Hôm nay,  

Năm Covid Thứ Hai, Đi Thăm Đất Mũi Nước Mỹ

16/11/202109:42:00(Xem: 15742)

 

Sau hơn một năm không đi chơi xa, vì dịch Covid-19, nên khi các tiểu bang gỡ bỏ giới hạn chúng tôi rủ nhau du lịch nội địa. Nhiều người thân quen đi chơi Hawaii hay Cancún bên Mexico, chúng tôi chọn Miami, Florida.

 

Cả tháng trước đã mua vé máy bay, đặt chỗ ở và thuê xe. Đến giữa tháng Tám có thông tin Covid biến chủng Delta đang lây lan nhanh. Đã có thuốc tiêm chủng nên số người nhập viện và chết không cao như hồi đầu năm, trên 90% tử vong là những người đã không chích ngừa.

 

Cách suy nghĩ của người Mỹ về Covid lạ lắm vì có vắc-xin rồi mà chỉ chừng 60% đã chích cả hai mũi. Mấy chục triệu ca nhiễm và hơn 700 nghìn người Mỹ đã chết vì dịch, nhưng nhiều người vẫn không muốn chích ngừa, ngay cả binh lính cũng không muốn. Họ chấp nhận “sống với lũ”, nói theo ngôn ngữ của người Việt.

 

Thống đốc Ron DeSantis của tiểu bang Florida còn ký lệnh không cho ai được quyền buộc dân phải chích ngừa hay đeo khẩu trang. Ông cho đó là quyền tự do chọn lựa của dân. Bên tiểu bang Texas Thống đốc Greg Abbott cũng có chính sách như thế.

 

Lãnh đạo các tiểu bang Cộng hoà như Florida, Texas bị phe Dân chủ tấn công, chỉ trích; còn các bang Dân chủ như California, New York là nơi có nhiều luật lệ nghiêm ngặt phòng chống Covid thì bị Cộng hoà chỉ trích. Theo dõi các chính sách liên quan đến phòng chống Covid ở những tiểu bang này được các nhà bình luận phê phán thì cứ như mấy vị thống đốc đang dọn đường ra tranh cử tổng thống năm 2024.

 

Còn hơn ba năm nữa mới bầu tổng thống mà chính trường Mỹ đã sôi nổi với Thống đốc Andrew Cuomo của New York phải từ chức vì sàm sỡ với phụ nữ, còn Thống đốc Gavin Newsom của California phải đối đầu với cuộc bầu cử bãi nhiệm ngày 14/9 và ông thắng vẻ vang với 62% ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.

 

Florida với đợt tăng thứ ba vào giữa tháng Tám, cao nhất từ trước đến nay về số ca nhiễm Covid-Delta và số tử vong. Đến cuối tháng thì qua đỉnh điểm. Chúng tôi cũng đã chích ngừa đầy đủ hai mũi nên tiến hành chuyến du lịch về miền nắng ấm biển xanh, nơi có miệt vườn Việt Nam.

 

Tôi đã tới vùng Tampa-St. Pete của Florida nhiều lần, tắm biển ở Clearwater, Saratosa, đi chơi Disney World ở Orlando và thăm St. Agustine là nơi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên lục địa Mỹ. Biển Florida dù nằm ở bên đông hay bên tây đều có cát trắng, nước trong xanh và ấm.

 

Còn Miami, đã quá cảnh sân bay cả chục lần mà chưa bao giờ tôi ghé đây tham quan, thành phố nổi tiếng qua sô truyền hình “Miami Vice”.

 

Máy bay không còn chỗ trống. Mọi người đeo khẩu trang. Sau gần 6 giờ bay, phi cơ đáp khi trời đã tối hẳn. Bên ngoài mưa như thác đổ. Về đến Hallandale Beach là gần nửa đêm. Trời ngừng mưa. Chúng tôi ăn vội mì gói rồi đi ngủ cho khoẻ để mai đi chơi.

 

Lúc đó mới là 9 giờ tối ở California. Chưa quen ngủ sớm, tôi ra ban công xem bên ngoài thế nào. Khuya mà trời gió mát. Từ tầng 18 nhìn ngắm thành phố ven biển toàn nhà cao tầng với ánh đèn lấp lánh dưới nước. Đẹp như Venice về đêm.

 

Sáng hôm sau một bình minh tuyệt đẹp chào đón chúng tôi trước khi lên đường đi thăm vườn cây trái Việt. Chạy qua Miami, theo xa lộ 95 xuôi nam rồi qua hướng tây xuống vùng Homestead có vườn bà Chín, vườn cô Trinh và một vườn nữa, cả ba được nhiều người giới thiệu trên Youtube.

