“Vinh quang thay xã hội. Nhưng mà khốn nạn thay xã hội!”, tôi phải đi vay của Nguyễn Công Hoan rồi hoán vị “Kép Tư Bền” bằng “xã hội” là để cảm thán cho thân phận voi-chó của nó, như là một trong những ngôn từ / ý niệm bị khai thác chính trị nhiều nhất.
Nhưng cũng có một sự nghịch pha, đến 180 độ. Mang ý nghĩa “cùng khổ / vô phước / bất hạnh” trong cách dùng của Nguyễn Công Hoan thì, đến thời của chúng ta, “khốn nạn”, như trong cách dùng nói trên, đã bị lột bỏ cái ý xót xa, thông cảm, chỉ có ý xấu, rất nặng, như một sự sỉ nhục. [1]
Mà “xã hội” – như một từ ngữ hay ý niệm -- cũng lắm sự lệnh pha. Một cách chung chung, với những nền dân chủ, đó là đặc tính của những chính phủ tả khuynh, đề cao công bằng xã hội qua các chương trình phúc lợi với ngân sách từ thuế suất cao hơn với giới nhà giàu trong khi, vẫn có những nhà chính trị khuynh hữu như ông Ronald Reagan, đưa ra quan niệm ngược lại. Theo ông Reagan thì nên giảm thuế nhà giàu để khuyến khích họ đầu tư, vừa tạo thêm việc làm cho người nghèo, vừa nâng cao sản lượng kinh tế để, từ đó, nâng cao tổng số thuế thu vào: tiền bạc có dồi dào thì chính phủ mới rộng tay hơn trong vấn đề an sinh xã hội. Hẳn nhiên nói là một việc, còn làm là một việc nhưng, gì thì gì, chọn lựa luôn thuộc về cử tri, chán tả thì chọn hữu, cạch mặt hữu thì chọn tả, vòng vòng. Đáng nói hơn là khi cử tri không có quyền này bởi “xã hội” -- ở hai đầu mút cực đoan của tả - hữu là cộng sản - phát xít -- được nâng thành... chủ nghĩa, càng vinh hơn mà cũng càng nhục hơn, nhục tới mức tột cùng.
Kiểu cộng sản nào – Marxist, Leninist, Stalinist, Titoist, Maoist hay biến dị mới nhất là “Hochiminhist”, tạm gọi thế với loại cộng sản đang cố thoát hiểm lý luận bằng “Tư tưởng Hồ Chí Minh” – cũng đều vỗ ngực là “xã hội chủ nghĩa” mà phát xít cũng không kém cạnh với “chủ nghĩa quốc gia – xã hội” mà chúng ta vẫn thường gọi tắt là “quốc xã”. Khi phía nào cũng lao vào giành giật như thế thì tất “xã hội” phải sáng giá, vinh quang.
Nhưng chỉ là vinh trên khẩu hiệu thôi còn sự thật thì chỉ có đắng cay, ô nhục. Nhân danh “xã hội” nhưng Adolf Hitler, Joseph Stalin rồi Mao Trạch Đông, Pol Pot đã làm trò gì với dân tộc mình? Và trên đất nước “xã hội chủ nghĩa” của chúng ta, ở bất cứ giai đoạn nào -- Stalinist, Maoist hay Hochiminhist – cũng ăm ắp những dấu vết ô nhục đó.
Nhục như câu chuyện nhỏ nhưng toát lên đặc điểm lớn của cả một ý thức hệ mà tôi từng chứng kiến vào đầu thập niên 1980, lúc còn học sinh cuối cấp trung học do, một lần vào khu tập thể giáo viên có việc, vô tình chứng kiến cảnh thầy mình ngồi loay hoay bên chiếc xe đạp bất khiển dụng chửi thề: “Đụ mẹ, chiếc xe tao là xe xã hội chủ nghĩa à!”
