Hôm nay,  

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan và vai trò của răn đe trong các kịch bản không gây chiến

20/07/202408:28:00(Xem: 894)

rudd

Dr. Kevin Rudd, Đại sứ Úc tại Liên Hiệp Quốc. Nguyên tác The United States, China and Taiwan and the Role of Deterrence in Scenarios Short of War được tác giả trình bày tại Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies, Honolulu, Hawaii ngày 6 tháng 6 năm 2024.

***

 

Làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược quân sự toàn diện nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực? Sau đây là một số suy nghĩ cá nhân về vấn đề quan trọng này, tôi trình bày với tư cách là một học giả về Trung Quốc và không phải là đại diện chính thức của chính phủ Úc.
 
Lợi ích cơ bản của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan
 
Mặc dù cả ba bên (Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan) có thể chia sẻ lợi ích chung trong việc tránh một cuộc chiến gây thảm khốc ở Đài Loan, nhưng thực tế cơ bản là mỗi bên đều bị thúc đẩy bởi những lợi ích khác nhau về cách làm thế nào để đạt được điều này trong khuôn khổ các mục tiêu quốc gia rộng lớn hơn của họ.
 
Hoa Kỳ
 
Đối với Hoa Kỳ, lợi ích quốc gia chủ yếu của nước này nằm ở việc duy trì ưu thế chiến lược toàn cầu - về phương diện quân sự, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng tìm cách duy trì điểm tựa của hệ thống chính trị, kinh tế toàn cầu và quốc tế rộng hơn. Khi tiến hành như vậy, Hoa Kỳ tìm cách đáp ứng một cách rõ ràng điều mà họ xác định là “thách thức đang tăng tốc và đối thủ cạnh tranh chiến lược có hậu quả lớn nhất”, cả trong khu vực và toàn cầu, đó là Trung Quốc.
    Hoa Kỳ cũng tìm cách để duy trì tính hiệu quả của nền trật tự dựa trên luật lệ quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo một cách rộng rãi hơn, đặc biệt là khi bị nó thách thức bởi các cuộc tấn công quan trọng vào trật tự đó như cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cũng như các mối đe dọa khác đối với hòa bình, ổn định và an ninh, như chúng ta đang thấy ở Trung Đông.
    Hơn nữa, có sự thừa nhận càng ngày càng nhiều trong khắp chính quyền Hoa Kỳ là Hoa Kỳ không còn có thể duy trì được nữa khuôn khổ toàn cầu dựa trên luật lệ mà nó chỉ lo bảo vệ lợi ích riêng, Hoa Kỳ phải tăng cường làm như vậy trong mối quan hệ đối tác với các đồng minh theo hiệp ước và các đối tác chiến lược khác trên khắp thế giới.
    Cụ thể là trong việc áp dụng đối với Đài Loan, Hoa Kỳ cam kết giữ nguyên hiện trạng. Đối với Hoa Kỳ, điều này được thể hiện trong ba thông cáo với Bắc Kinh; Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, mà nó cam đoan việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này để đảm bảo khả năng phòng thủ trong lâu dài; và cái được gọi là “sáu đảm bảo” của Hoa Kỳ khi Tổng thống Reagan tái khẳng định với Đài Bắc rằng Đạo luật này sẽ không thay đổi; vấn đề sẽ không có ngày kết thúc cho việc mua bán vũ khí này; Trung Quốc sẽ không được tham khảo ​​về việc này; Hoa Kỳ sẽ không tìm cách đóng một vai trò nào trong bất kỳ nỗ lực hòa giải nào giữa Trung Quốc và Đài Loan; sẽ không có thay đổi nào trong quan điểm của Mỹ đối với Đài Loan; và Hoa Kỳ sẽ không gây áp lực buộc Đài Loan phải tham gia đàm phán với Trung Quốc.
    Đặc biệt hơn à Hoa Kỳ không ủng hộ một nước Đài Loan độc lập, đồng thời duy trì quan điểm “mơ hồ chiến lược” về vấn đề liệu nước này có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không, nhằm khuyến khích sự kiềm chế của cả hai bên eo biển Đài Loan. Đồng thời, Hoa Kỳ công nhận rằng nếu Trung Quốc sáp nhập Đài Loan bằng quân sự thành công, điều đó sẽ có tác động ngay trước mắt, sâu xa và không có tiềm năng đảo ngược đối với mức độ tin cậy của các liên minh của Hoa Kỳ trên toàn thế giới mà họ cảm nhận được, cùng với uy tín chính trị rộng lớn hơn của Hoa Kỳ như là một tác nhân trên toàn cầu trong tương lai.
    Đây là những lý do chính giải thích tại sao đối với Hoa Kỳ, tâm lý và cơ sở vật chất của việc răn đe quân sự cũng như năng lực quân sự và công nghiệp để chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến do Trung Quốc khởi xướng trên  eo biển Đài Loan, nếu việc răn đe thất bại, với cả hai yếu tố này được củng cố bằng ý chí chính trị để làm như vậy, là nền tảng cho sự ổn định về chiến lược trong tương lai.
    Đây là những yếu tố chính của một chiến lược ngăn chặn có hiệu quả.
    Việc vận hành những điều này thể hiện thách thức hàng ngày mà giới lãnh đạo chính trị, chiến lược và quân sự của Mỹ đang đối phó. Đây là những công việc đơn độc, khó khăn và đang thách thức về mặt khái niệm. Về mặt vật chất, chúng có liên quan với tất cả các đồng minh và đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, bất kể vị trí địa lý của họ là ở đâu, đứng trước những hậu quả trong toàn cầu đang bị đe dọa; do đó, nó đòi hỏi sự tham gia chung của chúng ta.
    Cũng như chúng vẫn còn rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, vì lợi ích tập thể trong việc duy trì sự ổn định chiến lược cho toàn cầu và khu vực trong một thế giới mà từ lâu đã quên lãng việc điều hướng và sống sót sẽ như thế nào trong một cuộc chiến tranh toàn cầu thực sự xảy ra.
    Do đó, việc răn đe có hiệu quả vẫn là công việc thiết yếu đối với chúng ta trong việc duy trì nền hòa bình đầy nguy hiểm.
 
