Hôm nay,  

Trả lại đúng bài văn tế khóc vợ của Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) cho ông

11/09/201919:02:00(Xem: 3655)

 

Tiểu sử của Bùi Hữu Nghĩa, nhà văn Nôm danh tiếng đầu thế kỷ 19, cho thấy ông bị hoạn nạn trong khi làm quan do ‘trên’ ganh thù kết án xử tử không đúng, được vợ là bà Nguyễn Thị Tồn lặn lội từ Định Tường ra tới kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của đại thần Phan Thanh Giản, vụ án được tái xét, ông được giải oan nhưng phải đi thú đoái công chuộc tội. Thế nhưng sau đó không bao lâu thì bà Tồn lìa thế khi còn tương đối trẻ, người con út lúc ấy chỉ mới sáu tuổi. Trong lúc đau thương nầy, Bùi Hữu Nghĩa có làm bài Văn Tế Vợ thiệt thống thiết khóc vợ.

Bài văn than khóc mất người hôn phối đã truyền cảm hứng khiến đời sau không ngại ngùng khi làm thơ khóc vợ (Đông Hồ) hay khóc chồng (Tương Phố) vốn là một chuyện rất riêng tư, rồi cho đăng lên báo. Dân Việt vốn nhiều tình yêu gia đình, thông cảm với sự đau thương của người còn lại nên hai vị nầy cũng nổi tiếng bắt đầu từ sự kiện cá nhân đó.

Bài văn tế khóc vợ của Bùi Hữu Nghĩa vì viết bằng chữ Nôm là thứ chữ tàn lụi vài chục năm sau khi được sáng tác, lại thêm bản văn chỉ được lưu truyền dưới hình thức chép tay nên qua thời gian, sự thất lạc và sai biệt đương nhiên phải có.

Điều quan trọng là hiện nay, trên sách vỡ, có ít nhứt hai bản văn hoàn toàn khác nhau được nói là bài văn tế của Bùi Hữu Nghĩa khiến học giới thắc mắc. Chúng tôi qua bài nầy xin giới thiệu bài văn tế nguyên văn bằng chữ Nôm được sự phiên âm, đính chính và chú giải với niềm tin rằng đây mới thiệt sự là bản do Bùi Hữu Nghĩa sáng tác, hầu sau nầy người làm văn học biết rõ hơn về tư tưởng và tình cảm của một nhà văn lớn Miền Nam rất được nhiều người ngưỡng mộ, sống vào những năm nước nhà sắp rơi vào sự đô hộ của nước Pháp.

Trước tiên xin trình bày sự kiện:

  1. Đầu tiên, cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920) do Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn học, Hà Nội, 1980 có bài Văn Tế Vợ bắt đầu bằng  những câu:

Hỡi ơi! 
Xưa nay đặng mấy người trọn vẹn, phận sắc tài hằng phải luỵ cái thân; 
Vợ chồng mà ghe nỗi mặn nồng, cơn sanh tử ỷ khôn ngăn giọt lệ. 
Từ thuở bậu vầy duyên can hệ, may mắn nhờ đủ mẹ đủ cha, thời em nâng niu dâng quỳ xẻ áo, thảo mẹ cha không nửa khắc lãng xao; 
Từ ngày anh mắc chốn gian truân, tơi bời có một vợ một chồng, thời em 
đặng đột buôn tảo bán tần, niềm chồng vợ ấy cũng đã phu phỉ. 
Rất họ hàng còn cũng biết thương; 
Huống trời đất có đâu chẳng nghĩ.[1]

Và:

May nhờ có ngoại gia nương cậy, sống đặng nhờ thác cũng đặng nhờ; 
Luống trông cho cuộc thế xong xuôi, sớm chẳng thấy mai đều chẳng thấy. 
Phải chi em chưa thoát nơi trần tục, nỗi oán thù sớm đặng sạch chùi; 
Phải chi em chưa lên chốn non tiên, đứa bạn đảng dám đâu lừng lẫy! 
Phước nhà đặng rảnh mình cao sĩ, vượt mấy sông em dắt chút mẹ già; 
Màn loan sao vắng dạng tiên nga, vầy một ngõ anh khóc cùng ba trẻ. 

 

Trong bài nầy chuyện thương yêu của vợ cặp vợ chồng được cho là Bùi Hữu Nghĩa được kể với vài chi tiết tương tợ ít nhiều với chuyện của ông Nghĩa. Một vài chi tiết trong bản nầy  khiến ta ngờ vực (Phải chi em chưa chết thì bọn nghịch thù dám đâu lừng lẫy, ba con…) Thêm vào đó nhóm Huỳnh Lý đã không đưa ra nguồn tài liệu mình sử dụng, cũng không có bản Nôm, nên tạo một lổ hổng để có thể bị ngờ vực về mức độ chính xác.

  1. Kế đó, trong cuốn sách Văn Học Vùng Đất Mới, tác giả Nguyễn Q. Thắng có đưa ra bản quốc ngữ bài Văn Tế Vợ của Bùi Hữu Nghĩa, khác hoàn toàn với bài do nhóm Huỳnh Lý nói trên. Ông Nguyễn Q. Thắng không nói mình lấy tài liệu ở đâu, theo bản Nôm nào[2], tôi nghĩ là ông chép bản nầy từ quyển Kim Thạch Kỳ Duyên do Nam Cư biên tập và chú thích[3].

Vậy thì cho tới ngày nay chúng ta có hai bản văn cùng một đề tài và cùng được cho là của Bùi Hữu Nghĩa nhưng chưa ai lên tiếng về vụ một hình hai bóng nầy.

  1. Gần đây chúng tôi được đọc quyển sách Nôm[4] ký số HVAU 387 do Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp, Sàigòn mới sưu tập được ở đồng bằng Cửu Long, trong đó bài văn tế ‘Chồng tế vợ văn’ (có ghi nơi đầu trang chữ Thủ Khoa Nghĩa 首科義).

Cũng trong quyển nầy còn có nhiều bài Văn Tế Vợ khác nhưng đều không thấy tên tác giả. Sự kiện nầy có nghĩa là người chép (1926) tin tưởng theo truyền thuyết rằng bài mà ông đề tên Thủ Khoa Nghĩa được tương truyền và tin tưởng chính thiệt là của Bùi Hữu Nghĩa. Từ chuyện có/không đề tên tác giả trên những bài văn tế vợ chúng tôi đặt giả thuyết là nhóm Huỳnh Lý thấy một bản Văn Tế Vợ nào đó có vài chi tiết hơi giống giống với tiểu sử của Bùi Hữu Nghĩa bèn cho là bài nầy là của ông.

Quyển sách Nôm HVAU 387 nói trên, ngoài bài của Bùi Hữu Nghĩa có tên tác giả, những bài khác của toàn tập như:

Tế Thầy Cai Tổng Vĩnh Liêm Văn,  Con Thầy Thuốc Tế Mẹ Văn, Tế Chồng Văn, Suôi Gia Tế Văn, Làng Tế Làng Văn, Cháu Tế Chú Văn, Em Vợ Tế Anh Rể Văn, Chồng Tế Vợ Văn, Con tế Mẹ văn, Tử Tế Mẫu Văn, Tử Tế Mẩu Tiểu Tường Văn, Chồng Tế Vợ Văn, Con Tế Cha Văn, Chồng Tế Vợ Văn

đều không có tên tác giả. Điều nầy củng cố hơn cho sự xác quyết về bài văn tế vợ của Bùi Hữu Nghĩa chính là:

 1. Bản Nôm chúng tôi công bố hôm nay mà dị bản của nó là

 2. Bản quốc ngữ mà Nguyễn Q. Thắng đưa ra dựa trên bản quốc ngữ của Nam Cư.

Hai bản nầy trên đại thể giống nhau, sự khác biệt đôi chút do thời gian với sự thêm thắt sửa chửa của người sao chép.

Xin phiên âm và chú giải những nhóm chữ khó đối với người đọc trung bình như vẫn làm xưa nay.

 

 

(t1) Hỡi ơi! 
Gió Nữ phất phơ, Mưa Ngâu lác đác[5]. 

