Hôm nay,  

Chú Cuội Thời Nay

20/09/202013:27:00(Xem: 3378)

cuoi 1.jpg

 

  Nhân dịp lễ trung thu sắp đến xin kể câu chuyện “Chú Cuội Ngồi Gốc Cây Đa” đã được một cô giáo ở trường tiểu học kể cho đám học trò nghe cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngày xa xưa đó tại một làng quê có một chàng trai trẻ, mồ côi cha lẫn mẹ, sống đơn độc trong ngôi nhà nhỏ lợp lá. Dân trong làng không biết tên chàng trai, nhưng gọi hắn là Cuội. Từ nhỏ cho đến lớn Cuội là một đứa trẻ láu lỉnh, lừa đảo, nghịch ngợm, thường phá làng phá xóm, như giết chó trộm gà, bẻ cây vặt lá, gây sự với mọi người, nhất là Cuội ăn gian nói dối không ai bằng. Riết rồi dân trong làng không ai muốn chơi với Cuội. Kế bên nhà Cuội có một một cây đa và người ta thường thấy Cuội ngồi buồn thiu dưới tàng cây đó. Một hôm trong đầu Cuội tóe ra ý nghĩ, và để rồi trong đêm tối dân trong làng đang say sưa yên ngủ sau một ngày làm việc đồng áng mệt nhọc, bỗng nghe tiếng Cuội la thất thanh:

  “Nhà cháy, nhà cháy, bà con láng giềng ơi!”

Đang mơ mơ màng màng trong giấc nồng, mọi người giật mình tỉnh giấc khi nghe hai tiếng “Nhà Cháy”, vội vã chạy ra, trên tay cầm chậu nước để tạt vào đám lửa. Nhưng không có nhà nào cháy cả, mọi người chỉ thấy nụ cười hăng hắc, khoái chí trên môi Cuội. Ai cũng tức giận Cuội và thầm rủa Cuội là đồ dối trá, lừa đảo. Rồi cách khoảng một thời gian không lâu Cuội lại tái diễn màn “Nhà Cháy” giống như trước, dân làng bị phá giấc ngủ, nhảy nhanh ra khỏi giường, trên tay cầm chậu nước bước ra chữa cháy. Một lần nữa Cuội mỉm cười đắc thắng vì đã lừa gạt dân làng, chẳng có một ngôi nhà nào cháy, mà chỉ cháy ầm ĩ sự giận dữ trong lòng dân trước sự gian manh và lừa dối của Cuội. Nhưng trời bất dung gian, trong đêm rằm trăng tròn, nhà Cuội bỗng bốc cháy. Cuội hớt hải chạy ra khỏi nhà và la lớn cầu cứu:

“ Nhà tôi cháy, nhà tôi cháy. Xin bà con giúp cho”!

Nghe tiếng la inh ỏi cầu cứu của Cuội, dân trong làng vẫn bất động nằm im trên giường và ngủ tiếp, không ai muốn bị Cuội lừa phỉnh mãi. Vì thế ngôi nhà Cuội bị cháy tan tành, rồi cháy lan ra đến cây đa. Gió chợt thổi mạnh và thổi bay gốc cây đa, Cuội sợ hãi mất cây đa thì ai làm bạn với Cuội, nên vội ôm chặt cây đa và cây đa bay thẳng lên cung trăng vào ngày rằm trăng tròn.

     Kể xong câu truyện trên, cô giáo tiểu học mới kết luận: “Các trò sau nầy lớn lên đừng nên bắt  chước tính nói láo của Cuội nhé, bởi vì không một người nào tin tưởng lời nói của những người nói láo”.

     Trong Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thiện Hoa đã ghi: “Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm điều răn ấy là: 

       - Không được giết hại 

       - Không được trộm cướp 

       - Không được tà dâm 

       - Không được nói dối 

       - Không được uống ruợu

 

      Chúng ta thường thấy có nhiều bài kinh về thiện ác, về sự lừa đảo và nói dối trong Đại Tạng King của Nam tông Nikaya do Hòa Thượng Minh Châu dịch và trong các bộ A Hàm của Bắc tông do thầy Tuệ Sỹ dịch.

