Theo mục đích ban đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, các tổng thống chỉ đóng vai trò là người thi hành pháp luật chứ không phải là hoàng đế có thể tự ý ra quyết định trong mọi việc. Nhưng theo thời gian, Quốc hội dần trao quyền lực cho nhánh hành pháp (tức là cho Tổng thống) nhiều hơn; và các tòa án, với tư cách là nhánh quyền lực thứ ba của chính phủ, cũng chấp nhận điều đó. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho Quốc hội quyền “áp đặt và thu thuế, lệ phí, thuế xuất nhập cảng và thuế hàng hóa, dịch vụ đặc biệt” và quyền điều chỉnh “quy định mậu dịch với các quốc gia khác.” Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ qua, Quốc hội đã ban hành những đạo luật trao quyền cho Tổng thống tự quyết định mức thuế quan mà không cần sự chuẩn thuận của Quốc hội.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa rằng khi trở lại nhiệm sở vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, ông sẽ ngay lập tức sử dụng quyền lực này để áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập cảng từ Mexico và Canada, và 10% đối với hàng hóa nhập cảng từ TQ. Vậy liệu Trump có thực sự có quyền làm như vậy?
Về mặt pháp lý, câu trả lời là Có. Để thực hiện điều này, Trump có thể sử dụng nhiều cơ sở pháp lý khác nhau – trong đó có những Đề mục với tên gọi dài dòng và phức tạp như Đề mục 232 (Section 232) và Đề mục 301 (Section 301). Nhưng cách đơn giản nhất là lôi Luật về Quyền hạn Kinh tế trong tình huống Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act – IEEPA). Luật này cho phép tổng thống có quyền áp đặt các biện pháp kinh tế (thí dụ như thuế quan) mà không bị cản trở nhiều (miễn là tổng thống tuyên bố có một tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến mối đe dọa đặc biệt nào đó).
IEEPA có những đặc điểm rất thuận lợi cho Trump. Warren Maruyama, một cựu cố vấn pháp lý của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Đây là quyền hạn trong tình huống khẩn cấp, nên các thủ tục rất đơn giản và nhanh chóng. Ông ấy có thể làm liền ngay từ ngày đầu tiên, nếu muốn.” Thực ra, Trump là người đầu tiên sử dụng luật này vào năm 2019, khi đe dọa đánh thuế 5% đối với tất cả hàng hóa từ Mexico nhằm trả đũa tình trạng di cư bất hợp pháp.
Ngoài ra, còn một tiền lệ quan trọng khác: vào năm 1971, Richard Nixon quyết định đưa Hoa Kỳ ra khỏi chuẩn vàng (gold standard) và kết thúc hệ thống Bretton Woods I. Ông tuyên bố rằng cần phải “củng cố vị thế kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ” và đã áp dụng thuế 10% đối với tất cả hàng nhập cảng. Các tòa án lúc đó đã ủng hộ hành động của Nixon.
Theo Kathleen Claussen, giáo sư luật tại Đại học Georgetown, sẽ không dễ dàng để phản đối Trump về mặt hiến pháp, thí dụ như cho rằng tổng thống đã vượt quá quyền hành pháp của mình. Mặc dù các tòa án ngày càng có khuynh hướng nghi ngờ quyền lực hành chính của chính phủ, nhưng khi Tổng thống đưa ra lý do vì an ninh quốc gia, tòa thường rất tôn trọng và ít can thiệp.
Về lý thuyết, nếu có đủ đa số đơn giản trong Quốc hội, có thể thông qua một nghị quyết chung để hủy bỏ tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Trump. Nhưng trong thực tế, Quốc hội sẽ cần tỷ số khoảng hai phần ba để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống – điều này rất khó xảy ra, vì Đảng Cộng Hòa của Trump có thể lên tiếng phản đối. Đảng Cộng hòa thậm chí có thể chọn cách đưa một số thuế quan của Trump thông qua thành luật để tạo điều kiện cho các cắt giảm thuế mà họ đã hứa hẹn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và không thể tranh cãi.
Ngoài ra, Trump vẫn còn những lựa chọn khác nhưng sẽ chậm hơn. Đề mục 301 (của Đạo luật Thương mại – Trade Act – năm1974) là công cụ chủ yếu trong nhiệm kỳ đầu của Trump, được sử dụng để áp đặt thuế đối với 370 tỷ MK hàng hóa nhập cảng từ TQ (và 7.5 tỷ MK từ Liên Âu). Đề mục này có thể dễ dàng được lôi ra lần nữa để áp thuế lên TQ, nhưng sẽ ít hiệu quả đối với Mexico và Canada, vì tổng thống cần phải tiến hành điều tra và tuân thủ các thủ tục phức tạp. Một lựa chọn khác là Đề mục 232, cũng đã được sử dụng trong nhiệm kỳ đầu của Trump để áp thuế đối với thép và nhôm. Nhưng Đề mục này chỉ có thể áp dụng đối với các sản phẩm được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nên sẽ không hữu dụng đối với thuế quan rộng rãi.
Các vụ kiện trong nước không phải là thách thức duy nhất mà Trump phải đối mặt. Hoa Kỳ đã ký kết một thỏa thuận thương ước với Mexico và Canada có tên là USMCA, được đàm phán dưới thời Trump. Thỏa thuận này có một cơ chế giải quyết tranh chấp mà Mexico và Canada sẽ chắc chắn sử dụng nếu Trump thực hiện những lời đe dọa của mình. Trong trường hợp này, IEEPA vẫn có thể là cứu cánh cho ông. Theo Mark Wu, giảng viên tại Trường Luật Harvard, Trump có thể sử dụng các điều khoản về an ninh quốc gia trong hiệp định USMCA để biện minh rằng họ không vi phạm thỏa thuận. USMCA sẽ phải được khảo xét lại (và có thể đàm phán lại) vào năm 2026. Nếu có tranh chấp triền miên về các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận, USMCA có thể sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với Trump sẽ không phải là kiện tụng trong nước, mà là phản ứng mạnh mẽ từ thị trường và công chúng. Scott Lincicome, một chuyên gia của Viện Cato, giải thích: “Hơn một nửa số trái cây và rau quả tươi của chúng ta đến từ Canada và Mexico… mà lại sắp tới mùa Super Bowl. Liệu có thật là Trump sẽ áp đặt thuế 25% đối với guacamole ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức?”
Lincicome cho rằng Trump có thể chỉ đang hăm he, đe dọa như một chiến thuật đàm phán nhằm ép các đối tác nhượng bộ, để lấy đó làm chiến tích mà khoe khoang trước khi chính thức nhậm chức.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã hứa sẽ giải quyết những khó khăn của công nhân, nông dân và người tiêu dùng đang phẫn nộ vì giá cả các mặt hàng thiết yếu. Nhưng nếu khiến hàng hóa nhập cảng trở nên đắt đỏ hơn, ông sẽ nhanh chóng mất lòng dân. Xét cho cùng, có lẽ chỉ khi dư luận thật mạnh mẽ thì mới kiềm chế được tánh nông nổi, bộp chộp của Trump.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Does Donald Trump have unlimited authority to impose tariffs?” được đăng trên trang Economist.com.
Gửi ý kiến của bạn