Duyên bình thủy xum vầy[6] bỗng đà tan rã, ngạt ngào bọt nước sóng xao[7]; Đuốc loan phòng tỏ rạng phút treo lu[8], sảng sốt ngọn đèn gió tạt[9]
Nhớ linh xưa: 

Tánh đúc son vàng; Tình không đen bạc. 
Chen
dưới nguyệt vóc tròn hơn nguyệt[10], phòng huê đà rực rỡ gương trinh; Ở trong trần mà chẳng nhuốm trần, vườn dâu khi lm nhơ bụi cát[11]. 
Thìn một lòng dịu dàng đâu trại[12]:

Trong sạch[13] màu bùn chẳng đục[14], nhưng[15] dựa sang giàu, của trăm xe đưa rước cũng không màng
Nghèo mang khố chuối mà thanh[16], phải duyên đằm thắm, đẹp đẽ xóm giềng cùng cô bác.

Ưa mùi đạo khuyên chồng nấu sử[17], nam tử may nợ nước đền bồi
Thảo thờ thân giữ phận dâng lê[18], nữ công đã trọn niềm nhà gánh vác. 
Vợ chồng thảm đều không cha mẹ, em riêng than phận lẻ loi. 

Ở với mẹ đã trọn niềm hiếu hạnh, chìu lòng theo lân lý với anh em; 
Lúc theo chồng vui biết chữ xướng t
ùy (t2) ***** cữu cô[19]; Hòa một cửa anh em, tình vui vẻ lời không chếch mác. 
Trường khoa mục 
anh  mong chí cả, ít nhiều đà mở mặt với hương thônAnh hàn vi bậu dốc tay nâng[20], may mắn cất đầu cùng bạn tác. 
Phận liễu bồ yếu đuối,
em lang thang, anh không nhờ của cũng nhờ công[21].

 

 

 

Nhà nguy biến nghiêng nghèo[22] bậu giúp đỡ, tuy không nên vai cũng đà nên vát.

Nâng giềng sửa mối, rỡ ràng đóa nghiệp với tiên nhơn. …….

buổi trước vì rực rỡ nên gương cùng hậu giác.

Bậu chẳng phải vợ Mãi Thần ngày trước, thời chưa nên gió chảy xuôikhó hèn cam đâu dám trách trời,
Em chẳng phải vợ Tô Tần ngày nọ, vận bất  đạt mà đem lòng khi bạc; gian nan chịu cũng không oán đất.
Tính kịp thời, toan kịp bạn, mới khỏi tuần sấm đất toan bay[23].

Ăn theo thuở ở theo thời, đặng chờ lúc ‘Vận Đằng gặp các[24]’ mới mừng hết lúc gian nan, chưa gặp hanh thời vận đạt.

(t3) Bỗng đâu phút gió day mưa tạt, non hoa hạc lạc trầm trầm; Nào hay nỗi vật đổi sao dời, cửa sổ ngựa qua[25] thoát thoát. 
Ôi!
 
Sông Lệ vàng chìm; Non Côn ngọc nát[26]. 
Cảnh
 giai lão cảm lòng trời đất, giàu có nhau khó cũng có nhau[27]; Quỉ Vô Thường làm cuộc bin dâu, vật tráo chác người sao tráo chác[28]. 

Con sáu tuổi thơ ngây một bóng[29], bậu bao đành xấp mt tìm tiên[30]; Chồng trăm năm lơ láo một mình, em bao nỡ xây lưng cưỡi hạc[31]. 
Ai mượn lão
 Diêm phù rước khách, mẹ lìa con vì gã[32] ức oan; Ai cầu ngươi Quỷ bá[33] đưa người, chồng xa vợ bởi ngươi bạc ác. 
Nghĩ tới chữ "đại đức chi nhân tất đắc kỳ thọ[34]" đọc tới thêm buồn; Tưởng đến câu

"tích thiện chi gia tất hữu dư khương[35]" nghe càng thêm lạt[36]. 
Qua
để bậu chẳng bằng tiền bạc, phận chia gương chẳng kịp nửa giờ[37]; Trời giết người chi sá gươm đao, chứng nghèo ngặt không đầy một lát[38]. 


(t4) Đêm khuya hỡi nâng niu một trẻ, nghĩ càng thêm ruột tợ kim châm; Ngày ra vào vắng vẻ không em[39], ngậm ngùi nhớ ruột dường muối xát. 
Cuộc
 long hổ an rồi ba tấc đất[40], ôi thôi rồi má phấn hồng nhan[41]; Bạn phụng loan phân rẽ một phang trời[42], nghĩ đáo để duơn đơn phận bạc[43]. 
Đã biết
:

Kiếp thác là kiếp mất, tấm lòng thành hơn bảy ngày chay[44]; 

Cho hay:

Nghĩa cựu là nghĩa xưa, dụng ít món  đôi mâm đạm bạc. 
Hỡi ôi, tiếc thay! Hỡi ôi, tiếc thay!

(Hết bài văn tế)

Kết:

Văn học Việt Nam có những điều cần bàn  luận mãi mãi, tôi gọi là những lổ trống cần có những ý kiến để giải quyết dầu là ít khi được đồng thuận (vấn đề dịch giả Chinh Phụ ngâm, vấn đề bài thơ khóc Thị Bằng, vấn đề thời đại và tác giả của những truyện thơ vô danh…) chuyện bài văn tế vợ nầy thiệt ra là chuyện nhỏ. May mà tôi gặp được cơ duyên đọc thấy bản Nôm nên đưa ra thôi.

Trước khi dứt bài nhức đầu nầy xin mạn phép chép ra đây một bài trong quyển Tân Tiếu Lâm của ông Trần Phong Sắc, chuyện vui vui nhưng có thể gọi là liên quan đến việc một hình hai bóng đương nói để người viết và người đọc cùng cười hạ hỏa. (Chép y theo sách.)

‘Anh chủ nhà kia dốt-nát, rước thầy về dạy con, mà thẫy cũng ít chữ quá! nhờ một tập đồ-nòi mà thôi! Đến khi bà mẹ vợ anh chủ nhà mãn phần, chũ nhà cậy thẫy đặt giùm văn tế. Thẫy dỡ tập đồ-nòi ra, chép lộn nhằm văn tế cha vợ! Đến khi ông chũ đem lễ qua tế, học trò lễ đọc văn tế, nghe ra tế cha vợ! Ông gia ảnh nỗi giận mắng rằng: ‘Thằng mù lại rước thầy đui! mẹ vợ chết mà đặt văn tế sống cha vợ! đi về cho rãnh, ở đó mà trù ai?’ Anh nọ mất-cỡ, tức mình về mắng thầy sao có chép lộn! Thẫy giận đỏ mặt, xách tập đồ-nòi, dỡ ra chỉ và nói rằng: ‘Ông coi đó mà coi, tôi chép không sai một chữ! ấy là tại chết lộn, chứ tôi chép có lộn ở mô!’[45]

 

 



[1] http://www.thivien.net/Bùi-Hữu-NghĩaVăn-Tế-Vợ/poem-2EMnhCOaBL-DapWYbiIr2g  -- Bản trên net đánh máy lại có nhiều chỗ sai (can hệ thay vì cang lệ, lãng xoa thay vì lãng xao… )

[2] Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, Nguyễn Quyết Thắng, NXB Văn học, 2009, trang 229-231.

[3] An Giang thư xã, Châu Đốc, 1952, trang 22-27.

[4]  Không tựa lý do vì người xưa sưu chép không nghĩ tới chuyện đặt cho nó một cái tên gọi như chúng ta ngày nay, nhứt là khi họ chỉ chép lại từ nhiều nguồn với phong phú đề tài.

[5] Gió Nữ 𩙋女, mưa Ngâu 𩅹汼chỉ chuyện buồn xa cách của vợ chồng trong điển tích Ngưu lang Chức nữ. Tương truyền khi (chức) Nữ nhớ (ngưu) Lang mà khóc thì tạo nên cảnh trời buồn nơi trần thế với mưa ngâu lác đác. Bản Nôm viết mưa châu, không hợp với văn cảnh tuy cũng diễn tả sự buồn khổ khóc lóc. Để ý ngâu là tiếng trại của ngưu, mưa lác đác rơi lâu dài tạo cảnh buồn được ví như nước mắt chàng Ngưu.

[6] Bản Nôm không có hai chữ xum vầy, tạm mượn trong bản quốc ngữ (QN). Chữ bình thủy lấy ý từ nhóm chữ bình thủy tương phùng nghĩa là bèo nước gặp nhau. Nhưng Bình Thủy là địa phương có thể chỉ nơi hai ông bà gặp gỡ.

[7] Ngạt ngào bọt nước sóng xao: Tức nghẹn vì chuyện chết chóc của bậu, mau lẹ như sóng đánh làm tan vỡ bọt nước. Ngạt ngào, HTC, Nghẹn đi, tức, thở không ra hơi.

[8] Phút: Bỗng nhiên. Treo lu 撩偻,  bản QN Nguyễn Q. Thắng khêu lờ, bản Nam Cư khều lờ.

[9] Tạt 拶, 悉: Phất vô, chữ Nôm viết giọng Nam bằng tạc 鑿  (khắc, đẻo hình, tượng, đá…)

[10] Vóc tròn hơn nguyệt 𦘱𧷺欣月: Bùi Hữu Nghĩa hóm hỉnh nói vợ mình bề thế. Vóc 𦘱: Hình hài, chữ vóc dễ đọc nhầm thành bằng 朋 viết đơn, như trường hợp của bản QN.

[11] Vườn dâu khỏi lấm nhơ bụi cát 养柚塊淋如< 𣼯各: Dùng điển tích ‘trên bộc trong dâu’ để chỉ chuyện lăng nhăng nam nữ. Bà vợ mình không có sự đó. Lấm淋, không phải lầm, tuy hai chữ Nôm viết một dạng. Vườn 園, viết Nôm theo âm Nam kỳ: dường 𦍛. Cũng vậy, cát 𡋥, dùng chữ các 各 và chữ dàng 揚ở câu dưới dùng chữ vàng 鐄. Những chữ nầy là sự chứng nhận không thể tranh cãi là bản văn được viết ra ở vùng đất mới miền Nam, nơi chữ Nôm hầu như được viết theo cách phát âm địa phương.

[12] Đâu trại兜𧼋: Không thay đổi. Bản Nôm viết đâu chạy, theo âm Nam, khiến khó hiểu.

[13] Chữ sạch, bản Nôm viết bằng 丕, chữ nầy Nôm độc vậy, bản QN đọc vấy (không có nghĩa ở đây), tôi ngờ là chữ 歷lịch (sạch) viết đơn.

[14] Chẳng 庄, bản Nôm viết  cũng 拱, vô nghĩa, tạm sửa lại.

[15] Nhưng 仍: Không. Đơn giản của nhóm chữ không nhưng, chẳng có. Nếu phiên âm là những  thì làm nghịch nghĩa, ngược ý của toàn câu.

[16] Tích Trần Minh nhà nghèo quá không có tiền mua vải, phải đóng khố bằng lá chuối nhưng ham học và không tham lam… Thanh đây nghĩa là không tham. Chữ thanh lấy ở bản QN.

[17] Khuyên chồng chăm chỉ học hành.

[18] Dâng lê 仩梨: Con cái dâng đưa thức ăn bánh trái cho cha mẹ, diễn tả sự hiếu. Giữ: Nôm viết theo âm Nam kỳ dữ與.

[19] Cữu cô舅姑: Cha mẹ chồng. Câu: Ở với cha mẹ…. xướng, là bổ khuyết theo bản QN.

[20] Điều nầy phù hợp với tiểu sử rằng Bùi Hữu Nghĩa vốn nhà nghèo, được nhà vợ giúp đỡ…

[21] Nhắc đến chuyện bà Tồn thân phụ nữ mà lặn lội từ Định Tường ra Huế khiếu nại cho chồng… Chỗ nầy bản QN không ổn chỉ vì một chữ khác: thuốc (thang), thay vì lang (thang).

[22] Nguy biến nghiêng nghèo 危変硯𠨪: Chỉ lúc ông Bùi Hữu Nghĩa phải đi lính chuộc tội , bị giặc bắt và những chuyện khổ tiếp theo đó. Chữ nghiêng 迎, bản Nôm dùng âm nghiên 硯 vì theo cách phát âm của người viết.

[23] Tính toán, đoán việc khá thông minh nên tránh được những chuyện  tai nàn trời long đất lỡ của quan trên.

[24] Dùng điển tích và câu thơ: Thời lai phong tống Đằng Vương Các= Gặp may thời đến thì nhờ gió đưa thuyền đem tới gác Đằng Vương kịp lúc. Gặp thời thì thành đạt.

[25] Cửa sổ ngựa qua 𨵣數馭戈: Mượn ý từ đời người qua mau lẹ, như chớp nhoáng, như ‘bóng câu (ngựa hay) chạy vút qua cửa sổ’.

[26] Chỉ những gì quí giá bị hư mất.

[27] Cám ơn trời đất vì hai người được sống chung khi nghèo cũng như lúc hanh thông.

[28] Sự vô thường được mất ở đời như con quỷ làm cho mọi sự thay đổi tới tuyệt cùng..

[29] Bà vợ của ông mất sớm lúc con  còn quá nhỏ, mới sáu tuổi. Tìm vô tiểu sử của Bùi Hữu Nghĩa, ta có thể đoán ra năm làm bài văn tế nầy. 

[30] Xấp mặt tìm tiên 垃𩈘尋仙: Quay lưng lại mà ra đi vào cõi tiên. Chết.

[31] Xây lưng cỡi hạc 𡏦倫騎鶴: Ý tương tợ với xấp mặt tìm tiên. Chữ lưng đã bị dùng bằng luân 倫vì người Nam đọc luân thành lưn.

[32] Mẹ lìa con vì gã ức oan 媄离昆為妸抑寃: Mẹ xa lìa con oan ức vì ông ta, cái ông Diêm vương. Khi giận bực, thì Diêm Vương bị gọi  bằng gã cũng là thường sự.

[33] Diêm phù, Quỷ bá, những tên người xưa đặt ra như có những con quỷ, những nhân vật quyền thế dưới cõi âm lên cõi dương bắt hồn người ta dẫn đi về phía dưới. Cũng như chữ ngươi ở liên dưới chữ tạo được văn phong bi thảm đến giận dữ bất cần gọi Diêm vương bằng những chữ bình thường không ai xài.

[34] Người có đức lớn thì hưởng thọ, sống lâu.

[35] Nhà làm điều thiện thì được an khương, mạnh khỏe, không tật bịnh.

[36] Như trên, lạt 𤁕 (lẽo) đã bị viết thành lạc 落 (rơi)

[37] Nói đến sự đi lính thú của mình, nhà chẳng còn gì để lại cho vợ.

[38] Có lẽ liên nầy nguyên văn là: Trời giết người chi sá gươm đao, phận chia gương chẳng kịp nửa giờ;  Qua để bậu chẳng bằng tiền bạc, chứng nghèo ngặt không đầy một lát. Chữ lát, được viết theo âm Nam.

[39] Tình thương càng khiến buồn thêm khi ở trong đơn chiết. Chữ vắng 咏được phát âm và viết bằng vắn 問( vấn đề g/ng). Chữ tấc 𡬷 ở dưới đã dùng tất 必.

[40] An rồi ba tấc đất 安耒𠀧必坦: Chôn cất xong xuôi. Chữ tấc 𡬷 (thước) dùng tất必 (nhiên). Cuộc long hổ: ?

[41] Một đời người phụ nữ đã qua. Tiếng than đứt ruột.

[42] Chỉ còn người chồng ở lại.

[43] Duơn đơn phận bạc 緣丹分泊: Phận hẩm hiu mình còn lại lẻ loi. Phiên âm duơn thay vì duyên vì lúc đó người ta thường phát âm là dan, (Cái thằng vô dan, đứng án bóng) vần với chữ nhan ở trên.

[44] Lòng thương chơn thật của mình hơn những việc làm chay cúng kiến. Câu nầy có tư tưởng đi trước thời thế quá xa. Hơn trăm năm sau người ta vẫn chưa chạy theo được mấy chữ nầy: Tấm lòng thành hơn bảy ngày Chay: Lòng thương chơ thật hơn là cúng kiến, tụng kinh gỏ mõ.

[45] Trần Phong Sắc và Huỳnh Khắc Thuận, Tân Tiếu Lâm, q1, in lần 2, Saigòn, nhà in J. Viết, bài 53, trang 22. Chép lại đúng bản chánh. Tiện thể cũng bắt chước thầy tôi, nhà văn Vương Hổng Sển nói chuyện sang đàng một chút: Ông Huỳnh Khắc Thuận nầy là cha của ông thẩm phán VNCH, tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng. Đồ-nòi: Sách ghi những bài văn tế, những bài thuốc cần thiết để thầy cúng, thầy thuộc cứ theo đó mà đọc tùy trường hợp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.