Hôm nay,  

Tiễn Biệt Mộng Hoàn – Hoàn Mộng

24/08/202014:19:00(Xem: 4791)

 

                                 

 

                                                                        Bách niên hư huyễn giai do vọng,

                                                                                                Hoàn mộng kim triêu kiến mộng hoàn.

                                                                                                (Trăm năm lãng đãng do hư vọng,

                                                                                                Tỉnh giấc mơ nay thấy mộng thành.)

                                                                                                                                                Trình Hạo

 

Mong HoanPhan Mộng Hoàn (11-7-1942 – 19-8-2020)


            Sáng nay, anh Hoàng Ngân Hà, người bạn lưu niên ở cùng thành phố Sacramento thủ phủ tiểu bang California, nhắn tin: “Phan Mộng Hoàn ra đi hôm qua! Đoàn biết chưa?”. Tôi mới đọc xong tin nhắn và mới uống hết nửa ly trà Bắc Thái thì có tin anh Hà nhắn tiếp: “Đoàn biết Diệu Phương, người đẹp của Huế (ở bên Gia Hội - Mã ông Trạng) cũng đã ra đi ở Canada? TKL viết một bài tưởng niệm cảm động lắm!”

            Xin lắng lòng hướng niệm về Mộng Hoàng quen thân và Diệu Phương nghe tiếng.

Tuy chưa được đọc bài viết cảm niệm của Thái Kim Lan nhưng tôi được biết Kim Lan và Mộng Hoàng là hai người bạn chí thân. Tình bạn của hai người sâu đậm và êm đềm như nguồn tình xứ Huế. Nhớ lần cuối gặp cả hai người bạn tâm giao nầy tại nhà Mộng Hoàn ở San Jose. Hôm đó, Kim Lan đã leo lên mái nhà khách của Mộng Hoàng múa kiếm. Bằng hữu có quan tâm hay không đến đường kiếm khuynh thành của Kim Lan thì tôi không rõ lắm; nhưng tôi lại trân trọng vô cùng tình bạn tri âm, tri kỷ của hai người trong suốt chặng đường dài của Huế - Đức - Mỹ với bao cảnh ngộ thăng trầm dâu biển nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng và chí tình của một thời… thiệt Huế!
            Tình trạng cách ly và giãn cách xã hội của thế hệ già như chúng tôi tại California đã qua tuần thứ năm. Cuộc sống hằng ngày, vô hình trung, dừng lại ở hiện tại và quá khứ vì tương lai là một sự đợi chờ trống không và vô vị. Nhưng hiện tại cũng chỉ là sân ga đợi tàu, những chuyến tàu đời mang biển số vắc-xin chưa biết bao giờ mới đến.
            Bóng dáng vắc-xin trị Covid-19 thì có vẻ như đang lấp ló đâu đó ở cuối đường hầm, nhưng vắc-xin chuyên trị nỗi nhớ và xóa nhòa hoài niệm ngày qua khi con người muốn quên quá khứ thì e rằng sẽ không bao giờ có được.
            Những ngày cách ly như thế này mà nghe tin một người bạn vừa vĩnh viễn ra đi thì nỗi buồn sẽ nhân đôi: nỗi buồn của sự mất mát cộng với nỗi buồn của niềm cô độc. Mất mát, sinh diệt là chuyện cũng phải đành nhưng nỗi cô độc thời đại dịch thì hiện ngay trước mặt và ở trong tầm tay mà không với tới được. Làm sao đến tiễn biệt bạn quý trong lúc này đây; giữa lúc người sợ gần nhau và e sợ luôn cả không khí là mầm sống thiết thân trong từng giây phút một.

            Câu trả lời quá dễ và đơn giản như tìm gặp nắng giữa trưa Hè nhưng lại khó quá không thể được như bắt nắng giữa đêm Đông. Nắng chỉ là một, thân người không hai nhưng bên này và bên kia tuyến dịch thật khó tương phùng.
            Mộng Hoàn là ái nữ của cô giáo hội họa Maria Mộng Hoa, là đồng nghiệp dạy Văn, là bạn văn nặng tình về Huế cùng thế hệ và cùng cảnh ngộ tha hương; tôi quen biết,  tiếp cận và thân quý chị Phan Mộng Hoàn vì những mẫu số chung như thế.
            Qua những năm dài xa Huế, chúng tôi thường “gặp” nhau trên nhiều đặc san, sách báo và trang mạng với chủ đề Nhớ Huế  . Có lần mùa Tết, tôi lo sốt ruột nhưng cũng chia chung nụ cười với chị Mộng Hoàn khi chị nói “làm đày” vì chúng tôi được các tờ báo Xuân Nhớ Huế trong nhiều tiểu bang ở Mỹ cũng như các nước ưu ái và tha thiết mời viết báo Xuân, rằng:

“Nhớ Huế chi mà nhớ ác rứa. Xum nhau mà nhớ một lần như ri thì ai viết nổi...” Thế nhưng tôi thì còn lơi tay chứ Mộng Hoàn thì cày sâu cuốc bẩm gắng không để tờ báo nào thất vọng. Ra Tết, về San Jose, gặp chị ở ngày hội Nhớ Huế. Mới thấy mặt là chị la liền:

 “Nhà văn Cơm Hến năm ni không có bài cho Nhớ Huế... coi chừng gặp con tinh le TNTN hắn la khéo cho thì ốt dột đó nghe.”

