Hôm nay,  

Một Trung Quốc Hiếu Chiến Hơn Bao Giờ

02/10/202000:00:00(Xem: 3194)

 

Mot TQ Hieu Chien Hon Bao Gio 01

Hải quân Trung Quốc đang thao diễn tại biển Đông Hoa, 5/2019. (Ảnh Reuters)


Mấy tháng qua từ khi đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, theo nhận xét chung của giới quan sát chính trị quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay thay vì hiểu biết và trở nên hòa hoãn với các quốc gia khác trên thế giới thì họ lại có thái độ trái ngược đáng ngạc nhiên là càng lúc càng hung hăng. Họ lớn tiếng khoe khoang thành tích ưu việt của hệ thống cai trị và điều hành quốc gia trong trận chiến chống vi khuẩn mới Corona; họ tung ra thuyết âm mưu quy kết chính Hoa Kỳ là quốc gia gây nên trận đại dịch mà con số tử vong trên thế giới đã lên đến mức khủng khiếp không ai tiên đoán nổi, và có thể bùng nổ đợt hai vào những ngày sắp tới; họ theo đuổi chính sách ngoại giao “wolf warrior / chiến sĩ sói,” bằng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, công kích thành quả yếu kém của Hoa Kỳ và thế giới vì đã không có những phương án hiệu quả thanh trừ chứng dịch bệnh nguy hiểm; họ gia tăng cường độ tập trận trên biển Nam Hoa gần những hòn đảo nhân tạo cưỡng chiếm từ các quốc gia khác trong vùng; họ gây hấn và tạo những cuộc giao tranh nhỏ với Ấn Độ tại vùng biên giới núi cao giữa hai quốc gia khiến cả chục quân nhân Ấn thiệt mạng (và chắc chắn một số không nhỏ quân nhân phía họ). Và, mặc dù phản ứng của thế giới là khá gay gắt – Quốc hội Hoa Kỳ bỏ phiếu thuận sắc luật trừng phạt kinh tế – nhưng họ vẫn ban hành luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hong Kong.
 
Tất cả cho thấy một Trung Quốc ngày nay hiếu chiến hơn bao giờ.
 
Ngược dòng lịch sử, sau những thất bại to lớn của Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông chủ động thúc đẩy, Trung Quốc cuối thập niên 70 lâm vào tình trạng “không cải cách thì chết,” mà chính các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lúc đó cũng phải công nhận. Sau khi Mao qua đời, trong cương vị “Tổng thiết kế sư,” Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan và táo bạo thực hiện những thay đổi sâu rộng từ thôn quê đến thành thị dựa trên tám chữ “đối nội cải cách, đối ngoại mở cửa” để cứu nguy. Không tròn 40 năm sau, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành một siêu cường kinh tế, quân sự trên thế giới và điều tất yếu xảy ra là Trung Quốc tìm kiếm mọi cách hòng thay thế Hoa Kỳ như một quốc gia kinh tế hàng đầu với tất cả những tiến bộ sản xuất, khoa học, kỹ thuật. Tham vọng trước mắt trong vòng hai, ba mươi năm tới của Trung Quốc là trở thành quốc gia bá chủ toàn vùng Đông Á, và muốn được như thế, họ phải đẩy lui Hoa Kỳ về vùng biển phía đông quần đảo Hawaii.
 
Theo đại kế hoạch của Lưu Hoa Thanh thì Trung Quốc sẽ đi những bước tiệm tiến để đạt mục tiêu đó. Gần đây Bắc Kinh bắt đầu gia tăng nỗ lực khai thác những kẽ hở của các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới hầu gây ảnh hưởng lên chính sách của những quốc gia này theo đường hướng có lợi cho mình. Đường dài, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh hy vọng họ có thể gây chia rẽ, tạo xáo trộn làm suy yếu các nền dân chủ, đồng thời phô trương tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, để các quốc gia này từ bỏ liên minh với Hoa Kỳ, hay cao lắm, chỉ còn là một liên minh lỏng lẻo, yếu ớt.
 
