Hôm nay,  

RMS tập truyện Hoa Vông Vang của nhà văn Đỗ Tốn (DT)

26/08/201913:40:00(Xem: 4406)

 


hoavongvang_pb.jpg


Phát biểu của Trịnh Y Thư


Kính thưa quý vị và các bạn:


Thật là một vinh hạnh lớn lao cho tôi được BTC mời lên đây để thưa chuyện trước một cử tọa chọn lọc, phát biểu đôi điều về tác phẩm Hoa Vông Vang (HVV) của nhà văn DT.


Thưa quý vị:


Cũng như phần nhiều những người mê đọc sách ở thế hệ tôi, chúng tôi đã biết và đã đọc tập truyện HVV từ khi còn là một học sinh trung học tại quê nhà. Đó là một tác phẩm thuộc loại kinh điển của văn học VN thời hiện đại khi văn chương chữ quốc ngữ ở nửa đầu thế kỷ XX đã bắt đầu đặt nền móng và định hình vững chắc với những nhà văn, nhà thơ thuộc nhóm TLVD như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, v.v… và những nhà văn không ở trong TLVD như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… Cuốn HVV xuất bản lần đầu năm 1945 vào thời điểm khi TLVD đã có những dấu hiệu tan rã vì cuối năm 1940, những nhân vật cột trụ trong văn đoàn như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... bị thực dân Pháp bắt giam rồi đày lên Sơn La. Năm 1942, nhà văn Nhất Linh phải trốn sang Trung quốc, còn Thạch Lam thì mất vì bệnh lao phổi. Đó cũng là một thời kỳ biến động đầy những biến cố lịch sử trên đất nước Việt Nam nói chung. Từ khoảng năm 1937, không khí của Thế Chiến II tác động mạnh đến đời sống xã hội Việt Nam. Năm 1940, Nhật xua quân đội vào Đông Dương. Năm 1945, Nhật đầu hàng đồng minh dẫn đến vụ Việt Minh cướp chính quyền, châm ngòi cho hai cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt 30 năm sau đó trên quê hương.


Thế nhưng, mặc dù được viết giữa một bối cảnh lịch sử đầy tao loạn như thế, cuốn HVV của nhà văn DT lại gần như không có một dấu vết thời cuộc nào, mà thấm đẫm chất lãng mạn Tây học với cách nhìn phóng khoáng về cuộc sống của các nhân vật trong truyện, theo nhận định của phần nhiều các nhà phê bình và người đọc. Tuy nhiên, qua truyện ngắn Ả Hẩu, cũng in trong tập sách quý vị đang có trên tay ngày hôm nay, và nhất là qua tiểu sử của ông cũng như Hồi Ký Như Băng, người bạn đời của ông, chúng ta được biết ông đã có những hoạt động cách mạng dấn thân nhằm mục đích khôi phục nền độc lập cho nước nhà từ khi còn rất trẻ. Mặc dù nhận thức rất sớm về thực trạng đất nước không có chủ quyền, xã hội thì lạc hậu tỏa chiết lên cuộc sống của người dân, nhưng khi viết cuốn sách này, nhìn từ góc độ nghệ thuật, và dù là tác phẩm đầu tay, nhà văn DT đã dứt khoát bước ra khỏi quan điểm văn chương luận đề, vốn trì kéo văn nghiệp của Nhất Linh nhất là ở giai đoạn đầu thập niên 30. Đọc HVV chúng ta không thấy những phê phán xã hội, hoặc chính trị, hiện rõ trên trang giấy, và nếu có thì chỉ là những ẩn dụ tinh tế, nói một cách ý nhị như trong các truyện Chú tôi, Giáo huấn hay Một kiếp sống.


Tuy tác phẩm HVV không đề cập đến các biến cố lịch sử xảy ra trên đất nước VN vào thời điểm cuốn sách ra đời, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta không nhìn thấy tâm tình thương yêu của tác giả đối với quê hương ông. Ông là người yêu thiên nhiên ngay từ thuở thiếu thời, nên ông đã dành những trang viết đầy ắp tình tự quê hương dân tộc qua màu sắc, âm thanh và cảm xúc với cái hồn quê chân tình nhưng thật đẹp. Trong truyện ngắn Tình quê hương, chúng ta bắt gặp cái hồn quê đó thể hiện như sau:


Tiếng vài con ong bay trong nắng trưa và tiếng võng đưa kẽo kẹt hòa điệu cùng giọng hát ru em tự căn nhà ngang khe khẽ vẳng tới làm Ninh bỗng tần ngần đứng lại bỏ mũ ra… gió thoảng mùi đất mát. Ninh đương hưởng một cảnh gì êm ái mà chàng không thể thấy được! Chàng đưa tay rứt mấy cái lá, đứng nhìn vơ vẩn: một chút gì đẹp quá vừa thoáng qua trong lòng, trong hồn! Và hồn quê trong điệu ru, và tuổi thơ trong tiếng võng…


