Hôm nay,  

Cuộc Chiến Ở Ukraine Đã Vĩnh Viễn Thay Đổi Châu Âu

03/03/202300:00:00(Xem: 3230)
Photo-by-Marjan-Blan-on-Unsplash

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không có sự kiện nào biến đổi Châu Âu sâu sắc hơn cuộc chiến Ukraine, và lục địa này giờ đây cũng không còn đường lui. (Hình của  Marjan Blan từ  Unsplash).


HELSINKI – Ngày 24 tháng 2 năm 2022, nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến tàn khốc ở Châu Âu, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto từng tuyên bố: “Giờ đây khi những chiếc mặt nạ đã tháo xuống, sẽ chỉ còn lại bộ mặt lạnh lùng của chiến tranh.”
 
Nguyên thủ quốc gia Phần Lan, tại vị hơn một thập niên, đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir V. Putin nhiều lần theo chính sách của Phần Lan trong việc tiếp cận với Nga, quốc gia có chung đường biên giới dài gần 835 dặm. Tuy nhiên, chính sách đó, cùng với ảo tưởng của Châu Âu về việc ‘làm ăn bình thường’ với ông Putin, đột nhiên tan thành mây khói.
 
Những ảo tưởng đó vốn đã ăn sâu vào gốc rễ của Liên Minh Châu Âu với 27 quốc gia được xây dựng trong nhiều thập niên với ý tưởng cốt lõi là mở rộng hòa bình trên khắp lục địa. Quan điểm cho rằng trao đổi kinh tế, thương mại và sự phụ thuộc lẫn nhau là những đảm bảo tốt nhất để chống nổ ra chiến tranh đã ăn sâu vào tâm lý người Châu Âu thời hậu chiến, ngay cả khi họ phải đối phó với một Moscow ngày càng thù địch.
 
Vì sao nước Nga của ông Putin ngày càng hung hăng, mang tính đế quốc, ôm hận thù và tàn bạo, cũng như không đoái hoài đến chính trị hòa bình ở Châu Âu? Đây là câu hỏi mà chẳng ai hiểu nổi và cũng là điều không ai ngờ tới, dù là ở Paris hay Berlin, ngay cả sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014.
 
Tại Hội nghị An ninh Munich trong tháng này, ông Niinisto cho biết: “Nhiều người chúng ta đã bắt đầu coi hòa bình là điều hiển nhiên,” sau khi vị lãnh đạo Phần Lan này bất ngờ thúc đẩy yêu cầu gia nhập NATO, một ý tưởng mà chỉ mới trong năm 2021 họ chưa từng nghĩ tới. Ông nói thêm: “Nhiều người trong chúng ta đã buông lơi cảnh giác.”
 
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Châu Âu biến đổi sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989. Tâm lý hòa bình, đặc biệt là ở Đức, đã nhường chỗ cho nhận thức rõ ràng rằng sức mạnh quân sự là cần thiết để theo đuổi các mục tiêu chiến lược và an ninh. Một lục địa ngủ quên trong chế độ lái tự động, chợt bừng tỉnh giấc và bị thôi thúc trước nỗ lực cứu vãn nền tự do ở Ukraine.
 
Rem Korteweg, một chuyên gia quốc phòng Hà Lan, cho biết: “Các chính trị gia Châu Âu chưa quen nghĩ về quyền lực cứng rắn như một công cụ trong chính sách đối ngoại hoặc các vấn đề địa lý chính trị. Ừ thì, họ đã có một khóa học cấp tốc.”
 
Đã qua rồi những cuộc thảo luận về kích thước của quả cà chua hoặc hình dạng của quả chuối như thế nào thì được chấp nhận ở Châu Âu; thay vào đó là những tranh luận gay gắt về loại xe tăng nào, và thậm chí là máy bay chiến đấu F-16, sẽ được cung cấp cho Kiyv. Liên Minh Châu Âu đã ‘rót’ khoảng 3.8 tỷ đô la hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
 
Nhìn chung, các quốc gia Châu Âu, với tư cách là một phần của liên minh hoặc với tư cách cá nhân, đã cam kết viện trợ hơn 50 tỷ đô la dưới nhiều hình thức khác nhau cho Kiyv, áp đặt 10 vòng trừng phạt lên Nga, tiếp nhận hơn 8 triệu dân tị nạn Ukraine (gần bằng dân số của nước Áo), và phần lớn đã từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga dù họ đang phải chịu trận trước áp lực lạm phát nghiêm trọng.
 
