Các báo cáo về cuộc điện đàm giữa tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, Donald Trump, và người đồng cấp Nga của ông, Vladimir Putin (mặc dù Điện Kremlin đã nhanh chóng phủ nhận) đã đưa ra hương vị đầu tiên về giọng điệu và hướng đi của mối quan hệ giữa hai người trong thời gian sắp tới.Theo tờ Washington Post, Trump đã nói chuyện với Putin vào ngày 7.11, cảnh báo ông ta về bất kỳ sự leo thang nào ở Ukraine và nhắc nhở về "sự hiện diện quân sự đáng kể của Washington ở Âu châu".
Dù điều này có xảy ra hay không, bất kỳ cuộc trao đổi thông điệp nào - dù chỉ là gián tiếp - giữa hai người, đều nên được sự chú ý của các đồng minh Hoa Kỳ ở phương Tây, cũng như đối tác chính của Nga ở phương Đông là Tập Cận Bình (Trung Quốc).
Và đã có rất nhiều thông điệp như vậy trong vài tháng qua.
Putin, vào đầu ngày “tình nghi có cuộc điện thoại”, đã có một bài phát biểu dài tại cuộc họp thường niên của nhóm chuyên gia Valdai Discussion Club tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bài phát biểu - và sau đó những câu trả lời khán giả của Putin - mang tính cách chống phương Tây và đầy tự tin rằng một trật tự thế giới mới hiện đang trong "giai đoạn sáng tạo thực sự".
Đồng thời, Putin cũng cố gắng tâng bốc Trump là một "người đàn ông dũng cảm", nói rằng ông sẽ cân nhắc bất kỳ đề xuất nào từ Trump nhằm khôi phục quan hệ Mỹ-Nga và chấm dứt cái mà Putin gọi là "cuộc khủng hoảng Ukraine".
Nhưng sau đó, ông ta lại dành lượng thời gian nhiều hơn đáng kể để mô tả mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Ở đây, đối tượng của ông không phải là tổng thống sắp nhậm chức Hoa Kỳ mà là người bạn cũ của ông: vị chủ tịch Trung Quốc.
Lý do bắt nguồn từ một trong những thông điệp của Trump gửi tới Putin và Tập. Trump đã nói với Tucker Carlson tại một sự kiện vận động tranh cử vào ngày 31.10 rằng ông sẽ nỗ lực để "chia rẽ" Nga và Trung Quốc. Trump ngụ ý rằng hai nước là "kẻ thù tự nhiên" vì Nga có lãnh thổ rộng lớn mà Trung Quốc thèm muốn cho người dân của mình.
Nga và Trung Quốc có lịch sử xung đột về lãnh thổ dọc theo đường biên giới rất dài trên đất liền của họ ở Siberia. Đây là một phần của sự chia rẽ Trung-Xô vào những năm 1960, trước khi Hoa Kỳ mở cửa với Trung Quốc dưới thời tổng thống Richard Nixon vào những năm 1970.
Trái ngược với Nixon, Trump có vẻ sẽ cố gắng thiết lập lại mối quan hệ của Hoa Kỳ với Moscow thay vì Bắc Kinh. Mặc dù ngày nay khó có thể tưởng tượng được sự chia rẽ khi xưa giữa Nga và Trung Quốc, nhưng mong muốn rõ ràng của Trump trong việc khai thác sự bất hòa giữa Nga và Trung Quốc để mang lại lợi thế cho Hoa Kỳ cũng không nên bị coi là hoàn toàn phi thực tế.
Ngoài mặt, Putin và Tập đang có mối quan hệ chặt chẽ. Nhưng nhìn sâu vào mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, người ta thấy rằng đó chủ yếu là giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm và thiếu chiều sâu về mặt thể chế như các liên minh khác.
Có rất nhiều phẫn nộ đối với Trung Quốc trong cả công chúng lẫn giới chính trị Nga. Người Nga vẫn cảnh giác với vai trò ngày càng tăng quan trọng của Trung Quốc ở Trung Á và lo ngại về khả năng xảy ra những tranh chấp về đường biên giới vốn đã có từ lâu. Nhiều người cũng tức giận với tình trạng Moscow hiện là đối tác cấp dưới của Bắc Kinh.