 

Ra đường tôi chú ý ngay giá xăng, chưa đến 3 đô một gallon, rẻ hơn vùng Vịnh San Francisco đến 1 đô. Chạy xa lộ cứ một đoạn lại thấy máy nháy đèn tính lộ phí. Trên đường thấy phượng còn lác đác hoa. Vào những con đường nhỏ có phượng nhiều hơn. Nhớ lại một lần từ Miami đi Cuba vào tháng Sáu, khi máy bay cất cánh, qua cửa sổ tôi đã thấy cả một vùng đỏ rực bên dưới.

 

Đến vườn bà Chín, ra khỏi xe mới cảm thấy nóng. Nhiệt độ ở tầm hơn 90 độ F nhưng không ẩm thấp nên cũng dễ chịu.

 

Mùa này còn cóc, nhãn, na, ổi, khế, mít, thanh long. Không còn sa-pô-chê hay mãng cầu. Nhà kho với những thùng hàng để phân phối đi nhiều nơi. Mấy thanh niên người Nam Mỹ, vì nghe họ nói tiếng Tây Ban Nha, đang rửa xịt nước rửa mấy chục rổ to đầy rau lang.

 

Ba chị em mặc cả mua bán còn tôi đi loanh quanh xem vườn. Không được phép đi quá xa vào trong, ngay bên nhà kho là cây mít có trái to từ ngọn xuống gốc, mấy cây sa-pô-chê sai trái. Hỏi bà chủ là khi nào trái chín, bà cho biết tháng 11 và tháng 3 là mùa sa-pô-chê. Các em mua ổi, thanh long, nhãn, cóc, khế.

 

Ra khỏi vườn bà Chín, tôi ngừng xe chụp hình hoa phượng trước cổng. Đang bấm máy, một xe van táp vào, mấy thiếu nữ hỏi tôi có biết vườn bà Chín ở đâu. Tôi chỉ lối vào. Một cô hỏi anh làm ở đây, giờ còn sa-pô-chê không? Tôi nói mình cũng là du khách và đã mua hết sa-pô-chê rồi, để chọc ghẹo mấy cô gái cũng thích loại trái này. Như nhà tôi.

 

Qua vườn cô Trinh, trông nhỏ hơn. Nơi đón khách có tấm phông in hình các loại trái cây. Có măng cụt nhưng cô nói rõ là hàng từ Mexico nhập qua, không phải từ vườn nhà. Nơi đây còn bán nước mía ép tại chỗ, 4 đôla một ly to, rẻ hơn nhưng không ngon thơm bằng nước mía Ninh Kiều trong Grand Century Mall ở San Jose.

 

Vườn có vú sữa đang ra hoa, nhiều chậu đinh năng là loại cây ngày còn ở bậc tiểu học tôi đã thấy trong sân nhà cụ giáo Đồng ở Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ, giờ hơn nửa thế kỷ qua mới thấy lại. Người em nói ở Việt Nam ngày nay lá này dùng ăn gỏi.

 

Ba chị em mua thêm nhiều trái cây, cả thùng na hơn 100 đô. Chuẩn bị rời vườn cô Trinh thì lại thấy mấy cô lúc trước vừa hỏi đường cũng tới đây là đoàn du khách từ Texas với hơn chục người.

 

Nhiều người Việt ở Mỹ đã biết Florida nổi tiếng với các vườn cây trái mang hương vị quê nhà, nhiều nhất ở khu vực Homestead. Ở đâu có điều kiện dễ để làm ăn, người Việt luôn có đầu óc kinh doanh. So với đất California, với Central Valley là vựa rau, là những cánh đồng bát ngát cây trái nhưng không có cây trái Việt, có thể vì luật lệ trồng cây nông nghiệp khó khăn? Chứ không phải thổ nhưỡng không thích hợp vì vườn sau nhà của nhiều người Việt ở Quận Cam California đã trồng được ổi, cam, na, thanh long cho đến đu đủ, mít, nhãn, xoài, roi. Đất California không dễ để kinh doanh nên có người Việt đã qua Mexico thuê đất trồng mít, xoài, măng cụt vì có thị trường tiêu thụ.