  Trong Tương Ưng Bộ kinh phần Bát Chánh Đạo, chánh ngữ được định nghĩa là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác và từ bỏ nói lời phù phiếm. Chúng ta cũng biết lời Phật dạy trong thập nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: nói dối; nói lời ác ý; nói lời hai lưỡi và nói lời thêu dệt.

  Còn trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật giảng 5 yếu tố của một lời nói thiện lành như sau:

"Thành tựu năm chi phần, này các Tỳ-khưu, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những bậc Hiền trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời lợi ích, nói với từ tâm".

  Hòa Thượng Tuyên Hóa cũng đã đặt ra sáu tông chỉ cho người phật tử muốn tu đạo. Đó là không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi và không nói dối.

  Trong Trung Bộ Kinh số 61 Kinh Giáo Giới La Hầu La của Hòa Thượng Minh Châu, Đức Thế Tôn đã dạy La Hầu La về sự nói dối. Lý do Đức Thế Tôn nói bài kinh nầy bởi vì lúc ấy La Hầu La là đứa bé mới lên 7 tuổi và thường nói dối. Vì vậy sau một ngày đi thiền hành trở về tịnh xá, Đức Thế Tôn bảo La Hầu La mang chậu nước cho Ngài rửa chân. Sau khi rửa chân xong, Đức Thế Tôn chỉ chậu nước, rồi hỏi La Hầu La:

“ La Hầu La, nước trong chậu uống được không?”

“ Bạch Thế Tôn, nước trong chậu không thể uống được”

“ La Hầu La, nói ta nghe tại sao nước trong chậu không thể uống được?”

“ Bạch Thế Tôn, bởi nước trong chậu đã dơ bẩn rồi”

Lúc ấy Đức Thế Tôn mới nghiêm mặt nói:

“ Miệng con hay nói láo cũng dơ bẩn như nước trong chậu nầy vậy. Không ai tin lời con nói, cũng như không ai muốn uống thứ nước bẩn đục nầy ”

Sau đó Đức Thế Tôn chỉ chậu nước rồi hỏi La Hầu La:

“ Con có thể đựng cơm trong chậu nầy mà ăn được không?”

“ Bạch Thế Tôn, con không thể ăn cơm đựng trong chậu nước nầy, bởi vì cái chậu nầy đã dơ bẩn rồi”

    Nghe La Hầu La trả lời như thế, Đức Thế Tôn nghiêm trang dạy đứa con:

“ Cũng vậy, một người hay nói lời dối trá cũng vô ích như cái chậu nước nầy vậy. Không ai muốn gần gũi, kết bạn với một kẻ thường nói láo, lừa đảo mọi người”

Nói xong Đức Thế Tôn cất giọng hỏi La Hầu La:

“ Con có cảm thấy tiếc nuối nếu cái chậu nước nầy bị bể đi hay không?”

“ Dạ thưa không”

“ Nói ta nghe tại sao?”

“ Bạch Thế Tôn, bởi vì cái chậu nầy đã nhơ nhớp, dơ bẩn rồi”

Nghe đứa con yêu quí trả lời như thế, bằng giọng cứng rắn Đức Thế Tôn răn dạy La Hầu La:

“ Không ai thương tiếc cái chậu bể nát nầy, cũng như không ai kính trọng và yêu mến một kẻ thường hay nói láo”.

 

  Cũng trong Tăng Chi Bộ kinh Đức Thế Tôn nói có ba hạng người có mặt và xuất hiện ở đời.

1 - Hạng người nói như PHÂN. Đó là hạng người nói không đúng sự thật, thường nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác ngữ, khiến bẩn tai người nghe. 

2 - Hạng người nói như HOA. Đó là hạng người nói đúng sự thật, không nói dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, khiến ấm lòng người nghe.

3 - Hạng người nói như MẬT. Đó là hạng người không những nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, mà còn hay nói những lời lợi ích, nói những lời chính trực, nói những lời từ tâm, nói những lời nhân ái, khiến gieo vào lòng người nghe sự yêu thích, mến mộ và kính trọng.

