Hôm nay,  

NÚI TRỌC-CÁT KHÔ-SỎI NÓNG VÀ TÂM - MỘT NGÀY CỦA THIỀN SINH VIPASSANA

11/09/201910:06:00(Xem: 3402)

                               


Ngày 14 tháng 8 năm 2019, chúng tôi chín người, hai nam bảy nữ đều ở tuổi về hưu, cùng đáp chuyến xe van từ Little Sài Gòn đi học tại Trường Thiền Vipassana thuộc dòng thiền U Ba Khin-Goenka, trong thành phố Twentynine Palms thuộc quận hạt San Bernadino.  


Thành phố này cách Little Sài gòn khoảng hai giờ mười lăm phút xe về phía Đông Bắc, qua các freeway 22 East, 57 East, 60 East và 62 East. Chúng tôi vốn không quen biết nhau, nhưng khi ghi tên trên mạng thì nhà trường cho biết có thể liên lạc với nhau để chia sẻ tiền xe. Cũng là thiện duyên nên mỗi người chỉ trả tiền xe vừa túi tiền người già. 


Thật ra gọi là cao niên thì vui hơn, vì xem ra ai cũng còn đi lại nhanh nhẹn, xách va li chứa mọi thứ cần dùng cho mười ngày thiền tập. Tất nhiên thông báo trên mạng mười ngày là mười ngày không hơn không kém, nên không sợ thiếu thốn hụt hẫng gì.  Khởi hành từ 12 giờ trưa từ khu Bolsa, chiếc xe van với sức chứa 13 người cả hành lý nhẹ nhàng lướt đi với cô tài xế người Việt còn trẻ vui vẻ, khoảng ngoài 40, lái xe êm và an toàn. Ai cũng có điện thoại cầm tay có Uber App, nhưng hầu như ai cũng thích đi với tài xế người Việt mà chúng tội gọi đùa là Uber cộng đồng, nói tiếng Việt dễ thông cảm. 


Thành phố 29 Palms nằm trên vùng sa mạc cao Mojave ( Mojave High Desert ), trên mặt biển 2000 bộ (khoảng 600 mét), mùa này nhiệt độ có thể lên đến 116 F. Từ vùng biển Bolsa nhiệt độ khoảng 85, các hành khách đều dự trù sắp phải chịu cái nóng sa mạc núi. Khi đến vùng Joshua Tree Community, tức là chỉ còn ít phút là tới trường, trong xe máy lạnh mát rượi, nhưng nhìn qua cửa kính hành khách có thể cảm thấy được cái khô cái nóng với những rặng núi trọc, cây cối èo uột, những giải cát lạnh lùng. Nhưng đây cũng là một thị trấn với đầy đủ mọi dịch vụ đời sống. Chúng tôi tự hỏi không biết dân cư sinh sống bằng nguồn lợi kinh tế gì. Hóa ra nguồn lợi đó đến từ Joshua Tree National Park, nằm ở phía Nam của 29 Palms City mà thành phố cũng là một lối vào  qua ngã Oasis of Mara. Mỗi năm du khách lên đến 140,000 . Theo truyền thuyết thổ dân, Oasis of Mara chính là nơi trồng 29 cây cọ của thổ dân Serrano, nơi mà đại tá Henry Washington là người đầu tiên khám phá ra năm 1852. Hiện nay tại ranh giới thành phố, du khách thấy một biển đề WELCOME TO THE CITY OF TWENTYNINE PALMS với 11 cây cọ trồng phía sau. 


Sắp đến trường rồi. Tự nhiên câu văn bất tử của nhà văn Thanh Tịnh ( 1911-1988) thuộc lòng từ thời ấu thơ bật hiện lên trong tâm trí “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc……………..Buổi mai hôm ấy , một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn : hôm nay tôi đi học ….( truyện ngắn Tôi Đi Học 1941 ).


Hồi năm sáu tuổi mẹ dẫn đi học, bây giờ, bẩy mươi năm sau, mình tự xin đi học, chỉ có cô tài xế dẫn, vào mùa hè nóng bức, trên  con đường hoàn toàn xa lạ, mà chẳng phải để học chữ cũng không phải học một nghề. Học nghề để kiếm tiền nuôi thân, học chữ may ra có chút danh vị xã hội; nhưng học thiền……để làm gì ?


Tới rồi các bác ơi”. Tôi như choàng tỉnh từ cơn mê. Thân mình đang ngồi đây trong xe mà tâm lang thang mãi về một quá khứ xa xăm ; đang sống thực ở nước Mỹ mà tâm trôi giạt về một người mẹ đã khuất cả nửa thế kỷ, về một ngôi làng có lẽ đã không còn trên bản đồ. Có lẽ các bác khác cũng ngủ gà ngủ gật, chỉ một mình cô tài xế tỉnh thức. Mắt cô ấy, tai cô ấy, hai bàn tay, hai bàn chân, hay nói cho đúng toàn thân cô đang bám vào thực tế cùng với tâm không rời  đường đất từng giây phút. Nếu thân đang lái xe mà tâm cô lang thang như tôi hoặc tâm lâm vào cảnh hôn trầm buồn ngủ thì việc gì sẽ xảy ra ? Giống như một người đang lái xe mà text tới text lui? 


           Có lẽ  tâm cô đã ở trong  định rồi, thân tâm nhất như. Nếu không,  có thể sẽ xảy ra những tai nạn gây khổ đau cho chính bản thân cô, chồng con cô, và cho cả hành khách và gia quyến họ. Cô học nghề lái xe để kiếm tiền nuôi thân, nhưng  sự định tâm giúp cô ngăn ngừa những khổ đau cho mình và cho tha nhân. Có lẽ tôi tự trả lời câu hỏi tự mình đặt ra ở trên, học thiền để làm gì ? 


           Tuy nhiên sự định tâm còn nhiều tầng cấp sâu hơn. Học thiền để xa rời đời sống thực hay để sống thực khôn ngoan hơn ? Tôi nhớ lại một định nghĩa về thiền trong sách Vi Diệu Pháp Toát Yếu : “Gọi là  Jhana (Thiền—tiếng Samskrt là Dhyana) vì nó suy gẫm bám sát vào đối tượng; hay bởi vì nó thiêu đốt những chướng ngại, Nivaranas; Jhana là chăm chú mạnh mẽ gom tâm vào một đối tượng” ( Dịch từ  Anh ngữ : Jhana is so called because it thinks closely of an object or because it burns those adverse things –hindrances—Nivaranas—By Jhana is meant wilful concentration on an object). 


 (A Manual  Of Abhidhamma—Tác giả Bhadanta Anuruddhacariya—chuyển dịch từ Pali sang Anh ngữ : Đại Đức Narada Maha Thera—chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ :Phạm Kim Khánh——  trang 62 bản tiềng Việt—trang 47 bản tiếng Anh“). 


                    Như vậy có lẽ cô tài xế mỗi khi lên xe là một lần hành thiền chăng ? Chắc là vậy nhưng tôi nghĩ mới đúng một phần, vì phần quan trọng hơn là “thiêu đốt những Nivaranas”. Nivaranas là năm chướng ngại mà Thiền sư Goenka trong những bài giảng gọi là năm kẻ thù của người tập thiền. Đó là : Ham muốn ( kamachanda )- Ghét bỏ (vyapada)-Uể oải tinh thần và thể xác (thina-middha)-bồn chồn, bất an (uddhacca-kukkucca)-nghi ngờ, không chắc chắn (vicikiccha).


                  Hơn nữa, không phải chỉ hành thiền lúc làm việc mà trong mọi lúc của đời thường. 


    Trường không có tường xây bao quanh, chỉ có hàng rào tạm bằng lưới sắt. Con đường dẫn vào chỗ đậu xe chưa tráng nhựa. Cả chỗ đậu xe và tất cả các con đường trong khuôn viên trường đều chỉ là cát sỏi, rìa đường và rìa các khu vườn hoa đều trang trí bằng những viên đá đủ cỡ. Đây là xứ sở của đá. Những viên đá này mang về Little Sài Gòn thì biết bao nhiêu tiền.  Ra khỏi xe máy lạnh, cơn nóng phả vào mặt, quí bà hơi vất vả kéo vali trên sỏi cát lên những con dốc vào phòng ghi tên nhập học.


            Nhìn tổng quát, khuôn viên trường không thấy một hình tượng Phật hay Bồ Tát như trong những thiền viện ở vùng Bolsa.  Phòng ghi tên là phòng Dining Hall, phân làm đôi, bên nam bên nữ. Trong phòng cũng không có một hình tượng tôn giáo nào. 


Hai người Mỹ trung niên ngồi trên bàn hướng dẫn những học viên mới tới về bản đồ phòng ngủ, về kỷ luật tự giác với những qui định của trường. Nhìn những học viên mới tới,tôi mới ngạc nhiên về những  thành kiến của mình . Không phải chỉ có những vị cao niên mới đi học thiền. Trong tổng số 40 thiền sinh có tới 30 là thanh niên tuổi từ 20 đến 50. Họ có thể đang là những sinh viên đại học, hoặc đã là kỹ sư, bác sĩ, thương gia v..v..da trắng da đen dủ mọi nguồn gốc. Đâu phải thanh niên đi học thiền để rút lui khỏi đời sống thực của họ trong xã hội. Chỉ có ba ông già Mỹ, và sáu ông già Việt Nam. Phía nữ , số cao niên Việt nhiều hơn.


            Kỳ này là khóa song ngữ Anh Việt. Nhìn trên bảng cáo thị, chữ đập vào mắt tôi là chữ in đậm khổ lớn NOBLE SILENCE –IM LẶNG THÁNH THIỆN. Đọc trong bản hướng dẫn, kể từ 4 giờ sáng mai  tất cả học viên không được nói chuyện , ra dấu, viết thông tin cho nhau. Ngay chiều nay mọi học viên được yêu cầu nạp cho văn phòng : điện thoại di động, máy chụp hình, radio, tập vở, bút , thuốc không toa, thực phẩm, nhang đèn, tràng hạt. Thiền sinh không được viết nhật ký, không được cử hành những nghi thức tôn giáo. Những điều này coi như thiền sinh đã tự nguyện theo trước khi ghi danh. 


                Chiều nay thiền sinh mới được ăn nhẹ bữa dinner,  còn thiền sinh cũ chỉ được uống nước trái cây. Thiền sinh cũ là những người đã qua khóa 10 ngày năm ngoái rồi, khoá này ghi tên học lại và làm những việc thiện nguyện như vệ sinh, nấu bếp, giám thị giúp thầy cô …Thầy cô ở đây là những vị thiền sư phụ tá cho Ngài Thiền Sư Goenka  ( 1924-2013 ) hướng dẫn khóa tu , trả lời những câu hỏi của thiền sinh sau một buổi thực tập. Trong khóa này thầy là thiền sư Đinh Thảo hướng dẫn bên nam ; cô là Đinh Lan, phu nhân của thầy, hướng dẫn bên nữ.


                  Theo bản đồ, tôi kéo vali về phòng, vừa đi vừa nghĩ  “đi nhận phòng khách sạn”, nhưng đúng ra là nhập thất , theo ngôn ngữ nhà thiền.  Các dãy phòng ngủ đều mới xây cất, ở trên những độ cao khác nhau theo thế đất. Những vị cao niên được ở phòng riêng, còn các thanh niên ở chung trong một khu khác. Mỗi thất có chiều dài chừng  năm mét, chiều rộng bốn mét, có một giường đơn, một tủ nhỏ, có đủ máy lạnh, quạt máy, đèn ngủ, đồng hồ báo thức để sẵn 4AM, bồn tắm, bồn rửa mặt, bồn vệ sinh rất sạch sẽ. Sự sạch sẽ này không phải do những bồi phòng khách sạn làm mà do những thiền sinh khóa trước nối tay nhau làm trước khi về. Một  bản đánh máy treo trong phòng vệ sinh hướng dẫn thiền sinh tự làm hằng ngày với những cây cọ, thuốc khử trùng, bao tay, bàn chải quét phòng . Thiền sinh phải mang riêng túi ngủ, áo gối, tấm trải giường, nên theo kinh nghiệm, trước khi bao gối trải tấm phủ, tôi lấy thuốc khử trùng xịt một vòng quanh khe giường, khe tường, khe cửa, khe tủ đề phòng rệp, gián, kiến, nhện…xâm nhập .


                    Đã 5 giờ chiều, còn một tiếng nghỉ ngơi trước khi nghe kẻng báo giờ ăn, tôi vặn máy lạnh nằm ngủ thoải mái . Mặc kệ bên ngoài 110 độ F, trong phòng mát lạnh tôi mơ màng ngủ một giấc thần tiên. Đời mình đã bao phen đi học, nhưng đều là do ngoại lực xã hội thúc đẩy, chưa bao giờ như hôm nay mình tự vác thân  đi học . Đời mình đã bao phen ngủ bờ ngủ bụi ngủ rừng, chưa bao giờ như hôm nay ngủ bình yên tự tại . Hôm nay tôi đi học, chẳng phải để học chữ như nhà văn Thanh Tịnh, chẳng phải học một nghề sinh nhai. Chỉ để học những kỹ thuật thực hành làm sao chăm chú mạnh mẽ gom tâm vào một đối tượng và nhất là thiêu đốt những chướng ngại . 


                   Tiếng kẻng vang lên, từ các khu phòng ngủ các thiền sinh lục tục đi đến phòng ăn, người nào cũng mang theo một bình để lấy nước trong nhà bếp. Tôi mang theo mọi thứ cần gởi văn phòng. Thế là không có đồng hồ để căn giờ, phải tập  nhìn trời mà đoán chừng. Trong giờ ăn, mọi người vẫn nói chuyện rào rào, chưa phải tuân hành nội quy “Im Lặng Thánh Thiện” 


                   7 giờ tối, tất cả thiền sinh nam nữ 80 người tập trung trước cửa thiền đường chính. Trưởng lớp mỗi bên nam nữ gọi  tên từng người vào nhận chỗ cố định cho suốt khóa. Các người trẻ ngồi trên những bồ đoàn không dựa lưng. Các vị cao niên được ngồi trên ghế hoặc dựa tường.

Tôi để ý có bạn trẻ dùng tới tám hoặc mười món tọa cụ , vừa kê mông, vừa kê đầu gối. Đủ các thế ngồi, kiểu ngồi, không cần kiết già hay bán già. Quần áo mùa hè cũng tự do, không cần đồng phục như các thiền viện khác. Trong thiền đường chung cũng không trưng bày bất cứ hình tượng tôn giáo nào. Tất cả hiện tượng bên ngoài đó cho thấy tinh thần bên trong của pháp môn U Ba Khin –Goenka : Vipassana đúng nghĩa nguyên thủy không vụ vào những nghi thức tôn giáo của các tông phái khác nhau. Còn về những hình thức trang phục, chỉ cần kín đáo trang nhã thoải mái. 


                  Bài giảng nhập môn bắt đầu bằng CD của Ngài Goenka mà thiền sư phụ tá bật lên sau khi thiền đường lặng im phăng phắc. Trước hết ,  bài giảng nhắc sơ qua về thời khóa biểu của thiền sinh từ 4 giờ sáng đến 9 giờ rưỡi tối. Mỗi đêm chỉ ngủ 6 tiếng, chính yếu là ngồi thiền 12 tiếng trong đó 8 tiếng rưỡi tại thiền đường chung và 3 tiếng rưỡi tại thất riêng; thời gian  còn lại là ăn uống và nghỉ ngơi tự do. Không lao động trí óc, tức là không đọc sách báo, không viết nhật ký; không lao động thể xác. Việc ăn uống đã có những thiền sinh cũ tự nguyện phục vụ. Như vậy thiền sinh chỉ lo tu.

                Tiếp đó bài giảng nói tổng quát về ba chặng đường tu tập : Giới—Định—Tuệ ( Sila—Samadhi—Panna ). Ba chặng đường này nhằm đến mục đích cuối cùng là Giải Thoát 

( Vimokkha ) khỏi mọi ràng buộc của Tham Sân Si ( Raga-Dosa-Moha). Chặng đường này có thể dài một năm , mười hay hai mươi năm. Riêng Ngài Goenka phải trải qua 14 năm tu tập mới được Thầy U Ba Khin chứng cho được làm đệ tử truyền thừa   dòng Vipassana nguyên thủy.


                 Nội quy của trường giúp thiền sinh giữ năm giới căn bản là điều kiện tiên quyết : không dùng bạo lực giết hại sinh vật; không trộm cắp cướp những gì không phải của mình làm ra; không làm bất cứ hành vi dâm dục nào như  ra dấu, đụng chạm thân thể; không nói sai sự thực , không nói lời ác , đâm thọc , thêu dệt.; không dùng các thuốc gây say hay kích thích.

Thiền sinh nào phạm giới sẽ được nhắc nhở nhiều lần trước khi ban giám đốc có quyết định mời rời khỏi trường. Trường không nhận những bệnh nhân tâm thần vì họ không dủ ý thức tự chủ tự giác.


                Về giới thứ nhất, hai bữa ăn không có thịt động vật ; về hai giới kế, mỗi thiền sinh tự giác xét mình ; về giới thứ tư, thiền sinh tuyệt đối tuân thủ Im Lặng Thánh Thiện . Thiền Sư nói “Trò chuyện là trái nghịch với nỗ lực hành thiền”. 


                Tuân thủ năm giới nghiêm chỉnh rồi mới có Chánh Định ( Samma Samadhi ). Bởi vì kẻ sát nhân, kẻ cướp thường có định lực cao để thi hành tội ác. Đó chỉ là tà định. Những hạng người này không theo năm giới mà lấy bạo lực đàn áp và mọi hành vi cướp bóc làm nguyên tắc sống.


               Trong ba ngày đầu thiền sinh sẽ được hướng dẫn thực tập pháp Anapanasati tức là pháp ý thức về hơi thở  ra vào để định tâm, có nghĩa là sự thực tập định tâm sẽ kéo dài 36 tiếng đồng hồ.


                 Sáu  ngày kế tiếp là phần chính của khóa học với 72 tiếng luyện Vipassana ,  là pháp truy tầm cảm giác trên khắp châu thân tức là hướng tâm trở về nội thân mà không hướng tới đối tượng gây ra những cảm giác ấy. Vipassana là phương pháp thanh lọc Tâm  khỏi mọi pháp bất tịnh như tham đắm, giận dữ, sợ hãi, kiêu mạn, ghen ghét, than trách….  “Chúng ta luôn luôn tìm kiếm bên ngoài ta những nguyên nhân của sự bất hạnh.Chúng ta luôn luôn đổ lỗi và cố thay đổi sự thật bên ngoài. Vô minh về sự thật bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu rằng nguồn gốc 

của sự đau khổ nằm trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu và khó chịu”  “We always looked outside for the cause of our unhappiness ; we always blamed and tried to change the reality outside. Being ignorant of the inner reality, we never understood that the cause of suffering lies within, in our own blind reactions toward pleasant and unpleasant sensations” ( Tài liệu giảng dậy : The Art Of Living : Vipassana Meditation—S.N Goenka ). Ta cần phân biệt reaction (phản ứng ) với action (hành động). Phản ứng thường có tính cách bản năng, máy móc, mù quáng ; hành động thường được cân nhắc bởi lý trí.


                Bài giảng nhập môn chấm dứt lúc 9 giờ tối. Thiền sinh rời thiền đừơng im lặng trở về thất riêng trong bóng đêm vùng núi,  coi như chuẩn bị thức dậy vào 4 giờ sáng mai là ngày đầu tiên của khóa tu. Tùy theo thời khóa biểu chung, mỗi người sắp xếp làm vệ sinh cá  nhân theo cách của mình. Riêng tôi, sắp xếp tắm sau 9 giờ tối, lau chùi phòng tắm khô ráo rồi đi ngủ ; buổi sáng lau chùi bồn rửa mặt và bồn cầu; buổi trưa quét phòng xịt thuốc thơm. Đó là ba lần lao động chân tay nhẹ nhàng trong một ngày không ra một tí mồ hôi. 


                Mở máy lạnh, bật đồng hồ báo thức và nằm chờ giấc ngủ. Tôi mơ màng nhớ đến bốn giai thoại về thiền sư U Ba Khin.


Câu chuyện 1: Sayagyi U Ba Khin  sinh năm 1899 trong một gia dình Miến Điện nghèo. Bẩm chất thông minh, học xuất sắc, nhưng phải bỏ ngang đại học đi làm nuôi gia đình chỉ với chức thư ký kế toán cho Văn Phòng Kế toán Trung Ương. Năm 1926 đậu bằng Nghiệp Vụ Kế Toán. Nhờ cách làm việc giỏi, có đạo đức thanh liêm, ông được thăng dần lên đến chức Đệ Nhất Tổng Quản Sở năm 1937, Tổng Giám Đốc Kế Toán Hỏa Xa Miến Điện  năm 1941, Tổng Trưởng Kế toán năm 1948. Mặc dầu đến tuổi hưu trí năm 1954, ông vẫn được chính phủ bổ nhiệm làm tổng trưởng kiêm nhiều bộ, làm việc thêm 12 năm nữa. Ông là nhân tố quan trọng làm trong sạch guồng máy chính quyền.


                 Năm 1937, lần đầu tiên tu tập Vipassana với thiền sư Saya Thetgyi. Năm 1941 ông được gặp thiền sư Swebo Sayadow vốn được dân chúng coi như một vị A La Hán của Phật giáo Miến Điện. Năm 1950 lập Hội thiền Vipassana tại Văn Phòng Kế Toán Trung Ương , dạy thiền cho nhân viên công chức. Năm 1951 lập International Meditation Center ( IMC ) tại Rangoon. Trung tâm này được Ngài Sayadow thăm viếng năm 1953. 


                 Thiền sư U Ba Khin mất năm 1971, hai năm sau khi cao đồ là thiền sư Goenka vào năm 1969 đem  thiền Vipassana về lại cội nguồn Ấn Độ , giấc mơ mà Ngài U Ba Khin ấp ủ suốt đời.

  

Câu chuyện 2 : Thiền sư và Tổng thống


                 Sau khi giành được độc lập từ thực dân Anh vào năm 1948, Miến Điện theo chế độ dân chủ. Các Tiểu Vương xưa kia chịu gia nhập vào Liên Hiệp Miến Điện. Một trong những tiểu vương được bầu làm Tổng Thống  có tính cách nghi lễ. Trong một tiệc tiếp tân quốc gia do Tổng Thống chủ tọa, đến giờ ăn quan khách đã đầy đủ mà chưa thấy Tổng Thống  xuất hiện. Thủ Tướng rất bối rối cho người sang dinh Tổng Thống hối thúc, nhưng tin về cho hay Tổng Thống say rượu quá độ không thể đi được. Thủ Tướng nhất định ra lệnh khiêng Tổng Thống vào xe mang đặt lên ghế chủ tọa. Nhưng chỉ vài phút sau Tổng Thống ói mửa làm cho buổi tiệc phải tan. Sau đó Tổng Thống đệ đơn từ chức lý do trước kia ông từng là thái tử một vương quôc theo tục lệ vừa sinh ra là phải được cho uống ngự tửu,  do vậy chất rượu đã ở trong máu ông rồi không sao chừa được. Một thời gian sau nghe danh tiếng thiền sư U Ba Khin, ông ta đến trường thiền Vipassana xin học. Thiền sư nói ông phải tuân theo ngũ giới . Ông ta nói bốn giới trên chấp nhận được trừ giới uống rượu. Thiền sư nhất định không cho. Ông ta mặc cả từng chai ,rồi từng ly, rồi từng hớp nhưng vô ích. Cuối cùng ông phải chịu nhịn rượu trong mười ngày thiền tập. Kỳ diệu thay, sau khóa học khi trở về nhà, ông hoàn toàn bỏ rượu.


Câu chuyện 3 : Thiền sư và nhà khoa học hỏa tiễn


                 Chuyện kể rằng một khoa học gia phương Tây chuyên môn nghiên cứu đầu đạn do hỏa tiễn phóng đi có thể tiêu diệt cả vạn người trong nháy mắt. Ông ta ghi tên học Vipassana với thiền sư U Ba Khin. Thiền sư xem kỹ tiểu sử của ông ta và đặc biệt chấp thuận cho ông học khóa dài ngày mặc dù là thiền sinh mới. Qua năm sáu ngày thiền tập, thiền sư đi cùng với đệ tử Goenka đến thất riêng của nhà khoa học. Nhìn qua khe cửa,  hai vị thấy nhà khoa học đang dựng ngược đầu trong thế trồng cây chuối. Thiền sư U Ba Khin tỏ vẻ hài lòng giải thích rằng “Ông ta chế đầu đạn giết cả vạn sinh linh, trong tâm ông ta dậy lên niềm hối hận nên mới tìm phương cách giải tỏa mặc cảm tội lỗi. Tốt, tốt các mầm ác trong tâm ông ta đang xả ra đấy”.


                 Vài năm sau khi trở về nhà, ông ta viết một bức thư dài cho thiền sư kể rằng ông thấy có một sự tương đồng lạ lùng giữa phương pháp thanh lọc tâm của Vipassana và phương pháp luyện kim loại tinh ròng trong kỹ thuật chế hỏa tiễn. Một thanh kim loại trong hỏa tiễn muốn đạt hiệu năng tối đa thì phải hoàn toàn tinh ròng không có tạp chất. Làm sao để loại những tạp chất ?

Phải dùng một cái vòng thuần bạch kim chẳng hạn , cho quay với tốc độ thật nhanh, rồi cho thanh kim loại chạy xuyên qua vòng. Cái vòng sẽ hút hết những tạp chất trong thanh kim loại.

Cũng thế, luồng tâm sáng rỡ trong lúc luân lưu khắp  thân thể giống như vòng bạch kim hút hết những pháp bất tịnh trong tâm làm cho tâm thân hoàn toàn trong suốt.




Câu chuyện 4: Từ U Ba Khin  đến Goenka


                S.N Goenka sinh ngày 30 tháng giêng năm 1924 tại Mandalay, cố đô của Miến Điện. Gia dình gốc Ấn Độ, tín đồ thuần thành của Ấn Độ giáo. Khi trưởng thành Goenka nối nghiệp kinh doanh ngành vải vóc của gia đình. Vào năm 1949, khi 25 tuổi, Goenka là một thương gia thành công và giữ những chức vụ lãnh đạo trong cộng đồng Ấn độ tại Miến Điện. Nhưng cũng thời gian này ông bỗng nhiên bị chứng bịnh nhức đầu rất khổ. Nhiều bác sĩ danh tiếng đã phải chích thuốc phiện cho ông để giảm đau nhưng cơ nguy là ông sẽ trở  thành con nghiện thuốc phiện. Ông có cơ sở kinh doanh nhiều nơi trên thế giới, người ta khuyên ông đi khám những bác sĩ phương Tây, Thụy Sĩ, Đức, Mỹ Nhật…nhưng vô hiệu. Cuối cùng trở lại Miến Điện và được một người bạn làm thẩm phán tòa án quôc gia giới thiệu đến thiền sư U Ba Khin năm 1955. Thiền sư nói Thiền Vipassana không phải dùng để chữa bệnh mà là một phương pháp thanh lọc tâm nhằm mục đích cao cả là giải thoát con người khỏi những phiền não khổ đau do tham sân si sinh ra. Sự chữa được bệnh hay không chỉ là một hiệu quả phụ. 


                Hơn nữa phương pháp này có tính khoa học, không bị chi phối bởi những dị biệt về dân tộc, địa phương , tôn giáo. Người nào theo học Vipassana vẫn giữ nguyên tôn giáo của mình. 

Sau khóa học 10 ngày, thiền sinh Goenka  cảm thấy đã tìm được con đường giải thoát, vì cơn bệnh nhức đầu dần dần thuyên giảm rồi khỏi hẳn không cần thuốc thang. Từ đó Goenka chuyên cần liên tục tu tập suốt 14 năm cho đến năm 1969 thì được Thầy bổ nhiệm làm giáo thọ phụ tá. 

Cơ duyên huyền bí khiến vào năm nay thân mẫu  bị bệnh ở Ấn Độ, ngài Goenka phải trở về quê hương vừa chăm sóc bệnh cho mẹ vừa mở lớp dạy Vipassana đầu tiên cho mẹ và họ hàng. Lớp học đầu tiên ở Ấn Độ chỉ có 14 người. Nhưng rồi sau đó người người truyền nhau hết khóa này tiếp khóa kia với học viên đủ mọi thành phần xã hội, mọi tông phái tôn giáo. 


                Ngài Goenka nói thế là  dòng thiền Vipassana thuần khiết từ thời cổ bị thất truyền 2500 năm nay lại trở về cội nguồn theo như lời tiên tri của Thầy U Ba Khin. Khỏang 300 năm sau  khi Đức Phật Gotama nhập Niết Bàn, vua A Dục nhờ học được pháp Vipassana mà chuyển hóa từ một bạo vương thành một hiền vương. Nhà vua cho toàn dân học Vipassana, còn phái nhiều tăng sĩ đi nhiều nước láng giềng khác truyền bá pháp môn này—Miến Điện, Thái Lan, Sri Lanka, Lào, Campuchea.. Có hai vị A La Hán được cử đến Miến Điện, và cho đến nay pháp Vipassana thuần khiết chỉ còn ở Miến Điện trong khi ở những nước khác  đã bị pha tạp .


              Năm 1971 khi ngài Goenka đang giảng dậy tại một ngôi chùa Miến ở Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, thì nghe tin Thầy qua đời. Ngài Goenka thốt lên “Ánh sáng đã tắt” ( The Light Has Gone Out ). Bốn mươi hai năm sau, đệ tử đi theo Thầy vào ngày 29 tháng 9 nàm 2013.  Nhưng  ngày nay trong những trường thiền Goenka khắp thế giới vẫn vang lên giọng hát trong sáng, giọng giảng bài  trôi chảy hấp dẫn của thiền sư Goenka qua những CD hay Video được quay lại trong mỗi buổi thiền tập.

 

                                                   ***************

             MỘT NGÀY CỦA THIỂN SINH VIPASSANA hẳn phải khác với một ngày của một người Việt về hưu sắp xếp giờ giấc đưa đón cháu nội cháu ngoại đi học chữ, học võ, học đàn, học bơi ; 

khác với một ngày của công nhân, công chức ; khác với một ngày của người lính trong doanh trại, trong quân trường ; lại càng khác với một ngày của người tù trong trại cải tạo lao động. 


                  Cái khác căn bản ở chỗ thiền sinh Vipassana tự nguyện cắt đứt với sinh hoạt xã hội bên ngoài, “ở dưới kia” , tự nguyện làm những người câm trong khuôn viên, trong nhà ăn giữa các bạn đồng tu. Ở ngoài đời thường, tâm người ta luôn luôn hướng ngoại , còn trong trường thiền, tâm luôn luôn hướng nội. 


4am : Tiếng kẻng bên ngoài và tiếng đồng hồ báo thức đầu giường vang lên đồng thời làm tôi tỉnh giấc ngay sau giấc ngủ êm đềm. Trở dậy làm vệ sinh, dọn giường ngăn nắp, tắt máy lạnh, tập thể dục là vừa nửa tiếng.


4:30am : Tiếng kẻng báo giờ ngồi thiền tại thất riêng. Sáng nay chưa học bài mới nên tôi ngồi theo cách riêng từng làm ờ nhà. Thường tôi dùng phép đếm hơi thở ( phép sổ tức ), cứ đếm đến một trăm rồi đếm lại cho đến khi đầu gối tê rần . Trước khi lên trường hai ngày, đầu gối bên trái  

của tôi bỗng đau nhức tưởng như muốn lỏng ra, nhất định không uống thuốc giảm đau. Bây giờ ngồi mới được 15 phút đã thầy ê ẩm tê nhức không sao chịu nổi , phải đứng dậy xoa bóp đi lại mấy lần . Nhìn đồng hồ đã 6:15 am. Sửa soạn mặc quần áo.


6:30am – 7:15am: Tiếng kẻng nhà ăn vang lên. Mở cửa đi ra gặp ông bạn cùng xe, nhìn tỉnh bơ quay đi. Mình cười thầm, nhớ ở nhà mỗi buổi sáng đi bộ gặp hàng xóm là good morning lia chia. Bốn chục thiền sinh lặng lẽ xếp hàng lấy thức ăn. Mỗi người một đĩa lớn và một chén nhỏ. Nói chung các bữa ăn sáng và trưa gồm các món chay thiên nhiên, tức là rau cỏ tươi, trái cây tươi, các loại củ, hạt , không có loại chay kiểu thịt cá giả Đài Loan. Chất bột thường là mì sợi, nui, bún, cơm nâu , cơm trắng, bánh mì toast . Gia vị dầu olive,  tiêu , tỏi có đến bảy tám loại. Tiêu chuẩn dinh dưỡng có đầy đủ chất đạm, chất đường, chất béo. 


             Ăn xong, thiền sinh có 15 phút nhâm nhi trà, cà phê. Có tới tám loại trà tha hồ chọn lựa theo sở thích. Một bàn ngồi bốn người . Tôi và ông bạn cùng xe ngồi đối diện nhưng coi như không hề quen biết. Chung quanh im phắc, chỉ có tiếng va chạm muỗng đĩa. Trong tình huống này, tôi chỉ còn nước nhắm mắt, thầm đếm số lần nhai thức ăn. Ăn trong chánh niệm. 


7:15am—8:00am : Mọi người rời phòng ăn lúc 7 :15 sau khi tự rửa đĩa bát. Tôi để ý phần lớn thiền sinh trở về thất , chỉ có chừng năm sáu vị ra đường thiền hành. Trong cả hai khu nam nữ đều có Walking Path nằm phía sau dãy phòng ngủ. Mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi trọc , màu đỏ rực, hình như đỏ hơn mặt trời miền biển. Tôi chậm rãi đếm bước thiền hành. Thường 800 bước là một vòng, tính mỗi vòng khỏang 10 phút. Đường thiền hành được thiết kế vòng vo hình số 8, trang trí bằng những khoảng vườn nhỏ với những loại cây chịu nắng như cactus, với những viên đá xếp theo chủ đề nào đó làm liên tưởng đến những vườn thiền Nhật Bản. Nhìn khung trời bao la che phủ miền đất khô cằn, tôi khởi hứng làm vài câu :

                                           Rời Bolsa náo động

                                          Về chân núi lặng im

                                          Sỏi khô và cát bỏng

                                         Vườn vắng cả bóng chim


                                        Cát khô nuôi cactus

                                        Bước thiền hành thong dong

                                       Tâm nhìn tâm, tỉnh thức

                                       Ngoại cảnh dường như không

8:00am—11:00am: Tôi đi được bốn vòng thì tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ ngồi thiền chung trong thiền đường chính. Từ đường thiền hành về đến thiền đường mất 4 phút. Thiền sinh từ các thất lục tục đi ra. Nhìn nhau không chào, quen mà như không quen, nhưng trong lòng thấy an bình êm ả. 


                  Trong thiền đường để đèn mờ, máy lạnh vừa đủ, hai bên nam nữ ai vào chỗ nấy đã định sẵn, ngồi thẳng lưng. Thầy cô từ trong bước ra ngồi trên bục cao. CD bài giảng của thiền sư Goenka được bật lên hướng dẫn kỹ thuật hành thiền. Nguyên tắc : ngồi yên không động, nhắm mắt suốt 1 giờ, cố gắng tối đa bất động. Mỗi giờ được nghỉ 5 phút về thất làm vệ sinh.


                   Trong ba ngày đầu, thiền sinh thực tập Samadhi, định tâm bằng phép Anapanasati, ý thức hơi thở ra vào. Không định tâm bằng niệm tưởng một hình ảnh, một câu kinh, một thần chú, hay lần tràng hạt. Chỉ chú ý đến hơi thở qua hai lỗ mũi, chỉ hơi thở, không gì ngoài hơi thở.  Sau hai giờ, thầy cô sẽ gọi từng tốp 5 thiền sinh lên hỏi : trong khi cố gắng định tâm anh hay chị đã để tâm lang thang đây đó bao lâu ? anh hay chị đã nhận thức những cảm giác gì nơi vùng tam giác dưới lỗ mũi và vành môi trên? Cảm giác có thể là ngứa như có muỗi đốt, tê, mỏi, nhức….

Tập trung tâm vào một vùng nhỏ như vậy để luyện sức sắc bén của ý thức. 


                   Ngày thứ tư là ngày quan trọng, bắt đầu thực tập kỹ thuật Vipassana. Nguyên tắc của kỹ thuật này là tập hướng tâm về cảm giác trên thân mà không hướng tâm về đối tượng bên ngoài gây ra cảm giác ấy, đồng thời canh chừng phản ứng của tâm đối với cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Thí dụ một người nào sỉ nhục mình. Phản ứng tức thời ( sankhara) của mình là đốp chát với người đó mà bỏ qua cảm giác khó chịu trong nội thân mình. Vipassana là phép hướng tâm vào cảm giác khó chịu ấy và giữ tâm bình thản không sinh tâm ghét bỏ đối tượng. Ý thức về cảm giác và bình tâm được ví như hai bánh xe của một cỗ xe khiến giữ tâm quân bình. 


                  Phải chấp nhận hai tiền đề  :


 a/ Mỗi khi  lòng ham muốn, ghét bỏ, oán hận, ganh ghét, trách than, sợ hãi nổi lên là tâm mất quân bình, là gây đau khổ cho chính mình trước nhất


b/ Đó là những pháp bất tịnh đưa ngay đến rối loạn hơi thở và những phản ứng sinh hóa vi tế trong cơ thể. Tâm và thân giống như hai mặt của một đồng xu. 


                  Bước khởi đầu là tập nhắm mắt quét tâm trên năm vùng cơ thể ở mặt ngoài : đỉnh đầu, khuôn mặt, cổ-ngực-bụng, gáy-sống lưng-mông, hai cánh tay và hai chân. Tác động quét tâm như vậy giống như người lính dùng máy rà mìn rà rà trên mặt đất. Rà tâm trên từng phần cơ thể để truy tầm cảm giác từ thô đến vi tế. Rà một vòng từ đỉnh đầu xuống ngón tay, ngón chân rồi đi ngước lại từ ngón chân lên đỉnh đầu. Một vòng đi về kéo dài trung bình từ 5 đến 10 phút. 


                 Bước thứ hai rà tâm vào phía trong cơ thể. Thí dụ khi rà đến ngực thì tâm di sâu vào hai lá phổi. 


                 Bước thứ ba rà rất nhanh giống như dùng gáo dội nước từ đỉnh đầu xuống ngón chân rồi quay ngược lại cũng rất nhanh. Tập quét tâm một ngày 12 tiếng như thế sẽ đến một lúc thấy một luồng tâm sáng rỡ luân lưu tự do khắp châu thân tuồng như không bị trở ngại bởi bất cứ khối đặc nào. Luồng tâm tự do ấy có tác dụng tẩy trừ hết pháp bất tịnh tức là những ô nhiễm kilesa.  

Tất nhiên khóa tu 10 ngày chưa đủ để tạo ra luồng tâm ấy. 


              Ham muốn và ghét bỏ là những sankhara ô nhiễm làm tâm mất quân bình. Cái kho sankhara trong một con người càng nhiều thì con người đó càng chịu nhiều khổ đau. Nếu luyện không phản ứng trước những cảm giác dễ chịu hay khó chịu thì dần dần những sankhara  cũ từ vô thức sẽ trồi lên mặt ý thức và tiêu biến đi . Rác trong tâm từ từ giảm đi. Vipassana giúp cho tiến trình này mau thêm. 

              Sau hai giờ thực tập quét tâm, thầy cô lại gọi thiền sinh lên hỏi anh hay chị quét được mấy vòng trong một giờ ? quét xuôi quét ngược có dễ dàng không ? Nếu chưa thỉ tiếp tục tập.


11:00am -11:45 pm : Ngồi đến giờ thứ ba tức là từ 10am trở đi, riêng tôi thấy mọi khớp xương nhức , tê, mỏi, đau muốn nhăn mặt, trong tâm chỉ mong nghe tiếng thầy cho xả thiền. Cố gắng nửa tiếng nữa, 10:30, hé mắt nhìn quanh thấy bên nam rút đi còn chừng 10 người, bên n ữ còn hơn hai mươi người. Các bà ngồi hay thật. Tôi nhè nhẹ duỗi chân xoa đầu gối một trăm lần cố ngồi cho đến khi nghe tiếng kẻng nhà ăn vào 11 am. Đúng là tiếng kẻng giải thoát khỏi khổ đau

Mỗi bữa trưa nhà ăn treo một thực đơn khác. Có ngày thiền sinh Việt được ăn chè nếp đậu đỏ, hay chè khoai phổ tai. Hóa ra có hai thiền sinh nữ cũ người Việt tình nguyện làm bếp cho khóa tu song ngữ Anh Việt. 


11:45am—1:00pm : Thiền sinh nào có câu hỏi sẽ được thầy cô giải đáp riêng từng người trong 10 phút. Nếu không, đây là giờ nghỉ ngơi trong thất. 


1:00pm—2:30pm : Tiếng kẻng 1:00pm đánh thức để ngồi thiền trong thất. Nội quy cấm thiền sinh không được đi dạo trong khuôn viên  trong giờ ngồi thiền. Tuy nhiên, dù nội quy cho phép cũng không ai muốn ra khỏi phòng vì bên ngoài nhiệt độ buổi trưa lên đến 110 F. Ngồi thiền trong thất riêng với máy lạnh thì quá sướng. Tôi tiếp tục ngồi tập quét tâm mấy chục lần cho đến khi tiếng kẻng báo giờ tập thiền chung


2:30pm—5:00pm : Lên thiền đường để nghe CD giảng của ngài Goenka.  Start again, bắt đầu lại. Nếu tự quan sát thấy tâm mình loạn động quá thì trở lại tập Anapanasati trong vòng mười phút rồi mới tiếp tục quét tâm theo Vipassana. 


5:pm—6:pm : Tiếng kẻng nhà ăn vang lên lúc 5 pm cũng là cứu tinh của kẻ khổ đau suốt một giờ rưỡi . Thiền sinh mới được ăn trái cây, chuối, cam, táo, lê, sữa, trà, cà phê. Thiền sinh cũ chỉ được uống nước chanh. 


6pm—7pm : Lên thiền đường chung tiếp tục quét tâm


7pm—8:30pm : Nghe CD hay xem Video của ngài Goenka tổng kết một ngày tu tập. 10 ngày tu thì có 10 bài tổng kết cộng thêm bài thứ 11 cuối khóa. Những bài giảng này đã được đưa lên You Tube phổ biến rộng rãi. Thiền sinh người Việt tập trung trong phòng ăn để nghe giảng bằng tiếng Việt. 


8:30pm—9:pm : Trở lại thiền đường tiếp tục thực tập. Sau 9pm ai muốn hỏi gì sẽ được thầy trả lời cho đến 9:30pm.

 

             Thế là hết một ngày. Thiền sư Goenka viết : “Càng thực tập phương pháp này, những phiền não càng mất đi nhanh chóng. Dần dần tâm ta sẽ hết ô trược và trở nên thanh tịnh. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương, một tình thương không vị kỷ đối với mọi người khác, đầy lòng từ bi về những  đau khổ, những thất bại của người khác, đầy mừng vui vì sự thành công, an lạc của người khác, đầy bình tâm trong mọi hoàn cảnh” (Tài liệu giảng dậy : Nghệ thuật Sống : Thiền Vipassana—S.N Goenka ).


             Ngày thứ mười là ngày cuối cùng của khóa tu rơi vào thứ bảy 24 tháng 8 năm 2019. Từ 8am đến 10 am thiền sinh nghe bài giảng cuối cùng về thiền Metta, tức là thiền Tâm Từ. Sau 10 ngày, ai nấy cảm thấy tâm mình quân bình hơn nhiều sau hai cuộc  giải phẫu nội tâm nội thân bằng Anapanasati và Vipassana, hướng nội tối đa, tạm buông bỏ ngoại giới. Bây giờ sắp trở về đời thường, thiền sinh phải luyện tâm từ hướng về tha nhân, san sẻ niềm vui của mình cho mọi loài chúng sinh trong ngoại giới. Sau 10 am, thiền sinh được xả trại nói chuyện với nhau tuy nhiên thời biểu tu tập vẫn như thường, chưa được trả lại điện thoại di động. 


Cảm thức Nợ Nần


                Đêm cuối cùng trong thất, nghĩ tưởng lại mười ngày qua mình thấy mình nợ tha nhân nhiếu quá. Ăn có người lo, ở đầy đủ tiện nghi, học có thầy giỏi hướng dẫn. Nếu tính theo đời thường thì mình khó mà trả được học phí nội trú.  Nhưng nguyên tắc của Ngài Goenka từ lúc bắt đầu mở trường dạy Vipassana ở Ấn Độ nửa thế kỷ trước là : sự dạy pháp là vô giá. Chỉ có sự đóng góp hoàn toàn tùy hỷ, tự nguyện từ những thiền sinh đã qua những khóa tu. Để làm gì? Để nhà trường có điều kiện tài chánh tổ chức những khóa tu miễn phí cho những lớp sau. Cứ thế tiếp tục từ khóa này qua khóa khác. Hơn nữa,  sự tình nguyện làm việc phục vụ các khóa kế tiếp còn đáng quý hơn. 


               Nhóm thiền sinh chung xe chúng tôi đều lên văn phòng góp ít nhiều vào quỹ Donation .

Tùy khả năng. 


              4:30 am sáng chủ nhật 25 tháng 8, tất cả thiền sinh lên thiền đường nghe bài giảng thứ 11 cuối khóa nhắc lại công đức của Ngài U Ba Khin và nhắn nhủ thiền sinh về nhà tiếp tục ứng dụng vào đời thường những gì đã học ở đây . Cụ thể, nếu trước kia một ngày mình dễ nổi sân mười lần mà sau khóa học mình chỉ nổi sân sáu lần thôi, thế là có tiến bộ. Nếu trước kia cơn giận của mình kéo dài mấy ngày mà sau khóa học chỉ kéo dài vài tiếng thôi, thế là có tiến bộ. Để duy trì thói quen tu tập nên ngồi thiền ở nhà mỗi ngày hai lần mỗi ngày một giờ vào buổi sáng và buổi tối theo bốn tiêu chuẩn : Sila—Samadhi—Vipassana—Metta. Nên thực tập quét tâm năm phút trước khi ngủ và sau khi thức dậy. Mỗi tuần nên ngồi thiền chung với nhiều bạn.


              Sau khi dùng bữa điểm tâm cuối cùng , các thiền sinh tự nguyện làm vệ sinh thất riêng, nhà bếp, thiền đường, các hành lang .      

      

             Xe van đã đến đón. Khi ngồi trên xe rồi tôi mới nhớ lại đầu gối của tôi hết đau sau hai ngày thực tập, không cần uống thuốc. Xin bày tỏ lòng tri ân và tạm biệt thiền viện.     

                                                                             

                                                                            

                                                                                Đào Ngọc Phong


                                                           Westminter, CA ngày 10 tháng 9 năm 2019


TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Nguồn Internet : Tiểu sử thiền sư U Ba Khin và Goenka

-Tài liệu giảng dậy tại trường

-Sách Vi Diệu Pháp—Phạm Kim Khánh dịch từ bản tiếng Anh của Narada Maha Thera—Xuất Bản : Thich Ca Thiền Viện—Riverside—California


-Sách  A Manual of Abhidhamma—Narada Maha Thera—Nhà Xuất Bản :Publication of The Buddhist Missionary Society—Kuala Lumpur-Malaysia 

                                                                                                                                                   


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
Một Thư Mời, ký tên Thầy Thích Hạnh Đạo, đề ngày 6-1-2008 nhân danh Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.