Đài Loan
 
Đối với Đài Loan, là một nền dân chủ mới và sôi động, nơi vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt chính trị, đối với Đài Bắc, đôi khi khó xác định cho chính xác về các lợi ích chính và liên tục của chính mình. Tuy nhiên, ít nhất là trong hơn thập niên qua, bất chấp mọi âm vang và phẩn nộ của nền chính trị nội địa Đài Loan, từ trong những sôi đọng chính trị, có một số nguyên tắc chung thành hình.
    Đầu tiên, hiện nay, người dân Đài Loan đã ba lần liên tiếp bầu phiếu cho một chính phủ mà họ bác bỏ vấn đề thống nhất chính trị với đại lục.
    Thứ hai, khi chúng ta nhìn vào ba chính đảng của Đài Loan, trong khi người này còn nghi kỵ người kia, không ai trong họ hiện nay ủng hộ một mô hình cụ thể nào cho việc thống nhất.
    Thứ ba, Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party, DPP) đang cầm quyền tại Đài Loan, mà trong lịch sử họ ủng hộ cho việc độc lập, hiện nay đã áp dụng chính sách cam kết duy trì nguyên trạng về quy chế chính trị của Đài Loan, tức là không còn hướng tới bất kỳ một hình thức độc lập nào về mặt pháp lý nữa, trong khi đồng thời họ bác bỏ mọi hình thức nào về việc thống nhất chính trị với đại lục, họ cho rằng, trên thực tế Đài Loan là một thực thể độc lập đã hoạt động có hiệu quả.
     Thứ tư, hiện nay, các cuộc thăm dò công luận tại Đài Loan cũng hầu hết ủng hộ việc duy trì nguyên trạng - 91% trong một cuộc thăm dò năm ngoái –  bác bỏ cả hai các quan điểm cực đoan về việc độc lập và thống nhất, mặt khác, bất kể sở thích ưu tiên nào của họ đối với việc nội chính của Đài Loan là gì và bất kỳ loại hình kinh tế, xã hội và môi trường nào mà họ có thể mong muốn ở trong nước.
    Và cuối cùng, các cuộc thăm dò dư luận của người Đài Loan, đặc biệt là kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, cho thấy cam kết của công chúng ngày càng tăng nhằm bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công, chiếm khoảng 65 đến 75% trong dân số trong những năm gần đây - cao hơn so với thăm dò về Ukraine trước khi Nga tấn công.
    Đồng thời, các cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy là hầu hết người Đài Loan vẫn còn hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có tấn công không (mặc dù ít hoài nghi hơn kể từ khi có vụ Ukraine), cũng như có quan điểm chia rẽ về việc liệu cuối cùng Hoa Kỳ có đến để quân viện cho Đài Loan không, trong trường hợp đó, chỉ có 50% tin Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự.
    Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến việc quyết định của chính quyền Đài Loan để bắt đầu cho tiến trình gia tăng ngân sách quốc phòng sau nhiều thập niên tiêu hao, hiện đại hóa khả năng quân sự và cải cách học thuyết quân sự để đối phó với khả năng hành động đơn phương của Trung Quốc, bao gồm cả việc áp dụng lại chế độ quân dịch, tăng cường phòng thủ trên mạng và khả năng phục hồi kinh tế rộng hơn, và tái thiết việc phòng thủ dân sự của Đài Loan.
    Tổng hợp lại, những điểm này cho thấy Đài Bắc đang tìm cách tránh các ranh giới đỏ của Trung Quốc đối với vị thế chính trị trong tương lai, đồng thời công nhận rằng điều này tự nó sẽ không đủ để thoả mãn yêu cầu của Bắc Kinh thấy có tiến bộ thực chất trong việc thống nhất; do đó, nhận thức muộn màng của Đài Loan về sự cần thiết phải xây dựng khả năng răn đe quốc gia của riêng mình, mặc dù không quá nhanh như Hoa Kỳ mong đợi.
 