“Zeitenwende,” hay bước ngoặt lịch sử, là thuật ngữ mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sử dụng cách đây gần một năm trong bài phát biểu công bố khoản đầu tư 112 tỷ đô la vào lực lượng vũ trang Đức. Châu Âu bây giờ là một lục địa có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, đây không còn là viễn cảnh khoa học viễn tưởng.
 
Thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh đã nhường chỗ cho một khoảng tạm nghỉ không mấy êm đềm, các cường quốc ngày càng so kè, cạnh tranh với nhau. Đó là Thời Đại Tái Lập Trật Tự, và Châu Âu buộc phải điều chỉnh cho phù hợp.
 
François Delattre, đại sứ Pháp tại Đức cho biết: “Chiến tranh đã đưa người Châu Âu trở lại với những điều cơ bản, với những câu hỏi về chiến tranh và hòa bình cũng như các giá trị của chúng ta. Chúng ta là ai với tư cách là dân Châu Âu?”
 
Qua lời của ông Putin, người châu Âu là một phần của phương Tây suy đồi, không còn xương sống. Ông ấy đã sai, một trong số những sai lầm đã dẫn đến cuộc chiến mà Nga tự tin là sẽ ‘làm cỏ’ Ukraine trong vài ngày.
 
Tuy nhiên, nếu Châu Âu giữ vững lập trường, thì họ sẽ lộ ra sự phụ thuộc sâu sắc vào Hoa Kỳ – gần 78 năm sau khi Thế Chiến II kết thúc. Hoa Kỳ đã trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị quân sự trị giá khoảng 30 tỷ đô la kể từ khi chiến tranh nổ ra, vượt xa sự đóng góp vũ khí của Châu Âu.
 
Đa số người dân Châu Âu nghĩ rằng nếu không có Hoa Kỳ, Ukraine có thể sẽ ‘chẳng còn gì’ để chống lại Nga.
 
Vì vậy, chiến tranh còn kéo dài sẽ kéo theo nhiều bế tắc, Liên Minh Châu Âu sẽ vật lộn với việc làm thế nào để củng cố quân đội của mình; làm thế nào để hòa hoãn những căng thẳng giữa các nước có ý định muốn ‘chiến tới cùng’ với ông Putin và các nước có ý nghiêng về thỏa hiệp, như Pháp và Đức; và cả về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ trong năm tới cũng làm dấy lên lo lắng về việc liệu Washington có còn ‘đứng chung thuyền’ với họ hay không.
 
Tóm lại, chiến tranh đã vạch sẵn con đường trước mắt cho Châu Âu: làm thế nào để tự trở mình từ cường quốc hòa bình thành nhân vật chính địa lý chính trị cơ bắp.
 
Sinikukka Saari, một chuyên gia về Nga và giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Phần Lan, cho biết: “Ngay cả khi chiến tranh có sớm kết thúc, tình hình cũng sẽ chẳng thể trở lại như trước.”
 
Những hậu quả không lường
 
Trước khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, Liên Minh Châu Âu đã bị chỉ trích nhiều vì hình ảnh một Châu Âu giàu có và tự mãn, bị chủ nghĩa tiêu dùng và quan liêu làm suy yếu; những người chỉ trích thường có liên kết tài chánh và các mối quan hệ khác với Moscow.
 
Nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có tác động khích lệ và thống nhất chung đối với Châu Âu. Còn đối với ông Putin, những hậu quả ngoài ý muốn đã tăng lên gấp bội.
 
Phần Lan là một thí dụ điển hình. Nỗi sợ hãi của họ đối với Nga ngày càng sâu sắc. Từ năm 1809, trong hơn một thế kỷ, nước này là một phần của Đế Quốc Nga, dù là một công quốc tự trị. Trong Thế Chiến II, họ đã mất 12% lãnh thổ vào tay Moscow.
 
