Hôm nay,  

Niềm Hy Vọng Của Giấc Mơ

11/11/201910:47:00(Xem: 2824)

Tôi nhận được tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh tặng vào những ngày lập thu đầu tháng mười. Khi nhìn tên tập thơ, tôi nghĩ ngay đến nỗi niềm hoài vọng của tác giả. Tuy quen biết Khánh Minh chừng năm năm qua người bạn làm thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi lại biết rất ít về nhà thơ nữ cùng thế hệ này cũng vì điều kiện sinh sống có tính khép kín tại Hoa Kỳ. Về sau có đi uống café vài lần và nói chuyện với Khánh Minh, tôi càng khâm phục cô hơn nữa. Một người mà thể chất rất tệ vì bệnh tật, càng về sau đi đứng khó khăn cùng phải lo quán xuyến gia đình vẫn không ngăn cô sáng tác. Và các tập thơ đều đặn ra đời như thách đố với tình trạng tiêu cực của bản thân. Ngôn Ngữ Xanh là tập thơ thứ mười hai của nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh.

Một cách tổng quát, làm thơ cũng như viết văn, hội họa hay điêu khắc đều là sáng tác nghệ thuật nhưng làm thơ tính chắt lọc cao cũng bởi bản chất đặc biệt cô đọng của nó. Đọc một quyển sách, xem một bức tranh so sánh với đọc một bài thơ chứ chưa nói đến cả tập thơ, tính thưởng ngoạn đòi hỏi nhiều hơn nếu không muốn nói sâu lắng hơn về mặt nhận thức. Vì sao? Vì thi sĩ là nhà phù thủy chữ nghĩa! Nói đến đây hẳn chúng ta không thể nào quên một “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hay những bài thơ của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Quách Thoại, Bích Khê, Quang Dũng… 

Tập thơ “Ngôn Ngữ Xanh” miêu tả trung thực ý nghĩa “thi sĩ là nhà phù thủy chữ nghĩa”. Tập thơ có ba phần, tuy tách biệt nhưng liên kết một thể thống nhất: Phần một, Phút mong manh giữa những từ. Phần hai, Ký ức Xanh và phần ba, Ngôn Ngữ Xanh

Cả ba phần gồm 69 bài thơ, có những bài cũ hiệu đính, cập nhật lại như để hoàn chỉnh những khiếm khuyết trước. Tuy nói như thế, nhưng thơ tạo ra từ cảm hứng cho nên những bài thơ hiệu đính có thể nói còn mới và hay hơn nữa. Với Ngôn Ngữ Xanh, trước tiên vai trò nổi bật của từ, thứ làm nên ngôn ngữ xanh, trong đó còn cho thấy tương quan cảm xúc, cảm hứng, và từ để có một hoàn chỉnh thơ. Nguyễn thị Khánh Minh đã sử dụng từ để vẽ một bức tranh đời bằng thơ vì trong tập thơ này đã miêu tả khá hoàn chỉnh quá khứ và hiện tại của cô. Trong khi làm thơ chính là Viết tương lai của quá khứ, mà nói về tương lai, sáng tác mang tính hoài vọng, ước mơ thế nên Ngôn Ngữ Xanh là thứ ngôn ngữ hy vọng. 

Tôi muốn nói sâu xa hơn, một bức tranh hình thành từ Tiêu Đề “Phút mong manh giữa những từ” gồm 5 bài thơ. Bắt đầu bài 1 đã nói lên khá trọn vẹn quá trình sáng tác bài thơ, nguồn cảm hứng có được từ hệ quả cảm xúc dù:

Như thể mỗi ngày

Một trò chơi


Trò chơi mà Khánh Minh nói chính là Sáng tạo nếu không nói hàm chứa triết lý của một biểu tượng. Biểu tượng Thi Ca (Poetry) là nền nên đa phần những bài thơ trong phần một là những metapoems (tạm dịch là những bài Siêu thơ). Thực chất của metapoem là cuộc hôn phối của Từ với Thi Ca bởi chính bản chất Thi Ca xuất phát từ hình thái cấu trúc của từ (thơ/poem). Các bạn hãy tưởng tượng có một bàn cờ, trên bàn cờ tập trung những con chữ, bằng cảm xúc (Emotion, Feeling, Mood) nhà thơ vận dụng đôi tay sắp xếp những con chữ để nó trở thành bài thơ.  Cô dùng chữ “Tôi rơi. Đơn độc. Hạnh phúc” ý nghĩa tương đương: tôi viết bài thơ trong cô đơn, lẻ loi nhưng hạnh phúc, dĩ nhiên không hề bi quan mà hy vọng. Và sáu câu thơ kế đủ diễn tả hết bố cục của một thái độ có từ xúc cảm, vượt qua thứ thực tại như là vết thương:



Tôi rơi. Đơn độc. Hạnh phúc

Nơi bài thơ tôi viết. Nơi bài thơ tôi đọc

Tôi giấu mình. Vui sướng

Trong lẻ loi tiếng khóc

Trong mơ mộng tự do

Vạt nắng nhảy nhót sau ô cửa kính

Háo hức bùng vỡ


Từ đó cuộc hành trình bắt đầu, dù nó kéo dài hay lặp đi lặp lại nhiều lần cũng vẫn căn bản là bao phút mong manh giữa những từ; và điểm đặc biệt là những biểu hiện hướng nội hay ngoại đều mang đến một hệ quả là khát vọng xuất xứ từ đối kháng để có một chọn lựa: 


Tôi đi

. . .

Cho dù. Niềm tin tôi vẫn ngợi ca

Có làm tôi vấp ngã

Cho dù. Bài thơ không còn là tấm lòng che chở

Cho dù dự báo của vết thương

Cho tôi biết cuối con đường cũng không phải là nơi đến

Tôi vẫn đi. Với bước chân

. . .

Tôi nhất định đi

Cánh cửa ấy lúc nào cũng chờ

Cho tôi đi tới. Cho tôi về nương tựa

- Cánh cửa trái tim tôi -


Cho nên bắt đầu một trò chơi mà tính liên lỉ rất rõ: Tôi đi… tôi vẫn đi… tôi nhất định đi… tôi không quay về nữa đâu… tôi nhất định đi, như nhắc nhở chính mình một quyết tâm phải vượt qua trong mỗi chặng của cuộc hành trình để đến đích điểm, dù đích điểm có là thứ vết thương cũng không hề làm cô chùng bước. Câu cuối cùng Cánh cửa trái tim tôi như để hoàn tất cấu trúc (structure) của bốn bài thơ với tiêu đề Phút Mong Manh Giữa Những Từ: xúc cảm (emotion/feeling) bắt đầu, và tâm tư (mood) hoàn tất. Bài thứ hai có những câu sau:


Bài thơ hoàn tất. Là một điểm hẹn quyến rũ

Nhưng phút mong manh giữa những từ

Lại là lúc đóa hoa đang nở. Đang tỏa hương


Bài thứ ba rõ hơn về một cái self-tương quan con chữ/thi ca:


Khi viết xong bài thơ

Đôi khi. Tôi khóc

Có phải vì lời đã nói về hạt nước mắt chưa rơi

Bị giam giữ trong lòng đêm ma mị

Khi viết xong bài thơ
Tôi thường hay xóa
Dường như tôi sợ bóng tôi
Giãy chết giữa những con chữ đói

Bầy ý nghĩ tử thi

Làm tôi buồn như vừa đưa ai về huyệt mộ


Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời


Nơi đây vai trò con chữ làm nổi bật ý nghĩa thi ca vì một bài thơ hoàn tất chưa phải chấm hết là thứ metapoem. Thế nên những con chữ, từ (letter, word) mang số phận bài thơ và phải mặc cả (deal) với chính bản chất/chủ đề của nó (metapoetry/siêu thi ca). Nói sâu xa hơn bởi đỉnh cao triết lý là thi ca nên thơ chính nó có sứ mệnh giúp con người tồn tại, sống sót nếu mô tả sâu xa hơn: con người trong cơn giông bão cuộc đời. 


Trong phần một, mười tám bài thơ đại biểu cuộc hành trình của con chữ qua cảm xúc biểu hiện thi ca. Tuy nhiên hơi hướm tượng trưng rõ nét và theo thứ tự một quá trình. Bài Tấm Lòng mở đầu:


Thương điều tôi viết

Hồn thơ nhập xác chữ 

Thương điều tôi tìm

Hạt muối trao lòng biển

Thương điều tôi hỏi
Đêm khuya cúi đầu không nói
Thương điều tôi quên
Con trăng để bóng bên thềm
Thương điều tôi đợi
Hạt mầm đâu đó nhú lên…


Và bài Thơ chính là một thực tại phép mầu: với Nơi Không Gian Thơ/Có thời gian cho lời đọng lại

Để rồi: Nơi bóng mát thơ/Khoảnh khắc chữ cho lời rơi xuống/Nghe lắng nghe. Quán tự tại yêu thương

Nhóm lửa hy vọng: Nơi lửa thơ/Những con chữ nhóm lời cháy đỏ/Thắp mặt trời cho những giấc mơ

Nuôi nấng ước mơ: Nơi biển thơ/Những con chữ bung lời nắng dậy/Đó là ban mai mỗi ngày được thấy
Và ba câu kết: Bật lên triều xanh của lời/Chắp lên đôi cánh của lời/Bay xa bay xa. Trái tim của một người trao gửi.