Trung Quốc
 
Tất nhiên, Tập Cận Bình bác bỏ phương sách của Đài Loan, như đã được nêu rõ gần đây trong phản ứng chính trị và quân sự cứng rắn của ông trước buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Lai Thanh Đức vào ngày 20 tháng 5.
    Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là ngoài việc thống nhất với Đài Loan, Tập Cận Bình còn có rất nhiều các mục tiêu quốc gia quan trọng khác mà ông ta cần phải theo đuổi, mặc dù chúng ta sẽ  ngu ngốc nếu hạ thấp tầm quan trọng mà ông ấy gắn bó với dự án thống nhất.
    Các ưu tiên rộng hơn của Tập Cận Bình bao gồm:
    • Sự bền vững về mặt chính trị của chế độ của ông và việc cá nhân ông nắm giữ quyền trong khi nền kinh tế hiện nay đang trì trệ;
    • Duy trì sự thống nhất toàn quốc chống lại các thế lực ly khai rộng lớn hơn;
    • Tiếp tục phát triển kinh tế đồng thời duy trì sự kiểm soát về mặt tư tưởng và chính trị đối với khu vực tư nhân;
    • Giảm thiệt hại về môi trường, ô nhiễm và biến đổi khí hậu do tác động của chúng đối với khế ước xã hội cơ bản;
    • Mở rộng và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc để ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ trong tương lai, không phải chỉ cho Đài Loan;
    • Ứng xử đối với 14 quốc gia láng giềng của Trung Quốc để khiến họ tuân thủ về mặt chính trị và phụ thuộc về mặt kinh tế vào Bắc Kinh;
    • Mở rộng vùng ngoại vi hàng hải của Trung Quốc về phía đông để đẩy lui Mỹ trở lại chuỗi đảo thứ ba nếu có thể;
    • Mở rộng vùng ngoại vi lục địa của Trung Quốc về phía Tây để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, Trung Á và Trung Âu nơi Trung Quốc sẽ là cường quốc thống trị;
    • Tận dụng dự án Vành đai và Con đường và các sáng kiến ​​khác để củng cố sức mạnh và ảnh hưởng về thương mại, đầu tư cũng như chính sách đối ngoại của Trung Quốc trên khắp các nước thuộc miền Nam bán cầu; và
    • Với sự hỗ trợ của các nước phương Nam trong toàn cầu, cải cách các chuẩn mực, giá trị và thể chế của hệ thống quốc tế theo hướng phù hợp hơn với lợi ích và giá trị của Trung Quốc - theo cách mà Trung Quốc làm vô hiệu hóa vai trò của các cấu trúc liên minh của Hoa Kỳ trong an ninh toàn cầu, để hợp pháp hóa một hình thức mới của mô hình phát triển tư bản nhà nước và làm suy yếu ý tưởng về các quyền dân sự và chính trị như được định nghĩa trong Tuyên bố phổ quát năm 1948 để ủng hộ cho các quyền đặc thù về văn hóa mà nó không thách thức quyền lực nhà nước.
    Chiến lược về Đài Loan của Tập Cận Bình gắn liền với một số lợi ích chính này, nhưng nó không phải là tất cả. Tuy nhiên, Tập Cận Bình vẫn tương đối rõ ràng nói về ý định đối với vấn đề Đài Loan. Ông đã tuyên bố rõ ràng rằng điều mà ông mô tả là “sự trẻ trung hoá vĩ đại của Trung Quốc” không thể đạt được nếu không có việc thống nhất với Đài Loan. Ông cũng nói rằng việc trẻ trung hóa đất nước phải đạt được vào năm 2049,  có nghĩa là, ít nhất theo Tập Cận Bình, tất cả chúng ta hiện đang trên con đường lướt đi 25 năm.
    Năm 2015, ông phát động một chiến dịch cải cách và hiện đại hóa quân đội nhằm đưa Quân đội Giải phóng Nhân dân (People’s Liberation Army, PLA) vào năm 2027 trở thành lực lượng chiến đấu với đẳng cấp thế giới, có khả năng “chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến” – với một loạt các quân khu mới nhắm vào Đài Loan, năng lực cho hành quân hỗn hợp và một học thuyết về binh pháp mới được “thông tin hóa” toàn diện.
    Kể từ năm 2022, Trung Quốc cũng đã thay đổi mô hình thao diễn quân sự lâu đời để làm cho các vi phạm của Không lực Trung Quốc về đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan và vùng nhận dạng phòng không mà Đài Loan tuyên bố dành chủ quyền hiện nay trở nên thường xuyên và nhiều hơn. Cùng với hành động này Trung Quốc còn có các cuộc tập trận liên tục của hải quân quanh vùng phía bắc, phía nam, phía tây và, trong việc phát triển mới, hướng về phía đông của hòn đảo.
    Sau đó là vấn đề về các hoạt động thuộc “vùng xám” của Trung Quốc để chống lại các đảo ngoài khơi của Đài Loan, các vùng biển xung quanh và cơ sở tài sản hàng hải, nơi mà Trung Quốc đang sử dụng lực lượng cảnh hải để chống lại các tàu Đài Loan, cản trở không gian hoạt động của lực lượng cảnh hải Đài Loan và ngày càng khẳng định các yêu sách về chủ quyền của mình.
    Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ông muốn ưu tiên đảm bảo về sự thống nhất Đài Loan bằng sự kết hợp của các biện pháp chính trị ôn hòa, được củng cố bằng các phần thưởng và trừng phạt về kinh tế, cũng như một chiến dịch không ngừng của việc gây áp lực chính trị, kinh tế và ngoại giao. Nhưng nếu phương sách này thất bại, như việc này là có thể nếu dựa trên hiện tình của công luận và dư luận chính trị Đài Loan, Tập Cận Bình đã nói rõ là việc lựa chọn quân sự để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vẫn đặt ra.
    Nói một cách khác, chiến lược của Tập Cận Bình về Đài Loan tương đối rõ ràng, mặc dù ông không đưa ra một thời biểu nào chi tiết hơn.
    Đây là tất cả vấn đề mà chúng ta còn suy đoán.
    Về vấn đề này, chúng ta sẽ không khôn ngoan nếu bỏ qua vấn đề về ý thức của chính Tập Cận Bình về cái chết cá nhân và chính trị với tư cách là một người sẽ tròn 71 tuổi vào tháng này. Thực ra, không phải là không có lý khi cho rằng nếu Tập Cận Bình mong muốn noi gương Mao bằng cách đạt được tình trạng thống nhất đất nước cuối cùng trong khi ông vẫn còn đang tại chức, thì ông có nhiều khả năng tìm cách làm như vậy trong thập niên tới - tức là trước khi ông vào tuổi 80.
    Luận điệu chính trị của Tập Cận Bình hướng tới Đài Loan cũng đã thay đổi một cách tinh tế trong thập niên đầu tiên khi ông nắm quyền. Đỉnh điểm là cuộc họp năm 2015 tại Singapore giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan lúc đó là Mã Anh Cữu, khi Tập Cận Bình chỉ nhấn mạnh cái gọi là Đồng thuận năm 1992 làm cơ sở cho tiến trình thống nhất.   Hiện nay, Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan chấp nhận rõ ràng về nguyên tắc “một quốc gia Trung Quốc” của Bắc Kinh và “một nước, hai hệ thống”.
    Hơn nữa, trong khi Trung Quốc luôn chê trách về nền độc lập của Đài Loan, Tập Cận Bình đã mở rộng định nghĩa về ý nghĩa của điều đó, khi hiện nay nói rằng Trung Quốc sẽ không dung tha cho “tình trạng độc lập ngày càng tăng”.
    Đứng đầu của những thay đổi trong cách hùng biện tinh tế này, tư thế quân sự của Trung Quốc cũng đã thay đổi.
    Thực vậy, chúng ta sẽ thật ngu ngốc nếu bỏ qua tín hiệu về quân sự của Trung Quốc ngày càng rõ ràng, bao gồm cả hình thức của các cuộc thao diễn quân sự gần đây nhất là Song Kiếm (Joint Sword 2024A), sau lễ nhậm chức vào tháng 5.
    Thực ra, cuộc tập trận này được gọi là 'A' cũng cho thấy rằng Trung Quốc có ý định thực hiện nhiều hoạt động tương tự hơn trong năm sắp tới.
    Song Kiếm (Joint Sword 2024A) được phác hoạ để mô phỏng việc phong tỏa hòn đảo và theo Bắc Kinh là “để trừng phạt” người Đài Loan vì sự lựa chọn dân chủ trong các cuộc bầu cử của họ.
    Chương trình này được xây dựng dựa trên hai cuộc tập trận trước đó: Song Kiếm, cuộc tập trận diễn ra sau chuyến quá cảnh Hoa Kỳ của cựu Tổng thống Thái Anh Văn vào tháng 4 năm 2023; và các cuộc tập trận quân sự không tên diễn ra sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc đó là bà Nancy Pelosi vào tháng 8 năm 2022, đây là lần đầu tiên của Quân đội Nhân dân Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận bao vây quanh Đài Loan.
    Cả hai cuộc tập trận năm 2022 và 2023 đều mô phỏng một cuộc phong tỏa và cũng bao gồm việc bắn đạn thật được phác hoạ để mô phỏng một cuộc tấn công và xâm lược. Do đó, tích lũy năng lực quân sự của Tập Cận Bình và ý định chính trị của ông nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nếu ông nhận định là mình có thể, là tương đối rõ ràng. Nhưng cũng rõ ràng là Tập Cận Bình muốn ưu tiên đạt được mục tiêu chính trị của mình bằng các biện pháp phi quân sự.
    Điều vẫn chưa rõ ràng là tính toán rủi ro toàn diện của Tập Cận Bình được quyết định bởi những gì mà ông cảm nhận là bị tác dụng của việc răn đe, khả năng chiến đấu và ý định chính trị của Mỹ, Đài Loan và các đồng minh của Mỹ.
    Như tôi đã viết trước đây, mặc dù Tập Cận Bình có thể là một người chấp nhận rủi ro, nhưng ông là một người chấp nhận rủi ro có tính toán, không phải là chấp nhận rủi ro một cách liều lĩnh. Đó là lý do tại sao vấn đề trọng tâm cho thời đại chúng ta, nếu chúng ta phải tránh cuộc chiến xuyên eo biển Đài Loan, là phải hiểu cách mà Tập Cận Bình thực sự diễn giải về các chiến lược răn đe của Mỹ, của chính Đài Loan cũng như các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ như thế nào.
    Thứ hai, do đó, điều gì tạo nên nội dung tối ưu của điều mà Mỹ hiện nay gọi là chiến lược bao trùm để răn đe có phối hợp đối với Đài Loan?
    Và thứ ba, những cân nhắc kết hợp này diễn ra như thế nào trong tính toán tổng thể của Tập Cận Bình trong bối cảnh có nhiều lợi ích quốc gia khác mà đòi hỏi ông cũng phải điều chỉnh.
 
