Hôm nay,  

Làm Nghề Truyền Thông Vui Lắm

31/10/202012:55:00(Xem: 2502)

          Chúng tôi đón Đức Ông Nguyễn Văn Phương ở phi trường John wayne, Đức Ông đến từ Vatican. Đức Ông làm chánh văn phòng của bộ truyền giáo. Đức Ông quen biết rất nhiều Giám Mục ở Hoa Kỳ cũng như ở khắp nơi trên thế giới, bởi vì danh sách các linh mục được Hội đồng giám mục của các quốc gia đề nghị đến bộ truyền giáo thì Đức Ông chánh văn phòng phải xem trước, sau đó danh sách này sẽ đưa đến Đức Cha bộ trưởng bộ truyền giáo, sau đó trình lên Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi đón Đức Ông ở cầu thang máy, phóng viên, chuyên viên thu hình, lúc đó tôi đang công tác với đài truyền hình SBTN phát hình toàn nước Mỹ, Canada, Úc Châu, ...

          Đức Ông Nguyễn Văn Phương không đi thang máy, tự tay xách hành lý bước từng bậc thang. Chúng tôi phỏng vấn ngài ngay cuối thang máy. Khuôn mặt Đức Ông rất hiền, giọng nói hiền, trầm, giọng người Nam. Vừa phỏng vấn Đức Ông xong thì có hai vợ chồng, tôi đoán có lẽ là người Trung Đông, đi cùng chuyến bay với Đức Ông quỳ xuống đất xin hôn nhẫn của Đức Ông. Chúng tôi vội vàng tránh xa ra trong lúc máy quay phim vẫn chạy đều đặn.

          Lần đầu trong cuộc đời của chúng tôi, chúng tôi chứng kiến một gia đình Công giáo quỳ xuống một cách trịnh trọng hôn nhẫn của một vị lãnh đạo Công giáo. Sau này, chúng tôi thấy nhân viên văn phòng của chúng tôi quỳ xuống hôn nhẫn các Đức giám mục Hoàng Đức Oanh, Đức giám mục Nguyễn Chí Linh, Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp, Đức cha  Nguyễn Thanh Hoan, Đức Ông Trần Văn Hoài,... đó là quỳ ở văn phòng, chứ không phải quỳ ở nơi công cộng. Những tín đồ quỳ nơi công cộng hôn nhẫn một cách trang nghiêm, trịnh trọng, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.

          Đức Ông Nguyễn Văn Phương thăm viếng quận Cam rất ngắn, chỉ 3 ngày nhưng Đức Ông đi thăm nhiều nơi, thăm nhà thờ Đức Mẹ La Vang, thành phố Santa Ana. Đức Ông vừa bước vào nhà thờ, lúc đó ngày thường không phải cuối tuần nhưng một nhóm giáo dân chiêm bái Đức Mẹ La Vang, vừa thấy Đức Ông Phương, họ đứng dậy đến gần Đức Ông, một nhóm người Mễ, Mỹ, Á Châu, họ quỳ xuống và lần lượt từng người, từng người hôn nhẫn Đức Ông Phương và cầu xin Đức Ông ban phép lành cho họ.

          Chúng tôi 6 người: 2 vợ chồng ông Phát, 2 vợ chồng Cường, Steven Bùi- quay phim và tôi. Có điều gì đó huyền bí mà mọi người không hiểu, không thể hiểu nổi: Đức Ông Phương đi đến đâu thì giáo dân quỳ đến đó, không phải vì Đức Ông đến từ Vatican, chúng tôi cũng từng đón tiếp nhiều vị đến từ Vatican, học ở Vatican, nhận chức vụ quan trọng ở khắp nơi trên thế giới, đâu thấy ai quỳ trước họ, nhưng khi Đức Ông Nguyễn Văn Phương đến thăm trung tâm Công giáo giáo phận Orange County, giáo dân người Việt Nam cũng quỳ từ hành lang, không phải đợi đến lúc chúng tôi giới thiệu:

          - Thưa, đây là Đức Ông Nguyễn Văn Phương đến từ Vatican.

(Giáo dân quỳ trước khi chúng tôi giới thiệu đây là Đức Ông Nguyễn Văn Phương.)

          Đức Ông Nguyễn Văn Phương làm lễ ở trung tâm Công giáo, giáo phận Orange County. Số người tham dự rất đông, người ngồi, người đứng khắp các cửa ra vào, parking thì không còn chỗ đậu xe. Chúng tôi đưa Đức Ông đến sớm hơn giờ hành lễ để Đức Ông thăm viếng giáo dân. Sau đó, Đức Ông thăm Đức Ông Nguyễn Đức Tiến và linh mục Đỗ Thanh Hà, nhà ở Fountain Valley. Có nhiều điều mà chúng tôi không biết, cha Đỗ Thanh Hà và Đức Ông Phương đã quen nhau hơn nửa thế kỷ ở Vatican. Khi linh mục Đỗ Thanh Hà học xong chuẩn bị về Việt Nam thì linh mục Nguyễn Văn Phương đến Vatican du học, hai người đã quen nhau dạo đó, nên hai vị gặp nhau nói chuyện vui như pháo nổ.