Những bài thơ tiếp theo kết quả hình thành từ cảm xúc theo thời gian. Có thể rất ngắn, có thể cả một đời người nhưng lột hết ý nghĩa vai trò của từ, chữ, lời mang tính định phận trong chiếc khung thi ca: từ thất vọng nhỏ nhoi, nuối tiếc, đau buồn, tiêu cực đến cực đại bình an hy vọng của chính bản chất thơ nếu hiểu Thi ca cứu rỗi con người mỗi ngày (Poetry saves the world every day) theo cách nói của Rowan Williams. Ngoài khía cạnh kỹ thuật của thi ca, nội dung các bài thơ trong phần 1 Phút Mong Manh Giữa Những Từ sáng tạo qua màu sắc tâm lý đa dạng của chính bản thân nắm bắt từ cảm xúc. Những xung động bắt buộc ngoài biểu hiện thực tại cảm xúc ý thức, vô số biểu hiện cảm xúc vô thức chồng chất từ quá khứ tạo nên những bài thơ nặng tính độc thoại kể lể (narrative monologue) nếu không quen người đọc khó chia sẻ cùng tác giả.  


Thơ

Là dòng sông. Cho tôi trôi đi
Là tiếng khóc. Cho tôi rơi lệ
Là dấu mốc. Nhắc tôi trở về
Là bàn tay. Cho tôi nắm lấy
Nhưng thường khi. Nó là bóng đám mây bay

Hay thật đơn sơ:


Thơ,
Có khi Nó cõng tôi qua cơn phiền muộn
Cho tôi giấc mơ bình yên
Với những lãng quên cần thiết
Đôi khi. Nó khiến tôi thành con bé. Mơ mộng cả tin
Có khi lại già nua khắc nghiệt 

với những điều làm tổn thương lòng tin cậy

. . . . . 

Lời tôi viết
Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả – như người ta câu cá –


Những Từ biến thành Chữ chuyển qua Lời hay ngược lại là một quá trình mang tính sống còn, tồn tại tự nhiên thế nên Thi Ca khiến không có gì xảy ra (Poetry makes nothing happen – W.H. Auden) có nghĩa Thi ca là cách xảy đến, diễn ra trong dòng chảy thời gian. Ở đó có bao thực tế đau buồn mất mát hay rối bời hạnh phúc, hiện diện nhiều góc cạnh khuôn mặt cuộc đời. Có lắng nghe, nhìn thấy, thẩm thấu để rồi biến thành lời, thành ngữ điệu để chủ thể tồn tại và giúp mọi người tồn tại. Ý nghĩa Thi ca được hình thành như thế. 


Bài thơ Đường Mật và hầu hết những bài thơ còn lại biểu đạt ý nghĩa xúc cảm: 


Trong mật của Nắng

Hoa hướng dương nở
Trong say men Thơ
Tôi đắm

Nắng và Thơ
Đường mật
Tôi và hoa hướng dương
Buông mình. Rơi. Và tan


Và bài 3, 4 những vấn nạn chính của Lời với đầy đủ tính tích cực, tiêu cực, mâu thuẫn xuất phát từ cảm xúc:


Hút mãi vực sâu

Lời thành bóng tối

Lăn hoài nỗi đau

Lời thành viên cuội 


Vậy có phải cảm xúc khởi thủy của ngôn từ, để rồi qua chữlời mới có những câu thơ, bài thơ mà sự sống hàm chứa bên trong? Bài thơ “Sợi tơ mong manh” cho thấy tương quan và kết quả từ cảm xúc, chữlời hoàn tất sứ mệnh thi ca, cổ vũ cho châm ngôn “Thi ca khiến không có gì xảy ra” để có những bài thơ hy vọng.


Cảm xúc sóng dội
Trôi tôi trên biển của lời
Cảm xúc dao sắc
Cắt tôi nơi trần trụi của lời

Cảm xúc lửa bỏng

Đốt tôi nơi rực cháy của lời
Cảm xúc gió bay
Thổi tôi thành lời của bài thơ hy vọng 


Bài Cõi Lời là thứ cõi đời qua biểu tượng Lời trong bài 1:


Một vòng sinh tử trêu ngươi

Đành thôi ăn dối cõi lời mây bay

Mai kia mốt nọ. Họa may

Còn hơi thở ấy. Mà bày cuộc vui

Dẫu đời ngàn dặm phủi phui


Cấu trúc Lời là sự mặc cả của chính thân phận nhà thơ với Thi ca. Ngôn từ (lời) khí cụ duy nhất nhà thơ bày tỏ khát vọng, ước mơ hay chính cả việc từ chối chính mình trong dòng sống một khi không bằng lòng về một thái độ. Nhưng rồi cũng chính Lời cho thấy ý nghĩa của Thơ để làm giàu cho giá trị Thi ca.