Tôi cười cười chia sẻ với chàng rể Huế, anh Hồ Sỹ Hùng, đức lang quân của Mộng Hoàng đang đi bên cạnh:

“Mấy O Huế mà mắng khéo mới thấm thuốc chứ la thì càng nghe vui tai nữa chớ, phải không anh Hùng?”  
            Có vẻ như dân Huế tha hương thương vùng đất quê mẹ của mình da diết và nao lòng hơn bất cứ nhóm cư dân sống xa quê nào khác mà tôi được biết và được gặp trong 40 năm trên đất khách. Số lượng các Hội Huế, Nhớ Huế, Thương Huế, Thừa Thiên Huế, Quốc Học Đồng Khánh... hầu như thành hình và có mặt bất cứ ở đâu có người Huế ở gần nhau.

            Trước năm 1975, Huế cũng đã một thời nức tiếng là vùng đất của nghệ thuật và nghệ sĩ. Những bóng dáng tư mã áo xanh thời đại không còn để nỗi ngậm ngùi làm ướt đẫm áo xanh Giang Châu mà thành biểu tượng áo trắng qua cầu bên bờ sông Hương. Khi các tiền bối “thi đáo Tùng, Tuy” thành huyền thoại thì một thế hệ văn nghệ sĩ “lãng mạn hiện sinh khói lửa” thế hệ đàn anh, đàn chị như Thông Đạt, Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Kiêm Minh, Kiêm Thêm, Tô Kiều Ngân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương… đã kết thêm màu tím và mù sương cho Huế.

            Sau năm 1975, man mác sông Hương thành bờ sông Dịch khi nhiều ôn, nhiều mụ bỏ Huế mà đi. Dân Huế cột cờ càng tha hương, càng thao thiết với viễn mộng và tâm ảnh “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” như Nguyễn Bính ngày xưa.

            Cảm hứng và nhu cầu sáng tạo nghệ thuật để tạm quên đi thực tại chua chát và ngoái trông vời một thời mật ngọt đã làm cho hết thảy dân Huế xa quê thành nghệ sĩ –  nghệ sĩ sáng tác hay nghệ sĩ tâm hồn – để cho thực tại trộn lẫn với ước mơ mà thêm hương hoa cho cuộc sống. Trong nước thì anh chị em viết và lách để tự trả món nợ tiền thân “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” như Nguyễn Du xúc động nhìn màu Quan San khi Thu về với Huế. Những người Huế và bạn Huế viết về Huế trong những ngày xa Huế trải rộng khắp xứ người. Đối với người trăn trở với từng chữ, từng nhóm chữ, từng câu chữ phát tiết từ trong tâm thức khi viết về Huế thì viết về Huế quá dễ mà cũng quá khó. Dễ như bữa ăn Huế mà khó như món ăn Huế. Huế nghèo, bữa ăn qua loa đạm bạc thế nào cũng xong. Nhưng món ăn Huế đúng điệu, đúng nghệ cũng đa đoan như làm thơ lục bát: Phổng xả thì thành vè mà khắt khe thì thành chú! Một tô bún bò Huế điệu nghệ dễ gì tìm ra.

            Các tác giả viết về Huế ở các xứ ngoài tự nhiên như ngó sen hồ Tịnh cũng nhiều mà do “thời thế tạo văn tài” cũng không ít… Xa Huế mà đi từ sớm thì có Võ Quang Yến, Thái Kim Lan, Nguyễn Tường Bách… Đi sau và đi muộn thì có rất nhiều, kể hết sợ sót, nhưng sơ sơ thì có: Hoàng Nguyên Nhuận, Bùi Minh Đức, Hồ Đăng Định, Tuệ Chương Hoàng Long Hải, Phan Mộng Hoàn, Y La Lê Khắc Ngọc Quỳnh… và xin cáo lỗi về sự lạm dụng dấu bỏ lửng ba chấm (…) vì theo thời gian, ký ức đã phôi pha nên chỉ đủ khả năng ghi lại những tên tuổi tôi đã gặp và đọc nhiều lần nên vẫn nhớ.