Thầy tôi người Đà Nẵng, dạy môn sinh học, vốn là sinh viên Đại học sư phạm Huế dạng “quá độ”, nửa trước kiêm nửa sau cột mốc 1975 và, trong mắt chúng tôi ngày đó, là người khá chịu chơi. Cả khu tập thể ấy chỉ mình ông có xe và, thế là, gia tài riêng này trở thành sở hữu chung, tiện thì ai cũng xài được nhưng rồi, đúng lúc chủ nhân cần đến, lại nằm trơ ra ăn vạ mà chẳng thấy ai nhận trách nhiệm. Vậy là ông thầy chịu chơi của tôi phát cáu đến độ, diễn dịch méo mó, đòi lôi mẹ của cái chủ nghĩa ấy ra để làm... thằng phải gió. Nhưng thực tế, chẳng có... cô hái chè chủ nghĩa nào và, những lời ấy, sau tiếng chửi thề ấy, chỉ nhắm đến cái ý thức trách nhiệm tồi tệ mà cái ý thức hệ kia đã… hun đúc cho bao nhiêu thế hệ, đến tận bây giờ.
“Xã hội chủ nghĩa”, trong ý nghĩa này, chính là “Vô trách nhiệm chủ nghĩa”.
Mà thầy tôi có nổi cáu thì cũng dễ hiểu thôi. Thời ấy thì chiếc xe là cả một gia tài và một lần hỏng nặng là một lần đứt ruột rứt ra đến một phần ba, nửa tháng, thậm chí hơn cả tháng lương. Mà chỉ để mua một phụ tùng cỏn con thôi, theo giá... xã hội chủ nghĩa, lại phải ngóng dài cổ ra chờ đến lượt, nhưng đâu phải dễ dàng lọt tên vào danh sách chờ đợi ấy, như một “tiêu chuẩn”? Cái mô hình kinh tế - chính trị gì cũng thiếu ấy, với mấy chữ viết tắt XHCN, do đó, lại được diễn dịch thành “xếp hàng cả ngày” như một cách nhạo báng chế độ và, xa hơn, không chỉ là nói lên thực trạng của một đất nước nghèo nàn vừa bước qua chiến tranh mà là, hầu như, của toàn khối xã hội chủ nghĩa, với những mức độ khác nhau.
“Xã hội chủ nghĩa”, do đó, còn là “xếp hàng chủ nghĩa”.
Bây giờ thì, với làn gió tư bản chủ nghĩa, đã qua rồi cái thời xếp hàng ngóng gạo, ngóng than, ngóng con cá hay bó rau, hay đơn giản là ngóng lượt mình chìa cái xô móp méo vào vòi nước tập thể nhưng yếu ớt nhỏ giọt. Nhưng trong hoàn cảnh mới này thì, để sống sót về mặt lý luận, Stalinist phải xoay xở thành Hochimihist và, cũng để tồn tại, “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” ấy cũng phải xoay xở như một “Cộng hòa xã hội hóa chủ nghĩa”.
Biến thái này, “xã hội hóa”, được tán dương như là một “quốc sách”, một “chủ trương lớn” nhưng không bao giờ đáng mặt là “chính sách” hay “chủ trương” mà, thực chất, chỉ là sự giãy giụa hay vùng vẫy trong thế cùng. [2] Đó chỉ là một hình thức đào ngũ hay phủi tay của một hệ thống công quyền vô dụng, không thể nào đưa ra những chính sách bền vững trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, tài nguyên v.v. Bất lực, không thể quản trị những dịch vụ công căn bản nhất thì đơn giản biến chúng thành những mặt hàng bán lẻ và, hầu như tất cả, đều là tiền. Tiền, tiền và tiền, chính quyền đã trở thành một gánh hàng xén để người Việt NAm, từ lúc nằm nôi cho đến lúc chui vào hòm, cái gì cũng phải sòng phẳng như nơi chợ búa và đây không chỉ là gánh nặng ập trên đầu dân nghèo. “Chủ trương lớn” này, thực sự, là sợi dây thòng lọng siết vào tương lai đất nước bởi, để sinh tồn và vươn lên trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, con người phải mạnh khỏe, giới trẻ phải được học hành tử tế và được giải trí lành mạnh. Khi chính quyền ăn đong bán lẻ hầu như trên mọi lĩnh vực, dân tộc sẽ giạt về đâu?
Vẫn chưa hết, “xã hội” còn bị sỉ nhục với... “anh em xã hội”, ngôn ngữ báo chí về những thành phần bất hảo, giang hồ, xã hội đen. Nhưng cũng từ báo chí, thỉnh thoảng, chúng ta lại bắt gặp những đảng viên phạm kỷ luật, bị chỉ trích là “dù làm việc trong cơ quan nhà nước, lại quan hệ với những thành phần phức tạp ngoài xã hội” và cái gì đang xảy ra với.. xã hội Việt Nam? Ngược với “ngoài xã hội” là “trong xã hội” nên, phải chăng, những đảng viên đúng khuôn mẫu, phải là kiểu người sống “trong xã hội”?