           Chúng tôi, sinh viên của nhiều trường đại học ở California state, làm việc với linh mục Đỗ Thanh Hà, chủ tịch ủy ban Tôn Giáo, đi biểu tình liên tục chống Cộng. Ở Việt Nam, đồng bào bị bắt bớ, giam cầm là chúng tôi đi biểu tình. Làm việc thường xuyên với cha Đỗ Thanh Hà mà không biết cha du học từ Vatican, chỉ biết cha tị nạn như chúng tôi.

          Linh mục Đỗ Thanh Hà hiền lành, cười nhiều hơn nói. Cha là linh mục dấn thân, nơi nào có phái đoàn Việt Cộng đến là nơi đó có cha Hà dẫn sinh viên đi biểu tình. Hầu hết sinh viên dấn thân chống Cộng Sản đều thành công, người nào cũng công thành danh toại và rất có lý tưởng, tranh đấu cho một quê hương Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

          Địa điểm cuối cùng Đức Ông Nguyễn Văn Phương viếng thăm trước khi rời khỏi Orange County về lại Vatican là nhà dòng Chúa Cứu Thế ở Long Beach, cha Nguyễn Trường Luân mời. Cha Luân chữa bệnh bằng lời cầu nguyện. Hàng tuần, hàng trăm người đến nhà thờ cha Luân chữa bệnh. Nhiều người ở xa như ở các tiểu bang khác hay các quốc gia khác đến đây mướn khách sạn ở, để cuối tuần nhờ cha Luân chữa bệnh. Đức Ông Nguyễn Văn Phương vừa bước vào hành lang thì một phụ nữ đến chăm sóc vườn hoa cho nhà thờ đứng dậy ngay, bà định quỳ xuống ngay vườn hoa để bái tạ Đức Ông Phương. Bà nói với chúng tôi: Tôi là người Việt ở Lào sang đây định cư, bệnh quanh năm suốt tháng nhưng được cha Luân cứu nên tôi đến đây chăm sóc vườn hoa này để tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn cha Luân. Bây giờ thấy Đức Ông Phương hiền lành, huyền bí, tôi muốn lạy cha mặc dù tôi không có đạo Công giáo. Phụ nữ người Lào lớn tuổi vừa nói vừa cầm cây kéo to trên tay cắt từng cành hoa úa. Phái đoàn tháp tùng Đức Ông Nguyễn Văn Phương thăm viếng nhiều nơi, nơi nào cũng gặp người quỳ, chúng tôi không hiểu nổi?

          Bây giờ, Đức Ông Nguyễn Văn Phương đã hưu trí, về Việt Nam dạy học và làm từ thiện. Thỉnh thoảng chúng tôi gọi thăm ngài, ngài rất hiếu thảo với cha mẹ. Tôi quen với một dì phước, mẹ bề trên của dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Vĩnh Long, đến nhà dòng của dì. Có lần tôi hỏi dì bảy Phụng (tên thật là Nguyễn Thị Phụng):

          - Dì bảy ơi, có một linh mục giống dì lắm, ở Vatican.

          Mẹ bề trên trả lời:

          - Đức Ông Nguyễn Văn Phương là anh ruột của tôi, anh thứ năm, tôi thứ bảy.

          - Ở nhà có hai người đi tu, phước đức, phước đức quá.

          Mẹ bề trên Nguyễn Thị Phụng cũng đã hưu trí, nhưng còn sức khỏe vẫn còn làm việc không ngừng nghỉ ở các tỉnh miền Tây.

          Ở văn phòng của tôi, có hai người trẻ thương nhau nhưng chưa cưới. Dì bảy để tay của hai người lên nhau và chúc lành. Dì nói họ sẽ thành một gia đình hạnh phúc. Bây giờ, họ đã cưới nhau và có 3 đứa con, có cơ sở thương mại, nhất là có 3 viện dưỡng lão giúp người già.