Nếu nghĩa vụ quân sự bắt buộc được duy trì trong suốt những năm hậu chiến tranh, khi mà hầu hết các nước Châu Âu đều không còn bắt buộc nghĩa vũ quân sự, riêng Phần Lan thì không, theo lời cựu Thủ tướng Alexander Stubb là “vì chúng tôi sợ Thụy Điển.”
 
Emilia Kullas, giám đốc Diễn đàn Finnish Business and Policy Forum cho biết: “Mỗi gia đình đều có những ký ức về chiến tranh, và lịch sử cho chúng tôi biết về sự nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, chúng tôi đã do dự. Chúng tôi đã nghĩ rằng thế trung lập là tốt nhất cho Phần Lan.”
 
Thậm chí vào tháng 1 năm ngoái, một tháng trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, thủ tướng Sanna Marin đã nói rằng “rất khó có khả năng” Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO trong nhiệm kỳ của bà. Các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy tỷ lệ ủng hộ Phần Lan gia nhập liên minh chỉ ở mức 20 đến 30%.
 
Rồi tấm màn hòa bình đã hạ xuống, chiến tranh xuất hiện. Janne Kuusela, giám đốc chính sách của Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết: “Tâm lý công chúng đã mở đường dẫn lối. Thông thường các chính trị gia đưa ra thay đổi và mọi người làm theo. Lần này thì người dân đi trước.”
 
Người Phần Lan đã nhìn thấy quá khứ của chính họ trong nỗi đau của Ukraine. Họ nhận thấy không thể có mối quan hệ khả thi với chế độ Putin. Những lý thuyết trước đó – rằng có thể kết hợp khả năng phòng thủ mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ với NATO và mối quan hệ hai bên cùng có lợi với Nga – đã sụp đổ.
 
Phần Lan giờ đây trở nên quá nhỏ bé và dễ bị tổn thương, khó có thể giữ được đường biên giới dài với Nga.
 
Chỉ trong vòng ba tháng, Phần Lan, cùng với Thụy Điển, đã nộp đơn xin gia nhập NATO, quá trình dự kiến sẽ được hoàn thành tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo vào tháng 7 tại Vilnius, Litva; dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối Thụy Điển trở thành thành viên của khối do nước này cởi mở với dân tị nạn người Kurd.
 
Bên cạnh Magdalena Andersson, thủ tướng Thụy Điển, bà Marin cho biết Phần Lan đã tự hỏi mình, “Đường biên giới nào mà Nga sẽ không vượt qua?” Câu trả lời rất rõ ràng: “Đó là đường biên giới của NATO.”
 
Thụy Điển cũng tương tự, sự lựa chọn đã trở nên rõ ràng trước mắt, ngay cả đối với một quốc gia đã không tham chiến trong hơn 200 năm.
 
Thomas Bagger, đại sứ Đức tại Ba Lan cho biết: “Biển Baltic đã trở thành ‘ao làng’ của NATO. Đó là một sự thay đổi chiến lược lớn.”
 
Chiến tuyến đã được vạch ra. Ông Korteweg, chuyên gia quốc phòng Hà Lan, cho biết: “Châu Âu giờ không còn chỗ cho các vùng xám. Đó là lý do tại sao Zelensky muốn gia nhập EU, và nếu có thể là NATO, càng nhanh càng tốt.”
 
Đây là điều không hề dễ dàng. Ukraine đã nhanh chóng được công nhận ứng cử viên chính thức cho Liên Minh Châu Âu vào năm ngoái, nhưng để họ giải quyết những vấn đề lớn, bao gồm nạn tham nhũng lan tràn và hệ thống tư pháp yếu kém, thường sẽ phải mất vài năm.
 
Petri Hakkarainen, cố vấn ngoại giao chính của tổng thống Phần Lan Niinisto, cho biết: “Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia NATO nào nghĩ tới việc cho một quốc gia đang tham chiến với Nga có thể gia nhập NATO.”
 
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này của Châu Âu có vẻ ngày càng khó khăn. Ông Delattre, đại sứ Pháp tại Đức cho biết: “Xung đột đóng băng là kịch bản phù hợp với ý của Putin. Một Ukraine bị chiếm đóng một phần, rối loạn các chức năng và không thể tiến tới Châu Âu. Vì vậy, trong ba kết quả có thể xảy ra đối với cuộc chiến – một là Ukraine thắng, một là Nga thắng và cái còn lại là cả hai rơi vào thế bế tắc – thì hai cái sau đều có lợi cho Putin.”
 
