Hôm nay,  

ĐÊM TRUNG THU-BÌNH TRÀ NGỦ QUÊN

17/09/201910:04:00(Xem: 3619)

Lời phi lộ- Trong ba lô trên đường tỵ nạn chúng ta không quên mang theo những phong tục tập quán, những di sản văn hóa Viêt Nam. Tết Trung Thu là một góc nhỏ của di sản văn hóa ấy. Bài bút ký sau đây, một hoài niêm về dáng hình quê hương Việt Nam trong màu khói lửa chiến chinh. Bốn mươi năm sau cuộc chiến, cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại những va siết văn hóa, những khó khăn trong quá trình hội nhập với vùng đất dung thân là những gì không thể tránh được, nhiều lúc nó cũng tạo ra những nỗi niềm trắc ẩn trong lòng người Việt xa xứ…

Đào Như- Chicago Trung Thu Giáp Ngọ Tháng 9-2005.    

 

                                                                           * * *

 

Sau hơn ba mươi năm nghề ‘thầy thuốc’ ông ta về hưu ở tuổi sáu mươi chín. Ông ở nhà lo cơm nước cho vợ. Chiều, vợ đi làm về, có sẵn một bữa cơm sốt canh nóng cho hai vợ chồng là tình nghĩa biết chừng nào. Đó là ước mơ và cũng là triết lý sống cuối đời của ông. Với ông, cái khó không phải là kỹ thuật nấu nướng, mà là ‘chất liệu’. Làm sao tìm đâu cho ra, để nấu cho bà một tô canh khổ qua với tôm rằn, với tí hương vị ngò tươi; hay một tô canh chua cá bông lau, nấu vói ngổ, giá sống và cà chua xanh. Làm sao ông tìm đâu ra cho bà chiều nay một tô cá rô kho tộ ăn với cơm trắng vì bà là người Cần thơ. Có khi ông thực hiện được những điều ông ước mơ cho bà, nhưng nhiều lúc ông đành chịu, hai vợ chồng đành chấp nhận ăn salade, steak với…cơm. Thấy vợ ăn mà tội…

Chắc có lẽ hiểu được nỗi thầm kín của chồng, bà thường nói an ủi ông:

- Ăn uống em không đòi hỏi lắm đâu. Ăn sao cũng được. Miễn sao cho mặn mòi là được rồi.

Ông liền mau mắn đáp lại lời bà:    

- Cuộc sống ở Mỹ về vật chất thật là dễ dãi và đầy đủ.

- Nhưng mình phải sống giống như họ.

- Vâng, anh biết.

Ông nịnh bà:

- Hôm nay mình ăn cơm với steak và salade, mình nên uống một ít vang, cho nó đúng… điệu.

Bà cười nhẹ:

- Salade, Steak mà ăn với cơm, uống vang thì quả là đúng điệu...thật!

Ông cũng phải cười theo bà:

- Ôi! Thì ‘tri túc tiện túc’ vậy.

Nói xong hai vợ chồng cười xòa. Đúng vậy, ở tuổi già dễ giản hòa với nhau thật. Cốc rượu vang vẫn giử nguyên hương vị của nó, nồng, thơm ngon và kích thích vị giác. Bữa ăn thật là đầm ấm, mặc dầu nó không được rôm rả như khi ông bà còn ở tuổi thanh xuân. Thường những câu chuyện ông bà nói với nhau trong bữa ăn ở tuổi này nghe thật là ‘đời’, phản phất ít nhiều hoài cảm. Ông bà thường bắt đầu câu chuyện bằng:“năm ấy”,“xưa kia”, “hồi đó”,v.v…Hôm nay, vừa uống xong một cốc vang, lời ông có vẻ nhanh hơn, nghe dồn dập hơn, thành ra câu chuyện không đến nổi tẻ nhạt như mọi khi.

- À! Bà bảo phải sống giống như họ, là sống như thế nào?

- Ông thấy đó, nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Mình cũng phải nhập vào dòng chảy, cuộc sống của xã hội của họ mà sống. Mình không thể đứng bên lề xã hội mà nhìn người ta sống với cặp mắt hờn giỗi, cay cú hay phê phán.

- Gần 30 năm ở Mỹ, tôi có thái độ nhìn xã hội Mỹ như khách bàng quan như vậy đâu? Bà thấy tôi hội nhập vào xã hội Mỹ cũng nhanh và cũng tốt đấy chứ.

- Vâng, ông hội nhập vào xã hội Mỹ nhanh thật. Vì ở trong nước trước 73, anh có nhiều bạn đồng nghiệp là bác sĩ phẫu thuật người Mỹ. Anh làm việc và sinh hoạt với họ hằng ngày, hằng đêm.

