Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023.
Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Hầu hết người dân Hoa Kỳ phản đối việc loại bỏ sách ra khỏi các thư viện. Đó là lý do tại sao gần đây Illinois đã ban hành luật không cho phép cấm sách: Nếu bất kỳ thư viện công cộng nào trong tiểu bang cấm tài liệu vì sự phản đối “mang tính đảng phái hoặc chủ nghĩa,” thì thư viện đó sẽ không được nhận hỗ trợ từ các nguồn quỹ tiểu bang.
Các lệnh cấm sách – và việc cấm các lệnh cấm sách – cuối cùng đều đưa nhau ra tòa. Thí dụ: trong một vụ kiện ở Florida, một nhóm ủng hộ Tu Chính Án Số 1 gồm một nhà xuất bản, các vị phụ huynh và tác giả có sách bị cấm, đã đệ đơn kiện Học Khu Quận Escambia vì đã loại bỏ 10 cuốn sách và hạn chế 100 cuốn khác trong thư viện trường học. Họ cáo buộc các viên chức nhà trường đã vi phạm quyền của học sinh trong Tu Chính Án Số 1 khi xóa sổ những cuốn sách nói về chủng tộc, phân biệt chủng tộc và người LGBTQ+. Vụ kiện vẫn đang diễn ra.
Một hoặc một loạt các vụ kiện kiểu này có thể sẽ ‘nối chân nhau’ lên tới Tối Cao Pháp Viện (TCPV) – nhưng cho đến lúc đó, các tòa án cấp dưới sẽ xem xét án lệ hiện có – một phán quyết được đưa ra từ năm 1982. Trong phán quyết đó, tòa án tuyên bố rằng viên chức trường học có phần lớn quyền quyết định liên quan đến nội dung trong thư viện của họ, nhưng “quyền quyết định này không được thực hiện theo cách thức mang tính đảng phái hoặc chính trị.”
Suzanne Eckes, Giáo sư về Education Law, Policy and Practice của University of Wisconsin-Madison, đưa ra phân tích về vụ kiện năm 1982, Board of Education, Island Trees Union Free School District v. Pico, để cung cấp một số thông tin hữu ích có thể giúp bổ sung bối cảnh cụ thể cho các vụ kiện cấm sách này.
Vụ kiện năm 1982 đặc biệt tập trung vào thư viện trường học chứ không đả động đến chương trình giảng dạy trong lớp học. Một Hội Đồng Học Khu ở Long Island, New York, muốn loại bỏ một số sách ra khỏi các thư viện cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vì tin rằng những cuốn sách này có nội dung “toàn những thứ bẩn thỉu và chống Mỹ, chống Ki-tô giáo, chống Do Thái.”
Một học sinh, đại diện cho bốn học sinh khác trong khu học chánh, đã đệ đơn kiện lên U.S. District Court với tuyên bố rằng việc loại bỏ những cuốn sách ra khỏi thư viện đã vi phạm quyền tự do được tiếp cận các ý tưởng và thông tin của học sinh trong Tu Chính Án Số 1.
Hội đồng học khu đã thắng kiện tại U.S. District Court vì thẩm phán nhận thấy rằng Hội đồng nên có quyền quyết định trong những vấn đề đó. Nhưng đến khi kháng cáo, tòa phúc thẩm đã bác bỏ phán quyết đó, cho rằng thực tế thì một phần lý do của Hội đồng học khu là dựa vào những đánh giá bên ngoài về sách mà lo ngại về việc kiểm duyệt (censorship).
Phán quyết bị chia rẽ ý kiến
Khi vụ kiện được đưa lên tới TCPV vào năm 1982, các thẩm phán đã thống nhất phân tích xem liệu quyết định của Hội đồng học khu về việc cấm một số cuốn sách trong thư viện, dựa trên nội dung của sách, có vi phạm quyền của học sinh hay không.
Phán quyết của TCPV bị chia rẽ ý kiến – 5 thẩm phán khẳng định quyết định của tòa phúc thẩm có lợi cho học sinh.
Thẩm phán William Brennan Jr. viết rằng Tu Chính Án Số 1 hạn chế quyền của các viên chức trường học trong việc loại sách khỏi thư viện trường học, vì quyền đó vi phạm quyền được tiếp nhận ý tưởng và thông tin của học sinh. Thẩm phán Thurgood Marshall và John Paul Stevens đã ký vào ý kiến này.
Hai vị thẩm phán đồng tình, nhưng chỉ một người đồng ý với kết luận chung rằng Hội đồng học khu đã vi phạm quyền của học sinh một cách vi hiến. Thẩm phán Harry Blackmun cho biết chính phủ – Hội đồng học khu – không thể cấm học sinh tiếp cận các ý tưởng khác nhau dựa vào lý do chính trị. Thẩm phán Byron White đồng ý với kết luận này nhưng không bày tỏ quan điểm về vấn đề Tu Chính Án Số 1.
Có 4 thẩm phán bất đồng quan điểm. Chánh án Warren Burger đã viết bản bất đồng chánh kiến, có sự tham gia của các Thẩm phán Lewis Powell, William Rehnquist và Sandra Day O'Connor. Ý kiến của họ tập trung vào vấn đề tiếp cận sách nhiều hơn là vào các vấn đề về Tu Chính Án Số 1 mà vụ kiện nêu ra.
Tình thế hiện nay
Mặc dù không có ý kiến đa số rõ ràng, vụ kiện cho thấy Hội đồng học khu có quyền quyết định đối với những cuốn sách trong thư viện, nhưng không có thẩm quyền vô hạn trong việc loại bỏ sách khỏi thư viện.
Các thẩm phán thống nhất rằng thư viện trường học là nơi phổ biến những thông tin quan trọng đến người học – và là nơi duy nhất để học sinh tham gia tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sở thích và niềm đam mê của mình. Do đó, TCPV phán quyết, các viên chức nhà trường chỉ có thể loại bỏ sách vì lý do hợp lý liên quan đến giáo dục hoặc các mục đích hợp pháp – chẳng hạn như lan tỏa nội dung thô tục hoặc không phù hợp về mặt giáo dục.
Kết quả là, thẩm quyền của viên chức nhà trường có thể bị giới hạn trong việc hạn chế tính khả dụng của những cuốn sách nếu chỉ với lý do họ hoặc các viên chức khác không đồng ý với nội dung của sách.
Tất nhiên, nếu bất kỳ vụ án nào hiện tại được đưa lên TCPV, các vị thẩm phán đương chức hiện nay có thể sẽ đưa ra phán quyết hoàn toàn khác. Nhưng trong thời gian chờ đợi, thì các tòa án cấp dưới xét xử các vụ cấm sách dựa theo những tiền lệ có sẵn cho tới nay.
Nguồn: “Where the Supreme Court stands on banning books” của Suzanne Eckes, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn