Hôm nay,  

Mối quan hệ thù địch giữa Iran và Israel: Diễn biến và giải pháp

11/10/202400:16:00(Xem: 762)
 
Capture
Iran nuôi dưỡng lòng hận thù bằng các cuộc biểu tình đốt cờ Israel tại Tehran, ảnh: Hossein Beris
 
Israel và Iran đã âm thầm chống nhau trong một thời gian dài. Nhưng nhiều diễn biến sôi động liên tục xảy ra gần đây làm cho xung đột giữa hai nước leo thang và chiến tranh có nguy cơ bùng nổ và lan rộng ra toàn khu vực.
 
Điển hình là vào tháng 4 năm nay, Iran công khai tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Đầu tháng 10, Israel đã tấn công bằng bộ binh ở miền nam Lebanon. Trước đó, trong cuộc không kích vào trụ sở dân quân Hezbollah ở Beirut, Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah và nhiều nhân vật quan trọng khác.
 
Để đáp trả, Iran đã bắn trên 200 quả rocket vào lãnh thổ Israel và hàng triệu người Israel phải tìm nơi trú ẩn. Israel tuyên bố sẽ trả đũa và đẩy lùi các tên lửa. Biện pháp này có sự hỗ trợ đắc lực của Hoa Kỳ và các nước khác.
 
Mối thù hận không đội trời chung giữa Israel và Iran đến từ đâu và còn bao lâu nữa?
 
Từ đồng minh thân thiết
 
Điều mà ngày nay không ai ngờ được Israel và Iran đã từng là đồng minh thân thiết trong quá khứ xa xăm. Vào tháng 3 năm 1950, Iran là quốc gia Hồi giáo thứ hai chính thức công nhận Israel, sau Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Dưới thời Shah Mohammad Reza Pahlavi cai trị, Israel và Iran đã hợp tác trong các dự án phát triển về cơ sở hạ tầng và chính sách nông nghiệp. Hơn thế, các chuyên gia Israel đã huấn luyện cho lực lượng an ninh và tình báo Iran. Đó là chuyện xưa. Cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ Iran - Israel.
 
Thành thế lực thù địch
 
Trước các ước vọng đang dâng cao do thành tựu cách mạng mang lại, nhà lãnh đạo tôn giáo Ruhollah Khomeini tuyên bố là từ đây Mỹ và Israel là kẻ thù không đội trời chung. Iran không còn công nhận quyền tồn tại của Israel và cuộc chiến chống Israel trở thành chủ trương chính. Biến động này trở thành một cú sốc không thể so sánh được và gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về địa chính trị khu vực.
 
Vào năm 1982, lần đầu tiên, Israel công khai xâm chiếm miền nam ở Lebanon, một quốc gia láng giềng, gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt của cộng đồng thiểu số tín đồ Shiite đang sống ở đó.
 
Để hỗ trợ cho việc đẩy lùi quân Israel, Ayatollah Khomenei ký một sắc lệnh cử Vệ binh Cách mạng Iran đến Lebanon để thành lập lực lượng dân quân Hezbollah. Do Khomenei phát động, hàng năm vào “Ngày Al-Kuds”, những người biểu tình ở Iran và trên thế giới đồng loạt yêu cầu giải phóng Jerusalem và phản đối quyền tồn tại của Israel.
 
Lòng căm thù của giới lãnh đạo Iran đối với thế giới phương Tây và Israel cũng có tiềm ẩn các tham vọng chính trị khu vực và quốc tế. Khomenei vừa ủng hộ cho Palestine và vừa chống đối Israel mà lý do chính là muốn đóng một vai trò tiên phong trong thế giới Hồi giáo để lãnh đạo phong trào quốc tế hoá Hồi giáo trên chính trường quốc tế.
 
