Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Về chuyến đi New York của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

30/09/202421:01:00(Xem: 981)
BuiVanPhu_2024_0930_VeChuyenDiNewYork_H01_ToLam_DHColumbia_NguyenLienHang
Chủ tịch nước Tô Lâm, bên phải, và Giáo sư Nguyễn Liên Hằng tại buổi nói chuyện với sinh viên và học giả tại Đại học Columbia ngày 23/9/2024 (Ảnh chụp màn hình từ trang mạng ĐH Columbia)

 

Chuyến đi New York trong tuần qua của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm là sự kiện “đến hẹn lại lên” vì mỗi năm vào cuối tháng Chín, Liên Hiệp Quốc đều có họp Đại hội đồng và nguyên thủ, hay đại diện ngoại giao cấp cao nhất, của nhiều quốc gia đều đến tham dự để thể hiện sự quan tâm và nói lên quan điểm chính sách của quốc gia mà họ đại diện.

 

Nhiều lãnh đạo Việt Nam đã đến diễn đàn Liên Hiệp Quốc đọc diễn văn, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, năm 2009; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2013; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 và năm 2021 khi là Chủ tịch nước; Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2023.

 

Như mọi lần, khi lãnh đạo đi họp tại Liên Hiệp Quốc thì truyền thông trong nước luôn đề cao vai trò của lãnh đạo Việt Nam trên chính trường thế giới.

 

Trang mạng của đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 26/9 đưa lên nhiều hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cũng như lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Quốc vụ khanh Vatican là Hồng y Pietro Parolin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

 

Từ khi Nga khởi động cuộc chiến tranh ở Ukraine hơn hai năm trước, Việt Nam đã ủng hộ Nga hay bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết lên án Nga tại Liên Hiệp Quốc nên cuộc gặp với Tổng thống Zelensky của lãnh đạo Việt Nam được chú ý. Nhưng cũng phải chờ xem có thực Hà Nội đang ngả về phía Mỹ để không còn ủng hộ chiến tranh xâm lược của Nga nữa hay không.

 

Về các tổ chức quốc tế, ông Tô Lâm đã tiếp đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Giám đốc Điều hành UNICEF.

 

Với doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông đã gặp Chủ tịch Boeing Toàn cầu Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ của Google là Karan Bhatia.

Báo chí trong nước cũng đưa tin ông Tô Lâm đã có buổi nói chuyện tại Asia Society (Hội Á châu), có buổi gặp gỡ với một số Việt kiều đến từ bang Texas và du sinh đang học tại Mỹ.

 

Phải nhìn nhận rằng chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ đã được giới chức ngoại giao Việt Nam thu xếp để ông gặp được nhiều lãnh đạo, xem như xã giao ra mắt để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lãnh vực trong tương lai.

 

Bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc chỉ lặp lại các chính sách đối ngoại của Hà Nội, nên không được truyền thông quốc tế chú ý nhiều như các diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, là đại diện cho những quốc gia trực tiếp liên can đến các xung đột ở Trung Đông, ở Ukraine mà có nguy cơ lan rộng ra thế giới.

 

Ông Lâm mới lên làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản được vài tháng, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, nên ông muốn dịp đến Liên Hiệp Quốc là dịp để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình và nhấn mạnh đến chính sách ngoại giao du dây của Hà Nội.

 

Sau khi lên làm chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã đón Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam. Tiếp đó, ông đã có chuyến đi Bắc Kinh trên cương vị tổng bí thư và chủ tịch nước để gặp Tập Cận Bình. Vì thế, Hà Nội đã hết sức vận động để ông Tô Lâm được gặp Tổng thống Joe Biden, dù rằng ông Biden chỉ còn làm lãnh đạo Hoa Kỳ thêm bốn tháng nữa.

 

Trong khi diễn văn của ông Tô Lâm tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc không được chú ý thì cuộc gặp của ông với Tổng thống Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9 đã được truyền thông quốc tế ghi nhận. Reuters, US News and World Report, DW và Radio Free Asia đã đưa tin về cuộc gặp vì đó là biểu hiện cho thấy Hà Nội muốn cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ mà quan hệ giữa hai cường quốc này đã có nhiều căng thẳng trong gần một thập kỷ qua.

 

Để có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden, người không tái tranh cử và sẽ rời Nhà Trắng vào đầu năm tới, Hà Nội đã phải thả ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng.