          Ở đời không thể giải thích được sự mầu nhiệm thường xảy ra ở khắp nơi, ở trên trái đất này. Có tin mới có lành. Lúc nào tôi cũng có niềm tin mãnh liệt vào đấng Tối Cao, yêu người, yêu đời mà sống, vui vẻ mà sống dù gặp khó khăn. Ngày xưa, vượt biên lênh đênh trên biển cả, đói khát không có thức ăn, sóng biển lớn, nước vào thuyền, mọi người cầu nguyền một cách thành khẩn theo tôn giáo của mình. Dù mọi người kêu cứu, gào thét, những chiếc thuyền đi qua không ngừng lại, thản nhiên, lạnh lùng mà vượt qua tàu của chúng tôi. 49 mạng người tuyệt vọng, chờ đợi phép màu, thì tàu Mỹ ngừng lại cứu chúng tôi, bồng từng người sang tàu lớn vì lúc đó mọi người ướt như chuột lột, hơi tàn lực kiệt không còn đủ sức để bước sang tàu lớn. Sự mầu nhiệm của Phật, của Chúa đã cứu chúng tôi.

          Vậy dịch cúm Covid-19 đâu có gì phải sợ hãi. Tập thể dục hàng ngày, ăn uống đầy đủ, đứng xa bất cứ người nào dù là bằng hữu, không đến chỗ đông người nếu không cần thiết. Lạc quan mà sống, thanh thản mà sống, vui vẻ mà sống.

          Nhờ làm nghề truyền thông mà tôi được nhiều cơ hội gặp mọi người, từ anh lính đến Đại tướng, từ người dân đến Tổng Thống, từ một người giáo dân đến Đức Hồng Y,... Đi đến đâu, tôi cũng được giúp đỡ một cách tận tình để được phỏng vấn.

          Tôi phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới và tôi được cử đi làm phóng sự, thuyết trình, gồm có: Tổng Thống Gerald Rudolph Ford, bộ trưởng Elizabeth Dole, Tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich Gorbachev. Tổng Thống Nga nói sở dĩ nước Nga có tự do, nhờ ông và Tổng Thống George W. Bush làm việc ròng rã suốt 10 năm, thường họp ở Canada. Ông cho biết ông tham gia chánh trị lúc 18 tuổi nhưng chỉ một lần thất bại. Ông bị bắt giam gần bờ biển, chiều chiều nghe tiếng sóng vỗ và nhìn lên núi, ông nhất định phải trở lại chính trường và phải làm Tổng Thống. Khuôn mặt ông rất lạnh, ông có bằng Tiến sĩ toán, cô con gái đi theo ông khuôn mặt cũng rất lạnh. Tôi gặp Tổng Thống Nga hai lần, một lần ở Anaheim. Truyền thông có chỗ ngồi riêng, gần sân khấu, an ninh cho từng ngượi truyền thông rất kỹ, cẩn thận không kém gì lúc tôi gặp Tổng Thống Ron Reagon ở Anaheim hồi mới sang định cư ở Mỹ, mấy năm đó tôi đang làm báo cho Mỹ.

          Làm bất cứ việc gì, nhất là làm truyền thông, đi đâu cũng phải chuẩn bị rất kỹ. Ở quận Cam thì ai cũng biết mình như Giám Sát, tòa án, thị trưởng, dân biểu tiểu bang, liên bang hay nghị sĩ, Thống Đốc,... nhưng than ôi, đến một hội nghị quốc tế thì phải chuẩn bị kỹ hơn, dù trong danh sách báo chí đã có tên trong buổi họp. Dù làm báo nhưng tôi không có thẻ báo chí. Buổi tối, tôi đến tòa soạn, tôi nói với ông Nguyễn Thiện Cơ, một trong những người đầu não của tờ báo, tôi nói:

          - Ngày mai đi tham dự buổi họp quan trọng mà bây giờ không có thẻ báo chí, làm sao tôi vào phòng họp?

          Ông Nguyễn Thiện Cơ rất giỏi về computer nói ngay:

          - Tôi sẽ làm cho chị thẻ ký giả ngay từ bây giờ.

          Tôi nhớ lúc đó gần 10 giờ tối, báo chưa đưa đến nhà in, anh chị em ký giả người nào cũng làm việc. Tòa soạn không có một tiếng động, ai cũng cặm cụi làm việc, nếu trễ nhà in không nhận. Ông Cơ lấy máy chụp lia lịa hình tôi rồi cho in ngay thẻ ký giả trong máy computer, hình coi cũng được.

          Không hiểu sao suốt ngày làm việc tối tăm mặt mũi mà tối tôi còn cười được cũng lạ. Rồi hình đó để kỷ niệm, sau này tôi in vào business card dùng cho đến bây giờ, đó cũng là kỷ niệm từ năm 1993. Một tấm hình 27 năm vẫn còn dùng, âu cũng là kỷ niệm đẹp.

          Tổng Thống Nga nói tiếng Nga có người thông dịch. Tôi đặt câu hỏi như sau:

          - Thưa Tổng Thống, bao giờ Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền thật sự?