Trong bối cảnh này, vấn đề của Iran là Palestine có thể trở thành một phương tiện hữu hiệu giúp cho Iran phô trương thanh thế không. Nếu không, Iran sẽ không có được sự hậu thuẫn của cộng đồng thiểu số tín đồ Shiite. Vì theo quan điểm chiến lược cơ bản này mà cho đến ngày nay, Iran vẫn luôn ý thức tuân thủ vai trò là “người ủng hộ cho Palestine”.
 
Qua thời gian, Iran trở thành một cường quốc quân sự mạnh mẽ trong khu vực, vì nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nước Hồi giáo khác. Do đó, Israel coi  Iran là mối nguy cơ lớn nhất đối với tình hình an ninh của Israel. Kể từ khi Iran bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân vào năm 2002, chính phủ Tel Aviv càng có lý do chính đáng đề lo ngại nhiều hơn.
 
Trước đây, hai nước đã chống nhau  trong âm thầm. Thực ra, Iran có liên quan đến các cuộc khủng bố nhằm vào các tổ chức của người Do Thái, thí dụ như trong hai vụ nổ bom tại một trung tâm cộng đồng Do Thái ở Buenos Aires vào những năm 1990 làm cho 114 người thiệt mạng. Iran cũng gián tiếp làm suy yếu hệ thống an ninh của Israel thông qua việc chỉ đạo thành lập “các lực lượng ủy nhiệm”. Theo khái niệm “Trục kháng chiến”, Iran đã cung cấp vũ khí đủ loại cho nhiều nhóm khác nhau, tổ chức Hamas, Jihad Hồi giáo ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và quân đội chính quy của Syria.
 
Mặt khác, Israel cũng luôn tìm cách chống lại các ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Iran. Thí dụ như Israel đã không kích vào các vị trí của các nhóm thân Iran ở Lebanon, Syria và Iraq. Năm 2007, không lực của Israel đã phá hủy một lò hạt nhân ở Deir Al-Saur, Syria, nơi bị nghi ngờ là có liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Iran. Cơ quan mật vụ nước ngoài Mossad của Israel cũng bị quy trách về vụ sát hại một số nhà khoa học Iran. Trong một cuộc tấn công trên mạng được cho là do Hoa Kỳ và Israel thực hiện, virus máy tính “Stuxnet” đã phá hủy các máy tinh chế uranium tại cơ sở nghiên cứu Natans của Iran.
 
Điểm đáng chú ý nhất trong thời gian xung đột Iran – Iraq là Iran đã lấy được nhiều loại vũ khí của Israel thông qua các kênh bí mật.
 
Phản ứng của dân chúng
 
Người dân hai nước đều tỏ ra nghi ngờ về mục tiêu chiến đấu của hai chính quyền. Theo một cuộc thăm dò gần đây của đại học Do Thái ở Jerusalem, 52% người dân Israel phản đối việc trả đũa sau khi bị Iran tấn công vào tháng Tư.
 
Các chuyên gia cho biết, người dân Iran cũng mang tâm trạng phản chiến tương  tự, nghĩa là, không nhiệt tình ủng hộ cho việc Iran tấn công Israel bằng tên lửa. Có suy đoán cho rằng một bộ phận nhỏ trong giới lãnh đạo bảo thủ của Iran luôn ủng hộ cho việc trừng phạt Israel, nhưng đó không phải là nguyện vọng của đa số.
 
Thực ra, người dân hai nước cảm thấy mình là nạn nhân trước tình hình thảm khốc của đất nước. Họ cũng từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền trong việc chi tiền cho mục tiêu quốc phòng mà không quan tâm đến phúc lợi của dân chúng.
 
Nhìn chung, hai chính phủ muốn cho người dân luôn ủng hộ, nhưng thực tế cho thấy là các biện pháp đề ra thường thất bại.
 
Giải pháp 
 
Tình thế đổi thay. Đâu là giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay? 
 