 

Vào năm 2009, ông Thức bị nhà nước cáo buộc có “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 16 năm tù, trong khi ông chỉ lên tiếng một cách ôn hòa cho tự do, dân chủ trên quê hương. Ông không bao giờ nhận tội do nhà nước cáo buộc để giam tù ông. Sau khi được về đến nhà, ông Thức đã lên tiếng cho biết ông không phải được chủ tịch nước đặc xá theo luật pháp mà ông đã bị công an cưỡng bách đưa ra khỏi nhà tù ở Nghệ An, đem lên máy bay đưa về nhà ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc nửa đêm ngày 21/9, tám tháng trước khi ông mãn hạn tù.

 

Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một người hoạt động môi trường bị bắt hồi năm ngoái và bị kết án 3 năm tù về tội trốn thuế. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế về môi sinh cũng như về bảo vệ nhân quyền đều cho rằng đó chỉ là lý do bên ngoài, thực ra Hà Nội không muốn các tổ chức xã hội dân sự có những hoạt động không theo đường lối của nhà nước.

 

Chỉ sau khi ông Thức và bà Hồng được ra khỏi nhà tù và về đến nhà, trong ngày 22/9 phía Mỹ mới loan báo là sẽ có buổi gặp giữa Tổng thống Joe Biden với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 25/9 tại New York.

Tư cách lãnh đạo, qua hình ảnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại New York trong tuần qua có lẽ thể hiện rõ tại buổi nói chuyện với sinh viên và các giáo sư, học giả tại Đại học Columbia ngày 23/9 mà trên trang mạng của đại học này đã giới thiệu ông là giáo sư có bằng tiến sĩ luật.

 

Bài phát biểu của ông dài 22 phút. Sang phần đặt câu hỏi do Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng điều phối thì thấy ông Tô Lâm cầm cuốn sổ có ghi chép, lật qua lật lại nhiều chỗ như để tìm câu trả lời.

 

Một số câu hỏi của sinh viên liên quan đến chính sách phát triển được ông trả lời chung chung là sẽ tái cấu trúc kinh tế, chuyển sang kỹ thuật số, sẽ theo chân Thánh Gióng để nhảy vọt.

 

Sinh viên ở nước ngoài học xong muốn về đóng góp cho đất nước thì nhà nước có chính sách gì để khuyến khích? Ông trả lời có chính sách, nhưng không nói cụ thể ra sao. Ông cũng nói không nhất thiết phải trở về, hãy tiếp tục học cao lên nữa và ở nước ngoài mà vẫn có thế đóng góp cho đất nước từ xa, cũng như đóng góp cho quốc gia nơi sinh sống.

 

Làm sao giúp Việt Nam tiến bộ khoa học, kỹ thuật? Ông Lâm nói tiếp tục cải cách, tìm những đường tắt để giúp phát triển kinh tế. Cách mạng 4.0 sẽ giúp Việt Nam tiến nhanh.

 

Một sinh viên hỏi về quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam cần làm gì để phát triển hơn nữa. Có lẽ câu hỏi không nằm trong lãnh vực mà Chủ tịch Tô Lâm đã được tư vấn trước nên ông không trả lời câu hỏi này.

 

Giáo sư Liên Hằng đã có một câu hỏi quan trọng cho ông, khi bà nhắc đến câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về sự kiện 30/4 khiến triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn và hỏi ông sẽ làm gì để có hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước.

 

Câu trả lời của ông Lâm không nói đến điều mà giáo sư Liên Hằng đã hỏi. Ông chỉ nhắc đến chuyện hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã hòa giải trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, và rằng cuộc chiến chấm dứt đã gần 50 năm và Việt Nam đã vượt qua quá khứ để có hòa bình và ổn định là điều mà người dân Mỹ cũng như thế giới mong muốn.

 

Lãnh đạo Việt Nam nói như thế đã nhiều lần, ở nhiều nơi. Nhưng thực sự họ có thực tâm muốn hòa giải với Mỹ hay không? Chỉ thị 24 của Hà Nội cho thấy họ lo sợ người Mỹ và các thế lực bên ngoài luôn có âm mưu “diễn biến hòa bình” hay “cách mạng màu”, nổi bật là màn tấn công tuyên truyền vào hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam gần đây.

