
Sau 18 tháng điều tra, Ủy Ban Đặc Biệt Hạ Viện J6, điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, đã có cuộc họp công khai cuối cùng vào ngày 19 tháng 12 năm 2022. Trong đó, Ủy Ban 6 Tháng 1 đã đề nghị Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố hình sự cựu Tổng thống Donald Trump vì những âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Ủy ban đề nghị Bộ Tư Pháp truy tố Trump với bốn cáo buộc chính, bao gồm tội cản trở công việc của Quốc Hội, âm mưu lừa gạt chính quyền liên bang, âm mưu đưa ra tuyên bố sai sự thật và kích động hoặc hỗ trợ bạo loạn. Ủy ban cũng đề nghị Ủy Ban Đạo Đức (Ethics Committee) Hạ Viện xử phạt bốn thành viên Quốc Hội thuộc Đảng Cộng Hòa vì đã không tuân theo trát đòi của Ủy ban, yêu cầu họ cung cấp thông tin về các sự kiện ngày 6 tháng 1.
Nhưng tất cả những điều đó có ý nghĩa gì? Margaret Russell, Giảng sư về luật hiến pháp tại Trường Santa Clara, sẽ giúp giải thích lý do tại sao những đề nghị truy tố này lại quan trọng, chúng thiếu sót ở đâu – và điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
1. Có thể rút ra những gì từ các đề nghị truy tố?
Nhiều người sẽ tự hỏi liệu các thủ tục này có cho ra kết quả nào đáng kể hay không. Giờ đây, có thể thấy rõ rằng Ủy ban không xem các vụ tố tụng này chỉ để ‘lưu danh sử sách.’ Chúng có tác dụng nhiều hơn thế.
Một điểm đáng chú ý là Trump đang đứng đầu bảng. Khi quá trình điều tra của Ủy ban mới bắt đầu, vẫn chưa rõ rằng Trump biết được bao nhiêu, khi nào thì biết, ông ta đã nói gì trước ngày 6 tháng 1, ông ta đã biết và nói gì trước khi có kết quả xác nhận bầu cử, và liệu ông ta có thực sự biết mình đã thua hay không. Giờ đây, kết quả đã rành rành rằng Trump là chủ mưu của hầu hết âm mưu này – và Ủy ban đang cố buộc ông ta cùng những người đã tham gia vào âm mưu đó phải chịu trách nhiệm cho những gì họ đã làm.
Việc Ủy ban thúc giục truy tố hình sự, nghẫm nghĩ cũng thấy thú vị. Điều này có nghĩa là Ủy ban đã ‘xong việc.’ Ủy ban lưỡng đảng này, bao gồm bảy thành viên Đảng Dân Chủ và hai thành viên Đảng Cộng Hòa, đã thống nhất rằng nếu không đưa ra các đề nghị truy tố hình sự, dựa trên những gì họ đã phát hiện được, đó sẽ là ‘thất trách.’ Các thành viên của Ủy ban không có kêu Bộ Tư Pháp phải làm thế này thế nọ – họ không thể. Nhưng trong vai trò điều tra, Ủy ban đã kết luận rằng để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của mình, họ cần đưa ra các đề nghị truy tố.
2. Các đề nghị truy tố này có bất kỳ tác dụng nào về pháp lý không?
Mức độ của những đề nghị truy tố này, đặc biệt là đối với vụ bạo loạn, là chưa từng có tiền lệ. Thay vì cho rằng chúng không có tác dụng về pháp lý, giáo sư Margaret Russell lại thấy chúng chắc chắn có tác dụng rất lớn, thúc giục Bộ Tư Pháp đảm bảo đúng người chịu trách nhiệm đúng việc. Từ ‘Trách nhiệm’ (Accountability) nhảy ra trong tâm trí khi bà nghĩ đến tuyên bố của Ủy ban vào ngày 19 tháng 12 – phải có trách nhiệm, dù ủy ban này, tất nhiên, không thể ép buộc Bộ Tư Pháp làm bất cứ điều gì.