Nhưng xã hội là xã hội, phán xét ai đó là loại người sống “ngoài xã hội” là một cái nhìn trịch thượng và kỳ thị, trái ngược với lý tưởng của cuộc cách mạng mang lại bình đẵng mang tên “xã hội chủ nghĩa”. Sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế này, chính là khoảng cách giữa tuổi 20 mơ mộng so với tuổi 30 chín chắn qua câu chuyện của cha con ông Georges Clemenceau (1841 –1929), người đã dẫn dắt nước Pháp chiến thắng trong Đệ nhất thế chiến. Sinh thời, khi nghe báo tin con trai của mình đã theo cộng sản, ông thủ tướng này bình thản: “Con tôi năm nay 22 tuổi. Hai mươi hai tuổi mà không theo cộng sản thì tôi từ hắn. Nhưng nếu đến 30 tuổi rồi mà hắn vẫn tiếp tục theo cộng sản, tôi sẽ từ luôn!” [3]
Tuổi hai mươi thì đầy khát khao, mơ mộng mà, trên phương diện xã hội, đầu tiên phải là khát vọng công bằng. Sâu trong đáy lòng thì, đậm hay nhạt, ai mà không tiềm ẩn một khát vọng như thế và, có vậy, các nhà sản xuất điện ảnh Hồng Công mới ung dung đếm tiền bằng trò kéo rê những câu chuyện “kỳ tình” nhảm nhí ra đến mấy chục tập. Xuyên qua những cuốn phim lê thê như thế, khán giả hồi hộp theo sát những tình tiết éo le chỉ để chờ cái ngày gọi là “Trời có mắt” ở đó, kẻ gây nghiệp phải trả nghiệp, người bị hàm oan được rửa sạch tiếng oan và, nếu quyết liệt hơn, kẻ cắn răng nhẫn nhịn liên miên, nhẫn nhịn đến mức vô lý, sẽ hết ngu mà bật dậy, đòi lại công bằng.
Nghĩa là người khát khao những cái có hậu nhưng cái gọi là “cách mạng” - với những màn cảnh giành giật quyền lực đầy éo le gay cấn như một thứ soap opera kia – thì hoàn toàn không có hậu. Kiểu cách mạng này -- nói theo nhà văn Duyên Anh, đâu đó, trong trí nhớ của tôi – chỉ là “xóa bỏ sự bất công này để lập nên một sự bất công khác” mà nó, cái cuộc cách mạng ấy, chẳng đã huỵch toẹt thú nhận trong bài ca giai cấp, “Quốc tế ca”, rằng chỉ nhắm đến cái đích“Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” là gì? Hai mươi hai tuổi có thể chỉ thấy cái đẹp trên sách vở lý thuyết. Nhưng ba mươi rồi thì, nếu không tỉnh trí về sự thiếu vững bền của nó trên khía cạnh lý thuyết thì, ít ra, cũng phải sáng mắt trước những thực tế bất công mới mà, xét ra, còn dữ dội hơn cả sự bất công đã bị xóa bỏ bằng xương, bằng máu.
Như cuộc “cách mạng” trên đất nước chúng ta. Đánh đuổi thực dân ngoại xâm chỉ để thay thế bằng một thứ thực dân nội xâm. Hô hào xóa bỏ giai cấp chỉ để tạo dựng nên một hệ thống giai cấp mới với những đặc quyền còn chặt chẽ hơn và, cái gọi là nền “chuyên chính vô sản”, thực chất, chính là một thứ “chuyên chính đặc quyền” với những lớp lang thứ tự về quyền lợi theo lớp lang tầng bậc, riêng cho giai cấp cầm quyền. [4] “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, ở đây, chính là “Cộng hòa đặc quyền chủ nghĩa”, hoàn toàn trái ngược với quan niệm của nhà tư bản hàng đầu là Michael Bloomberg, theo đó việc bày vẽ sự khác biệt đẳng cấp không hề mang tính xây dựng: “Creating class distinctions isn't constructive”.