Sau khi thủ lãnh Hezbollah bị tiêu diệt khiến cho Iran lọt vào ngõ bí chiến lược. Tất cả các tác động qua các chủ trương của Iran là khủng bố, chiến tranh quy ước và nguyên tử không còn nguy hiểm như trước. Hệ thống ủy nhiệm giúp cho Iran chiến đấu gián tiếp với Israel nay bị phân hoá. Trong toàn khu vực, cả Hamas, Houthi lẫn Hezbollah đều không còn ưu thế tuyệt đối về quân sự để có thể đánh bại Israel. Iran phải nhận thức rằng tầm quan trọng về chiến lược khu vực của Iran trong việc kết giao với các nước không còn nữa, nghĩa là, mối thù địch không đội trời chung của Iran đối với Israel sẽ không còn ý nghĩa như Iran đã nuôi dưỡng. Để thích nghi, Iran sẽ phải thay đổi chiến lược về chiến tranh uỷ nhiệm; nếu không, thì sẽ không có hòa bình ở Trung Đông.
 
Nếu Iran tấn công toàn diện Israel hay ngược lại, sẽ là không bình thường vì hai nước sẽ vượt qua lằn ranh giới đỏ đã được áp dụng trong một thời gian dài trước đây. Vì thế, tình hình sẽ căng thẳng hơn.
 
Ý kiến chung cho là việc quay trở lại tình trạng trước khi xảy ra tất cả các cuộc tấn công vừa qua là tối cần thiết, vì đấu tranh quân sự không còn là giải pháp ưu tiên mà nỗ lực tìm ra một hòa ước giữa Israel và Palestine là quan trọng nhất.
 
Theo dự kiến cho tiến trình hòa giải, yêu cầu trước mắt là các phe tham chiến cần đạt được một thỏa thuận ngưng bắn; về lâu dài, tất cả phải quay trở lại quan điểm rõ ràng hơn để thực thi giải pháp  một nhà nước Palestine.
 
Một yếu tố khác là sự xích lại gần nhau giữa Israel và các nước Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Saudi, vốn đã bị gián đoạn bởi cuộc chiến ở Gaza. Nếu thành công, bối cảnh mới này sẽ thúc đẩy cho tình hình chung tại Trung Đông sẽ sớm ổn định.
 
Các diễn biến mới nhất
 
– Không quân Israel tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Lebanon
 
Không lực Israel cho biết đã tấn công vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Lebanon trong đêm 4/10. Một máy bay không người lái đã tấn công gần thành phố cảng Tripoli, có nhiều người chết và bị thương, nhưng vẫn chưa có con số chính xác Đây là cuộc tấn công đầu tiên  vào khu vực này kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công cách đây hơn hai tuần. Nhiều vụ tấn công khác cũng xảy diễn ở các vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut và ở Thung lũng Bekaa ở phía đông.
 
Ngược lại, lực lượng dân quân Shiite cho biết đã bắn một loạt tên lửa khác vào miền bắc Israel. Theo quân đội Israel, ngày hôm trước lực lượng dân quân đã bắn khoảng 222 quả đạn từ Lebanon vào lãnh thổ Israel. Khắp miền bắc Israel đặt trong tình trạng báo động
 
– Chính giới Mỹ bất đồng quan điểm về việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, Biden chống và Trump ủng hộ.
 
Công luận quốc tế đang cực kỳ lo lắng về việc Israel sẽ trả đũa Iran như thế nào, toàn diện hay hạn chế, và nhất là khi nào.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Israel chưa đảm bảo với chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng sẽ không có xảy ra một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Biden đã lên tiếng phản đối một cuộc tấn công như vậy vào thứ Tư.
 
Biden cũng khuyên Israel là không nên tấn công vào cơ sở hạ tầng của ngành dầu mỏ Iran. Ông tuyên bố: “Nếu tôi là bạn, tôi sẽ nghĩ đến những lựa chọn thay thế khác ngoài việc tấn công các mỏ dầu. Chúng ta sẽ thảo luận với Israel về những gì họ sẽ làm. Tất cả các nước G7 đều cho rằng Israel có quyền đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran, nhưng phải tương xứng”.
 
Ngược lại, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump phản bác lại quan điểm của Biden. Trump cho biết: "Câu trả lời của Biden lẽ ra phải là: Nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân trước và lo về những các việc còn lại sau". Trump phát biểu như vậy tại một sự kiện tranh cử ở Fayetteville, Bắc Carolina.
 
– Iran bảo vệ quan điểm về việc tấn công Israel
 
Trong bài giảng hôm thứ Sáu tại thủ đô Tehran, vị nguyên thủ quốc gia Iran Ayatollah Ali Khamenei lên tiếng bảo vệ cho các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào lãnh thổ Israel và khuyến khích các đồng minh. Ông ca ngợi: “Hành động xuất sắc của lực lượng vũ trang chúng ta (...) là một hành động hoàn toàn hợp pháp và chính đáng. Khi thực hiện nghĩa vụ của mình, chúng ta không ngần ngại hay hành động vội vàng”.
 
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tới Lebanon để xúc tiến đàm phán. Ông cho biết: “Chúng tôi không có ý định tiếp tục. Nếu Israel thực hiện thêm các hành động chống lại Iran, phản ứng của chúng tôi sẽ khắc nghiệt hơn. Phản ứng của chúng tôi sẽ phù hợp và được cân nhắc kỹ lưỡng”.
 
Giới quan sát cho rằng chuyến đi của ông tới Lebanon chủ yếu là lo về việc kế nhiệm cho thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel. Lực lượng này đã suy yếu đáng kể và cần được phục hồi khả năng tác chiến.
 
– Trả thù nhân ngày kỷ niệm vụ tấn công của Hamas
 
Theo các giới truyền thông phương Tây, hiện nay rất khó lường đoán liệu Israel có trả đũa Palestine nhân ngày kỷ niệm vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 không.
 
Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, nhóm quân khủng bố thuộc Hamas và các nhóm cực đoan khác đã giết chết hơn 1.200 người ở Israel và bắt cóc khoảng 250 người khác làm con tin ở Dải Gaza. Đây chính là nguyên nhân gây ra chiến tranh ở dải ven biển.
 
Quân đội Israel cho biết sẽ không kích vào trung tâm chỉ huy của Hamas. Trung tâm nằm trong khu vực ven biển đặt trong một trường học cũ nay đã bị phong toả. Israel cũng thực hiện các biện pháp để nhằm giảm thiểu nguy hiểm cho dân thường. Các thông tin từ hai phía về mọi diễn biến chiến sự và mức thiệt hại rất mực hạn chế và không thể kiểm chứng.
 
