Hôm nay,  

Đặc Điểm Chiến Tranh 1954-1975 (Bài 1)

27/04/202008:56:00(Xem: 3305)

Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 rất đa dạng.  Đặc điểm cuộc chiến nầy cũng chính là đặc điểm lý do vì sao các nước tham chiến.  Xin bắt đầu với Bắc Việt Nam (BVN) vì BVN là đơn vị gây ra cuộc chiến.  


1.-   BẮC VIỆT CỘNG SẢN: CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VÀ BÀNH TRƯỚNG 


Nửa tháng trước hiệp định Genève (20-7-1954), trong cuộc họp tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Cộng), từ 3 đến 5-7-1954, thủ tướng Trung Cộng Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh (HCM) chôn giấu võ khí và cài cán bộ, đảng viên cộng sản (CS) ở lại Nam Việt Nam (NVN) sau khi đất nước bị chia hai để chuẩn bị tái chiến. (Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, Dương Danh Dy dịch, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 27 "Hội nghị Liễu Châu then chốt".) (Nguồn: Internet).  Hồ Chí Minh đồng ý.


Trong số những cán bộ CS ở lại NVN sau hiệp định Genève, có những cán bộ cao cấp như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm. (Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, New York: Osinbook, 2012, tt. 270-273.)  Như thế, chẳng những CS vi phạm hiệp định Genève, mà CS còn nuôi sẵn chủ trương gây chiến với NVN trước khi ký kết hiệp định đình chiến Genève. 


Sau hiệp định Genève, lực lượng CS cài lại ở NVN quấy phá và khủng bố ở NVN ngay từ năm 1954.  Cuộc khủng bố chấn động nhứt của CS là cuộc ám sát hụt tổng thống Ngô Đình Diệm khi tổng thống đến khánh thành Hội chợ Ban Mê Thuột ngày 22-2-1957.  


Trong khi đó ở BVN, cuộc cải cách ruộng đất đẵm máu từ tháng 6-1955 đến tháng 7-1956, giết hơn 172,000 người. (Đặng Phong chủ biên, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập II: 1955-1975, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005, tr. 85.) Trường Chinh từ chức tổng bí thư.  Hà Nội gọi Lê Duẩn ra BVN phụ tá cho HCM.  Vào cuối năm 1958, Lê Duẩn được gởi vào NVN để nghiên cứu tình hình.  Khi trở ra BVN, Lê Duẩn viết bản báo cáo, đề nghị đánh chiếm NVN bằng võ lực. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 237-238.)  Bản báo cáo của Lê Duẩn là nền tảng của quyết định hội nghị Trung ương đảng Lao Động ngày 13-5-1959, đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước bằng võ lực và đưa miền BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa.  (Báo Nhân Dân, Hà Nội ngày 14-5-1959.)


Từ tháng 2 đến tháng 4-1958, tại Genève, Liên Hiệp Quốc họp để bàn về luật biển, đưa ra bốn quy ước về luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS).  Lúc đó chưa phải là thành viên của LHQ, nên Trung Cộng không được tham dự hội nghị.  Vì vậy, Trung Cộng tự ý công bố quyết định về hải phận ngày 4-9-1958, trong đó điều 1 và điều 4 ghi rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông là của Trung Cộng, trong khi hai quần đảo nầy thuộc chủ quyền NVN.  Đây là công bố của Trung Cộng cho thế giới biết lập trường của Trung Cộng về hải phận, mà không cần nước nào trả lời.  


Để lấy lòng Trung Cộng, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, với sự đồng ý của HCM và Bộ chính trị, ký quốc thư ngày 14-9-1958 tán thành quyết định trên của Trung Cộng.   Năm sau, Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh tháng 10-1959 cầu viện.  Đáp lại, tháng 11-1959, Trung Cộng đưa một phái đoàn sang BVN trong hai tháng, nghiên cứu tất cả những nhu cầu cần thiết của BVN.  Tháng 5-1960, các nhà lãnh đạo BVN và Trung Cộng hội họp liên tiếp ở Hà Nội và Bắc Kinh để thảo luận chiến lược tấn công NVN. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, pp. 82-83.)


Được Trung Cộng hứa hẹn viện trợ, đảng Lao Động họp đại hội III tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, công bố hai mục tiêu lớn là: 1) Xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa. 2) Giải phóng NVN bằng võ lực; nghĩa là BVN quyết định động binh đánh chiếm NVN.  Để phát động chiến tranh, đảng Lao Động đưa ra hai chiêu bài:  1) Thống nhất đất nước. 2) Chống Mỹ cứu nước.  