 

Sau khi thăm vườn bà Chín và cô Trinh, chúng tôi biết mùa này chỉ có một số trái cây nhất định nên không đi vườn khác. Mấy cô em có nhận xét bà Chín “hơi chảnh” còn cô Trinh “dễ thương” hơn. Ở hai nơi chúng tôi đã tiêu 200 đôla mua nhiều loại trái cây, để ăn dần trong mấy ngày du lịch.

 

Trên đường về lại Miami ghé vào một nhà hàng Cuba. Thực ra thức ăn của người Cuba không có gì đặc sắc hay ngon lắm theo tôi biết, vì đã có dịp qua thăm đất nước của Fidel Castro.

 

Miami có Little Havana nổi tiếng của cộng đồng người Cuba tị nạn. Ở đây vào thập niên 1990 đã có có những dân biểu quốc hội hết lòng ủng hộ thành lập đài Á châu Tự do và những vận động cho dân chủ, nhân quyền của cộng đồng người Việt. Từ nơi này vào năm 2000 Lý Tống đã tạo kinh ngạc và sự khâm phục trong lòng người Mỹ gốc Cuba khi ông lái máy bay qua Havana rải truyền đơn trong ngày đầu năm.

 

Tháng 11/1999 có bé trai Elián Gonzalez 7 tuổi cùng người thân vượt biển tới được Mỹ đã gây ra cuộc tranh cãi về quyền giám hộ, về luật tị nạn. Người gốc Cuba ở Miami xuống đường ủng hộ để bé được ở lại Mỹ với người thân, trong khi cha mẹ còn ở Cuba muốn em được trả về cho họ. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã quyết định trả em về nên tháng 4/2000 đã có cuộc bố ráp của giới chức năng với súng ống, đột nhập vào nhà người thân, bắt em đưa về lại cho cha mẹ.

 

Cuối năm 2000 cả nước Mỹ lại hướng về quận hạt Miami-Dade với cuộc kiểm phiếu bầu tổng thống đầy căng thẳng kéo dài sang đến tháng 12, với kết quả sau cùng George W. Bush (Con) chỉ hơn Al Gore 500 phiếu để thắng cử.

 

Vừa vào đến Little Havana là nghe rổn rang điệu nhạc salsa vui tươi, cùng hàng chữ Free Cuba ở nhiều nơi. Con đường chính là Calle Ocho – 8th Street – nhỏ hơn về bề ngang cũng như ngắn hơn so với Bolsa của Little Saigon, nhưng nằm gần trung tâm Miami. Quanh phố có tượng đài khắc ghi lời của José Marti, nhiều quán rượu, nhà hàng ăn uống, cả McDonald, pizza và dĩ nhiên không thiếu nơi sản xuất và bán xì-gà. Domino Park đông người lớn tuổi đang chơi cờ truyền thống, trên tường có hình vẽ chân dung nhiều tổng thống Mỹ và những nhân vật người Cuba tranh đấu cho tự do.

 

Hai chính phủ Cuba và Việt Nam bắt tay nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa, thay nhau thức ngủ để “bảo vệ hoà bình thế giới” còn người Cuba và người Việt tại Mỹ mơ ước một xã hội tự do dân chủ cho quê hương nguồn cội.

 

Những ngày rong chơi chúng tôi ghé nhiều bãi biển, mà cô em gái gọi đó là “đặc sản Florida”. Từ Hallandale, lên phía bắc là Hollywood, Ft. Lauderdale, Pompano, Palm Beach. Chỗ nào cũng đẹp, nước ấm trong xanh, nhưng thích nhất là khi phóng jetski ra xa bờ nhồi sóng. Gần Key West có bãi biển Bahia Honda Beach với cát trắng mịn như bột, nước trong xanh mầu ngọc bích.

 

Ft. Lauderdale nổi tiếng là bến cảng của du thuyền đưa khách đi chơi cảc đảo quốc trong vùng Caribean. Xa xa ngoài khơi có hai du thuyền lớn là dấu chỉ ngành du lịch này đang dần trở lại hoạt động.

 

Một buổi xế chiều. Vừa ghé bãi biển Delray tôi nhảy xuống nước ngay, trong khi mấy người em còn đang thay quần áo tắm. Dăm phút sau nghe tiếng còi huýt, nhìn lên chòi gác, tưởng mình ra quá xa bờ biển nên bị huýt còi, hay có ai bị nạn. Người trên chòi thổi còi liên thanh, rồi ra tay vẫy kêu mọi người lên bờ. Mây đen kéo vào và lúc sau trời đổ mưa. Tháng Chín là đang mùa mưa bão ở đây.

