald Trump trong nhiệm kỳ hai xem ra đã không như người Việt ủng hộ ông kỳ vọng.
Khi Sài Gòn thất thủ, cha của Bình Lý hòa cùng dòng người đi vào “đêm chôn dầu vượt biển.” để lại quê nhà người vợ và hai đứa con trai còn nhỏ. Sau gần 10 năm, cha và mẹ của anh đoàn tụ ở nước Mỹ. Bình chào đời trên xứ sở tự do, mang trên mình căn cứ người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai. Đúng 50 năm của biến cố 30 Tháng Tư (1975 – 2025), chính anh và những người bạn trẻ khác trong nhóm Viet Place Collective, đã tranh đấu suốt hai năm để thuyết phục giới chức vùng DMV chuẩn thuận cho tên đường Saigon Blvd – Đại Lộ Sài Gòn hiện diện trên một đoạn đường Wilson Blvd thuộc Falls Church.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.