 

Còn nói chuyện hòa giải giữa người Việt với nhau, hiện thực là nhiều tù nhân lương tâm tiếp tục bị giam cầm vì lên tiếng bất đồng với những chính sách của nhà nước như Huy Đức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thúy Hạnh v.v…

 

Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt sự can dự quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam theo tinh thần Hiệp định Paris 1973, Giáo sư Nguyễn Liên Hằng là người Việt duy nhất tham dự hội thảo tại Đại học George Washington và bà đã lên tiếng về lãnh đạo Việt Nam, khi đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã quá già và bày tỏ quan ngại về việc ngày nay người Việt vẫn tiếp tục “bỏ phiếu bằng chân” rời Việt Nam ra đi.

 

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 79, ông Tô Lâm đã nói lên quan điểm của Việt Nam về các xung đột quốc tế, về căng thẳng trên Biển Đông, về các nước giàu cần giúp các nước đang phát triển như Việt Nam.

 

Có một điều mà các lãnh đạo ở Hà Nội cần nhớ là Việt Nam đã chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 1977, sau khi đất nước hòa bình thống nhất. Và từ năm 1982, Việt Nam đã ký phê chuẩn các công ước của Liên Hiệp Quốc về những quyền căn bản của con người như quyền tự do kinh tế, giáo dục, tín ngưỡng và các quyền về dân sự cũng như chính trị.

 

Đến nay nhà nước vẫn không cho người dân được thành lập các tổ chức xã hội dân sự độc lập, không cho người dân tự do biểu đạt, tự do báo chí, không cho quyền lập hội. Dân không được tự do ứng cử mà phải qua sàng lọc, hiệp thương của Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất hiện nắm quyền cai trị 100 triệu dân Việt.

 

Vì tương lai một nước Việt Nam phát triển và tiến bộ để sánh vai cùng thế giới, nhà nước hãy trả lại cho dân Việt những quyền tự do căn bản đã ghi trong Hiến pháp.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP tính theo sức mua (PPP) trên đầu người của Việt Nam hiện nay vẫn đứng ở mức 100 trong 200 quốc gia trên thế giới, GDP danh nghĩa trên đầu người còn thấp hơn nữa. Phải mất bao lâu nữa thì GDP trên đầu người của Việt Nam mới từ mức trên 4.000 đôla (năm 2023) tăng lên mức 10.000, khi mà mỗi năm chỉ tăng chừng 300 đôla?

 

Cải cách kinh tế mà không có cải cách chính trị đi theo, Việt Nam khó có những phát triển nhảy vọt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn.

 

Bùi Văn Phú

 

* Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu mũ cối là biểu tượng của thực dân Tây phương vào thế kỷ 18 thì, bây giờ, “năng lượng tích cực”, như là diễn ngôn của thực dân Đại Hán với những dấu ấn đậm nét của tân hoàng đế Tập Cận Bình, đã trở nên gắn bó với người Việt, từ diễn ngôn của thể chế cho đến giọng điệu ngôn tình của những đôi lứa bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hôn nhân.
AI là trí tuệ nhân tạo. AI là một kho kiến thức nhiều vô cùng vô tận, đã siêu xuất chứa đựng nhiều thư viện nhân loại hơn bất kỳ dữ liệu tri thức nào, và cứ mỗi ngày AI lại mang thêm nhiều công năng hữu dụng, mà một người đời thường không thể nào có nổi kho tri thức đó. Trong khi đó, Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư phi thường của dân tộc, với những tri kiến và hồn thơ (như dường) phong phú hơn bất kỳ nhà sư nào đã từng có của dân tộc Việt. Câu hỏi là, AI có thể biểu hiện như một Tuệ Sỹ hay không? Chúng ta có thể gặp lại một phong cách độc đáo của Tuệ Sỹ trong AI hay không? Thử nghiệm sau đây cho thấy AI không thể sáng tác được những câu đối cực kỳ thơ mộng như Thầy Tuệ Sỹ. Để thanh minh trước, người viết không phải là khoa học gia để có thể hiểu được vận hành của AI. Người viết bản thân cũng không phải học giả về kho tàng Kinh Phật để có thể đo lường sự uyên áo của Thầy Tuệ Sỹ.
Israel và Iran đã âm thầm chống nhau trong một thời gian dài. Nhưng nhiều diễn biến sôi động liên tục xảy ra gần đây làm cho xung đột giữa hai nước leo thang và chiến tranh có nguy cơ bùng nổ và lan rộng ra toàn khu vực. Điển hình là vào tháng 4 năm nay, Iran công khai tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Đầu tháng 10, Israel đã tấn công bằng bộ binh ở miền nam Lebanon. Trước đó, trong cuộc không kích vào trụ sở dân quân Hezbollah ở Beirut, Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah và nhiều nhân vật quan trọng khác.
Nhà báo Cù Mai Công vừa lên tiếng nhắc nhở đồng nghiệp (“Ráng Xài Tiếng Việt Cho Đúng, Xài Bậy, Dân Họ Cười Cho”) vào hôm 6 tháng 9 vừa qua. Ông dùng tựa một bản tin của báo Dân Trí (“Hai Kịch Bản Siêu Bão Yagi Tác Động Đến Đất Liền”) như một thí dụ tiêu biểu: “Trong toàn bộ các tự điển tiếng Việt xưa nay, ‘kịch bản’ nguyên nghĩa là bản viết cho một vở kịch, sau có thể mở rộng thành văn bản, bản thảo về nội dung cho một phim truyền hình, quảng cáo, phim ảnh, gameshow…
Trong nhiều ngày qua, Donald Trump và Cộng Hòa MAGA tung rất nhiều tin giả hay bóp méo và nhiều thuyết âm mưu liên quan đến cơn bão lụt Helene một cách có hệ thống. Mục đích để hạ đối thủ Kamala Harris và Đảng Dân Chủ. Theo tường thuật của CNN vào ngày 6/10, Cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hàng loạt lời dối trá và xuyên tạc về phản ứng của liên bang đối với cơn bão Helene. Theo MSNBC, “Những lời dối trá đó đã được khuếch đại bởi những người như tỷ phú Elon Musk, nhà lý luận âm mưu chuyên nghiệp Alex Jones và ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang dính nhiều bê bối cho chức thống đốc Bắc Carolina, Mark Robinson. Dân biểu Marjorie Taylor Greene, một đồng minh trung thành của Trump.” Ngay cả Hùng Cao, một nhân vật MAGA mới bước vào chính trường cũng góp phần vào việc nấu nồi canh hẹ này.
“Luật Phòng Chống tham nhũng ở Việt Nam năm 2005 nêu rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.”
Kể từ khi tổ chức khủng bố Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các vụ xung đột đẫm máu xảy tại Dải Gaza cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng gần đây, cộng đồng quốc tế còn tỏ ra lo ngại nhiều hơn khi giao tranh giữa Israel và lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon đang gia tăng. Bằng chứng là sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong vài tháng qua, người dân Mỹ, dù muốn hay không muốn, cũng đã có nhiều cơ hội để nhìn về một bức tranh mà trong đó có quá nhiều sự tương phản. Những mảnh ghép từ hai tầm nhìn, hai chiến lược, hai mục đích hoàn toàn khác biệt đã dần dần rơi xuống, để lộ ra hai con đường hoàn toàn khác biệt cho người Mỹ lựa chọn. Dù có một bức màn đã rơi xuống (như nữ hoàng Oprah Winfrey đã ví von) cho một thuyền trưởng bước ra, trao lại cho người dân sự hy vọng, lòng tin, trách nhiệm, thì sâu thẳm bên trong chúng ta vẫn muốn biết, những giá trị thực của một triều đại đã mang lại. Từ đó, niềm tin sẽ được củng cố.
Bi hài kịch “ngoại giao cây tre”, với hoạt cảnh mới nhất là “cưỡng bức đặc xá”, đã giúp chúng ta nhận ra rằng, dẫu khác nhau nước lửa, “phóng sinh” và “hiến tế” vẫn có thể hội tụ ở ý nghĩa “triều cống” khi phải chiều lòng hai cường quốc ở hai đầu mút của hai hệ tư tưởng trái ngược nhau. Để đẹp lòng bên này thì phải nhẫn tâm “hiến tế”, mà để làm hài lòng bên kia thì phải diễn tuồng “phóng sinh” để có một dáng dấp khai phóng, cởi mở. “Chiến lược ngoại giao” này, phải chăng, là một trò chơi “ăn bù thua” mà, diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học của Game Theory, là có tổng bằng không?
Trận Điện Biên Phủ kết thúc vào hôm 7 tháng 5 năm 1954. Bẩy mươi năm đã qua nhưng dư âm chiến thắng, nghe chừng, vẫn còn âm vang khắp chốn. Tại một góc phố, ở Hà Nội, có bảng tên đường Điện Biên Phủ – cùng với đôi dòng chú thích đính kèm – ghi rõ nét tự hào và hãnh diện: “Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm”.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.