Tất nhiên, một nước Nga ngày càng đàn áp dưới các lệnh trừng phạt nghiêm khắc và một nhà lãnh đạo bị cả phương Tây coi thường, không có con đường tái thiết kinh tế, cũng sẽ phải hứng chịu một cuộc xung đột kéo dài. Nhưng sẽ không dễ nhận thấy những giới hạn trong khả năng ‘chịu trận’ của người Nga.
 
Ông Kuusela nói: “Đất nước Nga không sẵn lòng nhận thua, và với ông Putin sinh mạng con người không quá quan trọng, nên là họ có thể tiếp tục cuộc chiến trong thời gian dài. Còn Ukraine sẽ tiếp tục tham chiến chừng nào phương Tây còn ủng hộ. Đó sẽ là một thế bế tắc khó mà phá vỡ.”
 
Nước Đức hồi tưởng
 
Sự tương phản giữa các câu chuyện kể về Ba Lan và Đức sau Thế Chiến II, những thù địch cũ và quan hệ đối tác vẫn chưa mấy hòa nhã, thật đáng kinh ngạc. Ba Lan chưa bao giờ thôi cảnh giác trước mối đe dọa từ Nga. Nước Đức thì mờ mắt trước khí đốt giá rẻ của Nga mà xem nhẹ mối đe dọa từ Putin.
 
Tâm lý bài Đức đã lan rộng khắp Ba Lan, vốn cho rằng Berlin quá do dự trong việc ủng hộ Ukraine.
 
Sự thống nhất của Châu Âu khi đối mặt với chiến tranh không có nghĩa là những rạn nứt đã biến mất. Không nơi nào mà cuộc chiến Ukraine lại đặt ra nhiều thách thức hoặc mang đến nhiều biến đổi hơn ở Đức.
 
Ở Ba Lan, những ý tưởng về chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh đã trường tồn. Ngược lại, một nước Đức thời hậu anh hùng, đang dần hồi phục sau nỗi kinh hoàng của Đức Quốc Xã, chưa thể hình dung ra ý tưởng về một cuộc chiến tranh chính nghĩa.
 
Đại sứ Bagger cho biết: “Hiện nay, ở Đức, chúng tôi đã thấy một Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh chính nghĩa và đang tái diễn giải lại các bài học sau năm 1945. Nó liên quan đến những thay đổi về chính sách quốc phòng, năng lượng, nhưng, ở cấp độ sâu xa nhất, là sự thay đổi về tâm lý.”
 
Là quốc gia hùng mạnh nhất ở Châu Âu, Đức đã phải tự tái cấu trúc chỉ sau một đêm, từ bỏ văn hóa hòa bình bằng cách trang bị vũ khí cho chính mình và Ukraine dưới danh nghĩa cuộc chiến giành tự do cho Châu Âu. Nước này đã cố gắng thoát ra sự phụ thuộc 55% lượng khí đốt vào Nga. Họ cũng buộc phải tính đến ‘bớt qua lại’ với Trung Quốc, một thị trường khổng lồ đối với ngành xa hơi Đức, để giảm bớt nguy cơ dễ bị tổn thương chiến lược.
 
Đối với ông Bagger, có vẻ như “Người Đức đã tiếp thu những bài học sai lầm từ năm 1989 và sự sụp đổ của bức tường Berlin.”
 
Họ từng tự thuyết phục rằng “Ostpolitik” hay nói một cách nôm na là hòa hoãn đối với Moscow của Tây Đức là chìa khóa để giành chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh và thống nhất đất nước. Trên thực tế, quyết tâm của Tổng thống Ronald Reagan triển khai Pershing II và hỏa tiễn hành trình ở Tây Đức, bắt đầu từ năm 1983, cũng không kém phần quan trọng.
 
Một câu hỏi trọng tâm đối với Châu Âu là sự chuyển mình của nước Đức sẽ hiệu quả đến mức nào. Cuối cùng, liệu Đức có thể cân bằng sức mạnh kinh tế với sức mạnh quân sự hay không, và rồi thì phần còn lại của Châu Âu sẽ cảm thấy thế nào về điều đó?
 