Lời. Khi như dòng sông trôi
Con nước ngửa mặt cho trời xanh chung
Lời. Khi như gió mông lung
Hụt hơi buộc cái vô cùng chờ nhau
Lời. Khi là vết thương đau
Xin bát cháo lú qua cầu câu thơ


Bài thơ “Bóng Tối Lời” một thí dụ tuyệt diệu khả năng ẩn dụ, so sánh của tác giả khi viết về Lời:


Nhớ một bài thơ nói về bóng tối

Nơi đó ánh sáng của trăng của sao đã tàn lụi

Nên những lời nói về đêm. Như những lời nói dối

Bóng tối ấy

Chỉ như một tấm phông làm nền

Và trong xưng tụng cô đơn

Dường như phản bội tất cả ký ức về ánh sáng

Mầu trắng của ngày 

Mầu đen của đêm 

Đôi khi ranh giới giữa trắng và đen nhập nhòa 

Ánh Sáng và Bóng Tối

Ở lời tôi. Ở lời anh. Ở những lời không ở cùng sự thật


“Phút mong manh giữa những từ” đóng lại bằng khát vọng của ước mơ qua bài Lời Khát. Là Lời của một tương lai quá khứ. Là màu xanh của hy vọng sau những nghiệt ngã của chia lìa, mất mát vì Lời viết về một nơi đến của một giấc mơ:


Tôi đang viết giấc mơ

Trên giấc ngủ nỗi sợ

Trên khốn cùng nước mắt

Trên lạnh tanh thi thể

Trên hẩm hiu dòng máu

Tôi đang viết giấc mơ

Bằng lời tôi khát

Bằng hết sức có thể, một gạch nối ấm áp

Che chở tôi

Nơi tôi có thể sống với phút giây chưa từng tới

Nơi tôi có quyền mơ mộng

Nơi tôi có quyền được quên

Nơi cảm xúc tôi được chọn lựa một bình yên

Tôi đang viết giấc mơ. Người ơi

Trong phút giây tin cậy của một lời cầu nguyện


Và em sẽ viết

Một bài thơ tình đúng nghĩa. Em và Anh

Giấc mơ xanh


Bài “Nụ cười nói với tôi rằng” là sự nuối tiếc một thời thất vọng dù muốn lãng quên nhưng không đạt được, như tâm tưởng cuộc đời vốn chồng chất những điều hạnh phúc và cả không hạnh phúc. Nhưng khi ước mơ chính là nuối tiếc thì đồng thời cũng chính ước mơ là hy vọng:


Có phải cùng lúc với nụ cười
Là âm thanh lãng quên kéo tôi vào hy vọng

Bầy ảo mộng thôi huênh hoang

Yên phận cùng bóng tối 


Có phải cùng lúc với nụ cười

Tôi già theo năm tháng

Cây xương rồng quen gai

Và. Khi chữ tôi cười
Tôi trẻ lại những ước mơ

Tập quen cành lá mới



Về sự hư ngụy của một thái độ, nhà thơ Khánh Minh viết “Giữa những màu xanh” thật tuyệt diệu:


Là dòng luôn trôi đi. Xanh

là xanh mênh mang hạt lệ 

là xanh đêm òa mộng dữ

viên cuội tròn viên cuội lăn.


Bóng tối nuốt xanh dòng suối

mắt cuội mở đuối trời xa

viên cuội lăn viên cuội già

Ảo ảnh giấc mơ rù quến

Mầu xanh. Hư huyễn câu thơ...


Phần 2 “Ký Ức Xanh” mở đầu bằng hai bài thơ in đậm dấu ấn thời gian, như phế tích của một thời không thể nào xóa nhòa. Hai bài thơ “Tỉnh dậy sau cuộc mổ” năm 2014 và “Những ngày nằm bệnh” năm 1998 cách nhau 16 năm cho thấy hai bài thơ là hai vết cắt ký ức, mang đậm tính hoài niệm dù thực tế cho thấy đấy chỉ là những sự việc tiêu cực của cuộc đời. Tuy nhiên tâm thức con người, đặc biệt những người sáng tác nghệ thuật, vết cắt ký ức lại là thứ “quê nhà” không thể xóa nhòa, mỗi lần có dịp gợi nhớ như vực lại một quãng quá khứ đã mất (A la recherche du temps perdu – M. Proust). Bài thơ “Những ngày nằm bệnh” có những câu:


một tiếng kêu
…, cơn bệnh là nhà tù
giấc mơ tôi là đôi cánh
– Cánh của chim cánh cụt –


và “Tỉnh dậy sau cuộc mổ”:


Tôi đi qua con đường mê bằng lời kinh thắp sáng

Tôi nhận ra hơi thở mình lồng lộng

Như gió mở toang hết những chân trời. Mầu xanh rộng

                                                                               như mơ

Ôi hơi thở, người bạn đường nhắc nhớ 

Nơi đây. Tôi vừa thức dậy…


“Ký Ức Xanh” gồm những bài thơ “Tìm lại thời gian đã mất”, là những khoảnh khắc hạnh ngộ hạnh phúc sau bao tiêu cực chia lìa là thứ “Bay ra từ giấc mơ”:


Tôi xuống phố

Náo nức tuôn vào mọi ngõ ngách của ngày

Với đường bay của một con chim cánh cụt

Vừa mọc đôi cánh huyền thoại

Sẽ bay qua biển xanh…


Và những khoảnh khắc trung thực của bài thơ “Sau cơn mưa”:


Và tôi có thể bất cứ

Kéo ra một năm. Một tháng. Một ngày. Một phút

Vụt sống lên. Nhún nhảy

Rồi như thể nó sẽ còn đó. Mãi mãi

Canh giữ xanh tươi mùa kỷ niệm


Những bài thơ còn lại tràn ngập cảm xúc hạnh phúc. Dấu vết kỷ niệm một thời như là những nét vẽ hạnh phúc trên nền quá khứ đau buồn được gợi tuôn ra. Gồm những phản ứng của màu sắc tâm tư qua bao thăng trầm cuộc sống hiện tại, đồng thời nhắc lại một quê nhà thơ ấu xa xăm:


Biển mở căng chân trời

Gió đẩy thêm chút nữa

Tất cả những đám mây lúc này đã vỡ

Nguyên vẹn một mầu xanh

Tôi bóng bay. Bơm đầy hương biển và gió


… ngôi nhà Hoa Sứ vừa mở ra những cánh cửa gỗ nâu, có tiếng chào nhau buổi sáng, có tiếng trò chuyện bạn bè, có tiếng bước chân ra vào của người phụ nữ đảm đang. Mùi cà phê, mùi bánh mì nướng. Mùi ẩm sương hiên gạch đỏ. Mùi bình yên. Mùi yêu thương. Cùng những tiếng cười… Gió đang đưa bay xa…


Trong ánh nắng rực rỡ Sunset Beach

Mùi biển Nha Trang. Vỡ òa trên cát lạ…


 

Nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh nhắc nhiều đến biển như hoài vọng một quê nhà (Nha Trang), các bài thơ Bẫy xanh, Đoản khúc Biển, Tiếng biển đều là tiếng vọng của một thời kỷ niệm: 


Bẫy Xanh

Con sóng tung lưới

Nước bung ra xao xuyến

Tan vào bẫy quyến dụ xanh

Ấm nồng ngực cát

Vỡ tôi. Buồn trầm blues biển

Hương của nụ hoa nở từ vực sâu 


Đoản Khúc Biển

Đêm. Ngủ xa nhà

Nhưng cũng như biển

Tôi trăn trở suốt đêm…


Tôi thấy mình trôi

Cô đơn như con thuyền

Trên dòng nhạc Đặng Thế Phong

Con thuyền nên thơ. Cứ mãi trôi 

Và mang hoài trên mình giấc mơ về bến*…

 

Tiếng Biển

Có những đêm mùa thu

Tiếng gió nghe như tiếng sóng

Dội xôn xao lồng ngực 

Biển cồn cào mọc lên

Nha Trang theo dòng máu 

Tràn trề thân thể

Làm xanh hết ký ức tôi



Bài thơ “Ký Ức Xanh” có hai khổ thơ: Khổ thơ thứ nhất viết về Ký Ức Xanh, Khổ thứ hai như đóng cánh cửa kỷ niệm trở về thực tại nơi mà cuộc sống vẫn tuôn trào thi vị từ những hồi ức đẫm ướt nồng nàn dư vị tình yêu và hy vọng của Ký ức xanh:


Xanh. Xanh như trời xanh như lá xanh như nước xanh như ánh mắt sao Kim xanh. Em. Hạt biển xanh bung cao. Những con sóng nhìn lên. Ngưỡng mộ.


Sáng. Sáng như ngày sáng như viên đá quý sáng như mắt ngây thơ sáng như ánh lửa đêm. Em. Điểm long lanh vương miện triều dâng. Tan ra lấp lánh.


Sâu. Như vực sâu như rừng sâu như ý nghĩ thẳm sâu. Hơi thở âm vang dội lên từ ngực. Biển rộng mở mùa thiếu nữ. Thủy lưu hết sức ngọt và dịu dàng. Chắt chiu ấu thơ em xuân thì em. Bờ cát và sóng. Sống hết những ranh giới của nước. Yêu nhau. 


Nhốt vào trái tim mỏng manh. Những hạt biển mặn. Vỡ mềm môi triền cát. Luân vũ ánh sáng. Em. Điểm hoan lạc nhất của cơn say. Những vòng tròn hối hả đồng tâm.


Phần 3 “Ngôn Ngữ Xanh” bắt đầu bài thơ “Ngày chan hòa” với khổ thơ ba câu (Tercets) miêu tả một thực tại như mơ chan hòa hạnh phúc. Là những vệt màu cảm xúc vẽ trên bề mặt thực tại bức tranh trừu tượng biểu hiện (abstract expressionism) cô đọng những rung cảm giác quan lẫn tinh thần:


Phố lao xao khua mùa lá mới

Một mùi hương rất lạ theo về

Là tiếng nói mắt nhìn nhau có phải


Thầm riêng mình. Ấm ngọt giữa môi thơm

Ấm như thể thu nghìn giọt nắng

Nở như bông phố ngọt trưa nồng


Cúi xuống nhẹ vai ngày run mắt gió                     

Gọi nhau về. Nhà ai vừa khép cửa

Sắc rơm chiều. Rất dịu. Rồi tan

Là thức dậy vô cùng biết thế

Ngó chung quanh ngó đất nhìn trời

Sợ hụt hẫng nên ôm vào rất vội


Là tôi là tôi là tôi 

Như viên đá lạnh trong ly nước

Sống tận cùng. Chắc thế. Đã tan ra… 



Bằng khổ thơ ba câu nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh sáng tác bài “Nơi dịu dàng xuân tới” với nhịp ngắt quãng như hơi thở thông qua tâm tư nuối tiếc, đợi chờ:


Của nhẹ lắm tiếng trái tim đang đập

Và hạt lệ không rơi ra khỏi mắt

Sợ buồn trĩu rồi ngày đi sẽ nặng


Đừng nói gì thêm đêm ơi tiễn biệt

Em đứng đó con đường dài không hết

Đêm thở bên vai. Ai đó nói thầm


Có phải rất thầm rời hai bàn tay

Xa như tiếng mưa buồn cuối phố

Mắt nuối nhìn trong đêm. Mưa bay


Có phải rất thầm hẹn em mùa xuân

Dịu dàng ơi, nụ hôn đêm chờ đợi

Giục cánh hoa nở kịp dịu dàng khuya…



Bài thơ “Vườn chiều” mô tả cô đọng tiếng thời gian. Nỗi cảm hoài sâu lắng trong hồn và cả thiên nhiên. Độ rung cảm bài thơ rất cao, và tính trữ tình rất sâu. Ngày và đêm chuyển đổi dịu dàng qua ẩn dụ rất mực tuyệt diệu: 


Dưới bóng im. Ngày đi xa lắm

Nghe buồn chiều xóa nốt dấu chân

Như ai đó bước ngoài vạn dặm


Để lại trên cành những xanh nhắn nhủ

Xanh trên trời mây ở với chia tan

Mà rơi xuống trần gian. Đoàn tụ


Để lại trên thềm cành hoa khuya ngất trắng

Mai rồi nghe viên gạch nhỏ cũng thơm

Mỏng và dịu một hồn đêm hóa nắng…


Thơ khổ ba câu (Tercets) có thể ví von như thơ Haiku phương tây, tuy nhiên Tercets không giới hạn chữ cho mỗi câu và phải có một hợp vần (rhyme). Chỉ trong ba câu thường mô tả một cảm xúc trọn vẹn rất khó vì sức cô đọng đòi hỏi cao. Trong phần 3 Ngôn Ngữ Xanh có đến hai phần ba (21 bài) thơ khổ ba câu Tercets. Bài “Im lặng biển. người về” điển hình cho kiểu thơ Tercets:


Tin gió đưa về với mênh mông

Biển rất xanh và chân trời hư ảo

Sao ai trả lời kia sóng như bông*


Nở một đóa xôn xao chín suối

Tóc như mây trăm ngả sông về

Biển hò hẹn chắt lòng bông hoa muối


Bài thơ “Ngôn ngữ xanh Đinh Cường” cho thấy màu xanh của tranh là nỗi ám ảnh tâm hồn nhà thơ. Màu xanh của những bức tranh Đinh Cường cho bao xúc cảm, vun đắp cảm hứng để có bài thơ mô tả những bức tranh bằng thứ Ngôn Ngữ Xanh. Có thể màu xanh mà nhà thơ mô tả là thứ màu ký ức, chìm sâu trong những giấc mơ của một người lưu đày tâm trạng. Tranh chỉ là điều kiện để dường như hiện thực những giấc mơ: 


Dường như

Đó là đường biên vô tận của mầu xanh

Người họa sĩ thao thức cõi bình lặng

Những mảng mầu nức nở


Chiều ấy rất nhiều gió

Đàn chim nhớ phố bay về

Trên tháp chuông trên hàng cây già

Chiều Sài Gòn những hạt mưa xanh 

Rơi vào mắt cô gái hai mươi. Sững lệ

Tôi yêu mầu xanh từ ngây thơ ấy

Từ tranh người mầu sắc cũng chiêm bao


Tôi tin rằng những bức tranh của Đinh Cường đã được nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh bằng vào thứ Ngôn Ngữ Xanh tô vẽ và chắp thêm đôi cánh bay vào bầu trời cao tìm về một quê hương đã mất:


Cuốn vào giấc ngủ bầy chim 

Giữa kiêu hãnh nụ hoa đỏ và nét cong run rẩy dưới tà áo

Những mảnh trăng xà cừ 

Phản chiếu từ ánh mắt cô gái. Thẳm xanh và im lặng

Mải miết. Đường xanh rất buồn

Nơi dòng sông Potomac 

Ánh mắt người từng ngày rơi xuống. Hạt lệ Đà Lạt

Khúc hoài hương vỗ sóng

Những cánh chim ngược gió. Thổ giọng tuyết khô

Người hát bằng sắc mầu thao thiết quê hương một thời

                                                                           khói lửa 

Người hát bằng đường cọ mềm đong đưa tán lá 

Trong giấc mơ của loài chim. Phố xanh yên bình

                                                                          mộng mị


Và bài thơ chấm dứt bằng:


Đó là ngôn ngữ xanh. Và. Tín ngưỡng xanh

Trả lại cho tôi thời gian

Lúc người ta còn tin vào những chuyện thần tiên,

           những lời thơ nói về vẻ đẹp vĩnh cửu. Của trái tim


Trong bài thơ “Đêm” là một tự vấn qua lăng kính cảm hoài thân phận bởi điều kiện hạn chế của bản thân:


Phương đông im như ai vừa sập cửa

Ngày oằn vai cõng tối. Nắng theo đi

Để lại một trời đêm chết đứng


Sao tắt hồn rơi không lưới đựng

Từng bầy gió nhỏ khóc đưa tang

Vành môi khô trăng buồn neo lưng ốm


Nhưng cũng cho thấy nỗ lực bản thân vượt qua để có chút mầm xanh hy vọng:


Trời xa đuối. Lòng đêm sâu thẳm miết

Cây mỏi mệt bứt ra hoài lá bệnh

Thở dài gió lạnh trổ mình gai


Gai đêm nhọn giấc mơ đi không trót

Mắc cạn lòng nhau giấc ngủ đìu hiu

Họa chăng mai. Có một niềm vui sót…



“Sinh Nhật” là bài thơ an ủi chính mình trong khi nhận diện thời gian trôi qua của kiếp đời. Bài thơ biểu hiện tâm tư đấu tranh với nhịp thời gian bằng chính sự thụ động của thực tại nhưng vẫn phải cố gắng, tin vào một giấc mơ màu xanh:


Một ngọn nến. Thổi 60 năm xa

So ánh lửa. Chút mùa thêm tí tách

Tôi đi qua đi qua... 


Một ngọn nắng. Là mùa xuân đi mãi

Mầu hoa vàng ngất mắt chiêm bao

Tôi ngủ mớ những khi lòng thơ dại


Một tiếng chim gù. Là hè không đi nữa

Cho miên man hơi ấm tổ đong đầy

Tôi ủ no cõi đời tôi bếp lửa


Một chiếc lá khô. Hỏi mùa thu bóng xế

Ngày vừa trôi dỗ níu bóng chiều phai

Tôi mở hết những chiều xanh có thể


Gió đã buốt. Thổi bùng đêm mùa đông

Có tiếng khóc rót mừng ly rượu đỏ

Mừng trong tay ngày tháng vẫn đầy. Đong


Bài “Xứ chiêm bao” một lần nữa nhà thơ viết kiểu mơ và thực thông qua một cảm xúc đời thường. Bài thơ nêu bật ước mơ từ một thực tại mà nhịp sống không thay đổi, xảy ra hằng ngày. Có thể bảo một thực tại chỉ có thể vượt thoát qua ước mơ:


Dường như tôi đã đứng ở đó

Nơi ánh sáng đã lọc hết cặn đêm

Cùng hệ lụy ác mộng

Những thầm lặng nhẹ nhàng trỗi dậy

Trong suốt. Nhẹ bẫng. Run rẩy

Bóng tối không còn phải giấu kín nỗi đau

Theo bình minh tung nắng

Theo hàng cây bung gió 

Mở hết xích xiềng của thời gian

Ngày đêm đếm sự trôi qua 

Trong khí hậu chiêm bao của tiếng chim hót sáng

Của hoa nở và tàn

Dường như tôi đã đứng ở đó

Và nhặt được một đóa hoa hồng

Rưng rức nhịp trái tim thơ diễm lệ

Dường như tôi đã được sinh ra ở đó

Nơi. Những vị vua họp bàn vì hạnh phúc lê dân

Những người lính gác mùa màng

Những người già và nhà thơ ngồi kể chuyện thần tiên

Canh giữ những giấc mơ

Trong bờ đêm bay rất nhiều đom đóm


Để rồi từ vượt thoát thực tại đến một quê nhà có trong giấc chiêm bao:


Trong sáng láng ấy tôi đã gặp nhà thơ Mặt Trời. Lồng lộng nắng phương đông, huyền nhiệm sao khuya, rắc xuống cánh đồng thơ mùa chiêm bao diễm ảo. Tôi thức giấc từ lời hát của một bông cỏ dại…


Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…


Nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh đã dùng thơ mô tả nhịp sống chính mình. Giống như một họa sĩ nhà thơ vẽ bức tranh tâm tư theo ngày tháng mình đã sống. Có đủ đau buồn, yêu thương, mất mát theo sự chuyển động môi trường chung quanh cô và ngay trong tâm hồn cô. Bài thơ “Nhịp ngày” mô tả thứ cảm xúc “ngày” của nhịp sống:

Vẽ những lối quanh con nắng ngập ngừng

Đi rất khẽ rồi dần dần lay động

Thềm hoa khuya và ngõ nhỏ đầu hôm


Ai đứng đó hay vừa mới tới 

Một chút nhìn như hồ nghi đêm

Đêm lưỡng lự. Ngày không đứng đợi...


Và những xung động tâm tư “chiều” xuống mơ hồ:


Chiều đang tắt dần ngọn lửa

Ngày không cầm được chân nắng nữa

Sông buông dòng nước để trôi xa


Ngọn cỏ xanh bên bờ mới mọc

Đêm buồn như có ai đang khóc

Tôi ngồi cong mảnh trăng non


Để rồi tự an ủi mình “Vâng, tôi đã rất đầy”:


Ơn đời nhau. Hạnh Phúc

Vâng, tôi đã rất đầy

Lẻ loi một hạt lệ

Dỗ dành nhau. Phút giây


Cạn ly này. Niềm Vui

Đã mềm môi vị ngọt

Gai đời kia có xót

Âu chút trần gian thôi


Bài thơ “Một mình. Như mơ” là hoài vọng một thời đã mất, ở đó có những nỗi cô đơn lang thang, có những hạt lệ rơi xuống hồ của tình cảm vô vọng. Gợi lại để giải tỏa chính nỗi cô đơn của mình như thứ an ủi hẩm hiu:


Nhẹ tiếng bóng. Xô tôi 

Tiếng lá thở dài tiếng gió

Đêm va vào tối 

Những nỗi cô đơn 

Chạm nhau. Không lời

Ném xuống

Những hạt lệ

Sóng nụ cười lay động 

Tưởng lòng ta xưa

Soi tỏ lại cùng trăng. Niềm yêu dấu cũ…


Ném xuống 

Những hạt buồn vỡ tan 

Mặt hồ giấc mơ 

Lan tỏa những vòng tròn đồng tâm

Thao thức một điểm 

Nhịp tim vừa thức

Gọi tên người, Ban Mai tinh sương…


Ô dường như đêm nay

Đâu nói chuyện một mình…


Bài thơ “Tâm Trạng Ngày” với ba bài thơ “Ngẫu hứng ban mai”, “Cảm xúc trưa”,“Nhịp một mùi hương thức giấc” điển hình về một nhịp sống hàng ngày đã phản ánh trong nhiều bài thơ khác của cô.


Xuống phố

Nhìn mọi người trên đường

Nhìn. Nhưng chẳng thấy ai

Giữa ánh nắng buổi sáng

Vẫn không gần thêm được một ban mai

Tựa như thế

Trôi hoài trong mơ vẫn thèm một chiêm bao

Rất mãnh liệt một cơn gió

Dội xuống tiếng chuông từ ngực nóng

Nắng tỏa tung

Thời gian ngập ngừng trước cửa

Tôi quỳ xuống một ý nghĩ duy nhất

Đặt trên bờ môi vị ngọt của phút giây tình yêu nôn nả

Thách thức sự níu kéo của kỷ niệm lẫn vẫy gọi của ngày mai

Hào phóng mùa hy vọng 


Có thể bảo Ngôn Ngữ Xanh chỉ là cách nói, ẩn dụ của nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh trong khi cả tập thơ là một cuộc đời nếu không muốn nói chính tâm tư đời sống thường nhật của nhà thơ, và tính phương pháp giúp bố cục tập thơ mạch lạc ngăn nắp. Phần 1 “Phút Mong Manh Giữa Những Từ” là thứ phương pháp luận Thi Ca, trong đó trên nền của cảm xúc, sự sáng tạo từng bước đi qua độ rung cảm của các con chữ, ngôn từ để hình thành bài thơ. Rất mong manh, vì nhà thơ đang ngồi trong ngôi nhà quá khứ, gom nhặt những sợi tơ dĩ vãng để rồi bằng ước mơ, khát khao hy vọng khéo léo dệt tấm tranh thơ màu xanh tương lai.  


Tập thơ Ngôn Ngữ Xanh là lời tâm sự của nhà thơ về cuộc sống chính mình. Những bài thơ độc thoại còn ẩn giấu sự bất lực thực tại là lý do khao khát ước mơ trong suốt các bài thơ của cô, để rồi màu xanh của ngôn ngữ chính là nỗi niềm hy vọng cho ước mơ chắp cánh. Thế nên nhà thơ Nguyễn thị Khánh Minh mỗi lần viết là mỗi lần hướng tới tương lai bằng một niềm tin hy vọng. Ngoài mặt mỹ học của ngôn từ Thi ca, tập thơ Ngôn Ngữ Xanh còn là cảm hứng cho những ai muốn vượt qua sự trì trệ đời sống xuất phát từ hạn chế khách quan hoàn cảnh bản thân. Tôi trân trọng giới thiệu tập thơ Ngôn Ngữ Xanh của nữ thi sĩ Nguyễn thị Khánh Minh đến với các bạn yêu thơ!


Lê Lạc Giao

Tháng 10/2019




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.