Hôm nay,  

LỜI GIỚI THIỆU “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

21/07/201918:48:00(Xem: 3058)

LỜI GIỚI THIỆU

“Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

 

 

Nguyễn Lương Vỵ

  

blank 

Nguyễn Lương Nhựt (NLN), sinh ngày 01.07.1954. Nguyên quán: Xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

. Là con trai thứ hai trong một gia đình gồm 5 anh em (4 nam, 1 nữ).

. Nguyên cựu học sinh trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ).

. Tốt nghiệp sĩ quan, trường bộ binh Thủ Đức (khóa 7/73), cấp bậc chuẩn úy       QL/VNCH, đóng quân tại sư đoàn 7 bộ binh cho đến ngày 30.04.1975.

. Giáo viên cấp 1 (từ 1976).

. Bệnh nhân tâm thần phân liệt từ tháng 8.1978 cho đến ngày từ trần 30.12.2013, hưởng thọ 60 tuổi.

NLN đã lập gia đình với cô giáo cấp 1 Nguyễn Thị Vui, sinh hạ được 2 người con (1 trai, Nguyễn Lương Nhựt Quang - 1 gái, Nguyễn Nguyệt Vương) nay đã trưởng thành.

*

Thuở thiếu thời, NLN là một đứa trẻ nhút nhát, chậm chạp, ít nói. Đến khi lên bậc trung học (cấp 2, cấp 3 ngày nay) NLN dần dần thay đổi tính tình, mạnh dạn hơn, nhất là khi học hết bậc trung học đệ nhất cấp (cấp 2 ngày nay) mới lên lớp đệ Tam (đầu cấp 3, lớp 10 ngày nay) NLN đã bộc lộ năng khiếu văn thơ. Tuy có tư chất thông minh, trí nhớ tốt, nhưng NLN lười học, thích suy nghĩ những chuyện khác thường, khác người, nhất là những chuyện tâm linh huyền bí siêu nhiên. NLN đã theo học thần quyền, mật tông Phật giáo từ rất sớm (16, 17 tuổi). Phải chăng đây là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tâm thần phân liệt còn đang tiềm ẩn?!

 

Sau 30.04.1975, do phải đối mặt với nhiều nghịch cảnh, xáo trộn xã hội, cộng với bản tính ít nói, khép kín nội tâm, cuộc sống rất cơ cực, NLN đã rơi vào trạng thái trầm cảm, hoang tưởng, dẫn đến những cơn kích động tâm thần phân liệt, bộc phát khá nặng từ tháng 6.1978.

 

NLN đã được gia đình đưa đi điều trị tại các bệnh viện Nguyễn Trãi (Sài Gòn, 06.1980), bệnh viện tậm thần Biên Hòa (Đồng Nai, 09.1981), bệnh viện tâm thần Hòa Khánh (Đà Nẵng, 10.1983). Tổng thời gian điều trị nội trú tại các bệnh viện trên là hơn 6 năm, chưa kể thời gian điều trị ngắn hạn nhiều lần ở bệnh viện tâm thần Tam Kỳ (xin đọc thêm bài viết của bác sĩ Lê Đình Đại ở cuối sách). Tổng thời gian thọ bệnh là gần 35 năm cho đến ngày từ trần.

*

Sách “Di Cảo Thơ” của NLN gồm 3 tập thơ:

1. 100 Bài Thơ Điên (1987 – 2007).

2.  Cỏn Con (1988 – 2008) gồm 68 bài thơ.

3.  Góp Nhỏ, gồm 60 bài thơ (không thấy ghi thời gian sáng tác).

 

Và 9 bài thơ lẻ, được chọn lọc trong khoảng trên 20 bài thơ không nằm trong tập thơ nào.

 

Tổng cộng có 237 bài thơ trong Di Cảo.