Ít nhất đó là giấc mơ của Tập Cận Bình. Nhưng mơ là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Hiển nhiên, Trung Quốc ngày nay mạnh lên rất nhiều, cả mặt kinh tế lẫn quân sự, so với thời của Mao cách đây nửa thế kỷ, nhưng không phải vì thế mà Trung Quốc không có những điểm yếu như: nền kinh tế bắt đầu chậm lại; một dân số già nua; và một hệ thống cai trị dựa trên nghị quyết của Trung ương Đảng chứ không phải sự đồng thuận tự do của nhân dân. Những nhược điểm này sẽ gây khó khăn không ít cho những kế hoạch của tập đoàn lãnh đạo, và có thể không cho họ thực hiện sách lược khống chế Hoa Kỳ và toàn cầu theo ý muốn một cách dễ dàng.
 
Tuy vậy, thật thiếu khôn ngoan nếu Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh không cảnh giác trước thái độ hung hăng của Trung Quốc hiện nay. Theo nhận định chung của giới quan sát quốc tế thì họ phải cứng rắn hơn nữa trong những vụ va chạm hàng hải, phải bảo vệ hơn nữa nền kinh tế quốc gia, và phải đề xuất những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lũng đoạn của Trung Quốc vào hệ thống xã hội, chính trị của họ.
 
Thuần túy phòng ngự ở thế thủ sẽ không đủ để chống đỡ mối hiểm họa. Một sách lược hiệu quả phải bao gồm cả thế công lẫn thế thủ; thay vì chỉ phản ứng một cách thụ động hoặc đem sức mạnh tương đương ra chống đỡ, cần điều nghiên để tìm ra và khai thác những nhược điểm của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Biện pháp thủ chỉ hiệu quả nếu kẻ địch yếu hơn nhiều, nó sẽ không thành công khi đối phó với một kẻ địch mạnh và hung hăng như Trung Quốc.
 
Người ta có thể hiểu tại sao Trung Quốc ngày nay trở nên hung hăng hơn bao giờ. Tập Cận Bình hành động như thế bởi ông ta nhận ra tình trạng khẩn trương. Hơn ai hết, Tập biết rõ những vấn nạn Trung Quốc đang phải đối phó. Các chiến lược gia ĐCSTQ từ lâu đã nhận thức rằng sức mạnh của Trung Quốc sớm muộn sẽ bị các quốc gia khác phản trọng, tìm cách quân bình trên nhiều bình diện. Nếu việc đó xảy ra quá sớm, Trung Quốc sẽ mất cả thị trường lẫn kỹ thuật cao từ Tây phương, cả hai địa hạt đều góp phần chủ yếu tạo thành sức mạnh của Trung Quốc. Nhưng với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay, strong-man Tập Cận Bình chủ trương bành trướng nhanh và mạnh. (Chính sách đối nội cũng như đối ngoại những năm gần đây của Trung Quốc đều mang dấu ấn của Tập, chỉ Tập mà thôi.) Gần biên giới nhà hơn, Bắc Kinh áp dụng chiến lược “chống xâm nhập/ ngăn vùng” [1], đồng thời tăng cường khả năng võ khí nguyên tử nhằm mục đích làm suy yếu tiềm năng bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ trong vùng khiến liên minh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia tự do dân chủ ở Á Đông bị đe dọa. Nhưng càng xa biên thùy, khả năng quân sự của Trung Quốc càng giới hạn, và họ phải sử dụng đến lá bài kinh tế, ngoại giao, chính trị.

Mot TQ Hieu Chien Hon Bao Gio 03 (1)

TQ xây dựng các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới để bành trướng ý thức hệ của họ.


Đối với những quốc gia kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới, Trung Quốc muốn giữ nguyên hiện trạng càng lâu càng tốt, bởi họ xem đó là lợi thế hơn cho họ. Họ tìm cách thuyết phục các quốc gia này không áp dụng những chính sách cứng rắn đối với họ bằng cách cho thấy lợi ích của sự hợp tác kinh tế, phương án ngăn chặn tình trạng toàn cầu nóng dần, phòng ngừa dịch bệnh, v.v. Và, sự tai hại khôn lường nếu thế giới lâm vào một Chiến tranh Lạnh khác.
 