Về viêc thống nhất đất nước, BVN tố cáo NVN không tôn trọng hiệp định Genève về việc tổ chức tổng tuyển cử năm 1956.  Tuy nhiên hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định việc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. (Xin mời vào Google đọc kỹ lại hiệp định Genève.)  Việc tổng tuyển cử chỉ được nêu ra trong điều 7 của bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương" ngày 21-7-1954.  Không nước nào ký tên vào bản tuyên bố nầy, nghĩa là bản tuyên tố chỉ có tính cách gợi ý hay đề nghị, mà không có tính cách bắt buộc phải thi hành (cưỡng hành).  


Về liên lạc với Mỹ (Hoa Kỳ), từ năm 1945, cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS (Office of Strategic Services), tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency), đã giúp HCM và Việt Minh, mặt trận của đảng CS.  Sau khi đảng CS cướp chính quyền ở Hà Nội và HCM thành lập nhà nước VNDCCH ngày 2-9-1945, thì OSS lặng lẽ rút lui do tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman thay đổi chủ trương của tổng thống Roosevelt, bỏ ngõ Đông Dương cho Pháp trở lui.  Từ đó, giữa Hoa Kỳ và CSVN không còn liên lạc với nhau.  


Sau hội nghị Liễu Châu, trở về lại Thái Nguyên, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TƯĐ Lao Động ngày 15-7-1954, và cho rằng “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào…” (Hồ Chí Minh toàn tập tập 7: 1953-1955, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 314-315.)  Nghĩa là chủ trương chống Mỹ cứu nước cũng đã được HCM đưa ra trước cả hiệp định Genève ngày 20-7-1954.


Tuy tuyên bố “Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào”, nhưng HCM không giải thích cụ thể vì sao tự nhiên Mỹ trở thành kẻ thù chính của ba nước Đông Dương.  Lúc đó Mỹ chưa đưa quân vào NVN.  Đây phải chăng chính là kết quả mật đàm giữa HCM và Châu Ân Lai tại Liễu Châu, hoặc điều kiện của Châu Ân Lai đưa cho HCM để CSVN được Trung Cộng tiếp tục viện trợ?


2.-   CÁC NƯỚC CỘNG SẢN:  MỖI NƯỚC MỘT KẾ HOẠCH


Về các nước CS, có các điểm đáng chú ý: Thứ nhứt, các chế độ CS đều độc tài, tự quyết định chủ trương, chính sách nhà nước mà không cần hỏi dân ý hay quốc hội.  Thứ hai, khi muốn viện trợ, đảng CS tự ý quyết định, mà không xin ý kiến quốc hội như các nước dân chủ. Thứ ba, sự liên lạc giữa đảng với đảng là căn bản trong sự giao thiệp giữa các nước CS.  Ví dụ đảng CS Tàu nói chuyện với đảng CSVN. Đảng CSVN ra lệnh cho nhà nước CS Việt thi hành, không theo thể thức giữa quốc gia với quốc gia. Ngoại giao giữa đảng với đảng hiện vẫn được áp dụng giữa Trung Cộng và CSVN. Ví dụ hội nghị Thành Đô tháng 9- 1990 chỉ là cuộc họp giữa đại diện 2 đảng. Kết quả không được đưa ra quốc hội duyệt y, nhưng nhà nước CSVN phải thi hành, ví dụ thay đổi lãnh đạo CSVN năm 1991, thay đổi hiến pháp ngày 15-4-1992…


TRUNG CỘNG:  BẢO VỆ BIÊN GIỚI – NHÌN XUỐNG ĐÔNG NAM Á  


Nước CS đầu tiên giúp BVN để tấn công NVN là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hay Trung Cộng.  Từ năm 1956, Trung Cộng chống lại chủ trương "sống chung hòa bình" giữa các nước không cùng chế độ chính trị do bí thư thứ nhứt đảng CSLX Khrushchev đưa ra.  Phía bắc, phía tây và tây nam, Trung Cộng vừa bị núi non hiểm trở, vừa bị Liên Xô và Ấn Độ chận đứng.  Phía đông là Thái Bình Dương với hàng rào ba nước đồng minh của Hoa Kỳ và ký hiệp ước phòng thủ song phương với Hoa Kỳ là Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan (Taiwan).  Bị bao vây ba mặt, Trung Cộng rất lo ngại bị cô lập và nhứt là lo ngại bị Hoa Kỳ tấn công hoặc chận luôn ở biên giới phía nam.  