 

   Qua các bài kinh vừa viện dẫn cho thấy nói dối là một giới luật căn bản mà một người phật tử phải nên nghiêm mật tu trì. Cho nên chúng ta thường nghe nói tu được cái miệng là tu được nửa đời người. Hoặc đã nghe câu “Bệnh tùng khẩu nhập; Họa tùng khẩu xuất”, tức là bị bệnh tật do sự ăn uống không lành mạnh và tai họa ập đến là do lời nói bông lung, dối trá, không thật. Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Sở dĩ một người thường hay nói dối là họ muốn đạt được mục đích hay cứu cánh cho tư lợi riêng; họặc họ lo sợ hậu quả khi nói ra sự thật, người đời thấy được trình độ kém cỏi và ngu ngơ của mình; hoặc họ muốn phóng đại thành tích có được khác với thực tại. Từ lời nói dối ban đầu dẫn đến chuổi dài lời nói dối tiếp theo, để rồi về sau trở thành căn bệnh nói dối đến quen miệng không còn biết xấu hổ khi thốt ra lời dối trá.  

 

    Cách đây không lâu có một bạn đạo gọi phone cho người viết và bảo hãy nhớ bỏ phiếu cho Tông Tông. Dưới đây là mẫu đối thoại ngắn:

- Tông Tông nào? Tông Tông Thiệu hả?

- Tông Tông Thiệu tịch lâu rồi. Tông Tông Chum đó mầy.

- Ồ, chú Cuội của chúng ta!

- Bậy mầy. Cuội gì?

- Thì tục ngữ có câu “nói dối như Cuội” đó mà!

- Tầm bậy, tầm bạ. Tông Tông Chum luôn luôn nói sự thật !!!

- Thiện tai! Thiện tai! 

  Ông bạn đạo nầy hằng ngày tụng kinh, gõ mõ, cuối tuần đến chùa mặc áo tràng làm công quả ghê lắm và thỉnh thoảng lên sân khấu cầm micro nói vài lời tác bạch. Vậy mà ông ta không biết sự phạm giới của người nói dối, nói lời không đúng sự thật. Hay bởi vì cuồng si, mê mờ, che lấp trí tuệ, dù đã biết lời Đức Thế Tôn dạy bảo nhưng không muốn thực hành, cứ khăng khăng chối bỏ sự hiện diện của chú Cuội thời nay! Không biết ngày xưa chú Cuội ngồi bên cây đa đã nói dối bao nhiêu lần, chứ thời nay thống kê đã cho người dân biết rất rõ và chính xác chú Cuội thời nay nói dối hơn 22,000 lần kể từ khi xuất hiện trên chính trường. Theo những bài kinh trên, người hay nói dối là người nói như PHÂN đánh mất lòng tin, sự thiện cảm của người nghe và do đó không được mọi người tin tưởng. Người hay nói dối là một người không biết tàm, không biết quý, tức là không biết hổ thẹn hay xấu hổ là gì trước sự gian dối của mình và do đó mất đi lòng kính trọng của người nghe. Người hay nói dối là một người vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến khát vọng riêng tư của mình, chứ chẳng màng đến sự lợi ích chung của tha nhân và do đó người hay nói dối có thể phạm tội xấu ác hòng đạt cho được cứu cánh.        

 

  Là một phật tử tại gia, không thể nào có thiện cảm và ủng hộ Cuội thời nay, một kẻ phạm tội đại vọng ngữ và nói dối kinh niên, nói chi đến việc cuồng si Cuội, thần tượng Cuội và bỏ phiếu cho Cuội như ông bạn đạo trên. Mong rằng chú Cuội thời nay sẽ không “Chó ngáp phải Ruồi” lần nữa !

Thuở xưa Cuội ngồi ôm cây đa

Bây giờ White House Cuội đành rời xa !

  

    Bài viết nầy được giới hạn trong phạm vi đạo pháp, chứ không muốn đề cập hay đá động đến các lãnh vực khác. Xin kết thúc bằng 4 câu kinh Pháp Cú:

Ai vi phạm một pháp

Ai nói lời vọng ngữ

Ai bác bỏ đời sau

Không ác nào không làm



Ngày 20 tháng 9, 2020

Minh Hành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vì thời tiết ẩm ướt đang đến, các giới chức tiểu bang và liên bang thúc giục cư dân tiểu bang California bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn năm 2007
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.