Những tên tuổi vừa ghi, trẻ nhất cũng trên 70 tuổi và cao niên nhất trên 90 tuổi thuộc về một “thế hệ trôi nổi”. Thế hệ Trôi nổi (Drifting Generation) cũng như Thế hệ Mất dấu (Loss generation) của Mỹ thời kỳ sau thế chiến thứ hai. Nghĩa là một thế hệ mà khi nhìn về quá khứ chẳng thấy dấu vàng son và nhìn về tương lai bơ vơ không định hướng. Dù ở Việt Nam hay ở Mỹ thì cái tâm lý tha hương, trôi nổi hay xa lạ trên chính quê hương của mình làm cho những bài viết, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo thơ văn viết về Huế là một sự nhớ nhung, thương tiếc không nguôi về quá khứ. Bạn đọc cứ lật ra bất cứ một trang Nhớ Huế nào thì sẽ chỉ thấy một khung trời quá khứ và một tâm trạng và cảm xúc đòi đoạn thương vời quá khứ. Phan Mộng Hoàn, một tác giả viết nhiều, viết đều và viết đầy những cảm xúc về Huế trên nhiều đặc san, trang mạng xã hội online nhưng chị chỉ mới xuất bản một tác phẩm với hình thức sách báo giấy về Huế: Hoàng Hôn Thôn Vỹ. Đây là một tuyển tập gồm 18 bài viết tiêu biểu của Mộng Hoàn về Huế.

 

http://art2all.net/tho/phanmonghoan/hoanghonthonvy/hoanghonthonvy.htm

 

            Phan Mộng Hoàng là một nghệ sĩ đa tài. Bên cạnh tài hoa văn bút, chị còn kế thừa tài năng của thân mẫu về Hội Họa. Nếu họa sĩ Maria Mộng Hoa nổi tiếng với những bức tranh với nội dung truyền thống và gam màu cổ kính thì những tác phẩm tranh của Phan Mộng Hoàn có nội dung tươi trẻ và gam màu nhẹ nhàng nhưng sôi nổi hơn. Ngoài ra, Phan Mộng Hoàn còn là một tác giả điêu khắc với những chân dung và tĩnh vật mang biểu tượng nhịp cầu giữa hai khuynh hướng cũ và mới tương đồng, hòa quyện trong thời gian sáng tác tạo hình ở Mỹ. Cuối đời, chị còn được biết đến qua nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo vớì những linh hồn thai nhi bất hạnh.

            Hôm gặp nhận sách ký tặng chị Mộng Hoàn cho biết là số bài viết của chị hấu hết là những ký sự, hồi ức, nhận định, suy tư về Huế đủ để in thêm vài ba tuyển tập như Hoàng Hôn Thôn Vỹ nữa. Tôi nói miệng đùa mà bụng thật: “Margaret Mitchell chỉ có Cuốn Theo Chiều gió (Gone with the Wind), Felix Arvers chỉ có một bài thơ Tình Tuyệt Vọng (Un Secret) mà nổi tiếng cả đời thì biết mô…” Chị đập một phát rất Huế: “Nói ác! Mô dám… hui miệng hui mồm.” Tôi biết là gặp cao thủ nên nói chữ: “Chị là Mộng Hoàn chớ có phải là Mộng Hoàng Lương mô. Hoàn, bộ miên năm nét, là hoàn thiện, hoàn mãn, hoàn mỹ giấc mơ đó.” Cười, vui là chính.

            Nhớ thời hơn hai mươi năm trước, khi tôi xuất bản những tập sách viết về Huế như Chuyện Khảo Về Huế, Con Yêu Bánh Nậm, Từ Ngõ Huế Xưa… thì chị Mộng Hoàn giúp quảng bá cũng như phát hành sách nhiệt tình và năng nỗ nhất. Sách mới như đứa con đầu lòng, được bằng hữu như chị Mộng Hoàng thương mến, khen ngợi quả là những kỷ niệm trân quý khó quên.

            Mới đó mà đã mấy năm rồi không gặp lại chị Phan Mộng Hoàn và anh Hồ Sĩ Hùng. Thời gia qua nhanh quá. Tuổi hoa niên: đi; trung niên: chạy; cao niên: bay. Chị Mộng Hoàn đã bay về vùng trời có Giấc Mơ Hoàn Thiện như tên của chị.

            Chặng đường của chị Mộng Hoàn giữa cuộc đời nầy (đến: 11-7-1942 và đi: 19-8-2020) là quãng đường đầy trăn trở của quê hương và duyên nghiệp hóa thân trên mỗi số phận của con người. Ý nghĩa về hương hoa của cuộc sống không ai giống ai; cái sướng khổ của người nầy có thể không mang cùng ý nghĩa với người kia nhưng mẫu số chung cho một góc khuất tình cảm đẹp nhất của người Huế là xa mặt nhưng không cách lòng: Càng xa Huế, càng thương Huế!

            Chị Mộng Hoàng ơi, chị vừa xa cõi trần gian, xa bạn bè một thời để thân và một thời để nhớ. Mong chị được nương Hồng Ân thiêng liêng để sớm về cõi Bình Yên Vĩnh Cửu. Một chút tình quê hương Việt Nam xứ Mẹ, một chút tri ân chốn cưu mang hào phóng Hoa Kỳ và một chút lưu luyến về xứ Huế thương thương sẽ kết thành vòng hoa đưa chị lên đường.

Rồi không. Cát bụi về nguồn,

Mưa rơi có thấm nỗi buồn của mây.

Tiễn biệt chị Mộng Hoàn.  

 

                             Sacramento, Cali giữa mùa cách ly Covid-19; tháng 8-2020.

                                                              Trần Kiêm Đoàn  

                  

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.