- Ôi! Em nên quên cái đó đi.. Đó chỉ là dĩ vãng. Người ta ai cũng vậy, ai cũng không thích nhớ đến những kỷ niệm của một thời chiến tranh. Khi nhắc lại nó ai cũng nghe vị đắng chát trong cổ họng.

Bà nhìn ông. Bà hơi ngẩn ngơ. Chiến tranh đã qua 30 mươi năm mà tâm linh của ông vẫn còn gợn sóng mỗi khi nghe ai nhắc về nó.  Bà cố gắng đưa câu chuyện về hướng khác. Bà nói:

- Hôm qua, đi shopping với mấy bà bạn, khi đi vào thang máy, chị Ngọc Tới sơ ý để vạc sau của áo dài kẹt vào cửa của thang máy. Em không hiểu được, ở Mỹ đã 20 năm, từ tuổi 40 đến tuổi 60, chị ấy vẫn còn luộm thụộm như vậy. Tự nhiên em lại liên tưởng về anh. Trong những tháng gần đây, nhất là sau khi về hưu anh thường than vãn: “Ở Mỹ, chỗ nào cũng vậy, đèn điện sáng choang ngày cũng như đêm, nhưng tìm một ngọn đèn làm bầu bạn rất là khó”. Thú thật, em nghe nó làm sao ấy. Nó giống như cái vạc áo sau của chị Ngọc Tới vẫn còn kẹt vào cửa của thang máy. Sự hội nhập vào xã hội Mỹ của anh có gì chưa trọn vẹn? Có gì còn tù động trong anh? Anh vẫn thấy cô đơn? 

Ông lặng lẽ rót cốc rượu vang thứ hai. Ông nâng ly rượu lên. Ông không dám nhìn thẳng vào mắt bà. Ông nhìn bà xuyên qua ly rượu vang. Bà vẫn còn xinh đẹp. Những nét thanh tú và phúc hậu vẫn còn nguyên như thuở nào. Năm nay bà mới có 56 tuổi. Ông vụt hỏi bà:

- Em còn nhớ, những năm 80, vợ chồng mình đi xem phim ‘The Joy Luck Club’ không em?

Bà ra chiều suy nghĩ:

- Hình như phim đó được xây dựng theo cuốn tiểu thuyết của của nhà văn Amy Tan, người Mỹ gốc Hoa. Hình như có Kiều Chinh đóng vai người mẹ Trung hoa, nói đúng ra là người phụ nữ Trung Hoa.

-  À! Em có một trí nhớ tuyệt vời.

-  Cám ơn. Sao hôm nay anh lại galant với em đến thế.

Được bà khen, ông sung sướng hỏi bà:

- Chắc em còn nhớ chủ đề của truyện phim ấy là gì?

- Hình như họ nói về…‘Woman emancipation’, giải phóng phụ nữ, phải không anh?

- Vâng đó là cái nhìn của các bà khi đi xem phim ấy. Rất thiết thực. Và khi bà Amy Tan viết truyện ấy bà cũng nghĩ như vậy. Thật vậy, trong nền văn học Mỹ người ta coi bà Amy Tan như một nhà văn giải phóng phụ nữ Á châu, cũng như bà Alice Walker trong The Color Purple, bà Charlotte Perkins Giliman trong The Yellow Wallpaper …là những nhà văn có công trong giải phóng phụ nữ Mỹ. Anh đọc truyên ấy anh cũng nghĩ như em nghĩ. Nhưng anh cũng nghĩ về cuốn truyện ấy dưới một khía cạnh khác. Thật sự nó cũng không hẳn là khác. Đọc xong quyển The Joy Luck Club, anh thấy nỗi bật lên một khía cạnh, nói đúng ra một ưu điểm của người phụ nữ khi họ đi ra nước ngoài, họ thích ứng với môi trường chung quanh nhanh hơn người đàn ông. Hai vợ chồng cùng trang lứa, cùng trình độ bằng cắp, từ Việt Nam đến Mỹ hay từ Mỹ đến Việt Nam, người vợ bao giờ cũng trỗi trót trước người chồng. Vì phụ nữ thích ứng với môi trường chung quanh nhanh hơn, học tiếng nước người nhanh hơn và hội nhập vào văn hóa của nước người tốt hơn.

    Bà nâng ly rượu vang. hớp một hớp nhẹ. Da mặt bà ửng hồng. Bà biết ông đang nhìn ngấm bà như một niềm kiêu hãnh của riêng ông. Bà thấy yêu ông lạ thường. Chính bà cũng kiêu hãnh là mình niềm kiêu hãnh của riêng chồng mình. Bà vừa châm chú cắt miếng steak nhỏ bỏ vào chén của ông, bà vừa hỏi ông:

- Hơn 20 năm anh làm việc cho cộng đồng, anh có nghiệm thấy điều đó đúng hay sai?

- Với anh, đó là những nhận định rất đúng đắng, dựa vào những thống kê chính xác.

Bà âu yếm nhìn ông, bà cười. Ông có vẻ bối rối, ông chống chế:

- Không, không phải là anh nịnh em mà anh nói thế. Đó chỉ là sự thật. Theo thống kê của sở anh

làm trong hơn 20 năm qua, trong cộng đồng Việt Nam ta cũng đúng như vậy.

Thật sự, bà cũng có một nhận thức như vậy, sau hơn 20 năm là một người giúp đồng bào Việt Nam tìm công ăn việc làm, bà thấy đàn ông thường chậm hơn đàn bà khi hai người cùng làm một  công việc gống nhau. Ngừng một chập, bà nói với ông:

- Nhưng ở anh thì khác. Anh hội nhập vào văn hóa Mỹ nhanh hơn em.

- Đúng như vậy. Như em đã nhận định. Là nhờ anh có tiếp xúc với người Mỹ nhiều năm trước khi anh đến Mỹ. Nhưng em thấy đó, sự hội nhập của anh vào văn hóa Mỹ, về lâu về dài không tốt bằng em, không trọn vẹn như em.

Bà nhìn ông, bà đặt bàn tay bà trong lòng bàn tay ông, bà hỏi ông:

- Có điều gì hòan toàn không thỏa mãn trong anh khi anh sống tại Mỹ, phải không anh? Mặc dầu cuộc sống chúng ta tại Mỹ không hẳn là thành công, nhưng chắc chắn không phải là thất bại. Anh thường nói với em: “Có em và các con bên cạnh anh, là đầy đủ cho anh rồi!”có thật vậy không anh?

Nghe bà hỏi, ông, ngữa mặt lên trần, cười phá lên…Không hiểu, tại vì ông thích thú câu hỏi đó, hay tại vì ông muốn khỏa lấp đi một nổi niềm tù động trong tâm hồn ông, hay ông đang cố gắng ngưng động những dòng nước mắt như cơn thủy triều đang dâng sắp tràn bờ…Ông hỏi bà:

- Em có biết chị Ngọc Tới đến Mỹ lúc 40 tuổi và bây giờ chị Ngọc Tới 60 tuổi?

- Em biết điều đó. Chính em vừa nói với anh kia mà.

- Nhưng em có biết 20 mươi năm của chị Ngọc Tới ở Mỹ khác với 20 năm của một cháu đến Mỹ khi cháu 5 tuổi? Và nó cũng khác với 20 năm của em ở Mỹ vì em đến Mỹ lúc em 26 tuổi. Ngừng một chập. Ông âu yếm nhìn sâu vào mắt vợ, ông tiếp tục nói:  

- Thời gian 20 năm có chiều dài giống nhau, nhưng nó có giá trị khác nhau tùy theo nó ở giai đoạn nào, thời điểm nào, trong cuộc sống chúng ta, trong đời người. Một năm có 365 ngày.  Nhưng với một thanh niên 18 tuổi, đó là 365 ngày chứa chang hy vọng, 365 ngày khám phá hiện tại, hội nhập với đời, ném mình về tương lai. Nhưng với một người già…như anh…ở tuổi 70, anh làm được những gì trong 365 ngày vừa qua, sau khi anh về hưu, như em đã thấy. Anh viết hồi ký, có phải chăng anh đang tìm về quá khứ, anh đang đi ngược chiều với người thanh niên 18 tuổi. Dĩ nhiên anh cũng cố gắng bồi dưỡng sức khỏe để theo chân thế hệ trè, làm một hành trình mới. Nhưng em cũng dư hiểu anh đâu còn phong độ như xưa. Làm sao ai có thể chống lại sự già nua của tế bào, của cơ thể, lôi theo sự suy thóai của tinh thần. Có ai đó đã nhuộm màu cho thời gian. Màu xanh cho thời gian tuổi trẻ.Tuổi già màu thời gian tím ngát. Tím như hoàng hôn tím…Một cháu đến Mỹ khi cháu mới 5 tuổi, hay dưới 12 tuổi, sau khi ở Mỹ 5 năm, cháu hòan toàn là một người Mỹ, từ giọng nói đến cách xữ thế…Chị Ngọc Tới, đến Mỹ lúc 40 tuổi, chị ấy có ở Mỹ đến 100 năm đi nữa chị ấy vẫn giử 95 % Việt Nam. Mỹ 5%. Vạc áo dài sau của chị Ngọc Tới khó thoát khỏi cửa của thang máy, chừng nào chị vẫn còn mặc áo dài tại Mỹ. Nhưng em cũng hiểu không ai có quyền cũng như không ai có đủ can đảm cấm chị Ngọc Tới mặc áo dài  tại Mỹ đâu em. Đó là quá khứ của chị. Đó là di sản, là dáng hình quê hương xứ sở của chị. Đó là Việt Nam của Chị... Em còn nhớ có lần em ôm con vào lòng em khóc không em? Nói đến đây, ông dừng lại, để cho bà soát lại quá khứ…Chắc chắn trong quá khứ là một người mẹ có nhiều băn khoăn về tương lai của các con, bà đã nhiều lần ôm các con vào lòng bà khóc. Nhưng ôm con vào lòng mà khóc vì những sư kiện như trên thì bà không nhớ rõ là lúc nào. Nhưng khi ông hỏi bà như vậy thì chắc phải là có.

Ông có vẻ hối hận vì ông nhắc đến chuyên mà ông nghĩ bà đã vùi sâu vào quên lãng. Ông xin lỗi bà, ông nói:

- Em còn nhớ, sau khi mình đến Mỹ được 5 năm, 1985, Xuân Hảo lúc đó đúng 10 tuổi, học lớp 3 hay lớp 4 ở tiểu học, anh không nhớ rõ. Trong một buổi ăn tối cuối tuần, vui vẻ và đầm ấm, Xuân Hảo ôm em hôn, và nói với em: “Thưa Mẹ, con thương mẹ, con mơ ước lớn lên con được 18 tuổi, xong High School, con vào Đại học, con sẽ dọn vào trong dorm con ở, con sẻ không ở nhà với ba mẹ nữa. Đến hè con đi làm summer job, con sẽ mướn một cái appartment con ở. Cứ mỗi weekend con mời mẹ đến nấu ăn với con, sau đó mẹ và con đi shopping cho vui....Nghe xong Em vội ôm con vào lòng. Xuân Hảo sung sướng ngã vào lòng mẹ. Lúc đó em lại khóc. Xuân Hảo ngạc nhiên, thản thốt:“ Oh! Mom!You cry! ” Em tiếp tục ôm con siết mạnh vào lòng như sợ mất con. Em bảo với các con: mẹ cám ơn các con. Ôi các con của mẹ…Đứa nào cũng có hiếu, cũng thương cha thương mẹ. Rồi em ôm cả ba đứa con vào lòng, em khóc. Các con vừa sung sướng vừa ngạc nhiên. Các con ngơ ngác nhìn nhau. Em quay lại nói với anh:“ Mình mất con rồi sao anh? Sớm quá đi anh! Mới có 10 tuổi mà con đã nuôi mộng xa gia đình, rời bỏ cha mẹ, sống đời độc lập. Cư xử với cha mẹ như bạn bè. Tội nghiệp con quá vậy. Luân lý của xã hội này là như vậy sao anh? ”

Nghe đến đây bà dừng ông lại, bà nói:

- Em nhớ ra rồi. Năm đó Xuân Hảo học lớp 4. Nhưng lúc ấy anh nhiệt tình bênh vực các con. Anh khen các con sớm hội nhập vào văn hóa Mỹ, có tinh thần độc lập. Anh ca ngợi xã hội Tây phương và Mỹ là thiên đường của tuổi trẻ và cá nhân. Cá nhân được tôn trọng tuyệt đối. Nền tảng của xã hội là cá nhân. Mọi người đến 18 tuổi coi như cá nhân độc lập, thoát khỏi những ràng buộc của gia đình. Có thế xã hội của họ mới tiến bộ. Trong khi xã hội Việt Nam ta, con cái trai cũng như gái lớn ngoài hai mươi ba mươi, cứ du dú tháng ngày sống chung với cha mẹ. Thậm chí có người con cái đã có vợ có chồng vẫn bắt con ở chung với mình, bắt dâu bắt rể hầu hạ minh. Rồi anh quát tháo: Cha mẹ Việt Nam cứ làm như vậy thì làm sao con cái ngốc đầu lên nỗi, xã hội Việt nam làm sao tiến bộ được. Mở miệng ra là cứ ‘gia đình mình thế này’, ‘gia đình mình thế nọ’, ‘chứ không phải như ‘gia đình người ta’ đâu nghe con!’..Nghe rõ là thối! ”. Lúc anh còn trẻ, anh nói hăng lắm, nhưng bây giờ anh già, anh thấy đó!...

Ông lặng thinh nghe bà nói. Ông hiểu bà. Bà xót cho ông. Tuổi già không con cái bên cạnh. Nhưng đó là cái cung cách yêu chồng của bà. Không ngờ sau hơn 30 năm ở Mỹ, bề ngòai bà có vẻ hội nhập vào xã hội Mỹ, văn hóa Mỹ rất tốt, nhưng đi sâu hơn, bà vẫn là một người vợ thương chồng, một người mẹ thương con theo cung cách hoàn toàn Việt Nam. Ông yêu bà vô hạn. Ông thấy ông có diễm phúc, ông hỏi bà:

- Em bảo“anh thấy đó” là anh thấy làm sao?

Bà bật khóc:

-  Giỡ này mà anh vẫn chưa thấy nữa sao anh? Tuổi già côi cút, không con cái ở bên cạnh, sống

thui thủi một mình một thân với tháng ngày. Tối ngày cậm cụi viết, không hiểu viết cái gì? Nếu

có hỏi thì cứ bảo là viết để lại cho hậu thế, mà hậu thế cũng như con cái nhà mình, họ có biết

tiếng Việt đâu mà đọc mà hiểu nhũng gì mình muốn nói với họ.

- Em đừng có quá lo lắng. Em thấy hàng ngàn mạng lưới dạy tiếng Việt trên cùng khắp thế giới. Em thấy chưa? Xuân Hảo vừa điện thư cho anh và cho biết thằng ‘cu tí’ của nó, thằng Gabriel đấy, mới có 29 tháng tuổi mà biết đếm bằng tiếng Việt một cách đường hoàng từ 1 đến 10!

- Cứ cho rằng có hàng triệu mạng lưới dạy tiếng Việt đi nữa; thằng ‘cu tí’ nhà ta có đếm từ 1 đến 1000 bằng tiếng Việt đi nữa, thì vấn đề có đọc được chữ Việt, có viết được chữ Việt được hay không là chuyện khác. Cả đời Anh cứ mãi suy nghĩ theo lối “lạc quan chủ nghĩa”, cứ chắc là “ba bó vào một giạ ”.

Ông nâng ly rượu vang lên, ông uống một ngụm. Nghe nó nồng ấm lạ thường. Ông đến ngồi bên cạnh bà. Ông ngồi sát vào bà. Ông se sẻ nói:

- Đời anh có em bên cạnh là đầy đủ lắm rồi.

Bà hơi ngượng. Bà đẩy nhẹ ông ra. Hai người cùng ngửa mặt nhìn ra khung cửa. Ông thản thốt:

- Hôm nay trăng rằm. Trăng đẹp lạ thường…

- Anh quên sao? Mà em suýt cũng quên đi mất, hôm nay là rằm Trung Thu, em có mua một hộp bánh Trung thu để tối nay cho hai vợ chồng mình…Nhưng mà phải nấu nước pha trà chớ! Không lẽ ăn bánh trung thu uống rượu vang?

Thấy Bà đứng dậy, đi vào phòng trong lấy bánh trung thu và sữa soạn pha trà, cầm lòng không đựơc ông phát nhẹ mông bà. Bà liền quay người lại:

- A! Anh hay nhỉ! May mà không có đứa con nào ở bên cạnh…

 

Nấu được một bình chè Tri kỷ, Bà cắt bánh Trung Thu từng miếng nhỏ, Bà đem ra mời ông. Lúc đó Bà mới hay ông đã ngủ từ lâu, trên ghế sofa gần cửa sổ, mái tóc bạc của ông lung linh phủ ánh trăng…Nhìn ông ngủ, bà thương ông vô hạn. Bà ngồi xuống bên cạnh ông. Bà ngồi hàng giờ. Không sao ngủ được. Hơn một năm rồi ông ít đi xa. Ông miệt mài viết. Cả vũ trụ đã thu vào gian nhà nhỏ này. Bà cúi xuống thật gần, bà thầm gọi tên ông và bà nói với ông rằng bà muốn biết trong giấc mơ đêm nay ông đang thấy những gì? Anh còn thấy chiến tranh không anh?!../.

 

 ĐÀO NHƯ

Viết xong tại Oak park, Illinois,USA

Sept/24/05

Vào Tiết Trung Thu/Ất Dậu

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.