Sau khi thủ tướng BVN là Phạm Văn Đồng ký quốc thư ngày 14-9-1958, tán thành công bố về hải phận của Trung Cộng (đã viết ở trên), Trung Cộng viện trợ tối đa cho BVN, nói là vì tình nghĩa quốc tế CS, nhưng thật ra Trung Cộng xem BVN là tiền đồn chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía nam cho Trung Cộng.  Trung Cộng còn muốn bảo vệ đường giao thông bằng đường sông, đường bộ, và đường hỏa xa dọc sông Hồng, từ các tỉnh vùng sâu của Trung Cộng là Vân Nam, Quý Châu qua Việt Nam ở Lào Cai, ra Biển Đông ở hải cảng Hải Phòng.  Đồng thời Trung Cộng còn muốn mở cánh cửa nhìn xuống Đông Nam Á.

Ngoài quân viện, từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968, Trung Cộng gởi sang BVN 320,000 quân, trú đóng ở các tỉnh và thành phố phía bắc Hà Nội, điều khiển các dàn súng phòng không, sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, bảo vệ các tỉnh phía bắc, nhằm giúp BVN kéo hết lực lượng xuống tấn công NVN.

 blank

Nguồn ảnh: The Blade, Toledo, Ohio: Thứ Ba 16-5-1989.

(Trích lại từ DCVOnline.net, ngày 13-8-2012.)


Khi tổng thống Hoa Kỳ Richad Nxon viếng thăm Trung Cộng, Nixon báo cho Trung Cộng biết rằng Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi NVN.  Hoa Kỳ báo cho Trung Cộng biết việc Hoa Kỳ rút quân, thì không khác gì Hoa Kỳ báo cho BVN biết mà không báo cho NVN biết.  Sau đó Nixon ký thông cáo chung Thượng Hải ngày 28-2-1972 với thủ tướng Trung Cộng là Châu Ân Lai, công nhận chỉ có một nước Trung Hoa, thì Trung Cộng yên tâm rút quân ở BVN về nước sau hiệp định Paris ngày 27-1-1973.  Nhân cơ hội Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho NVN và NVN đang chống đỡ những cuộc tấn công mạnh mẽ của BVN, Trung Cộng bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19-1-1974.  Bắc Việt Nam hoàn toàn làm ngơ trước cuộc xâm lăng của Trung Cộng.  


LIÊN XÔ:  QUÁ XA ĐÔNG NAM Á – VIỆN TRỢ GIỜ CHÓT 


Về phía Liên Xô, trong đại hội lần thứ 20 đảng CSLX tháng 2-1956, bí thư thứ nhứt đảng CSLX Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương “chung sống hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị.  Vì Liên Xô đang chủ trương hòa dịu với các nước Tây phương, nên tháng 7-1959, khi HCM qua Moscow, đề nghị Liên Xô yểm trợ BVN để BVN tấn công NVN, thì Liên Xô khuyên HCM nên tiếp tục mưu tìm sự thống nhất trong hòa bình.  (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 83.)  


Ngày 14-10-1964, Nikita Khruschev bị hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng CSLX đảo chánh một cách êm thắm.  Leonid Brezhnev lên thay, làm bí thư thứ nhứt đảng CSLX, đưa ra chủ tương cứng rắn trở lại, quyết định viện trợ và gởi quân sang giúp BVN.  


Tháng 3-1965, khi Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân vào NVN thì cũng trong thời gian nầy, quân đội Liên Xô đến BVN khoảng 3,000 người, thuộc Phòng Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, đều là chuyên viên không quân, kỹ thuật phòng không và hỏa tiễn (BVN gọi là tên lửa).  Nhiệm vụ của chuyên viên LX là lắp ráp các bệ đặt hỏa tiễn đất đối không, huấn luyện tại chỗ phi công BVN lái các loại máy bay chiến đấu MIG-21 và SU.  Ngoài ra còn có một số chuyên gia về hải quân và các binh chủng khác.  Quân nhân Liên Xô bận thường phục, sống riêng biệt, thường dân BVN ít biết về sự hiện diện của quân đội Liên Xô.             