Định nghĩa việc răn đe tổng hợp
 
Vào tháng 4 năm nay, trong một bài giảng tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, tôi cố định nghĩa khuôn khổ rộng lớn của việc răn đe tổng hợp là gì. Trong bài giảng tại Annapolis, tôi đã liệt kê các thành phần khác nhau của một chiến lược răn đe được tổng hợp có hiệu quả. Mỗi thành phần là phức tạp theo nghĩa riêng của nó.
    Tuy nhiên, nhìn chung, chúng tạo thành một chiến lược và nó là:
    • Minh bạch trong việc thông tin với giới lãnh đạo Trung Quốc rằng cả Mỹ và Đài Loan đều không có lợi ích trong việc thay đổi hiện trạng về tư cách chính trị quốc tế của Đài Loan, từ đó tránh được những ranh giới đỏ lâu đời của Trung Quốc về tình trạng độc lập. Điều này phải đi cùng với sự thông đạt minh bạch rằng Hoa Kỳ và các đồng minh không quan tâm đến việc thay đổi hiện trạng chính trị ở ngay Trung Quốc, bất chấp hệ thống chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin của Trung Quốc, vì đây là vấn đề riêng của người dân Trung Quốc. Điều này thể hiện ranh giới đỏ rộng hơn đối với Bắc Kinh, mặc dù không liên quan trực tiếp đến Đài Loan.
    • Thứ hai, khả năng của chính quyền Đài Loan, quân đội và dân chúng để chiến đấu, làm suy yếu lực lượng Trung Quốc đang đến trong khoảng trên không và trên biển, làm chậm bước tiến của họ trên chính hòn đảo này, và lưu tâm đến các tiền lệ của Ukraine, để duy trì việc kiểm soát chính trị, tất cả nhằm mang lại một lằn ranh răn đe đầu tiên có hiệu quả;
    • Thứ ba, sức mạnh và sự chế ngự của quân đội Hoa Kỳ trên tất cả năm lĩnh vực chiến đấu để truyền tải môt thông điệp về răn đe có hiệu quả tới Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan (và để cho việc răn đe trở nên đáng tin cậy, khả năng của quân đội Hoa Kỳ chiến đấu và chiến thắng, nếu việc răn đe thất bại);
    • Thứ tư, ý chí chính trị của bất kỳ chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ nào trong tương lai trong việc sử dụng quân đội cho những mục đích này;
    • Thứ năm, vai trò đặc biệt của việc răn đe bằng hạt nhân, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc quyết định mở rộng lực lượng và có tiềm năng từ bỏ học thuyết lâu đời việc không sử dụng trước;
    • Thứ sáu, các khía cạnh tài chính, kinh tế, thương mại, đầu tư và đồng đô la Mỹ của biện pháp răn đe tổng hợp và khả năng của những khía cạnh này trong việc áp đặt cả hai chi phí thực tế và dự liệu lên hệ thống của Trung Quốc trong trường hợp có hành động quân sự đơn phương;
    • Thứ bảy, khía cạnh công nghệ đang phát triển nhanh chóng của việc răn đe, đặc biệt là về thông tin nhân tạo, và tác động của nó đối với không gian chiến đấu bằng dân sự và quân sự ngày càng kết hợp;
    • Thứ tám, các khía cạnh của chính sách đối ngoại về việc răn đe trong nhãn quan của các nơi khác trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi xét đến các tổn thất kinh tế và nhân mạng còn tiềm tàng do một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc vào Đài Loan, và tác động của nó đối với công luận quốc tế, bao gồm cả các nước thuộc Nam bán cầu;
    • Thứ chín, vai trò của các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ trong việc điều hành việc răn đe tổng hợp; và
    • Cuối cùng, và song song với phương trình răn đe trong tổng thể, là cách mà Tập Cận Bình nhìn từng yếu tố này và cách mà ông đánh giá chúng cả về tổng thể lẫn trong bối cảnh các ưu tiên quốc gia khác như thế nào. Về vấn đề này, chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc không chỉ đơn giản là tạo ra “hình ảnh phản chiếu” ĐCSTQ bằng cách chúng ta phóng chiếu một cách tự động lên giới lãnh đạo Trung Quốc những gì chúng ta cho rằng nên (và do đó sẽ) là phản ứng của Bắc Kinh đối với một loạt hành động răn đe, thay vì những phản ứng đó trong thực tế sẽ thực sự xảy ra như thế nào. Về mặt lập luận, đâ là phần khó nhất trong việc răn đe có hiệu quả, nhưng không có nghĩa là không thể đánh giá được vấn đề.
    Tại Honolulu, nơi đây là trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, tôi hy vọng sẽ xem xét đầu tiên các yếu tố trong số này - cụ thể là mức độ mà chúng ta có thể đánh giá liệu xem sự đảm bảo của Đài Loan và Mỹ đối với vị thế chính trị của Đài Loan có tác động điều tiết hoặc răn đe nào đối với tư thế của Trung Quốc về phía hòn đảo không.
    Nếu không, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược nào hiện nay, không đủ chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng thực sự để đạt được các mục tiêu chính trị trong mối quan hệ với Đài Loan? Và vai trò của sự răn đe trong việc ứng phó với một chiến lược như vậy là gì?
 
Ý nghĩa của việc “Duy trì nguyên trạng”
 