Trong hồi ký The Bloomberg by Bloomberg nhà tài phiệt này đã cười nhạo những công ty bày trò thang máy VIP và, thậm chí, cho biết công ty của mình không hề dành những chỗ đậu xe tốt nhất cho ban quản trị mà, đơn giản là, bất cứ ai, muốn đậu xe ở chỗ tốt nhất, thì phải chịu khó đến sớm nhất. [4] Công ty tài chính của Bloomberg tọa lạc tại Wall Street ở New York, là trái tim của chủ nghĩa tư bản Mỹ, vậy mà, trên khía cạnh này, đã tỏ công bằng hơn cái “chính quyền nhân dân” với những ông phó thủ tướng đi “chuyên khoang” như vua, những ủy viên trung ương ngang nhiên tước đoạt vé máy bay của hành khách như quân cướp ngày. [5]
Toàn cảnh bất công, thối nát, lộng hành như những lãnh chúa phong kiến nhưng tại sao những nhà “cách mạng” từng tràn trề lý tưởng “xã hội” của chúng ta vẫn không chịu mở mắt ra?
Vậy thì phải nhắc lại bi kịch của Tư Bền. Vì nợ nần, anh kép này phải cắn răng để người cha hấp hối nằm một mình trong nhà trọ mà đến hí trường chọc cười khán giả, trong vở tuồng “Ông Huyện ba phải”. Và những nhà cách mạng quá đát của chúng ta. Họ tối dạ, họ đui mù? Hay chỉ đơn thuần là thứ cách mạng “ba phải”? Hay họ câm miệng vì nợ, thứ nợ từ những đặc quyền đã hưởng thụ rất nhiều, đến nghiện, không thể nào cai, dẫu biết rằng đó là đặc quyền thối nát, xây dựng trên sự bất công?
Mà truyện ngắn “Kép Tư Bền” còn là cái cớ để người đương thời khơi lên cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” ầm ĩ một thời, kéo dài từ năm 1936 đến 1939, nhưng, xét lại, chỉ là một cuộc tranh luận vớ vẩn, mất thì giờ. [6]
Đầu tiên là bài của Thiếu Sơn, khen ngợi “Kép Tư Bền” nhưng Hải Triều – tức Nguyễn Khoa Văn, được xem là cây bút lý luận Marxist đầu tiên của đảng -- nhảy vào tấn công để rồi, ngay sau đó, kích động sự tham gia của Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều. Tất cả đều bị Hải Triều chụp cho cái mũ “Phái nghệ thuật vị nghệ thuật” mà chủ soái là Hoài Thanh, điều mà chính nhà phê bình này gay gắt phản bác, gọi là “một lời vu cáo đê hèn”. Cuộc tranh luận kéo dài hơn ba năm, thu hút sự tham gia của nhiều cây bút khác thế nhưng ngày nay, đọc lại toàn bộ, chẳng thể nào tìm ra dấu vết của một “phái” như thế và đó, thực chất, chỉ là trò giăng mồi gài bẫy của Hải Triều nhằm quảng bá cho nghị trình văn nghệ Marxist. [7]
Thủ đoạn này, trong khoa biện luận Tây phương, là Straw man fallacy, kiểu ngụy biện người rơm, gán cho đối phương những quan điểm không hề là của họ rồi ồ ạt tấn công, toàn đao to búa lớn. Nếu cuộc tranh luận bị kích động chỉ để xiển dương cho văn nghệ cách mạng xã hội chủ nghĩa thì, tự thân cuộc cách mạng ấy, với những bằng chứng hậu nghiệm, cũng chỉ một cuộc cách mạng nhảm nhí, làm mất rất nhiều thì giờ sau khi mất bao nhiêu là xương máu. Và nếu đó là chuyện đã qua thì, hiện tại, khi cuộc cách mạng ấy đã hết đát, đã hóa thân phản động, “nghị trình” của nó vẫn được tiếp tục duy trì bằng chiến thuật người rơm.
Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa bao giờ thừa nhận mình có “tư tưởng” mà cả bộ máy tuyên truyền của ông ta, cũng chính thức thừa nhận như thế qua khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác Lê-nin - Tư tưởng Mao Trạch Đông - Tác phong Hồ chủ tịch”. [8] Cái gọi là “tư tưởng” này, do đó, cũng chỉ là một thứ “người rơm” và những “Hochiminhist” nhung nhúc kia có khác nào những Tôn Ngộ Không ảo mà Tôn Ngộ Không thật phun ra, sau khi nhai nhỏ mấy chùm lông, nhằm mục đích gây nhiễu trong trận chiến chống lại nhà Trời?