 

Qua đến đây đi tìm mua nước mắm, bánh phở là một trải nghiệm. Gú-gồ vùng Miami có hiện lên vài tiệm châu Á, điện thoại hỏi trước thì không có bán nước mắm. Vào Walmart gần condo đang ở cũng thế, chỉ có xì dầu với mì. Sáng hôm sau ghé cà phê Starbucks ở Ft. Lauderdale, bên cạnh có một tiệm làm đẹp móng tay, vào hỏi thì được biết gần đây có siêu thị bán thực phẩm Việt.

 

Chiều đến siêu thị Á Đông có bán các thứ để nấu phở và món ăn Việt. Tiệm cũng có trái cây miệt vườn, có bán bánh trung thu “Bà Năm Cali”.

 

Siêu thị này đã mở từ những năm 1980, trong khu thương xá Oakland Shopping Center, lối vào có những cột cờ cao, trên đó lá cờ di sản của người Việt tự do với ba sọc đỏ. Cửa kính siêu thị có dán bích chương quảng cáo sinh hoạt lễ vu lan tại chùa, tháng trước có trình diễn thời trang áo dài, tháng tới là văn nghệ dạ vũ ở sòng bài Seminole Casino Resort với Đan Nguyên, Như Loan và ca sĩ địa phương.

 

Tuần báo Trẻ phát hành từ Orlando có bán trong siêu thị. Nhu cầu đọc báo in tiếng Việt còn nên báo này đã ra được 675 số. Tờ báo dày 200 trang với nhiều tin tức, bài vở và quảng cáo thương mại của người Việt Florida.

 

Đi chơi, trưa ăn đồ Mỹ, tối về condo bữa nào cũng rượu bia cùng thưởng thức những món của ba đầu bếp nữ: bít-tết, bò nướng lá lốt, bò lúc lắc, bò xào đậu rồng, bò xào rau muống, gà xào đậu đũa, lẩu hải sản, có phở gà, phở bò với hành ngò, rau húng mua ở siêu thị Á Đông, Costco, chợ cá Hallandale và chợ nông dân Yellow Green Farmers Market. Tráng miệng có đủ loại trái cây tươi từ vườn, có trái hồng quân vỏ tím, ruột như nhãn nhưng mầu xanh nhạt, thơm. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức trái này. Chợ nông dân này rất lớn, bán nhiều trái cây, rau, nước đá bào, nước mía ép, có bán nhang, đèn nến, mỹ phẩm, có sân khấu trình diễn nhạc. Chúng tôi ăn trưa ở đây với thịt heo nướng và dồi cùng khoai tây, bắp, chuối hấp. Nước mía 14 đôla nửa gallon ép tại chỗ, dừa xiêm 4 đô một trái. Không thơm, ngọt cho lắm.

 

Mỗi tối, ăn cơm xong chúng tôi xem ti-vi chốc lát. Chỉ thấy đài OAN, Newsmax và vài đài địa phương, không có CNN, Fox hay MSNBC.

 

Sinh hoạt chính trị Florida hơn 20 năm về trước rất mạnh mẽ ủng hộ ứng viên tổng thống Cộng hoà như Reagan, Bush (cha), sau này đa số cử tri cũng chọn Clinton, Obama. Vùng Orlando, District 7, từ năm 2016 có Dân biểu Stephanie (Ngọc Dung) Murphy là người gốc Việt, thành viên Đảng Dân chủ hiện có nhiều ảnh hưởng tại quốc hội Hoa Kỳ. Năm đó cũng có Thuy Lowe là người Đảng Cộng hoà tranh cử vào quốc hội, District 10, nhưng không thành công.

 

Lái xe qua khu cư dân thấy còn có người luyến tiếc Tổng thống Donald Trump vì trước nhà treo cờ Trump mầu xanh dương. Chạy qua Mar-O-Lago là khu đánh gôn và nghỉ dưỡng mà lúc làm tổng thống ông Trump hay về đây cuối tuần. Biệt thự này nằm trên đường S. Ocean Blvd. ở Palm Beach là con đường chật hẹp. Tôi nghĩ dân quanh đó không thích mỗi khi tổng thống về đây vì việc bảo vệ an ninh gây phiền cho cư dân rất nhiều.