Mấu chốt đối với lằn ranh giới đỏ của Bắc Kinh về quy chế chính trị của Đài Loan là việc Trung Quốc lo sợ rằng Đài Loan sẽ trở thành một quốc gia độc lập và được cộng đồng quốc tế công nhận một cách có hiệu quả; từ đó, Đài Loan phá hủy khả năng thống nhất với Đại lục.
    Ngược lại, điều này dựa trên sự kiên quyết của Bắc Kinh là bất kỳ cuộc đối thoại chính trị nào giữa Đài Loan và Đại lục đều phải dựa trên cái gọi là “Đồng thuận năm 1992” - một thỏa thuận mơ hồ với lịch sử được kết cấu phức tạp, mà phần lớn dựa trên nguyên tắc “một Trung Quốc”. mặc dù có những cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của điều đó đối với mỗi bên.
Bởi vì Đảng Dân Tiến, không giống như Quốc Dân Đảng, vẫn còn phản đối yếu tố “một Trung Quốc” trong Đồng thuận năm 1992, nên Bắc Kinh đã từ chối mọi cuộc đối thoại chính thức với chính quyền Đài Loan kể từ năm 2016.
    Nghị quyết của Đảng Dân Tiến năm 1999 về tương lai của Đài Loan và các tuyên bố sau đó nói rằng Đài Loan vốn dĩ đã là độc lập rồi và do đó họ không cần phải chính thức tuyên bố điều đó.
    Tổng thống Thái Anh Văn đã đưa khái niệm này đi xa hơn – bằng cách tiếp tục bác bỏ sự đồng thuận năm 1992, trong khi hiện nay coi khái niệm hoá về quan điểm của Đảng Dân Tiến về tình trạng của Đài Loan như là cam kết về việc “duy trì nguyên trạng”.
    Quan điểm này đã được Tổng thống  Lai Thanh Đức ủng hộ trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/5. Đối với chúng ta, nhưng ngưởi đang tìm kiếm sự ổn định trên eo biển Đài Loan, điều đó rất đáng hoan nghênh. Nó vẫn nằm trong lằn ranh giới đỏ chính thức của Trung Quốc.
    Nhưng ở một mức độ khác, Bắc Kinh đã nói rõ với những người đối thoại nước ngoài rằng việc tránh một hành động chính thức về việc độc lập là chưa đủ.
    Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều cần thiết là tiến bộ cho việc thống nhất thông qua đàm phán dựa trên việc Tập Cận Bình tái xác định điều kiện tiên quyết của Đồng thuận năm 1992 để các cuộc đàm phán như vậy diễn ra.
    Hoặc như khi các đại diện khác của chính phủ Trung Quốc đã nói rõ, việc duy trì hiện trạng nghe có vẻ có thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ, nhưng lại không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc nhận thấy quyền tự trị đang diễn ra và ngày càng tăng lên của Đài Loan là không thể chấp nhận được.
    Nói một cách khác, Bắc Kinh không cảm thấy nhẹ nhõm khi Đảng Dân Tiến cách đây không lâu đã né tránh về việc tuyên bố chính thức về tình trạng độc lập. Bắc Kinh đang phát ra một tín hiệu lớn tiếng và rõ ràng rằng mục tiêu chính trị của họ vẫn là buộc Đài Loan phải đàm phán về một mô hình ưu tiên “một nước - hai hệ thống” mà họ đã sử dụng cho Hồng Kông.
    Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế  hiểu rằng trong khi Tổng thống Lai Thành Đức đã đưa ra những lời nói kỳ bí về “duy trì nguyên trạng” và cũng đề cập đến “Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc” là khung pháp lý nền tảng cho nhiệm kỳ tổng thống của ông (tự nó và từ quan điểm chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh cũng quan trọng), nhưng chỉ những điều này làm cho Trung Quốc không hài lòng.
    Thật vậy, do sự bế tắc đối với Đồng thuận năm 1992 còn tiếp diễn, Bắc Kinh sẽ kết luận rằng việc tự nhận thức của người Đài Loan về quy chế tự trị cũng như nhận thức của quốc tế về điều này sẽ trở nên kiên định không thay đổi.
    Nếu đúng như vậy, thì hiện nay niềm hy vọng chính của Bắc Kinh, Quốc Dân Đảng đã thất cử nữa, và theo quan điểm của Trung Quốc, khi không còn thời gian, chúng ta bắt đầu thấy một sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc đối với cái mà họ định nghĩa là “vấn đề Đài Loan”.
    Điều đó không nhất thiết có nghĩa là phải chuẩn bị cho một cuộc xâm lược sắp xảy ra, vì những rủi ro đặc biệt mà hành động đó sẽ gây ra, mặc dù những tình huống bất ngờ loại này không bao giờ có thể bị loại trừ. Thay vào đó, nó có thể giải thích được việc ngày càng đề cập đến chiến lược “vùng xám” đa chiều trong hơn 18 tháng qua, hay nhiều hơn nửa, nó nhằm mục đích áp dụngcác hình thức mới của việc áp lực công luận Đài Loan và quốc tế để buộc Đài Bắc ngồi vào bàn đàm phán.
 