Ông Scholz, thủ tướng Đảng Dân Chủ Xã Hội, là một chính trị gia thận trọng, quyết tâm tránh leo thang chiến tranh, nhận thức sâu sắc về sự lo lắng kéo dài của người Đức đối với chủ nghĩa quân phiệt. Giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từng cảnh báo trong tháng này về nguy cơ “choảng nhau” với Nga, ông nghiêng các cuộc đàm phán hòa bình hơn.
 
Sự do dự của ông thể hiện rõ trong cuộc tranh luận dai dẳng về vấn đề gửi xe tăng Leopard cho Ukraine, cuối cùng cũng đã được thông qua vào tháng trước. Ngoại trưởng Annalena Baerbock của Đảng Xanh tỏ ra diều hâu hơn, nghiêng về việc theo đuổi một chiến thắng hoàn toàn trước Nga. Bà nói thẳng: “Chúng ta đang trong cuộc chiến chống lại Nga,” có thể thấy căng thẳng giữa bà và ông Scholz đã lộ rõ.
 
Họ sẽ kiên trì. Và căng thẳng giữa Đức và Pháp cũng sẽ còn đó.
 
Tổng thống Pháp Macron coi sự phụ thuộc quân sự của Châu Âu vào Washington là bằng chứng rõ ràng cho sự cần thiết của “quyền tự chủ chiến lược” – cụm từ mà nhiều quốc gia gần biên giới Nga, như Phần Lan, đã bác bỏ để ủng hộ “trách nhiệm chiến lược” vì họ không muốn đưa ra dấu hiệu tách rời khỏi Hoa Kỳ.
 
Một năm sau cuộc chiến ở Ukraine, Châu Âu nhận thấy mình đang ở giai đoạn đầu của hành trình khó khăn hướng tới ‘trách nhiệm chiến lược’ đó. Khả năng răn đe đáng tin cậy (credible deterrence) đã giành chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh, nhưng nó đã bị xói mòn mạnh mẽ khi ngân sách quốc phòng các nước bị cắt giảm.
 
Ông Kuusela, viên chức quốc phòng Phần Lan cho biết: “Châu Âu đã buông lơi thủ trong 30 năm. Vẫn có nhiều người Châu Âu, ở nước Ý và những nơi khác, tin rằng gửi vũ khí cho Ukraine là một sai lầm.”
 
Tối thiểu thì một liên minh quyết tâm ngăn cản chiến thắng của ông Putin sẽ phải có khả năng đảm bảo chủ quyền và độc lập của Ukraine, thứ mà Nga quyết tâm dập tắt.
 
Bà Saari, chuyên gia về Nga của Phần Lan cho biết: “Chúng ta sẽ không có hòa bình bền vững ở Châu Âu trừ khi có được khả năng răn đe đáng tin cậy. Đó là điểm mấu chốt.”
 
Đối với Phần Lan và Thụy Điển, sức răn đe đó chính là tư cách thành viên NATO. Đối với Châu Âu và Hoa Kỳ, bài toán sẽ là làm thế nào để đảm bảo Ukraine có khả năng phòng thủ vững chắc trước Nga trong những năm tới, dù họ chưa phải là thành viên NATO. Cuộc tranh luận về đề tài này đang diễn ra, nhưng còn lâu mới đạt được giải pháp.
 
Ông Hakkarainen, cố vấn của tổng thống Phần Lan, nói: “Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng thế giới đã thay đổi. Chúng ta phải thay đổi, cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta cần phải nhanh chóng thích nghi và duy trì.”
 
Một cuộc phân chia mới nhiều trầy trật
 
Cuộc chiến của ông Putin đã phủ bóng đen lo sợ lên khắp một Châu Âu “toàn bộ đều tự do” mà Tổng thống George H.W. Bush đã phát biểu vào năm 1989, với “biên giới rộng mở cho con người, thương mại và ý tưởng.”
 
Đường phân chia không cứng nhắc như Bức Tường Berlin trước đây, nhưng nó vẫn ở đó.
 
Ở Vaalimaa là ngã tư trên biên giới Phần Lan-Nga, nằm giữa Helsinki và St. Petersburg. Nơi đây từng nổi tiếng với những đường biên giới dài. Ngày nay nó đã trở thành một nơi ma quái. Các cửa khẩu trống rỗng, các cửa hàng mua sắm rộng lớn gần đó vắng tanh.
 