 

Trong một tháng qua số ca nhiễm và tử vong vì Covid ở Florida làm nhiều người quan ngại. Ngoài đường phố có người đeo khẩu trang người không. Condo nơi chúng tôi ở bắt mọi người ra vào phải đeo. Khách vào Costco, Walmart, McDonald cũng đeo khẩu trang. Ngoài biển thì không. Đi nghe nhạc ở bãi biển Hollywood, hàng trăm người đứng ngồi, nhảy múa và chỉ có mấy anh em chúng tôi mang khẩu trang. Không biết người khác thấy chúng tôi họ nghĩ gì, hay như thống đốc Florida từng tuyên bố đeo hay không là quyền tự do của mỗi người.

 

Một ngày chúng tôi đi thăm đất mũi của Hoa Kỳ. Vùng Key West là một dãy đảo nhỏ nối liền với nhau bằng những chiếc cầu, dài nhất là 7 dặm. Từ Miami đến cực nam của nước Mỹ, đoạn đường chưa tới 150 dặm nhưng mất bốn tiếng đồng hồ vì tốc độ giới hạn là 40 mph. Hai bên đường toàn lau, đước, sậy, qua vài thị xã là những nơi thuê thuyền và bán mồi câu cá. Nơi đây như làng quê Việt Nam, dân sống dọc quốc lộ và chắc cũng nhiều muỗi như rừng U Minh vì trên đường có bảng quảng cáo diệt muỗi.

 

Khí hậu ở đây nóng ẩm như Việt Nam. Du khách thuê xe máy, xe đạp đi tham quan phố có những cây phượng còn nhiều hoa đỏ. Ghé xe bán dừa, ông bán hàng gốc Cuba biết ngay chúng tôi là người Việt.

 

Đứng ở mũi đất, nhìn ra biển xa xa là đất Cuba, hình dung ra căn nhà của văn hào Ernest Hemingway ở ngoại ô Havana mà tôi đã có dịp thăm, có con tầu Pilar ông dùng đi đi về về giữa Havana và ngôi nhà ở Key West, là những chuyến du lịch trước cách mạng Cuba 1959, rồi sau đó quan hệ ngoại giao chấm dứt, ngăn cách đôi bờ.

 

Khi chờ chụp hình ở cột mốc cực nam Hoa Kỳ, tôi nghĩ đến những người Cuba tị nạn. Họ không được như chúng ta vì sống cách xa cố hương chưa đến một trăm dặm mà đường về vẫn khó khăn. So với người Việt California có hai thập niên quê hương nghìn trùng xa cách, chiều chiều ra biển ngó mặt trời lặn mà lòng quặn đau, nhưng từ năm 1995 khi hai nước bang giao, nếu nhớ quê thì lên máy bay ngủ một giấc là thấy lại Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Vũng Tầu, Rạch Giá. Năm 2015 Hoa Kỳ và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng người Cuba muốn về quê cũng không dễ vì còn cấm vận.

 

Anh bạn nhà báo Kính Hoà biết tôi đi chơi Key West, sau khi xem hình trên Facebook có viết lời bình: “Bơi qua Cuba đi anh, nói là anh xuất thân từ Berkeley thổ tả, thế nào cũng được đón tiếp trọng thể.”

 

Tôi trả lời: “Hai vợ chồng phóng jetski gần đến nơi thì bơi vào. Đến cửa Havana, gặp Thánh Fidel hỏi lúc ở dương trần các con đã làm được gì cho anh em. Mình trả lời đã giúp anh em Xã hội Chủ nghĩa canh giữ hoà bình thế giới. Thánh Fidel bảo thế thì cho vào thiên đường. Bà xã nghe sợ quá, nói: thôi mình đừng vào thiên đường, về địa ngục vui hơn”.

 

Thế là chúng tôi phóng jetski như bay trên nước để về lại địa ngục trần gian. Nơi có nhãn lồng, thanh long, xoài, na, cóc, ổi, dưa gang, mãng cầu. Đặc biệt có khế, ngọt ơi là ngọt.

 

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H01_LittleHavana
Chụp ảnh kỷ niệm ở Little Havana, Miami (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H02_TraiCay
Các cây trái từ vườn ở Homestead, Florida (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H03_MuiDat
Cột mốc đánh dấu mũi đất cực nam của lục địa Hoa Kỳ, cách Cuba chỉ 90 dặm (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H04_VietSupermarket
Khu thương xá có siêu thị bán thực phẩm Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H05_MusicalConcert
Ca nhạc cuối tuần tại bãi biển Hollywood, Florida (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H06_Jetski
Chuẩn bị phóng jetski ra biển lớn (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

BuiVanPhu_20211109_DuLichMiami_H07_HoaPhuong
Tháng Chín phượng còn nở hoa ở Key West (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.