Với sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ, một mạng lưới khổng lồ bao gồm những dự án đường sá, cảng biển trải dài suốt Á Châu sang tận Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ Châu, Trung Quốc muốn vươn cánh tay dài để khống chế tài nguyên, thị trường, và đặt căn cứ quân sự tại những nơi hiểm yếu. Trung Quốc ngày nay không che giấu tham vọng bành trướng của mình. Trước đây họ còn e ngại, không dám cạnh tranh về ý thức hệ với Tây phương, nhưng nay họ đã để rõ ý đồ: họ bỏ ra cả tỉ Mỹ kim đánh bóng tính ưu việt của mô hình Trung Quốc – chính trị độc tài song hành với nền kinh tế mang màu sắc Trung Quốc, nửa thị trường nửa hoạch định – hầu lôi kéo các quốc gia kém mở mang vào quỹ đạo của mình. Phương châm thốt ra từ miệng Tập Cận Bình là: “Đẩy mạnh phát triển trong lúc duy trì độc lập.”
 
Trung Quốc nhắm vào các quốc gia đang phát triển, thu phục các quốc gia này vào vòng ảnh hưởng của mình, tạo thế tương tranh với Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Sách lược ấy chẳng nằm đâu xa, nó chính là mưu lược của Mao Trạch Đông lấy nông thôn bao vây thành thị trong cuộc chiến Quốc-Cộng mà cuối cùng ông ta chiến thắng. Với khối Tây phương đang trên đà suy thoái, thậm chí khủng hoảng ở nhiều bình diện, mà Hoa Kỳ là tâm điểm, Tập hy vọng mưu lược này sẽ đem thắng lợi về cho Trung Quốc.
 
Tây phương sẽ phải trả giá rất đắt nếu vẫn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc dựa trên tinh thần và quan hệ “cạnh tranh có trách nhiệm,” “hợp tác trong lúc cạnh tranh,” mà họ theo đuổi từ bấy lâu nay, từ thời Tổng thống Bill Clinton. Một phần vì tham lợi. Với một thị trường khổng lồ 1,4 tỉ dân số, thế giới đã đổ vào Trung Quốc một nguồn đầu tư lớn chưa từng thấy trong lịch sử, với hy vọng Trung Quốc giàu có lên sẽ thực hiện những cải cách chính trị, xã hội, cho gần với Tây phương hơn. Sự thật sau mấy mươi năm cho thấy cái wishful thinking của Tây phương ngày nay vẫn là wishful thinking, không hơn không kém.
 
Tây phương sẽ phải sửa đổi quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là sau khi nhận thức rất rõ cung cách và tâm địa trá ngụy của Trung Quốc trong trận đại dịch COVID-19 năm 2020.
 
Ai cũng thấy một sách lược có thể đem lại thành công cho Hoa Kỳ là duy trì cán cân lực lượng tại vùng biển Ấn-Độ-Thái-Bình-Dương sao cho sức mạnh nghiêng về phía mình nhiều hơn.   
 
Việc trước mắt của Trung Quốc là khống chế vùng biển từ Đông Hoa sang Nam Hoa đến tận eo biển Malacca đổ vào Ấn Độ Dương. Kể cả đảo Đài Loan, vốn Trung Quốc không bao giờ thừa nhận là một quốc gia độc lập, cũng nằm trong mưu đồ thôn tính. Một khi Hoa Kỳ bị đẩy ra khỏi miền biển đó, các quốc gia nhỏ trong vùng đều nằm trong quỹ đạo của mình, Trung Quốc sẽ rảnh tay đi chinh phục các miền đất khác.
 