Về cơ bản, cáo buộc, đối với nỗ lực lật đổ chính phủ, đi thẳng vào trọng tâm của Hiến Pháp. Lịch sử Hoa Kỳ chưa từng có tiền lệ cho vụ này. Việc Bộ Tư Pháp có quyết tâm theo đuổi các đề nghị truy tố hay không sẽ phụ thuộc vào tính hợp lệ của các phát hiện của Ủy Ban 6 Tháng 1. Và bởi vì Bộ cũng đang có cuộc điều tra riêng về Trump, nên họ sẽ không phải bắt đầu từ con số không. Kết quả điều tra của Ủy Ban 6 Tháng 1 có thể bổ sung thêm cho những gì Bộ đang có.
3. Liệu Quốc Hội Đảng Cộng Hòa mới có bất kỳ tiếng nói nào trong những đề nghị truy tố này không?
Hiện tại, báo cáo đã được bàn giao và các đề nghị truy tố đã được đưa ra, giáo sư Russell cho rằng Bộ Tư Pháp sẽ bắt đầu xem xét. Và, vì vậy, khi vai trò lãnh đạo của Hạ Viện có thay đổi, thì cũng chẳng có cách nào hóa giải được. Hạ Viện có thể tiến hành các cuộc điều tra của riêng mình, nhưng không thể ngăn cản Bộ Tư Pháp và không thể hủy bỏ báo cáo này cũng như rút lại các đề nghị truy tố. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng Bộ Tư Pháp mà ông đang lãnh đạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Và để cố gắng bảo vệ các vụ truy tố, không để chúng bị ‘mang tiếng’ là bị chính trị ‘nhúng tay’ vào, ông đã chỉ định một chuyên gia đặc biệt để giám sát các cuộc điều tra liên quan đến Trump.
4. Các nhà lập pháp phớt lờ trát đòi có phải tuân theo yêu cầu cung cấp thông tin của Ủy ban hay không?
Theo giáo sư Russell thì là Có. Hiến Pháp (Điều I, Mục 5) quy định rằng mỗi Viện sẽ đưa ra các quy tắc riêng ràng buộc các thành viên của mình. Tối Cao Pháp Viện đã nhấn mạnh điều này cũng như tính hợp pháp về mặt pháp lý của trát đòi của Quốc Hội. Hậu quả của việc phớt lờ trát đòi của Quốc Hội có thể sẽ được ‘đóng cửa giải quyết’ trong phạm vi của Ủy Ban Đạo Đức, nhưng hậu quả là có.
5. Báo cáo của Ủy Ban 6 Tháng 1 có làm tăng khả năng Trump sẽ bị buộc tội không?
Giáo sư Russell cho rằng nó tạo ra một lập luận mạnh mẽ trong cộng đồng về việc truy tố Trump, đó là điều mà nhiều người đã chờ đợi. Báo cáo không đảm bảo Trump sẽ bị truy tố, nhưng nghĩ kỹ hơn, thì nó giải thích lý do tại sao Trump lại bị lôi vào vụ này và là ‘đầu têu.’
Thông điệp về ‘trách nhiệm’ của Ủy Ban 6 Tháng 1 đã được đưa ra rất mạnh mẽ – rằng nếu Hoa Kỳ tự coi mình là một nền dân chủ thực thụ, thì Trump và những người khác phải chịu trách nhiệm những gì họ đã làm. Như thành viên của ủy ban, Adam Schiff, đã nói vào ngày 19 tháng 12 rằng: “Cái ngày mà chúng ta bắt đầu bỏ qua tội lỗi của các tổng thống, cựu tổng thống, những người có quyền lực hoặc có ảnh hưởng, là cái ngày nền dân chủ của chúng ta bắt đầu sụp đổ.”
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “What the criminal referral of Trump means – a constitutional law expert explains the Jan. 6 committee action” của Margaret M. Russell, Giảng sư Luật tại Trường Santa Clara, được đăng trên trang TheConversation.