 

Đây là số lượng thơ khá nhiều và hiếm đối với một bệnh nhân tâm thần phân liệt làm thơ ở Việt Nam (trường hợp nhà thơ Bùi Giáng và nhà văn Nguiễn Ngu Í thì khác: Hai vị nầy vào bệnh viện tâm thần rất ít, chỉ ở ngoài làm việc, sáng tác, rong chơi. Đến khi nào bệnh tái phát thì mới vào bệnh viện tĩnh dưỡng một vài tháng rồi về nhà).

 

Về hình thức, thơ NLN phần lớn  được viết theo thể thơ 4 câu (5 chữ, 7 chữ, lục bát) theo kiểu thi pháp truyền thống.

 

Ngôn ngữ thơ của NLN giản dị, bình dân. Sử dụng từ ngữ khá điêu luyện.

 

Nội dung thơ của NLN đa dạng phong phú. Độc đáo nhất là tập thơ “100 Bài Thơ Điên”: NLN mô tả đủ kiểu “điên” giúp cho người đọc có thể hình dung được thân phận bi đát, đáng thương của những bệnh nhân tâm thần. Bệnh viện tâm thần cũng là chốn “địa ngục trần gian”, nơi những người điên, tức những bệnh nhân tâm thần đã và đang trú ngụ. Đủ kiểu “điên” trong chừng mực nào đó, còn mang tính ẩn dụ, làm cho người đọc vừa chua xót ngậm ngùi, vừa giật mình tự hỏi: Phải chăng con người trong cõi nhân sinh nầy đều điên hết, không chừa một ai (?) như nhận định của Blaise Pascal (1623 – 1662) triết gia người Pháp:“Người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một lối khác”(Les hommes sont si nécessairement fous, que ce serait être fou par un autre tour de folie, de n’être pas fou.) (Trích từ Lời Tựa của Bùi Giáng trong tác phẩm Mùi Hương Xuân Sắc của Gérard de Nerval - Bùi Giáng dịch).
 

Điên theo nghĩa bệnh lý y học và điên theo nghĩa triết học đều cho chúng ta một suy nghĩ bi đát, một định nghiệp tất nhiên của kiếp người?! Hỏi tức là trả lời rồi vậy!!!

2 tập thơ “Cỏn Con”, “Góp Nhỏ” thể hiện cảm xúc, suy tưởng, hồi tưởng, tự sự về bản thân, tưởng nhớ người thân và những chuyện thế thái nhân tình. Một số bài thơ thấm đẫm hương vị thiền của Phật pháp khá sâu sắc. Trong 9 bài thơ rời, đáng chú ý nhất là bài thơ “Nhất Diễn Phú”, thể hiện tài năng của NLN trong việc sử dụng từ ngữ khá linh hoạt, bản lĩnh, nhất là đối với thể “Phú”, một thể loại thi pháp cổ điển rất khó viết.

Một bệnh nhân tâm thần phân liệt đã bị đày đọa cả thể xác và tinh thần, phải hứng chịu nhiều nghịch cảnh trong đời sống, tưởng rằng NLN đã sớm gục ngã, nhưng với nghị lực phi thường của bản thân cùng với tình thương sâu đậm của gia đình, NLN chẳng những đã kiên cường “trụ thế” thêm gần 35 năm, mà còn là một nhà thơ “điên” đáng nể trọng. NLN cần cù và liên tục làm thơ, luôn xem thơ là người bạn tri kỷ, là bổn mệnh, là nguồn động viên an ủi lớn nhất đối với mình.

Vì vậy, chưa cần bàn đến giá trị văn chương trong thơ NLN như thế nào, nhưng giá trị nhân văn trong thơ NLN là điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Chính vì tình yêu thơ một cách miên mật, tận hiến lạ thường của nhà thơ “điên” NLN, khiến cho thơ đã có cảm ứng, cảm động phản hồi, cứu rỗi nhà thơ “điên” NLN vượt qua được những khốn khó, bi kịch bản thân một cách không thể nghĩ bàn.

  

Thật đáng quý trọng xiết bao!!!

 

*

 

Chú Hai Nhựt thương nhớ,

 

Anh Cả Vỵ của chú đây,

 

Tập sách Di Cảo Thơ của chú, lẽ ra phải được hoàn tất vào cuối năm 2017 để kỷ niệm lần giỗ thứ 5 của chú như tâm nguyện của anh.

 

Nhưng rất tiếc, công việc đang dở dang nửa chừng thì cuối năm 2017, anh bị đột quỵ, phải nhập viện ngay để mổ tim, bác sĩ đã gắn 4 cái “by pass” trong tim anh. Rất may mắn, trái tim anh đã “vui trở lại”, anh đã thoát chết một cách diệu kỳ! Trải qua 2 lần đại phẩu thuật (1 lần 6 giờ, 1 lần 8 giờ) và 2 lần bị nhiễm trùng, tổng cộng thời gian hơn một năm điều trị, nay sức khỏe của anh mới dần dần hồi phục (tuy vẫn còn yếu, khi đi phải chống gậy), nhưng anh đã tập làm việc trở lại.

 

Công việc đầu tiên của anh là: Tập trung hoàn thành sách Di Cảo Thơ của chú. Anh rất hy vọng và cầu mong chú đang ở đâu đó sẽ rất hoan hỉ nở một nụ cười hài lòng và mãn nguyện. Anh vừa đánh máy, vừa đọc lại thơ của chú, tưởng như chú đang còn ở quanh đây, bên cạnh anh. Rất ấm lòng và rất cảm động về tình cốt nhục thiêng liêng của anh em mình.

 

Ký ức về thời thơ ấu của anh em mình vẫn còn hiện rõ trong tâm trí anh như những thước phim sinh động quay chậm:  

 

Đã gần 60 năm rồi, ở quê nhà, lúc đó chú khoảng 6, 7 tuổi, anh khoảng 8, 9 tuổi. Chiều nào cũng vậy, anh hay cõng chú qua vườn nhà ông hai Ngọc chơi (nhà ông ấy chỉ cách nhà mình một cái lũy tre, nhưng anh phải cõng chú vòng ra đường cái). Chú còn yếu ớt chậm chạp, hiền khô, thích ngồi một mình vọc đất chơi, còn anh thì mê đá bóng với lũ bạn trong xóm (quả bóng là bẹ chuối khô được quấn tròn lại, đá rất ê bàn chân nhưng vẫn ham đá!) Cho đến khi chiều tắt nắng, anh lại cõng chú trở về nhà, ra giếng tắm rửa rồi vào ăn cơm tối…

 

Cứ thế, cứ thế, thước phim quá khứ quay đều, quay chậm rất nhiều kỷ niệm không kể xiết.

 

Anh em mình mồ côi cha rất sớm (lúc đó anh mới hơn 13 tuổi). Anh phải xa nhà, tự lập thân rất sớm nơi đất khách quê người để tiếp tục việc học (Đà Nẵng, Qui Nhơn, Sài Gòn). Kỷ niệm đáng nhớ nhất là đầu năm 1973, anh em mình gặp nhau ở Sài Gòn: Lúc đó, anh là sinh viên đại học năm thứ 3, chú là sinh viên sĩ quan khóa 7/73 trường bộ binh Thủ Đức. Tuần nào chú có phép là về thăm anh, cà phê cà pháo tâm tình, rồi về căn gác trọ của anh chơi cờ tướng, hay thức khuya chuyện vãn, nhắc nhớ về mẹ, về các em ở quê nhà. Chú ra trường, đóng quân ở sư đoàn 7 bộ binh dưới miền Tây, anh em thỉnh thoảng vài ba tháng mới gặp nhau.

 

Sau 30.04.1975, xã hội còn nhiễu nhương, vật đổi sao dời, anh ở lại Sài Gòn, chú trở về quê nhà.

 

Tháng 8.1978, lúc anh lập gia đình ở Sài Gòn, thì ở quê nhà, chú ngã bệnh mà anh nào hay biết!

 

Tháng 6.1980, má và chú ba Đức đưa chú vào Sài Gòn. Anh đưa chú vào điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi (6 tháng). Sau đó vào bệnh viện Biên Hòa (hơn 2 năm).

 

Giữa năm 1983, chú về quê và ra Đà Nẵng điều trị tiếp tại bệnh viện Hòa Khánh (3 năm 6 tháng) chưa kể khi chú trở lại quê nhà, đi cấp cứu và điều trị ngắn hạn tại bệnh viện Tam Kỳ khá nhiều lần.

 

Tháng 6.1993, anh từ Sài Gòn về thăm quê nhà, được chú cho đọc một số bài thơ trong tập thơ “100 Bài Thơ Điên” đang viết dở dang. Anh rất bất ngờ và cảm động, viết tặng ngay chú bài “Thơ Tốc Hành”. Chú cảm khái, gật gù, pha trà rồi đốt thuốc nhìn anh mỉm cười rất vui, rất đã:

 

THƠ TỐC HÀNH

Tặng em Nguyễn Lương Nhựt

 

Em phóng thơ tốc hành bằng trái tim ngoại thế

Của cơn-điên-hài-nhi-quỷ-dị-thánh-thần

Cơn phân liệt nghe đất trời sấm chẻ

Nghe các bậc tiên hiền thở nhẹ dưới bàn chân

 

Anh em mình có một thời mất máu

Một thời cùng đinh sát đáy cuộc đời

Thân lơ láo mà hồn thì ngún lửa

Giấc ly hương mơ mồ mả ông bà

 

Anh em mình có một thời rát cổ

Gào thiên thu tru vạn kiếp sao đành

Những người mẹ những người cha thống khổ

Những bờ tre những bụi cỏ điêu linh

 

Em điên ư?! Sao em còn giọt lệ

Em điên ư?! Hay tiếng thét đất trời

Hay nghiệp chướng trần gian hay có lẽ

Phía sau lưng niềm bí mật kinh người!

 

Thơ tốc hành xuyên ngang qua tim ta

Trái tim đỏ của một người trần tục

Ta tỉnh ư?! Sao ta ngồi đấm ngực

Ta tỉnh ư?! Sao ta lại khóc òa

 

Thơ tốc hành không dành riêng cho em

Bởi thời đại người-ma đầy mặt đất

Bởi sống chết không là gì sất

Cõi bờ kia trăng lửng bóng qua thềm…

 

Tháng 7.2012, anh từ Mỹ về thăm quê nhà, gặp chú lần cuối cùng. Lúc đó, chú đã trở bệnh rất nặng sau cú đột quỵ té sấp ngoài đường. Anh em gặp nhau, chỉ còn biết nhìn nhau mà nghẹn lời!!!

 

Chú mất ngày 30.12.2013. Anh không kịp về dự đám tang chú!

 

Tháng 1.2014, anh từ Mỹ trở về thắp nhang và ngồi bên mộ chú.

 

Sinh tử phù vân, cuộc đời giống như một giấc mộng!!!

 

HÁT KHẼ BÊN MỒ

Tưởng nhớ em Nguyễn Lương Nhựt

 

I.

 

Về đứng bên mồ em 
Hình như em đi vắng 
Hình như bông huệ trắng 
Đang gọi bóng mây xa 
Hình như trưa vút qua 
Hình như thây ma khóc 
Dưới mồ chưa khô tóc 
Trên đời chưa phai màu 
Á đù em đi đâu 
Á đù vang tiếng hú 
Cơn điên vô sở trú 
Cơn điên vô sở cầu 
Câu thơ bầm huyết đau 
Câu thơ trào huyết nhớ 
Mồ còn xanh hơi thở 
Trưa còn xanh chiêm bao 
Mây trắng bay trên cao 
Hay em là mây trắng?! 
Cơn điên gào thinh vắng 
Cơn điên gào đời điên . . .

 

 

II.

 

 

Về đứng bên mồ em 
Nắng rền trên lá cỏ 
Nghĩa địa rền ngất gió 
Vút cánh én kêu thương 
Lập xuân trên đồi nương 
Con bò già chớp mắt 
Vườn xưa chưa kịp nhặt 
Tiếng khóc thuở ban đầu 
Á đù âm trời sâu 
Á đù đời lạnh cóng 
Tuổi thơ cha khuất bóng 
Tuổi già mẹ khóc con 
Ta gặm câu thơ mòn 
Chữ vô hồn vô nghĩa 
Khói nhang rưng mộ địa 
Em bay đi xa rồi 
Trời đất vốn mồ côi 
Vốn mịt mù huyễn mộng 
Tiếng ma tru bi thống 
Hay tiếng em gọi ta?!

 

 

III.

 

 

Về đứng bên mồ ma 
Đáp lời sau tiếng gọi: 
Điêu linh trọn một gói 
Em mang theo cho vui 
Kiếp người trọn một nùi 
Em mang theo đỡ nhớ 
Trời cao kia ấm ớ 
Đất thấp kia ỡm ờ 
Á đù đời bơ vơ 
Á đù người với ngợm 
Khóc em lệ chẳng rớm 
Mà sao đắng hết lời 
Mà sao khô hết môi 
Cúi đầu nghe cỏ hát 
Hăm mốt ngày thịt nát 
Ba lăm năm điên tàn 
Điên vì thời dã man 
Điên vì bầy chủ nghĩa 
Xoa mồ em hú vía 
Chúc em bay thật xa . . .

 

Quán Rường, 21.01.2014 
(Cúng thất 21 ngày, em Nguyễn Lương Nhựt)

 

Chú Hai Nhựt thương nhớ,

 

Anh đang ngồi đọc thơ chú đây. Anh đọc chẫm rãi, từ từ để soi tâm hồn mình trong thơ của chú. Những bài thơ trong vắt trong veo, chân thành, dung dị mà cảm động biết dường nào. Thơ của một người điên mà chẳng điên chút nào, xuyên thấu tâm hồn anh. Thơ của một người điên mà là thơ chánh hiệu con nai vàng, thơ thứ thiệt một ngàn phần trăm, không giả hình giả tướng, không ồn ào khoe mẻ ta đây trí thức trí ngủ, văn nghệ văn gừng, kịch cỡm lăng nhăng ba trợn đang đầy rẫy trong thời đại ma nghiệt nấy. Anh không bình thơ, ngợi khen thơ chú mà nâng niu, trân trọng từng bài thơ, đánh máy kỷ càng, cố gắng tối đa không để sai sót một câu, một chữ, một dấu chính tả để “trình làng” cho bằng hữu, thân quyến xa gần của chú cùng đọc, cùng thưởng thức, cùng tưởng nhớ chú.

 

Anh tin, chú sẽ rất hài lòng và nở nụ cười hoan hỉ trong cõi hư không.

 

Vậy đi nhé! Chú Hai Nhựt của anh!!!

 

Calif. Westminster, Jun 20.2019

 

GHI CHÚ: Tập thơ “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt vừa được nhà xuất bản Sống phát hành. Dày 206 trang. Đánh máy bản thảo: Nguyễn Lương Vỵ. Trình bày bìa & trang trong: Lê Giang Trần. Tìm mua, xin liên lạc: nhaxuatbansong@gmail.com hay luongvynguyen2@gmail.com

 

Đọc thêm:

Lê Giang Trần -- LỜI BẠT “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

https://vietbao.com/a296737/loi-bat-di-cao-tho-1987-2009-cua-nguyen-luong-nhut

 

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.