Để đối phó với sách lược này, Hoa Kỳ sẽ phải tái bố trí bằng cách rút bớt lực lượng từ Trung Đông và Âu Châu để gia tăng tiềm lực Á Châu-Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực liên kết với đồng minh trong vùng (đặc biệt là Úc và Nhật Bản) và các thể chế dân chủ (trong đó Ấn Độ và Đài Loan là quan trọng nhất). Hoa Kỳ cũng sẽ phải đặt ưu tiên chế tạo vũ khí nhằm chống lại chiến lược “chống xâm nhập/ ngăn vùng” của Trung Quốc, như tên lửa quy ước tầm xa, máy bay không người lái, tàu ngầm…
Ở bình diện kinh tế, khối Tây phương sẽ phải thực hiện những thay đổi trong quan hệ đối tác dựa trên một tư duy mới. Trước hết, trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ không từ bỏ hành vi đi ăn cắp kỹ thuật cao của Tây phương. Họ vẫn tiếp tục bao cấp kỹ nghệ, và vẫn giới hạn, không cho nước ngoài xấm lấn rộng rãi thị trường nội địa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều mang trong đầu một tâm thức “con buôn.” Đối với họ, mục đích của phát triển kinh tế không phải là để người dân có đời sống sung túc, hạnh phúc hơn, mà chủ yếu là làm sao cho Đảng và nhà nước giàu mạnh, củng cố uy quyền. Thứ hai, bản chất của hệ thống cơ cấu và chủ thuyết của Trung Quốc là “hỗn-hợp-dân-quân-sự,” có nghĩa là bất cứ một công ty lớn nhỏ nào cũng có thể là công cụ của nhà nước. Và sau cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đối với thế giới, Trung Quốc không chỉ thuần túy là một quốc gia cạnh tranh kinh tế, mà còn là một nước thù địch về địa-chính-trị và ý thức hệ.
 
Trung Quốc ngày nay không còn là “xưởng máy khổng lồ cung cấp hàng hóa và dịch vụ, từ cái bàn chải đánh răng cho đến máy điện thoại di động, cho thế giới” nữa. Khả năng kỹ thuật của họ đã có những bước tiến nhảy vọt, nhất là ở lĩnh vực kỹ thuật cao. Tập đoàn công ty Hoa Vi chuyên chế tạo và sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, đặt đại bản doanh tại thành phố Thẩm Quyến, là một thí dụ điển hình. Từ một khởi đầu khiêm nhường, Hoa Vi ngày nay là một đại công ty với trên 180 ngàn nhân viên các cấp, dẫn đầu thế giới về công nghệ vô tuyến tiên tiến thế hệ thứ năm (thường gọi tắt là 5G). Trung Quốc cũng đã phóng phi thuyền lên thám hiểm mặt trăng, và thậm chí sao Hỏa. Chính quyền Trung Quốc hết sức khuyến khích con em họ học và tốt nghiệp các ngành khoa học. Mỗi năm các trường đại học cung cấp khoảng 3,5 triệu kỹ sư các ngành, so với khoảng 200 ngàn ở Mỹ. Tây phương sẽ phải thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật nhiều hơn nữa nếu muốn tiếp tục duy trì thế thượng phong.
 
Đồng thời các chế độ tự do dân chủ cũng phải bớt tùy thuộc vào Trung Quốc ở mặt chất liệu sản xuất quan trọng, phải sử dụng thuế khóa như một xúc tác để phần nào giảm thiểu chuỗi cung cấp từ Trung Quốc. Và nếu ĐCSTQ vẫn tiếp tục dùng ngoại thương như một vũ khí, thì Tây phương không có chọn lựa nào khác ngoài giới hạn thật sâu đậm mức độ tùy thuộc vào thị trường Trung Quốc.
 
Hoa Kỳ cũng sẽ phải tạm thời từ bỏ giấc mộng xây dựng một nền kinh tế toàn cầu, và thay vào đó, chỉ hợp tác với những quốc gia cùng một chính sách và tư duy, một hệ thống ngoại thương tự do dựa trên những nguyên lý giống nhau về sự cởi mở và hợp tác. Đây chính là phương cách hữu hiệu nhất nhằm phát triển ngoại thương giữa các chế độ tự do dân chủ và không cho Trung Quốc lợi dụng kẽ hở để trục lợi và gây rối loạn, bắt họ phải trả giá nếu có những hành động không tốt, và hy vọng với thời gian, tạo áp lực, thuyết phục họ thay đổi chính sách.
 