Đỗ Kim Thêm
  

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang. Trong nhiều tháng, tình hình chiến sự diễn ra theo chiều hướng không mấy thuận lợi cho Ukraine. Khoảng cuối tháng 11/2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng hệ thống phi đạn chiến thuật tầm xa Atacms do Hoa Kỳ cung cấp. Đây là lần đầu tiên Kyiv được phép sử dụng loại phi đạn này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Theo mục đích ban đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ, các tổng thống chỉ đóng vai trò là người thi hành pháp luật chứ không phải là hoàng đế có thể tự ý ra quyết định trong mọi việc. Nhưng theo thời gian, Quốc hội dần trao quyền lực cho nhánh hành pháp (tức là cho Tổng thống) nhiều hơn; và các tòa án, với tư cách là nhánh quyền lực thứ ba của chính phủ, cũng chấp nhận điều đó. Sự thay đổi thể hiện rõ nhất trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Về địa danh ở Việt Nam, thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe thiên hạ than phiền. Nhà báo Nguyễn Thông càm ràm: “Khi người Pháp vào xứ này, họ đem theo nền văn minh phương tây ‘khai hóa” bản địa, trong đó có văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ. Điều không thể phủ nhận là họ đã tổ chức cực tốt bộ máy hành chính, quản lý rất rành mạch, hợp lý các vùng miền, tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Việc phân chia một cách có hệ thống khoa học các đơn vị hành chính, tên gọi các cấp độ từng đơn vị là ví dụ rõ nhất.
Trung Quốc, Mexico và Việt Nam hiện dẫn đầu thâm thủng mậu dịch với Hoa Kỳ với con số ấn tượng của mỗi nước vào năm 2023 là $279, $152, và $105 tỷ USD. Mexico và Việt Nam là hai nước hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc đầu tư sản xuất hay dán nhãn rồi xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh thuế Trump 1.0.
Nếu một năm trước, ai đó nói với tôi rằng Trump sẽ thoát tất cả tội trạng kể cả đại hình, tôi sẽ cười và nghĩ “ở Mỹ, không ai đứng trên luật pháp.” Rất nhiều người tôn trọng hiến pháp Hoa Kỳ cũng có niềm tin ấy. Nhưng giờ đây, kể cả khi Jack Smith có làm “Câu Tiễn” hay muốn “lùi một bước, tiến ba bước” thì hệ thống tam quyền phân lập của nền dân chủ Hoa Kỳ đã chết dưới thời Trump 2.0.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, chính giới phương Tây và các chuyên gia an ninh tranh luận sôi nổi về vấn đề liệu Nga có đe dọa khối NATO và khởi chiến chống châu Âu không. Cho dù đến nay, một cuộc tấn công như vậy chưa xảy ra, nhưng dựa theo tinh thần hiếu chiến và khả năng tiến hành chiến tranh của Nga tại Ukraine, chính giới và công luận cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thử thách sức mạnh quân sự của phương Tây bằng cách tấn công vào một trong các quốc gia ở sườn phía đông của khối NATO. Theo các kịch bản được suy diễn thì diễn biến có thể sẽ hình thành trong 5 đến 8 năm tới.
Nếu bạn để dành một ngày nghỉ hoặc ít nhất, nửa buổi không làm gì, chỉ để suy nghĩ về bản thân. Hãy tự hỏi, sống trong xã hội, trong đất nước, trong nhân loại, bạn thuộc về thiểu số hay đa số? Quan niệm của bạn tương tựa quan niệm chung của đám đông hay bạn có quan niệm sống khác, thường xuyên không đồng điệu hoặc bất mãn với quan niệm tiêu chuẩn mà đám đông tin tưởng?
Cuộc bầu cử năm 2024 đánh dấu một thất bại nặng nề cho Đảng Dân chủ, với việc mất gần bảy triệu cử tri so với năm 2020. Ngay cả ở những thành trì mạnh như California và New York, Kamala Harris cũng mất hàng trăm nghìn cử tri ở các thành phố lớn nhất. Chiến dịch tranh cử của Harris có thể được coi là một thất bại, nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như vậy? Cuộc tranh luận về nguyên nhân hiện đang diễn ra gay gắt.
Nhà báo Thái Hạo xem chừng rất buồn lòng vì một câu nói của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (“cái nước mình nó thế”) nên lớn tiếng than phiền: “Sự trì trệ, hỏng hóc ... của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, tất thảy đều có nguyên nhân của nó. Vấn đề là phải tìm ra, chỉ ra, phân tích ra, dám nhìn thẳng vào sự thật và khuyết điểm mà sửa chữa hoặc làm lại, chứ không phải buông một câu ‘cái nước mình nó thế’ rồi xong
Chênh lệch vẫn còn khít khao, nhưng chiều hướng có lợi cho Derek Trần vì sau mỗi ngày kiểm phiếu, Derek Trần lại bỏ xa Michelle Steel thêm vài chục phiếu từ ngày 16/11/2024 đến nay. Còn lại khoảng hơn 6,000 phiếu chưa kiểm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.