Cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang. Trong nhiều tháng, tình hình chiến sự diễn ra theo chiều hướng không mấy thuận lợi cho Ukraine. Khoảng cuối tháng 11/2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống phi đạn chiến thuật tầm xa Atacms do Hoa Kỳ cung cấp. Đây là lần đầu tiên Kyiv được phép sử dụng loại phi đạn này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Không chỉ có Hoa Kỳ, các đồng minh ở Âu châu như Anh và Pháp cũng nhập cuộc. Trước đó, cả hai quốc gia này đều đã ngầm đồng ý rằng họ sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình nếu Hoa Kỳ “dẫn đầu” cho trước.
Ngay sau đó, Putin đã đưa ra lời đe dọa rõ ràng: ký một sắc lệnh hạ thấp ngưỡng cho phép việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Theo sắc lệnh này, Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử không chỉ trong trường hợp bị tấn công nguyên tử, mà ngay cả khi đó chỉ là một cuộc tấn công thông thường nhưng đe dọa nghiêm trọng đến “chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ” của Nga hoặc đồng minh Belarus.
Vào ngày 21/11, những lo ngại về nguy cơ chiến tranh nguyên tử càng gia tăng khi xuất hiện thông tin về việc Nga có thể đã phóng một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào Ukraine. Dù chưa được xác nhận rõ ràng, thông tin này làm nhiều người tin rằng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử đang đến gần hơn bao giờ hết.
Thế giới từng đối mặt với mối đe dọa tương tự, nhưng đó đã là chuyện của nhiều năm trước đây. Những ai thuộc thế hệ trước có thể vẫn còn nhớ đến cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba vào tháng 10 năm 1962, khi Hoa Kỳ và Liên Xô ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh nguyên tử. Thời điểm đó, dư luận công chúng vô cùng lo ngại. Cuối cùng, căng thẳng đã được xoa dịu nhờ một thỏa thuận bí mật: Hoa Kỳ rút các phi đạn nguyên tử của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng lúc bấy giờ, phần lớn công chúng đều nghĩ rằng chỉ có Liên Xô là bên nhượng bộ chứ Hoa Kỳ chẳng đời nào chịu nhún nhường.
Giờ đây, nỗi ám ảnh về nguy cơ chiến tranh nguyên tử đã quay trở lại. Một số quốc gia nằm gần Nga, như Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, đã tăng cường chuẩn bị dân sự, hướng dẫn người dân các kỹ năng và biện pháp ứng phó với chiến tranh, chẳng hạn như cách cầm máu, cách kiểm soát căng thẳng đầu óc (họ khuyên người ta “bớt đọc tin tức lại”), và dự trữ các nhu yếu phẩm như nước uống và sản phẩm vệ sinh.
Tại Đức, chính phủ đã cảnh báo người dân nên chuẩn bị tâm lý cho nguy cơ chiến tranh gần kề. Trong khi đó, các quốc gia khác như Anh vẫn chưa có hành động gì.
Vì sao một số quốc gia tỏ ra lạc quan hơn?
Sự khác biệt trong cách phản ứng trước nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia có thể được giải thích qua hiện tượng thiên kiến lạc quan (hay khuynh hướng lạc quan, từ tiếng Anh là optimism bias, lạc quan quá mức). Đây là khuynh hướng tâm lý mà người ta đánh giá quá cao cơ may những điều tốt đẹp sẽ xảy ra với mình và không nghĩ những chuyện xui xẻo sẽ có thể ập đến.
Theo một nghiên cứu, có khoảng 80% dân số thế giới mang một dạng thiên kiến lạc quan nào đó. Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu này được thu thập từ các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ và Anh. Những người theo khuynh hướng lạc quan thường tin rằng hôn nhân của họ sẽ hạnh phúc bền lâu (chứ không đổ vỡ như của thiên hạ), và rằng cuộc đời họ sẽ viên mãn hơn những người khác. Hoặc lấy thí dụ khác, những người lạc quan thường tin rằng biến đổi khí hậu chỉ có ảnh hưởng đến “người ta” hoặc “đời sau,” chứ không phải bản thân họ.
Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng người phương Tây dễ lạc quan quá mức hơn. Theo Steven Heine và Darrin Lehman, các giáo sư tại Đại học British Columbia, dân Canada có mức độ lạc quan phi thực tế cao hơn so với người Nhật. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy dân Mỹ có khuynh hướng lạc quan cao hơn người Nhật trong nhiều khía cạnh.