Con khỉ Tôn Ngộ Không kia nổi dậy vì không được Trời coi trọng, nắm trong tay 72 phép thần thông mà bị xem thường, chỉ cho làm Bật Mã Ôn, một chưc quan hầu ngựa. Con khỉ này có phép thần thông còn chúng ta thì, như vẫn thường nghe, có “rừng vàng bể bạc”, có con người “thông minh, chăm chỉ”. Thần thông biến hóa, con khỉ phải đi hầu ngựa. Giàu có, giỏi giang, chúng ta thì đi… hầu nước ngoài và, những vùng nông thôn Việt Nam giàu có nhất, cũng chỉ là những vùng giỏi “xuất khẩu lao động” nhất. Để khẳng định mình, con khỉ ấy đã vùng lên chống lại nhà Trời nhưng còn chúng ta?
Để khẳng định mình, trong không khí nóng bỏng trước sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, ngay sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, ông Kofi Anan, nguyên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng nhân loại không chỉ nhận diện chính mình mà còn phải nhận diện thật rõ kẻ thù mình phải đối đầu. [9]
Nhìn lại mình thì chúng ta đang thua sút láng giềng và thủ phạm chính là cái cuộc cách mạng chỉ tốn máu xương và tốn thì giờ. Vậy mà, mãi đến nay, nó vẫn tiếp tục bắt đất nước phải tốn thêm thì giờ khi làm đủ trò để bảo lưu “giá trị lịch sử” của mình bằng chiến thuật người rơm cũ rích, như cái người rơm “thế lực thù địch phản động”, với những luận điệu dai như... rơm. Không nhận diện ra mình đã đành. Ngay giữa những thời điểm nóng bỏng nhất với sự đe dọa của “chủ nghĩa khủng bố” trên Biển Đông, nó còn vận dụng những thủ đoạn bỉ ổi nhất để cấm đoán nhân dân nhận diện kẻ thù. Nó, do đó, không chỉ là hiện thân của một thứ cách mạng không còn lý tưởng mà là hiện thân của sự phản động.
Và nó làm chúng ta nghĩ đến ông Clemenceau với tối hậu thư về tình cha con. Nhà lãnh đạo huyền thoại của nước Pháp này cho con trai mình tám năm để thức tỉnh, tức để hết ngu. Còn với cái bọn cách mạng hết đát này, những kẻ đang tự bịt mắt của mình và bịt cả mắt nhân dân, chẳng lẽ không có một giới hạn nào?
Tài liệu ham khảo & chú thích:
1. “Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh..”
1. “Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh..”
Trong Hán Việt Từ Điển, (1931) Đào Duy Anh giải thích trong lời nói đầu“Vì sao có sách này?”: “Bỉ nhân khi mới nghiên cứu quốc văn, đã lấy sự không có Tự điển làm điều rất khốn nạn, khổ sở...”
Đồng thời Phan Bội Châu, dưới bút danh Hãn Mạn Tử, đã viết trong “Đề Từ” : “cái khốn nạn vì không hiểu Hán văn đó, làm hại cho học giới tương lai, chẳng đau đớn lắm sao?”
Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) và Việt Nam Từ Điển của Thanh Nghị (1951) giải thích “khốn nạn” là “cùng khổ, hèn mạt”.
Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (1971) ghi nhận ‘khốn nạn” là “Vô phước, cùng khổ hết sức // Hèn hạ, đê mạt // Cực lòng, hết sức trớ trêu”.
Tôi nhớ năm lớp 11, khi học về Victor Hugo, một ông thầy dạy văn – người Huế, gốc hoàng tộc – đã mạt sát Nguyễn Văn Vĩnh thậm tệ vì đã dịch cuốn Les Misérables là Những kẻ khốn nạn, kết tội NVV miệt thị, khinh rẻ người nghèo, và gọi đó là “lập trường giai cấp”. Lúc đó tôi cùng hai bạn thân rất tức tối vì đã đọc bản dịch này từ nhỏ, cũng như đã gặp từ này trong nhiều tác phẩm thời tiền chiến và, trong những mạch văn đó, không hề có cảm nhận xấu nào. Tuy nhiên chúng tôi không thể phản đối vì đó chỉ là những suy nghĩ cảm tính, lúc đó không có đủ tài liệu trong tay.