Năm 1974, đại tướng Viktor Kulikov, thứ trưởng bộ Quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô, đại diện cho Hồng quân Liên Xô, đến Hà Nội tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập quân đội CSVN ngày 22-12-1974.  Trước khi dự lễ, Viktor Kulikov dự họp hội nghị lần thứ 23 của ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động, khai mạc ngày 18-12-1974. Trong cuộc họp, Kulikov thông báo hai điều: 1) Theo tin tình báo của Liên Xô, Hoa Kỳ sẽ ngưng cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho NVN, nên đây là cơ hội thuận tiện để đánh NVN.  2)  Liên Xô cam kết gia tăng viện trợ quân sự cho BVN, nhằm tấn công NVN.  


Ngay sau khi Kulikov về Moscow, viện trợ Liên Xô tăng gấp 4 lần trong các tháng đầu năm 1975.  (Henry Kissinger, Years of Renewal, New York: Simon & Schuster, 1999, tr. 481.)  Rõ ràng Liên Xô nhận thấy sau khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ quân sự cho VNCH, VNCH hết nhiên liệu, đạn dược để chiến đấu và sẽ thất bại, nên Liên Xô đầu tư mạnh mẽ cho tương lai ở Đông Nam Á.  Liên Xô còn vận động Cuba và các nước CS Đông Âu, viện trợ thêm cho BVN, góp sức với khối CS tấn công VNCH. 


KẾT LUẬN


Bắc Việt Nam tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vi phạm hiệp định Genève và chủ tâm gây chiến để xâm lược NVN, thực hiện nhiệm vụ bành trướng cho CS quốc tế, như Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động, đã từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 24-1-2013.)


Trung Cộng giúp đỡ CSVN nhắm dùng CSVN làm tiền đồn bảo vệ biên giới phía nam của Trung Cộng.  Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc là sự giúp đỡ lẫn nhau.” (La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch. Montreal: Nxb. Tạp chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.)  Mao Trạch Đông muốn nói đến việc CSVN bảo vệ biên giới phía nam cho Trung Cộng.


Ngày 28-6-1958, Mao Trạch Đông tuyên bố với một nhóm tướng lãnh thân cận rằng: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn.  Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.)  Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Cộng về Biển Đông và Thái Bình Dương.


Chẳng những tham vọng tiến ra Thái Bình Dương, mà Mao Trạch Đông còn nuôi tham vọng tiến xuống Đông Nam Á, và đã từng nói với các đại biểu đảng Lao Động Việt Nam ở hội nghị Vũ Hán năm 1963 rằng: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500,000 bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á.” (Nxb. Sự Thật, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: 1979, tr. 16.).  (Xem thêm: Nguyễn Trọng Vĩnh, BBC Vietnamese, ngày 1-12-2013.)


Còn Liên Xô ở quá xa Đông Nam Á.  Khi HCM qua Liên Xô xin viện trợ năm 1950, Stalin không giúp đỡ mà giao trách nhiệm cho Mao Trạch Đông. (Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, sđd. tr. 45.) Các lý do khiến Stalin lạnh nhạt với HCM: 1) Stalin không tin HCM là người CS trung kiên vì HCM đã cộng tác với OSS Hoa Kỳ năm 1945. 2) Stalin không tin những chế độ CS không do Stalin thành lập. 3) Lúc đó, Stalin đang ủng hộ đảng CS Pháp.  Nếu Stalin giúp CSVN chống Pháp, dân chúng Pháp sẽ không ủng hộ đảng CS Pháp. 4) Việt Nam ở viễn đông, quá xa Liên Xô.  Liên Xô ít có quyền lợi ở vùng nầy.  


Mãi đến gần cuối chiến tranh 46-54, Stalin mới viện trợ súng cối hạng nặng để CSVN tấn công Điện Biên Phủ.  Trong chiến tranh 54-75 cũng thế.  Sau biến cố Maddox ở Vịnh Bắc Việt (tháng 8-1964), Liên Xô mới viện trợ cho BVN, và sau đó tăng cường viện trợ khi biết chắc chắn Hoa Kỳ rút quân năm 1973. 

(Còn tiếp)


TRẦN GIA PHỤNG

(Texas, tháng 4-2020) 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi. Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi tới nơi tưởng cũng nên ghé Wikipedia coi qua chút đỉnh:
Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023. Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Ít nhất cũng còn hơn 2 năm nữa mới đến ngày bầu nhiệm kỳ XIV của đảng Cộng sản Việt Nam, 2026-2031, nhưng tiêu chuẩn để được chọn đã bộc lộ tư duy giáo điều, bảo thủ và chậm tiến của đảng CSVN...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm: Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia. Và Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California, Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.