Trung Quốc đang thay đổi chiến lược về Đài Loan
 
Vì những lý do này, chúng ta không nên cho rằng bằng cách nào đó Trung Quốc đang có một chiến lược tĩnh lặng đối với Đài Loan. Thực vậy, bằng chứng cho thấy rằng trong khi mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bền bỉ, phương cách chiến thuật của họ ngày càng năng động.
    Và điều này phần nào giải thích gần đây có sự gia tăng nhanh chóng về áp lực đa chiều trong vùng xám đang được áp dụng cho Đài Loan. Đây dường như cũng là đánh giá của Tổng thống Lai Thành Đức, người đã tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức rằng “Các hành động quân sự và sự ép buộc vùng xám của Trung Quốc được coi là những thách thức chiến lược lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trong toàn cầu”.
    Điều quan trọng là không có gì ngăn cản “chiến lược vùng xám” đa chiều đang tăng tốc trở thành một cuộc phong tỏa rộng hơn hoặc thậm chí là xâm lược quân sự nếu các biện pháp về vùng xám không đạt được tình trạng chính trị cuối cùng như họ mong muốn ở ngay Đài Loan.
    Trong một bài viết quan trọng của hai nhà phân tích hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc-Đài Loan, Jude Blanchette và Bonnie Glaser, “vùng xám” được định nghĩa như là “đấu trường còn tranh chấp nằm giữa nghệ thuật lãnh đạo thông thường và binh pháp công khai”, mà trong đó một tác nhân thăm dò để giành lợi thế và đạt được mà không “vượt qua ngưỡng để dẫn đến cuộc chiến mở rộng”.
    Blanchette và Glaser tiếp tục lập luận rằng, “cách đơn giản nhất để khái niệm hóa vấn đề là một chiến lược chính trị nhằm tìm kiếm thắng lợi kinh tế, quân sự, ngoại giao hoặc chính trị mà không gây ra phản ứng trực tiếp và tốn kém cho đối phương”.
    Ngoài ra còn có các thuật ngữ nghệ thuật khác liên quan trong lĩnh vực này, chẳng hạn như các biện pháp “không gây chiến tranh” được sử dụng gần đây trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về Trung Quốc và Đài Loan của một nhóm do Dan Blumenthal dẫn đầu từ American Enterprise Institute and the Institute of War Studies.
    Cả ba tác giả đều chỉ ra sự kết hợp mới nổi lên của các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế và trên không gian mạng với mục tiêu là đạt được sự thay đổi về tâm lý, thái độ và sau đó là hành vi về phía công luận và chính trị người Đài Loan.
    Theo các tác giả, những điều này bao gồm việc tăng cường vào các cuộc tấn công chính trị của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa tính cách chính thống của các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan mà họ phản đối việc thống nhất.
    Chúng bao gồm việc tăng cường lực lượng hải quân, không quân, cảnh hải và các hoạt động xâm nhập khác qua đường trung tuyến, vùng tiếp giáp 24 hải lý của Đài Loan cũng như trong và xung quanh các đảo ngoài khơi của Đài Loan để chứng minh rằng chính quyền Đài Loan, trong nhãn quan của người dân Đài Loan, càng ngày họ càng bất lực để giải quyết việc yêu sách đòi chủ quyền của Đài Loan.
    Trung Quốc hỗ trợ cho các biện pháp trừng phạt kinh tế (không đến mức là phong tỏa) nhằm vào việc cản trở hoạt động thương mại, đầu tư và thu nhập quốc dân khác của Đài Loan, tất cả lĩnh vực ảnh hưởng mạnh đến chi phí sinh hoạt, mục đích nhằm chứng minh cho nhiều cử tri Đài Loan không quan tâm chính trị biết về khả năng bị tổn thương của họ trước các biện pháp cưỡng chế theo kiểu này.
    Trong nhiệm kỳ gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn đã chỉ ra việc gia tăng các cuộc xâm nhập trên không gian mạng vào cơ sở hạ tầng kinh tế và truyền thông của Đài Loan, một lần nữa với ý định chứng minh cho người dân Đài Loan thấy là khả năng dễ bị tổn thương nghiêm trọng của họ trước sự sụp đổ của hệ thống trước một cuộc tấn công tổng hợp trên mạng.
    Về mặt ngoại giao, phương sách hiện tại và thành công của Trung Quốc của việc tiết giảm nhanh số lượng các nhà đối tác về ngoại giao của Đài Loan trên khắp thế giới (từ 21 xuống còn 12 trong 8 năm) sẽ tiếp tục.
    Cũng như sự cảnh giác của Bắc Kinh trong việc tìm cách thu hẹp phạm vi hoạt động trong không gian quốc tế của Đài Loan, bao gồm cả việc nước này tham gia vào các diễn đàn đa phương như Đại Hội Y tế Thế giới.
    Một ví dụ nữa về chiến lược cô lập chính trị và ngoại giao này là những nỗ lực của Trung Quốc kể từ Sách Trắng của Đài Loan năm 2022 nhằm ngày càng kết hợp nguyên tắc một Trung Quốc với Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1971. Đây là nghị quyết mà nó chuyển việc Trung Quốc gia nhập tại Liên Hiệp Quốc thay cho những gì Liên Hợp Quốc khi đó mô tả là 'các đại diện của Tưởng Giới Thạch' - mặc dù nghị quyết không đề cập rõ đến quy chế của Đài Loan, hay thực sự là Cộng hoà Trung Hoa ở Đài Loan.
    Do đó, Trung Quốc đang tìm cách sử dụng Nghị quyết 2758 để giải quyết cho chính mình và mãi mãi cho quy chế pháp lý quốc tế của Đài Loan là “một phần của Trung Quốc”, phù hợp với cách giải thích của Bắc Kinh về “nguyên tắc một Trung Quốc”.
    Với khu vực bầu cử chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên khắp Nam bán cầu, Liên Hiệp Quốc đang mang lại một diễn đàn hữu ích để Bắc Kinh thúc đẩy lập luận này một cách rộng rãi hơn trên cộng đồng quốc tế.
    Thật vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa đề cập đến điều này trong bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri La ở Singapore vào tuần trước. Điều này đang tạo ra động lực mới trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế khả năng của Đài Loan trong việc tham gia vào các định chế đa phương khác, cũng như khả năng mở rộng các cam kết song phương với các quốc gia khác.
    Mục đích rộng hơn của Trung Quốc dường như là thúc đẩy một yêu sách rộng hơn trong luật quốc tế vì Đài Loan là một phần của Trung Quốc; do đó, Bắc Kinh có thể sử dụng bất kỳ biện pháp nào trong tương lai để đáp ứng những gì mà họ có thể định nghĩa là các hoạt động ly khai hoặc nổi dậy.
    Ngoài những thách thức ngày càng tăng đối với quy chế chính trị của Đài Loan, Blanchette và Glaser còn chỉ ra các chiến dịch thông tin sai lệch và binh pháp tâm lý có chủ đích nhằm vào mối quan hệ Mỹ - Đài Loan nói riêng. Họ đề cập đến những điều sau đây làm ví dụ:
    “Người phát ngôn Trung Quốc Chu Phương Liên tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị “bỏ rơi” Đài Loan sau khi biến nơi này thành “bãi mìn” và “kho đạn”. Vẫn còn chuyện khác cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách khiêu chiến ở eo biển Đài Loan nhằm bảo vệ ảnh hưởng khu vực trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, và rằng Đài Loan nên cảnh giác trước việc trở thành bia đỡ đạn của Mỹ….
    Chiến dịch nhắn tin này đang tạo điều kiện cho sự lan truyền “chủ thuyết hoài nghi của Mỹ” và kèm theo là sự suy giảm trong niềm tin cho rằng Hoa Kỳ sẽ đến bảo vệ Đài Loan, như được đo lường trong một số cuộc thăm dò gần đây ở Đài Loan”.
    Đối với chúng ta là những người đã theo đuổi chiến lược “không gây chiến” hoặc “vùng xám” của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong phương sách có một số điểm tương đồng.
    Nhật Bản đã chứng kiến ​​điều này qua cường độ các cuộc không kích của Không lực Trung Quốc xung quanh vùng Senkaku (Điếu Ngư). Chúng ta cũng đã chứng kiến việc Trung Quốc khẳng định các hành động cưỡng chế không gây sát thương liên quan đến Bãi cạn Thomas Shoal và Philippines. Tuy nhiên, với Đài Loan, dường như có cường độ ngày càng gia tăng đối với toàn bộ các hoạt động thuộc “vùng xám”.
 