          Tổng Thống Nga trả lời:

          - Bao giờ Trung Quốc có Tự Do thì Việt Nam có Tự Do.

          Trong giới truyền thông có chừng 15 người, tôi là người Việt Nam duy nhất.

          Tổng Thống Nga nói tiếng Nga, nhưng khi Tổng Thống Gerald R. Ford đặt câu hỏi thì Tổng Thống Nga trả lời bằng tiếng Anh.

          Trong một đoàn truyền hình ngồi dưới sân khấu, gần sát diễn giả quan trọng cho nên an ninh rất kỹ, không được đi tới đi lui, chỗ nào ở chỗ đó. Bà Elizabeth Dole được nhiều người yêu thương. Bà đẹp, quý phái, sang trọng, giọng nói nhẹ nhàng. Sau hồi các diễn giả thuyết trình thì đến giờ ăn trưa.Tôi được xếp cùng bàn với bà Elizabeth Dole, thật là một vinh dự cho tôi, tôi tha hồ đặt nhiều câu hỏi với bà trong lúc ăn. Thật ra ký giả đến nơi nào cũng đói vì lo làm việc hơn là ăn. Thì giờ quý lắm, gặp người giỏi là cơ hội may mắn, đâu ai để ý đến ăn mà chỉ làm việc và làm việc. Hôm gặp người từ các tiểu bang về tham dự hội nghị, mà rất tiếc ký giả Việt Nam không nhiều, đi đâu cũng chỉ thấy có một mình. Tôi bao giờ cũng mơ ước phải chi có nhiều ký giả Việt Nam tham dự thì tốt hơn.

          Lần thứ nhì tôi gặp lại Tổng Thống Nga ở Nhà Thờ Kiếng cũng ở Anaheim. Người Mỹ gốc Nga đến chúc mừng Tổng Thống Nga ở chỗ đậu xe rất đông. Họ giăng biểu ngữ để chúc mừng Ngài đến Hoa Kỳ. An ninh cũng dày đặc, bảo vệ yếu nhân mà.

          Lần thứ hai cũng như lần thứ nhất, cựu Tổng Thống Nga Mikhail S. Gorbachev rất quan tâm đến an ninh của thế giới. Lần thứ hai gặp ông trong nhà thờ, ông có vẻ mộ đạo. Khi cầu nguyện, đầu ông cúi xuống trước tượng Chúa làm nhiều người ngạc nhiên: Vì sao một lãnh tụ Cộng Sản mà có vẻ mộ đạo khi mọi người đọc kinh cầu cho hòa bình thế giới?

          Mong thế giới đừng có chiến tranh điêu tàn, đừng có người chết hàng loạt vì bom đạn. Hòa bình, hòa bình, hòa bình, mọi người yên vui sống trong hạnh phúc. Hòa bình trong trái tim của mọi người.

 

Orange County, 29/10/2020

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

 

 

x HÌNH CHO BAI KIEU MY DUYEN-1

x HÌNH CHO BAI KIEU MY DUYEN-2

x HÌNH CHO BAI KIEU MY DUYEN-3

x HÌNH CHO BAI KIEU MY DUYEN-5

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bạo lực hung tàn sẽ không bao giờ chế ngự được niềm khao khát căn bản nhất của con người là có được tự do
Thượng tọa Thích Không Tánh tường trình việc Cứu trợ Dân Oan, Nạn nhân cầu Cần Thơ và nạn nhân bão lụt Kekina
Năm 2004, Viện thăm dò dư luận Galớp của Mỹ có thăm dò nhận xét của người dân Mỹ về xã hội Mỹ; kết qủa hơn 70% trong số gần 100 triệu người được hỏi
Là người dân Việt nam, không một ai trong đất nước không biết đến những anh Pha, Chị Dậu, Chí Phèo..., những nạn nhân của chế độ thực dân Pháp ngày xưa
Trong chuyến thăm viếng Bắc Hàn vừa qua của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, dường như lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn có nêu ý kiến là Bắc Hàn
Tháng 11 là tháng Tạ Ơn của người Hoa Kỳ để cám ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta sự sống
Gần đây người ta khám phá một loại cây thường được gọi là “cây phép lạ - miracle tree”
Ngày 30/10/2007 vừa qua, tôi công bố bài viết về việc có một vài người ở cơ quan tôi đã có hành động xấu đối với tôi
Lữ Đoàn 3, còn có tên gọi là Airrowhead Stryker, thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã tổ chức buổi lễ trở về của Lữ Đoàn  hôm 11/10/ 07
Sau đây là thư ngỏ của cô Nguyễn Thanh Nhiên gửi phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới CSVN Nguyễn Như Phong.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.