ĐCSTQ khai thác triệt để sự cởi mở trong các xã hội tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn luận, để tuyên truyền và tuồn vào thông tin ngụy tạo nhằm gây hoang mang, xáo trộn. Fake-news trong thời gian đại dịch COVID-19 cho ta thấy rõ hiện tượng này. Mặc dù vậy, những hành vi khác được che đậy một cách tinh tế hơn, chẳng hạn, khi cần ảnh hưởng chính quyền nước nào, họ cho thành lập những tổ hợp tư doanh hỗn hợp với nguồn lợi nghiêng về phía đối tác, họ thuê luật sư địa phương, vận động hành lang, và đóng góp tiền bạc thật hậu hĩnh vào những think-tank và trường đại học. Ở Mỹ hầu hết những hoạt động này đều hợp pháp, và ở chừng mực nào đó, nó là biểu hiện đáng ca ngợi của một xã hội tự do dân chủ.
 
Một chiến thuật Trung Quốc hay sử dụng, được họ gọi là “Mặt Trận Thống Nhất.” Khi cần xâm nhập một tổ chức hay tạo ảnh hưởng lên một nhân vật quan trọng nước ngoài nào, họ không bao giờ dùng đến quan chức nhà nước đương nhiệm mà chỉ gửi người dưới danh nghĩa tư nhân làm đối tác. Những hoạt động đó cần được theo dõi và hạn chế nếu bị xem là có bàn tay của nhà nước Trung Quốc đằng sau, nguy hại cho an ninh quốc gia. Một điều nên nhớ là ở Trung Quốc ngày nay, không hề có think-tank, đại học, báo chí, mạng xã hội, công ty, sáng hội độc lập nào. Tất cả là của nhà nước, làm việc theo chỉ đạo của nhà nước.
 
Đại dịch COVID-19 xuất phát từ tâm dịch thành phố Vũ Hán làm rúng động toàn thế giới, nhưng oái oăm thay, lại là cơ hội cho Trung Quốc vun cao ảnh hưởng của mình. Những quốc gia vay nợ Trung Quốc qua dự án Nhất Đới Nhất Lộ nay bị khánh kiệt vì nạn dịch, không thể hoàn trả tiền nợ, đành phải nhượng vật thể thế chấp gồm tài sản, tài nguyên quốc gia. Hoặc nếu không trả được bằng vật thể thì phải thương thảo lại hợp đồng, chịu nhiều thiệt thòi, và Trung Quốc sẽ nhân cơ hội tạo sức ép chính trị, ngoại giao để thu mối lợi về mình.
 
Để đối phó với một Trung Quốc càng ngày càng hung hăng, các quốc gia lân bang không thể ngồi im để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Ấn Độ có lẽ sẽ mời Úc tham gia tập hải chiến. Đây là cuộc tập trận tại vùng biển Thái-Bình-Ấn-Độ-Dương hằng năm gọi là Thao diễn Malabar, gồm có bốn quốc gia: Ấn Độ, Úc, Hoa Kỳ và Nhật Bản (thường được gọi là Quad Grouping/  Nhóm Bốn Nước), và là mối quan ngại hàng đầu cho Trung Quốc nếu liên minh này trở nên mạnh mẽ và quyết tâm ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc tại Đông và Nam Á châu. Những dấu hiệu gần đây cho thấy liên minh này rất có cơ hội tốt đẹp biến thành hiện thực.
 
Trung Quốc từ lâu sử dụng mưu lược “thái dồi” để đối đầu riêng rẽ với từng quốc gia một. Một liên minh như Quad Grouping ra đời sẽ tạo thành lực lượng đối trọng hiệu quả. Trở ngại cho Hoa Kỳ là Ấn Độ xưa nay vẫn duy trì vai trò trung lập trên trường chính trị thế giới, hơn nữa, vũ khí của họ phần nhiều là mua của Nga, và chế độ bảo hộ mậu dịch của Ấn cũng là một trở ngại lớn. Tuy vậy, sau xung đột đổ máu tại biên giới Ấn-Trung vừa qua, suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Ấn đã có chiều thay đổi. Lời tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Jaishankar mới đây “… thời đại cực kỳ cẩn trọng… đã qua, đã ở sau lưng chúng ta” cho mọi người hy vọng Ấn Độ sẽ tiến lại gần Hoa Kỳ và các đồng minh khác trong trận chiến mới này.
 