Không còn là nơi kết nối, nó nói lên sự phân chia mới ở Châu Âu.
 
Do việc đi lại từ Nga bị chính phủ Phần Lan hạn chế nghiêm ngặt, một số người vẫn quyết định vượt qua biên giới. Aleksandra Scherbakova, một cư dân Nga ở Hà Lan, cố tìm đến thăm người cha 78 tuổi của bà ở thành phố Novosibirsk thuộc Siberia. Bà nói: “Ông cụ bị mắc chứng mất trí nhớ, nên tôi cố gắng đi gặp ông khi còn có thể. Tất cả những gì mọi người mong muốn chỉ là tình yêu và gia đình.”
 
Bà Scherbakova lấy điện thoại ra cho phóng viên xem một đoạn clip về người cha già ốm yếu của bà ở Siberi. Đồng thời, bà còn có một số anh em họ người Ukraine ở Lviv, hiện đang tị nạn ở Ba Lan.
 
Bà tâm sự: “Chẳng biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc. Chỉ biết là nó thật lãng phí.”
 
Cùng đi với bà là hai người Nga, Keivan Shakeri và Ibrahim Rastegavi, những người Iran đã chuyển đến Nga nhiều thập niên trước để học tập và ở lại sinh sống. Họ đã sử dụng hộ chiếu Iran của mình để xin thị thực hai năm vào Phần Lan. Hiện nay thì người Iran dễ vào các nước thuộc Liên Minh Châu Âu hơn người Nga.
 
Ông Rastegavi nói: “Cuộc sống ở Nga thật nhàm chán, tồi tệ và khó khăn. Bắt đầu một cuộc chiến thì quá dễ, nhưng kết thúc nó thì chẳng dễ chút nào.”
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “War in Ukraine Has Changed Europe Forever” của Roger Cohen, được đăng trên trang NYTimes.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Và đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ thấy rằng nhìn nhận sự tác hại của chất Dioxin quân đội Hoa Kỳ đã dùng trong chiến tranh là một thái độ hòa giải với nhân dân
Ai cũng biết Việt Nam không có dân chủ. Khác với chế độ độc tài của Saddam Hussein, chế độ độc tài của Việt Nam là chế độ Cộng sản mà chính quyền Mỹ đã từng nhắc nhở chúng ta
Tuần qua, dư luận chống Bush được tăng viện với lời phát biểu của Tướng Colin Powell. Viên Ngoại trưởng cũ của ông Bush nói rằng Iraq bị nội chiến về thực tế, và lời phát biểu của ông
Vừa nghe tiếng điện thoại reo lên trong đêm, phá tan bầu không khí yên lặng của bầu trời đêm Hà Nội một ngày đầu đông... tôi vội vàng nhấc máy. Đầu dây tiếng lập cập quen thuộc - vì ngôn ngữ
Trong lúc đảng Cộng sản Việt Nam phấn khởi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, WTO) và hoan hỷ hoàn tất tốt Hội nghị APEC thì cán bộ, đảng viên lại
Sự đắc cử của Giám Sát Viên Quận Cam Lou Correa vào chức vụ Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang đã tạo cơ hội hiếm có cho một ứng cử viên gốc Việt có thể đắc cử vào chức vụ Giám Sát Viên Quận Cam
Với viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, một hồ sơ mà Việt Nam cần chú ý là chế độ trợ giá lúa gạo trên thế giới vì gạo là nông sản trọng yếu của Việt Nam và chi phối sinh hoạt
Thể theo lời yêu cầu của một số đông học viên, tác giả xin mượn trang báo này để trình bày một cách chi tiết về hệ thống máy chụp hình, được dựng lên tại nhiều ngã tư với mục đích chụp
Trước năm 1975 vào những dịp Tết Nguyên Đán, cùng lúc dân chúng náo nức chuẩn bị mừng Xuân, đón Tết thì các hội từ thiện,
Tổng Thống Bush và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Việt Nam tham dự Hội Nghị APEC, nhưng cả hai đã có những sắp xếp khác, không liên hệ gì đến nội dung bàn thảo
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.