Hôm nay,  

CỤ PHAN KHÔI VIẾT VỀ HAI ÔNG: ÔNG BÌNH VÔI VÀ ÔNG NĂM CHUỘT

08/11/201910:02:00(Xem: 6067)

Cụ Phan Khôi sinh năm 1887, khi viết về  Ông Bình Vôi (1956) và Ông Năm Chuột (1958), cụ đã ở tuổi 71 trước khi qua đời ở tuổi 72 (1959). Chúng tôi là kẻ hậu sinh viết bài này nhân kỷ niệm 60 năm giỗ cụ : Kỷ Hợi 1959—Kỷ Hợi 2019. 


Giả dụ một sinh viên Việt Nam sanh sau 1975 bất ngờ  đọc lại lịch sử dân tộc qua nhiều loại tài liệu từ những nguồn khác nhau, anh ta có thể ngỡ ngàng tự hỏi Phan Khôi là nhân vật lịch sử nào, một người có thực hay chỉ là một huyền thoại như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân  Âu Cơ ? Anh ta lại càng không thể tin rằng cụ là linh hồn phong trào của một số văn nghệ sĩ, trí thức can trường phê phán đảng Công Sản Việt Nam trong một thời gian ngắn ngủi 1956-1958 tại miền Bắc Việt Nam. 

           Đó là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm  ( viết tắt NVGP).


Hầu như vết tích về phong trào này bị xóa sạch trong các tài liệu chính thống lưu hành trong nước trong suốt ba mươi năm từ sau khi phong trào bị đập tan năm 1958. 


“Ngày 4 tháng 6 năm 1958, Đai Hội Văn Nghệ III ở Hà Nội kết thúc “Trận Chiến Đấu 

Chống Bọn Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm” với bài báo cáo tổng kết của Tố Hữu, nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ lên án  “Bọn NVGP” , và các Hội Văn Nghệ thi hành các biện pháp kỷ luật” ( xem sách “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc—Thụy Khuê—trang 38).


Phong trào chính thức ra mắt công chúng bằng tờ báo Giai Phẩm Mùa Xuân vào tháng 1 -1956 do các thi sĩ Lê Đạt ( 1929-2008 ) và Hoàng Cầm (1922-2010 ) chủ biên. Như vậy từ lúc khai sinh đến khi chết, phong trào sống được hai năm sáu tháng.


Phong trào được tạo ra bởi những văn nghệ sĩ, học giả, giáo sư đại học vừa có tài học vừa có đạo đức nhân bản và tâm hồn dân tộc,  nhưng họ đã bị chế độ gọi là “Bọn phá hoại”.


Trong tiếng Việt, chữ “Bọn” bao hàm nghĩa khinh bỉ, thù địch. Thí dụ trong chế độ quân chủ ngày xưa, triều đình gọi những phong trào nông dân nổi loạn là bọn giặc cỏ, bọn phỉ, bọn lục lâm, bọn hảo hán giang hồ…Ngược lại phía nông dân nổi loạn gọi triều đình là bọn hôn quân bạo chúa, bọn quan  lại thối nát, bọn cường hào ác bá…Cùng phát xuất từ nguồn triết học của Karl Marx, nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam gọi những nhà cách mạng theo khuynh hướng của Leon Trotsky như Tạ Thu Thâu ( 1906-1945 ), Phan văn Hùm ( 1902-1946) là ….bọn tờ-rốt-kít phản động. 


           Trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1954 đến 1975, chính thể Cộng Hòa gọi chính thể Cộng Sản  là bọn cộng nô, bọn tay sai Nga Tàu ; ngược lại chính thể Cộng Sản gọi chính thể Cộng Hòa là bọn liếm gót giày đế quốc tư bản. Tuy nhiên từ 1975 đến nay chính thể Cộng Sản Việt Nam lại tự khoác lên mình danh xưng đó. Đây là diễn trình theo biện chứng pháp duy vật hay duy tâm ? 

 

Tài liệu chính thức được chế độ phát ra là tập sách dày 370 trang nhan đề “Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước Tòa Án Dư Luận” in năm 1959, cũng do những văn nghệ sĩ trí thức theo lệnh chế độ viết nhằm hạ nhục, bôi bẩn những vị trong phong trào. 


Phần cuối sách, có một chương nhỏ trích “  lời thú tội” của các thành viên NVGP, còn toàn thể dành cho phía công tố  “phát hiện tội”, với lời lẽ vô cùng khiếm nhã khó thể mường tượng từ miệng hoặc từ ngòi bút của giới gọi là “trí thức văn nghệ sĩ” đối với đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia NVGP “ ( sđd…trang 27 ). 


Tác phẩm của tác giả Thụy Khuê là một công trình nghiên cứu công phu suốt từ 1984 đến 2012 mới xuất bản thành sách dày 969 trang do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, USA.

Tác giả đã dựa trên một số tài liệu hiếm hoi và nhất là trên những buổi phỏng vấn trực tiếp, sống động với môt vài vị chủ chốt của phong trào còn sống sót : nhà tư tưởng Nguyễn Hữu Đang 

( 1913-2007 ), thi sĩ Lê Đạt ( 1929-2008 ), thi sĩ Hoàng Cầm ( 1922-2008 ), họa sĩ Trần Duy

 ( 1920-2014 ). 


Những tài liệu hiếm hoi có thể kể ra : Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc ( Hoàng Văn Chí-1913-1988 )---Cent Fleurs Ecloses Dans La Nuit Du Viet Nam ( Georges Boudarel- 1926-2003)

---Năm Mươi Năm Sau :Trăm Hoa Đua Nở Ở Việt Nam ( Heinz Schutte—1923-2007 )—Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận (nhà xuất bản Sự Thật—Hà Nội-1959 )---Kẻ Bị Khai Trừ-Un Excommunie (Nguyễn Mạnh Tường- 1909-1997)—Tiếng Vọng Trong Đêm –Une Voix Dans La Nuit (Nguyễn Mạnh Tường )—Phê Bình Nắng Chiều của Phan Khôi ( tác giả Đoàn Giỏi)---Vụ Nhân Văn Giai Phẩm Từ Góc Nhìn Một Trào Lưu Tư Tưởng Dân Chủ, Một Cuộc Cách Mạng Không Thành (Lê Hoài Nguyên==nguyentrongtao.org--2010 )


Cụ Phan Khôi ( 1887-1959) cùng những thành viên khác của phong trào NVGP đều bị hạ nhục, bôi bẩn về mặt tinh thần. Vì cụ qua đời trước khi có những biện pháp trừng phạt nên cụ không phải trải qua những thảm cảnh của kẻ bị khai trừ trong 30 năm sa mạc như nhà tư tưởng Nguyễn Hữu Đang,  luật sư Nguyễn Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993), thi sĩ Lê Đạt, Hữu Loan ( 1916-2010), Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung (1928-1998), Phùng Quán, (1932-1995 ) , họa sĩ Trần Duy ( 1920-2014 ).


Tác giả Hoàng Văn Chí đã kể ra 5 bài viết của cụ Phan Khôi khiến cụ bị liệt vào hàng đầu não chống chế độ  : Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ--  Tìm Ưu Điểm—Ông Bình Vôi—Ông Năm Chuột--- Nắng Chiều  ( Sđd Phần II—Phái cựu học—Phan Khôi ).


Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin mạn phép bàn về hai tiểu phẩm Ông Bình Vôi và Ông Năm Chuột.


I/ ÔNG BÌNH VÔI


Thế hệ trẻ sinh từ 1975 , thậm chí 1970 không thể nào hình dung ra cái bình vôi là vật dụng gì. Giữa thế giới kỹ thuật hiện đại, cái bình vôi đúng là một cổ tích, nhưng trong cả ngàn năm nó gắn liền với đời sống của người dân Việt từ nhà nghèo đến nhà giầu. Nó dùng để đựng vôi ăn kèm với trầu cau. Nó hợp với cái bình bằng đồng đựng lá trầu, quả cau gọi là cái cơi trầu, và cái ống nhổ thành một bộ đồ trầu  . Người ta thường nói người Việt có tục ăn trầu cau với vôi vừa để ngừa sâu răng vừa để trị giun sán. Ngày xưa làm gì có kem đánh răng. 

Cụ Phan Khôi mở đầu bài viết như sau “ Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi”. Bài viết chỉ dài có gần ba trang sách , và cụ gọi là một bài khảo cứu nhỏ, đăng trong Giai Phẩm Mùa Thu tập II xuất bản ngày 30 tháng 9 năm 1956. 


Theo tác giả, bình vôi làm bằng đất nung, có hai loại, một cho nhà hạng sang, một cho nhà hạng trung. Loại trung có cổ eo và miệng loa , không có quai. Nhà cụ Phan Khôi là nhà quan nên thuộc hạng sang, dùng loại bình có quai và thân bình được tô màu lục hay hồng. Cả hai đều có một cái chìa vôi dùng để lấy vôi từ trong bình ra quệt vào lá trầu. Loại trung dùng chìa bằng tre, loại sang dùng chìa bằng sắt. 


Thái độ của người ăn trầu đối với bình vôi như thế nào? Sau mỗi lần quệt vôi vào lá trầu xong, người ăn trầu quệt chìa vào miệng bình cho sạch. Lâu năm , miệng bình càng ngày càng dầy lên cho đến khi kín mít thì bỏ bình mua cái khác. Bà nội của tác giả gọi việc quệt ấy là “ cho Ông Bình ăn”. Ban đêm, bà rút cái chìa vôi ra khỏi miệng bình vì bà nghĩ rằng  “Ông Bình linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm kẻ đạo, Ông sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp  cái miệng thì 

không mách được”.


Ai ăn trầu cũng đều có thái độ kính ngưỡng như vậy đối với cái bình vôi. Khi miệng bình bị kín mít rồi,coi như vô dụng , người ta không vứt bỏ vào thùng rác mà coi như một vật thiêng liêng để thờ . Hoặc người ta thờ trong sân nhà chung trên một bàn thờ với các thần Đất ( Thổ công ), thần Bếp ( Táo công), thần Phúc Đức gọi là Tam Vị. Hoặc người ta đem ra thờ trên những bức tường thành của đình hay chùa. Năm này qua năm khác, trên những bức tường thành này có một dãy cả chục, cả trăm những bình vôi vô dụng như thế được tôn thờ như những linh vật.


Tại sao dân gian từ giầu tới nghèo lại có cái tín ngưỡng kỳ lạ như vậy ? Kính ngưỡng với thần Đất, thần Bếp, thần Phúc Đức, còn có thể hiểu được vì liên quan đến cái ăn, cái ở, cái họa cái phúc trong đời sống cụ thể. Đối với giới trẻ trong thời đại mới, tín ngưỡng đó đúng là lòng mê tín, hoàn toàn thiếu tinh thần khoa học. 


Cụ Phan đã thử phân tích tâm lý thứ tín ngưỡng đó. Thứ nhất là tâm lý sợ hãi trước những vật gì có thể làm tổn hại đến đời sống ; thứ hai là tâm lý nể trọng, sùng bái  những vật gì sống lâu năm. 

Tâm lý sợ hãi đưa đến việc con hổ được tôn xưng là Ông Cọp ; con chuột là Ông Tý ; con khỉ là Ông Trưởng. 


Tâm lý nể trọng, sùng bái  đưa đến việc ba cái đầu rau nấu bếp được gọi là Ông Núc ; cái bình vôi được gọi là Ông Bình Vôi….


Cụ Phan nhớ lại năm 18 tuổi  ( 1905 ), cụ không tin như mọi dân làng nữa về sự linh thiêng của những Ông Bình Vôi. Vào một đêm tối trời,  chàng trai trẻ Phan Khôi và một nhóm thiếu niên tinh nghịch đi dọc theo những bức tường thành của đình chùa gạt hết những bình vôi vô dụng cho đổ xuống đất. Nhưng sáng hôm sau như có bàn tay vô hình chúng được xếp lên trở lại.

Câu hỏi quan trọng : Động lực nào trong tâm khiến lũ thiếu niên làm như thế?. “Chúng tôi cứ làm như thế, không có lý luận”.


Đoạn văn kế tiếp làm cho người đọc khó hiểu : “Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng làm như thế được cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi”.


Tại sao hất đổ những bình vôi vô dụng lại mang tội ? Mang tội với ai ? Ai có quyền kết tội ? Mà kiểm thảo là cái gì ? Kiểm thảo trước mặt ai? Lũ  thiếu niên cùng thời với cụ hồi 1905 tới nay—1956-- đều đã già rồi cũng phải bị kiểm thảo, họ là những ai ?


Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi xin đề cập ba vấn đề :


1/ Ý nghĩa của từ ngữ   “kiểm thảo”, “tự kiểm thảo”


2/ Nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng trong văn chương


3/ Thế hệ của cụ Phan Khôi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 gồm những nhân vật lịch sử nào ?

    

**********

1/ Kiểm thảo và tự kiểm thảo:  


Ý thức đạo đức trong một con người bình thường được biểu hiện qua hai trạng thái tâm lý : tàm ‘ ( shame )và quý ( dread ). Tàm là sự hổ thẹn từ nội tâm về một hành vi bất thiện mà mình đã làm, đó là sự ăn năn ray rứt –quý là sự sợ hãi hậu quả mà mình phải gánh lấy như sự khinh chê, trừng phạt của người khác. Loài vật không có tàm quý; những hạng người gọi là nhẫn tâm cũng không có tàm quý. 


Còn sự theo đuổi một lý tưởng tâm linh, văn nghệ, chính trị, xã hội ở mỗi cá nhân một khác. Sự khác biệt đó không phải là tội , trái lại là yếu tố tích cực cho sự tiến bộ văn minh của nhân loại. 


Tự kiểm thảo và kiểm thảo là sự tự phê bình và để người khác phê bình những khuyết điểm của mình trong hành động và lời nói không  phù hợp với một lý tưởng, một quan điểm nào đó. Không phù hợp không có nghĩa là phản nhân tính, vô đạo đức.


Hai từ ngữ này là đặc trưng trong chế độ cộng sản. Những người quen sống trong một xã hội có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận sẽ không thể nào hiểu được ý nghĩa của chúng.


Kẻ hậu sinh xin dẫn tài liệu của một vị cha chú có thẩm quyền nói về vấn đề này. Đó là tác phẩm KHU RỪNG LAU của nhà văn Doãn Quốc Sỹ  (sinh 1923---). Khu Rừng Lau là một bộ trường thiên tiểu thuyết gồm bốn truyện dài :


-Ba sinh Hương Lửa   ( Khu Rừng Lau I—xb năm 1962-Sài Gòn )

-Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến ( Khu Rừng Lau II—xb năm 1964—Sài Gòn)

-Tình Yêu Thánh Hóa ( Khu Rừng Lau III—xb năm 1965—Sài Gòn )

-Đàm Thoại Độc Thoại ( Khu Rừng Lau IV—xb năm 1966—Sài Gòn )

( Xem www.doanquocsy.com)


Truyện dài  “Ba Sinh Hương Lửa” có ba phần : Phần I : Câu Chuyện Khởi Đầu—Phần II: Màu Tím Hoa Lau—Phần III : Giã Từ 


Trong Phần III, xin đọc Chương 3 : Phong Trào Tam Phản Khóa Bảy.


Nhân vật Hiến trong truyện sinh năm 1922. Trong bối cành lịch sử Việt Nam, đất nước còn trong sự cai trị của thực dân Pháp khởi đầu từ tháng 9 năm 1858 khi người Pháp dùng quân sự đánh chiếm Đà Nẵng. Từ đó cho tới ngày 9 tháng 3 năm 1945, thực dân Pháp mới bị lật đổ bởi phát xít Nhật. Trong thời gian gần một thế kỷ đó, thực dân Pháp đã phạm rất nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam, giết, bỏ tù, lưu đầy biệt xứ bao nhiêu anh hùng dân tộc từ Trương Công Định ( 1820-1864), Nguyễn Trung Trực ( 1838-1868 ), Phan Đình Phùng ( 1847-1895 ), Hoàng Hoa Thám ( 1858-1913 ), Phan Bội Châu ( 1867-1940 ), Phan Châu Trinh ( 1872-1926 ), Nguyễn An Ninh  ( 1900-1943 ) , Nguyễn Thái Học ( 1902-1930 )……


Tư tưởng, tâm hồn và nhân cách của các vị ấy đã là tấm gương sáng cho tuổi trẻ Việt Nam như được tác giả Doãn Quốc Sỹ mô tả trong tác phẩm Khu Rừng Lau qua những nhân vật chính sanh ở lứa tuổi 1920 đến 1926 : Hãng 1921; Hiến 1922; Tân 1923; Kha 1924; Miên 1926. 


Các nhân vật này đang độ tuổi thanh niên đầy lòng yêu nước khi Nhật thất trận đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8 -1945, tưởng là dân tộc đã thoát ách thực dân phát xít. Ai ngờ, những thế lực tư bản và cộng sản quốc tế đã thỏa thuận  với nhau đưa thực dân Pháp trở lại cai trị dân Việt. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày toàn dân từ Nam ra Bắc đứng lên kháng chiến chống Pháp.


Nhân vật Hiến mới đậu Tú Tài ban toán năm 22 tuổi ( 1944 ), nhân vật  Kha đậu Tú Tài ban triết học văn chương năm 21 tuổi ( 1945 ). Họ được coi là thành  phần trí thức thành thị đã bỏ thành đô ra chiến khu kháng chiến. Nhưng những người lãnh đạo kháng chiến lại là những người theo ý hệ cộng sản kiểu Stalin  ( 1878-1953) và Mao Trạch Đông ( 1893-1976 ), không những chống khuynh hướng quốc gia dân tộc mà còn chống cả khuynh hướng cộng sản kiểu Trotsky ( 1879-1940).  Leon Trotsky bị Stalin ám sát tại Mexico năm 1940. Tất cả những người theo tư tưởng Trotsky đều là kẻ thù của những đảng cộng sản Stalinit-Maoit. 


Khi Hiến và Kha gia nhập hàng ngũ kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo kể từ 1947 thì chỉ ít lâu sau họ nhận thức ngay họ không thể hòa nhập được với ý hệ cộng sản. Nhất là sau khi Mao Trạch Đông thống nhất Trung Hoa vào năm 1949 thì đảng cộng sản Việt Nam coi như lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Hoa với những cố vấn Tàu có mặt trong mọi  cơ cấu chính quyền. Như trong đơn vị y khoa mà Miên phục vụ như một nữ y tá có viên cố vấn thủ thuật là một đại tá quân y Tầu ( xem Chương 3 –Phần II- Khu Rừng Lau) . Trong đơn vị quân đội của Kha, Hiến có viên  sư đoàn trưởng cố vấn ( Chương 3—Phần III—Khu Rừng Lau ). 


Đầu năm 1953, Việt Bắc chính thức phát động phong trào đấu tố, khởi đầu là bà 

Cát  Thanh Long”  ( Chương 5—Phần II—Khu Rừng Lau ). Bà Cát Thanh Long là địa chủ ở Thái Nguyên trong những ngày đầu kháng chiến đã giúp rất nhiều cho chiến sĩ nhưng lại bị Đảng Cộng Sản bội ơn đem ra đấu tố đến chết.  Mục đích của đấu tố là moi ra những thành phần không thuộc tầng lớp nông dân, đó là những địa chủ, trí thức thành thị đang ở trong hàng ngũ kháng chiến. 

Năm 1953, trường lục quân Trần Quốc Tuấn Việt Nam phải dời sang Trung Hoa, đóng tại Phụng Minh Thôn thuộc huyện Côn Minh ( Vân Nam ). Hiến được biên chế vào học khóa 8.

Anh tính đúng ba ngày sau khi đến đơn vị là ngày giỗ cha mẹ. Anh bày hương hoa ở đầu giường và rì rầm khấn vái. Bỗng một đám cán bộ lãnh đạo của trường ào vô phòng, dường như có kẻ báo cáo . 

Một anh cán bộ trông dáng vẻ xuất thân từ tầng lớp bần cố nông hách dịch hỏi Hiến


Đồng chí còn nặng tư tưởng phong kiến lạc hậu thế đấy “

………………Chúng tôi chẳng biết đồng chí cúng ai và tưởng niệm cái gì ở khoảng trống này”


Hiến nghiến răng trừng mắt : “Anh câm mồm, bàn thờ cha mẹ,bàn thờ các liệt vị anh hùng chính là bàn thờ giá trị dân tộc, giá trị chính mình ! Chỉ có những kẻ vô giá trị mới nhìn lên bàn thờ mà thấy là khoảng không”

………Anh cán bộ bần cố nông chỉ vào mặt Hiến nói giọng lên án cảnh cáo : “Đồng chí còn nặng đầu óc cá nhân tiểu tư sản thoái hóa, tối nay giờ sinh hoạt, đồng chí sẽ tự kiểm thảo trước toàn thể anh em”  ( Chương 3, Phần III—Khu Rừng Lau ).


Tự kiểm thảo và bị kiểm thảo tức là tự thú những sai lầm của mình không phù hợp với quan điểm của cách mạng vô sản . Suốt buổi tối cho đến hai giờ khuya Hiến bị “quần” bởi “anh  em” với những câu hỏi cố ý dồn cho nạn nhân phải gục ngã chấp nhận việc mình cúng bái cha mẹ là sai trái, là bệnh tiểu tư sản thoái hóa . Hiến và các bạn cùng hoàn cảnh vẫn nhìn những nhà cách mạng Phan Bội Châu ,Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học …là những nhà cách mạng dân tộc nhân bản chân chính mà thế hệ thanh niên phải tiếp nối sự nghiệp. Cách mạng mác-xít không phải là đường lối duy nhất đúng cho hướng đi của dân tộc. 

May sao, Hiến đã gặp được một người bạn đồng hội đồng thuyền. Đó là một cán bộ đang phụ trách tờ nội san cuả hiệu bộ tức là ban giám đốc trường lục quân. Anh ta tên Kha kém Hiến hai tuổi, từng đỗ tú tài ban triết học văn chương năm 1945 tại Hà Nội trước khi ra khu kháng chiến. Kha đã học qua khóa bảy và kể lại thảm kịch kiểm thảo theo khuôn mẫu của đảng cộng sản Trung Hoa, gọi là Phong Trào Tam Phản.


Đó chính là một cuộc đấu tố tư tưởng diễn ra qua ba bước:


“1-Thoạt tiên đương sự tự bộc lộ mình đã nghĩ điều gì, làm điều gì qua từng biến cố.

  2-Các đồng chí trong tổ tâm giao trong tiểu đội, trung đội sẽ căn cứ vào những lời đương sự tự tố cáo đó mà nêu nghi vấn, rồi chất vấn để soi tỏ đường đi mà tìm ra căn bệnh. Có mấy căn bệnh chính là : cầu an, hưởng lạc, giao động, hủ hóa .

 3-Cấp lãnh đạo sẽ căn cứ vào kết quả trên , dùng ‘ánh sáng lý luận Mác-Lê” mà quyết định thành phần đương sự” ( Sđd)


Kết quả là những nạn nhân bị dồn đến đường cùng : tự sát. Theo Kha cho biết, khóa bảy có nhiều người tự sát nhất trong trung đoàn pháo binh  Lê K.. Mỉa mai thay, Lê K.lại là con trai của bà Cát Thanh Long, làm phó chính ủy lãnh đạo học tập . “Đã có kẻ dùng dây thừng tự tử; đã có kẻ bẻ vụn những lưỡi dao cạo râu mỏng hòa với nước uống rồi ra sân chơi bóng rổ, được nửa cuộc thì gục xuống chết” ( Sđd ).


Cụ Phan Khôi bị Việt Minh bắt ra khu kháng chiến sau ngày toàn quốc đứng lên chống Pháp, ngày 19 tháng 12 năm 1946. Như vậy cụ đã sống trong chế độ cộng sản mười năm , thời gian  đủ để cụ hiểu thế nào là cái giá sinh tử của tam phản , tự kiểm thảo và kiểm thảo .


2/ Nghệ thuật ẩn dụ và tượng trưng trong văn chương


Xin nêu một thí dụ đơn giản về ẩn dụ trong ca dao Việt Nam :


Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng


Nói cái cò, con cò nhưng để chỉ người phụ nữ vất vả nuôi chồng nuôi con. Khi nói hay viết về Ông Bình Vôi, cũng thế, nhà thơ Lê Đạt và nhà văn Phan Khôi ám chỉ một loại người nào đó.  “Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng Ông.

Tôi viết cái bài khảo cứu  nhỏ này cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt :


Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại


(Xem Hoàng Văn Chí—sđd )



Những câu thơ này được trích từ một bài thơ đăng trong Giai Phẩm Mùa Xuân tháng 1-1956 : Ông Bình Vôi


Tôi mới hai muoi lăm tuổi

Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi

Thất bại cúi đầu

Công thức xỏ dây vào mũi

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại

Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại

Khôn ngoan không dám làm người

Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi


(Xem Thụy Khuê—sđd—trang 70 )


Ông Bình Vôi chỉ hai hạng người :


-Thứ nhất là những văn thi sĩ tiền chiến vốn đầy cảm xúc sáng tạo bây giờ đã xơ cứng tình cảm nhân bản (lòng nó đã đặc), ngậm miệng làm quan văn nghệ viết khẩu hiệu ( miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên tường thành như những pho tượng ..). Họ đã trở thành những “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh” như nhà văn Phùng Cung mô tả  trong truyện ngắn đăng trong Nhân Văn số 4 ( ra ngày mùng 5 tháng 11 năm 1956). 


Như thi sĩ của tình yêu lãng mạn ngày xưa, Xuân Diệu ( 1916-1985 ) đã trờ thành một tên phường tuồng hò hét cổ vũ cho thảm kịch Cải Cách Ruộng Đất :


………..

Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi


( xem Hoàng Văn Chí—sđd )


Thi nhân trở thành sát nhân như Tố Hữu:


Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong

Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin.. bất diệt

(xem Hoàng Văn Chí—sđd )


Thi sĩ không còn là hoàng tử của chữ nghĩa quê hương dân tộc mà trở thành kẻ cuồng tín mù lòa thờ những bạo chúa ngoại tộc. 


-Thứ hai là những lãnh tụ gọi là cách mạng. Họ đã trở thành những bù nhìn nhận chỉ thị từ những thế lực ngoại bang. Khuôn mẫu xô viết, phong trào tam phản, cải cách ruộng đất từ đâu mà có ?


Trong bối cảnh xã hội như vậy , nhà thơ Lê Đạt đã phải chấp nhận thái độ sống “Khôn ngoan không dám làm người”. 


3/ Những nhân vật đương thời với cụ Phan Khôi


Năm 1905, cụ Phan 18 tuổi; năm 1906 đỗ tú tài Hán học. Nhưng từ đó trở đi chàng trai trẻ Phan Khôi từ bỏ Hán học mà quay sang học Quốc ngữ và Pháp ngữ. Có thể từ hồi đó chàng đã thấy cái học khoa cử từ chương của Hán học là vô dụng trước tình hình đất nước. Có thể chàng đã coi những cậu tú, cậu cử, những ông nghè ông cống, những ông quan trong triều đình nhà Nguyễn là những Ông Bình Vôi. Dân trí thì thấp , sùng bái họ . Đúng là chàng trai Phan  Khôi và bằng hữu tỉnh thức đương thời muốn đập bỏ những bình vôi đó, tức là theo tư tưởng dẹp bỏ nền quân chủ, muốn mở mang dân trí về hướng dân chủ phương Tây. Vì thế chàng Phan mới bỏ quan trường mà lao vào nghiệp làm báo. Trong những năm từ 1904 đến 1909, Phong trào Đông Du do nhà cách mạng Phan Bội Châu đề xướng khắp nước, cũng như Phong trào Duy Tân do nhà cách mạng Phan Châu Trinh phát động ở Trung kỳ đã tác động rất mạnh đến tâm hồn những chàng trai thế hệ Phan Khôi . Đập bỏ những bình vôi vô dụng có ý nghĩa tượng trưng là thanh niên Việt Nam phải mạnh dạn bỏ cái học từ chương để tiếp nhận khoa học kỹ thuật tân tiến mà nước Nhật là gương sáng. Việc chọn hướng đi cho mình với lý tưởng đưa đất nước thoát vòng phong kiến thực dân đâu có phải là một tội mà phải xưng tội , phải tự kiểm thảo ? Lòng yêu nước thương nòi vốn là hồn dân tộc nằm sâu trong mọi tầng lớp dân gian, không cần ai phải giảng dậy mới có. Cái gọi là chủ nghĩa yêu nước chỉ là một lý thuyết đến sau.

 

                  Thời thanh niên, chàng trai trẻ Phan Khôi đập bỏ những bình vôi hủ nho; thời lão niên, cụ Phan đập những bình vôi hủ mác-xít.  


                    ********************************************


II/ ÔNG NĂM CHUỘT


Truyện ngắn “Ông Năm Chuột” đăng trên báo Văn số 36 ngày 10 tháng 1 năm 1958 tại Hà Nội. Theo tác giả Hoàng Văn Chí, “Chính vì bài này mà tờ báo Văn bị đóng cửa ngay tức khắc” ( HVC—sđd ). Đó là câu chuyện kể về những khám phá bất ngờ của Phan Khôi về một con người mà bề ngoài chỉ là một thứ dân hèn mọn nhưng ẩn chứa bên trong một nhân cách sâu sắc đáng kính trọng. Hành trình khám phá kéo dài mấy chục năm.


Năm 1901, cậu bé Phan Khôi mới 14 tuổi vốn sinh ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, đi học ở nơi xa, thỉnh thoảng về làng thăm nhà. Mỗi lần về cậu lại nghe nói về Năm Chuột đang sống lang thang trong làng, không nhà cửa, không vợ con, sinh nhai bằng nghề thợ bạc là chính, nghề phụ là sửa đồng hồ, bút máy, xe đạp, khóa tây. Nghe nói anh ta vốn người làng Kỳ Lam nằm phía tây bắc của Bảo An. Anh ta nổi tiếng là thợ khéo nhất trong chốn đô hội,

Huế, Đà Nẵng, Hội An . Nhưng có tiếng đồn anh ta hay ăn cắp vàng bạc khi nhận làm, mà ăn cắp tinh vi không ai bắt được bao giờ. Người ta còn xì xào một cách bí mật là anh ta dám đúc súng,  làm bạc giả mưu đồ làm “giặc”. Tệ hơn nữa, người ta còn khinh miệt anh ta là kẻ nói láo, nói phét thuộc cái hạng “mười voi không được bát nước xáo”. Đến độ người ta chỉ nói chuột quá tức là láo quá. 

Cậu thiếu niên Phan Khôi nghe qua rồi cũng chẳng để tâm. Cậu đang lo học chữ Nho nhằm đỗ thủ khoa kỳ thi hương vài năm nữa. Hơn nữa , cậu là con trưởng của quan tri phủ Phan Trân, có tiếng học giỏi, thuộc giai cấp thượng lưu , hơi đâu để ý dến một anh thợ bạc hèn mọn. 


Năm 1906, sau khi đậu tú tài nhưng không được thủ khoa, cậu về Bảo An rồi đi Xuân Đài thăm bà ngoại và ông cậu vốn là tri phủ đã về hưu  ( mẹ Phan Khôi là con gái của Tổng Đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết khi Hà Thành thất thủ vào tay quân Pháp năm 1887, đúng năm sinh của cụ). Chính tại nhà bà ngoại, cậu Phan đã gặp Năm Chuột. Bây giờ  Phan đã thành chàng thanh niên 20 tuổi. Chàng miêu tả Năm Chuột “…đầu trọc, quấn cái khăn vải đen, áo cộc cúc giữa, quần đến đầu gối, chân mang dép da sống. Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi  chào cậu tôi…….

Cậu tôi chào như không phải chào :

-Anh Năm phải?

-Dạ, lâu lắm, có thể quan lớn quên tôi


Chàng Phan về trước, không biết Năm Chuột đến nhà ông cậu có việc gì.

Nhưng trên đường đi được một đoạn bỗng thấy đàng sau có tiếng gọi, chàng thấy Năm Chuột đang tiến gần mình. Anh ta tự giới thiệu:


“-Tôi là Năm Chuột đây…Rồi đột ngột hỏi tôi: -Nghe nói cậu đậu tú tài mà cậu khóc, có phải không ? Giả sử cậu được đậu thủ khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì?

Một gáo nước lạnh xối vào xương sống. Tôi bẽn lẽn, ấp úng cười hì hì không trả lời được”


Đấy là lần đầu tiên chàng Phan lãnh một câu nói xúc phạm từ một dân hèn đối với giai cấp thống trị. 


Năm Chuột nói tiếp ông cậu từng là tri phủ mà keo kiệt trả cái dọc tẩu hút thuốc phiện khảm xà cừ nạm vàng có năm đồng bạc. Chàng Phan mới biết anh ta đến nhà ông cậu để cầm đồ. Phan tìm cách bào chữa cho cậu, nói cậu về hưu làm gì có tiền . Năm Chuột nói :


Quan lớn hồi xưa ( chỉ Tổng Dốc Hoàng Diệu, ông ngoại ) làm đến Tổng Đốc vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói; còn ông phủ ( chỉ cậu tôi)mới làm tri phủ có  ba năm về “chung dưỡng” mua được những mười mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói không có nhiều tiền ?”


Đòn thứ hai giáng xuống khiến chàng Phan chưa kịp phản ứng thì đã lãnh đòn thứ ba :


“-Ai có đời, cha đánh Tây mà con trở đi làm quan với Tây”. 


Anh ta còn nói chính ông cậu tri phủ đã giúp Tây đàn áp nghĩa quân chống Pháp. Lại còn chuyện ông cậu hút thuốc phiện, làm trái với gia ước mà cụ Hoàng Diệu đã làm với anh  em trong nhà cấm hút thuốc phiện.


Trước khi chia tay, anh ta xin lỗi chàng Phan vì lần đầu gặp gỡ mà nói toàn chuyện mếch lòng, nhưng ngỏ ý muốn gặp lại chàng một lần khác.


“Tôi vừa đi về nhà vừa nghĩ :’À ra Năm Chuột là con người như thế đấy.Là một anh thợ bạc, sao lại nói được những điều như thế, tôi lấy làm lạ”


Về nhà chàng kể chuyện Năm Chuột cho cha nghe. Cụ Phan Trân nói : “Cái thằng láo đến thế là cùng”.


Đúng là giai cấp bị trị, tức là nhân dân, dám moi móc phê phán giai cấp thống trị, tức là giai cấp quan lại. Chữ láo vừa có nghĩa nói phét, vừa có nghĩa hỗn xược. 


Mười năm sau, khoảng 1920, chàng Phan đã 33 tuổi từ Hà Nội về làng, mới biết Năm Chuột đã lấy vợ, xin làng được một vạt đất nhỏ trên Cồn Mũi Gươm gọi là đất Chó Ỉa, dựng một túp lều tranh, phía trước đặt đồ nghề là một cái bễ thổi lửa để làm nghề rèn.

Chàng Phan đến thăm, anh ta tỏ ra vui mừng nhưng lần này gọi chàng là Ông. Chàng nói vẫn muốn được nghe những chuyện đại loại như mười năm trước. Anh ta nói :


“-Thôi thôi, đã lâu nay tôi không còn nói những chuyện như thế nữa. Nói không có người nghe mà còn có hại. Giá tôi còn cứ nói cái lối đó thì không thể nào lấy vợ và lập gia cư ở làng ông được”


-Đã thế thì đến phiên tôi. Trước kia ông không sợ mếch lòng tôi, thì bây giờ tôi cũng không sợ mếch lòng ông mà hỏi ông một vài điều”.


Năm Chuột sẵn sàng chịu sự phản pháo của chàng. Chàng hỏi anh ta rằng người ta đồn đại anh ta hay ăn cắp vàng khi nhận làm đồ, có thật thế không.

“Anh ta lại cười một cách xỏ lá : Thứ ăn cắp mà kể gì? Có những kẻ ăn cướp thì không ai nói đến. Tôi có ăn cắp vàng thật đấy, nhưng cũng tùy chỗ, tùy người, ở làng Bảo An đây thì tôi không thèm”


Anh ta bèn kể một thành tích đánh tráo vòng vàng của một cô hầu non của quan Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam Nguyện Hữu Thắng vào năm Thành Thái thứ Mười Hai, và nhiều vụ khác nữa ;  “Kể ra cũng không ít.Nhưng tôi đều ăn cắp ở bọn ăn cướp như Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Phủ, Huyện……….Những việc như thế tôi cũng chẳng giấu, cứ hay đem nói với người ta, cũng như nói với ông đây, cho nên mang tiếng, chứ thuở nay đã có ai bắt được tôi ăn cắp đâu”


Anh ta biểu diễn tài cân đồ vàng chỉ bằng cách nhấc nhấc bàn tay, không cần dùng cân tiểu ly. Kiến thức của anh ta về các loài kim, công thức hợp kim thế nào như hợp đồng với kẽm sẽ ra hợp chất gì làm cho chàng kinh ngạc. Chàng buột miệng hỏi anh ta học từ thầy chuyên môn nào, anh ta cười đắc ý, vỗ vào đùi chàng:


“Xưa nay mới có người hỏi tôi câu ấy là ông. Tôi chẳng học với thầy nào hết; tôi chỉ đọc có một cuốn sách là cuốn Kim Thạch Chí Biệt”


“Tôi sửng sốt nghĩ bụng : té ra anh này còn biếtt chữ nữa kia. Cái tên sách ấy tôi chưa hề nghe, cũng không dám ngờ là anh ta bịa đặt.”


Chàng không muốn bày ra cái dốt của mình nên không hỏi gì thêm, về nhà hỏi cha cũng không biết . Lâu sau bất ngờ đọc Lỗ Tấn Toàn Tập mới thấy tên cuốn sách đó. ( Lỗ Tấn : 1881-1936 nhà văn Trung Hoa ).


Tôi nghĩ mà lấy làm thẹn, sao mình đã không biết mà lúc bấy giờ không hỏi ngay anh ta

Chỉ vì nghĩ mình là người học thức, viết báo viết biếc mà tỏ cái dốt trước một anh thợ bạc thì ê quá”.


Sau cuộc khám phá bất ngờ ấy, chàng Phan càng tò mò về con người này khiến chàng trở lại nhiều lần những năm sau đó. Hình như gặp được tri kỷ, anh ta bộc lộ hết trí tuệ của anh ta. 

Có lần anh ta chê ông Tú già dốt, nói trong làng chỉ phục có hai người, là ông Tám Thứ và ông Biện Chín.


Chàng Phan không biết nhiều về ông Tám Thứ. Nhưng ông Biện Chín thì rõ ràng, vì đó là ông Phan Định , chú ruột của chàng, là cha của Phan Bôi và Phan Thanh. 

“Chú tôi là dân tráng, nghèo,cố gắng làm mới cho con đi học được nhưng đúng là người cần kiệm liêm chính lại khảng khái nữa, chính tôi cũng phục chú tôi mà sợ thầy tôi”.


Chàng thầm khen Năm Chuột có mắt tinh đời, phê bình đúng. Nhưng không thấy anh ta nhắc đến cha mình là quan tri phủ Phan Trân, thì trong lòng hơi nghi ngại. Hay là cha của chàng có làm điều gì trái đạo lý chăng ? 


Mãi lâu sau có lần anh ta bỗng hỏi về cha chàng. Tại sao mới 38 tuổi mà cụ đã cáo lão về hưu ? Chàng trả lời vì cụ cãi nhau với viên công sứ người Pháp. Anh ta vặn hỏi lại nếu đã không hợp tác với Tây thì ngay từ đầu đừng đi làm quan, đâu cần chờ đến khi cãi nhau với nó. Chàng Phan bí lối không trả lời được. 


Anh ta bèn giải thích lý do sâu trầm tại sao cụ tự ý rút khỏi quan trường. Từ xa xưa rồi, làng Bảo An không phải là đất phát quan lớn như làng Đông Mỹ và Xuân Đài từng có Tổng đốc.

Nhiều người làng Bảo An học giỏi nhưng chỉ làm đến tri huyện, tri phủ thì thị cách. Ông cụ của chàng biết thế nên kiếm cớ tự rút lui không để bị cách.


Chàng Phan chỉ đành chịu chuyện mà phục cái lý luận chắc chắn của anh ta. Nhưng một sự kiện cuối cùng làm chàng sửng sốt nhất. Có lần chàng bỗng nhìn thấy lẫn lộn trong thùng đồ nghề của anh ta một cuốn sách chữ Hán đã cũ, nhem nhuốc, nhiều trang đã bị xé mất. Chàng tò mò rút ra, thấy nhan đề Thương Sơn Thi Tập. 


Chàng biết thi tập  này có 10 cuốn, mới hỏi anh ta sao chỉ có một cuốn . Anh ta nói giấy sách tốt nên quấn thuốc lá hút lá ngon lắm.


Ông có xem không?

-Thơ của ông Hoàng, mình xem thế nào được.Tôi chỉ xem được có một bài Mại Trúc Diêu.

Tôi phát lạnh người”


Chàng có đọc sơ qua thi tập này nhưng không biết bài này thế nào, không dám hỏi vì sợ lòi cái dốt của mình.


Khi về nhà, chàng  lục tìm trong bộ Thương Sơn mới thấy bài này, chàng bèn dịch ra Việt ngữ, đăng vào báo Phụ Nữ Tân Văn rồi sau nữa in chung trong tập Chương Dân Thi Thoại.


“Lục ra đây để bạn đọc thưởng thức cái mức thưởng thức văn học của anh thợ bạc:


Bài hát bán tre

        Ngày đốn hai cây trúc

Bán đi để dằn bụng

Trong cửa tre đầy kho

Ngoài cửa tiền chẳng cho

Không nói thì cũng khổ

Nói thì roi dài sẽ quật chú

Rày về sau đừng đốn tre nữa

Đói nằm trong tre chết cũng đủ


Từ khi biết Năm Chuột có chữ nghĩa ẩn tàng, ông Phan Khôi thường đến chơi bàn luận thơ phú. Năm Chuột chỉ nghe, hỏi mà không góp ý kiến gì. Ông có vẻ trách điều này thì Năm Chuột nói :


Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói ; tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề thợ bạc cho tôi”


Năm 1944, cụ Phan Khôi đã 57 tuổi, thân  phụ qua đời, cụ về nhà cư tang mấy tháng.

 Rồi nhớ Năm Chuột, cụ ra  Cồn Mũi Gươm thì chỉ thấy đất trống, túp lều tranh của vợ chồng Năm Chuột không còn nữa. Người ta nói anh ta đã dọn đi đâu từ lâu. 


“Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi”.  


Cụ nói  “Năm Chuột của tôi”  y như nói về một vật gì thân thương đã rời xa vĩnh viễn.

Có lần một người dân làng gọi Năm Chuột bằng ông. Ông Tú Già gọi lại mắng :”Mày gọi thằng Năm Chuột bằng ông, thì gọi tao bằng gì?”


Cụ Phan Khôi biết việc , bèn viết truyện ngắn này với đầu đề Ông Năm Chuột.


**************************


Làng Bảo An là biểu tượng thu nhỏ của một xã hội rộng lớn trong đó có một giai cấp thống trị, một giai cấp bị trị và một tầng lớp trung gian. Trong trường hợp làng Bảo An, quan tri phủ, tri huyện về hưu thuộc giai cấp thống trị ; Năm Chuột thuộc giai cấp bị trị ; ông tú già, ông Biện Chín thuộc tầng lớp trung gian. Ngôn ngữ Việt dùng hai từ ông thằng để phân biệt giai cấp. Quan tri phủ nói  “cái thằng láo quá”, ngay cả ông Biện Chín cũng khinh miệt Năm Chuột.

“Tôi có hỏi chú tôi và thuật lại lời Năm Chuột khen phục chú, thì chú tôi trách tôi sao lại đi nghe chuyện của Năm Chuột. Thì ra chú tôi cũng có thành kiến đối với Năm Chuột như thầy tôi, như người làng”. Ông tú già, không làm quan mà cũng mắng người dân “Mày gọi thằng Năm Chuột

bằng ông, thì gọi tao bằng gì?”


Ngược lại, giai cấp bị trị đâu có dám gọi người thuộc giai cấp thống trị bằng tiếng thằng mặc dù ai cũng biết nhân cách vô đạo đức của “ông quan đó” . Năm Chuột biết rõ ông cậu tri phủ của  cụ Phan Khôi là theo Tây đàn áp nghĩa quân, là tham nhũng gộc trong ba năm mà mua được mười mẫu ruộng hạng tốt, là hút thuốc phiện, phản lại gia ước của huynh trưởng , thế mà khi gặp vẫn ngả nón ngang ngực bẩm quan lớn. Trong khi thực sự nhân cách và trí tuệ của Năm Chuột đáng được gọi bằng ông.       


Có lẽ mặc cảm tự ty đã ăn sâu vào tâm não người bị trị; còn mặc cảm tự tôn cũng ăn sâu vào tâm não người thống trị. Nếu vào năm 1906, cậu tú Phan Khôi không tình cờ nói chuyện với Năm Chuột thì “việc gì phải để ý đến chuyện một anh thợ bạc” vì là cậu cả con quan tri phủ mà. 

Đó là thái độ kiêu ngạo giai cấp thống trị mục hạ vô nhân  đối với người dưới, tự cho là ở tầng cao trí tuệ. Chỉ sau khi nhận vài độc chiêu từ Năm Chuột, cậu tú mới tỉnh ngộ.


Qua câu chuyện Năm Chuột, cụ Phan Khôi đưa ra mấy luận điểm :


a/ Giai cấp lãnh đạo che giấu sự thối nát tưởng là nhân dân không biết.

b/ Giai cấp lãnh đạo không thể dạy văn chương nghệ thuật cho văn nghệ sĩ trí thức được

( cũng như cụ Phan không thể dạy nghề thợ bạc cho Năm Chuột được)

c/ Trí tuệ nhân dân còn cao hơn giai cấp lãnh đạo.

d/ Lòng yêu nước của nhân dân sâu đậm hơn vì giai cấp lãnh đạo dễ bị ngoại bang lũng đoạn.

e/ Giai cấp lãnh đạo ăn bám vào nhân dân


  Có lẽ đảng cộng sản Việt Nam nhận ra thâm ý này của tác giả nên đóng cửa ngay tờ báo Văn số 36.


Hành động dó phải chăng xuất phát từ bệnh tự tôn, kiêu ngạo cộng sản? Không hẳn như vậy , vì từ triết học của Karl Marx ( 1818-1883) tỏa ra nhiều khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản. Theo triết gia Merleau Ponty ( 1907-1961), có thể chia ra ba khuynh hướng chính,  xét tương quan giữa ba thế lực : Giai cấp vô sản—Lịch sử nhân loại—Đảng cộng sản.


*Khuynh hướng của Lenin  ( 1870-1924 ): Giai cấp vô sản chỉ có thể làm sứ mệnh lịch sử là tiêu diệt giai cấp tư bản thông qua sự lãnh đạo của Đảng cộng sản gồm những người cách mạng chuyên nghiệp. Sau này triết gia Jean Paul Sartre ( 1905-1980) nói một cách triết lý hơn : giai cấp vô sản chỉ hiện hữu được bằng cách tự đồng hóa với Đảng cộng sản.


*Khuynh hướng của triết gia George Lukacs (1885-1971). Theo triết gia người Hungary này, giai cấp vô sản và Đảng cộng sản là hai thế lực riêng biệt nhưng tương tác với nhau để hướng đạo cho lịch sử nhân loại. Như vậy Lukacs không coi Đảng là độc tôn.


*Khuynh hướng của Leon Trotsky ( 1879-1940) : Động lực chính đưa lịch sử đến thời sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là giai cấp vô sản ; Đảng cộng sản chỉ là yếu tố phụ.

(Merleau Ponty—Les Aventures De La Dialectique—Gallimard—Paris 1955---Bản dịch Anh ngữ của Joseph Bien : Adventures of The Dialectic—Northwestern University Press—USA-1973)


Sau khi Lenin chết, Stalin ( 1878-1953) tuyệt đối theo khuynh hướng Lenin và triệt hạ hai khuynh hướng kia. Từ 1924 đến 1940 Stalin thanh trừng tất cả những đối thủ còn sót lại trong đảng cộng sản Liên xô và trở thành một thứ Nga Hoàng mới. Đảng cộng sản Liên xô và những đảng cộng sản chư hầu ở những nước khác trở thành những đảng chuyên chế toàn trị. Trong nhân loại , ngoài hai giai cấp lớn vô sản và tư bản, xuất hiện một giai cấp mới mà người Nga gọi là giai cấp Nomenklatura gồm những đảng viên cao cấp hưởng những đặc quyền đặc lợi vô giới hạn. 


             Theo triết gia Merleau Ponty, đảng cộng sản của Stalin từ 1924 đến 1953 không còn tính cách mạng của thời trước và trong năm 1917 nữa. Nó biến thành một guồng máy thư lại.

Nói theo ngôn ngữ bóng bẩy của Lê Đạt, Phan Khôi , đó là guồng máy của những Ông Bình Vôi, vì   “lòng nó đã đặc, miệng nó bít lạị”. 

Những người cộng sản theo khuynh hướng Lenin dễ mắc bệnh tự tôn giống như những ông quan triều đình luôn luôn nhìn giai cấp Năm Chuột là những thằng ngu si hèn mọn. Họ coi “bọn tờ-rốt-kít đệ tứ” là thụ động vì  không chủ động dẫn đạo lịch sử. 


Cụ Phan Khôi viết về hai ông, ông bình vôi thuộc giai cấp thống trị, ông Năm Chuột thuộc giai cấp bị trị. Một đàng, vì sợ mà gọi bằng ông ; một đàng vì phục mà gọi bằng ông. Hai ông đó có nằm trong tiến trình biện chứng chính đề-phản đề đấu tranh nhau để đi đến một tổng đề nào không? Người ta thường gọi đó là biện chứng chủ nô. Là nhà văn, cụ Phan Khôi chỉ mô tả cái hiện tượng mâu thuẫn chủ nô mà thôi.


Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cụ Phan Khôi qua đời, kẻ hậu sinh chúng tôi vì tò mò nhìn lại một chặng đường lịch sử dân tộc, mạo muội viết vài hàng tưởng niệm Cụ. Chắc chắn có những điều kẻ hậu sinh hiểu không đúng, một phần vì kiến thức ít ỏi, một phần vì lịch sử mù mờ quá , kính mong hương hồn Cụ bao dung tha thứ .


Đào Ngọc Phong

                        California ngày 8 tháng 11 năm 2019

Tài Liệu Tham Khảo


*Hoàng Văn Chí—Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc—Mặt Trận Bảo Vệ tự Do Văn Hóa—In lần thứ nhất, Sài  Gón 1959—in lần thứ hai USA 1990 ).

*Thụy Khuê ---Nhân Văn Giai Phẩm Và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc—nxb Tiếng Quê Hương-Virginia—USA -2012

*Merleau Ponty—Les Aventures De La Dialectique—Gallimard –Paris 1955---Bản Dịch Anh Ngữ của Joseph Bien- Adventures of the Dialectic—Northwestern University—USA 1973—Những Bước Phiêu Lưu của Phép Biện Chứng )

*Lê Mạnh Hùng –Nhìn Lại Sử Việt—Thời Cận Hiện Đại—1945-1975—Tổ Hợp Xuất Bản Miền

Đông Hoa Kỳ --2015.

*Nguyễn Minh Cần –Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế--Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ-2016

*Lê Hoài Nguyên—Vụ Nhân Văn Giai Phẩm Từ Góc Nhìn Một Trào Lưu Tư Tưởng Dân chủ, Một Cuộc Cách Mạng Không Thành—Blog Nguyễn Trọng Tạo.Org.

*Doãn Quốc Sỹ --Khu Rừng Lau—www.doanquocsy.com

*Heinz Schutte –Năm Mươi Năm Sau: Trăm Hoa Đua Nở Ở Việt Nam 1954-1960 –Talawas,com

(Nguyên tác Đức ngữ : Funfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Viet Nam 1954-1960)






 





 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.