Những đoạn tả cảnh tả tình tuyệt vời đầy chất thơ như thế xuất hiện rất nhiều, bàng bạc trong tất cả những truyện, mà nếu không sống thật trong đó, không hòa mình thấm đẫm vào khung cảnh của bờ ruộng nương dâu thì không thể nào vẽ nên bức họa đồng quê linh động nhiều sắc màu và âm thanh như thế được. Đó là tình quê hương , thứ tình tự nhiên nơi con người ở bất cứ thời gian không gian nào, nồng nàn, đau đáu, tràn ngập trong lòng không sao ngăn cản được và chỉ chờ dịp là bùng lên như dòng nước lũ cuồn cuộn vỡ òa trong tâm tưởng. Suốt tập truyện, chúng ta bắt gặp thật nhiều những trang viết tương tự nói về cái lòng yêu quê của một chàng trai đang theo học ngoài tỉnh thành nhưng lòng dạ thương nhớ quê nhà thì lúc nào cũng bần thần nung nấu đến nỗi “đã nhiều bận giữa buổi học, bỗng thấy trống trải, lòng như thiếu thốn một cái gì, thế là chàng lại vứt sách đâm về quê.”


Có lẽ vì yêu cái đẹp hồn hậu của miền quê thôn dã nên các nhân vật nữ của DT phần nhiều là những cô gái hiền thục, đảm đang, nền nã, đoan chính, gia phong. Tuyền của Duyên số, Nhàn của Tình quê hương, Lan của Định mệnh, “người chị họ” của Điệu thu ca, thậm chí Phượng Trinh của Hoa vông vang, tất cả đều có một mẫu số chung là lãng mạn, chan chứa tình cảm, nhưng không nổi loạn và không vượt qua đường biên lễ giáo. Có lẽ ảnh hưởng của truyền thống vẫn còn mạnh mẽ ở buổi giao thời ấy khi những nhân tố cho những đổi thay mãnh liệt chỉ mới bắt rễ đâm chồi chứ chưa thật sự bung nở thành một ý thức hệ mới mẻ. Còn các chàng trai thì sôi nổi tình cảm nhưng lại rụt rè, nhút nhát, yêu nhưng chẳng dám vọng động, suồng sã vì sợ làm tan vỡ cái hình ảnh đẹp đẽ mà chàng cho là mong manh như giấc mơ hoa.


Các cuộc tình vì thế thường chẳng đi đến đâu, khi nàng lên xe hoa về nhà chồng thì chàng đau khổ buồn bã trở lại trường học với câu thơ “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” làm liều thuốc an thần. Đọc chuyện tình của DT, ngày nay không ít chúng ta chắc phải sốt ruột. Trời ơi! Yêu thì nắm tay, hôn đại đi, cô ấy không làm gì đâu, đừng sợ. Nhưng mấy lần định tỏ tình mà không dám, chàng trai lảng sang chuyện khác dù cô gái đang ngước mặt chờ đợi một câu nói tình tứ nồng nàn, nét thất vọng bỗng hiện trên mặt cô gái, cô đâm ra nghi ngờ lòng dạ chàng trai và mấy hôm sau cô nhận lời cầu hôn của một kẻ xa lạ, không hề quen biết. Đó là Đẩu và Phượng Trinh, là Ninh và Nhàn… Một ngoại lệ là Phong trong Định mệnh. Phong si mê cô em họ và anh đã không kềm nén được lòng mình để ngọn lửa yêu đương bùng cháy trong vô vọng. Kết quả như thế nào thì ít nhiều chúng ta cũng có thể đoán ra, DT đã giải quyết câu chuyện bằng cái chết bất hạnh của chàng trai.


Ngày nay chúng ta xem HVV là một tác phẩm kinh điển của văn chương VN như tôi vừa nói ban nãy. Cuốn sách đã và vẫn là chuẩn mực để tìm hiểu, học hỏi cho những ai muốn theo đuổi nghiệp văn. Sau cả ¾ thế kỷ, đọc lại, chúng ta vẫn thấy có những điều thú vị. Thú vị vì chúng ta như được nhìn ngắm lại một khung cảnh quá khứ linh động với những con người sinh sống bên trong, tuy thuộc về một không gian và thời gian xa cách nhưng lại không khác chúng ta bao nhiêu. Đó vẫn là những con người với bao khao khát và thao thức làm sao được sống một cuộc sống có ý nghĩa, được sống như một con người. Sở dĩ cuốn sách nói lên được điều đó, là vì tính nhân bản đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm.


DT không chủ trương viết văn luận đề, xã hội cũng như chính trị, ông cũng không để bất cứ một chủ thuyết nào làm chỉ đạo cho ngòi bút của ông. Đối với ông, tình cảm con người, cuộc sống con người, phải tự do, phải hòa mình với cây cỏ ngoài đồng nội, với lẽ tự nhiên của đất trời, như cái hoa vông vang chỉ tươi đẹp khi còn ở trên cây ngoài bờ bụi, tương giao với giai điệu và nhịp điệu của bản hòa tấu thiên nhiên, nó sẽ héo úa mau chóng nếu bị ngắt về làm vật trang trí bên trong căn phòng tù túng, chật hẹp. Ý thức hệ hay bất cứ một giáo điều nào cũng là căn phòng tú túng, chật hẹp cho cuộc sống con người.


Đọc HVV, tôi còn thấy một thú vị khác nữa, đó là những hình ảnh mà ngày nay không còn nữa, thí dụ như hình ảnh “Tuyền ngừng thêu nghiêng đầu đưa chiếc kim vuốt vào trong tóc để lấy dầu trơn… ” trong truyện Duyên số. Hoặc những từ bây giờ không thấy trên sách vở hay đối thoại hằng ngày như động từ “khíu” hay danh từ “lao màn”,  “tăm bông”, “guốc phi mã gót cao”, v.v… Tôi cũng phát hiện ra “bánh dầy để quá ngày, khô, ăn mát và bùi lắm.”


Văn hào Nhất Linh bảo, “DT viết bằng cảm giác nhiều hơn là bằng ý nghĩ.” Nhận xét này của ông đáng cho chúng ta suy ngẫm. Viết bằng cảm giác tức là viết bằng con tim trực quan, còn viết bằng ý nghĩ là viết bằng lý trí suy luận. Nói cách khác, DT khi viết những truyện ngắn này đã đem tâm hồn của mình thể hiện lên tác phẩm, ông dàn trải gần như tất cả những ngõ ngách tâm hồn mình lên trang viết.


Đọc văn chương, hoặc thưởng ngoạn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, âm nhạc cũng như hội họa, chúng ta không tìm kiếm những tình tiết, chi tiết có tính thông tin hay lịch sử. Chúng ta đọc, xem, nghe “cái hồn” của người nghệ sĩ sáng tạo ẩn nấp đâu đó đằng sau tác phẩm. Văn nghệ sĩ là người phơi trải một cách tha thiết và chân thật cái phần tinh hoa của tâm hồn mình như một con người, và trải nghiệm đời sống, xấu cũng như tốt, của chính mình như một kẻ đồng loại. Nhà văn Pháp thế kỷ XIX Gustave Flaubert bảo ông viết văn vì ông muốn “đi vào linh hồn của sự vật,” nhưng chúng ta phải hiểu là nếu dưới ngòi bút của ông, sự vật như có linh hồn và cái linh hồn đó trở nên sống động, linh hóa thì chẳng qua đấy chính là do tâm hồn nhà văn thổi vào. Gần gũi với chúng ta hơn, nhà văn Võ Phiến cũng có nhận định tương tự khi ông bảo “… Mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.” Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc. “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.”


Cũng theo nhà văn Nhất Linh, cuốn HVV chất chứa tâm hồn người sáng tạo ra nó, trong bài Tựa cuốn sách ông viết như sau về cái tâm hồn đó: “… một tâm hồn lúc nào cũng sẵn sàng rung động như tâm hồn một nghệ sĩ đa cảm bỡ ngỡ đứng trước một cuộc đời muôn màu đẹp vừa hé mở ra trước mắt.” Và chính nhà văn DT cũng đã thú nhận trong “Thư ngỏ” gửi người anh ở trang đầu tập sách: “… lớn lên giữa nơi núi đồi khoáng đạt, lòng trai khao khát xa lạ, mê say nguy hiểm, luôn luôn em như nghe tiếng gọi của đời phiêu bạt… hơn nữa, em còn nghe rất nhiều: mầu tươi nét đẹp, một tiếng chim lạ kêu hót cũng gợi nhắc cho em những cảnh đâu đâu…”


Đó chính là tâm hồn một nghệ sĩ.


Sỡ dĩ tập truyện HVV của nhà văn DT cho đến ngày nay vẫn có người đọc là vì cuốn sách có một linh hồn. Nó chính là tâm hồn của nhà văn hiển hiện trên từng trang viết và thổi cảm xúc vào  tâm hồn người đọc chúng ta.


Xin thành thật cám ơn quý vị và các bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.