2. “Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Và để thực hiện quốc sách này thì phải thực hiện xã hội hóa giáo dục.”
2. “Theo Luật Giáo dục 2019, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Và để thực hiện quốc sách này thì phải thực hiện xã hội hóa giáo dục.”
“Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một chủ trương lớn của đảng nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa.”
3. “My son is 22 years old. If he had not become a Communist at 22, I would have disowned him. If he is still a Communist at 30, I will do it then.”
https://time.com/archive/6713178/dont-trust-anyone-under-45/
4. Tôi đã trình bày điều này trong tiểu luận “Tiêu chuẩn – chế độ – tham nhũng”
4. Tôi đã trình bày điều này trong tiểu luận “Tiêu chuẩn – chế độ – tham nhũng”
5. Michael Bloomberg (2001), Bloomberg by Bloomberg, Wiley, New York
Trang 131 – 133
“We have no reserved parking spaces for senior executives. If you want to leave your car right by the door, just come in earlier. Creating class distinctions isn't constructive. That's why I don't believe in executive dining rooms either. The issue isn't fairness. If we constantly remind those people at the bottom that they are not at the top, do you really expect them to be "gung ho" about the company?
6. “Phó Thủ tướng chứ có phải vua đâu mà vào ngủ khách sạn cũng phải chặn một thang máy làm ‘chuyên khoang’, không dám đi chung với khách thường?”
6. “Phó Thủ tướng chứ có phải vua đâu mà vào ngủ khách sạn cũng phải chặn một thang máy làm ‘chuyên khoang’, không dám đi chung với khách thường?”
Chuyện xảy ra khi Nguyễn Sinh Hùng về quê Nghệ An ngày 27/7/2010, nhà báo Trương Duy Nhất chứng kiền kể lại trên blog của mình: [http://motgocnhinkhac.blogspot.com/2010/07/thang-may-pho-thu-tuong.html]. Hiện blog đã bị đóng cửa, tuy nhiên câu chuyện còn ghi lại ở địa chỉ: https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/32055-ghe-su-p
Nguyên Ngoại trưởng Bỉ Karel De Gucht đã bị cướp vé, hạ cấp từ ghế hạng thương gia xuống phổ thông trong chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày 13/6/2008 để lấy chỗ cho những ủy viên trung ương, phải bay đột xuất để dự tang lễ Võ Văn Kiệt.
7. Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, in trong cuốn Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 do Vương Trí Nhàn biên tập, (2003) , NXB Hội Nhà văn, trang 349 – 351 và tr. 339
8. Toàn bộ những bài tranh luận đã được Nguyễn Ngọc Thiện & Cao Kim Lan sưu tầm, ìn lại trong Tranh luận Văn Nghệ Thế Kỷ 20, tập II. NXB Lao Động, 2002,
9. Nguyễn văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr. 151
Tác giả tham dự Đại hội đảng năm 1951 tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang.; thành viên của “Tổ Nam bộ” hay “Tổ quốc tế”, gồm Hồ Viết Thắng (sau phụ trách cải cách ruộng đất , gây nhiều tội ác), Kay Xon (sau là Tổng bí thư ĐCS Lào), Ung Văn Khiêm (sau là Bộ trưởng Ngoại giao nhưng bị án xét lại), Dưong Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng. Trần Công Tường, Trần Duy Hưng (sau là chủ tịch Hà Nội) v.v. Tổ này đề nghị Hồ Chí Minh nên có “tư tưởng” riêng, không nên sao y “tư tưởng” của Mao Trạch Đông:
“Hôm đó, là tổ trưởng, tôi làm nhiệm vụ phản ảnh trực tiếp. Một mình Bác Hồ, một mình tôi. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau biết chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói một điều quan trọng như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói đi nói lại là hơn. Hồ Chí Minh nhắm hí mắt như Stalin khi gặp vấn đề khó nghĩ, và tìm chữ.
Tôi thưa tiếp:
- Có đồng chí còn nói: Hay ta viết “tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh” có phải hay hơn không!
Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ:
- Không, tôi không có tư tưởng ngoài tư tưỏng chủ nghĩa Mác – Lê nin.”
10. 'At a time like this, the world is defined not only by what it is for but by what it is against'
Gửi ý kiến của bạn