Vai trò của việc răn đe
 
Vấn đề đặt ra cho cộng đồng quốc tế là làm thế nào để ứng phó với sự thay đổi đang diễn ra nhanh chóng trong chiến lược về Đài Loan của Trung Quốc. Các biện pháp về “vùng xám” của Trung Quốc có thể sẽ được tăng cường vượt xa những biện pháp mà chúng ta đã chứng kiến cho đến nay, do việc tái đắc cử gần đây của Đảng Dân Tiến.
    Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc bằng cách nào đó đã đình chỉ các nỗ lực trong việc xây dựng năng lực quân sự cần thiết để chiếm Đài Loan trong tương lai bằng cách sử dụng lực lượng quân sự áp đảo nếu họ muốn như vậy. Những nỗ lực đó vẫn tiếp tục.
    Nhưng không có sự tương thích nào giữa hai phương sách này theo quan điểm của Trung Quốc. Chiến lược chính trị của Trung Quốc nhằm thống nhất với Đài Loan luôn có yếu tố quân sự.
    Thật vậy, hai phương sách này hoàn toàn tương thích nếu tác động tích lũy của một chiến dịch vùng xám đa chiều, bền vững chống lại Đài Loan là làm giảm khả năng răn đe và chiến đấu của Đài Bắc, cũng như khả năng phục hồi chính trị, xã hội và kinh tế của nước này, mà nó cũng là một phần chủ yếu của phương trình ngăn chặn trong tổng thể.
    Xét về mặt một chiến lược răn đe tổng hợp rộng hơn về phía Hoa Kỳ và các đồng minh, mục tiêu chung của chúng ta là duy trì nguyên trạng qua eo biển Đài Loan như một phần trong mục tiêu rộng lớn hơn của việc duy trì về tình trạng ổn định lâu dài về mặt chiến lược ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 
    Ngăn chặn Trung Quốc trong việc tiến hành hành động quân sự chống lại Đài Loan là nền tảng của chiến lược này.
    Do đó, vấn đề đặt ra cho tất cả chúng ta là tìm ở đâu, trong khuôn khổ răn đe tổng hợp rộng lớn hơn này, danh sách các biện pháp chiến lược mới nổi của Trung Quốc vẫn là “không gây chiến” và “không xâm lược” nhưng mà nó có chung mục tiêu chính trị là buộc Đài Bắc phải đầu hàng?
    Báo cáo của AEI/IWS vào tháng 4 năm 2024 đưa ra một nghiên cứu chi tiết về hình dạng mới nổi của cái mà báo cáo này mô tả là “đường lối hành động” khả thi của Trung Quốc trong 4 năm tới, dẫn đến cuộc bầu cử ở Đài Loan vào năm 2028 như là điểm biến động chính trị lớn tiếp theo.
    Nghiên cứu này cũng chỉ ra một loạt khuyến nghị về mặt chính sách cho Hoa Kỳ, Đài Loan và các nước khác để ứng phó với chiến lược như vậy, cũng như cách nào ngăn chặn việc đẩy mạnh chiến lược này, bằng cách một mặt chỉ ra mối liên kết rõ ràng giữa các hành động vùng xám có thể xác định được và mặt khác là một loạt các phản ứng chính sách có điều chỉnh. Thay vì không có phản ứng nào có lẽ đó là điều kỳ vọng hiện nay của Bắc Kinh.
    Đây là những vấn đề mà các chính phủ trong toàn khu vực và thế giới sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn. Tất nhiên, nếu trong tương lai, cơ chế chính trị Đài Loan chọn cách tự nguyện tham gia vào một vòng đàm phán mới với Bắc Kinh nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai bờ eo biển, các hình thức hợp tác kinh tế mới và phương sách mới đối với mối quan hệ chính trị giữa hai bên, thì điều đó hoàn toàn là vấn đề của người dân Đài Loan.
    Thực ra, tất cả lợi ích của chúng ta sẽ được đáp ứng bằng cách phá vỡ sự bế tắc của Đồng thuận năm 1992 để cuộc đối thoại có hiệu quả có thể được bắt đầu lại sau gần một thập niên im lặng. Sự im lặng làm tăng thêm căng thẳng; nói chuyện có thể làm giảm nó.
    Nhưng có sự khác biệt giữa phương cách đàm phán tự nguyện, đồng thuận  với phương cách cưỡng chế.
    Và từ quan điểm riêng của Bắc Kinh, cũng có bài học bổ ích rằng sự ép buộc hiếm khi được vận hành trong quan hệ quốc tế. Thật vậy, việc này có thể tạo ra phản ứng trái ngược và đồng đẳng với những gì được mong đợi, khi dân chúng địa phương tập hợp xung quanh lá cờ và thậm chí nỗ lực còn mạnh hơn nữa.
 
Kết luận
 
Chúng ta đang sống trong thập niên nguy hiểm.
    Đối với Bắc Kinh, sự đảm bảo về chiến lược rằng Đài Bắc và các đối tác quốc tế sẽ duy trì hiện trạng liên quan đến quy chế chính trị trong tương lai của Đài Loan là thiết yếu cho sự ổn định chiến lược. Nhưng với sự thất vọng rõ ràng của Tập Cận Bình đối với quyền tự trị đang diễn tiến của Đài Loan, chỉ sự trấn an này, dù nó cần thiết, là không đủ để duy trì sự ổn định.
    Việc này cần phải là một phần của phương trình rộng hơn của việc răn đe tổng hợp, nó sẽ hướng dẫn mọi nỗ lực của chúng ta trong thập niên sắp tới nếu chúng ta muốn gìn giữ hòa bình thành công.

 

Kevin Rudd

Đỗ Kim Thêm dịch

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.