Đây có khả năng là tất cả những vấn đề mà Trump có thể sử dụng để gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc. Nhưng phần lớn còn phụ thuộc vào những gì Putin xem là có lợi ích cho Nga. Điều này khiến sự chú ý của phương Tây cần tập trung vào câu hỏi, chính sách Ukraine của Trump sẽ như thế nào và có ý nghĩa gì đối với Ukraine và phương Tây.
Một thỏa thuận do Trump làm trung gian có vẻ sẽ bao gồm việc công nhận các thắng lợi về lãnh thổ của Nga tại Ukraine kể từ năm 2014, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt, và phục hồi rộng rãi thế đứng quốc tế của Moscow. Chắc chắn nó cũng sẽ bao gồm việc thu hẹp những đóng góp của Hoa Kỳ cho NATO và cam kết không mở rộng liên minh.
Trump có thể đạt được một thỏa thuận với Putin, nhưng liệu Putin có tuân thủ thỏa thuận đó hay không vẫn còn là điều đáng ngờ. Putin có nhiều khả năng chỉ đơn giản chơi với cả hai phe với hy vọng rằng Nga có thể theo cách này trở thành quốc gia thứ ba cùng với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong một trật tự quốc tế mới đang thành hình.
Tất nhiên, đây là một điều hoàn toàn viển vông nếu nhìn vào quy mô nền kinh tế Nga, nhưng lại có vẻ không thể ảnh hưởng lên các tính toán của Putin, xét đến mong muốn khôi phục lại vị thế siêu cường cho Nga của ông ta.
Đòn bẩy của Trung Quốc
Một sự mở cửa của Mỹ đối với Moscow, thay vì Bắc Kinh, cũng khó có thể tưởng tượng được vì các đối tác châu Âu của Mỹ khó có thể đồng tình với điều này. Một số người, như Viktor Orbán của Hungary và Robert Fico của Slovakia có thể thấy ý tưởng này nói chung là hấp dẫn, nhưng có nhiều khả năng Đức và Pháp, cùng với những nước khác trong EU, muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc hơn.
Lý do là KINH TẾ – các nước châu Âu đã phần lớn vượt qua được sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, nhưng vẫn cần Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên chứng kiến Trump cố gắng gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực của Putin nhằm xây dựng mối quan hệ song song với Triều Tiên và Iran, Tập Cận Bình vẫn giữ được nhiều đòn bẩy kinh tế đối với Nga và sẽ sử dụng nó để giữ Nga ở lại.
Về mặt ngoại giao, Putin phụ thuộc vào Tập Cận Bình và các tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Brics. Mặc dù có những khác biệt giữa Moscow và Bắc Kinh, nhưng cả hai đều có chung quan điểm thế giới về một nước Mỹ đang trong giai đoạn suy thoái trầm trọng - điều này hiện có khả năng sẽ được đẩy nhanh hơn nữa bởi những biến động dự kiến sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.
Riêng đối với Trung Quốc, việc ngăn chặn Hoa Kỳ hoàn toàn xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên chính - và như một phương tiện để đạt được mục đích đó, không cho phép Trump đạt được thỏa thuận với Putin gây thiệt hại cho Trung quốc, sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Tập Cận Bình.
Trump vẫn có thể cố gắng mở lòng với Nga bằng cách đạt được thỏa thuận với Putin về Ukraine. Nhưng một thỏa thuận như vậy với Putin không tương đương với việc chia rẽ Nga và Trung Quốc. Ngược lại, nó có nhiều khả năng chia rẽ Âu châu và Hoa Kỳ và làm suy yếu thêm Liên minh xuyên Đại Tây Dương. Thay vì làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Trump có thể đẩy nhanh sự suy tàn của nước này hơn nữa bằng cách nhầm lẫn giữa sự phá hủy những gì còn lại của trật tự thế giới tự do với việc định hình lại trật tự này theo lợi ích của Hoa Kỳ.
Thục Quyên lược dịch
Bài của Stefan Wolff, Professor of International Security, University of Birmingham đăng trên trang The Conversation