Thiên kiến lạc quan không chỉ giới hạn ở các khía cạnh cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cách con người nhìn nhận các vấn đề khác lớn hơn, chẳng hạn như các thảm họa tự nhiên và khủng bố. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với các vụ khủng bố, người Nhật có mức độ cảnh giác nguy hiểm cao nhất, trong khi người Bắc Mỹ và Argentina lại có mức độ cảnh giác thấp nhất. Tương tự, dân TQ bi quan hơn Hoa kiều, còn Hoa kiều lại bi quan hơn dân Mỹ da trắng.
Điều này dường như phản ánh một đặc điểm tính cách đặc trưng của người Mỹ. Một nghiên cứu đo lường mức độ lạc quan và lo lắng giữa trẻ em và thanh thiếu niên ở Nga và Hoa Kỳ cho thấy, thanh thiếu niên Hoa Kỳ thường lạc quan hơn về tương lai và ít lo lắng hơn về cả chuyện cá nhân lẫn chuyện thời sự.
Vì sao con người không thích nghe tin xấu?
Thiên kiến lạc quan được cho là xuất phát từ cách con người chọn lọc thông tin. Người lạc quan có khuynh hướng tránh né hình ảnh và thông tin tiêu cực để giữ cho tinh thần mình tích cực. Họ sẽ cố gắng không xem những tin xấu hoặc tin buồn.
Khi đối mặt với tin tức xấu, não bộ của họ giải quyết những thông tin này theo cách riêng. Hình ảnh soi đa chiều (fMRI) cho thấy rằng rãnh dưới bên phải của vùng vỏ não trước trán (right inferior prefrontal gyrus) có mức độ mã hóa thần kinh thấp hơn khi phải giải quyết thông tin tiêu cực. Nói cách khác, họ không chỉ có khuynh hướng thiên lệch trong sự chú ý (chọn tập trung vào điều tốt và bỏ qua điều xấu) mà còn gặp khó khăn trong việc học hỏi từ những điều tiêu cực.
Lạc quan: lợi và hại
Nói đi thì cũng phải nói lại, lạc quan có nhiều cái lợi rất rõ ràng. Người lạc quan thường sống lâu hơn, ít gặp các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch như nhồi máu cơ tim. Nếu có bị mắc ung thư, tinh thần lạc quan cũng giúp bệnh nhân đỡ căng thẳng đầu óc và lo âu, nhờ đó mà hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Không chỉ vậy, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp còn thúc đẩy con người hành động tích cực để biến tương lai ấy thành hiện thực. Đây chính là hiệu ứng “tự ứng nghiệm” (self-fulfilling prophecy): sự lạc quan trở thành động lực thay đổi thực tại.
Đó là lý do con người được đào tạo để trở nên lạc quan hơn thông qua liệu pháp tự an ủi nhận thức. Đồng thời, lĩnh vực “tự giúp mình” (self-help) đã phát triển mạnh mẽ để cổ vũ lối tư duy tích cực này, dẫn đến một sự thay đổi văn hóa tư duy.
Tuy nhiên, cái gì quá mức cũng đều không tốt; lạc quan thái quá cũng sẽ là con dao hai lưỡi. Nhà văn Barbara Ehrenreich, tác giả của cuốn sách Smile or Die, đã phê phán sự lạc quan thái quá, cho rằng nó làm người ta không làm được gì để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa thực sự.
Bà viết rằng: “Người Mỹ đã dành nhiều thập niên để rèn luyện cách tư duy tích cực, bao gồm cả thói quen tự động gạt bỏ các tin tức đáng lo ngại.” Ehrenreich nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 là một thí dụ điển hình. Khi đó, rất nhiều người chẳng thể nào nghĩ tới những kịch bản xấu nhất, họ bị bất ngờ và thiếu chuẩn bị. Và nếu không thay đổi, một Thế chiến mới sẽ là bài học đắt giá hơn nhiều.
Hiện nay vẫn có quan điểm lạc quan đối với tình hình căng thẳng quốc tế. Chẳng hạn, tổ chức vô vụ lợi Brookings Institution ở Hoa Kỳ cho rằng Putin chỉ đang hù dọa thôi chứ thật sự không tính sử dụng vũ khí nguyên tử. Dù lạc quan là tốt, nhưng cũng cần phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, suy cho cùng, đó vẫn là một yếu tố quan trọng để có thể sống còn và vượt qua khủng hoảng.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Why some countries are more likely to believe nuclear war won’t happen to them” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn