Hôm nay,  

Tâm sự Người Tù Cải Tạo qua một tập thơ chữ Hán

20/09/201909:46:00(Xem: 3490)

Tù cải tạo có nhiều tâm sự, chuyện trong tù kể thì vô vàng, cách thế kể về những ngày đói nhục cũng khác nhau. Nguyễn Văn Thu kể lại bằng thơ mà là thơ chữ Hán. Đặc biệt ở chỗ đó. Người làm thơ chữ Hán ngày nay không nhiều. Ta chỉ biết Trần Văn Lương với những bài thơ rất xúc động, thỉnh thoảng ông phóng ra một bài thì ai cũng nao nao lòng khi thưởng thức vì ông nói về thời thế và tâm tư trước nghịch cảnh của con dân đất Việt. Một người làm thơ chữ Hán khác là nữ sĩ Hạt Cát, thơ rất hay, dầu ít khi phổ biến, ý tưởng thường nghiêng về đường tu dưỡng… Có thể còn có nhiều người khác nữa, nhưng vì hoàn cảnh chúng ta chưa có dịp thưởng thức thơ chữ Hán của họ. 

C:\Users\Admin\Desktop\NVT_Bach Hoa _bia.jpg


Những người chỉ
dịch thơ Đường, thì có quá nhiều, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là sự kiện đính kim cương lên áo hoàng tử, ai thích thì cứ dịch, ta không cần thiết bàn ở đây. Bài thơ là để nói ý tác giả, thể hiện ngôn chí qua từng bài mà người dịch chỉ làm việc giới thiệu bằng ngôn ngữ của đất nước mình. Phải sáng tác dầu là dở hay. Tôi mang ý nghĩ đó khi đọc bản thảo tập thơ Bạch Hoa của Nguyễn Văn Thu nên chỉ đọc kỷ phần sáng tác, phần thơ dịch xin nhường cho người khác.

Nguyễn Văn Thu phóng ra làng văn nguyên một tập thơ chữ Hán. Ông tự dịch ra quốc ngữ tất cả. Điều đặc biệt là bài chữ Hán đứng riêng cũng có ý nghĩa mà bài chữ quốc ngữ đứng đơn độc ta lại có cảm giác là tác giả làm thơ Việt như bình thường, nghĩa là làm thơ bằng tiếng Việt như những thi sĩ khác. 

Tôi nghĩ ai đọc tập thơ nầy cũng đều muốn đi tìm tâm sự của tác giả, muốn thấy những cảnh tượng trong nhà tù, muốn thấy những nhọc nhằn của người trong vòng lao lý hay những bất nhân của kẻ thắng trận. Chuyện từ ngữ hay ho, những điêu luyện sử dụng từ ngữ  chắc là không quan trọng bao nhiêu.

Nhìn chung, luôn luôn những người sống trong tù mang nỗi buồn ngày nầy  qua ngày nọ, đó là chuyện đương nhiên đến bình thường. Ngày Tết đến nhìn hoa rụng trong sân trại tù càng nản chí hơn. Hoa rụng rơi nhiều quá, đó là những người tù đã đi vào cảnh miên viễn do những đối đãi bất nhân như đánh đập, xử oan ức, bỏ đói, tai nạn, bịnh hoạn không cho thuốc… Bài thơ thiệt là ý tại ngôn ngoại, Đình trung lạc bạch hoa, hoa trắng rụng đầy sân, tức là những người tù  bỏ thân nơi chốn rừng thiêng nước độc này vô vàn. Bài thơ mang tính cách không đã ngưu, chẳng nói gì đến sự tàn ác, thế mà ta thấy sự tàn ác lãng vãng qua cảnh mặt trời chiều, bóng tối chút nữa sẽ đè nặng, hoa đương rụng rơi lã chã, người tù tuyệt vọng trông chờ ngày về…

Có nhiều cách để bớt buồn, Nguyễn Văn Thu chọn cách vỗ đàn phóng cuồng ca. Xin trích toàn bài vì đây là bài quan trọng nhứt trong tập

Nhất xuân thiên hướng tịch, 一春天向夕

Đình trung lạc bạch hoa          庭中洛白花 

Qui đồ chân nan mịch, 歸圖真難覓

Phách cầm ngã cuồng ca         拍琴我狂歌

=  Ngày xuân bóng ngả nghiêng chiều, Sân tù hoa trắng tiêu điều rụng rơi.

    Về quê đường quá xa xôi, Vỗ đàn mà hát những lời ngang ngang.

Đời xưa Lý Bạch phóng cuồng ca không bị nạn sát thân vì vua yêu dân chuộng, đời nay trong  tù Nguyễn Văn Thu chắc là hát lên những lời ngang ngang nho nhỏ thôi để bảo toàn mạng sống và để thấm thía với nỗi hận lòng khi nhìn cảnh hoa rụng đầy sân tù mà đau nỗi đau mất đi chiến hữu đồng cảnh, mà liên tưởng sự rụng rơi của họ nhiều như những hạt mưa. Ông nhắc đi nhắc lại chuyện hoa lạc như nỗi ám ảnh không nguôi: 

Bạch hoa hựu lạc mãn đình trung… 白花又落滿庭中

Trong cảnh cô liêu lại buồn nhơn khi nhớ về người xưa:

Thâm sơn hoang dã mịch cô đơn, 深山荒野寞孤單

Diện bích hoàng hôn ức cố nhân面璧黃昏憶故人

= Rừng sâu hoang vắng lắng cô đơn, Tựa vách hoàng hôn nhớ cố nhân. (Ức Cố Nhân) 

Vậy mà ông muốn người xưa quên tình cũ, nghĩa là bỏ hình bóng của tác giả ra khỏi tâm trí. Ôi tình cảm nhân bản làm sao!

Hà nhân hữu viễn giác, 何人有遠覺

Vong tình Xuân hựu lai. 忘情春又來

= Hỡi ai dõi mắt dặm trường. Hãy quên tình cũ xuân sang nữa kìa. (Vong Tình)

Và nghĩ tới chữ hiếu mình không tròn:

Thiên lý viễn phụ mẫu, 千里遠父母

Hồi gia bất cập thì 回家不及時

= Mẹ cha khuất nẻo dặm ngàn, Ngày về xa quá trễ tràng dưỡng chăm (Hiếu Tự).

Dĩ nhiên ai cũng thấy rằng trong cảnh tù, càng nhớ người xưa, càng nhớ  rằng mình chẳng tròn đạo với mẹ cha thì nỗi buồn chắc chắn sẽ nhân lên thập bội. Nhưng biết sao, con người càng sống bằng nội tâm càng khó không nghĩ về  những điều đó!

Và có lúc Nguyễn Văn Thu thấy con én bay trong mưa mà nghĩ nó bay về để đậu cành Nam như cụ Phan Bội châu ngày xưa. Sự liên tưởng đó là do người tù Nguyễn Văn Thu nằm cong queo hay ngồi bó gối ở đất Bắc mà ước ao mình có cánh để bay thoát về Nam:

Vũ trung hàn phi yến, 雨中寒飛燕

Điểu ức cựu sào Nam 鳥億舊巢南

= Trong mưa con én lạnh căm, Vẫn bay vì nhớ trời Nam quê nhà. (Vũ Trung)

Bởi vì như con chim én kia, ông đêm ngày nhớ quê mình da diết, nhớ những con sông với sóng  bạc đầu của thời tuổi trẻ. Bài nầy phải đọc phần Hán văn mới thấm thía nỗi da diết như sóng trào từng lớp rồi từng lớp bất tận  đêm ngày. Ta nhớ đến mấy chữ bất xả trú dạ của Lý Bạch:

Tiền giang hòa Hậu giang   前江和後江

cuồng tư như tình nhân       狂思如情人

Tảo ngọ dạ bất tận               早午夜不盡

Hoài bạch lãng đông phong 懷白浪東風

Phải! Ai cũng vậy, sông nước quê nhà khi ta ở gần nó thì nó rất bình thường, thậm chí ta không chú ý rằng nó hiện hữu, rằng nó đổi thay từng chút, từng chút mỗi ngày. Nhưng  khi đi xa, có lúc ngồi lại thư thả thì hình ảnh nầy hiện ra và ta càng tái hiện chi tiết từng ghi nhận trong ký ức ngày xưa thì nỗi nhớ, nỗi buồn càng lớn mạnh, càng là tiếng gọi bên trong ta ngày đêm níu gọi. Tôi gọi tình trạng đó là hồi ức. Hồi ức để tư hương…

Trong sự buồn mênh mang đó không gì chỏi bằng thấy hoa (sen) nở đẹp. Dĩ nhiên sen nở vì nó phải nở thôi nhưng người tù nhìn lại thân phận mình rồi nhìn hoa sẽ thấy như bị chế ngạo, chọc quê. Cái buồn là ở chỗ có sự đối chọi: người tù mất tự do, nhớ nhà, bệ rạc; hoa trái lại nhởn nhơn trước gió, tươi vui, như đắc ý với sự mơn mởn của mình (Vấn hoa): 

Lao trung viễn xứ sử hoài gia         牢中遠處使懷家

Xuân phong đắc ý liên tương tiếu 春風得意蓮相笑

= Tù xa nhung nhớ mái nhà, Gió Xuân đắc ý sen cười gió xuân.

Vậy thì muốn cho khỏi buồn chỉ có cách hay nhứt là thiền cố gắng cho tâm không động trước nghịch cảnh, nghĩa là giữ cho cái tâm mình trở thành không, chẳng chú ý gì đến ngoại cảnh, đến sự có – không trong tâm trí:

Đắc thất tâm không ngoại, 得失心無 外

Tâm không bất tích duyên, 心空不積縁

= Được mất có không, không vướng bận, Lòng không không chứa cả không duyên. (Thiền)

Tôi nghĩ là mình không nên viết ra đây hết những điều tác giả nói trong tập thơ. Để lại sự khám phá cho từng người đọc. Đây là tập thơ có giá trị chứng minh tình trạng thốn tâm của người tù cải tạo. Thơ vốn dĩ có tính chất nói ít mà gợi ý nhiều, Thơ chữ Hán còn nặng về điều nầy hơn nữa. Do đó tập thơ nầy có một có một bản sắc riêng biệt, khác với những hồi ký cải tạo, vốn viết bằng văn xuôi nên nhiều mô tả mà ít gợi ý.

Chọn sáng tác bằng Hán tự, Nguyễn Văn Thu ngoài sự áp dụng sự thủ đắc sở học Hán Văn chắc ông còn muốn cho ‘người nước lạ’ biết được người tù nước Việt nghĩ gì về hậu quả do sự giúp đỡ của họ trong cuộc chiến vô lý của nước Việt vừa qua mà họ đã nhúng tay! 

Một số bài khá về ý về từ như Oa Minh (Ếch Rống) nói được điểm yếu kém đáng buồn cười của con ếch, (tác giả có ngụ ý so sánh chăng với với bọn cai tù ba hoa đắc ý vì là kẻ đương quyền, muốn nói gì thì nói, ai cũng làm thinh?), như Liên Tử (hoa sen) nói được sự thanh khiết của sen dầu sanh trong bùn, (Có ngụ ý ví mình chăng khi nói sen không ngại nóng lạnh gió mưa?), bài Quá Doanh (Qua Bãi Tha Ma) làm xao xuyến lòng độc giả khi than thở thân phận người nằm đó chỉ vì do liên hệ với cựu trào.

Xếp tập thơ lại tôi như thấy hình ảnh những nấm mồ xanh cỏ của lớp lớp tù nhân vì lỡ sống với, sống về phía bên thua cuộc:

Di sản cựu trào cô độc phận,                  遺産舊朝孤獨分

Tù nhân cảm kích nhất phương doanh囚人感激一方營

= Liên lụy cựu trào xui phận hẩm, Tù nhân cảm kích khoảnh xanh xanh.

Nghĩa là một tập thơ buồn, buồn vì hoàn cảnh của người tù cải tạo, buồn vì những đề tài tác giả  chọn để diễn tả. Nhưng nỗi buồn đó cần thiết, và cần thiết hơn để nói lên cho nhiều người nghe thấy, để các thế hệ sau biết cảnh đoạn trường của một số lớn người thời nay.

Nhìn chung tác giả Nguyễn Văn Thu thành công phần nào  về ý, về lời, dầu ông chọn thứ văn tự chỉ mới thủ đắc gần đây thôi. 


Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA, May 2019 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.