Các quốc gia nhỏ trong vùng cũng có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Có tin Việt Nam đang lập hồ sơ lên Tòa án Trọng tài Le Hague khởi kiện Trung Quốc. Các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia và Philippines cũng gấp rút tăng cường lực lượng hải quân để bảo vệ lãnh hải. Vân vân. Tuy thế, theo nhận định chung thì sẽ khó đi đến một liên minh quân sự chặt chẽ giữa các quốc gia này nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Sự mâu thuẫn giữa các quốc gia và những ràng buộc kinh tế với Trung Quốc sẽ không cho phép họ tạo thành một thế mạnh. Trung Quốc dễ dàng sử dụng những biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao để lung lạc các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bài học lịch sử từ 2.300 năm trước của nước Trung Hoa cổ đại, có lẽ không nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc không thuộc nằm lòng. Vào thời Chiến Quốc, để đánh đổ thế hợp tung sáu nước của Tô Tần nhằm chống lại nước Tần, nhà Tần đã sử dụng thế liên hoành của Trương Nghi bằng cách khai thác những mâu thuẫn của sáu nước kia, và cuối cùng nhà Tần chiến thắng.
 
Khai thác mâu thuẫn của phe địch, đem lợi ích kinh tế làm mồi nhử cùng những thủ đoạn chính trị, ngoại giao thâm độc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng chiêu bài này rất thuần thục. Mới đây Washington đưa ra một tuyên cáo ngỏ ý muốn đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ các quốc gia này. Hiển nhiên họ không muốn bị lôi kéo vào Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung. Nhìn rõ thực trạng đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mỉa mai gọi các vận động của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là “… con kiến rung cây.” Malaysia và Indonesia là hai quốc gia Hồi giáo, cũng bị Trung Quốc đe dọa, nhưng trước sau họ đã hoàn toàn im lặng trước thảm trạng Trung Quốc ngược đãi dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mot TQ Hieu Chien Hon Bao Gio 03 (2)

Hoa Kỳ và  TQ đang có nhiều căng thẳng.

 
Hiện tại Hoa Kỳ không ở vị thế thượng phong để chống lại thái độ hiếu chiến của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump có công lái chính sách quan hệ Mỹ-Trung theo chiều hướng thực tiễn hơn, nhưng gần bốn năm qua Trump cũng đấu đá gay gắt với các đồng minh của mình đến nỗi không ai thèm lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vi phạm nhân quyền. Trong tình trạng đó, Hoa Kỳ sẽ không có điều kiện lãnh đạo các nỗ lực chống Trung Quốc. Thêm nữa, Trump dùng lá bài chống Trung Quốc làm tâm điểm cho lập trường tranh cử, đổ thừa Trung Quốc tất cả những thất lợi quốc gia do đại dịch COVID-19 đem đến, khiến những dự án song phương ban đầu trong Quốc hội mau chóng tan rã.
 
Điều khá khôi hài là hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ hiện nay đang chỉ ngón tay trỏ vào nhau, phe này chỉ trích phe kia là quá yếu mềm đối với Trung Quốc. Nhưng từ đó ta có thể hy vọng là trong một tương lai gần sẽ hình thành một chính sách chung cứng rắn hơn để đối phó với hiện trạng không mấy tốt đẹp. Nếu Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đồng lòng tận lực trong trận chiến chống Trung Quốc bành trướng, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể sẽ nghĩ lại, và bị buộc phải đổi hướng đi. Bằng không, họ sẽ vững tin là con buồm họ có gió cả từ sau thổi tới, và họ sẽ ung dung tiếp tục con đường bá quyền do họ chọn lựa.
 
Ông Steve Tsang, trưởng khoa Trung hoa học tại Học viện Á-Phi tại London, bảo va chạm giữa Trung Quốc và các chế độ tự do dân chủ càng ngày càng giống Chiến tranh Lạnh Mỹ-Liên Xô trước đây, nó là va chạm giữa dân chủ và độc tài. Nhưng nhìn vào tương lai sắp tới, người ta không thấy một giải pháp tốt đẹp nào, và cho đến khi các chế độ tự do dân chủ thực sự đoàn kết, Trung Quốc thực sự thay đổi, hiện trạng đó sẽ không đổi khác bao nhiêu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.